HỒNG NƯƠNG - Phần 1
Tác giả: Người Khăn Trắng
Ở thị trấn Gia Thành này, cứ mỗi năm đến mùa mưa là hầu như mọi việc buôn bán đều như dừng lại. Bởi có tiếp tục mở cửa bán thì hàng hoá cũng chỉ bày ra cho nắng mưa làm phai màu, mất giá mà thôi.
Cửa hàng của Tiêu Sơn cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Ngay khi mùa mưa bắt đầu, anh chàng lái buôn độc thân này đã tính chuyện đóng cửa rồi đi chơi đâu đó, chờ qua hết tháng tám mới trở về.
Sáng hôm đó, sau khi thức dậy, chỉ ăn sáng qua loa, Sơn đã xách va-li đi ra. Trong lúc anh còn loay hoay khoá cửa thì chợt có tiếng người hỏi sau lưng:
- Sao giờ này mà hiệu buôn lại khoá cửa?
Quay lại, Sơn cau mày khi nhìn thấy một người đàn ông lạ, không có vẻ gì là cư dân địa phương.
- Phiền ông, hôm nay cửa hàng tôi nghỉ bán.
Người đàn ông lạ vẫn lịch sự:
- Tôi tới đây không phải mua hàng mà để bán hàng.
Sơn nhún vai, vẻ ngán ngẩm:
- Hàng đã không bán thì mua vào làm gì! Anh tới nhầm chỗ rồi. Mời anh đi cho.
Tiêu Sơn xách va-li bước nhanh đi, nhưng người đàn ông kia đã gọi giật lại:
- Ông cần mở cửa ra để nhận những thứ này.
Ông ta chỉ ra phía sau lưng mình, nơi có nhiều thùng đồ niêm phong:
- Những thứ này thuộc về ông. Ông cần cất giữ nó, rồi sau đó đi cũng được.
Sơn vốn tính ngay thẳng, anh hơi cáu:
- Ông cho rằng tôi sẽ chứa chấp bất cứ thứ gì không phải của mình trong nhà hay sao?
Người đàn ông vẫn kiên trì:
- Thứ hàng này không phải của tôi, mà là của một người quen với anh gửi, nhờ tôi chuyển giùm. Anh xem người ta ghi ngoài thùng kìa.
Lúc này, Sơn mới để ý nhìn mấy dòng chữ ghi ngoài thùng. Đúng là gửi cho anh, và người gửi chính là người bạn thân ở ngoài tỉnh lỵ. Sơn mừng lắm:
- Lâu lắm rồi không được tin người bạn thân này, không ngờ nay anh ta lại giở trò gửi quà cáp gì nữa đây!
Người đàn ông lạ lại nói:
- Người gửi quà cho anh có dặn tôi là phải giúp anh đưa nó vào nhà rồi mới được đi. Vậy anh nên mở cửa cho tôi chớ.
Không còn cách nào hơn, Sơn đành phải mở cửa và giúp anh ta chuyển bốn thùng hàng vào nhà. Khi các thùng hàng được mở ra thì Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong cả bốn thùng ấy đều là hàng tơ lụa đắt tiền, những thứ mà từ mấy tháng qua cửa hàng của Sơn đã bán sạch, mà việc mua lại nó thì không thể, bởi nó hiếm và giá cả quá mắc, vượt khả năng của Sơn. Vậy mà nay...
Người đàn ông lạ giải thích thêm:
- Người bạn tên Phú của anh còn căn dặn tôi rằng nên ở lại giúp cho anh vượt qua giai đoạn buôn bán ế ẩm này. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì người giúp anh tốt nhất là một người khác, chớ không phải tôi.
Anh ta vừa nói xong đã quay ra ngoài vỗ tay liền ba cái. Từ ngoài cửa, có một người lao vụt vào nhà trong tư thế đang che kín mặt mày.
- Người này sẽ ở lại đây giúp anh mọi việc.
Lúc ấy, người trùm mặt kia mới bỏ tấm mạng che mặt ra, lộ diện là một cô gái tuyệt đẹp! Người đàn ông lạ giải thích:
- Người này cũng không phải của tôi, mà là của cậu Phú, bạn cậu. Chính cậu Phú bảo tôi đem số hàng này và cô gái tới đây gửi cho cậu. Có một lá thư gửi cho cậu nữa...
Ông ta đưa cho Sơn lá thư ngắn, trong đó Phú giải thích sự việc:
"Mình có việc phải ra nước ngoài một thời gian dài, là hàng hoá và công việc buôn bán không kịp thu xếp. Vậy nếu còn nghĩ tới người bạn thân này thì Sơn hãy nhận số hàng tơ lụa và cứ toàn quyền bán buôn nó theo ý thích, tiền thu được thì cứ giữ lấy, dùng nó làm vốn tái tạo lại việc kinh doanh, khi về anh em mình sẽ tính lại với nhau. Riêng người con gái này, vốn là em gái nuôi của tôi, cô ấy hiền ngoan và tốt bụng, lại giỏi giang, tôi gửi cho cậu, xin hãy vì tôi mà cho cô ấy ở nhờ, bù lại cô ấy sẽ giúp cậu việc buôn bán. Cô ấy còn độc thân, nên Sơn không phải ngại gì cả..."
Đọc xong lá thư, Sơn vẫn chưa thể hiểu hết ý, anh hỏi lại:
- Phú còn ở nhà nó không? Tôi phải gặp ngay nó, bởi tôi không thể lo việc này.
Người đàn ông bảo:
- Cậu Phú đã lên máy bay rồi, nghe nói lâu lắm mới về. Tôi là người làm công lâu năm của cậu ấy, mà nay cũng bị yêu cầu tìm chỗ mà ở. May mà tôi còn có người bà con. Vậy thôi nhé, mọi thứ anh cứ làm theo lời dặn. Tôi đi đây.
Sơn muốn giữ ông ta lại, nhưng lúc đó người đàn ông kia đã biến mất ngoài cửa. Thất vọng, Sơn định lên tiếng thì cô gái đứng bên cạnh chợt nói:
- Hàng hoá này anh không nên để trong thùng quá lâu. Vả lại có nhiều khách hàng sắp tới mua, anh nên bày nó ra.
Sơn nhìn cô ta ngạc nhiên:
- Cô... cô...
Nàng ta nhắc lại:
- Khách đến mua hàng đông lắm, anh phải bày hàng và mở cửa ra kẻo không kịp.
- Cô biết gì chuyện bán hàng ở đây mà can thiệp. Mùa này chờ ba ngày cũng không có một người khách, chứ đừng nói...
Lời Sơn chưa dứt thì đằng trước đã có nhiều tiếng huyên náo, rồi có người gọi to:
- Ông chủ ơi, khách chờ mua hàng đông lắm, hãy mở cửa ra mau!
Trong lúc Sơn còn đang ngạc nhiên thì cô gái lại giục:
- Sao không mở cửa hàng ra đi!
Rồi không đợi Sơn, cô ta đã nhanh tay mở các kiện hàng tơ lụa ra, bày trên các kệ. Việc làm cực kỳ nhanh gọn trước sự ngạc nhiên, thán phục của Sơn.
- Sao anh còn chưa mở cửa ra?
Khi Sơn mở cửa ra thì cũng là lúc cô nàng nhanh chân lẩn vào bên trong nhà. Sơn phát hiện ra, định hỏi, nhưng lúc ấy khách tràn vào khá đông nên anh cũng chẳng còn hơi sức đâu mà lo chuyện nào khác bằng bán hàng. Khách hàng thích thú với những hàng hoá lạ, nên người này mua lại í ới gọi người khác tới cùng mua.
Chỉ nội buổi sáng mà Sơn đã bán hết một kiện hàng lớn. Điều ấy khiến các hiệu buôn cùng ngành hàng với Sơn kinh ngạc, họ chạy tới chứng kiến và bảo nhau:
- Thằng cha này gặp thời hay sao, chớ mùa này ai lại ùn ùn đi mua hàng tơ lụa như vậy!
Mà chỉ riêng cửa hàng của Tiêu Sơn thôi, các nơi khác hầu như khách không buồn đưa mắt nhìn, dẫu có vài nơi hàng hoá cũng phong phú không kém!
Đến giờ cơm trưa hôm ấy, ngồi tính sổ sơ sơ, Sơn thấy mình đã có doanh thu bằng cả một tháng bán buôn trước đây... Lúc này anh mới chợt nhớ tới cô gái, nên đóng cửa trước, ra nhà sau tìm.
Lại một lần nữa Sơn ngạc nhiên, khi thấy trên bàn ăn đã có một mâm cơm nóng hổi đã dọn sẵn!
- Ủa, ai đã...
Cô gái bây giờ đã thay đổi xiêm y, suýt nữa Sơn nhận không ra, anh lúng túng:
- Cô... cô là...
Cô gái cười thật tươi:
- Em đây mà. Cứ gọi em là Tuyết Hồng.
Sơn không quen lắm việc tiếp xúc với mỹ nhân, nên anh khá vụng về:
- Cô... cô Tuyết...
Nàng lại chủ động:
- Người ta hay gọi em là Hồng Nương. Em thích được gọi như vậy.
- Cô Hồng... Hồng Nương, tại sao lúc nãy cô...
Hồng Nương nói năng khá tự nhiên:
- Lúc ấy em bỗng bị đau mắt không chịu nổi. Vả lại... em cũng không quen... em không muốn gặp mặt người lạ. Mong anh tha lỗi cho.
Sơn xua tay:
- Không sao đâu! Tôi cũng không dám bắt cô Hồng phải nhúng tay vào công việc như vậy!
Nàng chỉ mâm cơm:
- Như việc này thì anh không cấm chớ? Em sẽ tình nguyện hằng ngày được nấu cơm hầu anh. Em ái ngại quá khi thấy bếp núc lạnh tanh, hầu như anh chẳng bao giờ nấu nướng gì?
Sơn lại lúng túng:
- Tôi... có một mình, lại lo buôn bán, nên... gặp đâu ăn đó, lúc nào nhớ thì ăn.
- Không được. Từ nay anh phải ăn uống đúng giờ.
Sơn khoe chuyện buôn bán đắt hàng và tỏ ý lo lắng:
- Hàng bán thì ham quá, nhưng theo đà này thì chỉ vài tuần là hết số hàng đang có, biết tìm mua ở đâu, bởi hàng hoá xứ này không được như thế.
Hồng Nương vô tư:
- Anh cũng chẳng phải lo. Em có một mối chạy hàng giỏi lắm. Người này vẫn thường xuyên lo cung cấp hàng hoá cho anh Phú. Để em nhắn tin, rồi cứ mỗi lần cần hàng ta cứ chờ họ mang tới đây giùm.
Sơn mừng lắm:
- Ồ, được vậy thì còn gì bằng! Đây, bao nhiêu tiền bán được tôi đưa hết cho cô giữ, khi nào cần mua hàng thì cô toàn quyền gửi họ mua. Nhưng tôi vẫn lo, liệu cô còn xa lạ nơi này, vậy làm sao cô đi đứng, giao thiệp cho tiện?
- Ồ, anh không phải lo chuyện ấy đâu. Em có cách của mình để nhờ người quen lo giùm. Tiền này em chỉ giữ tạm thôi, mua hàng hết bao nhiêu, sau đó em sẽ cất vào tủ của anh cho chắc.
- Ồ không, tiền này cô có quyền...
Cô nàng nghiêm giọng:
- Anh Phú đã dặn rồi, số hàng hoá đó là thuộc toàn quyền sử dụng của anh. Mọi tiền bạc thu được từ đó dĩ nhiên là của anh, chớ em thì không can dự gì. Nếu anh tin thì em giúp cho một phần việc đặt hàng, chớ nặng trách nhiệm hơn thì em nhất định không dám nhận!
Sơn đành phải chấp nhận như vậy. Anh mạnh dạn ngồi xuống ăn bữa cơm thật ngon lành. Nhưng đang ăn, anh ngạc nhiên hỏi:
- Nhà không có thức ăn, mà chẳng thấy cô đi chợ, vậy lấy đâu ra những thịt cá tươi ngon như mấy món này?
Nàng lại cười:
- Đó là bí quyết riêng của phụ nữ chúng em, anh cho phép em không nói được không?
Tuy không hỏi nữa, nhưng cho đến khi xong bữa ăn, Sơn vẫn còn thắc mắc. Ăn xong, anh vừa định dọn dẹp thì cô nàng đã mau mắn nói:
- Đây là công việc của đàn bà. Đã có đàn bà trong nhà này thì nhất định anh không được làm.
Cũng chẳng còn cách giải quyết nào khác hơn, nên tối đó Sơn phải đưa ra giải pháp:
- Nhà có hai phòng, nhưng vì phòng kia đã lâu không dùng đến nên bụi bặm, hôi mốc. Vậy tối nay cô cứ vào phòng tôi mà ngủ, tôi sẽ ngủ ngoài chỗ bán hàng, vừa trông coi hàng hoá luôn.
Cô nàng đưa tay chỉ vào trong phòng gần bếp:
- Anh thử vào xem, dọn dẹp như vậy được chưa?
Sơn vào ngắm căn phòng và rất đỗi ngạc nhiên:
- Sạch gấp đôi phòng của tôi! Nhưng... thời gian đâu mà cô làm được việc này?
Nàng vừa dọn bếp vừa đáp:
- Việc nhỏ của đàn bà mà.
Đêm đó, Sơn nằm trằn trọc mãi, bởi trong đầu cứ suy nghĩ về sự hiện diện của một cô gái trong nhà mình. Ở lại trong một hai ngày thì được, nhưng lâu dài thì sao? Sẽ giải thích với người quen như thế nào cho hợp lý?
Còn đang mải mê suy nghĩ, bỗng có tiếng gõ nhẹ cửa phòng, Sơn bước ra mở cửa thì không thấy ai, chỉ thấy có mảnh giấy nhỏ nhét ở ổ khoá:
"Anh đừng bận tâm về sự hiện diện của em. Từ nay em sẽ không bao giờ bước ra khỏi cửa một bước. Kể cả chỗ bán hàng, em cũng không có mặt. Phạm vi của em là phòng riêng và nhà bếp, chỉ yêu cầu anh đừng cho người lạ vào khu vực bên trong đó. Cám ơn anh. Hồng Nương."
Nhìn sang phòng nàng thì vừa thấy bóng Hồng Nương mới khuất vào trong. Sơn thở phào, như vừa trút được gánh nặng. Đúng là nàng đã hiểu thấu ruột gan của Sơn!
Nhờ vậy mà sau đó Sơn đã ngủ được một giấc thật say...
Do hơi mệt vì bán hàng bữa trước, nên sáng hôm sau Sơn dậy rất muộn. Lúc anh thức giấc thì nắng đã xuyên qua cửa sổ vào phòng. Hốt hoảng, anh bật dậy và lo việc không ai mở cửa bán hàng. Nhưng Hồng Nhung đã nói vọng vào:
- Em ra sớm, lúc chưa có ai để niêm yết giờ mở cửa. Vậy anh còn hơn mười lăm phút nữa mới tới giờ bán hàng. Thôi, vào ăn sáng rồi còn ra tiếp khách đi, ông chủ!
Một mâm thức ăn đã dọn sẵn, và lại là món điểm tâm Sơn đặc biệt ưa thích!
- Cô... cô lấy đâu ra mấy món này? Đây là hủ tiếu tim gan, sườn non của tiệm Hải Vị cuối khu chợ mà?
- Đúng là thức ăn của tiệm đó. Anh cứ ăn đi cho nóng. Đừng thắc mắc việc làm cách nào em mua được. Bảo đảm với anh, không ai thấy em từ trong nhà này đi ra, cũng không thể thấy em đi vào.
Sơn ái ngại:
- Vì ý thích của tôi mà cô phải nhọc công như vậy, tôi không muốn đâu. Từ mai cứ còn cơm nguội bữa trước, cô chiên giúp lại, tôi ăn thế quen rồi.
Nàng lắc đầu:
- Không có em ở đây thì anh muốn ăn uống thế nào tuỳ ý. Nhưng có em rồi thì trách nhiệm của em là phải thế này, việc thức khuya dậy sớm, nếu không cho em làm vậy thì em bệnh, anh lại mất công tốn tiền thuốc!
Lại một lần nữa, Sơn phải nhượng bộ. Và đúng là nhờ thay đổi thức ăn nên anh ăn rất ngon miệng. Ăn vừa xong thì ngoài cửa đã có tiếng lao xao của khách hàng.
Lúc Sơn mở cửa thì cả chục người tràn vào. Họ hết lời khen ngợi anh:
- Trong lúc chợ búa ế ẩm mà ông chủ Sơn lại có hàng mới bày bán, đáp đúng thị hiếu người mua, thật là giỏi!
Sơn cám ơn mọi người thì có một bà nói:
- Ông chủ trẻ tuổi, tài giỏi như vậy mà không có người quán xuyến việc nhà, thật là tiếc! Có cần không, tôi làm mai cho?
Một người khác lên tiếng liền:
- Bà ta gả con gái cho cậu đó, chớ cần gì làm mai cho ai!
- Con gái bà ta đẹp thì có đẹp, nhưng cái miệng ăn hàng núi cũng sập chớ đừng nói là cửa hàng này!
Bị chọc quê, bà xỉa xói mấy người kia một lúc, trước khi về còn nói với lại:
- Con gái tôi tên Trà My, bữa nào ông chủ Sơn ghé nhà chơi, nhà tôi ở đầu xóm Đông.
Đợi bà ta đi rồi, một bà nói với Sơn:
- Bà đó là trùm ở xóm chợ này đó, nhà bà ta giàu có lắm, cỡ cậu mà lọt vào làm rể bà ta thì hốt trọn ổ đó!
- Ổ quạ hay ổ cú!
Một người nào đó chen vào nói rồi mọi người cùng cười to. Không khí cửa hàng của Sơn lúc nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp như vậy.
Đến trưa, trong giờ cơm Sơn phải nói:
- Kiểu này thì chỉ vài ngày nữa là hết hàng để bán. Liệu có cách nào mua hàng về kịp không?
Hồng Nương bình tĩnh đáp:
- Anh khỏi phải lo, nội chiều mai sẽ có một chuyến hàng mang tới.
Sơn kinh ngạc:
- Sao mà nhanh vậy?
- Thì mình đặt hàng, họ mang tới chớ sao?
- Đặt hàng? Cô đặt hồi nào?
Nàng cười tươi:
- Hôm qua khi anh nói và sẵn tiền, em đã nhắn với người quen, họ báo tin là ngày mai sẽ giao tới.
Sơn tính lại số tiền bán được và càng ngạc nhiên hơn, bởi tuy số lượng bán ra ngang bằng hôm qua, nhưng số tiền lại nhiều hơn. Anh chưa hiểu tại sao thì Hồng Nương giải thích:
- Số hàng hôm nay thuộc thùng hàng lụa loại cao giá, anh bán mà không để ý sao?
Sơn chợt nhớ ra, anh gật đầu:
- Đúng rồi, lúc nãy tôi căn cứ theo giá ghi ở đầu cây vải để bán mà quên so với giá hàng hôm qua. Tôi cũng không ngờ là Phú đã gửi cho những loại hàng cao giá như vậy.
Hồng Nương tiết lộ:
- Các thứ hàng hoá này suốt trong nhiều tháng anh Phú đã không bán ra, nói là để dành cho mùa Tết. Cho đến lúc nghe tin mình sắp phải đi nước ngoài thì đã quyết định dành toàn bộ số hàng quý gửi tới cho anh. Có thể nói đây gần như là toàn bộ tài sản của Phú.
Buổi chiều hôm đó, quả nhiên có một xe chở hàng tới giao tận nơi. Người giao hàng chỉ biết giao xong rồi đi, Sơn có hỏi thêm vài chi tiết, nhưng anh ta hầu như không nói gì, lên xe đi thẳng.
Vào nhà hỏi lại Hồng Nương thì cô chỉ cười bảo:
- Em cũng chẳng biết. Có lẽ người quen của em giao cho họ chở tới mà không dặn gì khác.
Sơn xem lại hàng và phải công nhận số hàng lần này còn tốt hơn đợt vừa rồi đặc biệt là đáp ứng đúng màu sắc mà trong mấy ngày vừa qua nhiều người đã yêu cầu. Điều này khiến Sơn không khỏi ngạc nhiên, bởi khi bán hàng thì Hồng Nương không có mặt, không nghe được sở thích của khách hàng, mà khi vào nhà ăn cơm Sơn cũng chưa nói ra yêu cầu của khách. Vậy mà cô đã đặt hàng chính xác đến không ngờ!
Hỏi thì Hồng Nương cười đáp:
- Có lẽ do kinh nghiệm của phụ nữ. Ở đây là vùng thôn quê, màu sắc phải thích nghi với hoàn cảnh, khí hậu và bản tính con người.
Sơn thầm phục kiến thức đó của cô ta, anh nói lịch sự:
- Tôi phải cám ơn cô Hồng vạn lần. Lần này thành công là có phần đóng góp rất lớn của cô!
Hồng Nương khiêm nhường:
- Chuyện đó đâu đáng gì mà anh phải quan tâm. Việc anh cho em nương nhờ mới là ơn lớn mà em phải đền đáp.
Sơn cảm thấy bạo dạn hơn:
- Nhưng xem ra ơn của cô lớn hơn. Cô biết không, nếu mấy hôm trước không có cô tới với số hàng quan trọng này, thì tôi đã đóng cửa hiệu đi du lịch rồi. Mùa mưa ở chợ này bán được nửa thước vải đã là khó, chớ đừng nói là cả mấy thùng như hai hôm nay!
Nghe anh nhắc tới chuyện đi, Hồng Nương hỏi:
- Anh định đi với ai mà hôm đó sửa soạn kỹ dữ vậy?
- Đâu có gì mà kỹ, tôi chỉ...
Hồng Nương kể ra vanh vách:
- Ngoài quần áo cá nhân của anh, còn có bốn đoạn gấm dành cho con gái nữa!
Sơn ngạc nhiên:
- Sao cô biết rõ vậy?
Hồng Nương cười:
- Mạn phép anh, em đã lấy đồ đạc trong va-li ra định giặt, nên mới rõ. Anh có rầy thì em chịu, chớ em không thể thấy đồ đạc để trong rương lâu, nó sẽ hôi mốc.
Đúng là Sơn không hài lòng lắm về việc người khác soạn đồ đạc riêng của mình. Tuy nhiên, với Hồng Nương thì anh lại dè dặt. Đúng hơn, nếu cô nàng có làm hơn thế nữa thì Sơn cũng không nỡ chê trách.
Đưa hàng hoá vô nhà xong thì trời đã tối. Để mừng việc buôn bán thành công và mừng có chuyến hàng mới, Sơn ngỏ ý với người khách nữ thân thiết của mình:
- Tối nay tôi muốn được mời cô Hồng một chén rượu.
Hồng Nương nhận lời ngay:
- Em cũng đã làm sẵn một ít món nhắm rồi đây!
Họ bày tiệc rồi cùng nhau uống đến gần nửa khuya. Sơn vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra tửu lượng của cô nàng khá cao. Anh thật lòng khâm phục:
- Hồng Nương tửu lượng ăn đứt tôi rồi, có lẽ tôi phải xin hàng thôi!
Hồng Nương cũng đã ngà ngà, giọng cô hơi lè nhè:
- Chưa bao giờ em uống đến như thế này...
Nàng vừa nói vừa đưa tay chụp đại lên bàn, vô tình nắm phải bàn tay của Sơn. Anh chàng để yên, mắt vẫn nhắm nghiền. Tay hai người cùng trong tay khá lâu...
Và có lẽ họ cùng say và đi vào giấc ngủ...
Chẳng biết bao lâu. Cho đến khi Sơn mở mắt ra thì anh chẳng còn thấy cô nàng đâu. Sơn cũng đứng lên về phòng mình. Tuy nhiên, khi đi ngang qua phòng của Hồng Nương, Sơn ngạc nhiên khi không có nàng trong đó.
Bước ra phòng ngoài cũng chẳng thấy cô nàng, Sơn thật sự lo, anh gọi:
- Hồng Nương!
Anh lo nàng quá say rồi ngã ở đâu đó, nên đi tìm kỹ mọi ngõ ngách. Chẳng hề thấy. Mà cửa nẻo vẫn đóng kín.
- Cô Hồng!
Sơn gọi đến cả chục lần, thậm chí mở cửa bước ra ngoài tìm mà vẫn không thấy gì. Giờ đó đã quá khuya, có lẽ gần sáng, nên đường sá vắng tanh.
Người vẫn còn hơi men, nên chỉ đứng ngoài được một lúc, Sơn phải quay vào nhà. Anh cố cưỡng lại cơn mệt, thức đến sáng, chờ đợi trong tâm trạng nôn nao, lo lắng như chưa bao giờ như thế...
Lúc này Sơn mới có thời gian soát lại lòng mình. Anh không thể chối rằng trong con tim trống rỗng xưa nay của mình đã bắt đầu có chút gì đó làm xao động...
Bởi vậy, sự lo lắng trong anh lại càng tăng thêm. Nếu có thể được, Sơn đã chạy đi tìm coi nàng đang ở đâu?
Gà bắt đầu gáy thưa thớt ở đầu thôn. Cũng là lúc Sơn mòn mỏi ngủ thiếp đi...
- Này, dậy ăn chút cháo nóng cho khoẻ. Coi chừng anh bệnh rồi đó!
Sơn choàng tỉnh dậy, anh giật mình và mừng rỡ khi nhìn thấy Hồng Nương đang cúi xuống trước mặt mình:
- Cô... cô về lúc nào?
Hồng Nương ngạc nhiên:
- Em có đi đâu mà về?
Sơn quả quyết:
- Tôi đã đi tìm khắp nơi, cả trong phòng cô nữa mà chẳng thấy. Cô đi đâu làm tôi lo quá...
Chỉ tay ra chỗ để các thùng hàng:
- Hàng quý mới về, em sợ kẻ trộm nên ra ngủ giữa hai kiện hàng. Một phần cũng do say...
- Ủa, lúc nãy tôi có tìm ở đó mà...
- Chắc là anh chỉ tìm ở ngoài nên làm sao thấy, trong khi em nằm ở tận bên trong.
Sơn thở phào nhẹ nhõm và anh không cần ăn chén cháo mà nàng bưng ra, đã vội đi về phòng ngủ tiếp... Do vậy, anh không để ý thấy Hồng Nương vừa đem giấu một bộ đồ nguỵ trang. Có lẽ dùng để đi ra ngoài lúc đêm...