Chương 12
Tác giả: Lương Tố Nga
Hè đã đến. Tôi càng có nhiều thời gian để buồn. Biết bao nhiêu lần tôi nghiền ngẫm mãi nỗi cô đơn của mình.
Nhiều đêm, trong bóng tôi, tôi vẫn tự hỏi: Tại sao những kẻ tôi yêu thương nhất và biết yêu thương tôi nhất thì lại không được ở bên cạnh tôi mãi mãi? Tại sao tôi luôn luôn phải chảy nước mắt cho những người tôi yêu dấu?
Thằng Tý Cồ chết, tôi đổi tính, đổi nết. Nhưng không có nghĩa là tôi bớt "hoang đàng chi địa" như lời ba tôi mắng, mà là tôi trầm tính hẳn đi, thật ra, chỉ để thương nhớ về thằng bạn tôi mà thôi.
Tưởng có thể dạy bảo tôi được rồi, ba tôi cho tiền đi học hè. Nhưng tôi thủ tiền vô túi, đi lang thang khắp nơi, dọc đường Nam Giao, lên chùa Từ Ðàm, về chùa Bảo Quốc, qua cầu Lò Rèn...chỉ có khu vực ga là tôi không hề đặt chân tới. Lũ trẻ nơi đây không giống hai chúng tôi. Bọn nó ranh mãnh, lõi đời và rất dữ tính. Chúng tôi, dù sao vẫn bị ảnh hưởng của xóm quê Lịch Ðợi, khờ khạo, ngây ngô hơn nhiều. Nếu lảng vảng tới đó, chúng tôi sẽ bị đì sát ván.
Sỡ dĩ tôi tìm đến nhưng nơi ấy chẳng qua là để hồi tưởng những kỷ niệm của thằng Tý và tôi, chớ tôi chằng còn ham chi đi "phá làng, phá xóm" nữa.
Thấy tôi cứ thất thểu một mình ngoài nắng, đới đến lúc mặt trời đứng trên đỉnh đầu mới chịu về nhà, Kim Anh rất lo lắng. Con bé sợ ba tôi biết sẽ cho ăn đòn. Làm sao mà giấu được ba khi trong tập tôi mang theo mỗi ngày không có lấy một chữ nào cả.
Một sáng, tôi nhét tập vào túi quần, lững thững đi ra ngõ. Kim Anh chực đâu sẵn, xề ra rủ rê:
- Hoàng ơi, đừng đi chơi nữa, vào nhà tui, tui bày cho trò học nè.
- Xê ra, mặc kệ tui.
Gạt một cái mạnh ngang mặt Kim Anh, tôi tránh con bé ra, tiếp tục đếm bước. Kim Anh vẫn rề rề theo sau:
- Trò phải lo ôn hè đi, nếu không, lên lớp 5 học không kịp đâu.
- Kệ tui, mắc mớ chi tới trò.
- Trò đã mất căn bản nhiều rồi, nếu không học ngày từ bây giờ...
- Tao bảo, kệ tao mà!
Kim Anh hơi ngán nắm đấm tôi dứ trước mặt nó. Con bé dừng lại, lát sau lại lẽo đẽo theo sau, lải nhải:
- Trò quên năm nay là năm cuối cấp à? Trò không học, ở lại lớp cho coi. Có khi bị đuổi học nữa nè...
-...
- Có khi lại phải đi học lớp bình dân buổi tối, mất công lắm.
"Ðiếc cả con ráy!" Tôi rủa thầm. Tôi ngừng chân đột ngột, quát vào mặt con bé lì lợm:
- Cút đi! Mày muốn làm cái đuôi của tao à?
Rồi chợt nhớ tới mấy lần cùng thằng Tý Cồ bắt thằn chơi, làm đứt cụt cái đuôi nó. Con thằn lằn không việc gì nhưng cái đuôi thì nhảy le te. Tôi buột miệng thêm vào câu mắng:
- Mày là cái đuôi thằn lằn của tôi, đồ đỉa dai ạ!
Kim Anh bị mắng, đứng lại phụng phịu. Không hiểu sao nó lầm bầm:
- Hết kêu người ta là thằn lằn rồi lại kêu là con đỉa. Toàn là nhưng con tui sợ không à.
Rồi, bỗng nó phì cười, nhưng tay thì quệt những giọt nước mắt trên má. Tôi thọc tay vào túi quần, đăm đăm nhìn vào cái mặt buồn cưởi của con nhỏ. Chợt tôi cười "ha hả". Kim Anh nhìn sững tôi rồi cùng cười "ha ha". Không bỏ lỡ cơ hội, nó nắm lấy tay tôi, rủ rê nữa:
- Hoàng, vào nhà tui học nhé. Từ nay hay đứa mình cùng làm "đôi bạn học tập" được không?
Tôi không gật cũng không lắc. Tôi đi theo Kim Anh vào nhà nó.
Nhưng như thế không có nghĩa là tôi hết ghét Kim Anh hoặc là tôi đã bỏ thói "phá làng, phá xóm", mà tại tôi đang ở vào cái lúc lơ lơ, lửng lửng của một biến cố trọng đại. Tôi đâm ra dễ dãi và tạm thời để Kim Anh làm cô giáo của tôi ít lâu.
Trong lúc chờ Kim Anh kiếm bàn, kiếm ghế kê chỗ ngồi cho tôi, tôi sà đến bên chỗ dì Xuân đang chằm nón. Cười ngượng nghịu, tôi chưa biết bắt chuyệ với dì như thế nào, dì đã ngửng đầu lên nhìn tôi một thoáng rồi lại cúi đầu xuống khung nón:
- Lâu lắm, nay con mới qua nhà dì.
Giọng nói buồn buồn của dì khiến tôi ân hận. Vâng, đã lâu lắm rồi tôi không bước chân qua đây. Ðôi chân tôi rê khắp nơi nào tôi có thể đến. Nơi nào tôi cũng phá phách, chọc người ta chửi. Nhưng nơi đây, nhà dì Xuân, bạn của mẹ tôi, không phải đối tượng để thỏa cái lòng ngông nghênh, ưa nổi loạn của tôi. Thêm nữa, tôi đã qua rồi cái thời thèm những cử chỉ trìu mến, vuốt ve. Nhất là những cử chỉ của dì luôn nhắc tôi nhớ đến một điều tôi vẫn nghĩ "những yêu thương đó, dù chân thành, nhưng chỉ là do Kim Anh đã thừa thãi và dì san bớt cho tôi." Thật là vô lý! Tôi biết vậy. Nhưng cái đầu óc bướng bỉnh cộng thêm nỗi uất ức ẩn giấu đâu đó trong tận cùng trái tim đã xúi biểu tôi đừng thèm nhận một thứ thương yêu nào của bất cứ ai.
Nhưng sáng nay, nhìn thấy dáng dì Xuân ngôi bên cúi đầu bên khung nón, chăm chú đưa những đường kim, mũi chỉ. Tôi mủi lòng nhớ mẹ, cảm thấy có lỗi với dì rất nhiều. Bỗng nhiên, tôi muốn thổ lộ với dì một điều. Ngồi kế bên chân dì, tôi hỏi:
- Dì, dì có biết thằng Tý Cồ không?
Vẫn cúi đầu vào khung nón, dì trả lời:
- Nhớ chứ, cái thằng con bác Sấm ở cuối xóm chớ gì.
- Nó chết rồi dì.
- Dì biết. Nó tắm sông, chết đuối.
- Con làm nó chết đó dì.
Dì Xuân ngẩng phắt đầu lên, mặt tái xanh:
- Con nói răng? Con dìm nó chết à?
Tôi cúi đầu, nước mắt ứa ra:
- Phải, con giết nó đó dì. Nếu con không rủ nó đi tắm sông, không rủ nó lên tận trên kia...Nếu con đừng cho nó bơi ra xa, nếu con ở bên cạnh nó thì nó đâu có thể chết được.
Dì Xuân thở phào, vuốt má tôi, mắng yêu:
- Cái thằng quỉ! Làm dì hết hồn. Ðó là tại cái số nó đoản mệnh nên Trời mới xui nó theo con đi tắm sông, xui nó bơi tới chỗ nước xoáy. Chớ con có lỗi gì đâu mà buồn.
- Mấy lâu nay con ân hận lắm dì. Con cứ tự mắng mình là đã gây ra cái chết cho bạn. Con rất thương thằng Tý, vậy mà sao nó cứ khổ vì con không hà. Ngày xưa, con xúi nó chặt tre làm nhà cho mẹ con, rựa chặt vào cẳng nó, giờ thì...
- Con đừng nghĩ bậy nữa. Cái số bị thương là bị thương. Cái số chết là phải chết. Thằng Tý chết sớm nó càng mừng nữa đó. Chết sớm thì sớm được đầu thai kiếp khác. Biết đâu kiếp tới, nó làm con nhà giàu, có phải sung sướng hơn là làm cái thằng đi chân đất, áo rách te tua, chặt tre, vót tre, chăn trâu suốt ngày...
Biết dì Xuân nói đùa nhưng lòng tôi vẫn nhẹ nhõm. Dì Xuân bao giờ cũng như hiểu được bụng tôi. Dì luôn giúp tôi cất đi bao gánh nặng. Vậy mà lâu nay tôi đã không đến với dì.
Có điều, sau này lớn lên, biết cân nhắc thiệt hơn, tôi mới ngẫm ra: "Tự quên đi cái lỗi của mìn thì thật dễ dàng, nhanh chóng. Riêng đối với những lỗi lầm người khác gây ra cho mình thì nhớ mãi, in sâu, khắc trí, đến trở thành hận thù."
Ðúng vậy, ngay từ lúc nghe dì Xuân giải thích cái số đoản mệnh của thằng Tý, tôi đã tự tha tội cho mình tức khắc. Nhưng cái hận dì ghẻ và ba tôi gây ra cái chết cho mẹ tôi, tôi vẫn không thể nào quên đi được.