Chương 8
Tác giả: Lương Tố Nga
Mẹ kế tôi hãy còn rất trẻ và khá đẹp. Nghe đâu bà ấy buôn bán vé chợ đen ở ga Huế, ba tôi thường đón khách ở sân ga nên gặp gỡ và có cảm tình với nhau.
Ba tôi bảo cưới vợ kế về để lo cho tôi, chớ thật tình bà ấy mỗi buổi sáng thức dậy, trang điểm thật kỹ rồi theo ba tôi trên chiếc xe Honda, phóng vút đi để tôi một mình ở nhà phải lo liệu lấy mọi thứ.
Có lần, đứng ngắm dì ghẻ tôi đang trang điểm trước gương một lúc lâu, tôi cười, nói với dì:
- Dì đẹp quá.
Bà dì ghẻ tôi quay gương mặt với mi xanh, má hồng, môi đỏ qua phía tôi cười rất tươi:
- Vậy hả con?
Nhưng dì tắt ngay nụ cười khi tôi nói tiếp:
- Nhưng mẹ con đẹp hơn dì.
Dì xụ mặt, ngắm nghía mình trong gương rồi mỉa mai:
- Mẹ mày nhà quê, vậy chớ đẹp hơn tao chổ nào?
Tôi cười lỏn lẻn, lúc đó tôi không cố ý chọc tức dì mà là tình thiệt:
- Mẹ con không trét phấn, tô vôi như dì mà mẹ con vẫn trắng bóc như …
- Xí, bộ mẹ mày ngồi mãi trong nhà, ôm ba chiếc nón lá, mặt xanh lè xanh lét như lá điền thanh chớ đẹp nỗi gì.
- Mẹ con không uốn tóc quăn tít như dì. Tóc mẹ dài thiệt dài, mướt thiệt mướt. Mẹ bới một cực bự sau gáy này. Chỉ cần mẹ gắn vào búi tóc một cái bông lài là mẹ đẹp như công chúa. Mỗi lần con thơm lên má mẹ …
Nói đến đây, tôi chạnh lòng nhớ những tháng ngày sung sướng ấy. Mỗi khi chơi quanh quất cạnh nhà, chợt nhớ đến mẹ, tôi chạy ù về. Tới chỗ hàng hiên mẹ đang cặm cụi chằm nón, tôi thơm một cái thật sâu lên má mẹ. Mùi hoa lài ngan ngát khiến tôi càng thích thú, cứ muốn chạy về thơm mẹ mãi. Những lần như thế, mẹ chớp hai mi, mỉm cười, chẳng nhìn tôi, chỉ chăm chú vào công việc, nhưng tôi vẫn nhận biết bao nỗi âu yếm, dịu dàng trên môi mẹ …
- Dẹp đi! Mày nói chuyện lãng nhách. Ði chỗ khác chơi.
Tiếng quát của dì ghẻ tôi khiến mùi hoa lài bay khỏi mũi tôi tức khắc.
Tôi lùi ra khỏi cửa vì giật mình.
Một tối, ba tôi đang ngồi gõ gõ tay ở mặt bàn ăn, vẻ nóng nảy. Tôi đã dọn thức ăn đầy đủ lên bàn, mãi vẫn chưa thấy bà mẹ kế tôi ra.
Kể từ mấy tháng nay, dì ghẻ tôi có bụng bầu nên càng làm biếng. Nhờ thế, tôi đâm ra rành việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Ði chợ thì đã có dì Xuân giúp. Tuy từ lúc dì ghẻ tôi về nhà này, dì không hay qua với tôi nữa, nhưng mỗi khi có việc gì sức tôi làm không được, tôi chạy qua nhà dì là Kim Anh và dì sốt sắng giúp ngay.
Chờ mãi không được, ba tôi giục:
- Hoàng, con vào mời mẹ con ra ăn cơm đi, ba đói bụng quá rồi.
Tôi cũng đói, đứng ở cửa buồng dì ghẻ, trước đây là của mẹ tôi, gọi thiệt lớn:
- Dì ơi! Ra ăn cơm. Ðói bụng quá rồi nè.
Ba tôi giật tôi lại, cau mày:
- Lại biểu coi, thẳng quỷ sứ kia.
Khi tôi đã đứng cúi đầu trước mặt, ba tôi gắt:
- Mấy lần ba đã dặn con phải gọi mẹ kế bằng mẹ, sao cứ “dì” hoài vậy?
Tôi lặng thing thầm nghĩ, ba tôi dặn cả chục lần, mà điều này tôi đã nghĩ tới cả trăm lần rồi! Làm sao mình có thể gọi bà ấy bằng mẹ được? Tiếng “Mẹ” quý lắm chớ bộ. Mẹ phải là người rứt ruột sinh mình ra, chăm nom mình từng li từng tí, hát ru mồi khi mình muốn ngủ, vỗ về mỗi khi mình khóc, xuýt xoa chảy nước mắt theo mỗi khi mình té u đầu, sứt trán. Mẹ cho mình ăn khi mình đói, tắm cho mình khi mình dơ… Mẹ là cái mùi ngọt ngào cho mình thơm vào má, là cái giọng nói dịu dàng cho mình bá cổ để vòi vĩnh… Vậy mà bà dì ghẻ này, chỉ ở đâu ngoài đường, lạ hoắc lạ huơ vào đây bắt mình gọi bằng Mẹ. Kỳ cục chưa ! Không bao giờ!...
Thấy tôi lì mặt đứng im, ba tôi quát:
- Lần này là lần cuối tao bảo mày phải gọi cô ấy bằng Mẹ, nhớ chưa?
Tôi cúi đầu thấp hơn, không dạ. Ba tôi hầm hầm đập bàn. Mấy cái chén nẩy lên đánh vào nhau lanh canh như run rẩy dùm cho tôi.
- Mày là đồ mất dạy. Tao cũng đã dặn mấy lần là muốn nói gì với mẹ kế, mày phải một tiếng thưa, hai tiếng thưa. Tại sao mày cứ “dì ơi”, “dì hởi” trống không vậy hả?
Bà mẹ kế tôi ra đến nơi tự bao giờ. Bà ấy mỉa mai rồi méc ba tôi:
- Thôi anh ơi! Tui đâu dám làm mẹ của cậu quý tử nhà anh. Anh không biết chớ, có lần tui nghe cậu ấm nói với bạn: “Tao không bao giờ gọi bả bằng Mẹ. Bộ bả tưởng làm mẹ tao là dễ lắm à? Tao cứ gọi là dì, dì ghẻ, để mỗi khi ai nghe tới sẽ tởm bả, họ tưởng bả chỉ rặt là ghẻ và ghẻ trong người”. Ðấy, tui nói cho anh biết để anh khéo mà dạy con anh, kẻo thiên hạ lại bảo cũng là con giáo viên mà mất dạy hơn cả thứ không ông, không cha! Thiệt đúng là thứ con không mẹ!
Tôi tái mặt liếc nhìn gương mặt đanh đá của dì. Tôi quen những lời cay nghiệt của bà, nhưng tôi không bao giờ chịu đựng khi dì nhắc đến tên mẹ tôi với cái giọng xỏ xiên đó. Tôi quên phắt đến lời dì méc với ba. Tôi ngước mặt lên, nghênh nghênh nói với vẻ hỗn láo bất ngờ:
- Tui mất dạy kệ tui. Dì có mất dạy đâu mà dì lo.
Dì tròn mắt nhìn tôi rồi quay qua ba tôi, tru tréo:
- Ðó! Ông thấy chưa? Ông thấy chưa? Con trai ông…
Ba tôi không đợi dì nói hết, ông đỏ tía mặt mày đứng dậy lùa tay một cái, tất cả mâm cơm rơi loảng xoảng xuống nền nhà, đổ tung tóe. Ba tôi kéo tay tôi lôi xềnh xệch tới gần cột nhà ở giữa, xô thật mạnh tôi đánh cốp đâu vào thân cột cứng ngắc. Giật đứt tấm màn cửa sổ, rút sợi dây thép ra, ông lôi tôi dậy, túm hai tay qua thân cột to gần bằng lưng người lớn, ông cột hai tay tôi lại xong, ông quất vào lưng, vào mông tôi túi bụi.
Lần đầu tiên bị đánh và đánh dữ dội như thế, tôi sợ quá, hét lên inh ỏi, vừa thét vừa van xin:
- Lạy ba, lạy ba, ba tha cho con, tha cho con. Dì ơi, dì cứu con! Lần sau con không dám hỗn với dì nữa.
Dì ghẻ tôi ngồi ghế, ngó lơ ra cửa. Ba tôi không động lòng, vẫn tới tấp quất rôi lên người tôi, miệng không ngớt hầm hè:
- Này, này! Cho mày hỗn này, cho mày mất dạy này. Mày không phải con tao này…
Tôi khản giọng, gào to hơn nữa:
- Kim Anh ơi, dì Xuân ơi, cứu con, cứu con mau lên, con chết mất.
Dì Xuân, Kim Anh và mấy người hàng xóm, không biết chực sẵn bên ngoài tự bao giờ, đến lúc đó mới chạy ào vào cùng can gián ba tôi.
Quăn cây rôi xuống đất, ba tôi tới ngồi phịch trên ghết, thở dốc.
Tôi ngưng gào, nghe tiếng dì ghẻ tôi cất lên lạnh lùng:
- Ðể đó, việc nhà này để tui lo, chẳng mắc mớ gì đến mấy người.
Nói xong dì đẩy Kim Anh ra khỏi chỗ tôi ngồi. Dì từ từ mỏ hai tay của tôi giờ đã bầm đỏ, rướm máu vì bị giây thép cứa mạnh vào. Dì kéo tôi vào giường của dì. Lột lưng áp và quần tôi ra, dì đứng chắc lưỡi một lát rồi bắt đầu xoa dầu, xát muối lên người tôi. Tôi cắn răng nhưng vẫn rên lên vì đau buốt. Dì dỗ dành:
- Ráng chịu một chút đi con. Xát muối vào mau lành vết thương lắm. Lỗi tại con hết. Lần sau, con phải vâng lời ba con. Ổng mà giận thì khổ thân con.
Có lẽ lưng tôi đầy vết roi tóe máu cho nên dì mới nói vậy mà tôi mới đau đớn ê chề đến nhường đó. Nghĩ tới mấy phút trước dì xúi ba tôi “dạy” tôi giờ bà còn nói với tôi bằng cái giọng êm ru như mẹ hiền. Nổi dóa, tôi vùng người lên, gạt tay bà một cái mạnh rồi la lớn:
- Thôi đi. Nãy bà xúi ba tôi đánh chết tui, giờ nói giọng ngọt như mía lùi, sao bà giả bộ hay quá vậy?
Bỗng, tôi bật lên, giọng hỗn xược:
- Ðồ đạo đức giả! Ðồ “nam mô bụng bồ dao găm”.
Dì ghẻ tôi đứng phắt dậy, nhìn sững vào miệng tôi mấy giây. Bà rít lên, đôi mắt long sòng sọc:
- Cút! Cút ra khỏi phòng tao! Ðồ mất dạy! Ðồ quỷ sứ!
Tôi chạy ra khỏi phòng bà, trước kia là phòng của mẹ tôi, tót qua nhà dì Xuân, chúi đầu vào góc nhà dì, khóc như mưa.
Trưa đó, tôi không ăn gì, chỉ rũ người ra thiếp ngủ trong đôi tay người bạn gái của mẹ tôi.
Không biết tôi ngủ bao lâu, khi thức dậy, dụi mắt nhìn thì đã thấy dì Xuân đứng bên cười gượng với vẻ xót thương nói với tôi:
- Dậy đi con. Ra sau nhà, dí tắm cho mát mẻ, sạch sẽ rồi đi ăn cơm với dì.
Tôi theo dì ra sân vườn, nơi đó có một nhà tắm lợp bằng tre và lá dứa rất mong manh, đơn giản. Dì Xuân, chỉ vào đôi thùng nước để sẵn trong góc, cười bảo:
- Dì xuống chùa Bảo Quốc gánh đôi nước này về tắm cho con. Nước giếng trong và mát lắm. Người ta nói nước giếng Bảo Quốc rất thiêng. Con tắm xong sẽ khỏi ngay, những vết thương cũng mau lành miệng.
Tôi trố mắt nhìn sững dì. Trong nhà thiếu gì nước máy mà dì phải đi xa như vậy để lấy nước về cho tôi tắm? Tôi chỉ muốn bảo dì: “Con không cần nước thiêng, con chỉ cần tình thương chân thật của dì”.
Tôi cảm động ứa nước mắt, dụi mặt vào lưng áo còn ướt mồ hôi của dì.
Tối đó về nhà, tôi không ngủ được. Những vết roi quất sau lưng khiến toàn thân đau ê ẩm. Mỗi lần trở mình, tôi nghe mỏi nhừ, rát bỏng suốt khoảng lưng và mông.
Tôi mở mắt thao láo nhìn bóng đèn đêm le lói thắp trên bàn thờ mẹ tôi. Ðể giải khuây, tôi cố lắng nghe tiếng rì rầm nói chuyện của ba tôi và bà dì ghẻ, xem thử bà còn nhắc gì đến cái tội “mất dạy của tôi không. Y như rằng! Giọng dì lớn hơn ba tôi. Trong đêm, tiếng nói của dì từ trong phòng vọng ra rất rõ:
- Anh coi chừng mà dạy bảo con anh. Cái thằng Hoàng đó mà không ngó tới rồi có ngày thành du đãng. Anh cứ phú cho con mẹ Xuân bên đó, có ngày con mẻ cũng xúi nó về xách dao chém tui.
Tiếng ba ôn tồn:
- Hừ, mình nói nghe dễ sợ; cứ nghĩ xấu cho người ta. Chị Xuân chỉ thương thằng Hoàng như con. Chị ấy là bạn thân của mẹ nó mà. Chỉ không dạy nó nên người thì thôi, cắc cớ chi lại xúi giục nó làm chuyện ác.
- Cha! Binh con mẻ dữ ha? Bộ ông ưa con mẻ à? Ưa sao không cưới bả, về lo cho thằng Hoàng có phải êm không? Cưới tui chi cho xa xôi?
Tiếng ba thở dài:
- Mình nói gì đâu không hà. Tui mê mình lâu lắm rồi chớ bộ. Từ lúc mẹ thằng Hoàng còn sống. Bởi chúng ta không khéo giữ gìn để mẹ nó biết, mẹ nó mới bệnh nặng đó chớ.
Tôi bỗng ngồi nhổm dậy. Câu nói nhắc nhở tôi nhớ. Chính vào sáng ngày đưa mẹ tôi tới nghĩa địa, tôi có nghe một bà nào đó trong xóm nói chuyện với người đi bên cạnh: “Tội nghiệp chị ấy. Ghen quá sinh bịnh. Cái bịnh lao mà buồn rầu, lo nghĩ càng nặng thêm. Chị ấy chết sớm, nguyên do cũng tại con Lan, cái con ngựa Thượng tứ trời đánh đó”.
Lúc ấy, tôi vẫn ngỡ họ nói tới một người đàn bà nào đó, giờ thì rõ quá rồi. Vì con “ngựa Thượng tứ” tên Lan chính là tên của gì ghẻ tôi. Nay nghe ba tôi nói, nỗi ác cảm với mẹ kế càng lớn mãi trong tâm hồn tôi.