HỒN NGƯỜI XÁC AI?
Tác giả: Người Khăn Trắng
Nghe bà mối Chín Lệ nói huyên thuyên về gia đình nhà gái, chính bà Dương cũng chịu không nổi, nói gì ông giáo già Dương Phu. Do đó, vừa thấy bà Chín sắp nói sang đề tài mới thì ông đã đứng dậy, bỏ vào trong. Vẫn không nản, bà mối hạ thấp giọng ra điều quan trọng lắm:
- Tôi không nói ngoa, nhà này tuy là giàu nứt đố vách, nhưng lại dễ chịu, chớ không như nhiều phú gia khác. Chính họ đã gợi ý cho tôi đi tìm con trai con nhà bình dân lao động để làm mai cho con gái họ. Tôi nói thật đó.
Bà Dương vẫn không hào hứng lắm:
- Thì nghe bà nói vậy, chớ vợ chồng tôi vẫn muốn tìm mối nào nghèo cũng được, miễn là hợp với hoàn cảnh nhà này.
Bỗng nghe giọng nói của cậu con trai Dương Thanh:
- Còn phải hợp với con nữa chớ!
Bà Chín Lệ chụp ngay lấy đối tượng chính mà bà cần phải thuyết phục:
- Ờ, cậu Thanh đây rồi. Tôi nói cho cậu nghe, mối này gặp là cậu chịu liền. Con gái họ vừa đẹp vừa hiền, lại là người gia giáo, biết phép tắc...
Bà còn muốn khoe nữa, nhưng Thanh đã chặn lời bà:
- Ngon lành vậy sao lại ế, phải nhờ người mai mối?
Mụ Chín hơi bị quê:
- Chẳng qua... họ tự trọng... họ không thích gả con cho những đám giàu có hợm hĩnh khác...
Thanh cười to:
- Hóa ra nhà nghèo như mình bây giờ cũng có giá. Mà đã có giá thì ta làm cao, làm chảnh chơi. Không chịu!
Bà Dương phải dịu giọng:
- Nói năng cho đàng hoàng con. Dẫu sao mình cũng cám ơn bà Chín. Thôi, đã vậy thì để tôi tính lại, rồi nội ngày mai sẽ báo cho bà biết.
Tiễn bà mối về rồi, bà quay sang nói với con trai:
- Theo má thì con cũng nên chọn mối này cho rồi. Ba con nay đau mai yếu, còn má thì căn bệnh cũ cứ tái phát hoài, khó mà ở đời với chị em con. Mà ước nguyện lớn nhất của ba má là nhìn thấy được đứa cháu nội trước khi nhắm mắt.
Bà nói xong, thở dài buồn bã. Dương Thanh tuy ngang bướng, không ưa chuyện vợ con, nhưng lại là người rất hiếu thảo. Anh luôn sợ cha mẹ buồn:
- Con đâu phải không muốn... Nhưng má nghĩ coi, cưới vợ chớ đâu phải đi chợ lựa con cá, mớ rau mà phải cần người rao hàng, bày hàng...
Bà Dương hiểu con đã có chiều dao động, nên tiếp tục bộ mặt buồn. Quả nhiên, Thanh đột ngột nói:
- Thôi được, má nói bà Chín dẫn mình sang nhà họ đi!
- Má không ép...
Dương Thanh dứt khoát:
- Con thật sự muốn như vậy, má đừng lo. Thôi, con đi có việc, chừng nào đi má nhắn con về.
Tính tình con là như vậy, bà Dương hiểu, nên bà trầm ngâm một lúc rồi vào nhà trong nói với ông:
- Sáng mai mình sang bên nhà gái. Tôi đi nhắn bà Chín.
Ông có vẻ lo:
- Liệu thằng Thanh...
- Thì ông vừa nghe nó mới nói đó thôi.
***
Bước đi một cách uể oải, Thanh theo sau cha mẹ và bà mối Chín Lệ, khiến người ngoài nhìn vào ắt nghĩ rằng anh chàng đi thú phạt nhà vợ chớ không phải đi coi mắt vợ! Thanh miễn cưỡng đến nỗi bà mẹ cũng coi không được:
- Con làm bộ mặt đó thì mù họ cũng nhìn thấy!
Dương Thanh vẫn cái kiểu nói tưng tửng:
- Nhiều khi con gái họ lại chịu mới lạ!
Bà Dương trề môi:
- Có quỷ ma mới chịu nổi mày!
Dương Thanh chỉ cười chớ không nói gì thêm. Cũng may, vừa lúc ấy thì đã tới Đoàn gia trang. Gọi là Đoàn gia trang cũng đúng, bởi ngôi nhà của họ Đoàn này thuộc loại lớn nhất ở huyện Long Mỹ này. Chủ nhân là Đoàn Minh Thiện, ngày trước vốn làm chức quan lớn trong triều đình, trước khi triều đình phong kiến suy vong thì ông ta đã kịp tậu cơ ngơi đồ sộ này.
- Dạ, ông bà chủ nhà con kính mời quý khách vào nhà ạ!
Một người ra dáng là quản gia đã đợi sẵn nơi cổng, vừa thấy khách tới đã cúi chào lịch sự. Ông Dương vốn khó tính mà nhìn kiểu cách họ đón khách cũng hài lòng, ông lên tiếng liền:
- Anh vào bẩm với Đoàn gia là có chúng tôi, thôn dân ở làng Hòa Lạc tới yết kiến.
Người quản gia vẫn một mực lễ phép:
- Dạ, Đoàn chủ nhân của tôi đã biết ạ, vậy kính mời ngài, phu nhân và công tử đáo gia!
Theo kiểu cách nói của quản gia thì còn ảnh hưởng nặng nề phong kiến, chứng tỏ đã phục vụ nhà này từ khá lâu. Dương Thanh quay mặt đi chỗ khác cười, khiến bà Dương nhìn thấy phải nhắc khẽ:
- Không được cười nhạo người ta!
Vừa bước vào tới đại sảnh thì đã thấy một vị râu tóc bạc phơ, tướng mạo phi phàm, bước ra nghênh tiếp:
- Chân tôi hơi yếu, đi đứng khó khăn nên không ra ngoài nghênh tiếp, xin ông bà thứ lỗi!
Dương Phu phấn khởi:
- Được ngài cho phép tới như thế này đã là vinh dự cho gia đình chúng tôi lắm rồi...
Dương Thanh không nhịn được, đã lên tiếng:
- Bên nào cũng vinh hạnh hết thì thành đại vinh hạnh mất!
Không tỏ ra bực mình, Đoàn chủ gia lại quay sang Thanh, giọng vui vẻ:
- Có phải Dương công tử đây chăng? Ồ, quả là tuấn tú, khôi ngô và có cá tính!
Buộc lòng Thanh phải cúi chào, nhưng vừa nhìn xuống thấy đôi ủng xưa của chủ gia, anh ta liền reo lên:
- Con ngưỡng mộ và ước ao bấy lâu có được một đôi như thế này, lạ và đẹp quá!
Lại một lần nữa tỏ ra không phiền, mà họ Đoàn còn cười ha hả:
- Công tử quả là ăn nói bộc trực, có duyên!
Bà Dương lên tiếng:
- Dạ, ngài bỏ qua cho, thằng con tôi tính tình...
Ông Đoàn chặn lời:
- Phu nhân đừng quá lo, cậu nhà có tính tình như vậy rất hợp ý tôi. Đàn ông phải nói năng có cá tính như vậy, chớ dạ dạ vâng vâng quá cũng không hay.
Rồi ông nói riêng với Thanh:
- Để tối bác tặng cho con một đôi. Đây là những gì còn lại của thời xưa. Ngày nay được lớp trẻ như con thích là điều mà người già hết thời như ta vui lắm!
Thấy lời lẽ chân thành của ông ta thì Dương Phu có cảm tình lắm, ông nghiêm giọng bảo Thanh:
- Con không được làm phiền Đoàn gia nữa.
Trong nhà, Dương Thanh chỉ ngán có mỗi mình cha, nên sau câu nhắc nhở đó, anh chàng nín thinh không tưng tửng nữa.
Khi đã an vị rồi, không để bà mối lên tiếng, Đoàn chủ gia đã chủ động nói:
- Ý của tôi thì chắc hai vị đã được nghe rồi. Tôi chẳng may phu nhân vắnsố, để lại ba đứa con gái phải nuôi. Cũng may là ngày nay chúng đã khôn lớn. Nhưng con gái khôn lớn, đến tuổi cập kê thì làm cha mẹ ai cũng phải lo. Nỗi lo thứ nhất là bề gia thất của chúng, nỗi lo thứ hai là chọn ai để cho con cái mình nương tựa về sau. Tôi thú thật, tuy là quen biết nhiều, mối mai cũng lắm, nhưng vì qua kinh nghiệm tình đời, quá chán ngán nhân tình thế thái, nên tôi cứ ngay ngáy lo ngày đêm...
Bà mai Chín Lệ ngứa miệng nghề nghiệp chen vào:
- Đoàn lão gia đây thương con, không muốn cho con lấy phải người không xứng về nhân cách, bọn hám của, ngu dốt...
Biết bà ta nói thêm sẽ nói lung tung, nên họ Đoàn phải chặn ngang:
- Cô Chín đây là người quen, có giới thiệu ông bà và cậu đây. Nói thật, nếu là người khác thì họ sẽ vì sĩ diện, không hạ mình. Nhưng tôi thì khác, tôi đi tìm người tốt, cũng giống như tuyển nhân tài, nghe nhân tài ở đâu thì người tìm phải tìm tới, chớ không để họ tìm tới mình, như thế mới gọi là tầm nhân.
Ông Dương xúc động thật sự:
- Lâu lắm rồi tôi mới nghe được những lời chí tình của một người như Đoàn huynh. Tôi xin nghiêng đầu bái phục!
Ông vòng tay ra trước, biểu lộ sự tôn trọng. Ông Đoàn vội xua tay:
- Không có chi, không có chi! Được đón tiếp người đạo đức như nhị vị đây, lòng tôi mãn nguyện lắm. Đây phải nói là vinh hạnh cho tôi chớ không phải...
Ông ngừng câu nói, nhìn sang Thanh. Lúc này sau khi bị cha nhắc nhở nên Dương Thanh không bộp chộp chen lời nữa. Anh ta thấy chủ nhà nhìn mình thì cũng bắt chước cha vòng tay thi lễ. Đoàn gia có vẻ hài lòng lắm:
- Cháu đây giỏi lắm, còn trẻ tuổi mà biết phép tắc như thế này là hiếm trong thời buổi bây giờ.
Rồi ông quay vào trong gọi:
- Các con ra chào khách!
Cùng lúc, ba cô gái thật xinh đẹp bước ra. Người nào cũng xinh như hoa mới nở, mặt hoa da phấn tự nhiên, không tô vẽ, nhưng trông họ lộng lẫy khác thường. Anh chàng ngang tàng như Dương Thanh mà cũng phải ngẩng lên nhìn và... thót tim!
- Dạ, kính chào hai bác. Chào... công tử ạ!
Họ đồng loạt lên tiếng giống nhau, cùng giọng điệu, chẳng khác một dàn đồng ca! Bà Dương thích thú nói liền không giữ ý:
- Ba cô nương nhà đại quan xuất sắc quá đi thôi!
Nghe khen, cả ba cô gái đồng loạt cúi đầu:
- Dạ, chúng con cám ơn Dương mẫu!
Họ gọi Dương mẫu một cách ngọt xớt, khiến bà Dương càng thêm phấn khích, bà líu lo:
- Cám ơn! Cám ơn các con!
Ông Dương phải ngầm đá chân vợ thì bà ta mới kịp dừng lại. Ông phải lên tiếng khỏa lấp:
- Dạ, có tận mắt thấy mới hiểu thế nào là nề nếp gia phong của nhà Đoàn huynh. Cả ba tiểu thư đây thật quả xứng đáng...
Nghe khen, ba cô con gái bỗng chạy nhanh vào trong, vừa chạy vừa thẹn đỏ mặt. Ông Đoàn phải nói chữa:
- Chúng nó còn con nít lắm, xin quý vị tha lỗi cho.
Rồi quay sang Dương Thanh, ông hỏi:
- Cậu thấy thế nào? Chúng nó...
Thanh phải lễ phép đáp:
- Dạ thưa bác, cháu ngưỡng mộ ạ…
- Một đứa là Thanh Thủy, một đứa là Kiều Nương, còn đứa út là Thúy Thúy. Chúng sinh cách nhau chỉ một năm, nên trông như sinh ba vậy. Ta hỏi thật, trong ba đứa, cháu thích đứa nào? Đừng ngại, lòng dạ nghĩ sao cứ nói thẳng.
Dương Thanh cũng không ngờ mình lại buột miệng nói ngay:
- Cháu ấn tượng với cái tên Thúy Thúy!
Ông Đoàn cười ha hả:
- Quả là có nhãn quan tinh đời! Tuy ba chị em đều xinh đẹp như nhau, nhưng con út đó dễ thương nhất. Tuy tính tình có hơi ngang bướng một chút...
Bà Dương một lần nữa không dằn lòng được:
- Thì thằng con nhà này cũng vậy. Nó cũng...
Ông Đoàn quay sang Thanh:
- Cho phép cháu được ra vườn sau chơi với tụi nó.
Thấy Thanh còn lưỡng lự, ông khuyến khích:
- Cần tiếp xúc để tìm hiểu thêm. Và cũng để cháu tự khám phá xem đứa nào là con út. Nhớ, phải là phát hiện đầu tiên nhé, chớ nếu dò hỏi mới lần ra thì ta sẽ không gả cho đâu nhé!
Dương Thanh thấy trò chơi lý thú, nên anh phấn khởi chạy ngay ra vườn sau. Nơi đó, anh đã thấy ba cô con gái đang chơi đùa. Một cô lên tiếng ngay:
- Đuổi tụi em đi nào! Đuổi theo người nào sau cùng thì chính người đó là...
Dương Thanh vui lây cái vui của họ nên lao ngay vào cuộc chơi. Thật tình anh cũng chưa biết ai là Thúy Thúy, tức cô gái út, nhưng trong tâm thức của Thanh nó khiến anh cứ nhắm theo cô gái mặc áo màu vàng anh mà đuổi. Mải miết chạy, đến khi nhìn lại Thanh ngạc nhiên thấy hai cô kia đã đi đâu mất! Lúc ấy, cô nàng áo vàng cười dòn tan:
- Đuổi nữa đi chớ, anh chàng ngang bướng!
Dương Thanh đâu phải trai khờ, anh hiểu ngay:
- Tôi đã bắt đúng người rồi phải không! Vậy thì liệu mà trốn đi, tôi mà tóm được thì... coi chừng!
Nhưng anh chàng lầm, càng đuổi nàng càng chạy nhanh hơn. Thanh đuổi hơn chục vòng thì gần muốn đứt hơi mà cô nàng phía trước vẫn cười nói như không! Cuối cùng, Thanh đành phải lên tiếng:
- Xin chịu thua!
Cô nàng quay lại, nói gọn hơ:
- Đã không bắt được vợ thì đừng hòng lấy vợ!
Dương Thanh vẫn có tài vặt, vờ như mệt đứng không vững, chờ cho cô nàng bước lại gần, bất thần anh đưa tay chụp lấy bàn tay xinh xắn và reo lên:
- Ai thua thì biết!
Bỗng nàng xịu mặt:
- Anh không được phép làm vậy! Ai cho anh cái quyền nắm tay người con gái khi người ta chưa thuộc về anh. Cũng may...
Nàng nói từ cũng may thì đỏ mặt, quay đi chỗ khác. Dương Thanh tỏ ra hối tiếc:
- Cho tôi xin lỗi, tôi không hề cố ý xúc phạm. Chẳng qua là...
Cô nàng dịu giọng:
- Thôi bỏ qua. Thế nào, đã thở được chưa?
Dương Thanh trở lại bản tính ngang bướng cũ:
- Thở thì còn yếu, nhưng ôm người đẹp thì thừa sức.
Không ngờ nàng đanh mặt lại:
- Nếu anh còn ăn nói kiểu đó thì em đi đây!
Nàng giận dỗi bỏ đi, Dương Thanh phải xuống giọng:
- Xin lỗi. Anh hứa là không nói bừa bãi nữa.
Lúc này nàng đổi thái độ:
- Cũng khá khen cho người biết thích nghi hoàn cảnh. Em xin ra mắt Dương huynh!
Thanh cười vui:
- Giọng điệu hơi giống truyện Tàu! Nhưng như thế lại hay. Dương huynh này xin chào... Thúy tiểu muội!
Nàng cười giòn:
- Sao biết em là Thúy Thúy mà đuổi theo? Lỡ hồi nãy đuổi nhầm hai chị thì sao?
Thanh nghiêm túc:
- Chắc là duyên số quá!
- Anh tin duyên số?
- Thế em không tin à?
Nàng hơi ngập ngừng:
- Tin... nhưng mà...
Cuộc gặp gỡ của họ không ngờ lại suôn sẻ, bởi vậy ở trong nhà hai bên nói chuyện mà thỉnh thoảng cứ ngóng ra ngoài sân sau. Nhất là Đoàn lão, hình như không thấy Dương Thanh quay vào khiến cho ông yên tâm. Ông bảo:
- Tụi nó tìm đúng nhau rồi!
Ông thú thật:
- Bảo thằng con anh chị ra đó chơi, chớ thật ra tôi thử xem nó có tìm đúng đứa mà nó thích hay không. Số là vậy, cách đây ít lâu, tôi mộng thấy Nguyệt Lão dạy rằng, hễ chàng trai nào tìm ra đúng người thì đó là nhân duyên. Nhất là con út. Tôi không giấu là trong ba đứa, Thúy Thúy là đứa tôi muốn nó lấy chồng trước.
Biết là họ sẽ hỏi nguyên do, ông Đoàn nói ngay:
- Theo số của tôi, hễ đứa con út mà lấy được chồng thì hai đứa kia dễ lấy chồng hơn. Cá tính con út ngang bướng, nên rất khó tìm được người... Cũng may cậu nhà cũng không khác...
Ông Dương phụ theo:
- Tôi không sợ con gái ngang tính, mà chỉ sợ đứa nào quá hiền sẽ không trị được thằng con ngang ngạnh của tôi. Hồi nãy tuy mới nhìn con nhỏ lần đầu, nhưng tôi tin là chúng nó hợp nhau.
Đoàn lão hài lòng:
- Nếu anh đã nói vậy thì tôi không còn lo nữa. Tôi nói luôn, nếu anh chị muốn thì tôi gả con Thúy cho cậu Thanh. Chẳng cần lễ vật gì cả. Đám cưới đơn sơ cũng được, không cần phải phô trương!
Bà Dương mừng trong lòng. Thú thật là bà cũng đã ưng, chưa nói ra mà thôi. Nay nghe nói vậy, bà lên tiếng liền:
- Được ngài cho phép thì vợ chồng tôi xin đội ơn và về lo liền lễ vật. Ngài nói thế, chớ về phía chúng tôi cũng phải lo cho ra lễ. Vậy ngài xem, hôn lễ bọn chúng có thể cho cử hành lúc nào?
Đoàn lão không cần suy nghĩ:
- Ngay trong tháng này cũng được. Miễn là hai đứa không có ý gì khác...
Vừa lúc ấy cả hai bước vào. Thúy Thúy đã bạo miệng lên tiếng:
- Con có ý kiến khác ạ!
Ông Đoàn trố mắt nhìn con:
- Lại gây chuyện gì nữa đây con ngựa chứng?
Nàng quay sang Dương Thanh nháy mắt:
- Anh nói đi chớ, xúi không dám làm phải không?
Dương Thanh hơi ngập ngừng:
- Con cũng... có ý... giống như Thúy Thúy vậy.
Ông Đoàn cười to:
- Chưa gì mà chúng nó đã đồng tâm hợp lực ép bọn già mình rồi đây!
Ông Dương nhìn con, hỏi:
- Con muốn nói gì?
Dương Thanh lại nhìn sang Thúy. Cô nàng không dừng được nữa:
- Tụi con muốn... đám cưới nhanh nhanh hơn nữa!
Nói xong, cô nàng quay bước bỏ chạy mất. Thanh ngơ ngác định chạy theo thì Đoàn lão đã ngăn lại:
- Con mà chạy theo nó thì có mà rụng giò. Trong nhà này mấy chị nó thường gọi nó là con ngựa.
Ông nói tới đó chợt khựng lại, mặt hơi tái đi. Bà Dương ngồi đối diện nhìn thấy liền kêu lên:
- Anh sao vậy anh... sui?
Ông Dương cũng lo lắng:
- Anh bị chứng gì hay sao? Để tôi gọi người nhà...
Đoàn lão xua tay:
- Không hề gì. Tôi chỉ bị xây xẩm một chút. Bệnh già ấy mà...
Ông dần dần lấy lại khí sắc. Rồi ra lệnh cho gia nhân:
- Lo bắt đầu tiệc đi!
Tiệc đã bày sẵn, chỉ mời nhau rồi bắt đầu nhập tiệc. Trong bữa tiệc, họ thỏa thuận với nhau rất nhanh. Đoàn lão nói:
- Mười sáu này là ngày tốt cho tuổi hai đứa nó. Chắc cũng tiện cho anh chị phải không?
Vợ chồng họ Dương nhanh chóng gật đầu:
- Dạ, ngày ấy thuận tiện lắm!
- Tôi tính như thế này, ngay ngày mốt ta tiến hành lễ hỏi, rồi ngày mười sáu thì cưới. Nhà tôi rộng nên nhân dịp này tôi sẽ mời tất cả bà con. Tôi có ý này, chẳng biết anh chị có phiền gì không... Tôi muốn đãi cả hai họ một lượt cho tiện, anh chị thấy sao?
Ông bà Dương lưỡng lự:
- E rằng...
Hiểu ý, Đoàn lão nói luôn:
- Sẵn tôi đặt tửu lầu nấu món ăn, nhân đó tôi đặt luôn cho bên anh chị. Ta đãi ở đây một ngày, bữa sau bên này cùng kéo qua bên kia dự tiệc lần nữa! Được không?
Thỏa thuận với nhau xong thì trời đổ mưa lớn. Cơn mưa kéo dài mãi cho tới chiều tối chưa ngớt. Đoàn lão ngỏ ý:
- Nhà đã chuẩn bị mọi thứ rồi, nhân trời mưa đây, tôi mời anh chị và cháu Thanh ở lại ngủ một đêm. Có thêm thì giờ chúng ta bàn kỹ hơn về ngày lễ của chúng nó!
Dù không muốn, nhưng cũng không còn cách nào hơn, ông bà Dương đành phải chấp nhận. Chừng như Dương Thanh có vẻ hài lòng…
***
Đã hai ba lần, hễ nhắm mắt lại ngủ thì y như Dương Thanh bị ai đó nhéo vào người đau điếng! Lần đầu thì anh chàng còn giật mình, ngơ ngác tìm xem ai phá mình. Nhưng đến mấy lần sau thì Thanh ráng nhịn đau, đang nhắm mắt bất chợt ngồi bật dậy định bắt quả tang. Nhưng không lần nào Thanh thấy ai.
Bực bội, Dương Thanh nhảy phóc xuống giường, bước ra cửa sổ nhìn về phía sau, nơi lúc chiều anh và Thúy Thúy đuổi bắt nhau. Nhưng lạ quá...
- Sao lại là cảnh này?
Trước mắt Dương Thanh lúc này là một dải đất rộng, chớ không phải là khu vườn rộng với đầy những cây cảnh nữa. Nghĩ mình mới thức dậy còn hoa mắt, nhưng sau hai lần dụi mắt, vẫn thấy đúng như thế. Thanh cứ trố mắt nhìn, quên cả trời lúc đó khá lạnh, khiến anh phải rùng mình mấy lượt.
- Lạ quá...
Vừa định leo cửa sổ nhảy ra ngoài, thì chợt Thanh khựng lại, bởi trước mặt anh lúc đó, cách chừng chục bước, có một cô gái trông quen quen, đang cưỡi một con ngựa bạch. Thanh nhìn kỹ và kêu lên:
- Thúy Thúy!
Tiếng kêu của Thanh suýt làm cho cô gái ngồi trên lưng ngựa nghe thấy, khiến Thanh phải đứng lùi vào một bước để tránh. Khi ấy nàng quay mặt lại hướng mình, nên Thanh không thể nhìn lầm, nàng ta chính là Thúy!
Quá đỗi ngạc nhiên, Dương Thanh rón rén lần theo cửa sổ ra ngoài. Để tránh bị phát hiện, Thanh đi rất nhẹ và vòng ra phía sau lưng cô gái. Lúc ấy không phải chỉ một mình Thúy Thúy mà phía sau lưng nàng còn có hai cô chị của mình!
Nếu lúc chiều họ mặc quần áo khác màu nhau, thì giờ đây họ cùng mặc một loại trang phục giống nhau, toàn một màu trắng như tuyết! Trong ba người, lúc này trông Thúy Thúy có vẻ như là một nữ tướng, hay một nữ chủ nhân, mà hai cô chị đi theo hầu. Cả ba lúc ấy đang hướng về nhau, dùng tay ra hiệu, như một cuộc tập trận! Tay của Thúy Thúy đưa lên cao, rồi hạ xuống, mỗi lần như vậy hai cô chị lại nhảy xuống ngựa, rồi leo lên... và sau cùng cùng hét lên một tiếng lớn, rồi cùng lao xuống một lúc.
Dương Thanh còn đang ngơ ngác chưa hiểu gì, thì chợt nghe có tiếng người kêu lên thất thanh:
- Có người rình, không xong rồi!
Cả ba đứng ngay dậy, hướng về phía Dương Thanh, sợ hãi như bị bắt quả tang đang làm chuyện gì đó không lương thiện. Thúy Thúy cất giọng run run:
- Em xin lỗi...
Dương Thanh còn chưa biết phải ứng xử ra sao thì chợt có vài tia sáng lóe lên, khiến anh phải lấy tay che mắt lại. Khi mở mắt ra thì... không còn khung cảnh cũ nữa!
- Thế này là sao?
Thúy bất thần đổ gục xuống, Dương Thanh hoảng hốt:
- Kìa, Thúy!
Anh lao tới, nhưng nàng đưa tay xua ra:
- Đừng! Đừng chạm vào người em...
Sắc diện nàng trở nên xanh tái rất đáng ngại, nhưng vẫn tỉnh táo nói năng:
- Em muốn anh nghe chuyện này...
Ra dấu cho Dương Thanh ngồi xuống, nàng nói khẽ:
- Em chưa định nói, nhưng anh đã lỡ nhìn thấy rồi thì em nói hết. Lúc nãy là em đang tập lại tư thế mà chúng em phải làm, nếu muốn còn sống sót...
Thanh ngơ ngác:
- Có chuyện gì sao?
- Anh nhìn kỹ em xem, thấy gì?
Dương Thanh chợt kêu lên:
- Sao... kỳ vậy?
Trên lưng nàng có một bờm lông màu trắng rất lạ! Thanh vừa mở miệng hỏi thì như hiểu ý, nàng lên tiếng trước:
- Em không giấu anh nữa, em không phải người dương thế mà!
Câu nói của nàng khiến cho Dương Thanh tưởng chừng như mình vừa từ trên trời rơi xuống, chàng há hốc mồm, hồi lâu mới lắp bắp:
- Em... em nói...
- Em là một oan hồn!
Nói vừa dứt thì cũng là lúc nàng bật ngửa ra sau. Tình hình có vẻ không ổn. Thanh định bế xốc nàng dậy thì Thúy lại xua tay:
- Lúc này anh chưa thể chạm vào người em được, phải để qua giờ tý, lúc ấy...
Dương Thanh đành ngồi đó nhìn, lòng dạ anh ngổn ngang trăm câu hỏi. Tại sao có hoàn cảnh này? Hay là mình đang mơ? Đêm đã khuya lắm, sương xuống lạnh làm Thanh rùng mình, nhưng lo nhất là Thúy Thúy nàng hình như đang phải chịu sự hành hạ của cái lạnh còn ghê gớm hơn một người thường nhiều. Người nàng vừa run lên lại vừa co rúm lại. Nhưng không nghe nàng phát ra tiếng rên la nào hết...
Trời bỗng tối sầm lại hơn, và bấy giờ mới nghe tiếng kêu khẽ của Thúy:
- Anh không sợ thì hãy ôm chặt em đi! Ôm thật chặt!
Thanh không một chút sợ hãi, ôm chầm lấy nàng và lúc ấy mới giật bắn người, bởi anh có cảm giác như mình đang ôm một tảng băng trong lòng! Nhưng đã lỡ rồi, có muốn buông ra thì cũng không buông được.
Một luồng gió mạnh thổi qua, trong hơi gió Dương Thanh ngửi được một mùi tanh tưởi gần ngạt thở, khiến anh vô cùng ngạc nhiên. Nhưng cũng không lâu, sau đó thì trời hình như sáng tỏ hơn, gió lặng và... mùi tanh cũng hết!
Lúc ấy, giọng của Thúy mạnh mẽ hơn:
- Cám ơn anh, vậy là em thoát rồi!
Nàng ngồi bật dậy, giọng nói lại liến thoắng thường lệ:
- Sao còn chưa chịu buông ra?
Dương Thanh chợt nhận ra là nàng đã đứng lên mà anh vẫn còn ôm chặt, chẳng khác đôi sam dưới biển!
- Anh... anh xin lỗi!
Giọng nàng nghiêm túc hẳn lại:
- Người xin lỗi phải là em. Suýt nữa em đã làm cho anh gặp nguy. Anh có biết vừa rồi chỉ trong nháy mắt, có thể là cả em và anh đều vong mạng rồi đó!
Nàng ôm vai Thanh, chẳng khác nào đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết. Giọng nàng thì thầm:
- Có hối tiếc khi phải hy sinh vì em không?
Khác với một Dương Thanh ngổ ngáo thường ngày, anh chàng lại siết chặt tay nàng, giọng chắc nịch:
- Hy sinh cho tình yêu là điều có gì mà hối tiếc! Nhưng em chưa nói rõ...
- Ta ngồi xuống đây...
Nàng dìu Thanh tới ngồi xuống chiếc ghế đá. Chỉ lên nền trời vừa rạng sáng, nàng hỏi:
- Anh đoán bây giờ là giờ nào rồi?
- Chắc là hơn hai giờ sáng.
- Quả đúng như vậy. Vừa qua giờ tý được một chút. Phút giây định mệnh của em cũng vừa qua. Hồi nãy anh có nhớ em nói em là gì không?
Thanh ngập ngừng:
- Em nói mình là... là...
- Là một oan hồn! Em xin lặp lại, em không phải người dương thế. Em là...
Nàng chờ phản ứng của Thanh, và lúc ấy anh chàng càng siết chặt nàng hơn, chàng thì thầm:
- Anh không cần biết, miễn là...
- Em yêu anh là đương nhiên rồi. Và bởi vậy mà vừa rồi họ đến để bắt em đi. Họ không muốn em vướng chuyện trần gian...
- Em nói rõ hơn xem?
Thúy Thúy như đã chuẩn bị trước, nàng kể khúc chiết:
- Em và hai chị vốn là một cô chủ và hai nàng hầu. Em là chủ. Nhà em không phải nơi này, mà ở vùng biên giới xa xôi. Cha em là một lãnh binh, một hôm ông bị bọn thuộc hạ làm phản, giết chết và còn truy sát cả nhà em nữa. Mẹ em bị hại khi cùng bọn em chạy nạn. Thân con gái từ nào chưa từng nếm trải cực khổ, vậy mà em và hai con hầu cũng ráng chạy được một đoạn đường rất xa, tới nơi này. Chính là nơi này...
Nàng nghẹn ngào khi kể tới đây, có lẽ cơn xúc động dữ dội đang bùng phát. Phải khó khăn lắm nàng mới tiếp lời được:
- Trong lúc dừng chân lại bãi đất hoang thì ba con ngựa chở bọn em bỗng dưng nổi chứng, chúng lồng lên dữ dội như muốn giẫm đạp chết bọn em! Lúc ấy, chợt con hầu tên Thanh Thủy của em phát hiện ra, nó la lên: “Lũ ngựa bị lên cơn ghiền thuốc phiện!” Phát hiện này của Thanh Thủy làm em nhớ lại khi đóng doanh trại ở vùng biên giới, trong số ngựa chiến của cha, có một số con được cho uống nước có pha chất á phiện để chúng nghiện và dễ sai khiến chúng. Bởi mỗi khi cơn ghiền của chúng nổi lên, chúng có xu hướng tìm về nơi chúng xuất phát, nhằm tìm thuốc để thỏa cơn ghiền!
Nàng khóc ngất sau câu nói đó. Dương Thanh để cho nàng khóc, bởi anh nghĩ chỉ có khóc cho thỏa thì nỗi khổ đau trong lòng sẽ vơi đi. Mà quả vậy, sau một lúc nàng ngẩng lên, tiếp lời:
- Thanh Thủy và Kiều Nương đã chết không toàn thây dưới sự giẫm đạp của hai con ngựa do chính các chị ấy cưỡi. Còn em, tuy không chết như vậy, nhưng sau đó không lâu cũng hồn lìa khỏi xác. Anh có biết em chết thế nào không?
Nàng ngẩng cổ lên, đưa hai cái lỗ sâu đã thành thẹo cho Thanh xem:
- Con ngựa của em cưỡi đã... cắn cổ em, hút cho hết máu rồi cùng ngã lăn ra chết!
Dương Thanh chưa kịp hỏi thì nàng đã tiếp:
- Nguyên khi trước, ngày nào em cũng đích thân đốt ống tẩu thuốc phiện cho cha hút, nên mỗi ngày em hít phải khói thuốc đó vào phổi, lâu ngày thành nhiễm. Trong máu của em đầy độc chất của thuốc, nên khi con ngựa đói thuốc, nó lồng lên điên cuồng và trong một giây, nó chợt đánh hơi được mùi máu có hơi thuốc của em, nó cắn cổ em là vì thế! Nhưng sau khi hút hết máu em vào người nó, thì chính con ngựa cũng chết luôn vì ngộ độc!
Nàng ngừng nói đã lâu rồi mà Dương Thanh vẫn còn ngẩn ngơ. Anh không tin mình vừa nghe một câu chuyện thật. Cho đến khi nàng lại tiếp:
- Khi hồn đã lìa khỏi xác rồi thì em chợt nhận ra con ngựa đang phủ phục trước mặt. Nó khóc vì hối hận! Đó là con ngựa trung thành mà cha em đã nuôi từ bé, nó là một con chiến mã, vừa khỏe, lanh lẹ lại vừa trung nghĩa giống như người. Nó đã từng cứu cha em nhiều lần, khi mang cha em bị thương nằm rạp trên lưng nó về tận doanh trại. Có lẽ sau phút điên cuồng vì thuốc, nó đã bừng tỉnh, nhưng lúc ấy thì đã muộn, cả em và nó đã ở âm cảnh nên nó phủ phục mãi, như chờ em tỏ thái độ... Nhưng em còn lòng dạ đâu để trách móc nó. Vong hồn em vất vưởng đi tìm cha mẹ, nhưng một khi đã chết rồi thì mỗi người một số phận, đâu làm sao ai tìm được ai. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, bỗng em gặp hai người hầu. Thanh Thủy và Kiều Nương được chở trên lưng một con ngựa bạch, mà chỉ thoạt nhìn em đã nhận ra ngay, đó chính là con ngựa em cưỡi, con ngựa đã hút máu mình! Trong khi em còn đang lo sợ thì con bạch mã đã lên tiếng giải thích rằng, do lỡ làm em thác oan, nó đã chuộc lỗi bằng cách giấu hồn phách tụi em vào thế giới vong hồn của loài vật, không chung đụng với hồn phách loài người. Mục đích của việc ấy là để tìm cơ hội hồi sinh cho em.
Dương Thanh reo lên:
- Em có thể hồi sinh?
Nàng đưa tay chặn lại:
- Anh không được nói to. Nửa đêm vừa rồi, bọn phán quan đã phát hiện chuyện dối trá của em và con bạch mã, nên họ truy đuổi, em và hai con hầu đang tập cưỡi lại ngựa, định tẩu thoát thì anh xuất hiện, và suýt nữa thì phán quan bắt được cả bọn em và cả anh cũng bị vạ lây!
Thanh không chờ đợi lâu. Nàng đã kết luận:
- Một lần nữa con bạch mã đã cứu em! Chính nó lúc đó đã đột ngột xuất hiện, đánh lạc hướng phán quan bằng cách xuất hiện và chạy về hướng khác, các phán quan đuổi theo và bắt được nó, nhưng bạch mã thà chết lần nữa chớ không dẫn phán quan đi tìm bọn em. Do vậy, hiện nay phán quan tưởng bọn em thoát được về trần gian nên đã gạt tên tụi em ra khỏi danh sách chết. Có nghĩa là...
Thanh mừng khôn xiết:
- Em đã hồi sinh?
Nàng gật đầu:
- Đúng. Nhưng có điều...
Nàng ngừng nói, đưa mắt chỉ tay về phía cuối vườn, nơi có một con ngựa bạch nằm chết. Họ cùng tiến về phía đó, Thanh nhìn kỹ hơn và kêu to:
- Đoàn lão gia!
Thúy Thúy gật đầu:
- Đúng. Đây chính là Đoàn lão, người mà em gọi là cha. Nhưng thật ra...
Dương Thanh cũng ngạc nhiên:
- Thật ra thế nào?
- Như anh thấy đó, lão vốn là ngựa bạch, tức là tác nhân gây ra cái chết của em, cũng là con tuấn mã trung thành từng phục vụ nhà em suốt mấy chục năm! Sau khi gây họa và cứu em khỏi về âm phủ đã đưa em và hai cô hầu về vùng đất này, lập ra cơ ngơi riêng, biến dạng thành người và đóng vai cha của ba đứa con gái. Sở dĩ ông bày ra cuộc kén rể là bởi muốn cho bọn em vĩnh viễn trở lại kiếp người, do ông biết trong quy định của cõi âm có một khoản hở, hễ người nào hồn chưa bị đày mà tìm được người đàn ông tương hợp, người có số cao... như anh chẳng hạn, thì sẽ được hồi sinh! Chính vì vậy mà Đoàn lão đã cất công đi tìm và cuối cùng gặp được anh. Nhưng cũng chính vì việc coi mặt của anh và gia đình đã gây kinh động, khiến phán quan biết chuyện. Rồi như anh chứng kiến đó...
Đến lúc này thì niềm vui trong lòng Dương Thanh đã gần như trọn vẹn, anh hỏi khẽ:
- Em có thể hoàn toàn thuộc về anh chưa?
Nàng gật đầu:
- Em giao cuộc đời em cho anh!
- Còn... Thanh Thủy và Kiều Nương?
Nhéo Thanh một cái đau điếng:
- Hỏi với ý gì vậy?
Thanh phải đính chính ngay:
- Đâu có! Anh chỉ tội nghiệp cho hai cô ấy. Và để... nếu có ai đó thích hợp, sẽ giới thiệu cho họ.
- Ừ. Tưởng có ý lộn xộn thì coi chừng đó! Bây giờ em đã là một người trần rồi, mọi tính cách của một người vợ dương gian em đều có.
Họ ngả đầu vào nhau trong niềm vui vô tận...
Tuy nhiên, ngay lúc ấy có tiếng la thất thanh của hai cô gái kia:
- Không xong rồi! Không xong rồi!
Thanh Thủy và Kiều Nương người nhễ nhại mồ hôi, hơi thở gấp gáp, vừa chạy tới đã gục ngã ngay trước mặt, Thúy Thúy hốt hoảng:
- Chuyện gì vậy?
- Phán... phán quan!
Họ chỉ tay về phía sau, chỉ có một cụm mây đen, nhưng cũng làm cho Thúy hãi hùng, lùi lại mấy bước:
- Anh... anh chạy đi! Chạy nhanh đi! Họ chỉ tìm em thôi, hãy đi đi kẻo muộn!
Dương Thanh bất thần lao tới, ôm chặt lấy Thúy trong động thái sợ mất nàng:
- Không! Anh sẽ cùng với em!
Chợt một tràng cười to vang lên. Trong thanh âm của giọng cười không có gì là hung ác cả. Rồi một giọng nói vang lên:
- Ta tới không phải để bắt các ngươi đi, mà để chính thức báo tin, các ngươi được sống ở dương trần!
Cả ba cô gái đều tưởng mình nghe lầm:
- Đúng vậy không?
Họ định hỏi lại lần nữa, thì chợt cụm mây xa dần, kèm theo lời dặn:
- Với điều kiện là tất cả phải có chồng, và năm sau nếu ta trở lại mà chưa thấy có... con, thì lúc đó mọi lời hứa đều bị hủy bỏ!
Đám mây đen tan hết rồi mà cả bốn người vẫn còn tần ngần đứng đó... Phải một lúc lâu sau, Thúy Thúy mới reo lên:
- Sống rồi!
Bỗng hai cô kia quỳ xuống, giọng buồn thiu:
- Tụi này biết làm sao đây, cô chủ!
Dương Thanh nói thay cho vợ:
- Chuyện đó để tôi lo!
Thúy Thúy trừng mắt:
- Lại tính giở trò phải không?
Thanh phải nói rõ:
- Anh sẽ làm mai! Anh có hai thằng bạn tốt, còn độc thân!
Nàng cười hiền hậu:
- Thế thì được...
Kiều Nương mừng rỡ:
- Cám ơn anh rể! Cám ơn ân nhân!
Dương Thanh định nói chuyện thêm với họ, nhưng liếc thấy Thúy đang nhìn nên tìm cách lảng ra, lẩm bẩm đủ mình nghe:
- Lấy vợ là... như thế này sao?
Nhưng liền lúc đó, khi quay sang Thúy thì hồn vía Dương Thanh hầu như biến mất. Anh chàng nhũn đến ngạc nhiên:
- Anh... anh chỉ biết có em thôi!
Hai cô gái kia che miệng cười vừa quay đi chỗ khác...
***
Hơn một năm sau thì ở nhà Đoàn lão đã có thêm ba sinh linh. Ba đứa bé trai đã ra đời trước sau chỉ trong mấy ngày. Ba bà mẹ đã toại nguyện ước vọng. Nhưng họ chờ mãi mà vẫn chưa thấy phán quan trở lại.
Thật ra phán quan đâu có trở lại nữa. Bởi nơi này là những con người, không cần họ dẫn đi nữa...