Chương 6
Tác giả: Lương Tố Nga
Ðang ngồi xổm, bốc mấy con nhộng vàng ngậy, thơm lừng bỏ vào miệng, tôi ngưng ngang, nghênh mặt nói giọng gây sự:
- Gọi thì gọi, từ từ tui về, làm chi mà oang oác cái miệng như nhà tui bị cháy vậy hả?
Kim Anh lừ đôi mắt to, đỏ kè nhìn tôi. Không thèm nói một tiếng, cô bé quặp lấy bàn tay tôi, kéo chạy bươn bả ra cổng.
Về tới nhà, tôi cảm thấy có gì khác lạ. Lẽ dĩ nhiên không phải nhà tôi bị cháy mà trong nhà rất đông người, những khuôn mặt hàng xóm quen thuộc đầy vẻ u trầm, buồn bả.
Tôi nghĩ mẹ tôi bị cái gì rồi đây. Nhưng không, mẹ vẫn nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, khuôn ngực lép kẹp, phập phồng nhẹ nhàng. Mẹ bịnh và mẹ vẫn ngủ yên như mọi khi đó mà.
Thấy tôi bước vào, mọi người tự động dãn ra khỏi phòng. Ba tôi cũng vậy.
Ðến bên, tôi nâng nhẹ bày tay mẹ. Bất ngờ bà mở mắt ra, hỏi thều thào:
- Hoàng đó hở … hở … con? Con… con đi chơi đâu xa, mẹ cho người tìm không thấy?
Tôi im re, xấu hổ vì đã ham chơi, quên lời mẹ dặn. Mẹ lại gọi:
- Hoàng ơi …
- Dạ.
- Hoàng, con đừng đi chơi xa nhé!
- Dạ.
- Con đừng đi xuống khu vực ga … nguy … nguy hiểm.
- Dạ.
- Con đừng vào chùa Bảo Quốc, chạy nhảy mà té giếng nghe con.
- Dạ.
- Con đừng leo cây, đừng tắm sông An Cựu nhé.
Tôi liếc nhìn gương mặt nhòe nước mắt của mẹ. Lạ chưa? Tại sao mẹ lại khóc? Sao mẹ cứ ưa dặn dò hàng trăm lần những điều cũ rích? tôi lơ đễnh nghe mẹ khó nhọc nói tiếp:
- Con … con phải vâng lời ba, vâng lời dì Xuân nhé.
- Dạ.
- Con hãy cố bắt chước bé Kim Anh, học hành cho giỏi nhé.
Tôi lại liếc nhìn mẹ. À, những lời dặn dò này là mẹ mới thêm vô.
- Nếu ba có vợ, con phải biết vâng lời mẹ kế. Ðừng chọc giận bả, bả đánh con đau lắm, con nhé!
Tôi quên cả dạ vì lời dặn dò quá lạ lùng. Tôi nhìn đăm đăm vào đôi mắt nhợt nhạt của mẹ vẫn không thôi những lời nghẹn ngào:
- Mẹ … chết… chết rồi, con đừng khóc nhiều, đừng buồn… buồn nhiều nghe con.
Tôi hiểu rồi. Mẹ tôi sắp bỏ tôi mà đi mãi mãi. Quì thụp xuống bên giường, ôm chặt lấy người mẹ, tôi rướn cổ lên, gào thật lớn:
- Mẹ! mẹ ơi! Mẹ đừng chết! Ðừng chết! Con không thích đâu, mẹ không được chết. Mẹ ơi …
Nghe tiếng hét của tôi, mọi người ùa vào, xúm quanh giường mẹ tôi. Một bàn tay ai đó chộp vai tôi nhấc bổng ra ngoài. Tôi vừa kịp thấy gương mặt mẹ tôi hướng lên phía trần nhà với đôi mắt mở to, nhìn đăm đám, đôi môi mỉm cười rất nhẹ và rất lạ.
Bác Tâm gái, một người bà con xa với ba tôi, ở tận cuối xóm, đưa tôi về nhà bác. Ðến tối, đã đói bụng, bác bưng ra cho tôi một tô cơm nóng cùng mấy miếng thịt kho rất ngon. Tôi cầm lấy nhưng chưa ăn vội. Níu lấy tay áo bác, tôi hỏi:
- Mẹ con bị làmsao mà mọi người tới nhà đông vậy hả bác?
Bác vuốt tóc tôi, gượng cười:
- Thì … mẹ con bịnh, người ta đến thăm chớ có sao đâu.
Tôi tin bác. Bác nói đúng, mẹ tôi không sao cả, chỉ bịnh như mọi ngày thôi. Hồi nãy tôi thấy mẹ tôi vẫn mỡ mắt nhìn lên trần nhà cười mỉm kia mà. Tôi hỏi thêm:
- Khi người bịnh mà cười được là sắp lành rồi, phải không bác?
Bác Tâm liếc nhanh tôi rồi quay mặt đi, trả lời như một tiếng thở dài:
- Ừa …
Vui lòng và yên bụng, tôi bưng tô cơm ăn ngon lành.
Bụng đã no, mắt tôi dịu lại, buồn ngủ? Tôi tuột xuống khỏi bộ ván nhà bác Tâm, lon ton chạy về. Bác tóm được tôi ngay. Bác dỗ dành:
- Con ở lại đây với bác. Bên nhà đang đón bác sĩ về chữa bịnh cho mẹ con. Con về đẳng chỉ làm rộn thôi.
Rồi với cử chỉ âu yếm khác thường, bác ẵm tôi vào đặt lên chiếc giường con. Xem tôi như đứa trẻ lên hai, bác nằm nghiêng kế bên, vỗ về nhè nhẹ lên vai tôi và hát ru:
“Ầu ơ, ru em cho thé cho muồi
Ðể mẹ đi chơ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh…”
Bài hát quen thuộc của những ngày bé bỏng trên tay mẹ mà tôi thường nghe, nay dễ dàng đưa tôi vào giấc ngủ với lời ru não ruột của bác.
Sáng ngày dậy trưa, tôi vén mùng dụi mắt nhìn quanh mới nhớ ra hồi đêm tôi ngủ lại nhà bác.
Nhảy phóc xuống đất, tôi đi loanh quanh nhà. Lạ chưa! Mọi khi nhà bác Tâm đông những người là người, nay sao không có một ai? Tuồng như suốt đêm không ai về ngủ nhà.
Tôi kéo xệch miệng định khóc vì cái cảm giác thui thủi một mình trong ngôi nhà người khác, vừa như có điều gì đó, tự trong trái tim tôi nhắc nhở một nỗi tủi hờn, mất mát.
Ngực tôi cứ tơn tớt một cách khó chịu, không nhịn được, tôi oà ra khóc nức nở. Từ ngoài ngõ, bác Tâm gái chạy xộc vào, miệng rối rít:
- Ðừng khóc, đừng khóc, thôi, thôi…
- Mặc cho tôi trố mắt ngạc nhiên, bác kéo tay, tròng vào cho tôi một cái áo dệt bằng vải thô, dài thậm thượt, rộng thùng thình lại rách tưa tưa ở lai, ở vai và ngực. Bà ấn lên đầu tôi một chiếc mũ vải trắng mới tinh nhưng quá xấu xí. Không thèm để ý vẻ mặt phụng phịu của tôi, bác lôi tuột tôi chạy đi.
Tay áo rộng, vạt áo dài khiến tôi chạy rất khó khăn và suýt chúi nhủi xuống đường đất gồ ghề mấy lượt. Nhưng mặc kệ, tôi không quan tâm. Tôi bận cố nhớ xem mình đã gặp, đã thấy cái kiểu áo này ở đâu rồi. Chợt nghĩ đến thằng Mít, tôi nhớ ra. Năm ngoái, cỡ gần Tết, ông nói nó vì chịu không nổi cái lạnh của xứ Huế, đã chết cóng. Ba nó đặt ông vào một cái thùng gỗ dài có nắp đậy đàng hoàng. Sau đó, ba mẹ và mấy anh em nó cùng mặc thứa áo quần y như của tôi đang mặc thế này đây. Thôi, tôi hiểu rồi. Giật tay ra khỏi bàn tay bác gái, tôi túm lấy hai vạt áo cho khỏi vướng, chạy quáng quàng về nhà.
Vào tới phòng khách, một cái thùng đậy nắp giống như của ông nội thằng Mít, được thắp nến sáng trưng, nằm chình ình giữa nhà. Tôi đứng khựng lại mấy giây, tái mặt. Tôi phóng chân vào giường mẹ tôi, giường trống không!
Thôi rồi, mẹ đi mất rồi! Như một tên điên cuồn tí hon, tôi vừa hét vừa đá lia lịa vào chiếc hồm làm như nó muốn bung nắp ra1
- Không, không! Mẹ chưa chết! Mẹ còn mở mắt, mẹ còn sống mà. Sao nhốt mẹ trong cái thùng này. Mở ra, mở ra! Mẹ ngộp thở mất, mẹ ngộp rồi mẹ chết thật cho coi. Mở ra! Mở ra!
Tôi nghe ba tôi kêu lên khàn khàn:
- Mình ơi, tội con quá mình ơi!...
Tôi lay lay nắp hòm. Nó được đóng chặt khít, không có một kẽ hở nào. Cuống cuồng, tôi chạy loanh quanh phòng tìm một vật gì để nạy nắp hòm ra. Ðây rồi, cây thước kẻ bằng nhựa. Tôi luýnh quýnh luồn nó vào khe nắp, ấn mạnh một cái, nó gãy đôi. Tuyệt vọng, tôi hét lên, đau cả cuống họng:
- Mở ra! Mở ra! Mẹ chết trong đó rồi! Mở ra!
Mọi người đứng xung quanh đấy bật khóc, hòa cùng tiếng gào của tôi. Bác Tâm gái ghì chặt lấy hai vai tôi, cố kéo ra ngoài. Nhớ ra một điều, tôi phóng mấy đá thật bất ngờ vào ống chân bác, la lên căm ghét:
- Ði đi! Cút đi! Cút đi! Bác nói láo với tui. Mẹ tui chết rồi mà bác bảo mẹ tui sắp lành bịnh. Cút đi! Cút đi1
Có hai cánh tay đàng ông nào đó ghì tôi thật chặt, kéo lết ra ngoài.