Chương 28
Tác giả: Lương Tố Nga
Tôi đã gặp Thạch Ðầu Lâu trong hoàn cảnh như thế đó. Khi bắt gặp tôi ở sân ga, chưa kịp biết tôi là thằng nào thì tôi đã ngất xỉu. Mới đầu anh ấy nghi tôi thuộc loại ăn trộm, ăn cắp gì đó, bị tóm được rồi trốn trại giam với vết dây trói còn mới trên cổ tay. Sau, thấy tôi có vẻ con nhà lành, vết thương ở tay, ở chân rất lạ, lại bị sốt, anh đem tôi về nhà người quen nhờ chữa chạy.
Suốt mấy ngày đêm lo lắng, chăm sóc cho tôi, anh ấy nẩy sinh một thứ tình cảm anh em ruột thịt, đâm ra thương tôi hơn tất cả đàn em út cỡ chục đứa của ảnh.
Ðúng thế. Thạch Ðầu Lâu là "đại ca" của cái băng cướp giựt dọc, móc túi ở sân ga Bình Triệu và sau đó là ga Hòa Hưng. Chúng tôi đã nương tựa vào nhau và giúp đỡ nhau bằng cái nghề phi nghĩa đó.
Tuy Thạch Ðầu Lâu và tôi kết tình nghĩa anh em nhưng chưa bao giớ biết đến quá khứ của nhau.
Hầu như đứa trẻ bụi đời nào cũng sợ nhắc đến những gì đã qua. Tất cả chúng tôi, một khi đã lao vào cuộc sống lang thang, không có ngày mai thế có nghĩa là trước đó chúng tôi cũng đã có một cuộc sống tồi tệ hơn hiện tại nhiều. Thì như tôi vậy đó. Ngày trước, tôi mất mẹ, cha tôi lấy vợ kế, vì vợ kết tai quái không biết thương con chồng, biến ông chồng sợ vợ thành kẻ nhẫn tâm với con ruột mình. Chính sự tàn bạo của ba tôi đẩy tôi ra khỏi nhà, sống đời sương gió, không có ngày mai...
Vậy mà cũng có một lần tôi đã kể hé chút quá khứ của tôi cho Thạch Ðầu Lâu nhìn thấy. Anh ấy càng thương tôi hơn và sẵn sàng cho tôi tất cả, bất cứ cái gì nếu tôi cần.
Một chiều, chuyến tàu ra Bắc chở giờ chuyển bánh. Tôi lững thững, quanh quất ở các cửa toa tàu. Tôi chợt nghe tiếng rao mời bằng giọng Huế của một người đàn bà.
- Ai mua roi mây không? Hai trăm một chiếc, xài hết trọn đời, không hư! Ai mua, ai mua roi mây không?
Tôi giật thót người vì lời rao món hàng kì quái. Tiến tới bên người đàn bà ấy, tôi ngắm nghía hơn chục chiếc roi mây mới kít, tròn trịa, vàng óng đang sắp hàng bên nhau nằm trên cái mẹc cũ xì. Tôi giả bộ lấy một chiếc săm soi:
- Cha! Cái roi này mà đánh vào bàn tọa một cái là...đã phải biết !
Tôi vút trót cây roi vào không khí giống y như ngày xưa ba tôi từng làm. Bỗng tôi rùng mình một cái, cảm xúc của ngày ấy vẫn còn sống mạnh trong tâm hồn tôi. Tôi ngừng roi quất, trừng mắt bà già:
- Bà nghĩ sao mà chọn nghề bán cái thứ dụng cụ tra tấn dã man này hả? Bộ bà mong cho con nít người ta bị những trận đòn quắn đít hay sao? Bà muốn cho con người ta phải khóc thét, quằn quại vì đau đớn hay sao? Hừ, vậy mà con muốn "Hai trăm đồng một chiếc, xài hết trọn đời, không hư!" Khốn kiếp!
Nói dứt câu, tôi quất một cái mạnh vào mông bà. Bà già la lên hớt hải vì bất ngờ và khiếp sợ. Một bàn tay của ai đó cầm chặt lấy cổ tay tôi. Buông roi ra, tôi trừng mắt nhìn lên. Thạch Ðầu Lâu đang đứng cạnh, nhíu mày nhìn tôi:
- Chưa bao giờ anh thấy chú mày đánh ai, sao bây giờ lại đánh bà già?
Bà già vừa lui cui nhặt roi để vào mẹt vừa mếu máo phân bua:
- Mấy ông ơi, thương tui với. Nếu tui không bán thứ này thì tui biết kiếm ăn bằng cách nào? Già rồi, tui có tranh gianh buôn bán gì được với bọn trẻ? hu hu....
Vẫn còn nỗi uất ức với quá khứ đau buồn, tôi không dằn được, tung chân lên, đá văng cái mẹt trên tay bà già, roi mây bây tung toé. Bà già không nhặt roi nữa, lăn phịch ra đất, ôm mặt khóc tức tưởi.
Nhìn cảnh ấy, tôi nguôi nỗi lòng ngay lập tức. Rút túi ra, tôi tóm hết mớ tiền có sẵn nhét vào tay bà già, nói nhỏ nhẹ:
- Ðây, tui đền bà. Từ nay bà đừng bán roi nữa. Kiếm cóc, ổi, me chua gì gì bán cũng được.
Nãy giờ đứng im bên cây cột sân ga, anh Thạch cúi đầu trầm ngâm. Lát sau, anh lại bên, vỗ vai tôi hỏi:
- Chú mày sợ roi lắm phải không?
Anh bỏ đi, dáng cui cúi, buồn rầu như đang hồi niệm một điều gì đau lòng lắm.
Ðêm đó, tôi không ngủ được. Tôi tìm một góc tối ở sân ga nằm nhìn trời. Ðể đỡ phải suy nghĩ về ngày cũ cũng như đỡ phải cảm nhận nỗi cô quạnh của kẻ không nhà, tôi bắt đầu đếm sap trên màn trời xanh thẳm. Lối đếm vớ vẫn dẫn dắt trí óc tôi trở về với những thắc mắc vớ vẫn. Không biết trên đời này có bao nhiêu đứa trẻ không nhà, không cửa như tôi, nằm trên đất lạnh mà đếm sao trên trời? Không biết có bao nhiêu người mẹ phải chết trẻ khi con còn bé dại? Không biết có bao nhiêu người cha sẵn sàng in lên da thịt con những dấu vết hận thù?...
Buồn thay những cây roi mây của người đàn bà kia? Chúng cứ nhắc nhở tôi về với những kỷ niệm quá đau thương. Rồi lần lượt những nỗi niềm của năm tháng cũ hiện ra trong trí óc tôi. Tôi nhớ mẹ, nhớ dì Xuân, nhớ cô giáo Loan, nhớ thằng Tý Cồ, nhớ con Kim Anh và lũ bạn tinh nghịch...Liệu giờ này, những kẻ tôi đã từng làm cho phải chảy nước mắt đó có biết rằng ở nơi đây tôi đang âm thầm thương nhớ, khóc thanh cho một thời đã mất và sợ hãi cho thời gian sắp tới?
Nước mắt chảy ra ướt đẫm, đong đầy hai vành tai tôi. Tôi biết rất rõ. Tôi khóc nhớ những người thương yêu thì ít mà khóc cho thân phận tôi thì nhiều, rất nhiều.
Mãi đến khuya, sao đã lặn hầu hết, nước mắt tôi cũng vơi. Lúc này, tôi tự trách mình quá yếu đuối. Công phu bấy lâu tôi rèn luyện cho mình một tính khí trơ lì bỗng bị suối nước mắt làm trôi tuột hết. Anh Thạch Ðầu Lâu đã từng dạy tôi: "Trai nam nhi là anh hùng hảo hán, không bao giờ biết khóc. Nước mắt không dành cho những kẻ chuyên cướp giựt, ắp cắp của mồ hôi nước mắt kẻ khác làm riêng của mình. " MỘt điều dạy bảo chí lý như thế sao tôi lại quên kia chớ.