watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thung Lũng Tuổi Thơ-Chương 29 - tác giả Lương Tố Nga Lương Tố Nga

Lương Tố Nga

Chương 29

Tác giả: Lương Tố Nga

Nhiều năm trôi qua, tôi đã sống một cuộc sống như thế. Bề ngoài tôi như mọi trẻ bụi đời khác: trân tráo, ngông nghênh, bất cần đời, nhưng trong tâm tư tôi, ở tận một nơi sâu kín nào đó, tôi vẫn hoài mong một mái ấm gia đình. Tôi vẫn chờ đợi một này nào đó, ba tôi ân hận vì đã nhẫn tâm với tôi, đi tìm tôi, lúc đó tôi sẽ trở về. Vì dù sao, nỗi hận chưa nguôi, nhưng tôi vẫn là máu thịt của ba tôi, tôi sẵn lòng quên hết những ngọt roi quất tới tấp và quên luôn sợi dây buộc trên đôi tay tôi - nay dấu tích đó đã nhạt nhòa.

Vâng, chẳng có điều gì trên đời mà không phai nhạt theo thời gian!

Ðêm nay, tôi lại thức trắng để ngắm Kim Anh ngủ say sưa bên chân tôi và để dĩ vãng trở về lần lượt, lớp lang như một cuốn phim đời đang quay từ từ trước mắt tôi. Tôi càng nhớ xứ Huế, càng nhớ ba tôi và muốn trở về biết bao!

Sáng hôm sau, Kim Anh thức dậy, quờ tay qua trúng bàn chân tôi. Thụt tay lại, cô hỏi với giọng như đang mơ ngủ:

- Hoàng! Hoàng ơi! Phải trò đó không?

Tôi vội vàng nắm lấy tay bạn, lên tiếng:

- Phải. Hoàng đây. Kim Anh đừng sợ nữa. Từ này tui sẽ không để Kim Anh ở một mình đâu.

Chợt tôi lên tiếng hứa, tưởng như nếu mình không nói ngay thì Kim Anh sẽ đau khổ, lo buồn ghê lắm:

- Kim Anh ơi! Tui hứa rằng từ này tui sẽ không làm một tên móc túi nữa đâu. Tui sẽ kiếm công ăn việc làm đàng hoàng, để dành tiền mua một mái nhà cho Kim Anh ở. Tui sẽ về Huế đưa dì Xuân vô đây. Chúng mình sẽ cùng săn sóc dì, Kim Anh nhé. Tui đã hứa là "chắc như đinh đóng cột", Kim Anh còn nhớ chứ?

Lẽ dĩ nhiên Kim Anh bàng hoàng sợ hãi khi biết tôi là một tên lưu manh chuyên cướp giật, móc túi. Sau đó, nghe tôi kể lại bao điều, cô ấy rất buồn nhưng tỏ ra thông cảm và tin cậy tôi hơn.

Tàu sắp ra ga, sân ga đã nhộn nhịp. Tôi phải đưa Kim Anh đi nơi khác yên tĩnh hơn, nhưng chưa biết tìm tới chỗ nào thì anh Thạch xuất hiện. Anh dúi vào tay tôi một cái bọc mà mới thoạt cầm, tôi biết là vàng, rất nhiều, có lẽ tới năm cây. Tôi đang hoang mang chưa hiểu gì, anh Thạch bảo:

- Ðây là của anh để dành được, định khi nào em út có đứa nào cần, anh cho mượn. Giờ chú mày cần trước, cứ cầm lấy.

- Nhưng em cần gì đâu, đại ca?

Ðại ca tôi cười hào sảng:

- Ha ha! Chú mày không cần gì à? Một mái nhà, một công ăn việc làm lương thiện !

Rồi anh vỗ vai tôi, thân mật bảo:

- Ðã đến lúc chú mày bắt đầu cuộc đời mới. Anh thấy, có rất nhiều người cần tới sự giúp đỡ của chú. Chú cần phải bảo bọc cho vài người đó. Từ nay, chú kiếm một nghề gì vừa học vừa làm. Chú hiểu ý anh chứ?

*******

Hai hôm sau, trong khi tôi bận đi kiếm nhà mua thì anh Thạch cho một tên đàn em đón tàu về Huế. Theo địa chỉ tôi đưa, anh ta tìm đến những người thân thuộc của tôi.

Ba hôm sau nữa, anh ta trở vào, báo toàn tin dữ: Mẹ Kim Anh đã chết từ 3 năm trước, ba tôi cũng chết sau bà nửa năm vì bệnh xơ gan cổ trướng, dì ghẻ tôi lấy chồng khác và tin cuối cùng mẹ cô giáo Loan chết vì bệnh lao, bản thân cô Loan bị liệt hai chân và bỏ dạy từ lâu.

Tôi không tin. Phải bắt anh ấy lập lại cả chục lần, tôi mới hiểu ra rằng số phận đã dành nhiều nghiệt ngã cho chúng tôi. Vậy mà, tôi đã dự tính biết bao điều cho hạnh phúc ngày mai!

Kim Anh không còn giọt nước mắt nào để khóc nhưng cô lịm người, nằm một xó trong ba ngày ba đêm không nói một câu, không ăn một hột cơm nào.

Rồi thì, nỗi đau cũng dần dần vơi khi tôi kiếm được nhà. Kim Anh bận rộn lui tới sờ soạng dọn dẹp, sắp đặt. Bạn tôi vui mừng vì lần đầu tiên trong bao năm đói rét, giờ cô ấy đã có mái ấm, cùng tôi chia xẻ những vui buồn của những ngày tháng sắp tới.

Một tối, Kim Anh đang lần mò chải lại mớ tóc vừa mới gội, tôi đang ngồi bệt dưới đất tập vá xe đạp - tôi sắp dọn một chỗ sửa xe đạp ngay trước nhà - định bụng sáng sửa xe đạp kiếm tiền, chiều học thêm văn hóa với anh Thạch. Ðến lúc này tôi mới biết anh ấy đã học xong lớp mười rồi đấy - anh Thạch bước vào nhà ngồi xuống ghế và hỏi Kim Anh:

- Cô mày có còn nhớ thằng cha chơi ghi ta dạo đó không?

- Ai hả anh Hai?

- Thằng cha làm...làm mù mắt em đó.

Kim Anh thở dài:

- À, ông ấy hả? Bao giờ em quên được. Nhiều lúc em cứ nghĩ nếu cha mẹ ông ấy đừng sinh ông ấy ra trên đời, chắc là đời em không phải khổ như thế này và mẹ em...

Mắc dầu nước mắt không ứa ra được trên đôi bờ mi cô ấy, tôi vẫn có cảm tưởng hàng ngàn làn sóng khổ đau như đang trào dâng trong đôi mắt đục lờ.

Anh Thạch cắn môi ngẫm nghĩ một hồi rất lâu, chợt đứng dậy bỏ đi sau khi buông thõng:

- Anh đi lấy thêm tiền chữa mắt cho em đây.

Anh ấy nói là làm. Tuần sau anh đến nhà, liệng trước mặt tôi 5 chỉ vàng, bảo tôi đưa Kim Anh lên bệnh viện Saint Paul khám mắt. Sung sướng, tôi dắt Kim Anh đi. Nhưng thêm một lần nữa, chúng tôi chỉ nhận được tin buồn. Bác sĩ bảo mắt cô ấy hoàn toàn bị hỏng, những dây thần kinh giác mạch bị giết chết bởi một chất độc khá mạnh.

Khi biết tin, anh Thạch đanh mặt lại. Cuối cùng, anh bảo:

- Thằng em mày lấy số tiền đó làm lộ phí ra Huế đón cô giáo Loan vào.

Ðiều này thật hợp với mong mỏi của tôi. Từ lúc nghe tin cô giáo bị liệt chân, tôi cứ ray rứt mãi, chỉ trông có cơ hội tốt nào đó, tôi sẽ về đưa cô vào Nam để Kim Anh và tôi được săn sóc, chăm lo cho cô như với một người mẹ.

Gởi Kim Anh lại cho những người bạn bụi đời mà lòng dạ lại khí khái gấp bội những kẻ ăn trắng mặc trơn trên thế gian này, hai ngày sau tôi lên tàu ra Huế.

Thật lạ lùng. Ðã 4 năm xa quê, tôi đã lớn bộn vậy mà ở xóm Lịch Ðợi không ai quên mặt tôi.

Tôi mới vào tới nhà cũ đã có tiếng reo chào hỏi ngoài ngõ, bao nhiêu bạn bè cũ lần lượt đến tụ họp ở sân nhà tôi. Suốt cả tiếng đồng hồ tôi chỉ cười mà không nói được gì, bọn nó cứ hỏi tới tấp. Mà có lẽ tôi không thể trả lời được gì vì suốt mấy năm bỏ nhà đi bụi đời, tôi chỉ là kẻ móc túi chuyên nghiệp. Ðến lúc đó tôi vẫn còn nhớ tới câu tiên đoán của thầy Triết ngày trước: "...Lớn lên, ông sẽ là tên cướp của, giết người không gớm tay." Tôi chưa giết người, cướp của nhưng với cái nghề móc túi, rạch xách của tôi cũng đã gây bao khổ đau cho người bị mất của. Tôi không muốn bạn bè và hàng xóm láng giềng cũ biết rằng cái thằng tôi ngày xưa " phá làng phá xóm", nay cũng đã chẳng ra gì. Nhưng tôi không thể đổ tội cho ba tôi và bà mẹ kế đã gián tiếp xua đuổi tôi ra khỏi nhà, xô tôi vào cuộc sống tối tăm, phi pháp ngay khi tuổi đang còn khờ dại. Ba tôi đã mất, cũng do lỗi tôi đã bỏ nhà ra đi, gây cho ông bao nỗi hối hận, giày vò đến độ ông phải tìm quên trong men rượu, sinh bệnh mà chết...

Tôi đã không thanh minh gì được cho những việc làm trong quá khứ, tôi cũng không thể đổ lỗi cho một nguyên do nào cả, tôi cũng không hề có thói quen đặt điều hênh hoang của một kẻ đi xa trở về. Vì thế tôi im lặng, chỉ cười và sau đó hỏi thăm tình hình sinh sống của mọi người.

Có điều đáng buồn. Các em cùng cha khác mẹ với tôi không biết tôi là ai. Con bé Mai ngày xưa không còn nũng nịu gọi "anh Quàng" nữa, chỉ đứng vào một góc, nhìn tôi như một kẻ xa lạ. Dì ghẻ tôi thì không dấu được vẻ e ngại trong mắt. Có lẽ dì sợ tôi về tranh lại ngôi nhà khang trang của ba tôi để lại. Ấy là dì sợ hão, chớ thật bụng, tôi không thiết tha gì đến ngôi nhà mà mỗi góc, mỗi xó của nó đều gợi cho tôi cả thời thơ ấu đầy cay đắng, xót xa. Nhất là với ý nghĩ: ngày trước, dì về nhà này, chính sự có mặt của dì đã xóa mờ kỷ niệm còn đầy của mẹ tôi trong lòng ba tôi. Rồi sau này, ông chồng kế của dì về đây xóa sạch những dấu vết còn lại của ba tôi. Thế thì ngôi nhà còn ý nghĩa gì với tôi hơn là chút tài sản của cha mẹ để lại cho hai đứa em tôi. Dẫu sao mặc lòng, chúng là em tôi và tôi vẫn thương chúng như ngày nào.

Tôi cũng đã qua nhà Kim Anh để lấy bức ảnh dì Xuân đặt trên bàn thờ, gộp cùng hai tấm chân dung của cha mẹ tôi, dự định đem vào Nam. Như thế, tôi và Kim Anh mỗi ngày đều được thắp nén hương tưởng nhớ những đấng sinh thành.

Nơi đây, tôi biết được gia đình một người bà con xa của Kim Anh từ ngoài Bắc vào. Họ đã đến đây lo đám ma cho mẹ Kim Anh đàng hoàng. Ngoài họ ra, gia đình Kim Anh chẳng còn ai là thân thuộc nên họ ở lại sinh sống ngay tại đó.

Tôi đã thoáng đọc được vẻ e ngại của họ trong mắt cũng giống như dì ghẻ tôi, họ sợ tôi đòi lại nhà cho Kim Anh. Không bao giờ có chuyện đó! Chính bản thân Kim Anh và tôi đã trải qua những ngày tháng không một manh chiếu lót lưng, nên hiểu như thế nào là cái buồn khổ, tủi hờn của những kẻ bơ vơ không nhà. Cho nên, họ chưa ngỏ lời phân bua, tôi đã bảo trước " Hai bác cứ yên chí. Kim Anh đã có nhà cửa đàng hoàng ở trong Sài Gòn rồi."

Sau đó, tôi ra nghĩa địa viếng mộ cha mẹ. Tôi vui lòng khi thấy mộ ba tôi nằm bên mẹ. Thế là cuối cùng, mẹ tôi cũng nguôi được cơn ghen hờn mà ngày xưa hẳn mẹ phải đau đớn, dằn vặt lắm mới lâm trọng bệnh như thế.

Suốt buổi sáng, tôi dẫy cỏ cho mộ cha mẹ, mộ dì Xuân, mẹ của Kim Anh. Chỉ tiếc thằng Tý Cồ, bạn tôi không được yên nghỉ nơi đây - bởi Lịch Ðợi không phải quê của ba nó - để tôi có được niềm an ủi là những kẻ thân yêu nhất của tôi đã về sum vầy bên nhau trong một khung trời mà ngày còn thơ, tôi đã để lại vô vàn những dấu chân non dại của mình.

Gần trưa tôi mới xong công việc. Tới bên rìa đất ngày cũ, tôi lặng ngắm thung lũng dưới kia. Bao nhiêu kỷ niệm của một thời thơ ấu lại trở về. Tim tôi nhói đau vì hối tiếc, vì ân hận. Nếu ngày xưa, vâng, nếu ngày xưa tôi là một đứa trẻ ngoan thì ngôi trường này, thung lũng này, thung lũng này đã không chứng kiến những trò tinh nghịch "kinh thiên động địa" của tôi và chắc hẳn cha mẹ, bạn bè, cô giáo thương yêu của tôi không phải nhỏ nước mắt cay cực vì tôi.

Nhắc đến cô giáo Kim Loan, tôi càng đau lòng. Chính ở rìa đất bên bãi cỏ cú, nay vẫn còn tươi tốt và xanh mướt, một màu, cô giáo đã tâm sự với tôi nỗi niềm của mình.

Cổ kể. Ba cô thuộc dòng hoàng tộc nên có thói quen nhiều vợ, ông cưới mẹ cô là người thứ tư, cấp cho một ngôi nhà khá đẹp ở Thành nội. Ðến ngày cô được sinh ra đời, ba cô đã cưới bà vợ thứ năm, bỏ hẳn hai mẹ con cô mà không trợ cấp đồng nào. Từ đó, mẹ cô phải tần tảo với gánh bún bò nuôi cô khôn lớn. Vậy mà tới lúc cô ra trường đi dạy học, số lương quá khiêm tốn nên mẹ cô lại phải chạy hàng họ thêm. Nhưng rồi, mẹ cô bị mắc bệnh lao, khi khoẻ, khi yếu, cô rất lo lắng. Nhiều đêm, cô phải cố soạn bài vở cho thật nhanh, đạp xe qua ga Huế dành mưa với con buôn ít gạo hoặc khoai mì hoặc phân bón...từ ngoài Vinh vào. Ðợi đến ngày hôm sau đi dạy về, cô lại chở qua chợ Ðông Ba bán cho các bạn hàng, lấy ít tiền công mua thuốc cho mẹ.

Bởi cuộc sống khó khăn và cảnh nhà cô hiu quạnh, cô đã không chịu lập gia đình. Cô không muốn mẹ cô thiếu đi bàn tay chăm sóc của một người con.

Tôi nhớ ngày ấy cô đã bảo:

- Mẹ cô như ngọn đèn trước gió không biết tắt đi lúc nào nên lòng cô luôn phập phòng lo ngại. Vì thế khi hiểu ra em cô đau đớn nhường nào khi không còn mẹ, cô đã liên tưởng đến tình cảnh của cô. Nếu mẹ cô...chắc cô không thể chịu đựng nổi. Em sống bên mẹ trong 6 năm, mẹ mắt đi, em buồn khổ đến thế. Trong khi mẹ cô và cô đã cùng quấn quít bên nhau, chia xẻ những lúc đói no bên nhau đã hơn 30 năm dài thì nỗi đau đớn sẽ lên đến mức độ nào?

Ngày đó, cô giáo khóc vì thương mẹ già đang ở bên bờ với cái chết. Tôi khóc cho mẹ đã chết khi tuổi còn xuân xanh và tôi hãy còn bé dại.

Giờ đây, trở về chốn cũ, tôi tưởng như mơ hồ đâu đây trong gió nắng ban trưa có tiếng khóc rưng rức của cô giáo cũ, gợi lên trong tôi một tình cảm dạt dào thương yêu như chính ngày xưa ấy tôi đã tưởng tượng cô giáo là mẹ tôi với búi tóc đen sau gáy, có gắn bông hoa lài trắng nõn, thơm ngát.

Trong tiếng rì rào khe khẽ của lũ tre già kháo chuyện bên nhau, tôi nghe giọng tôi cất lên như vướng đầy nước mắt:

- Mẹ ơi. Từ nay mẹ sẽ không còn khổ vì con nữa đâu.
Thung Lũng Tuổi Thơ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 30
Đoạn Kết