Chương 14
Tác giả: Lương Tố Nga
Giờ ra chơi. Mỗi đứa chạy đi tìm trò chơi của mình. Tôi rượt thằng Mít chạy tuốt tận con đường mòn dẫn xuống ven bìa đất núi, chỗ tôi thường ưa ngắm cảnh chợt tôi đứng khựng lại vì thấy cô giáo Kim Loan cùng lũ con gái xúm quanh nói chuyện gì đó. Tôi bỏ thằng Mít, rề rề tới bên xem thử cô giáo và lũ nó nói chuyện gì để chờ cơ hội chọc tức cô chơi.
Thấy mặt tôi, con Vân nói với cô:
- Cô, cô! Trò Hoàng biết đó cô.
Cô giáo quay mặt lại nhìn tôi cười:
- À, Hoàng hả. Em có biết thung lũng dưới kia tên là gì không?
Ái chà, cái trũng đất dưới đó mà cô bảo là thung lũng, nghe cũng hay đấy chứ.
Tôi dấm dẳn trả lời, tuy rằng tôi biết:
- Em không biết.
Rồi tôi hỏi lại để được nghe cô trả lời "không biết" đằng cười khẩy một cái, chọc tức cô chơi:
- Thế nó tên là gì hả cô?
Cô giáo trả lời rất nghiêm trang:
- Nó có tên nghe không thơ mộng chút nào nhưng rất ngộ nghĩnh: "Cánh đồng Bò Vá", đúng không?
Tôi lườm mấy đứa đang đứng vòng quanh:
- Bọn mày nói với cô chứ gì?
Cô phì cười:
- Chẳng em nào biết để nói với cô cả. Thật buồn cười, Quê Hương của các em mà các em chẳng biết gì cả.
Cay cú cho lũ con gái, tôi hỏi đố lại cô giáo:
- Vậy chớ cô có hiểu vì sao người ta đặt tên cho nó là Bò Vá không?
Lúng túng, cô quay mặt về phía cánh đồng dưới kia ngắm nghía như tìm lời giải đáp:
- Cô không biết. Có lẽ là vì...
Thật nhanh, tôi cướp lời cô để tỏ ra hiểu biết hơn cô, mặc dù trước đây tôi không hề muốn tìm hiểu tại sao lại có cái tên kỳ quặc đó:
- Tại vì cánh đồng đó được trồng lúa theo ô, rồi xen kẽ vào, người ta trồng cả rau tần ô, hoa vạn thọ, mào gà. Do đó, nhìn từ xa ta thấy khắp cánh đồng có nhiều ô màu khác nhau như một con bò có vá đủ màu vậy đó.
Cô giáo quay lại nhìn chăm chú vào mắt tôi, khen:
- Chà, em thật thông minh. Vậy mà em không chịu khó học...
Tôi hậm hưc bỏ đi, miệng lẩm bẩm:
- Lại lên lớp, dạy đời.
Bất giác tôi ngớ người ra. Mình định làm cho cô giáo tức, hóa ra mình bị cô làm bực mình. Ðể che giấu bất mãn của chính mình, tôi co giò chạy ào xuống khu nghĩa địa.
Thấy thắng Vũ cầm một nắm đọt lá mâm xôi trên tay, đang vừa đi vừa nhai, tôi rượt theo định giật lấy. Thằng Vũ ré lên, bỏ chạy:
- Của tao, của tao hái được mờ.
Hai đứa tôi đâm sầm vào cô giáo đang đi tới. Cô cau mày:
- Các em giành giật nhau cái gì đó?
Thằng Vũ láu táu đưa nắm lá ra:
- Nó giật lá mâm xôi của em đó cô.
Cô giáo cầm lấy mấy đọt mâm xôi non mơn mởn, tròn trìa trong tay, ngắm nghía.
- Các em hái lá này để làm gì?
- Ðể ăn, cô.
Cô giáo ngạc nhiên:
- Các em đi học không ăn sáng, giờ đói, hái lá non ăn hả?
Tôi buồn cười cho sự ngớ ngẩn của cô, buột miệng giảng giải với giọng trống không như nói với bạn bè:
- Ðó là đọt mâm xôi. Lột lớp vỏ đầy gai bên ngoài mới ăn được. Nó có vị vừa ngòn ngọt vừa chan chát, nhai cho vui chới no béo gì. Cây mâm xôi này tới mùa, trái đỏ ối trên cành, hái ăn cũng ngon lắm.
- Em hái những thứ này ở đâu?
- Ở dưới kia, cô.
Cô giáo kiễng chân nhìn xuống khu vực nghĩa địa. Cô bước xuống thấp hơn chút nữa, ngắm nhìn một lát. Chợt cô chau mày, lắc đầu. Sau, cô thở dài nói như nói một mình :
- Ðây đúng là tận cùng của thế giới. Dưới kia là thung lũng sâu, bên này là nghĩa địa đầy những ngôi mộ đủ cỡ. Bên kia là ngôi trường. Trường không ra trường, đình không ra đình, vôi hồ rệu rã, mái ngói rêu phong, bàn ghế xộc xệch...Nhưng mà, thật là lạ, nơi này rất đẹp. Cái đẹp hoang sơ, đầy thơ mộng. Có ai mà tin được, nơi này cách trung tâm thành phố chỉ nhiều lắm là hai cây số. Vậy mà...
Ðưa tay xem đồng hồ, cô hốt hoảng:
- Thôi chết! Ðã quá năm phút vào lớp rồi.
Sau khi cả lớp ngồi yên chỗ, cô giáo bảo:
- Các em lấy giấy bút ra làm bài Tập Làm Văn. Bài này là để đánh giá chất lượng đầu năm.
Ðọc đề cô viết trên bảng, tôi khoái chí, nảy ra một ý.
Trong lúc các bạn cắm cúi làm bài, tôi lại cắn bút ngắm cô. Cô giáo bận xem gì trong tập giáo án nên không chú ý. Tôi tha hồ làm theo ý định của mình.
Nhìn kỹ, tôi mới nhận ra rắng cô giáo còn khá trẻ, thanh tú và có duyên. Da ngăm ngăm với mái tóc uốn để duỗi dài ngang vai, ôm khuôn mặt thon thon. Hai mắt dài với hàng mi cong. Người cô không gầy, không mập lại cao nên thon thả. Tôi thắc mắc cô giáo xinh, sao lại chậm có chồng? Nhưng mặc kệ. Tôi sẽ tả cô giáo ngược lại với tất cả. Hôm nào cô đọc đến bài văn của tôi, cô phải khóc lên vì tức tối.
Một giờ sau, theo các bạn, tôi trịnh trọng cầm tờ giấy kín chữ vừa đúng một trang, nộp cho cô:
Thu bài xong, cô bảo:
- Bây giờ cô sẽ kể chuyện "ngày xửa, ngày xưa" cho các em nghe.
Cả lớp vừa thích thú vừa ngạc nhiên, xì xào bàn tán. Cô giáo khoát tay cho lớp im lặng:
- Thật tình, giờ này không phải lúc kể chuyện nhưng vì hồi nãy ra chơi, thấy các em ăn lá mâm xôi ở nghĩa trang, cô chợt nhớ lại một câu chuyện trong tập "Bao Công kỳ án" cô đã đọc. Vì thế...
Và cô kể chuyện với giọng rõ ràng, lôi cuốn. Ban đầu, tôi làm mặt bất cần "kể ba cái chuyện đời xửa đời xưa, bọn con nít lớp một mới ham, chớ ai mà thèm..." Tôi quay mặt, nhìn vớ vẩn ra phía cửa sổ. Nhưng rồi, tôi quay mặt vào, chăm chú lắng nghe từng lời của cô:
- Ngày xưa, có một người đàn bà bị dân làng kết tội giết chồng. Với chứng cớ rành rành, họ dẫn bà tới công đường xin quan trị tội. Lúc ấy, Bao Công đang đi công án qua đó, gặp dịp nên ngồi luôn ghế xử. Người đàn bà cứ giập đầu kêu oan và khóc lóc thảm thiết. Biết có điều oan ức, Bao Công gặng hỏi:
- Vì sao chồng nhà ngươi chết?
- Bẩm quan, con cũng không biết. Chỉ thấy ăn xong miếng trầu con têm thì ổng sùi bọt mép, ngã ra chết.
- Vậy, lá trầu đó ngươi mua ở chợ hay hái ở đâu?
- Bẩm, con hái sau vườn nhà.
Chợt nghĩ ra điều gì, Bao Công hỏi:
- Trước khi têm, ngươi có rửa lá trầu không?
- Bẩm, không ạ.
Quan Công bảo người đàn bà đưa ngài về nhà. Ngài lui sau vườn Quả nhiên thấy một dây trầu già quấn quanh một cây cau cao. Tới bên, Quan Công xem xét kỹ càng, nhìn từng ngọn lá rồi nhìn xuống chỗ đất vum gốc cây. Một lúc sau, ngài phán:
- Người đàn bà này vô tội.
Ngài giải thích với mọi người:
- Dưới gốc cây cau có một hang rắn độc. Ban đêm, rắn bò ra kiếm ăn. Nó bò lên những ngọn lá trầu, vừa bò vừa để lại những vết giải đầy chất độc. Người đàn bà này vì thương chồng, ngắt trầu vào têm cho chồng ăn. Do không cẩn thận rửa lá trầu trước, nên chồng ăn nhằm giải độc của rắn mà chết.
Kể xong, cô giáo kết luận:
- Cô kể chuyện này không phải để các em giải trí suông đâu. Qua đó, cô muốn các em hiểu rằng những chiếc lá em hái ngoài nghĩa trang có biết bao thứ dơ bẩn, độc hại bám dính trên đó. Các em hái xong cho ngay vào miệng ăn. Thế nào có ngày các em cũng chết như ông chồng bà kia.
Tôi nghe cô kể chuyện hấp dẫn quá nên quên mất ý định làm cho cô bực tức. Chợt nhớ tới, tôi liền nói lớn:
- Em ăn hoài mà có chết đâu cô.
Tôi liếc thấy con Kim Anh quay đầu lườm tôi một cái. Cô giáo nhìn tôi, trả lời:
- Nếu không chết thì cũng mang bình vào thân rồi cũng có ngày chết, mà chậm hơn thôi. Hồi nãy xuống dưới nghĩa trang, cô thấy cơ man nào là chất dơ bẩn, các em phóng uế bậy bạ từ lúc nào mà ghê quá. Rồi các em còn chạy chân không dưới đó nữa chớ. Nếu các em nhìn kỹ sẽ thấy những chất dơ đó có mấy con giun đũa...
Cả lớp, nhất là bọn con gái, rộ lên lao nhao, lè lưỡi, rụt đầu. Cô giáo mỉm cười:
- Ðợi tới lúc cô nói rõ, các em mới sợ sao? Học môn khoa học, các em cũng đã biết trong ruột người ta hầu như ai cũng có giun, sán. Những loại ký sinh trùng này rất nguy hiểm. Mỗi khi nắng lên, những chất dơ bẩn đó khô đi, mà trong đó có vô vàn trứng giun hãy còn sống, sẽ được gió tung lên, theo bụi bặm bám vào cây, vào lá, vào trái. Các em cứ vậy hái ăn...Eo ơi! Thử tưởng tượng...
Cô nhấn mạnh từ "ăn" rồi trợn mắt, le lưỡi trông rất dí dỏm. Bọn bạn tôi nhăn mặt rồi cũng cười rộ lên. Tôi không cười, lớn tiếng nói bướng:
- Kệ, chết sớm, tốt cô. Sống chi cho nhiều, chật đất.
Vậy mà cô vẫn không tỏ thái độ giận dữ. Cô chỉ lắc đầu, nhìn ra cửa sổ, vẻ trầm ngâm. Tôi vẫn không ta cất tiếng gọi:
- Cô cô! Cô cô! Cháy, cháy cô!
Cô giáo giật mình quay mặt nhìn vào chỗ tôi. Bọn trong lớp cũng nhìn tôi ngơ ngác. Cô hỏi:
- Cháy? Mà cháy cái gì em?
Tôi tỉnh bơ:
- Cháy giáo án!