Chương 27
Tác giả: Lương Tố Nga
Ba tôi càng ngạc nhiên:
- Mình nói chi bậy bạ vậy hả? Nói rõ đi coi nào.
Bà ấy bặm môi trợn mắt nhìn tôi như mình con quái vật. Bà bĩu môi, quay mặt đi, miệng kể tội:
- Ông không biết à? Thằng quỷ vật này nè, hắn đợi tôi đi tắm, hắn xoi thủng một lỗ vách để nhìn tôi tắm nè, hiểu ra chưa? Ðồ cái thứ dê có nòi!
Nghe dì mắng xéo, ba tôi nổi cộc:
- Nè, im cái miệng đi bà chằng. Ðừng có đổ bậy cho con nít, tội lút đầu đó.
Bà dì ghẻ nhảy đành đạch trên sàn nhà, tru lên nữa:
- Trời ơi là trời, giờ mà còn binh cái thằng ôn dịch đó. Bộ tui mà đi đổ thừa cho hắn hả? Ðiên chi tui đang tắm, phải để vầy chạy ra bắt tại trận hăn đang cạy vách nhìn trộm hả? Không tin ra nhà tắm mà coi.
Ba tôi quay qua nhìn chăm bẳm vào mắt tôi. Sợ hãi, tôi cúi đầu. Theo ý ba tôi, "Im lặng là nhận tội". Nhưng có lẽ chưa tin vội, ông bươn ra sau nhà. Chốc sau, ông trở vào. Ðanh mặt lại với đôi mắt rực lửa, ông quát:
- Bà, bà vô nhà mặc áo đi. Còn thằng quỷ sứ, lại quì bên cột nhà kia.
Tôi hơi nhẹ người. Quì ở cột, có nghĩa là nhận vài roi rồi thôi. Kể ra, tôi nhìn trộm dì tắm là để xem lưng dì có ghẻ hay không tôi, chớ tôi có tội tình gì đâu mà phải bị trừng phạt kia chớ.
Từ trong nhà đi ra, ba tôi cầm một sợi dây dù dài cỡ 3m mà ông thường dùng cột hàng mỗi khi chạy xe thổ. Tới bên tôi, với đôi mắt như có lửa, ông không nhìn tôi, chỉ tóm lấy hai tay tôi, quặt ra sau cột chúng vào nhau rồi cầm lấy hai đầu dây còn thừa lòng thòng, ông kéo tôi ra khỏi cửa, lấy đầu gối huých vào lưng, ông đẩy tôi ra đường.
Giờ này thì tôi hiểu. Ba tôi đang trừng trị tội "dê" của tôi bằng một hình phạt tôi chưa kề gặp, chưa hề thấy bao giờ.
Một tay ông xiết chặt đầu dây, một tay ông cầm roi quất tôi như quất ngựa. Ông quất vào bất cứ đâu trên người tôi. Tôi hiểu, tôi sợ và tôi van xin:
- Con lạy ba! Con lạy ba! Tha cho con ba ơi! Con không có ý đó, con không...ba ơi! Tha cho con ba ơi, ba ơi!
Không nói một lời, ba tôi vẫn quất tôi chạy ra con đường đầy đá sỏi. Mọi ngày vẫn chạy chân trần trên con đường quen thuộc này, chưa bao giờ tôi nề hà những viên gạch vỡ, những mảnh đá vụn sắc cạnh đó. Vậy mà giờ đây tôi lại oán hận chúng đã nở cứa, nỡ cắt, nỡ đâm vào gan bàn chân tôi những nhát đau điếng người.
Cố hết sức tôi vẫn phải chạy, khụy chân xuống càng bị đánh mạnh hơn. Bước chấn tôi quýnh vào nhau. Hai vòng dây trên cổ tay tôi thít rịt lại, mỗi lúc mỗi chặt hơn. Tôi đau đớn tuồng như ai đang cứa dao vào da thịt.
Dưới nắng trưa hè gay gắt, mồ hôi chảy đầm đìa lên cổ tôi. Nước mắt tôi cũng bắt đầu đổ ra, chan hòa trên má. Tôi gào khàn cổ:
- Ba ơi, ba! Tha cho con, con đau lắm ba ơi! Tha cho con, con không có tội đó đâu, ba ơi! Dì nói không đúng, con không...đâu, ba ơi!...
Có lẽ ba tôi không nghe tôi van xin? Cần phải gào to hơn nữa, nhưng tôi sợ người hai bên đường sẽ nghe thấy. Họ sẽ túa ra xem, xem cái cảnh ba tôi quất tôi như quất ngựa. Không thể được. Tôi chỉ rên rĩ trong miệng, bởi vì ba tôi hành hạ tôi như chính hành hạ bản thân mình.
- Ba ơi, ba! Tha cho con, con đau quá, ba ơi!...
Tôi lả người đi vì đuối sức. Ðầu tôi gục gặc, lắc lư. Tôi không còn thấy đau đớn ở hai bàn chân và hai cổ tay nữa.
Có tiếng người bên đường. Nhiều tiếng gọi nhau lao xao:
- Kìa, kìa! Coi kìa! Ông ta làm gì thế?
- Trời ơi! Ác quá, chắc thằng nhỏ chết mất !
-...!
Bỗng có tiếng người đàn ông nào đó thét lên:
- Dừng lại! Dừng lại!
-...
Tiếng đấm đá nhau. Tiếng ba tôi hét:
- Mặc kệ tôi! Mặc kệ tôi! Can dự gì tới mấy người.
Tiếng gầm gừ, hằn học. Rồi có ai đó cởi dây trói cho tôi, đỡ tôi đứng lên. Cố nhướng mắt nhìn con đường trước mặt, vút một cái, tôi lấy hết sức lực phóng người chạy, quên hết mọi thứ.
Tôi chạy như điên cuồng trên con đường nóng bỏng. Mặc kệ, tôi cứ chạy! Mong sao khoảng cách giữa tôi và ba tôi - không, không phải ba tôi mà là người đàn ông "ác thú" - mỗi lúc mỗi xa hơn. Tôi ghê sợ người đàn ông đó quá.
Chạy mãi, cuối cùng kiệt sức, tôi ngã huỵch xuống một nơi nào đó có bức tường vôi, lịm người đi. Lúc mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm cạnh căn nhà trên đường vào sân ga Huế.
Ngồi dậy nhìn quanh, tôi quyết định đứng lên đi hẳn vào sân ga trong. Tìm một chỗ khuất, tôi nằm nghỉ mệt.
Bây giờ cơn đau nhức ở cổ tay và lòng bàn chân trỗi dậy. Tôi đưa chân, đưa tay ra ngắm nghía. Chợt nghe đắng cay dâng nặng trong buồng ngực, tôi gục đầu lên gối, khóc rưng rức:
- Ba ơi, ba có phải là ba ruột của con không? Sao ba ác với con quá, ba ơi!
Ðêm đó, tôi leo lên con tào xuôi Nam. Với đôi chân trần, với cái đầu không nón, với manh quần, tấm ao mong manh và cái bụng lép xẹp, tôi bỏ nhà ra đi cùng mối hận thù ngun ngút cháy.
Hai hôm sau, tôi đang đứng ở một góc sân ga - sau này tôi mới biết là ga Bình Triệu - lòng vừa sợ sệt vừa hoang mang trong bóng tối, bỗng một gã trai trẻ cao hẳn hơn tôi một cái đầu đứng trước mặt tôi, gầm gừ với cái giọng Nam tôi không quen nghe:
- Này, oắt con! Mày ở đâu tới đây?
Tôi rút người lại, không trả lời:
- Mày định làm gì đây hả nhóc?
-...
- Mày không biết đây là đất làm ăn của tao à?
-...
- Mày có khi nào nghe đến cái tên Thạch Ðầu Lâu chưa?
Tôi cố nhớ xem có quen ai tên như vậy không. Không nhớ. À, hay là trong sách lịch sử, hay chuyện cổ tích cô Loan kể? Tôi đang lục trí nhớ thì tiếng quát làm tôi giật thót:
- Nói đi! Câm hả hay khinh người?
Một nắm tay đưa cao. Tôi chưa nhận được cái đâu của cú đấm thì mặt mày tôi xây xẩm. Tôi quị xuống.
Tôi tỉnh dậy, nghe tiếng lao xao bên cạnh.
- Nó ở đâu đến vậy cà? Con ai đây?
- Thằng bé đói hay sao đó, đại ca à.
- Chà, người nó nóng như lửa.
- Ðại ca. Nó bịnh rồi.
Một người ẳm tôi trên đôi tay mạnh mẽ, đưa đi. Tôi lại mê thiếp một lần nữa.
Mở mắt ra lần thứ hai, tôi nhận ra khuôn mặt quen quen đang kề bên. Tôi hỏi:
- Anh ơi, em đang ở đâu đây?
Giọng Thạch Ðầu Lâu trả lời:
- Em đang ở nhà một cô y tá.
Tôi nhỏm đầu. Anh ta ấn tôi xuống, dịu dàng:
- Em cứ nằm, ở đây an toàn lắm. Em bị sốt rất cao, mê man suốt 3 ngày, 4 đêm. Cô y tá chích thuốc kháng sinh cho em rồi. Ít lâu, em sẽ lành bệnh.
Tôi ngạc nhiên:
- Em bịnh gì thế?
Thạch Ðầu Lâu vuốt tóc tôi:
- Có lẽ vết thương ở tay và chân của em bị nhiễm trùng. Nhưng không sao, qua khỏi thôi.