Chương 16
Tác giả: Lương Tố Nga
Tôi ngồi thõng thượt trên ghế vẻ chán nản. Bài toán này thật là khó, tôi nghĩ mãi không ra cách làm. Nhưng nói cho đúng, nãy giờ tôi có "tư duy" gì đâu. Ðầu óc tôi nó đang chạy lung tung ngoài xóm và hai cẳng tôi ngứa ngáy lạ kỳ.
Liếc mắt nhìn con Kim Anh cắm cúi bên bàn của nó, tôi tức điên. Chính miệng nó rủ rê tôi học chung, chính miệng nó hứa với cô làm đôi bạn học tập với tôi thì đáng ra nó phải làm bài chung với tôi chớ. Vậy mà mỗi lần làm bài tập ở nhà, tới đúng giờ, nó qua kéo cổ tôi về nhà nó, ấn tôi vào chỗ ngồi, đưa tập, đưa sách rồi bảo:
- Trò phải tự làm lấy bài. Tập trung suy nghĩ đi. Bao giờ bí lắm tui mới chỉ cho trò. Nghe rõ chưa?
Rồi nó qua bên kia kẽ kẽ, viết viết lia lịa. Trông mặt mày nó cau có, thiệt là dễ ghét! Ðã mấy lần tôi định đá tung sách vở, chạy đi chơi. Nhưng nghĩ tới những lời hứa, tôi đành ép lòng ngồi trơ ra đây.
Kể ra tức thật! Tại sao tôi lại phải hứa với con nhóc tì đó chớ. Cũng chỉ tại hôm ấy, khi nghe dì Xuân bảo tôi chẳng cần phải ân hận về cái chết của Tý Cồ, đó là do cái số nó đoản mệnh, tôi tự tha tội cho tôi và lòng tôi cũng rộng mở với dì Xuân và con Kim Anh.
Nói thật tình, lúc đó tôi cảm động trước vẻ tiểu tụy hốc hác của dì. Tôi biết cái nghề chằm nón chẳng đủ nuôi hai mẹ con dì. Tôi đã nảy ra một ý. Thò tay vào túi quần, tôi lôi ra một nắm tiền đã nhàu nát đưa cho dì:
- Dì, con có mấy trăm bạc ba con cho đi đóng tiền học hè. Con không đóng, cất mãi trong túi. Giờ cầm về trả, ba con sẽ đánh về tội không đi học, mà con cũng không biết dùng vào việc gì. Thôi thì dì cất tiêu dùm con.
Dì Xuân chưng hửng rồi hất tay tôi:
- Ý, bậy! Sao dì lại xài tiền của con được.
Tôi nhét tiền vào túi áo dì, nói đùa:
- Thì dì cứ coi như Kim Anh là cô giá con trong mấy tháng hè, con phải nộp học phí cho nó vậy mà.
Dì Xuân cau mày:
- Con nói gì đâu không hà. Vì thương con mà con Kim Anh kềm con học cho bằng bạn, bằng bè chứ cô thầy gì, và nó có cần tiền của con đâu.
Kim Anh nghe hết. Nó tới bên giật lấy số tiền bỏ tọt vô túi rồi thủng thỉnh nói:
- Mẹ không lấy thì để con.
Xong, nó quay gương mặt còn non choẹt mà làm ra vẻ rất cô giáo về phía tôi, bảo trịnh trọng:
- Tui nhận số tiền này với điều kiện trò phải hứa với tui.
Vì ước mong dì Xuân có thêm số tiền tiêu xài mà tôi hứa đại:
- Ừa, giờ trò ưa tui làm chi tui cũng chịu, miễn trò cứ đưa tiền dì mua thêm thức ăn.
Kim Anh cười tủm tỉm:
- Thường ngày, tui nghe trò nói với mấy trò kia: "Tao đã hứa thì như đinh đóng cột" phải không?
- Dĩ nhiên, mà sao?
- Giờ trò hứa với tui cũng vậy chớ?
- Dĩ nhiên!
- Vậy thì trò hãy hứa đi. "Từ này cho tới hết năm học, trò qua học chung với tui, không được bỏ buổi nào."
Tôi ngớ ra, thầm nhủ: "Chà, con ranh! Nó khôn dữ đa!"
Kim Anh thấy tôi ngần ngừ, nó nhắc:
- Sao? Hay tui trả tiền lại cho trò?
Ðã lỡ rồi, tôi gật đầu:
- Ừa, tui hứa đó.
Kim Anh quay qua mẹ, cười thật tươi:
- Mẹ, mẹ làm chứng nhé.
Và nó xoay qua tôi:
- Ðưa ngón trỏ ra, ngoéo tay thề đàng hoàng.
Tôi đành đưa ngón tay ra ngoắc vào ngón tay Kim Anh. Dì Xuân hăng hái làm trọng tài. Dì đặt bàn tay vào hai ngón tay chúng tôi, cười ha hả:
- Chắc như đinh đóng cột rồi nhé!
Tôi đã hứa như thế đó và giờ này tôi đành phải ngồi đóng chân ở đây, cố kềm thói chạy rong để thực thi lời hứa cũ.
Kim Anh ngước mắt nhìn tôi, nhắc:
- Làm bài đi chớ, suy nghĩ gì mà thộn mặt ra thế? Trò thông minh lắm, sao bài toán dễ ẹt vậy, lại bí?
Sẵn cáu, tôi cau mặt:
- Mi dóc vừa thôi. Tao ngu kệ tao.
Con Kim Anh bỏ chỗ ngồi, tới bên tôi, nói như chị dỗ em:
- Hoàng à, trò phải quyết tâm lên mới được. Cần phải học tiến bộ để cô Loan vui lòng.
Tôi dằn bút xuống bàn:
- Mắc mớ chi cổ mà cổ vui?
Kim Anh cau mày, vẻ không bằng lòng:
- Hoàng thiệt là... Cô giáo thương trò lắm đó.
- Thương xạo!
- Thiệt!
- Xạo!
- Thiệt!
Rồi Kim Anh kể:
- Chiều hôm qua, trong lúc trò chạy đi chơi đâu, tui kiếm trò hoài không thấy. Chẳng dè cô giáo tới. Cô bảo tui đưa cô qua thăm ba trò và mẹ kế trò.
Tôi vụt đứng lên, sừng sộ:
- Ai cho mày dẫn cô tới nhà tao?
Kim Anh thụt lùi một bước:
- Cô bảo thì tôi phải vâng chớ. Với lại có can hệ gì đâu.
Tôi tiến tới một bước:
- Tao hỏi mày, cô giáo tới nhà tao làm gì? Cổ muốn kể tội tao phải không? Tao đếch sợ.
Kim Anh cau mặt lần nữa:
- Trò lại chửi tục. Cô bảo cô muốn tìm hiểu gia đình trò để hướng dẫn trò hơn.
- Hướng dẫn cái cóc khô!
- Trò không biết đâu. Cô giáo rất thương trò. Khi tới nhà trò, không có ai, chỉ mỗi mình bà Hai và mấy đứa nhỏ. Bà không biết gì mà nói. Cô ở lại đợi ba trò về. Trong khi chờ, cô đến bên bàn thờ mẹ trò. Cô ngắm hình của mẹ trò rồi cô lấy khăn tay lau bàn thờ. Khi ba trò về, hai người nói chuyện rất lâu. Không muốn nghe người lớn nói chuyện, mình bỏ ra ngoài, vì thế không biết cô và ba trò nói chuyện gì mà khi về, gương mặt của cô trông rất buồn.
Tôi tống một đạp vào chân bàn, la lên:
- Dẹp đi! Cô ấy chỉ giỏi đóng trò.
Nói xong, tôi gạt tay lùa hết sách vở và luôn cả bình mực tím xuống đất. Vùng bỏ chạy ra khỏi nhà Kim Anh, chỉ vài phút sau, tôi đã ở bên mộ mẹ.
Nghĩa địa giờ này vắng ngắt vắng ngơ, mặc tình cho tôi thổ lộ những bực bội. Tôi đấm tay lên mộ mẹ liên hồi và nước mắt chảy đầm đìa. Tôi thổn thức rất lâu. Tôi không hiểu có điều gì đó mà khi nghe cô giáo đến nhà, trong lòng tôi lại tức giận. Tôi biết cô đến nhà không phải để mách chuyện tôi với ba tôi. Nhưng khi nghe nói cô buồn, tôi mới nổi cáu. Vì sao thế? Tôi muốn gọi mẹ để hỏi, nhưng nấm mồ này chỉ biết im lặng. Và hàng tre già lung lay trong gió chiều như đang thì thào những lời an ủi và cố nghiêng đầu bên nhau tìm hiểu tâm sự của tôi.
Bỗng nhiên tôi nổi cáu. Ðứng phắt dậy, quắc mắt nhìn khắp lũy tre nhiều chuyện, tôi gào lên:
- Im hết đi. Tao đâu thèm bọn mày an ủi, thương hại tao đâu. Im hết đi, đồ đạo đức giả!
Rồi tôi liếc xéo mộ mẹ một cái:
- Và mẹ nữa. Mẹ chẳng thương con chút nào.
Nước mắt dâng đầy mi rồi lã chã tuông xuống má. Tôi nức nở. Không hiểu sao hôm nay tôi lại tủi thân nhiều thế.
Bỏ chỗ mẹ, tôi lần ra ngoài rìa đất quen thuộc, ngồi ngắm bóng hoàng hôn dần dần kéo xuống phía thung lũng xa.
Tôi ngồi lặng rất lâu, sững sờ cảm thấy nơi đây quạnh quẽ quá và cũng kỳ diệu quá. Kìa! Màu tím, một màu tím nhàn nhạt ửng quanh thung lũng tạo cho nơi đó vẻ mơ màng, huyền ảo. Cuối chân thung lũng là những làn khói lam nhẹ vươn lên trên mấy nếp nhà tranh rồi hòa cũng màu tím của chiều tàn. Chao ơi, tôi yêu nơi này biết mấy!
Quê hương! Ðúng rồi, cô giáo Loan đã dùng hai tiếng Quê Hương dễ thương đó để gọi xóm làng Lịch Ðợi của tôi. Cô giáo cũng yêu say mê cảnh đẹp ở đây. Cô yêu xóm làng tôi - cũng giống như tôi vậy.
Tại sao cô giáo lại dễ yêu thương vậy? Cô có yêu thương xóm quê tôi thật tình không? Cô có yêu thương tôi thật tình không? Không, tôi không tin. Có ai yêu được một đứa con trai " mất dạy" như tôi.
Tôi không tin và cũng không muốn ai yêu thương tôi. Tất cả đều giả tạo. Tôi ghét cô và muốn làm cho cô luôn bực mình. Vậy mà không hiểu sao, tôi càng chọc giận cô thì cô càng cố chịu đựng tôi.
Nhớ tới hôm làm bài tập làm văn kiểm tra chất lượng đầu năm, cô giáo ra đề "Em hãy tả cô giáo lớp em". Lúc đọc đề, tôi đã cười thầm. Sao cô quá dại dột? Ra cái đề chẳng khác nào cố tình chạm tay mình vào một con nhím, để nó có dịp xù lông lên, bắn vào người cô những cái gai nhọn hoắt đầy độc địa
Tôi viết ngay vào bài làm của tôi lên giấy, không cần nháp nhiếc gì, như vầy:
- "Nếu có ai hỏi tôi ghét gì nhất thì tôi xin thưa rằng tôi ghét cô giáo lớp hiện giờ của tôi nhất."
Chính thế. Tôi ghét cô bởi vì cô chỉ là một giáo viên ở một trường lạ nào đó, phạm kỷ luật, nên bị đày về nới "tận cùng thế giới" này, như lời cô từng bảo. Cô giáo là một "giáo viên cá biệt" cũng như tôi là một "học sinh cá biệt", thì có ai hơn ai kia chớ mà cô lại làm phách.
Tôi ghét cô bởi vì cô quá xấu xí. Gương mặt cô luôn luôn cau có. Ðầu tóc uốn cong trông ghê tởm như một lũ rắn độc ngo ngoe phủ trên đầu. Ðôi mắt to, lồi như quỉ sứ, từ đó loé ra những tia lửa tào bạo, độc ác. Cô có cái mũi cũng rất độc đáo, nó cong và nhọn như của mụ phù thủy. Thân hình cô lạ ốm nhách như con mắm khô, thật buồn cười. Mỗi khi con mắm ấy dắt xe đạp lần mò bò lên dốc đường làng, trông "mắm" không thể tưởng tượng được! Giọng nói của cô rề rề rà rà ghê rợn như giọng rền của những oan hồn ở khu nghĩa địa Lịch Ðợi...
Kết luận: Nếu cô giáo em mà làm một mụ dì ghẻ thì chắc là đạt yêu cầu lắm!"
Bữa đó, không cần đọc lại bài làm để kiểm tra xem cái trò đùa ác độc của mình nó ác độc đến mức độ nào, tôi đã hí hững đem nộp cho cô, lòng thầm chờ đợi cơn lôi đình của cô. Tôi sẽ được một mẻ cười ra trò. Tôi sẽ kể cho các bạn thân của tôi nghe về kỳ công đó.
Nhưng, vậy mà không. Hôm trả bài, cô vẫn bình thường. Trước lớp, cô vẫn khen chỗ này, chê chỗ kia của mỗi bài. Cô cũng đọc một bai xuất sắc. Ðó là bài của Kim Anh, được điểm 8 (chắc là nó ca tụng cô hết ý). Cô cũng đọc vài bài kém để rút ra những điểm cần sửa đổi.
Lúc cầm bài mình trên tay, tộc đọc lời phê của cô "Ý tứ dồi dào, đặc sắc. Câu văn gọn gàng. Cần chú ý lỗi chính tả và dấu chấm, phẩy." Bài tôi được điểm 6.