CON MA GỐC XOÀI
Tác giả: Người Khăn Trắng
Cả xóm Đình đều lạnh gáy khi chứng kiến hiện tượng mà từ nào đến giờ họ mới thấy lần đầu: Một xác chết treo lơ lửng ở cây xoài cổ thụ trước nhà ông Hương hào Cẩm.
Do gốc xoài đó nằm áng ngữ ngay ngã ba đường, cho nên muốn từ xóm ra chợ, hay từ chợ về nhà mọi người đều phải đi qua. Do vậy từ khi xảy ra chuyện “Ma hiện” ấy thì hầu như trời vừa sụp tối là chẳng có một ai qua lại, có chuyện gì cần kíp lắm thì cả xóm phải họp cùng nhau năm bảy người mới dám cầm đèn qua chỗ gốc xoài ấy.
Riêng Hương hào Cẩm thì do quá sợ đã dọn nhà ra chợ ở nhờ nhà đứa em và hầu không dám léo hánh về thăm nhà. Vậy mà một buổi tối nọ có người đến báo với ông:
- Tui thấy rõ ràng hai đêm nay trong ngôi nhà bỏ hoang của ông có đèn sáng trưng! Chứng tỏ trong nhà ấy có người ở.
Hương hào Cẩm bàng hoàng:
- Chuyện gì đang xảy ra trong nhà?
Ông nhát gan không dám mò về, nhưng đứa con của ông, cậu Hai Thành thì cương quyết:
- Phải làm cho ra lẽ mới được! Tôi nghĩ, nếu thật sự đó là ma thì đâu vô cớ vào nhà mình!
Hai Thành hăng hái cùng với hai thanh niên nữa quyết canh lúc tối trời thì mò về nhà. Quả như lời đồn, khi họ về gần tới thì đã thấy đèn đuốc sáng choang và xa xa họ còn nhìn thấy có bóng người di chuyển bên trong nữa.
Một người hỏi Hai Thành:
- Nhà anh khi dọn còn để lại ai không?
Hai Thành nhún vai:
- Nếu có đông người thì chắc ba tui không bỏ nhà mà đi. Nhà tui chỉ còn có tui là con độc nhất, sau khi đứa em gái tui bị bạo bệnh mất hồi nó mới 14, 15 tuổi!
Nhân ngồi núp ở bụi rậm xem động tĩnh trong nhà người bạn hỏi thêm:
- Sao nhà đơn chiếc vậy mà anh không lấy vợ để đỡ đần công việc nhà, rồi còn phải có con cái nối dõi tông đường nữa chớ?
Hai Thành chợt thở dài:
- Đó là bi kịch của nhà tôi. Thôi, đừng nói nữa…
Người bạn tính hỏi nữa, nhưng Hai Thành đã gạt ngang:
- Đã nói là không hỏi nữa mà! Bây giờ anh ở đây, còn tôi thì một mình vô trong đó.
Tư Mạnh, người bạn thân, rất mến Hai Thành, ngăn bạn:
- Biết chuyện gì trong đó mà vô? Nếu đi thì tôi cùng đi với.
Hai Thành thẳng thừng từ chối:
- Anh còn vợ, còn tôi thì không, cứ để tôi đi. Tôi có linh tính chuyện này có điều gì đó không bình thường, phải chính tôi đi.
Anh phóng đi một mình. Tư Mạnh nhìn theo lo lắng:
- Thằng này chắc là điên rồi!
Anh ta ngồi ngoài chờ...
Trăng lên ngang đỉnh đầu, trời trở gió lạnh buốt...
Bên trong nhà bỗng đèn tắt tối thui!
Tư Mạnh hốt hoảng:
- Sao vậy cà?
Anh ta định chạy tới, nhưng chân vừa giẫm lên một vật gì đó mềm mềm giống như một thân người. Anh ta cúi xuống nhìn, qua ánh trăng lờ mờ, Tư Mạnh nhận ra và kêu lên:
- Hai Thành!
Đúng là Hai Thành nằm im như xác chết. Tư Mạnh đưa tay sờ mũi bạn, reo khẽ:
- Còn sống!
Anh ta cố sức cõng đưa Thành về tới nhà. Hương hào Cẩm sợ hãi:
- Nó bị sao vậy Mạnh?
Tư Mạnh đâu dám nói thật:
- Dạ, nó vừa bị vấp ngã trật chân một chút.
Hai Thành mở mắt nhìn Mạnh, rồi nhẹ nhàng vẻ như không đồng ý cách trả lời của bạn. Sau đó anh hầu như không nói nửa lời.
Gia đình Hương hào bị liền hai tai họa. Thứ nhất là việc Hai Thành gần như đờ đẫn, mất hồn sau đêm đột nhập vào nhà bỏ hoang. Hai là sau đó một tháng, đột nhiên anh chàng đòi cha mẹ đi cưới vợ cho bằng được và cưới ngay một cô gái đang bị chửa hoang!
Khuyên con cách gì Hai Thành cũng không nghe, nên vợ Hương hào Cẩm đành phải dọa:
- Nếu con cãi lời đi lấy con đó thì má đập đầu vô cột chết liền cho con vừa lòng!
Chẳng ngờ Hai Thành còn cứng đầu hơn:
- Má muốn thì cứ chết, còn con đã nói cưới là cưới!
Anh ta nói rồi bỏ đi thẳng qua nhà cô Son, cô gái bị chửa hoang đang đợi ngày sinh nở.
Chính cha mẹ Son không ngờ chuyện đó. Họ còn khuyên Hai Thành:
- Cậu không việc gì phải hy sinh như vậy, con gái tui nó lỡ dại với ai đó để vợ chồng tui truy nguyên ra rồi tính. Cậu làm như vậy chỉ thân khổ cho cả hai gia đình.
Nhưng Hai Thành đã nghiêm giọng đáp:
- Đâu ai có quyền bảo tui phải làm gì trong chuyện hôn nhân của mình! Tôi đã nói rồi, Son chính là vợ tôi và đứa con trong bụng cô ấy đúng là con tôi!
Hết biết! Chưa có anh chàng nào điên như anh chàng này! Tuy nhiên khi cha mẹ hỏi thì Son cũng trả lời:
- Chính anh Hai Thành là cha của đứa bé trong bụng con!
Biết chắc sự thật không phải vậy, nhưng nói gì thì nói, Son vẫn quả quyết như thế và sau đó đồng ý ngay lời đề nghị cưới của Thành. Buộc lòng vợ Tám Thông phải ưng thuận.
Nhưng trước khi đám cưới diễn ra, bà Tám còn hỏi riêng con gái:
- Con nói thiệt cho má nghe, có phải bào thai trong bụng con là của thằng... chủ trại Ba Danh không? Má nhớ rồi, lúc con cùng đi ghe chở cây với nó...
Son gào lên:
- Con đã nói không phải mà! Để con đẻ ra liền cho má coi có phải giống Hai Thành không!
Bà Tám vẫn lầm bầm:
- Hồi nào giờ con có quen Hai Thành đâu mà có con với nó!
Bà nhớ, bữa Hai Thành sang nhà tìm, khi gặp Son đứng ngoài cửa cậu ta còn hỏi cô có phải là Son không. Như vậy thì làm sao...?
Trong ngày cưới Hai Thành còn long trọng tuyên bố:
- Chúng con thương nhau quá, nên chưa được phép cha mẹ hai bên mà đã... làm liều. Nay để sửa chữa, chúng con xin hứa là sẽ sống hạnh phúc, ăn đời ở kiếp với nhau!
Ngay sau lễ cưới chỉ được vài tuần là Son chuyển dạ, chưa kịp đưa đi nhà bảo sanh thì cô đã sanh ngay tại nhà.
Bà Tám quá đỗi ngạc nhiên, nói với chồng:
- Đã tới ngày sanh đâu, sao lại sanh được?
Bà nhẩm tính, Son có bầu mới gần bảy tháng!
Tuy vậy đứa bé sinh ra vẫn khỏe mạnh. Một đứa bé trai kháu khỉnh. Không hẹn mà cả hai bà nội, ngoại đều bước ngay tới cố nhìn cho bằng được mặt mũi đứa bé. Và họ đều ngạc nhiên quá đỗi, khi đều nhận thấy nó giống Hai Thành như đúc!
- Còn ai vô đây nữa chị Hương hào!
Bà Hương hào Cẩm cũng không thể phủ nhận:
- Cái trán, cái mũi là của thằng Thành!
Hai Thành đứng nhìn con khá lâu, rồi nhẹ bước đi ra, không nói tiếng nào. Nhưng ngay chiều hôm đó anh đã đích thân đưa vợ con mình về nhà, mà là ngôi nhà do cha mẹ anh dọn ra, không dám ở. Ông Hương hào phản đối quyết liệt, nhưng Hai Thành không nghe, anh còn bảo:
- Nhà mình, mình ở, chỗ của ma, ma ở, mắc mớ gì phải tránh nhau, mà có tránh cũng chắc gì tránh được.
Một số bà con, bạn bè rất muốn tới thăm vợ chồng Thành, nhưng ngại nhất là ban đêm. Mà ban ngày thì Hai Thành không tiếp khách, bởi lý do đứa bé sơ sinh sợ ánh sáng, sẽ khóc thét mỗi khi thấy người lạ! Thành thử, cho đến ngày đứa bé đầy tháng mà hầu như chẳng có ai tới nhìn mặt được. Điều này chừng như Thành cũng không quan tâm...
Cho đến khi Thành bế con về thăm ông bà nội thì chính Hương hào Cẩm đã phải kêu lên:
- Trời ơi, thằng nhỏ y như thằng Hai Thành!
Bà Hương hào đứng gần đó nói liền:
- Giống ông thì có! Coi cặp lông mày của nó kìa, hai mí giao nhau y như của ông, chớ của thằng Hai đâu có vậy!
Lúc ấy Hương hào Cẩm mới giật mình, đúng là thằng bé giống ông nhiều hơn Hai Thành.
- Ba... Ba...
Đó là tiếng phát ra từ miệng thằng bé hơn tháng tuổi! Bà Hương hào hốt hoảng:
- Sao nó nói được?
Hai Thành kể:
- Mới hơn một tuần tuổi là nó đã kêu ba ba được rồi! Bữa nay nó còn nói được nhiều hơn nữa! Biểu nó gọi má má, bà bà, ông ông nó cũng nói được!
Nghi hoặc, bà Hương hào bước lại gần, bà vừa cúi xuống nhìn thì thằng bé đã gọi khá rõ:
- Bà! Bà!
Bà reo lên:
- Ông tới đây coi nè, nó cười với tôi nữa!
Ông Hương hào rụt rè bước tới, vừa thấy mặt ông đứa bé đã đưa hai tay như đòi ẵm và cất tiếng gọi:
- Ba! Ba!
Trong lúc ông Cẩm ngạc nhiên thì Hai Thành nhẹ thở dài rồi quay đi nơi khác. Bà Hương hào la lên:
- Nó gọi ông là ba là sao?
Hương hào Cẩm dẫy nãy:
- Nó mới biết nói, gọi cái gì ai biết!
Nhưng Hai Thành thì khác. Anh nói một cách nghiêm túc với cha:
- Nó chính là... con của cha đó!
Câu nói đó khiến cho bà Hương Hào Cẩm trợn tròn đôi mắt, miệng lắp bắp:
- Con... con nói... nó là...
Rồi bà cứ trợn trừng như thế và ngất luôn...
Khi bà Hương Hào Cẩm tỉnh lại thì ngơ ngác nhìn quanh. Bởi chỗ bà đang nằm chính là ở ngôi nhà của mình. Ngay tại căn buồng của vợ chồng bà từ bao đời nay. Và còn lạ kỳ hơn, người nằm cạnh bà lúc ấy lại là đứa bé... oan gia!
Bật dậy nhìn quanh lần nữa, bà gọi khẽ:
- Thành ơi!
Chẳng có Hai Thành, mà thay vào đó là một giọng nữ rất lạ cất lên:
- Khỏi kêu, anh ta đã giao được con rồi thì đâu cần lưu lại nơi này nữa! Cả hai vợ chồng anh ta đều đi cả rồi.
Lúc ấy có lẽ đã rất khuya rồi. Trời bên ngoài tối đen như mực...
- Cô... cô là là ai?
Bà Cẩm run lẩy bẩy, vừa lùi vào sát vách. Vừa khi ấy bà chạm vào một thân người hình như đã nằm sẵn trên giường từ lâu rồi mà bà không nhìn thấy. Chưa kịp kêu lên thì cánh tay trái của bà Cẩm đã bị ai đó nắm chặt, cùng với giọng nói lúc nãy cất lên:
- Nuôi con cho chồng là bổn phận của vợ, cớ sao lại sợ!
Toàn thân bà lạnh cóng theo nhiệt độ của người kia.
Bà Hương hào mềm nhũn ra, hồn vía không còn để mà phản ứng lại.
- Nằm xuống đó và cho thằng bé nó bú. Cô Son chỉ là người gánh nặng cái thai này cho bà, chớ đáng lý ra chính bà phải có bầu và đẻ ra nó. Tội nghiệp cô con gái nhà nghèo kia phải chịu hàm oan, phải mang tiếng là chửa hoang, trong lúc chưa hề biết đàn ông là gì! Và bà cũng nên cám ơn thằng con trai bà, nó đã đứng ra nhận chuyện mà mình không hề làm để cứu danh dự cho cha mình. Bây giờ thì họ đã đi xa rồi, cầu chúc cho họ có một cuộc sống hạnh phúc thật sự bền lâu.
Bà Hương Hào Cẩm như từ trên trời rơi xuống, muốn lên tiếng mà chừng như cổ bị nghẹn lại, khả năng ứng phó không còn, nên bà đành ngồi yên, trong khi người kia vẫn nói tiếp:
- Bà muốn biết rõ chuyện này phải không? Trước sau gì bà cũng được biết, nhưng bây giờ thì chưa. Bởi phải do chính ông chồng của bà nói ra thì mới hợp lẽ. Thôi được rồi, cứ sống yên ở đây mà nuôi con.
Lúc ấy người bà Hương hào mới nhẹ ra. Bà cảm giác như vừa được ai đó đang ôm chặt rồi bỏ ra. Bà vừa định cất tiếng kêu thì chợt thằng bé khóc thét lên. Tiếng khóc của nó như kéo bà về thực tế, bà lại nhìn lần nữa, yên tâm là không có ai khác ngoài cục nợ đời. Bà định bỏ mặc nó khóc và tìm cách thoát ra ngoài, nhưng chân vừa đặt xuống sàn thì y như bị ai đó nắm kéo trở lại!
Đứa bé sau khi khóc thét, chợt ngừng lại và... cười thành tiếng! Trong đời bà, chưa từng gặp chuyện lạ thường này, nên tội nghiệp cho trái tim yếu đuối của người đàn bà tuổi xế chiều này. Bà mếu máo:
- Tôi đâu có làm nên tội gì đâu...
Bỗng thằng bé với tay chụp lấy và bám chặt vào bà. Nó bám bằng sức của một đứa bé ba, bốn tuổi! Bà Hương hào nói lúng búng trong miệng:
- Đừng... đừng...
Nhưng ngoài sức tưởng tượng của bà, đứa bé phóng lên nằm gọn trong lòng người mà nó vừa cất tiếng gọi:
- Má!
Rồi nằm im như tìm được hơi ấm, chỗ dựa,... chỉ nửa phút sau nó đã ngủ khì!
- Trời ơi!
Bà Hương hào kêu than đủ cho mình nghe và cố gắng trân người chịu đựng. Bởi lúc ấy bà sợ nhúc nhích thì đứa bé sẽ rơi xuống và cứ như thế suốt hơn một giờ liền, đứa bé tiếp tục ngủ say...
Hai tay bợm nhậu nổi tiếng của xóm Đình là Năm Tợ và Chín Nhị rời khỏi bàn tiệc đã gần mười giờ đêm. Biết họ sẽ đi ngang qua cây xoài cổ thụ nên vài người khuyên:
- Hay là cứ ngủ ở đây đi, sáng mai về sớm!
Trong cơn phấn khích bởi hơi men, Chín Nhị lớn tiếng:
- Thằng Năm Tợ có nhát gan thì ở lại ngủ, còn tao thì trời tao còn không sợ, huống hồ là ma!
Anh ta bị ngay ông bạn lưu linh phản ứng dữ dội bằng cách ôm chặt lấy. Và cứ thế hai người ngã nghiêng dìu nhau bước đi. Một ai đó lắc đầu chặc lưỡi:
- Kệ xác tụi nó, trời đánh chúng còn không chết nữa là...
Hai người đi qua gốc xoài khi vầng trăng lên đỉnh đầu vừa bị đám mây đen khá lớn che khuất. Chín Nhị lè nhè nói:
- Ngồi đây nghỉ một chút, cha nội...
Năm Tợ cũng lè nhè không kém:
- Nghỉ thì nghỉ... mà ngủ đây luôn cũng được... ở đây mát quá chừng...
- Ừ, ở đây mát...
Họ dựa lưng vào gốc xoài. Gió đêm thổi quả là mát thật và là nơi lý tưởng để đánh một giấc giữa đêm hè oi ả này...
- Làm gì vậy cha nội! Cứ rọ rậy hoài, ai ngủ cho được!
- Cha rọ rậy thì có. Cứ sờ mó như sờ... vợ, nhột chết đi được, ai chịu cho nổi!
- Lại sờ nữa! Mặt tui chớ hổng phải má của con Tư chè đậu đâu nghen cha nội!
Rõ ràng Chín Nhị cảm giác có bàn tay đang sờ khắp mặt mình. Bị sờ tới đâu anh ta nghe lạnh đến đó, và đến lúc anh ta không còn chịu nổi, cất tiếng cười thành tiếng.
Năm Tợ bực bội:
- Om xòm quá đi cha nội!
- Phá người ta mà còn nói nữa! Đừng... đừng kéo...
Thế rồi Chín Nhị cảm giác như mình bị kéo lên. Anh ta muốn kêu lên, nhưng hầu như không còn đủ sức.
Bên dưới, Năm Tợ lên tiếng:
- Mày đâu Chín Nhị? Bộ trốn về với vợ sao thằng trời đánh! Khà khà, coi vậy mà nhát, sợ vợ!
Vừa khi ấy áng mây đen đã trôi qua, để lộ ánh trăng tròn đêm 16 sáng vằng vặc. Đủ cho Năm Tợ nhìn sang bên và kêu thét lên:
- Á… á! Bớ!
Anh ta kịp nhìn thấy một người treo ngược đầu, thòng từ trên cành cây xuống. Khuôn mặt người này dù trong bóng đêm, nhưng cũng đủ làm cho Năm Tợ muốn đứng tim! Anh ta cố lết ra khỏi chỗ đó, nhưng càng lết thì người anh ta như dính chặt vào gốc xoài!
Một giọng nói như truyền về từ cõi âm ty:
- Hãy ở đó mà chờ xem kẻ đã sát hại vợ anh nó đền tội!
Đang say, đang sợ hết vía vậy mà chỉ cần câu nói đó thôi, Năm Tợ như tỉnh hẳn. Anh ta lặp lại câu nói:
- Kẻ giết vợ... Mà ai giết?
Giọng nói hình như pha chút hờn dỗi:
- Đàn ông ai cũng như vậy hết! Đến vợ mình chết mà cũng không có cách nào trả thù, thật là hèn Năm Tợ ơi!
Những lời nói này khiến Năm Tợ hoàn toàn tỉnh táo:
- Ai... ai như là…?
- Đúng là đồ vô tâm! Bởi vậy thù giết vợ đã sáu bảy năm rồi mà vẫn để cho nó bình yên, hưởng thụ. Có biết nhục không Năm Tợ?
Sau câu nói là một cái tát vào mặt khiến Năm Tợ đau điếng. Nhưng anh ta đã sáng đầu óc ra, reo lên:
- Có phải là... mình không? Út Hường?
Anh ta đã nhận ra giọng nói đó là của vợ mình! Cô vợ cưới chưa hơn một năm, lúc đang mang bầu thì bị chết thảm!
- Út Hường! Đúng là em rồi!
Năm Tợ đưa tay chụp lấy, nhưng tay anh chỉ quơ vào khoảng không. Rồi lại một cái tát nữa trúng vào má phía bên kia, kèm lời nói:
- Đã nhớ ai giết vợ mình chưa?
- Điều... điều đó...
Hai cái tát nữa lại giáng lên hai má, mà lần tát này đau hơn trước nhiều. Và chừng như sự đau đớn ấy đã làm cho đầu óc anh ta sáng suốt ra và bạo mồm bạo miệng hơn:
- Thằng Hương hào Cẩm?
Lúc ấy bỗng có một tràng cười phát ra. Giữa đêm khuya thanh vắng mà nghe tiếng cười ấy, hẳn bất cứ ai nghe cũng phải rợn người. Tuy nhiên ẩn trong âm thanh ấy là một trạng thái thê lương, sầu thảm đến nao lòng.
Năm Tợ tự dưng cũng đổi sắc giọng:
- Chính là nó! Nó đã hại đời em, rồi cũng nó bức em phải chết thảm, út Hường ơi!
Chừng như hài lòng với câu nói của Năm Tợ, giọng trong bóng tối có vẻ dịu lại:
- Phải chi lâu nay dám nghĩ như vậy thì tôi đâu vất vưởng, lang thang cảnh một oan hồn như thế này!
- Mình ơi, anh đâu có ngờ chết rồi mà em cũng khổ như vậy. Lâu nay anh ở thế cô, lại nợ ngập đầu nhà nó, nên không dám hé môi chuyện tội ác nó gây ra. Bởi vậy...
- Bởi vậy mới mượn rượu giải sầu phải không! Thật là hèn, thật là bạc nhược!
Lần này sau câu nói không có cái tát nào. Chứng tỏ Năm Tợ đã được cảm thông...
Anh chàng lại nói:
- Anh biết là mình hèn, mà hèn nhất là việc anh luôn bị ám ảnh chuyện ngày ấy em bị tên khốn nạn đó cưỡng hiếp, nhất là chuyện... chuyện...
- Chuyện cái bào thai!
- Đúng! Anh luôn nghĩ tới đứa con trong bụng em ngày đó không phải là của anh! Anh hèn đến nỗi đã... đã muốn không nhớ tới em nữa?
Giọng nàng thổn thức:
- Tôi hiểu thân phận mình, nên khi bị nó chận đường làm nhục lần thứ hai thì thay vì kêu la, tôi lại chọn cái chết! Tôi nhục mà không được cảm thông, nên thà chết còn hơn!
Lúc ấy chợt từ trên cành cây phát ra tiếng động. Năm Tợ ngẩng lên nhìn, chưa nhận ra người trên đó thì giọng nàng lại cất lên:
- Đồng bọn của tên khốn kiếp mà bấy lâu nay anh nhận là bạn nhậu! Chỉ có anh là mắt mù mà thôi!
Vừa khi đó từ trên cành cây Chín Nhị bị ai đó đẩy xuống rơi nằm cách chỗ Năm Tợ chỉ mấy bước.
- Chín Nhị!
- Tui... tui bị... bị mù mắt rồi!
Nhìn kỹ anh ta, thấy hai mắt Chín Nhị đầy máu, Năm Tợ hốt hoảng:
- Mắt... mắt của mày sao vậy?
Giọng nàng lại vang lên:
- Đôi mắt này ngày đó đã rình trong bụi rậm để nhìn cảnh thằng Hương hào Cẩm cưỡng hiếp tôi! Nhìn cho sướng mắt mà không ra tay cứu giúp người đang gặp nạn. Mà nạn nhân đó lại là vợ của bạn mình. Đôi mắt đó còn để làm gì mà không hủy nó đi!
Chín Nhị gào lên:
- Tôi chỉ vô tình nhìn thấy mà thôi, chớ đâu cố ý! Còn chuyện ra tay can thiệp thì... thì... ai dám can thiệp khi Hương hào Cẩm có súng trong tay. Hắn ta kiêm luôn chức Hương quản trong làng này mà!
Năm Tợ nghe biết mọi chuyện, anh ta nổi điên lên:
- Vậy mà lâu nay mày giấu chuyện đã chứng kiến cảnh vợ tao bị hãm hiếp. Thằng tồi!
Năm Tợ lao lên, nhưng có bàn tay đã kéo anh ta lại:
- Hắn đã bị trừng phạt rồi, cần gì phải ra tay thêm!
Năm Tợ ôm mặt khóc nức nở. Hồi lâu sau, giọng nàng lạnh lùng:
- Đã đến giờ anh chứng tỏ là một người chồng rồi đó! Hãy làm để hồn người chết được mãn nguyện.
Nói xong thì như một tia chớp, nàng biến mất. Năm Tợ thảng thốt kêu lên:
- Mình ơi!
Vừa khi ấy có tiếng kinh động ở xa xa. Nhiều tiếng chó sủa kèm theo, rồi âm thanh vang vang của ai đó vọng lại:
- Tụi bay đốn ngã cây xoài, cần thì đốt luôn ngôi nhà đó cho tao!
Tiếng của người khác nói:
- Đốn cây xoài thì được, nhưng còn đốt nhà thì... thì... đó là nhà của ông mà, ông Hương hào?
- Đốt luôn để trừ hậu hoạ!
- Nhưng mà... Nhưng mà... có bà vợ ông trong đó! Vả lại còn có đứa bé nữa.
Giọng rổn rảng cửa Hương hào Cẩm:
- Con nít con nôi gì cũng không để! Đốt luôn cho tao!
Đám gia nhân có đến trên chục đứa, tay cầm gậy gộc, đèn đuốc sáng choang, chúng lao tới bên gốc xoài, có đứa đưa dao, rựa chặt vào gốc xoài. Nhưng vừa đưa cao tay lên thì cả ba, bốn đứa tự dưng khựng lại, đứng như trời trồng!
Hương hào Cẩm vừa bước tới, ngớ người ra khi nhìn thấy hai tay bợm nhậu. Ông ta hơi run:
- Mày... mày...
Năm Tợ phát điên lên khi nhìn thấy kẻ thù, anh ta định nhào tới ăn thua đủ thì vừa lúc ấy Chín Nhị đã bất ngờ lao tới trước, anh ta gào lên:
- Tại mầy mà tao nông nỗi này, thằng khốn nạn!
Quá bất ngờ nên Hương hào Cẩm không kịp phản ứng, bị Chín Nhị vồ được, rồi hai bàn tay cứng như sắt của anh ta xiết chặt vào cái chỗ nhạy cảm nhất trên người lão Hương hào.
- Trời ơi!
Lão ta chỉ kêu lên được một tiếng ngắn, rồi thì đứng chết trân. Năm Tợ còn đang ngơ ngác thì một giọng nói từ trong bóng tối vọng ra:
- Đến nước này rồi mà anh cũng không dám ra tay trả thù, phải đợi người khác làm! Thật là...
Câu trách móc dừng ngang. Kèm theo một tiếng thở dài:
- Mà nghĩ cho cùng, một kẻ từ nào đến giờ chưa từng giết chết con gà, con vịt, bảo giết người sao được...
Đám gia nhân của Hương hào Cẩm khá đông, lại trang bị đầy người, tuy nhiên nhìn thấy chủ bị chết đứng như thế, không ai bảo ai, đồng loạt bỏ dao, mác chạy thục mạng!
Hai Thành đứng lặng người bên xác cha. Nhìn mẹ khóc ngất Thành không chịu nổi, nên điều anh giấu kín trong lòng, đành phải nói ra:
- Con không tính trở về nữa. Bởi những gì con chứng kiến hôm về nhà này đầu tiên đã khiến con ray rức mãi cho đến bây giờ. Và đến nay ba chết rồi, con không cần giấu nữa. Chính cô út Hường hôm đó đã hiện ra trong nhà này kể tội lỗi của ba! Ban đầu con không tin, nhưng sau khi cô ấy chỉ cho con đứa bé nằm khóc ở góc nhà thì con không còn nghi ngờ gì nữa! Hôm ấy cô út Hường chỉ đứa bé và ra lệnh: “Mầy phải trả nợ thay cho ba mầy! Ngày trước ba mày đã cưỡng hiếp tao trong lúc tao mới lấy chồng chưa đầy một năm. Tao bị nhục nhưng vẫn cắn răng mà sống, bởi tao thương chồng tao, đó là con người hiền lành, nhân hậu... cho đến khi tao biết đã bị dính cái thai oan nghiệt thì ý định chết càng mãnh liệt hơn. Tao muốn trước khi chết phải trả thù kẻ đã gây ra thảm cảnh, nhưng đã hơn chục lần nhen nhóm ý định thì tao lại đổi ý bởi nhìn Năm Tợ thì tao càng thương, nên lại thôi. Cho đến ngày cái thai được sáu tháng, trước nỗi đau của chồng, ngày đêm anh cứ than vắn thở dài, tao buồn quá bỏ nhà đi lang thang và lại gặp thằng khốn nạn cha mầy! Nó vẫn chưa chịu buông tha tao, nên vừa thấy tao đi một mình, nó lại lôi tao vào bụi, cho đàn em canh ở ngoài, định làm nhục tao lần nữa. Tao đang muốn chết nên đâu còn sợ nữa, tao vừa chống cự vừa định nói cho nó biết là cái thai trong bụng của tao là của nó, nhưng tao chưa kịp nói thì do không chiếm đoạt tao lần nữa, thằng cha mày đã mạnh tay bóp cổ cho đến khi tao chết!...”
Lời kể của Hai Thành khiến bà Hương hào Cẩm lạnh cả người, bà lắp bắp:
- Vậy đúng là... đúng là con của ổng rồi!
Thành thở dài:
- Oan nghiệt đó má ơi! Cô út Hường buộc con phải cưới vợ mà người vợ có chửa hoang...
Bà Hương hào chận lời:
- Sao lại như vậy, để làm gì?
- Thật ra Son không hề lấy ai, cũng không lấy con, cô ấy đột nhiên thấy cái bụng mình chướng lên, thì ra cô út Hường đã mượn cái bụng của Son để cho đứa bé oan nghiệt này ra đời.
- Chi vậy?
- Cổ nói rằng do khi chết đang có mang nên đứa bé không được nhận về cõi âm, bởi số nó chưa tận. Do vậy cô Hường đã khổ sở đi tìm cách cho đứa nhỏ trở lại cõi dương mà chưa có nơi nào thích hợp. Biết con có duyên nợ với Son, nên cô út Hường đã cho nhập vong đứa trẻ vào bụng cô ấy. Con là máu mủ ruột thịt của ba, cho nên là điều kiện tối ưu để cho đứa bé ra đời, nhập vào đời sống bình thường.
Bà Hương hào càng ngạc nhiên hơn:
- Vậy ra... nó không phải là... ma!
- Con của ma, nhưng qua đường sanh bình thường của Son vừa rồi thì đứa bé này giờ đây đã thành người như chúng ta. Má có không muốn thì cũng phải nuôi nó, bởi ba đã chết rồi vả lại vong hồn cô út Hường cũng muốn như thế.
Nhìn quanh một lượt, Hai Thành hạ thấp giọng:
- Má để ý không, từ lúc ba chết đến nay, hầu như không ai còn thấy hiện tượng kỳ lạ nào xuất hiện ra nữa. Hình như oan hồn đã không còn theo chúng ta nữa. Mà con nghĩ cũng đúng, hiện nay má đang nuôi đứa bé trong nhà này...
Bà Hương hào vẫn chưa hết lo:
- Tao vẫn còn sợ. Mà với nỗi sợ hãi này thì chỉ việc mất ngủ thôi cũng đủ khiến tao sớm đi theo ba mầy!
Hai Thành tự tin nói:
- Chính cô út Hường nói là má không liên can vụ này mà, cô ấy đâu có ý hại má. Bởi nếu muốn hại thì má làm sao yên ổn đến nay.
- Ừ, tao cũng vái trời được như vậy...
Chuyện con ma gốc xoài hầu như chấm dứt khi đích thân Năm Tợ đứng ra cùng với Hai Thành đốn cây xoài cổ thụ trước nhà đi.