Quyển XIV: MỒ HOANG HUYỆT LẠNH (1)
Tác giả: Người Khăn Trắng
Làm chủ một lúc bốn quán bar ở khắp nơi, từ Sài Gòn tới Vũng Tàu, chuyên phục vụ quân đội viễn chinh Pháp vào những năm 1952, bà Jacqueline Liễu, thường được gọi bằng cái tên tắt là Giắc-Cơ-Lin Liễu hay MaĐàm Liễu, được giới kinh doanh nể nang. Họ nể MaĐàm Liễu không bởi tài năng kinh doanh hay tài sản lớn của bà ta, mà nể nhất là tài chạy áp phe nhiều phi vụ làm ăn béo bở, qua mặt cả các đại gia nổi tiếng!
Có người cho rằng sở dĩ MaĐàm Liễu thành công là do biết khai thác tối đa ưu thế nữ sắc của mình. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần, bởi dẫu sao thì bà ta tuổi tác cũng đã gần năm mươi, có quyến rũ thì cũng chỉ đủ sức quyến rũ những lão già hết gân, chớ còn những hạng trẻ hơn, họ đâu khoái sưu tầm đồ cổ. Chính xác như lời một người am tường nhận xét:
- Mụ Liễu đi qua cửa nào cũng lọt là nhờ biết tận dụng hai ưu thế, tiền đút lót và... gái đẹp!
Gái tức là những cô gái loại hoa nhường nguyệt thẹn, mơn mởn đào tơ! Mà những thứ này thì MaĐàm Liễu thuộc loại siêu phàm. Trong giới kinh doanh nhà hàng, quán ba thường kháo nhau:
- Nếu muốn tuyển hoa hậu quán bar hay vũ trường thì phải tìm lính của mụ Liễu!
Tiếng dữ đồn xa, nên bất cứ dân chơi nào một khi đi chơi đêm thì luôn tìm vào các quán của mụ Liễu. Ở Vũng Tàu (thời 1952 người ta quen gọi Ià Cap Saint Jacques hay Ô Cấp-TG) có quán Les Chattes Noir (Những con mèo cái đen) được dân chơi đặc biệt quan tâm. Bởi nơi đó có một hoa khôi làng chơi, cô Ánh Hồng!
Và có một tay khách chơi lắm của nhiều tiền, chịu chơi số một, tên gọi lão Tư Đại. Lão là khách ruột của những con mèo cái, nên hôm đó lão tới quán sớm và vừa ngồi xuống chiếc bàn quen thuộc thì cô cai gà (tài phán) đã bước tới đon đả chào:
- Dạ, đại ca vẫn như cũ!
Lão ta gật đầu, nheo mắt và kèm theo một tờ giấy bạc thẳng nếp, loại giấy hai mươi đồng Đông Dương (gọi là giấy cảnh - vingt piastres) được lão nhét tận ngực áo cô ả. Tài pán Xuân Đào hô một tiếng lớn:
- Chai Hennessy, xô đá uống cồng-xom-ma-xông!
Đó là thức uống quen thuộc của lão Đại này. Mỗi bữa lão ta và đào ruột chỉ uống chừng nửa chai, còn lại mấy tay bồi bàn hưởng! Bởi vậy bồi nào cũng khoái phục vụ đại ca.
Tái pán Xuân Đào còn quay sang một trợ lý dặn nhỏ:
- Bảo Ánh Hồng xuống nhanh lên, anh Tư tới rồi!
Ả trợ lý nhanh chân chạy lên lầu, nơi Ánh Hồng có một phòng trang điểm riêng. Gõ cửa đến lần thứ hai vẫn không nghe động tĩnh bên trong, cô nàng Hai Nga gọi lớn hơn:
- Cô Hồng ơi, khách đang đợi!
Vẫn không trả lời. Một cô đào khác đang trang điểm phòng kế bên lên tiếng:
- Nó mới vào đó mà!
Hai Nga sốt ruột nên đẩy đại cửa phòng vào.
- Trời ơi!
Chị ta kêu lên và bước lùi lại một bước. Trước mặt chị ta là một người nằm úp mặt trên bàn phấn, máu đọng thành vũng chung quanh!
- Bớ người ta! Cô Ánh Hồng... cô Ánh...
Chị ta líu lưỡi không nói tiếp được. Mấy tiếp viên khác đổ xô tới, có người chạy vào vực nạn nhân dậy. Ánh Hồng chết do một con dao đâm sâu vào ngực từ phía sau lưng!
Chỉ một phút sau thì cả quán đã náo động. Dĩ nhiên người kinh hãi nhất là Tư Đại, bởi Ánh Hồng là đào ruột của ông ta. Gần như ông ta bao đứt cô hoa khôi này. Hầu như ngày nào ông ta có mặt thì Ánh Hồng không được ngồi với ai.
Bằng giọng xúc động cực độ, ông ta hỏi mọi người:
- Ai thấy kẻ nào làm chuyện này?
Ai cũng lắc đầu:
- Tụi này đâu bao giờ được vào phòng riêng của cô ấy đâu mà biết. Chỉ thấy khoảng mười lăm phút trước, cô ta từ ngoài bước vào rồi đóng cửa phòng lại cho tới lúc này!
Tài pán Xuân Đào cũng xác nhận:
- Trưa nay nó nói đi sắm vàng ở chợ, nhưng chỉ lát sau thì về. Em còn thấy mặt nó tươi rói, chứng tỏ đang trúng mánh! Nó còn khoe với em chiếc lắc tay mới mua, nặng đúng một lượng!
Mọi người lúc ấy mới chú ý nhìn vào tay và cổ nạn nhân, hầu như các loại nữ trang đều còn đủ.
- Như vậy đâu phải cướp của!
Ai đó nói, vừa lúc ấy nhà chức trách đến. Một điều tra viên sau khi nhìn kỹ cán dao ló ra trên lưng nạn nhân đã nói to lên:
- Dao này của Pháp sản xuất, có ghi người sở hữu nó, ông Lê Hữu Đạt, chủ hãng tàu biển Đại Dương!
Câu nói vừa phát ra khỏi cửa miệng anh ta tức thì Tư Đại chụp cổ hắn vừa quát lớn:
- Mày giỡn mặt với tao hả?
Tay điều tra viên vẫn bình tĩnh:
- Tôi đang làm việc, đâu giỡn với ai. Yêu cầu ông bỏ tay ra để tôi tiếp tục.
Mọi con mắt đang đổ dồn về phía Tư Đại, bởi câu xướng danh vừa rồi chính là... tên của ông ta. Quán này ai mà không biết!
Buộc lòng Tư Đại phải buông tay thả điều tra viên ra, nhưng vẫn hậm hực nói:
- Đừng có giỡn kiểu đó nghe chưa!
Nhưng điều tra viên đâu có giỡn, bởi vừa khi ấy chính mắt của Tư Đại cũng nhìn vào con dao và nhận ra đó chính là con dao của mình!
- Sao... sao lại thế này?
Một điều tra viên có biết Tư Đại, anh ta quay sang hỏi:
- Con dao này là của ông?
Tư Đại hơi mất bình tĩnh:
- Nhưng mà... mà... tôi đâu có làm việc này! Ai đó đã...
Trước tang chứng rành rành như vậy nên cuối cùng Tư Đại phải theo điều tra viên về trụ sở cảnh sát. Tại đây người ta còn đưa ra một bằng chứng khác, đó là mảnh giấy nhỏ trên đó có ghi mấy dòng chữ: “Em mà không tới thì đừng có trách! Tư Đại này chưa nói suông bao giờ!”
- Chữ viết này có phải của ông không?
Làm sao phủ nhận được khi hai năm rõ mười như thế, cho nên Tư Đại phải gật đầu:
- Đúng, nhưng mà...
Điều tra viên nói:
- Ông khoan nói gì khác, yêu cầu cứ trả lời đúng những gì chúng tôi hỏi. Ông viết giấy này cho cô Ánh Hồng lúc nào, bởi chúng tôi lấy được nó từ trong túi áo cô ấy khi khám nghiệm tử thi.
- Sáng nay tôi có hẹn với Hồng đi ăn sáng, nhưng trước đó cô ấy tỏ ý mệt không muốn đi. Tôi viết mấy chữ đó và cho một đệ tử mang tới.
- Rồi cô ấy có ra nơi hẹn để gặp ông không?
- Có! Chỉ nửa giờ và cô ấy được tôi đón taxi cho về.
- Ông có theo về quán không?
- Ngay lúc ấy thì không. Mãi tới hơn 7 giờ tối tôi mới tới và hay tin cô ấy bị...
- Lúc xảy ra án mạng ông ở đâu?
- Tôi ngồi trong quán, ở tầng dưới, có mọi người trong quán nhìn thấy. Còn phòng cô ấy ở trên lầu.
- Vậy ông lý giải thế nào về con dao của mình đâm ngập vào thân thể cô ấy?
Tư Đại đã bắt đầu mệt mỏi với những lời hỏi cung, nếu là bình thường thì ông ta đã quát vào mặt của mấy điều tra viên, bởi họ chỉ là cấp thừa hành, còn lão ta thì quen với cấp cao hơn của họ!
Tuy nhiên, lúc này Tư Đại thấy chưa cần phải lớn tiếng, ông ta hỏi nhát gừng nhân viên điều tra:
- Xong chưa? Tôi về được chưa?
Trưởng toán điều tra nói thẳng:
- Ông còn phải ở lại. Có một số điểm chưa rõ ràng.
Tư Đại không còn kiềm chế được nữa, gắt lên:
- Bộ các người cho là tôi giết người sao? Tôi đi giết người tôi yêu thương nhất đời sao?
- Xin lỗi ông, chúng tôi chưa kết luận. Chỉ làm nhiệm vụ điều tra của mình thôi. Mong ông thông cảm.
Phải mất hơn một giờ nữa cuộc điều tra mới tạm kết thúc, Tư Đại được cho về nhưng được lưu ý:
- Chúng tôi sẽ mời lại ông bất cứ lúc nào khi chưa tìm ra nguyên nhân tại sao hung khí giết người lại là của ông.
Chính Tư Đại cũng không thể nào hiểu được tại sao lại như vậy?
MaĐàm Liễu buồn còn hơn lão Tư Đại khi mất Ánh Hồng, bởi Hồng là nguồn thu quan trọng của quán. Nhan sắc của cô ta và sự quyến rũ đã khiến khách kéo tới càng lúc càng đông, mặc dù nhiều người vẫn biết Tư Đại độc quyền bao hoa khôi hương sắc này. Lúc đưa tang Ánh Hồng mụ Liễu đã khóc sưng vù cả hai mắt và tuyên bố đóng cửa quán ba ngày, coi như để tang cho một kiếp hồng nhan bạc phận.
Khi qua ba ngày, lúc mở cửa khai trương lại, chưa có khách nào tới thì có một cô gái mặc nguyên bộ áo dài màu xanh ngọc thật sang trọng từ ngoài bước vào cất tiếng hỏi ngay:
- Ai là chủ ở đây?
Nếu là ai khác mà hỏi như vậy ắt sẽ bị mụ Liễu chỉnh ngay, nhưng trước nhan sắc quá ấn tượng của khách, khiến mụ chủ cao thủ cũng phải ngẩn ngơ, mụ hỏi lắp bắp:
- Cô… cô hỏi ai?
Nàng ta vẫn giữ giọng lúc nãy:
- Hỏi chủ?
- Tôi... tôi là chủ. Chẳng hay...
Bấy giờ khách mới cười nhẹ:
- Thì ra đứng trước thái sơn mà tiện nữ lại không hay. Kính chào MaĐàm Liễu! Xin tự giới thiệu, tôi là Xuân Hằng, một người thất nghiệp đi tìm việc!
Mụ Liễu đứng lên chụp lấy tay của khách, vồn vã ngay:
- Nếu có vài ngàn người thất nghiệp như cỡ cô thì chị sẽ xây thêm mười cái quán này để rước về làm việc! Chào em Xuân Hằng!
Cô nàng rất tự tin kéo ghế ngồi đối diện chủ nhà, vừa lặp lại lời lúc nãy:
- Em là người thất nghiệp đi xin việc, chị Liễu có nhận không?
Mụ Liễu còn chưa hết ngất ngây trước tấm nhan sắc lạ lùng này, nên đáp hơi chậm:
- Nhận, nhận chớ! Ngu sao không nhận cái sắc nước hương trời này! Chỉ có điều, e rằng em thích hợp vai bà chủ hơn!
Nàng khiêm tốn:
- Cóc thì làm sao leo cột đình được! Em nói thật, nghe danh chị nên em mạo muội tới đây xin việc. Em tình nguyện làm bất cứ gì, miễn... có được việc làm thôi!
Không ngờ ngồi buồn gặp chiếu manh thế này, mụ Liễu lắc tay cô nàng, giọng mừng rỡ:
- Em là cứu tinh của chị! Không biết em có biết chuyện đào số một của chị mới vừa đột tử hay không, rõ ràng là chị đang cần một người để thay thế nó. Em tới thật đúng lúc, quả là trời thương quán này mà!
Chẳng tỏ vẻ mừng vui hay đắc ý, Xuân Hằng nói bình thản:
- Cũng may cho em, vừa mất việc ở nơi kia thì có ngay chỗ làm mới, quá tốt.
Mụ Liễu tò mò:
- Trước khi tới đây em làm ở đâu?
- Làm… người tình!
Trước câu nói pha trò có duyên của cô nàng, mụ Liễu cũng đùa:
- Làm người tình mà tay nào đó để mất em như vậy tay ấy là... thằng ngu. Xin lỗi em, chị nói hơi nặng nhé.
Nàng thích thú cười thành tiếng:
- Trái lại, hắn không ngu. Bởi nếu tiếp tục làm người tình của em thì hắn chỉ có nước... đi ăn mày!
Không ngờ gặp phải một đối thủ còn quá trẻ mà tầm cỡ như vậy, nên mụ Liễu thật sự bội phục:
- Mới quen em và so về tuổi tác thì em còn nhỏ nhiều, nhưng chị xin tôn em làm sư phụ! Làm đàn bà phải được như em, hiểu chuyện như em thì mới xứng danh là... đàn bà!
- Chị Liễu lại quá khen rồi, em chỉ nói chơi thôi. Sự thật nếu em mà siêu như vậy thì đâu phải đi xin việc như thế này!
- Em phải đi xin việc là vì chị chưa biết, chứ nếu biết thì chị sẽ đích thân tới rước em về ngay lập tức! Em biết không, con Ánh Hồng nhà chị tuy cũng đẹp như em, nhưng lúc nó mới vào nghề thì đâu được bản lĩnh và sức quyến rũ dữ như em bâv giờ. Chị phải mất bao công sức và thời gian mới tạo dựng được một Ánh Hồng như trước lúc nó bạc mệnh.
Không hỏi gì về Ánh Hồng, cô nàng nhìn khắp quán một lượt và đột nhiên hỏi:
- Ở đây nghe nói có mấy đại gia si tình phải không?
Mụ Liễu ngạc nhiên vừa thích thú:
- Em mà cũng biết nữa sao? Đúng là có. Có nhiều nữa là khác! Mà chỉ si tình cỡ như Ánh Hồng. Và bây giờ...
Mụ nhìn Xuân Hằng nheo mắt:
- Bây giờ tới phiên em!
Nàng hỏi nghiêm túc:
- Chị cho em thay thế cô Ánh Hồng?
- Tất nhiên! Chị đang mất ăn mất ngủ mấy hôm rày chỉ vì chưa biết lấy ai thay Ánh Hồng, thì có em...
Một cuộc họp để giới thiệu Xuân Hằng được triệu tập ngay. Cũng như bà chủ, hầu hết nhân viên trong quán đều ngẩn ngơ trước nhan sắc của người mới. Quản lý Xuân Đào phát biểu đầu tiên:
- Tôi chưa chấy ai mà đẹp như con nhỏ này.
Một người khác nói:
- Còn đẹp hơn cô Ánh Hồng nữa!
Xuân Đào phân tích:
- Mỗi người có nét đẹp khác nhau. Cô này hơn Ánh Hồng ở chỗ khi mới tới đã có sức thu hút ngay. Còn ngày xưa cô Hồng phải qua hơn một năm được bà chủ huấn luyện thì mới nổi trội lên. Tóm lại, cỡ sắc đẹp và độ quyến rũ này thì cả hai đều đủ sức hạ gục bất cứ đàn ông nào!
Trong lúc mọi người đang thầm thì bàn tán, thì ngoài trước, mụ Liễu đã mời Xuân Hằng lên lầu, chỉ phòng cũ của Ánh Hồng, bà nói:
- Đây là phòng riêng của con Hồng, chị muốn dành riêng để thờ nó. Vậy em nên ở phòng bên cạnh, phòng này vốn là của mấy đứa nó, để chị cho tân trang lại theo sở thích của em.
- Không cần đâu chị, em sẽ ở ngay trong phòng của Ánh Hồng và em sẽ nhang khói cho chị ấy. Chị em cùng hội cùng thuyền mà, chắc chắn là chị ấy sẽ độ cho em.
Còn niềm vui nào bằng, mụ Liễu xúc động nói:
- Được người có tấm lòng như em chị như bắt được vàng! Không ngờ người hương sắc như em lại có tấm lòng Bồ Tát!
Xuân Hằng tỏ ra thích thú với cách bài trí phòng của người ở trước, cô khen thật lòng:
- Đây là người đáng cho em ngưỡng mộ. Chị ấy có óc thẩm mỹ và tính tình hiền dịu, dễ thương.
Mụ Liễu giật mình:
- Sao em biết?
- Nhìn cách xếp đặt đồ đạc và màu sắc đồ dùng là biết ngay. Con người này đúng ra đâu phải sống ở chốn này?
Mụ Liễu buột miệng:
- Đúng vậy! Nó... nó...
Mụ ta hình như lỡ lời, nên vội im bặt một cách khó hiểu. Chỉ thoáng thấy Xuân Hằng nhếch mép cười và không nói gì thêm...
Vừa khi ấy, Xuân Đào bước vào thì thầm gì đó, mụ Liễu bực mình lầm bầm:
- Đã chưa hết rắc rối sao còn tới với lui nữa! Mày cứ bảo lão ta ngồi dưới phòng đợi tao.
Nhưng đã nghe tiếng của lão ta ngay bên cạnh:
- Hết xôi rồi việc phải không!
Mụ Liễu hơi lúng túng, nhưng bản lĩnh của một con người từng trải chốn lầu xanh trướng hồng đã cho mụ sự tự tin rất nhanh. Mụ hỏi lại:
- Ông tới đây làm gì nữa, bộ những lời khai vu oan của ông với tôi ở phòng điều tra chưa đủ hay sao? Bộ người ta không tin hả?
Tư Đại hất hàm:
- Ai cho phép bà nói với điều tra viên rằng tôi có dính tới cái chết của Ánh Hồng?
Mụ Liễu cười khẩy:
- Thì hai năm rõ mười rồi, cần gì phải chứng minh. Vậy con dao và bức thư của con Hồng là cái mà điều tra viên có được là đồ giả chắc? Và những gì ông nói với họ là tôi cũng có nhúng tay là lời nói gió bay chắc? Ông bảo tôi ngồi yên, trong lúc ông mới chính là thủ phạm!
Lời nói của mụ khiến cho lão đại gia này tím mặt, điên tiết lên. Lão ta mặt đỏ bừng vì giận, miệng nói mà tay run run:
- Bà nói gì nói lại tôi nghe coi, ai giết Ánh Hồng?
Mụ Liễu không đáp thẳng mà từ từ đứng lên tới bên bàn phấn, kéo hộc tủ ra, lấy từ trong đó một cuốn sổ tay, đem tới đặt ngay trước mặt vị khách đại gia:
- Ông cứ đọc những dòng trong đó đi, ắt biết!
Lão ta giở trang đầu tiên đã giật mình! Bởi ngay dòng đó Ánh Hồng đã viết: “Nếu muốn giết em thì anh cứ đâm thẳng vào con tim này, cần gì phải thuê người để hại em như thế. Em đã sửng sốt khi nghe Hai Địa nói rằng chính anh đã thuê hắn hai lượng vàng để giết em rồi vứt xuống sông! Hỏi lý do, nó nói là do anh đã có người con gái khác, mà em là vật cản cần phải thủ tiêu!...”
Đợi lão đọc xong, mụ Liễu mới từ từ nói, giọng đầy cay độc:
- Cuốn sổ này mà tôi đưa cho điều tra viên họ xem thì ông nghĩ sao? Có đủ để tiêu tan sự nghiệp chưa?
Tư Đại giận mất khôn, lão lồng lên và nhào tới toan chụp lấy mụ Liễu. Vừa khi ấy, có tiếng một người cất lên:
- Gì mà dữ quá vậy anh yêu!
Người vừa cất tiếng đó chính là Xuân Hằng! Cô nãy giờ đứng nép trong phòng, nghe và thấy hết cuộc đốp chát giữa mụ Liễu và Tư Đại, rồi lên tiếng đúng lúc.
Lão Tư dừng tay lại, sững sờ nhìn và kêu tên:
- Cô… cô…
Sự sững sờ của lão ta có lẽ bởi sắc đẹp quá sắc sảo của cô nàng, hơn là có quen nhau. Nhưng Xuân Hằng thì giọng lạnh lùng:
- Chưa quên nhau sao, ông chủ tàu biển?
- Cô...
Lão cố tình bước lùi mấy bước, trong lúc Xuân Hằng vẫn giọng đanh hơn:
- Vừa rồi ông đọc điều gì trong quyển sổ kia vậy? Thơ tuyệt mệnh của cô Ánh Hồng phải không?
Mụ Liễu cũng bất ngờ với tình tiết đang diễn ra, mụ ngạc nhiên:
- Em... em quen ông ta? Lão ta là nhân tình của Ánh Hồng, người dính líu tới cái chết của nó.
Mụ đưa cuốn sổ tận tay Xuân Hằng và giục:
- Em đọc đi, để biết lão đại gia này ác như thế nào!
Xuân Hằng đọc rất nhanh và không cần suy nghĩ, cô ta nói ngay:
- Người con gái khác nói trong này chính là tôi.
Mụ Liễu kêu lên:
- Thảo nào!
Trái lại, Tư Đại thì biến sắc lắp bắp:
- Cô... cô… hại tôi! Cô…
Lão bất thần đổ sụp xuống và gào lên trong tuyệt vọng:
- Chúng hại tôi rồi!
Mụ Liễu vẫn cố tình đổ thêm dầu vào lửa:
- Đúng là trời cao có mắt! Chị đâu ngờ em lại là nhân chứng sống hết sức giá trị như thế này! Chị một lần nữa cám ơn em, Xuân Hằng!
Cô nàng không đợi hai người nói gì thêm, đã chủ động bước ra khỏi phòng. Mụ Liễu gọi giật lại:
- Em ở lại và làm luôn hôm nay đi, khai trương mà!
Xuân Hằng nói với lại:
- Em tới chỗ mấy điều tra viên với quyển sổ này. Rồi em sẽ trở lại ngay. Chào chị!
Tư Đại như con mãnh thú bị thương, lao tới chụp nàng ta lại, nhưng cơn giận đã khiến cho lão yếu đi bất ngờ và ngã sấp trên sàn, nằm bất động ở đó, cho đến khi Xuân Hằng bước đi mất dạng...
Mụ Liễu đậu xe ở ven lộ, xuống xe và đi bộ vào xóm.
Người trong xóm đa số là dân lao động nghèo, ăn mặc lam lũ, cho nên sự xuất hiện của một phụ nữ phục sức sang trọng, vòng vàng đeo đỏ tay đã gây sự chú ý. Bỗng có người reo lên:
- Chị Liễu! Phải chị Liễu bán đậu phộng hồi trước ở xóm Giá không vậy?
Nghe có người gọi đúng tên, đúng nghề của mình ngày còn trẻ, mụ ta khựng lại nhìn, rồi ngượng nghịu:
- Phải... phải Sáu Thà không?
Người phụ nữ mặc quần ống cao ống thấp, cười đưa cả hàm răng cái còn cái mất ra:
- Tôi đây chớ ai! “Mèn” ơi, con này bây giờ sang trọng quá, trẻ như con gái mười tám!
Hơi khó chịu bởi bị nhận diện và điểm chân tướng không lấy gì làm vẻ vang lắm, nhưng mụ Liễu đành phải chịu trận, đứng lại nói chuyện.
- Sao bây giờ tàn quá vậy. Chồng con ra sao rồi?
Sáu Thà đưa tay chỉ về phía cuối xóm:
- Tôi ở đằng kia, nhà nghèo lắm, chồng con đi làm mướn kiếm ăn hằng ngày. Chồng tôi chắc bà còn nhớ, Ba Sự chuyên cõng bà qua mương lúc còn đi học chung đó.
Mụ Liễu nhớ ngay:
- Sự “ghẻ” phải không? Hồi đó mỗi lần anh ta cõng, mình sợ lây ghẻ thấy mồ!
- Bây giờ hết ghẻ rồi, nhưng già lắm, chắc bà gặp nhìn không ra đâu!
Rồi chị ta kéo bạn cũ vào lề, hỏi dồn:
- Bà đi đâu mất biệt mấy chục năm nay vậy? Ờ, mà hồi năm đó bà có về một lần, tôi nhớ rồi, bà về ghé nhà Năm Lực, dẫn đứa con gái anh ấy đi cho tới bây giờ...
Bị nhắc điều mà mụ Liễu không muốn nhắc, nên mụ ta đánh trống lảng:
- Bạn bè mình ở đây còn mấy người?
Sáu Thà lắc đầu:
- Đâu còn ai. Một số theo chồng con đi xứ khác, còn vài người thì chết. Bà nhớ con Xuân Lai không? Con nhỏ chuyên đeo chiếc vòng kiềng ở chân đi học, bị tụi mình ghẹo là mang vòng xích chó đó!
- Ờ, nhớ chớ! Nó sao rồi?
- Chết cách đây mấy năm. Mà chết thảm lắm, bị thằng chồng uống rượu say siết cổ chết!
- Trời đất!
Sáu Thà thuộc loại khoái tọc mạch chuyện người khác, nên được dịp tuôn ra một hơi luôn:
- Mà đã hết đâu, mới đây một đứa con gái của nó do thất tình nên đã thắt cổ chết khi tuổi mới hai mươi!
- Có chuyện đó nữa sao? Thật tội nghiệp!
- Bà sẽ còn tội nghiệp hơn nữa nếu bà biết đứa con gái của nó thuộc loại đẹp nhất xứ này! Nó đẹp đến nỗi người ta quở, cho rằng nhan sắc đó không phải là người cõi trần, bởi vậy yểu mạng!
Mụ Liễu hễ nghe nói ai đẹp là chú ý đến ngay:
- Con gái nghèo xứ này mà cũng có đứa đẹp như vậy sao? Mà nó làm nghề gì đến nỗi bị phụ tình?
- Bán bar! Nghe nói nó là hoa khôi của quán bar nào đó ở Sài Gòn, cặp với một công tử nhà giàu nào đó, rồi bị thằng đó phụ rẫy nên nó hận đời, và trong một phút thiếu kiềm chế, nó đã treo cổ tự tử. Thật như người ta nói, mấy đứa có tên bắt đầu bằng chữ Xuân, như Xuân Lai mẹ nó, rồi Xuân Hoa dì nó, rồi đến nó Xuân Hằng, đều yểu mạng hết trọi!
Mụ Liễu như bị điện giật:
- Bà nói cái gì? Tên con nhỏ đó là... là Xuân Hằng?
- Bà có quen hả?
Mụ Liễu không giấu:
- Nó trùng với tên một đứa làm cho tôi. Nó cũng đẹp mê hồn, cũng trẻ như vậy, đang ăn khách, hái ra tiền, vậy mà chỉ làm được chưa đầy một tháng đã đột nhiên biến mất! Tôi đi về đây cũng bởi việc mất nó đã ảnh hưởng tới việc làm ăn, định đi tìm đứa khác lên thay. Nó cũng tên là...
Nhưng mụ lắc đầu:
- Trùng tên, nhưng con nhỏ Xuân Hằng này còn sống. Nó mới bỏ đi cách đây mấy ngày.
Sáu Thà nhanh nhảu:
- Bà có muốn ghé nhà đốt cho Xuân Lai nén nhang không? Nhân tiện xem ảnh của con nhỏ tôi nói nãy giờ, xem có đúng là hồng nhan bạc phận không!
Hơi lưỡng lự một chút, rồi mụ Liễu cũng gật đầu:
- Ừ, ghé thử coi.
Việc mới có được Xuân Hằng trong vòng chưa đầy một tháng đã giúp cho quán bar của mụ ta phất lên vùn vụt bởi khách ái mộ cô nàng này không thua gì Ánh Hồng ngày trước. Nhất là khi lão Tư Đại bị thất sủng sau vụ dính líu tới nghi án giết Ánh Hồng, bị điều tra, bị giam mấy tháng rồi được cho tại ngoại hầu tra có điều kiện, đã khiến tay chơi khét tiếng này bớt chơi, ít tới quán, giúp cho các khách chơi khác thoải mái hơn, đến quán đông hơn. Vậy mà đột nhiên Xuân Hằng bỏ đi, chẳng biết là đi đâu!
Việc mụ Liễu về quê cũ một phần là đi tìm Xuân Hằng, mà cũng vì một chuyện khó nói... Số là, liên tiếp trong mấy đêm liền mụ ta cứ mơ thấy Ánh Hồng, cô hiện về kêu là mình chưa thể yên được trong cõi âm, bởi một khi chưa tìm ra thủ phạm giết hại mình thì người ta sẽ không cho hồn phách người mới chết được yên ổn. Rồi cũng trong giấc mơ đó, Ánh Hồng cứ liên tục gào khóc đòi mụ ta phải trả mạng cho mình! Mụ Liễu rung động vì lời đòi mạng đó, nên mụ quyết định phải trở về nơi mà trước đây mụ đã dắt Ánh Hồng ra đi. Sẽ gặp người mà vừa rồi Sáu Thà có nhắc, đó là Năm Lực!
Mụ ta tính sẽ về trong âm thầm, giải quyết công việc cũng trong lặng lẽ rồi âm thầm ra đi. Không ngờ lại gặp Sáu Thà, để giờ chuyện thêm rắc rối.
- Đi bà. Mình ghé nhà Xuân Lai một chút.
Miễn cưỡng bước theo mà mụ Liễu cứ mong cho mau xong chuyện để còn lo công việc riêng của mình. Ghé vào một ngôi nhà nhỏ, Sáu Thà giới thiệu:
- Đây là nhà của Xuân Lai.
Không cần phải gõ cửa, bởi hình như nhà không cần khóa, cũng chẳng có ai ra hỏi. Vừa bước vào thì bỗng mụ liền khựng lại, kêu lên thành tiếng:
- Trời ơi!
Trước mắt mụ, khung ảnh trên bàn thờ đã khiến mụ muốn đứng tim! Bởi ảnh đó chính là... Xuân Hằng!
Nghe mụ kêu trời, Sáu Thà ngạc nhiên:
- Có chuyện gì vậy?
Mụ Liễu không tin vào mắt mình, nên bước tới thật gần, nhìn sát vào bức ảnh, rồi thất thần kêu lên lần nữa:
- Như thế này là sao, hở trời?
- Chuyện gì vậy bà? Quen con nhỏ này hả?
Mụ ta thều thào:
- Chính là nó. Con nhỏ mới bỏ đi hai ngày qua!
Sáu Thà la lên:
- Con này chết cách đây đã ngót hai tháng rồi. Nó thắt cổ chết ngay sau hè nhà này, chỗ cây xoài, nên mấy hôm này người ta đồn ầm lên chuyện con ma gốc xoài hiện hồn nhát mọi người. Không biết chuyện đó có hay không, nhưng chắc chắn là nó đã chết, mả đã gần xanh cỏ rồi!
Mụ Liễu vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
- Không thể được! Không thể có hai người giống nhau như đúc vậy được!
- Ai giống ai?
- Con Xuân Hằng trong ảnh đây với con nhỏ làm cho tôi cũng tên Xuân Hằng, giống nhau không thể phân biệt được!
Sáu Thà thật thà:
- Chắc là người giống người thôi.
Bỗng ngoài cửa có người gọi vào:
- Có ai ở nhà không?
Sáu Thà nghe tiếng thì nhận ra ngay:
- Năm Lực đó. Bà nhớ Năm Lực không, ba của con Ánh Hồng.
Mụ Liễu giật thót tim! Mụ ta lúng túng thấy rõ:
- Sao... sao ông ta lại tới đây?
Một người đàn ông ăn mặc kiểu nông dân, xuất hiện với bó nhang trên tay, vừa nhìn thấy mụ Liễu, ông đã khựng lại và rồi kêu lên:
- Cô Liễu! May quá, tôi không biết tìm cô ở đâu, thì không ngờ...
Rồi ông nói mà không chờ hỏi:
- Hai đêm rồi tôi chiêm bao thấy con Ánh Hồng người đầy máu về gọi tôi cứu nó! Tôi hỏi nó bị làm sao thì nó chỉ khóc mà không nói, rồi sau cùng chỉ nói một câu trước khi biến mất, bảo tôi phải qua nhà cô Xuân Lai sẽ gặp được nó!
Sáu Thà nói chen vào:
- Nhà Xuân Lai giờ còn đâu mà qua. Anh Năm không nhớ sao, Xuân Lai đã chết từ lâu rồi, còn đứa con gái bạn con Ánh Hồng là Xuân Hằng thì kia, anh nhìn lên bàn thờ sẽ biết.
Năm Lực sững sờ nhìn ảnh chân dung, rồi bất giác ông kêu lên:
- Nó đây mà.
Sáu Thà hỏi:
- Nó là ai?
- Cô này! Chính con nhỏ này hôm qua tôi thấy đứng cạnh con Ánh Hồng của tôi!
Rồi ông quay sang mụ Liễu:
- Con Ánh Hồng từ mấy năm nay không về nhà, tôi cũng không nhận được tin tức gì của nó, định lên Sài Gòn tìm cô, bởi hồi đó cô dẫn nó đi nói là cho nó ở chung với cô. Nhưng chưa kịp đi thì tôi chiêm bao thấy kỳ quá. Cô Liễu, con Ánh Hồng ra sao rồi?
Bị hỏi dồn, mụ Liễu bối rối:
- Con Hồng... nó... nó....
- Nó chết rồi!
Nghe tiếng nói vang lên mà không thấy người. Cả Sáu Thà, Năm Lực và mụ Liễu đều ngơ ngác nhìn quanh rồi đưa mắt nhìn nhau. Năm Lực hỏi lại:
- Có đúng vậy không, cô Liễu?
Mụ Liễu như người mất hồn, lạc cả giọng:
- Nói... nói bậy!
Lời mụ ta vừa dứt thì bức ảnh lộng kiếng của Xuân Hằng trên bàn thờ bỗng văng xuống đất, vỡ tan thành nhiều mảnh. Sáu Thà hốt hoảng:
- Sao vậy?
Chị ta toan chạy ra nhà sau tìm ai đó thì đã có người sợ hãi chạy lên hỏi:
- Ai làm ngã bàn thờ vậy?
Thấy quá đông người nên người đó đứng khựng lại. Đó là một cô gái lớn tuổi, tuy có vóc dáng giống như Xuân Hằng, nhưng gương mặt bị sạm đen một bên, trông dị hình dị tướng. Sáu Thà nói liền:
- Đây là Xuân Nhi, chị ruột con Xuân Hằng.
Cô gái tên gọi Xuân Nhi đó sau khi nhìn một lượt khách khứa, đã bình tĩnh lên tiếng:
- Mấy cô mấy bác tới có chuyện gì vậy? Mà sao hình của em cháu lại bể?
Cô ta vừa hỏi vừa ngồi xuống nhặt từng miếng kiếng bể gom lại, sau cùng nâng niu tấm ảnh chân dung lên, như sợ nó biến mất! Rồi bất thần cô ta òa lên khóc, giọng tức tưởi:
- Em tôi nó khổ lắm rồi, nó chết thê chết thảm mà vẫn chưa yên thân sao!
Mụ Liễu đã sợ thất thần rồi, nhưng cũng ráng hỏi:
- Cô Hằng này chết được bao lâu rồi?
Nhìn đăm đăm vào mụ ta, Xuân Nhi càng tức tưởi hơn:
- Chết cả tháng nay rồi mà có ngày nào yên thân đâu! Hôm đầu tiên khi còn treo cổ trên dây thòng lọng thì đã bị ai đó nhập hồn vào la hét vang trời, khiến không ai dám đụng vào xác, phải mất cả buổi mới lấy xác xuống được. Không biết dòng họ tôi có ở ác với ai, có hận thù gì với ai không, mà từ má tôi cho tới con Hằng, không ai chết được yên cả, trời ơi!
Rồi đột nhiên cô quay sang Năm Lực:
- Con Ánh Hồng nhà chú từ nhỏ đã chơi thân với con Hằng, coi nhau như chị em, sao bây giờ lại coi nhau như thù địch, cứ kêu la đòi mạng là nghĩa lý gì?
Năm Lực hỏi dồn:
- Con Ánh Hồng đòi mạng ai? Con tôi sao lại đòi mạng, trong khi nó…?
Xuân Nhi bớt khóc, kể khá rành mạch:
- Ngay bữa chôn con Hằng thì không đóng nắp hòm của nó được, bởi cứ nghe tiếng ai đó kêu gào, bảo phải để xác đó cho họ đưa đi đòi mạng ai đó. Tôi phải van xin, cầu khấn hết lời mới hạ huyệt được. Nhưng chôn xong thì nửa đêm hôm đó, tôi lại nghe tiếng khóc của ai đó lạ lắm ngoài mộ con Hằng! Tiếng khóc của một đứa con gái khác...
Câu nói đó khiến cho Năm Lực điếng hồn, ông ta lại nhìn sang mụ Liễu và hỏi:
- Sao cô Liễu, con Ánh Hồng tôi ở đâu?
Mụ Liễu lắc đầu, vừa xua tay lia lịa như không muốn nghe hỏi gì thêm. Mà điều đó càng khiến cho Năm Lực thêm nghi ngờ, ông ta bất thần chụp tay mụ và gào lên:
- Con gái tôi đâu?
Mụ Liễu vùng mạnh ra và thoát được, rồi vụt chạy nhanh ngoài sự phán đoán của mọi người. Chỉ sau đó vài chục giây thì không còn thấy bóng dáng mụ đâu nữa. Sáu Thà cũng phải ngạc nhiên:
- Con này sao vậy cà?
Năm Lực sau vài chục giây hoang mang, đã định thần lại, vụt chạy theo ra đường cái. Nhưng ông ta ra tới nơi thì chỉ còn thấy chiếc xe hơi của mụ Liễu mờ mờ sau lớp bụi đường.
Sau hôm trở về từ chuyến đi, hầu như mụ Liễu không ra mặt ở quán bar, mọi việc mụ ta để cho người quản lý điều hành. Trong quán có hai quản lý, Xuân Đào là quản lý nhân sự, còn một quản lý nữa là anh ruột của mụ Liễu.
Người này lâu nay không trực tiếp có mặt, nhưng ai cũng biết quyền hành lại nằm trong tay ông ta.
Vốn là một cựu mật thám Pháp, nên lão Hăngry Đỗ rất có nghề trong việc quản lý về mặt giao tế, áp phe.
Chính một tay lão đã giúp cho em gái mình có được một thế lực mạnh trong thương trường. Ẩn mặt từ lâu, nay phải chường mặt ra là chuyện bất đắc dĩ, bởi mụ Liễu tha thiết van xin anh mình. Mụ ta bị khủng hoảng tinh thần, đồng thời do một ẩn tình nào đó, không thể ra mặt lúc này.
Mở cửa quán bar trong tình trạng liên tục bị mất hai bông hoa hương sắc chỉ trong một thời ngắn là một chuyện khó khăn, tuy nhiên lão Đỗ vẫn tự tin vào tài ngoại giao của mình sẽ đủ sức thu hút khách chơi trở lại. Do đó vào chiều hôm ấy, lão ta gọi Xuân Đào vào và dặn:
- Cô cho gom hết các em út lại, lựa ra những đứa dưới hai mươi tuổi, cho tập trung lại phòng riêng của tôi trên lầu, để tôi sinh hoạt với họ. Những ai trên tuổi đó thì cho nghỉ bán vài hôm, chờ tôi giải quyết xong công việc mới tính tới.
Đúng giờ, lão ta có mặt cùng khoảng trên mười cô gái trẻ. Mặc dù ít trực tiếp điều hành, nhưng lão Đỗ lại có một trí nhớ đặc biệt khi lão chỉ từng người một và nói tên:
- Hoa Lan phải không? Còn đây là Hương Lý. Kia là Mộng Nguyệt, bên này là Bích Ngọc và ngồi sau là Tuyết Nhung.
Lão ta nói vanh vách tên của từng người, không sai người nào. Đến cô gái cuối cùng, lão ta hơi nhíu mày và hỏi:
- Sao tôi lại chưa biết cô này. Vào bán lâu chưa?
Cô gái khá đẹp, có gương mặt lạnh lùng, lễ phép đáp:
- Dạ, em là Hồng Nga, vào làm được một tháng.
Cố nhớ, nhưng lão Đỗ vẫn không nhớ ra:
- Hồng Nga, sao tôi không thấy tên ghi trong danh sách hành nghề?
- Dạ có, nhưng dưới tên khác, tên Oanh Hồng. Bà chủ nói cái tên đó gợi nhớ đến chị Ánh Hồng nên bà bảo đổi thành Hồng Nga.
- Có sao đâu. Ánh Hồng này mất thì có Ánh Hồng khác. Nhiều khi trùng tên lại khiến người lầm, nhất những người khách mới, họ nghe đồn về Ánh Hồng trước đây, nay tò mò… và biết khi gặp Oanh Hồng này họ lại mê như khách từng mê Ánh Hồng thì sao?
Rồi lão dặn Xuân Đào:
- Từ nay gọi cô này là Ánh Hồng nghe chưa! Có hỏi thì cứ ỡm ờ trả lời, không chừng ta lại có một đào chánh mới cũng nên!
Mấy cô khác không hài lòng lắm về cách tính toán của lão ta, nhưng họ im lặng. Sau đó, lão dặn kỹ từng người:
- Dù em nào ở đây cũng đã làm trên dưới một năm, nhưng nay tất cả đều thay tên, đổi tuổi, đồng thời nói với khách là chỉ mới vào làm vài tuần, đến cao lắm là một tháng! Tâm lý chung của khách chơi Ià thích gái mới, gái nai. Vậy không em nào được chài mồi khách quá lố, không được tỏ ra quá sành sỏi. Em nào làm không đúng lời dặn sẽ bị cho nghỉ việc lập tức.
Sau đó lão lại họp riêng với những cô gái tuổi lớn hơn. Lão cũng nói trúng tên từng người và sau cũng căn dặn:
- Các em cũng phải đổi tên, thay tuổi. Phải tạo cho mình một hoàn cảnh riêng thật ấn tượng. Em thì báo với khách rằng em trốn chồng bỏ đi ngay đêm tân hôn, đứa thì nói chỉ lấy chồng được đúng ba ngày, gặp phải thằng chồng quá thô bạo, chịu không nổi! Tóm lại, phải đưa ra nhiều tình cảnh càng bi thương, ngang trái chừng nào càng gây cho khách sự chú ý, thích thú. Có nghĩa là tất cả các em đều bị hoàn cảnh mới phải vào đây chứ không phải tự nguyện, không phải vì đồng tiền.
Rồi lão ta triết lý:
- Làm quán bar, nuôi em út mà để cho khách có ấn tượng rằng nơi ấy chỉ toàn gái làm tiền, gái sành đời thì xa lắm rồi! Mấy đứa thấy không, như con Ánh Hồng thật ra nó cũng vì cần tiền nên mới theo cô Liễu lên đây, làm nghề như mọi người. Chỉ hơn các em là nó có sắc đẹp chân chất hơn, có vẻ hoa đồng nội hơn, nên được mấy đại gia mê đắm mà làm nên cơ nghiệp!
Bỗng có người nói chen vào:
- Làm nên cơ nghiệp sao gia đình nó ở quê vẫn đói khổ, nó chết đi chẳng có được một đám tang cho ra hồn! Vậy sao gọi là ngôi sao?
Người vừa nói chính là cô Oanh Hồng, vừa được sửa tên là Ánh Hồng. Sự xuất hiện của cô ta khiến lão Đỗ khó chịu, bởi vừa rồi lão đã chẳng ra lệnh nhóm của cô này giải tán rồi hay sao?
- Ai cho phép cô trở lại đây?
Cô ta ngang bướng đáp lại:
- Thì chính anh bảo em phải giả làm Ánh Hồng thứ thật, được phép ở phòng riêng của Ánh Hồng trước đây, và bây giờ em đang về phòng của mình!
Lúc ấy lão Đỗ mới chợt nhớ là phòng riêng của Ánh Hồng ở kế bên. Tuy nhiên, câu hỏi chen vào lúc nãy của cô ta khiến cho lão khó chịu:
- Cô biết gì mà xía vô chuyện của Ánh Hồng?
Cô ta cười khẩy:
- Ở đây mà không biết ấy mới lạ! Ánh Hồng vẫn đêm đêm hiện về đòi mạng, ai mà không từng gặp!
Lão Đỗ còn chưa kịp hỏi thì hầu như cô nào cũng nói:
- Nó nói đúng! Tối qua đây thôi, chính em cũng nghe Ánh Hồng về đây kêu hãy giúp nó đòi mạng. Nó bị...
Cô ta nói chưa dứt lời đã bị lão Đỗ chụp tay bóp thật mạnh:
- Mày mà nói bậy thì đám thằng Công sẽ cho biết tay.
Công Đầu Bò là tên anh chị cầm đầu nhóm thủ hạ của mụ Liễu và lão Đỗ, chúng đánh người chỉ có tàn phế, giết người chẳng để lại dấu vết! Bởi vậy em nào mà bị hù là sợ hết vía. Các cô muốn nói thêm gì đó, nhưng thấy Lão Đỗ hỏi:
- Mấy đứa nói thấy con Ánh Hồng về đòi mạng mà đòi ai?
Cô gái nói dở câu nói lúc nãy, chẳng biết có uống thuốc liều hay không, chợt nói:
- Đòi bà chủ phải trả mạng cho nó!
Lão Đỗ như giẫm phải lửa:
- Ai nói?
Lão ta thấy mình lố bịch, bởi cô gái kia không vừa nói đòi mạng mụ Liễu hay sao?
- Tào lao, đứa nào mà nói chuyện này ra ngoài, tao sẽ giết không tha!
Trong lúc nóng giận, lão ta đã vô tình để lộ bản tính côn đồ của mình, lão có hơi giật mình:
- Tôi... tôi không được bình tĩnh. Tôi nói quá lời...
Không khí chùn hẳn xuống, trong khi các cô gái thì len lén nhìn nhau ra dấu rút lui, trong khi lão Đỗ cứ thừ người ra, đầu óc căng thẳng. Hồi lâu, lão mới ngẩng lên hỏi:
- Còn ai thấy gì nữa?
Lúc ấy lão mới biết là tất cả các cô đều đã rút đi hết.
Nhìn về phía phòng của Ánh Hồng thấy cửa còn mở, cô gái tên Oanh Hồng vừa mới bước vào, lão Đỗ bước theo, với ý định hỏi thêm vài chuyện. Nhưng khi lão vừa đẩy cửa vào thì...
- Trời ơi!
Nghe tiếng kêu kinh hoàng của lão, mấy người từ tầng dưới chạy lên, hỏi lớn:
- Có chuyện gì vậy?
Người ta chỉ thấy một lão Đỗ đứng như trời trồng, hai mắt trợn trừng chẳng khác một tượng sáp!
- Ông chủ!
Xuân Đào gọi lớn vừa nhìn vào phòng trống trơn. Cô càng ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy ông Hăng-Ry?
Mãi một lúc khá lâu lão Đỗ mới hồi tỉnh. Lão ta la thất thanh như người vừa gặp cơn ác mộng:
- Chặn nó lại! Đừng để nó... đừng cho nó giết…
Xuân Đào phải chụp tay lão ta, trấn an:
- Đâu có ai đâu, ông Hăngry?
Đưa tay chỉ vào phòng, mắt lão ta vẫn còn trợn trừng, vừa gào lên:
- Nó kìa! Nó... treo cổ!
Chẳng riêng gì Xuân Đào, mọi người đều nghĩ lão ta bị điên. Bởi vậy vài người nói nhỏ với nhau:
- Chắc lão điên vì quán hôm nay ế khách!
Người khác lại nói:
- Chắc tại vì cùng một lúc mất đến hai người đẹp làm ra tiền nên đầu óc lão và bà Liễu bị đứt mạch rồi cũng nên!
Mất thêm hơn năm phút nữa lão Đỗ mới hết kích động. Nhưng hễ nhìn vào phòng là lão lại nói:
- Nó treo cổ trong đó!
Xuân Đào hỏi:
- Ông nói ai treo cổ?
Lão trả lời như một người trả bài:
- Con Ánh Hồng. Nó treo cổ chết, lè lưỡi dài tận ngực!
- Đâu có ai trong phòng?
Lão ôm lấy đầu, rên rỉ:
- Đuổi nó đi giùm. Năn nỉ nó cũng được, đừng để nó ở đó nữa.
Xuân Đào không muốn lôi thôi nên ra dấu cho mọi người rút hết xuống. Bây giờ cô mới nhỏ giọng hỏi:
- Ông thấy Ánh Hồng phải không? Nhưng phòng này bây giờ do con Oanh Hồng ở mà. Nó mới đây…
Cô quay tìm Oanh Hồng thì chẳng thấy đâu. Mãi một lúc sau mới có người tìm thấy cô chui vào trong phòng vệ sinh, mặt mày tái mét, vừa run vừa lắp bắp nói:
- Cho… cho tôi nghỉ làm! Tôi xin nghỉ…
Rồi từ phút ấy, cô ta gần như không còn tỉnh trí nữa, cứ vừa run vừa kêu gào, điên loạn.
Phải mất nhiều công sức Xuân Đào mới dỗ được cô ả tỉnh lại. Đào hỏi khẽ:
- Em thấy gì mà như vậy?
Phải nửa phút sau, cô ả mới đáp tròn câu:
- Ánh Hồng. Cô ấy... bắt em phải chết! Phải chết để cho bà Liễu lão Đỗ này mang tội giết người!
- Và em đã…?
- Em nghe lời nên leo lên giường, tròng cổ vào dây thòng lọng và... Nếu lúc ấy không có tiếng la lớn của lão ấy thì em đã chết rồi! Em bị ngã xuống và chạy trốn! Em sợ lắm chị Đào ơi. Cho em rời khỏi nơi đây ngay!
Đã bắt đầu lờ mờ hiểu câu chuyện đang xảy ra, Xuân Đào nhẹ giọng bảo:
- Em cứ bình tĩnh, chưa cần phải đi đâu hết. Chị nghĩ là chị sẽ có cách nói chuyện với Ánh Hồng.
Câu nói của Đào khiến mấy người đứng gần đó đều ngạc nhiên, và có người nói vào:
- Cứ đợi đêm đến cầu là Ánh Hồng nó hiện về ngay. Tối qua tôi thấy nó đứng khóc ở cầu thang kia mà không dám kể lại, e mọi người sợ bỏ việc hết!
Xuân Đào kéo Oanh Hồng về chỗ của mình, vỗ về:
- Em cứ vào phòng chị mà ở, chị tin chắc Ánh Hồng sẽ không làm gì đâu. Sở dĩ em bị như thế là do hồi nãy em nhận lời lão ta đóng giả vai Ánh Hồng. Con nhỏ chết oan nên linh lắm, bây giờ mình cúng vái nó, nói rõ lòng mình thì chị nghĩ nó sẽ không hại ai trong số chị em mình hết.
Oanh Hồng chừng như nhớ ra điều gì, cô nói khẽ:
- Lúc em thấy oan hồn của Ánh Hồng thì bên cạnh có một người con gái khác nữa, em nhớ ra rồi...
- Ai vậy?
- Con Xuân Hằng mà bà Liễu ưu ái, trọng dụng, nhưng chỉ mấy hôm rồi nó bỏ đi mất đó!
Xuân Đào thảng thốt:
- Đúng rồi! Con nhỏ đó có sắc đẹp không phải của người trần!