Chương 21
Tác giả: Lương Tố Nga
Tôi đến lớp đều đặn suốt hai tuần liền. Bọn bạn trong lớp rất chiều chuộng tôi. Chúng sẵn sàng nghe theo bất cứ đòi hỏi nào của tôi. Chúng làm như tôi là kẻ đem lại ân huệ lớn lao cho chúng vậy. Các bạn tôi làm sao biết được, tôi cũng rất khoái nghe cô giáo kể chuyện với lời mở đầy rất hấp dẫn: "Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua..." cô kể chuyện thì nhất, lôi cuốn, diễn đạt tuyệt vời hơn cả trong sách nữa kia!
Một bữa, sau khi kết thúc câu chuyện "Một đòn chết bảy mạng", cô kể tiếp đoạn đầu câu chuyện "Cô bé bán diêm," cô giáo vui vẻ bảo cả lớp:
- Bấy lâu nay cô kể chuyện cổ tích sau mỗi buổi học đó là cô đang thử nghiệm một "sáng kiến kinh nghiệm" của cô. Cô thấy mình đã thành công. Suốt hai tuần nay, em Hoàng đi học đều đặn và có vẻ thích thú những câu chuyện kể của cô. Từ trước, ngoại trừ Hoàng, các em như Tú, Mít, Vũ đã đến trường đều đặn. Bây giờ, đến lượt Hoàng, cô rất vui. Chiều nay, ở nhà cô, cô sẽ bắt đầu viết bản tường trình về "Sáng kiến kinh nghiệm" của cô để ra mắt hội đồng giáo viên trường vào đợt kết thúc học kỳ 1.
Các bạn tôi cùng cười tươi như chia xẻ với cô niềm vui đó. Riêng tôi, tôi thầm nhủ: "Cô thành công à? Không đâu. Hãy đợi mà xem!"
Hai hôm sau tôi vẫn đi học. Cuối giờ, cô giáo bắt đầu kể đoạn kết câu chuyện " Cô bé bán diêm":
-...cây diêm trên tay cô bé tắt ngấm. Con ngỗng quay cùng những chiếc nĩa cấm trên lưng biến mất. Cô bé cuống cuồng rút cây diêm khác, run run đánh đầu diêm vào hộp. Ánh sáng nháng lên, lập loè. Lần này cô bé thấy một cây thông với những hộp quà đủ màu sắc cùng những bóng đèn màu lộng lẫy treo đầy trên đó. Sợ những hình ảnh biến mất một lần nữa, cô bé quẹt diêm liên tục, hết que này đến que khác...Ánh sang cây diêm lại tắt ngắm. Tất cả biến mất. Cô bé tiếc quá và cũng lạnh quá, ứa nước mắt khóc. Vừa run rẩy, vừa quáng quàng mò trong đống vỏ diêm, cố tìm một que nào đó còn sót lại. Ðây rồi, còn một que. Cô bé vội vã đánh diêm. Ôi! Lần này là bà ngoại, người bà ngày còn sống rất thương cô. Trên trời cao, bà từ từ hạ xuống bên cô bé, dịu dàng hỏi:
- Cháu yêu của bà. Cháu có muốn theo bà không?
Cô bé gật đầu tức thì:
- Vâng. Cháu muốn theo với bà. Ở đây lạnh quá và cháu cũng đói lắm bà ạ.
- Cháu lên trên kia với bà. Nơi đó không có đau khổ, không có rét mướt, không có ai đánh đập cháu đâu. Ði, đi với bà.
Thế rồi, bà Ngoại nâng cô bé dậy cùng bay lên trời...
Tờ mờ sáng hôm sau, nhiều người đi lễ khuya về muộn bắt gặp một con bé gầy gò, rách rưới nằm chết cóng trong góc chợ. Bên cạnh nó là một đống vỏ diêm và que diêm đã được dùng hết. Họ chép miệng, lắc đầu bảo nhau:
- Tội nghiệp con bé lang thang. Có lẽ nó lạnh quá phải đốt hết diêm một lần để sưởi ấm.
- Vậy là hết phim! Cô giáo vừa mới tuyên bố sau khi chấm dứt câu chuyện thì tôi bật đứng lên nói lớn:
- Cô xạo!
Cả lớp hốt hoảng quay lui nhìn tôi. Tôi chẳng cần để ý tới bọn chúng mà nhìn vào cô, đọc rõ vẻ chưng hửng trong mắt.
Tôi nói tiếp với giọng hung hăng, hỗn xược:
- Cô xạo đó. Bọn này đừng tin! Cô bé chết cóng một mình rồi lấy ai biết chuyện nó mà kể lại mọi việc lớp lang như cô đã kể. Chẳng phải cô đã phịa ra là gì.
Rồi tôi cười khẩy, giáng xuống những đòn cuối cùng:
- Phịa chuyện dở ẹc. Tui có ưa đâu. Sỡ dĩ tui đi học đều là vì con Kim Anh nó thuê tui bằng một con chim nhồng đó.
Cô giáo nhìn sững vào tôi một lúc như mất hồn. Tôi cũng nhìn lại, đầy thách thức. Tôi chờ xem những giọt nước mắt ứa ra trên mi cô. Vậy mà không. Mắt cô vẫn ráo hoảnh nhưng rất buồn. Cô không nói gì, đôi môi mím chặt. Lặng lẽ, cô ra khỏi lớp.
Con Kim Anh gục đầu trên bàn khóc tức tưởi. Cả lớp quay lại nhìn tôi với vẻ trách móc nặng nề. Nhiều tiếng lào xào chửi tôi:
- Ðồ quỉ sứ!
- Ðồ phá đám!
- Hỗn hào như gấu!
- Mất dạy gì đâu!
-...
Tôi chẳng thèm đáp lại bọn chúng. Tôi bận ngó theo bóng cô. Vẫn đứng tại bàn, tôi nhìn qua cửa sổ?
Cô giáo, với chiếc áo dài trắng, tấm vét nỉ tím phủ lên đôi vai gầy, đứng chơ vơ bên bờ đất, ngóng mặt về dưới thung lũng. Cảnh tượng đẹp quá và buồn quá. Cô giáo đứng mãi nơi ấy như hóa đá.
Bỗng tôi nghe cay cay sống mũi. Trông cô gầy đi nhiều và dáng cô đứng mới chơi vơi, đơn độc làm sao! Tôi cũng đã từng như cô, một mình đứng ở đó, vọng mắt về phía thung lũng xa. Không biết lúc này cô mơ ước gì. Riếng đối với tôi, những lúc ấy, tôi ước mơ rất nhiều, rất nhiều những điều không tưởng...
Cô giáo quay trở vào lớp. Mắt cô đằm thắm và buồn vời vợi nhưng vẫn không một giọt nước mắt. Thấy tôi đứng thẳng đơ như bị trời trồng, cô mỉm cười vẫy tay. Sực tĩnh, tôi ngồi phịch xuống ghế.
Cô giáo đứng trước lớp, nhìn khắp một lượt rồi bình thản bảo:
- Ðã 12 giờ 30 nhưng cô vẫn còn muốn nói với các em đôi điều. Thứ nhất, cô muốn nhắc nhở em Hoàng và cả lớp rằng đừng bao giờ nói với người lớn bằng cái giọng kém lễ độ như thế, nhất là với thầy cô giáo, những người thay mặt cha mẹ để dạy dỗ các em ở trường. Thứ hai, cô muốn nhấn mạnh rằng câu chuyện "Cô bé bán diêm" không phải là chuyện bịa. Tác giả câu chuyện này là ông An-đéc-xen người Ðan Mạch. Một hôm, ông đến Paris, thủ đô nước Pháp, để nghỉ đông.
Vào đêm Nô-en, trời rất lạnh, ông gặp một cô bé khoảng 12 tuổi ở công viên. Thấy em có vẻ nghèo nàn và rét mướt, thương hại ông gợi chuyện. Ông mới hay rằng cô bé bị mất mẹ, cha cô nghiện rượu nên nhà rất nghèo. Cô phải đi bán diêm để kiếm thêm tiền phụ mẹ kế. Nhưng, suốt buổi chiều tối, cô chẳng bán được hộp diêm nào. Ông có hỏi: "Em bé có ước điều gì không?" Cô bé bảo thích có một chiếc áo lông mặc cho ấm. Ông hứa lần khác sẽ tặng cô bé chiếc áo. Lúc ấy ông không có sẵn tiền trong túi.
Vì bận việc, mãi năm sau, nhớ tới lời hứa, ông về lại công viên cũ cùng mới một số tiền kha khá, nhưng cô bé không chịu được lạnh đã chết cóng từ mùa Giáng Sinh năm trước.
Vừa ân hận, vừa cảm khái trước nỗi cơ cực của cô bé ấy, ông đã viết lại câu chuyện đáng thương cùng với những suy nghĩ riêng của mình.
- Như thế, ông An-đéc-xen không hề phịa ra câu chuyện này và cô cũng không thể...
Trưa đó về nhà, tôi không ăn được cơm. Hình ảnh cô giáo giữa màn mưa trắng xóa cô độc như một con cò trắng vẫn ám ảnh tôi.
Tôi đã ân hận vì làm cô giáo buồn. Vậy mà tôi cứ tiếp tục "chính sách" nghỉ một ngày, đi học một ngày để phá bĩnh sáng kiến kinh nghiệm của cô. Và, tôi còn nghĩ ra một trò phá phách khác quái ác hơn nhiều để làm cho cô giáo phải điêu đứng. Tại sao tôi cứ đáng ghét như vậy? Tại sao?