4. HẬN TÌNH
Tác giả: Người Khăn Trắng
Vừa nhìn thấy cô giáo bước vào nhà thì bà Phán Sử đã hài lòng ngay, bà khều con dâu nói khẽ:
- Con nhỏ này được đó con, coi bộ thùy mị, kín đáo, chứ không như mấy con trước đây cứ ăn mặc như sắp đi hẹn hò với trai vậy,
Liên Hương cũng đồng tình:
- Cô này thấy tướng đi cũng biết con nhà có giáo dục. Cô mặc chiếc áo dài kín đáo mà đẹp quá. Không phải là con nhà giàu mà tướng quý phái ghê!
Bà Phán hỏi đùa:
- Con học làm thầy bói bao giờ mà vừa nhìn người đã biết là giàu nghèo rồi?
Liên Hương cười:
- Dễ thôi má, nếu con nhà giàu, thì ai chịu khó đi dạy thêm!
- Ờ há.
Mẹ con bà vừa nói xong thì cô gái đã dẫn xe đạp vào tới thềm nhà, nhìn thấy hai người cô lễ phép cúi đầu chào:
- Dạ, cháu chào bác, chào chị.
- Chào cô giáo. Có phải cô là người mà bên nhà thầy Tú giới thiệu không?
- Dạ phải. Cháu là Cẩm Hà, cháu tới để...
Liên Hương có cảm tình ngay với cô ta, nên đứng dậy đon đả nói:
- Mời cô giáo vào nhà rồi nói chuyện. Nghe bác Tú nói nhưng tôi không tin là cô còn quá trẻ như vậy. Chắc là cô...
Có lẽ sợ bị chê ngay từ phút đầu gặp gỡ, nên Cẩm Hà đã vội lên tiếng:
- Em đã hai mươi mốt tuổi rồi ạ.
Bà Phán cười vui:
- Hai mươi mốt mà đã già lắm sao? Mới bằng tuổi con gái út tôi. Phải chi nó...
Bà đang nói tới đó thì chợt ngừng lại và như nghẹn lại, Liên Hương phải chen ngang vào:
- Má lại nhắc tới cô út rồi, để con lấy nước má uống.
Sau khi rót nước cho bà mẹ chồng xong, Liên Hương quay sang bảo cô giáo:
- Cô theo tôi lên lầu, các cháu có phòng riêng trên đó.
Quay lại bà Phán, Cẩm Hà lễ phép:
- Cháu xin phép bác.
Bà Phán đang cố nén cơn xúc động đang chợt trào dâng, nghe cô gái chào, bà ngẩng lên và bỗng giật mình khi nhìn thấy cô từ phía sau, bà kêu lên khẽ:
- Sao giống con Thu Hường như đúc vậy?
Thu Hường là cô con gái út mà bà vừa chợt nhắc và phát xúc động. Cô gái đã chết!
Vô tình Cẩm Hà đâu có biết, cô bước đi chầm chậm theo sau Liên Hương lên lầu và mỗi bước đi của cô lại càng khiến cho bà Phán Sử tưởng chừng như nhìn thấy con gái mình tái sinh!
Mãi đến lúc Cẩm Hà đã khuất trên cầu thang rồi mà bà vẫn còn ngẩn ngơ nhìn theo. Tuy gương mặt giống ít có lẽ do Thu Hường là con nhà giàu ăn sung mặc sướng, trắng da dài tóc, còn cô gái này con nhà nghèo, da hơi đen, nhưng sao có người lại có dáng đi giống con gái bà đến như vậy! Bà lẩm bẩm:
- Phải chi nó còn sống...
Bà lại khóc!
Lúc Liên Hương trở xuống, cô khoe với mẹ chồng:
- Cô giáo đồng ý dạy luôn bữa nay đó má. Và có điều này nữa con có ý này thì đúng hơn, con muốn mời cô ấy ở lại đây luôn để tiện việc dạy tụi nhỏ. Cô ấy đang đi học Văn khoa, má thấy có tiện không?
Bà Phán reo lên:
- Ôi, còn gì bằng! Nhà đơn chiếc quá, có thêm được người như cô tới ở thì má con tôi vui lắm! Vậy ý cô giáo thế nào?
Cẩm Hà hơi ngập ngừng:
- Vừa rồi chị Liên Hương có ngỏ ý, cháu...
Bà Phán giục:
- Nhận lời đi cô! Tôi nói thật đó, ý con dâu tôi cũng là ý của tôi mà.
Cẩm Hà có phần xiêu lòng:
- Dạ, cháu sẽ tính. Còn ngay lúc này, cháu sẽ chờ các em dậy và sẽ bắt đầu luôn.
Không giữ ý, bà kéo tay Cẩm Hà ngồi xuống bên cạnh, giọng trìu mến:
- Nói thật với cô, kể từ khi con gái tôi mất...
Liên Hương sợ bà lại xúc động nên lại xen vào:
- Má đừng có...
Nhưng bà đã bình tĩnh xua tay:
- Má không sao đâu, để má nói chuyện với cô giáo.
Cuộc trò chuyện giữa một già một trẻ chẳng mấy chốc đã trở nên thân thiết, cảm thông. Cuối cùng chính Cẩm Hà đã vui vẻ nhận lời:
- Cháu cám ơn bác và chị Liên Hương. Vâng, ngày mai cháu sẽ dọn tới đây.
Rồi câu chuyện lại xoay qua riêng tư. Bà Phán nhìn Cẩm Hà một lúc và hỏi thẳng:
- Cháu là người ở xứ nào?
- Dạ, cháu ở Châu Đốc.
Bà Phán giật mình:
- Châu Đốc mà miệt nào, huyện thị nào?
- Dạ, cháu ở Châu Phú.
- Trời đất! Bác cũng ở Châu Phú đây.
Lại thêm một lần ngẫu nhiên mà họ có chung bản quán với nhau, khiến cho tình cảm đậm đà hơn. Bà nắm chặt tay Cẩm Hà, nói:
- Nếu con không chê, bác xin nhận con là... con nuôi, cháu thấy có tiện không?
Cẩm Hà vui hẳn:
- Thưa bác, cháu đang cần...
Cô đang vui, bỗng ngậm ngùi:
- Cháu không còn ai...
Liên Hương nói thêm:
- Vừa rồi cô ấy kể cho con nghe, cô mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhiều năm trước.
Bà Phán thương tâm:
- Tội nghiệp con tôi! Vậy cha mẹ con là ai ở xứ đó?
- Dạ, ba con cũng có chút tiếng tăm ở vùng đó. Hồi ấy con còn nhớ, người ta gọi ông là ông Huyện Phò...
Câu nói của Cẩm Hà chưa dứt thì đã nghe bà Phán kêu lên:
- Trời ơi!
Rồi chẳng hiểu sao bà như á khẩu, người lạnh ngắt.
Liên Hương hốt hoảng:
- Má! Má sao vậy.
Cô cùng với Cẩm Hà phải phụ nhau đưa bà vào phòng riêng. Trong lúc hiểm nguy đó mà bàn tay của bà vẫn cố nắm chặt tay của Cẩm Hà. Miệng cứ mấp máy nhiều lần như muốn nói điều gì đó mà không nói được.
***
Có tiền sử bệnh huyết áp cao, lại bị nhiều chuyện dồn nén từ khi hai đứa con của bà chết cùng lúc, nên tâm thần bà Phán luôn trong trạng thái bất an. Việc bà bị sốc đột ngột khi đang nói chuyện với Cẩm Hà đã khiến cả Liên Hương và Cẩm Hà đều thắc mắc không hiểu sao, nhưng mấy ngày sau cũng chưa giải tỏ được, bởi bà Phán từ lúc ấy hầu như chỉ tỉnh lại sau vài lần. Tuy bác sĩ đã trấn an là tình trạng sức khỏe bà không sao, chỉ ở tình trạng đó hơi lâu, chứ không nguy hiểm. Tuy nhiên Liên Hương lo lắng vô cùng, bởi trong nhà bây giờ không còn có ai, nếu bà mẹ chồng mà có mệnh hệ nào thì chẳng biết phải làm sao. Cô đành phải trông cậy vào Cẩm Hà:
- Từ lúc này em phải giúp chị lo cho má. Chứ chị thì cũng không còn nhiều sức nữa. Nlư em thấy đó, chỉ mấy đứa con chị, nó cũng... mồ côi cha...
Cẩm Hà đã hiểu điều đó ngay từ bữa đầu tiên, nhưng chưa kịp tìm hiểu, nay cô mới nhân cơ hội biết thêm:
- Em muốn hỏi, chồng chị mất trong trường hợp nào?
Chỉ lên bàn thờ có hai ảnh, một của chồng và một của cô em chồng:
- Hai anh em họ đi chung xe rồi bị tai nạn một lượt! Hôm ấy chị ở lại nhà giờ chót nên còn sống.
Cẩm Hà thốt lên:
- Hèn chi!
Cô định hỏi thêm, nhưng thấy không tiện nên thôi.
Liên Hương hình như cũng không muốn khơi gợi lại nỗi đau đang gậm nhấm trong lòng, nên nói sang chuyện khác:
- Em ngủ trên phòng đó có tiện không?
Cẩm Hà thấy hài lòng:
- Tốt lắm rồi chị. Ở chỗ em trọ đâu tiện nghi bằng.
Liên Hương cũng nói thật:
- Từ hôm có em tới ở chung, chị an tâm lắm. Nhất là gặp lúc má bệnh như thế này, nếu không có em tiếp thì chắc chị cũng nằm theo má quá!
Đã hai đêm liền vừa thức học bài, vừa phải lo chăm sóc bà Phán, nên tối nay Cẩm Hà cảm thấy mệt. Cô chưa kịp nói thì Liên Hương cũng đã thấy, cô nói:
- Em phải ngủ sớm tối nay đi. Để chị thức với bà già. Em phải ngủ đủ giấc sáng mai chị em mình cùng dậy ăn sáng chung, chị có món quà này cho em.
Cẩm Hà chỉ chờ có thế, cô lên phòng riêng trên lầu, chỉ kịp tắm qua thì đi ngủ liền, chứ không đọc mấy trang sách như lệ thường...
Được cái là nơi này khá yên tĩnh, nhà lại ít người, nên rất dễ dỗ giấc ngủ. Chỉ hơn mười phút sau Cẩm Hà đã ngủ sâu...
- Nè, sao vào nhà tôi mà ngủ vậy?
Câu nói lặp lại có lẽ đến lần thứ ba thì Cẩm Hà mới giật mình tỉnh dậy. Lúc đầu cô vẫn còn nằm yên, nhưng khi đã nghe rõ câu nói đó là dành cho mình, cô mới bật dậy. Tuy nhiên cả người Cẩm Hà như bị đè bởi một khối đá nặng, nên cô không thể nào cử động, đồng thời lồng ngực bị nén đến sắp nghẹt thở.
Vùng vẫy đến mấy lượt, sau cùng Cẩm Hà cũng thoát ra được. Cô mở ngay ngọn đèn trên đầu nằm và có cảm giác như chỗ nệm bên cạnh nơi cô nằm vẫn còn hơi nóng!
Có tiếng của Liên Hương từ bên ngoài:
- Em bị sao vậy Cẩm Hà?
Cẩm Hà định kể lại chuyện mình vừa bị, nhưng kịp nghĩ nên ậm ừ:
- Dạ... em bị chiêm bao.
- Chị đang ngủ nghe em la lớn nên tưởng có chuyện gì.
- Dạ, không có gì.
- Niệm Phật rồi ngủ yên thôi.
Liên Hương trở về phòng của mình chỉ được một lát thì lại nghe tiếng Cẩm Hà thét lớn:
- Chị Liên Hương ơi!
Chạy trở sang, Liên Hương ngạc nhiên hơn khi thấy Cẩm Hà đang nằm lăn dưới sàn ở bên ngoài cửa phòng!
- Sao vậy em?
Không thể giấu được nữa, Cẩm Hà phải nói thật:
- Em chưa kịp ngủ thì như có ai đó quăng em ra đây!
Liên Hương quá đỗi ngạc nhiên bước thẳng vào phòng tìm khắp nơi, cả dưới gầm giường. Chẳng thấy ai, cô hỏi:
- Lúc nãy em có đóng cửa phòng không?
- Dạ có, em còn cẩn thận cài chốt bên trong nữa!
- Nhưng nhà này đâu có ai khác ngoài mấy người mình. Chị thì ngủ bên kia, còn má thì nằm liệt giường trong phòng tầng dưới, đi còn không được, nói gì ôm em ném ra ngoài. Không lẽ thằng nào lẻn vào đây?
Cẩm Hà nói khẽ, như sợ có người nghe:
- Không phải đàn ông, mà là.. con gái!
- Nhưng mà...
Liên Hương vừa nói tới đó thì chợt nhìn thấy vật gì đó nằm dưới sàn, cô cúi xuống nhặt lên, bỗng kêu lớn:
- Cô út!
Cẩm Hà kinh ngạc:
- Cô út nào?
Giọng Liên Hương chùn hẳn xuống.
- Cô út nhà này. Cái trâm cài này là của cô ấy. Không lẽ nào...
Cẩm Hà cũng vừa hiểu, cô lặp lại câu nói nửa chừng của Liên Hương:
- Không lẽ chị ấy vào phòng em? Mà cũng có thể lắm...
Cô thuật lại câu nói lúc đầu:
- Đầu tiên em nghe có người đuổi em, hỏi sao dám vào nhà này. Giọng có vẻ hằn hộc lắm, em đâu ngờ là chị út?
Liên Hương lặng người đi một lúc, cô tự hỏi:
- Không lẽ có chuyện này?
Cô không tin chuyện ma quỷ, nên càng không nghĩ cô em chồng của mình hiện hồn về. Tuy nhiên nhớ lại lúc liệm xác Thu Hường, chính mắt cô nhìn thấy vật này vẫn còn đính trên tóc của cô ấy mà! Mà chiếc trâm cài này lại do chính cô mua tặng cô ấy lúc mới về nhà chồng nữa nên không thể nào có chuyện nhìn lầm.
- Hay là vô tình vật của chị ấy để sót lại mà em không thấy, để nó rơi nên bị quở chăng?
Không muốn làm cho Cẩm Hà sợ nên Liên Hương nói cho qua:
- Có lẽ vậy.
Nói thế, nhưng sau khi đã về phòng rồi, chính Liên Hương phải trằn trọc rất lâu để suy nghĩ về chiếc trâm.
Nếu bà Phán còn tỉnh cô đã sang hỏi cho ra lẽ.
Nhìn sang hai đứa bé ngủ say, Liên Hương sợ con thức giấc nên không dám mở đèn sáng, mặc dù lúc ấy cô rất muốn mở tủ, xem lại một số đồ vật. Trong số đó có chiếc trâm thứ hai, mà lúc mua cô đã mua một cặp, tặng cho Thu Hường một cái, còn cái kia thì cô dùng cho đến khi chồng chết cô mới thôi không cài tóc nữa, đem cất trong tủ.
Nằm mãi vẫn không ngủ được, cuối cùng Liên Hương cũng phải nhè nhẹ bước tới tủ áo, kéo nhẹ ngăn tủ nữ trang bên trong ra. Tuy qua ánh đèn ngủ không nhìn rõ chi tiết, nhưng Liên Hương vẫn phát hiện chiếc trâm của cô không còn trong hộp nữ trang nữa.
- Kỳ vậy?
Liên Hương hỏi hơi lớn, nên một trong hai đứa con cô, thằng Hải giật mình hỏi:
- Mẹ bị sao vậy?
Liên Hương nhìn lại đã thấy Hải đứng bên cạnh rồi, cô xoa đầu con:
- Không có gì đâu con, ngủ đi.
- Sao mẹ không ngủ?
- Ờ, mẹ...
- Mẹ ngủ với con đi.
Chìu con, Liên Hương đành phải đóng tủ, trở lại giường nằm dỗ con. Thằng bé vô tình nói:
- Đêm qua khi ngủ con thấy cô út đó mẹ.
Liên Hương giật mình:
- Cô út sao, cô làm gì con?
Thằng Hải rút đầu vào ngực mẹ:
- Đâu có sao. Con thấy cô út kêu con, bảo con là cô thương con nhưng không thương mẹ!
Liên Hương lay vai con:
- Đúng là cô út nói vậy sao?
- Dạ đúng. Mà lần thứ hai rồi đó! Lần trước lúc con bệnh tháng rồi, khi ngủ con cũng nghe cô út nói vậy.
- Sao con không nói lại cho mẹ nghe?
Thằng bé ngây thơ:
- Con biết là chiêm bao, cô út nói dối, nên con không nói lại cho mẹ nghe!
Biết là lời trẻ con nói, vả lại đã là chiêm bao. Tuy nhiên khi hồi tưởng lại, điều thằng bé nói không sai lắm. Lúc mới về nhà chồng, người đối xử với cô tệ nhất chính là cô em út Thu Hường này. Ban đầu Liên Hương nghĩ có lẽ do ganh tỵ của cô em chồng, nên Liên Hương cố ăn ở cho đúng phép, đem tình thương đổi lại sự ganh ghét ấy để dần lấy lòng cô em. Vậy mà nhiều năm sau Thu Hường vẫn có cái gì đó mà mỗi khi đối diện vẫn khiến cả hai khó chịu. Tuy có lòng bao dung, không cố chấp, nhưng thật tình mà nói, mãi cho đến lúc anh em họ chết, Liên Hương vẫn thấy khó chịu khi đối với cô lạnh nhạt bao nhiêu, thì đối với Tú, chồng Liên Hương, thì cô em gái đôi khi thân mật quá mức, hầu như muốn độc quyền thương yêu ông anh mình!
- Má, ngủ đi!
Thằng Hải nhìn như không muốn mẹ mình suy nghĩ, nó giục thêm lần nữa. Buộc lòng Liên Hương phải tắt cả đèn ngủ để cố nhắm mắt lại, tìm giấc ngủ.
Nhưng chỉ được một lát thì bên phòng của Cẩm Hà lại vang lên tiếng kêu của cô giáo. Và chỉ chút xíu sau đã nghe tiếng chân Cẩm Hà chạy bên ngoài, cô gọi cửa:
- Cho em qua ngủ với chị Liên Hương! Em sợ...
Mở cửa ra thấy Cẩm Hà ôm quần áo mền gối trong trạng thái hoảng loạn, Liên Hương không kịp suy nghĩ gì:
- Vào đi em!
Hai đứa bé thấy cô giáo vào ngủ chung thì mừng lắm, cứ huyên thuyên hỏi đủ chuyện. Sợ con nghe Cẩm Hà kể chuyện ma quỷ, nên Liên Hương ra dấu cho Cẩm Hà im lặng, cô nói khẽ:
- Để chút nữa tụi nhỏ ngủ lại, em nói chị nghe.
Cẩm Hà nghe lời, nhưng nghe cách cô thở gấp Liên Hương hiểu là cô đang sợ hãi và muốn nói gì đó, không thể chậm trễ, cô liền tìm cách bảo Cẩm Hà:
- Em bị bệnh thì theo chị sang đây chị cạo gió cho.
Liên Hương dặn hai đứa con:
- Hai đứa nằm lại đây và mau dỗ giấc ngủ, sáng mai cô Cẩm Hà sẽ đưa đi chơi sở thú!
Nghe được đi chơi, hai đứa trẻ reo lên:
- A, được đi chơi rồi!
Kéo Cẩm Hà xuống hẳn phòng khách, mở đèn sáng lên, Liên Hương hỏi:
- Em nói chị nghe coi, chuyện gì vừa xảy ra?
Cẩm Hà chưa hết run, cô không đáp mà lấy một gói giấy nhỏ đưa ra. Liên Hương tiếp lấy vừa mở ra xem đã giật mình:
- Ở đâu em có cái này?
Lúc bấy giờ Cẩm Hà mới lên tiếng:
- Cô ấy đưa cho em.
- Cô nào?
- Cô út.
Liên Hương chết lặng đi bởi vật trên tay và cũng bởi tin mà Cẩm Hà vừa tiết lộ.
- Đúng là... cô út?
Cẩm Hà thuật rõ:
- Lúc nãy khi chị vừa về phòng thì em nghe có hơi thở lạ của ai đó rất gần, em kịp bật đèn ngủ lên thì thấy một người con gái đứng cạnh giường, em chưa kịp kêu thì cô ấy đã nói rõ từng tiếng một bảo em phải rời khỏi phòng ngay, nếu không thì sẽ biết thế nào là tội chiếm nhà người khác! Trước khi bước đi, cô ấy còn xưng tên mình là Thu Hường!
Đưa vật đang cầm trên tay ra, Liên Hương chưa kịp hỏi thì Cẩm Hà đã nói:
- Trước khi biến mất sau cửa sổ, cô ấy còn ném vật ấy lại cho em và dặn: Đưa cho Liên Hương, bảo với nó rằng Thu Hường và nó tình đoạn, nghĩa tuyệt.
Trên tay của Liên Hương là chiếc trâm cài tóc, mà vừa nhìn thấy là cô biết ngay là của mình, vật mà lúc nãy xem trong hộp nữ trang cô biết là bị mất.
- Em ngạc nhiên hơn khi thấy cô ấy có vẻ hằn hộc khi nói tới chị. Ngoài ra cô ấy còn ném lại thêm cái này nữa.
Nhìn vật Cẩm Hà vừa đưa, một lần nữa Liên Hương chết điếng:
- Trời ơi!
Cô chỉ kêu được hai tiếng rồi thừ người ra, mặt biến sắc và để rơi vật trên tay. Một chiếc chìa khóa bình thường thôi.
- Chìa khóa này của phòng nào vậy chị?
Cẩm Hà cố tình hỏi. Liên Hương đáp như cái máy:
- Phòng không được phép mở trong nhà này!
Rồi không đợi Cẩm Hà hỏi thêm gì, Liên Hương bất thần đứng dậy và bước thẳng lên lầu. Cẩm Hà chạy theo, nhưng vừa tới chân cầu thang thì Liên Hương nói:
- Đây là chuyện riêng trong mà, em cứ về phòng chị ngủ với hai đứa nhỏ, lát chị sẽ xuống.
Liên Hương đi thẳng lên lầu trên nữa, nơi mà khi ba chồng cô còn sống đã nhiều lần nghiêm cấm: Đây là nơi lưu giữ riêng những gì của dòng họ này, ngoại trừ ta với má tụi con ra không người nào được bước vào. Có quy định nghiêm ngặt ghi ở cửa, nếu vi phạm thì coi như không còn đủ tư cách làm thành viên trong nhà này nữa.
Tám năm về làm dâu nhà này, chưa bao giờ Liên Hương vi phạm và thâm tâm cô luôn nghĩ rằng cái gì người khác không muốn thì mình đừng bao giờ làm. Mặc dù cô biết chiếc chìa khóa màu vàng này dùng để mở căn phòng đó, nó luôn móc trên lưng quần của bà Phán và có lần bà cũng tiết lộ rằng nó dùng để mở căn phòng mà bà gọi là dòng họ Đỗ.
Nay thì sự thôi thúc trong lòng đến độ Liên Hương không còn kiềm chế nổi. Nhất là khi cô biết ý của Thu Hường muốn cô khám phá căn phòng ấy, Liên Hương tự nhủ, mình không thể không biết!
Tuy quyết tâm, nhưng khi tra chìa khóa vào, vừa xoay một vòng là Liên Hương chùn tay. Phải lấy hết can đảm, cuối cùng cô cũng mở được và khựng lại ngay khi nhìn một chữ viết bằng Hán tự thật lớn trên tường trước mặt. Vốn thuở nhỏ có học tiếng Hán, nên Liên Hương hiểu nghĩa của chữ này, đó là chữ Hận! Phía bên dưới, chỗ chân tường có một cái rương cũ, ngoài ra không hề có một vật gì khác trong phòng!
Như vầy sao gọi là phòng bí mật của dòng họ Liên Hương tự hỏi và một lần nữa nhìn chăm chú vào chữ Hận trên tường. Phải chăng bí mật là từ chữ này. Mà tại sao lại hận, ai hận ai trong nhà này?
Trong lúc quan sát, tình cờ Liên Hương phát hiện có một ảnh chân dung nhỏ của ai đó đặt ở cạnh chiếc rương.
- Ảnh của bà Phán?
Tuy ảnh chụp khi còn khá trẻ, nhưng nhìn nét mặt, nhất là cái nốt ruồi trên môi của người trong ảnh, Liên Hương đoán ngay đó là bà mẹ chồng mình thời trẻ.
Quả nhiên khi cầm bức ảnh lên Liên Hương đọc được, hai chữ sau ảnh: Ngọc Nga. Mà Ngọc Nga chính là tên của bà Phán Sử...
- Hận người này ư?
Một lần nữa Liên Hương tự hỏi và không tìm được câu trả lời. Phải đến khi cô mở nhẹ chiếc rương ra. Vật đập vào mắt Liên Hương đầu tiên trong rương là ảnh hai đứa trẻ mới sinh, hai bé gái. Lật phía sau bức hình thấy có ghi dòng chữ: Ngày... Thu Hường và Cẩm Hà được bảy ngày sinh!
Liên Hương kêu lên:
- Thu Hường và... Cẩm Hà!
Liên Hương bắt đầu run tay, suýt nữa đã để rơi tấm ảnh xuống sàn. Nhưng chưa hết, còn một dòng chữ viết bằng mực đỏ, qua thời gian nó hơi mờ đi so với dòng chữ màu xanh bên trên: Hận tình này làm sao trả được đây?
Hai dòng chữ tuy cùng trên một tấm ảnh nhưng lại do hai người viết. Dòng trên có thể là bà Phán viết, còn dòng dưới là nét chữ rắn rỏi của đàn ông.
- Sao lại là Cẩm Hà? Cô Cẩm Hà gia sư của hai con mình phải chăng chỉ là trùng tên ngẫu nhiên.
Liên Hương tự hỏi và một lần nữa thêm vào mớ bòng bong thắc mắc chưa có lời giải. Cô lại tiếp tục giở từng vật trong rương ra. Tiếp theo là một phong thư đã vàng úa. Trong phong bì có một lá thư dài mà ngay dòng đầu tiên đã gây chú ý cho Liên Hương: Ngọc Nga yêu dấu...
Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ lý do cho Liên Hương ngồi xuống và đọc ngấu nghiến lá thư:
"Ngọc Nga yêu dấu!
Khi em đọc được những dòng chữ này thì người viết đã ra đi rất xa rồi! Anh ra đi vì nỗi hối hận không nguôi, nỗi ray rứt khiến cho một con người mang tiếng là hung ác, cường quyền bậc nhất ở xứ này phải bỏ ăn, mất ngủ kể từ khi vừa sinh con xong đã bỏ bệnh viện mà đi và vội vã đến nỗi chỉ mang theo được một đứa con trong hai đứa song sinh! Em có biết là khi hay tin, anh đã tới bệnh viện ẵm đứa bé còn lại về nhà mà lòng tan nát, dày vò dữ dội. Anh biết mình không xứng đáng để được em ở lại, bởi dù sao anh cũng là kẻ dùng cường quyền ép em lấy trong lúc em đã có người yêu. Anh cũng biết em yêu Phán Sử hơn và dành trọn tình yêu cho hắn ta, nhưng thử hỏi em, anh cũng đâu thua gì hắn về khoản yêu em say đắm? Chỉ vì anh đã lỡ có vợ rồi, em là kẻ đến sau. Nhưng đúng ra, chính chúng ta là những người yêu nhau trước mà. Chúng ta yêu nhau khi Phán Sử chưa yêu em và Ngọc Diệp chưa làm vợ của Huyện Thời này!
Vậy mà chúng ta đành phải lìa xa nhau, để anh phải mang tiếng là lừa em trong cơn say để chiếm đoạt và khiến em mang thai, sinh đôi và phải đứt ruột trốn đi, còn anh bị mang tiếng là kẻ cưỡng đoạt con gái nhà nghèo! Anh nói mà đâu ai tin, trong đó chắc có cả em nữa! Bởi vậy, anh chỉ biết âm thầm chịu đựng và cố nuôi cho con Cẩm Hà khôn lớn... anh giấu con về tông tích mẹ nó và nó cũng không hề nghi ngờ gì. Khi anh sắp chết, anh đã sắp đặt gởi nó về nội nuôi, trước khi lìa đời anh nhớ nó có hỏi anh là mẹ nó đâu, anh bảo dối con là em đã chết, nên chắc từ đó nó luôn nghĩ rằng nó mồ côi trên cõi đời này. Tội nghiệp con. Anh mong em có ngày nào đó thuận tiện hãy về tìm nó. Nó vẫn tên Cẩm Hà, bên vai trái có 2 nốt ruồi son để em dễ nhận.
Điều ray rứt thứ 2 mà đến khi chết anh vẫn chưa thể làm được, đó là xin em bức ảnh mà em đã nhờ thợ ảnh chụp hai đứa nhỏ lúc còn trong bảo sinh viện. Em còn giữ nó phải không? Anh rất muốn nhìn lại con Thu Hường 1 lần, nhưng có lẽ không kịp nữa rồi...
Vĩnh biệt!"
Cuối thư không có chữ ký, mà chỉ một chữ viết tên Thời hơi run và xấu... có vẻ người viết đã chết ngay sau khi viết tới đây!
Buông lá thư xuống Liên Hương lại thắc mắc:
- Má sinh hai cô con gái này rồi mới về với ba, vậy tại sao anh Tú cũng là con của hai người, lại là anh cả?
Bao nhiêu điều chưa rõ đó lại càng khiến cho Liên Hương muốn tiếp tục khám phá số đồ vật trong rương còn lại. Vật tiếp theo lại cũng là một lá thư khác, không phong bì, dạng như là một đoạn nhật ký được trích ra.
Nét chữ hình như là của bà Phán:
"Mình cố giấu mọi chuyện với Sử khi mình bảo với anh ấy rằng con Thu Hường là kết quả của những ngày vụng trộm của hai đứa, mình trốn anh ấy, trốn gia đình đi sinh xong mới ẵm con theo anh ấy lên Sài Gòn. Ban đầu anh ấy tin là thật và rất thương con Thu Hường. Nhưng cũng vì một sơ xuất nhỏ, tức là bức thư của Huyện Thời nhờ người mang đến trong lúc mình vắng nhà, Sử đã đọc và hiểu hết! Anh ấy điên lên khi biết mình bị phản bội và Thu Hường không phải là dòng máu của anh!
Để trả thù mình, Sử đã lao vào các cuộc trác táng, nhậu nhẹt bê tha và cả mèo mỡ lung tung, đến phải nhận hậu quả là căn bệnh giang mai quái ác. Chính căn bệnh ấy mà Sử mắc chứng vô sinh. Anh ấy không thể có được giọt máu chính thức với mình! Điều ấy càng làm cho Sử hận đời hơn, anh lại dấn sâu vào các cuộc bài bạc rượu chè. Cho đến một hôm, anh ấy tự tay mang về 1 đứa trẻ lớn hơn con Thu Hường ba bốn tuổi. Ban đầu mình ngỡ đó là giọt máu rơi của anh ấy, nhưng sau hỏi kỹ lại thì mới biết do quá ham có được đứa con, nên Sử đã nhờ một người bạn xin giùm một đứa trẻ mồ côi về làm con nuôi. Đứa trẻ ấy là thằng Thanh Tú. Nó lớn hơn con Hường nên đương nhiên là anh, đẩy con Thu Hường xuống là em. Đó cũng là ý Sử, anh ấy không muốn con của tình địch lại là con trưởng trong nhà! Mình cũng phải chấp nhận và cũng hết lòng yêu thương thằng Tú, để làm vui lòng chồng..."
Đọc đến đây Liên Hương thừ người ra, cô thốt lên:
- Thì ra là vậy. Thảo nào...
Nhớ lại những cử chỉ thân mật, những cách đối xử với nhau lúc cả hai còn sống, Liên Hương bất giác thốt lên:
- Có điều gì đó!
Cô bất chợt nhìn thấy một mẩu giấy khắc nằm bên dưới. Mẩu giấy với chữ viết của bà Phán!
"Sử vừa mất thì mình lại nhận được tin khác khiến lòng mình đau như cắt. Con Thu Hường và thằng Thanh Tú yêu nhau. Trời ơi, sao lại có chuyện đó được, trong khi mình đã cưới vợ cho thằng Tú rồi mà!
Thằng Tú làm chuyện này rồi làm sao với vợ nó đây! Khi mình kêu hỏi nó thì thằng Tú nói thật nó và con Thu Hường đã yêu nhau ngay từ khi con Thu Hường được mười lăm tuổi. Đó là kết quả của những ngày chung sống trong cùng một nhà.
Dù hai đứa nó không phải là ruột thịt, máu mủ gì của nhau nhưng mình làm sao chấp nhận cho được chuyện đó? Mình phản đối quyết liệt và hăm đuổi Tú ra khỏi nhà nếu nó không chấm dứt hành động ấy! Nó lặng lẽ bỏ đi khỏi nhà suốt mấy ngày liền, trong khi con vợ nó, Liên Hương thì không biết gì, cứ tưởng chồng mình có việc gì đó vắng nhà. Để rồi... trời ơi, chuyện không ai ngờ đã xảy ra! Tụi nó âm thầm hẹn nhau đi chơi và... cùng lao xuống vực sâu! Chúng nó tự tử vì tình, trong lúc những kẻ đau khổ lại chính là mẹ và vợ con của chúng!"
- Trời ơi!
Lần này là tiếng kêu thảng thốt của Liên Hương! Cô bủn rủn tay chân, người lảo đảo sắp ngã. Trời đất như sụp đổ trước mắt người vợ suốt đời chỉ biết thương chồng, chung thủy với chồng cho đến phút cuối cùng.
Tú ngoại tình, với anh thì còn có thể tin được, nhưng sao lại là Thu Hường? Điều khó tin nhất trên đời lại là sự thật!
- Thảo nào...
Liên Hương cứ vân vê những tờ giấy trong tay mà không biết phải làm gì. Cuối cùng cô xếp nắp rương lại, bước ra khỏi phòng mà trong lòng trống rỗng, xót xa...
- Mẹ ơi! Cô giáo...
Cả hai đứa con của Liên Hương đều chạy lên, chúng hớt hãi nói không tròn câu:
- Cô giáo... Cô giáo đã...
Liên Hương hốt hoảng:
- Cô giáo sao rồi?
Thằng Hải bình tĩnh hơn đáp:
- Cô giáo bị cô út dẫn đi rồi!
- Trời ơi!
Liên Hương vừa chạy vừa hỏi:
- Đi hướng nào?
Thằng bé Sơn chỉ tay ra ngoài sân sau:
- Hướng này.
Liên Hương chỉ kịp bảo hai đứa:
- Hai con trở về phòng đóng cửa lại, để mẹ đi tìm cô giáo.
Cô chạy ra vườn vừa nghĩ đến khu mộ hai cái chôn gần nhau của Tú và Thu Hường. Quả nhiên khi gần tới nơi cô nghe giọng của Thu Hường cất lên:
- Tao đã mất người yêu về tay một đứa con gái lạ, bây giờ gặp bất cứ đứa lạ nào vào nhà thì thà tao diệt nó trước, hơn là phải hối hận về sau!
Không nghe tiếng trả lời, nhưng từ xa nhìn thấy một người nằm dài dưới đất, Liên Hương đoán ra ngay đó là Cẩm Hà. Bước tới gần hơn thì người đang đứng nói giọng của Thu Hường chỉ là một cái bóng xõa tóc, phất phơ theo gió đêm!
- Hồn ma Thu Hường!
Giọng cô ả lại cất lên:
- Ta yêu suốt năm năm nhưng chưa hưởng được một giây của cuộc sống vợ chồng, vậy mà đứa lạ vào đây cướp mất người yêu của tao, rồi còn sinh ra hai đứa con cho anh ta nữa! Cũng vì hai đứa trẻ này mà tao không ra tay báo thù kẻ cướp tình yêu của mình được, tao hận thấu xương và tao quyết giết bất cứ đứa con gái nào xuất hiện trong nhà. Mày là đứa tao ra tay đầu tiên, vậy hãy khóc cho đã đời đi rồi nhận cái chết!
Cô ta vừa nói vừa giơ thẳng cánh tay lên như sắp giáng xuống. Liên Hương thu hết can đảm nói lớn:
- Cô út, hãy dừng tay!
Nghe tiếng Liên Hương, Thu Hường gầm lên:
- Ước gì tao giết được con tiện nhân này!
Rồi cô ả quay phắt người lại, lúc này Liên Hương mới nhìn thấy được gương mặt xanh như tàu lá cùng với hai chiếc răng nanh nhô ra hai bên khóe miệng.
- Mày muốn cứu con này hả, còn lâu!
Chẳng còn cách nào hơn, Liên Hương liền đưa ra những trang giấy mình cầm trên tay và ném mạnh về phía cô ả, vừa nói to:
- Người đó là chị em ruột của cô đó!
Lạ thay, những tờ giấy vừa nằm trong tay cô ta tức thời cháy bùng lên như có ai đốt! Thu Hường không nao núng, vẫn giữ lấy vật đang cháy, gương mặt vẫn tỉnh táo như không...
Những tờ giấy vừa cháy xong thì cũng là lúc Thu Hường nhảy lùi một bước, lần này ả kêu lên:
- Sao lại có chuyện này?
Liên Hương chợt hiểu, đối với hồn ma thì cách đọc thư là phải đốt cháy, giống như khi cúng vái giấy tiền vàng bạc vậy! Vừa rồi nàng ta đã làm cho những tờ giấy gồm thư của ông Phán, nhật ký của bà Phán... và cô ta đã hiểu mọi chuyện!
- Trời ơi!
Tiếng kêu trời của một hồn ma nghe là lạ, khiến Liên Hương hơi yên tâm, cô giải thích thêm:
- Đây là đứa chị em song sinh của cô út. Cô ấy hoàn toàn không hay biết chuyện của má với ông Huyện Thời ba ruột của cô. Cũng như tôi, làm sao tôi biết chuyện cô và anh Thanh Tú yêu nhau, chứ nếu biết thế thì tôi đời nào chen vào làm chi cho khổ cả ba người. Dẫu sao thì tôi cũng cám ơn cô đã tha cho mạng sống để tôi nuôi mấy đứa con, chúng nó đâu có tội tình gì.
Thu Hường ngã gục xuống như tàu lá rụng. Trong lúc đó thì Cẩm Hà vừa mới tỉnh lại, cô ngơ ngác hỏi:
- Em... em bị sao vậy chị Liên Hương?
Nhìn bên cạnh thấy một đống quần áo nằm sóng soài, cô càng ngạc nhiên hơn:
- Cái gì đây chị...
Liên Hương biết có nói thì Cẩm Hà cũng không tin, cô liền nắm tay lôi đi, và bảo:
- Đi vào gặp má. Em sẽ nghe chính má kể lại tất cả mọi chuyện.
Vùa bước đi Cẩm Hà vừa nhìn lại sau lưng, chợt cô ngạc nhiên kêu lên:
- Chị Liên Hương xem kìa!
Trước mắt họ, ngay chỗ ngôi mộ của Thu Hường, có một đống lửa đang bùng cháy dữ dội! Liên Hương lẩm bẩm:
- Không lẽ cô ấy đã...
Liên Hương nghĩ tới chuyện hồn ma từ giã cõi trần. Người ta thường nói khi một oan hồn ra đi thường bốc cháy thành khói hoặc biến thành hơi sương. Phải chăng từ nay Thu Hường sẽ siêu thoát?
Nắm chặt tay Cẩm Hà cô nói khẽ:
- Oan hồn của Thu Hường lúc nãy đòi giết em phải không nào?
Cẩm Hà dè dặt gật:
- Dạ, đúng rồi, em sợ lắm, chẳng hiểu sao cô ấy lại cứ theo đòi giết em hoài?
- Chỉ vì cô ấy tưởng em vào nhà này để cướp người yêu của cô ta lần nữa!
Cẩm Hà ngạc nhiên hơn:
- Người yêu nào?
- Đó chính là chồng của chị, là anh của Thu Hường. Được rồi, để chị kể sơ lượt cho em nghe trước khi đi gặp má.
Cô kể lại mọi chuyên. Nghe xong Cẩm Hà ngơ ngác:
- Sao lại có chuyện đó? À mà cũng có lý...
Cuối cùng Cẩm Hà nhận ra:
- Em nhớ rồi, ba em từng nói rằng ông có một mối tình tội lỗi. Nhưng em không ngờ em lại rơi vào mối tình ấy.
Cô khóc rấm rức...
***
Bà Phán chợt tỉnh. Đây là lần tỉnh đầu tiên của bà sau gần một tuần lễ. Việc đầu tiên sau khi mở mắt ra bà hỏi ngay:
- Con Cẩm Hà đâu?
Cẩm Hà đã ngồi bên cạnh, vội lên tiếng:
- Dạ, con đây.
Quay lại nắm chặt tay Cẩm Hà, bà òa lên khóc! Liên Hương vội ngăn lại:
- Má đừng quá xúc động. Con đã nói sơ với Cẩm Hà rồi, cô ấy hiểu và chờ má nói đó.
Bà Phán kéo Cẩm Hà vào lòng, giọng trìu mến:
- Má xin lỗi con, vì hoàn cảnh ngày đó má ra đi mà không kịp đem con theo để con phải mang tiếng mồ côi từ nào đến giờ. Mà phải chỉ có con cùng với con Thu Hường thì chắc nó...
Bà lại sắp khóc, nên Liên Hương lại phải chen vào:
- Vừa rồi Cẩm Hà và cô út cũng đã gặp nhau rồi. Má không cần phải lo nữa, họ đã thông hiểu nhau rồi!
Bà Phán mừng vô kể:
- Cả đời má vẫn nơm nốp sợ chuyện hai chị em nó không biết nhau vô tình sinh hận thù nhau. Bây giờ trong cái rủi còn có cái may. Tuy con Thu Hường chết rồi nhưng trời còn thương má, cho con Cẩm Hà trở về!
Rồi bà nói thêm:
- Lúc mới gặp con má đã giật mình rồi, không phải cái tên mà bởi tướng đi, dáng vóc, nó giống y con Thu Hường!
Rồi bà lại ôm cứng con gái, như sợ Cẩm Hà thoát ra.
Cẩm Hà cũng khóc, hai mẹ con thi nhau khóc vì niềm vui đoàn tụ. Lát sau bà Phán tiếp lời:
- Để má kể lại chuyện tại sao ông Phán Sử suốt đời hận cha con con Cẩm Hà...
Liên Hương nói nhanh:
- Dạ, con mạng phép má, con đã đọc hết những gì trong phòng cấm trên lầu. Và cũng nhờ vậy mà vừa rồi con đã cứu được cô út Cẩm Hà đó!
Kể sơ lại cho bà nghe, bà Phán gật đầu:
- Má không trách gì con hết. Căn phòng đó vì tôn trọng ông ấy nên từ khi ông ấy qua đời má vẫn giữ lại, mặc dù má rất sợ khi phải lên đó.
Bà đứng lên, kéo tay Cẩm Hà và con dâu:
- Đi, mình ra ngoài một chút.
Liên Hương tính ngăn, nhưng nghĩ sao cô lại thôi, dìu một bên cùng mẹ chồng ra ngoài vườn. Cẩm Hà xúc động lắm, cô vừa đi vừa đưa tay lau nước mắt...
Khi đứng trước ngôi mộ bà bỗng trố mắt nhìn cảnh cháy đen và hốt hoảng:
- Sao vậy? Ai đốt vậy?
Liên Hương thuật lại, cô kết luận:
- Có thể hồn phách của cô út và cả anh Tú nữa đã ra đi vĩnh viễn rồi.
Sau gần nửa giờ đứng đó, cả ba trở vào nhà. Bà Phán yêu cầu dẫn bà lên lầu, chỉ cái phòng cấm, bà nói:
- Má muốn lên đó lạy ông Phán ba lạy, má xin lỗi ông ấy.
Nhưng khi đứng trước bức tường, chính bà và Liên Hương cùng kêu lên:
- Ủa, đâu mất rồi?
Chữ "Hận" cực lớn trên tường đã biến mất không để lại một dấu vết gì! Cả chiếc rương gỗ cũng không cánh mà bay!
Bà Phán lắp bắp:
- Hay là... hay là...
Liên Hương nói thầm:
- Chắc là họ rút khỏi nhà này rồi.
Bà Phán đứng lâm râm khấn một lúc rồi bà lặng lẽ bước một mình xuống lầu, không cho ai kè. Có lẽ bà thấy nhẹ người, khỏe khoắn lại như lúc bình thường.