hồi thứ mười hai
Tác giả: Khuyết Danh
Bấy giờ Hàng Kỳ đang làm Lại bộ thượng thư, là một vị trung thần, tuổi đã sáu mươi, đêm ấy ra sau vườn xem trang, thấy sao Võ khúc chói sáng thì biết có Võ tướng quân ra đời. Trong lúc đang suy nghĩ thì trên cây đại thọ có nhánh động, rồi một bóng người còn nhỏ tuổi từ trên lao xuống.
Hàng Kỳ hỏi:
- Ngươi là ai? Sao đêm khuya dám xông vào vườn ta?
Địch Thanh nghe hỏi vội vã quỳ xuống thưa:
- Tôi là Sơn Tây, người ở Sơn Tây vì lánh nạn xin đại nhân cứu tôi làm phước.
Hàng Kỳ hỏi:
- Ngươi bị nạn chi?
Địch Thanh thuật hết câu chuyện từ khi giết được ngựa dữ đến việc Tôn Tú muốn hại mình cho Hàng Kỳ nghe.
Hàng Kỳ nói:
- Té ra ngươi là người bị Tôn Tú chém lúc trước nhờ có ngũ vị phan vương xin đó phải không?
Địch Thanh thưa:
- Phải.
Hàng Kỳ hỏi:
- Ngươi ở Sơn Tây, vậy cha ngươi tên gì?
Địch Thanh thưa:
- Cha tôi tên là Địch Quảng làm tổng binh tại Thái Nguyện, còn ông tôi là Địch Ngươn.
Hàng Kỳ nghe nói mừng rỡ, liền bảo:
- Trước kia ông thân của cháu còn ở tại triều có kết nghĩa với chú, tình ý rất hợp nhau như ruột thịt. Đến sau cha cháu ra trấn nhậm Thái Nguyên thì đường sá xa xôi, tin tức vắng bặt. Sau đó chú lại nghe tỉnh Sơn Tây bị lụt, chắc là cả nhà không còn. Đến nay, trời sau cháu đến đấy khiến chú rất mừng. vậy cháu hãy ở lại đây nương náu chờ thơi, đặng kiến công lập nghiệp.
Địch Thanh nghe nói liền cúi đầu lạy Hàng Kỳ.
Hàng Kỳ đỡ dậy nói:
- Từ nay cháu cứ gọi bằng chú mà thôi.
Địch Thanh vâng lời, từ ấy ở tại nhà Hàng Kỳ mà ẩn mặt.
Còn Lý Kế Anh thấy Địch Thanh đã leo qua vách rồi liền trở lại thưa với Bàng Hồng rằng:
- Tôi đã dụ Địch Thanh uống rượu say mèm rồi, xin thái sư cho tôi một cây long tuyền kiếm đặng tôi lấy đầu nó cho rồi.
Bàng Hồng nói:
- Vậy nhà ngươi rán mà giữ mình kẻo nó mạnh lắm.
Lý Kế Anh vâng dạ ra đi.
Bấy giờ đã canh ba, quân sĩ thâý Lý Kế Anh cầm long tuyền kiếm nên không ai dám hỏi han gì hết.
Hôm sau Bàng Hồng thấy Lý Kế Anh không trở lại báo tin nên hõi bọn gia nhân thì được biết Địch Thanh và Lý Kế Anh đã bỏ trốn mất rồi.
Bàng Hồng nổi giận một mặt sai bốn mươi tên quân đi tìm kiếm, một mặt sai chặt cây cổ thụ bên tường, vì nghĩ rằng Địch Thanh trốn được là nhờ cây cổ thụ ấy.
Còn Tôn Tú nghe tin Địch Thanh bỏ trốn rồi thì cả giận, cùng với Bàng Hồng điểm ba ngàn quân đến bao vây nhà Hàng Kỳ, cố lục soát tìm bắt Địch Thanh.
Gia nhân hay tin lật đật vào báo với Hàng Kỳ.
Hàng Kỳ cười lớn nói:
- Loài gian tặc làm nhiều điều ngang ngược như vậy.
Địch Thanh thưa:
- Xin để cháu ra trừ loài gian tặc cho.
Hàng Kỳ nói:
- Không nên! Cháu hãy nghe chú leo lên lầu xem sách mà ẩn mình thì tiện hơn. Lầu này là của tiên đế lập cho chú xem sách, bên ngoài có tấm bảng cấm, không ai được lên trên lầu ấy. Nếu nó xét nội nhà mà không thấy cháu thì nó phải ra đi, không dám xét đến lầu đó.
Nói rồi dẫn Địch Thanh lên lầu, đóng cửa lại. Lúc Hàng Kỳ bước trở xuống thì đã gặp Bàng Hồng bước vào nhà. Hàng Kỳ thi lễ xong mời ngồi và hỏi:
- Vả tôi là người vô tội sao thái sư dẫn quân đến xét dinh tôi.
Bàng Hồng nói:
- Có Địch Thanh trốn trong dinh ngài xin bảo nó ra, nếu dấu e khó lòng cho ngài đó.
Hàng Kỳ nói:
- Té ra ngài muốn kiếm Địch Thanh sao? Nào tôi có biết Địch Thanh là người thế nào đâu? Thôi! Mặc cho ngài muốn kiếm thì kiếm, không can chi.
Bàng Hồng nghe nói liền khiến quân lục soát khắp nội dinh, nhưng không có. Bàng Hồng nghi Địch Thanh trốn trong Ngự thơ lầu, nhưng không dám lên.
Hàng Kỳ thấy vậy nói với Bàng Hồng:
- Công trình ngài đem quân đến đây mà không kiếm được Địch Thanh, thật là uổng công của ngài lắm.
Bàng Hồng nghe mấy lời xiên xỏ của Hàng Kỳ thì giận lắm, song không nói gì được, bèn khiến quân canh giữ Ngự thơ lầu rồi rút quân trở về dinh.
Hàng Kỳ thấy Bàng Hồng đi rồi thì vỗ tay cười lớn, mắng:
- Gian tặc! Ngươi đã tìm không ra Địch Thanh thì thôi, sao còn bày đặt sai quân canh giữ thơ lầu làm chi cho uổng công như vậy.
Từ ấy Hàng Kỳ cứ dấu Địch Thanh trên Ngự thơ lầu, mỗi ngày cho người đem cơm cho Địch Thanh ăn mà thôi.
Nhắc lại việc Tịnh Sơn vương trao cây kim đao sai Địch Thanh đi giết Tôn Tú, nhưng hôm sau lúc đi chầu về không thấy Địch Thanh trở lại thì gọi Lưu Văn và Lý Tuấn đến hỏi. Hai người thuật chuyện Địch Thanh trừ được ngựa dữ bỏ quên kim đao ngoài quán và đi theo theo gia đinh của Bàng Hồng cho Tịnh Sơn vương nghe. Tịnh Sơn vương than:
- Địch Thanh là người hữu dõng vô mưu.
Nhắc lại việc Lý Kế Anh khi ra khỏi thành thì sợ Bàng Hồng cho quân theo bắt, nên không dám đi đại lộ cứ theo tiểu lộ mà đi. Đến trưa thấy đói bụng bèn vào quán ăn cơm.
Trong lúc ăn cơm thấy có hai tên gia đinh của Bàng Hồng kéo đến là Bàng Hưng và Bàng Hỷ.
Hai người vào quán nói với Lý Kế Anh:
- Sao ngươi thả Địch Thanh làm chi mà phải bỏ trốn như vậy? Nau thái sư dạy hai ta đến bắt ngươi, vậy ngươi phải trở về mà chịu tội.
Lý Kế Anh nói:
- Không! Ta không trở về đâu.
Bàng Hưng nói:
- Sao vậy?
Lý Kế Anh nói:
- Lâu nay tôi ở với thái sư không phạm điều chi lầm lỗi, vừa rồi tôi cứu Địch Thanh là trả lại ơn xưa, đền đáp nghĩa tình. Nếu tôi trở về thì chắc phải chết. Vậy hai anh ngồi đây uống rượu rồi trở về nói với Bàng thái sư là không gặp tôi.
Bàng Hỷ nói:
- Nếu ngươi không về thì chúng ta phải ra tay.
Nói rồi áp lại bắt Lý Kế Anh, bị Kế Anh đánh cho mỗi người một đá nhào lăn.
Chủ quán thấy vậy can:
- Ba anh em quen thuộc với nhau, sao lại làm như vậy.
Lý Kế Anh nói:
- Nếu chúng nó bắt tôi về thì tôi phải giết chúng nó không thể nhịn được.
Chủ quán nói:
- Thôi! Ba anh em ngồi lại ăn uống cho vui, đừng đánh nhau nữa.
Bàng Hưng, Bàng Hỷ biết đánh không lại Lý Kế Anh nên phải làm lành, cùng ngồi lại ăn uống.
Bàng Hưng nói:
- Lý huynh không về thì thôi, chúng tôi phải về thưa lại với Bàng thái sư.
Lý Kế Anh cười nói:
- Phải chi lúc nãy hai anh nói như vậy thì tôi đâu có đánh làm chi. Nay Bàng Hồng là một đứa nịnh thần, chẳng sớm thì muộn cũng mang họa. Tôi tưởng chúng ta ở với nó cũng chẳng ra chi, nên bỏ trốn tìm chỗ khác mà làm ăn thì khá hơn.
Bàng Hưng, Bàng Hỷ nói:
- Chúng tôi cũng muốn như vậy, song trong lưng không có tiền biết lấy chi làm lộ phí.
Lý Kế Anh nói:
- Nếu hai anh chịu đi thì mọi chi phí dọc đường từ đây về Sơn Tây tôi chịu cho.
Bàng Hưng, Bàng Hỷ mừng rỡ, theo Lý Kế Anh trở về Sơn Tây.
Dọc đường khi đi ngang qua núi Thiên Cái sơn bị mấy tên lâu la ra đón đường, ba người đánh bọn lâu la chạy hết rồi chiếm cứ hòn núi ấy mà ở.
(Nguyên núi này trước kia là chỗ của Trương Trung, Lý Nghĩa chiếm cứ, nay hai anh mắc đi Biện Kinh đã hơn hai tháng mà không thấy về, nay bị Lý Kế Anh chiếm đoạt).
Bấy giờ Lộ Huê vương là Triệu Bích vào cung hầu mẹ là Địch thái hậu, thấy Địch thái hậu có sắc buồn thì hỏi:
- Hôm nay sao mẹ buồn bã vậy?
Địch thái hậu nói:
- Đêm hôm mẹ nằm chiêm bao thấy một điềm rất lạ.
Lộ Huê vương hỏi:
- Chẳng hay điềm ấy như thế nào?
Địch thái hậu nói:
- Mẹ thấy mẹ ăn tiệc, đang cầm một miếng chả, thì trong miếng chả ấy có một cái xương. Xương ấy đụng nhằm mẹ, máu chảy ra dính vào miếng chả thì miếng chả ấy liền lại như cũ. Khi ấy mẹ giật mình thức dậy không rõ điềm dữ hay lành.
Lộ Huê vương nói:
- Xin mẹ chớ buồn, để con mời người biết giải mộng đến đây mà giải thì rõ.
Nói rồi lui ra truyền nội giám đi triệu Bao Chuẩn và Hàng Kỳ vào ra mắt.
Lộ Huê vương thuật lại điềm chiêm bao của Địch thái hậu.
Hàng Kỳ nói:
- Điềm ấy rất tốt, có xương có thịt là điềm cốt nhục tương phùng.
Lộ Huê vương hỏi:
- Chừng nào mới gặp?
Hàng Kỳ thưa:
- Nội đêm nay thì gặp.
Lộ Huê vương nói:
- Nếu quả như vậy, thiệt đáng khen cho Thượng thơ lắm.
Hàng Kỳ thưa:
- Tôi cứ theo lý mà đoán, không chắc là lầm.
Lộ Huê vương nói:
- Bao phủ doãn công việc nhiều lắm, thôi hãy về đi, còn Hàng lại bộ thì ở lại đây đặng vào ra mắt mẹ ta mà giải điềm cho mẹ ta rõ.
Hàng Kỳ tuân lệnh ở lại vào ra mắt Địch thái hậu.
Lời bàn:
- Thù hận là nền móng gây ra biến loạn trong xã hội, nhưng thù hận bao giờ cũng bắt nguồn từ tham vọng con người. Kẻ nào tước đoạt quyền lợi của mình thì kẻ ấy sẽ bị mang thù hận đối với những kẻ tham vọng. Tham vọng cá nhân gây thù hận từ cá nhân đến tập thể và kéo theo những hành động bỉ ổi không thể lường trước được.
Trong cuộc sống con người, những kẻ vị tha không bao giờ rước thù hận vào người, còn kẻ vị kỷ thì luôn luôn thù oán hết người này đến người khác.
Đã thù hận với người khác thì tất nhiên cũng bị thù hận do kẻ khác đối với mình, cứ thế tiếp diễn mãi không thể cởi bỏ được.
Hãy đem cuộc sống mình phụng sự cho cái chung, đừng vì quyền lợi riêng tư mà tạo nên cừu hận. Đó là lẽ sống tốt nhất và cao cả nhất.Tuy vậy, ít ai làm được việc ấy.