Phấn 2
Tác giả: Người Khăn Trắng
Vừa thấy anh mình về tới, Tám Xuân mừng như bắt được vàng:
- Dữ hôn, tưởng ở luôn ngoài dinh quận rồi chớ! Người ta đợi dài cổ ra luôn...
Nhìn cô em gái út của mình, Hai Mạnh nghiêm giọng:
- Con gái con lứa gì mà nhảy cẫng lên vậy! Anh mày đi làm chứ phải má đi chợ đâu mà trông như em bé trông sữa vậy!
Tám Xuân đưa tay lên miệng ra dấu im lặng:
- Có khách ở nhà!
Hai Mạnh ngạc nhiên:
- Khách nào vậy?
- Bí mật. Anh đừng thay đồ, chờ tiếp khách rồi biết là ai liền!
Vốn sống khép kín nên Hai Mạnh ít tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là hầu như chưa tiếp khách ở nhà. Không để ý lắm tới lời dặn của em gái, Mạnh vẫn vô nhà xong, định đi về phòng riêng thì Tám Xuân gọi giật ngược:
- Anh Hai, có khách!
Chưa kịp quay lại, Mạnh đã nghe có tiếng người lạ sau lưng:
- Thầy ký Mạnh làm việc cần mẫn quá, thảo nào chẳng thăng tiến đều đều. Một tập sự chưa đầy một năm mà nay đã chính ngạch rồi!
Hai Mạnh quay lại và giật mình khi nhận ra một cô gái ăn mặc sang trọng, sắc đẹp kiêu sa, đang nhoẻn miệng cười rất tươi với mình.
- Cô... cô... là…
Tám Xuân nói chen vào:
- Anh Hai hổng nhớ cô Thể Loan sao? Cô Loan con gái ông bà hội đồng...
Lúc này Hai Mạnh mới nhớ ra, tuy không quen, nhưng đã đôi lần đi đường anh có nhìn thấy cô ta ngồi xe mui kiếng chạy ngang. Thật tình Mạnh không ưa loại con gái nhà giàu ngồi xe hơi vênh vênh cái mặt như cô này.
Nhưng chẳng hiểu sao bây giờ cô ta lại ở trong nhà mình?
- Xuân, em với cô đây...
Chặn ngay lời Mạnh, cô nàng rất dạn dĩ:
- Định dùng quyền làm anh hạch hỏi em gái hay sao thầy ký? Cô Tám nhân hôm nay từ thị xã về, em cho quá giang xe rồi kết làm chị em, mình tuy không ở cùng xóm nhưng chung làng, mà lâu nay chẳng hề qua lại với nhau.
Tám Xuân mau miệng nói:
- Đúng vậy anh Hai. Nào giờ em chỉ biết mặt chỉ thôi, hổng ngờ chỉ biết em. Đang chạy xe chỉ ngừng lại khi em từ chợ về đang đợi xe thổ mộ. Chỉ một hai mời em lên xe rồi chở về đây luôn. Chỉ biết rành anh Hai lắm đó.
- Thầy ký Mạnh tự cao nhất dinh quận Đất Đỏ này ai mà không biết!
Hai Mạnh ậm ừ cho qua chuyện:
- Tự cao tự thấp gì. Chẳng qua mình phận thấp hèn, tài mọn nên lầm lũi mà làm việc chớ nào có dám lên mặt lên mày gì với ai đâu! Thôi, cô ngồi chơi với em gái tôi.
Định bỏ đi thì Tám Xuân lần nữa đã gọi giật:
- Anh Hai. Chị Thể Loan có việc muốn nhờ...
Thể Loan nhẹ giọng:
- Cái này không phải em nhờ, mà chính ba em bảo. Số là em đang làm hồ sơ thi Diplomme mà có mấy khoản chưa rõ, không biết nhờ ai, vì người biết thì ở tận Sài Gòn. Sáng nay ba em bảo ghé anh quận gặp anh mà nhờ, nhưng chưa kịp ghé thì đã gặp cô Tám đây.
Hai Mạnh nói thẳng:
- Tôi phải thi hai lần mới đậu được Diplomme, cô chưa thi nổi tú tài đây, tài cán gì…
Cô nàng xịu mặt trông rất tội nghiệp:
- Em biết mà, hạng dốt như em mà mong gì nhờ được anh. Vậy mà ba em cứ một hai nói rằng thầy ký Mạnh giỏi giang, tốt bụng, hiền lành, dân ở đây nhờ bất cứ việc gì thầy đều làm giúp không nề hà. Em cứ tưởng...
Tám Xuân nói thêm:
- Anh Hai! Nãy giờ chị ấy chờ chỉ có bấy nhiêu đó.
Thể Loan vẻ giận dỗi:
- Thôi đi Xuân, chị đành phải đi Sài Gòn thôi. Thầy Mạnh vẫn coi thường chị mà!
Mạnh bị chạm tự ái, anh phải nói:
- Cô đừng hiểu lầm, chẳng qua…
- Thôi, cám ơn anh. Em phải đi ngay cho kịp giờ. Độ này cướp đường hơi nhiều, mà từ đây về Sài Gòn phải qua nhiều đoạn vắng vẻ.
Cô ta quay qua Xuân, chưa kịp chào thì đã nghe Hai Mạnh nói:
- Thôi được, vậy cô nhờ gì?
Thể Loan chỉ chờ có thế:
- Hồ sơ em để ở nhà. Để em về nhà lấy.
Tám Xuân chen vào:
- Vậy sao mình không tới nhà chị Loan một thể. Vừa giúp chị ấy, vừa cho biết nhà.
Hai Mạnh nạt ngang:
- Không được.
Thể Loan giọng ngọt lịm:
- Với thầy ký Mạnh thì phải để chị mời cho đúng phép may ra thầy mới nể tình. Em xin mời anh sẵn xe, mình về nhà em. Hôm nay ba má em đi Sài Gòn vắng nhà, mình vui với nhau một bữa, chẳng hay anh Hai nghĩ sao? Có cho đứa em mới này được hân hạnh đón tiếp không?
Kiểu mời mọc khéo léo đó, nên dẫu tính khí lạnh lùng Hai Mạnh cũng thấy xiêu lòng:
- Tôi e bất tiện, bởi xưa nay...
- Xưa nay anh ít tới nhà người lạ, nhưng bây giờ em có còn là người lạ nữa đâu, Em và Tám Xuân đã kết làm chị em rồi, còn gì!
Tám Xuân xem ra rất muốn tới nhà Thể Loan, nên dù biết anh mình khó tính cũng cố nài nỉ:
- Đi đi anh Hai. Vả lại chiều nay em đâu có nấu cơm, anh ở nhà cũng đâu có gì ăn!
Thể Loan tấn công dứt điểm:
- Nhà em có sẵn thức ăn dự trữ, để em trổ tài làm bếp đãi hai anh em!
Hai Mạnh đành phải thuận theo:
- Thôi cũng được. Nhưng tôi phải chạy xe đạp theo để lát nữa còn về sớm.
- Coi kìa, chê xe hơi của em à?
Tám Xuân bảo khẽ:
- Kệ ảnh, miễn trục ảnh đi là được rồi!
Họ rời nhà, lúc đó khoảng hơn sáu giờ chiều...
Lần đầu tiên, Hai Mạnh tới ngôi dinh thự “nhà giàu”, nơi mà lâu nay anh luôn có thành kiến. Cũng may là không có vợ chồng hội đồng Thiệp ở nhà nên Mạnh cũng đỡ lúng túng.
Tám Xuân thì có vẻ thích thú với ngôi nhà quá sang trọng nên cô cứ hết nhìn ngắm rồi lại tấm tắc khen khiến cho Mạnh phải đôi lần ra hiệu cho tốp bớt.
Anh hỏi ngay:
- Đâu, có tài liệu gì cô Loan đem ra tôi xem?
Thể Loan khá tự nhiên khi ở trong nhà mình:
- Tụi em mỗi người một phòng riêng. Em ở góc bên trái, hay là mời anh Mạnh qua bên đó. Trong phòng em có sẵn tủ lạnh, em sẽ mời anh uống nước, rồi vừa chỉ giúp em. Riêng Xuân, nếu thích thì có thể đi lên lầu, trên ấy có cái sân thượng trồng nhiều hoa đẹp lắm, tha hồ ngắm, thích thì có thể hái bao nhiêu cũng được.
Tám Xuân thích quá reo lên:
- Hay quá, em sẽ lên đó!
Cô ta chạy đi ngay, Hai Mạnh gọi theo:
- Xuân!
Nhưng anh không ngăn được cô em gái. Thể Loan giục:
- Mình vào đây anh. Nhà không có ai mà.
Cô nàng quá sức tự nhiên, nắm lấy tay Hai Mạnh kéo đi. Đây là lần đầu tiên Hai Mạnh được tiếp xúc với da thịt phụ nữ, nên qua cái nắm tay đó đã khiến cho anh vừa bước đi vừa rùng mình.
Khi bước vào căn phòng sang trọng cách bài trí giống như trong phim ảnh, Mạnh hơi rụt rè, tuy nhiên, Thể Loan đã giúp anh đỡ bối rối, bằng cách mở tủ lạnh lấy nước cam:
- Anh cứ ngồi xuống đây, chờ em vào lấy tài liệu. Anh uống nước đi, em mới pha đá lạnh.
Cô ta lướt qua mặt Hai Mạnh, hình như cố tình đi sát và khiến mùi thơm cơ thể phả vào mũi, Mạnh lại phát rùng mình lần nữa!
Năm phút sau, cô ta lại xuất hiện với bộ đồ mát mặc trong nhà, mà vừa chạm mắt vào Hai Mạnh đã phát đỏ mặt và run! Bộ đồ bằng lụa bóng màu mỡ gà gần như giới thiệu hết những gì kín đáo của phụ nữ ra!
- Coi kìa, sao lại đỏ mặt lên vậy… thầy ký? Em đây mà, chứ phải người lạ đâu...
Bất thần, trong lúc Mạnh còn đang lúng túng thì Thể Loan đã sà xuống ngay cạnh và bằng một động tác nhanh và thuần thục, cô ta kéo ngửa Mạnh ra.
Bị bất ngờ nên Hai Mạnh không kịp có phản ứng gì thì tiếp theo đó, lại bị cô nàng nằm đè lên người.
Một vài giây bị đờ người vì mất cảnh giác, rồi Hai Mạnh cũng lấy lại được tự chủ, anh vụng về đẩy nàng ta ra. Nhưng sao lạ quá, hai tay Mạnh vừa đưa lên thì như bị mất hết lực, cố lắm cũng không thể đẩy nổi cơ thể mềm mại đó ra.
Trong khi ấy thì Thể Loan càng lúc càng tấn công Mạnh thêm. Những gì đáng ra là do đàn ông chủ động, thì lúc này cô ta đã làm thay. Hai Mạnh biết hết, chỉ có điều không còn sức để phản ứng lại. Anh lờ mờ hiểu có lẽ do uống ly nước cam lúc nãy mà ra cớ sự này. Có nghĩa là trong nước cam có thuốc ngủ hay cái gì đó...
***
Hai Mạnh tỉnh lại thì hoảng hồn khi nhận ra những người đang đứng trước mặt mình gồm vợ chồng hội đồng Thiệp và hai tay bộ hạ lực lưỡng!
Bà hội đồng lên tiếng:
- Thằng khốn nạn đã chịu tỉnh lại rồi kìa!
Hai Mạnh định bật dậy nhưng phát hiện tay chân mình đang bị trói và còn tệ hại hơn, toàn thân anh đang trong tình trạng trần truồng như nhộng!
- Trời ơi!
Lúc này cố vùng vẫy, Mạnh mới hiểu là nãy giờ mình đã bị đánh nên cơ thể đau nhức dữ dội. Anh gào lên:
- Mấy người làm gì tôi?
Ông hội đồng Thiệp quát to:
- Nó còn già mồm thì đánh gãy răng nó cho tao.
Hai tên bộ hạ xông tới, thì bà Hội lên tiếng:
- Đánh nó chết thì lấy ai bắt đền trinh tiết con gái mình? Cứ trói nó vậy rồi chờ mình coi sức khỏe con Thể Loan thế nào đã.
Lúc ấy có tiếng khóc tức tưởi từ phía cửa sổ, rồi giọng nói của Thể Loan:
- Đời con đã tan nát hết rồi vì thằng khốn nạn này, bây giờ giết nó thì cũng đâu cứu vãn được gì. Con bắt nó phải chịu trách nhiệm!
Ông hội đồng quát lớn hơn:
- Thằng chó chết này mà xứng đáng lấy con gái tao sao?
Bà vợ hạ thấp giọng:
- Để rồi tính...
Bà quay sang hai tên bộ hạ:
- Tụi bay tạm thời lui ra ngoài kia đợi.
Bọn chúng đi rồi, bà mới nói với chồng:
- Ý con Thể Loan là đúng. Nếu bây giờ mà làm um sùm ra thì cả nhà mình bị nhục, mà con Thể Loan đâu còn mặt mũi nào sống trên đời này. Thôi, thà cắn răng mà chịu đi.
Bà quay sang con gái:
- Con nghĩ kỹ chưa?
Thể Loan vừa khóc vừa đáp:
- Vậy còn hơn.
Ông hội đồng dịu giọng:
- Tao muối mặt mà tha cho bay lần này. Con ơi là con, đồ oan gia mà!
Trước khi ra khỏi phòng, ông lớn tiếng ra lệnh:
- Bắt nó lăn tay, ký tên vào bản thú tội rồi thả nó ra. Bắt nó phải làm đám cưới con Thể Loan nội trong tuần này!
Mạnh như con thuyền đắm giữa dòng. Anh có cố cách nào thì càng lúc càng chìm nghỉm sâu hơn. Đến lúc đầu óc chẳng còn chút phản xạ nào thì anh nhớ mơ hồ rằng mình đặt mấy ngón tay vào một tờ giấy và cầm lấy cây bút…
***
Ngày đám cưới của Hai Mạnh cũng là ngày anh vô cùng tuyệt vọng khi mấy người do anh nhờ đi tìm đã lắc đầu báo tin:
- Chẳng biết cô Tám Xuân đi đâu mà chúng tôi kiếm tìm hầu như không sót chỗ nào mà chẳng thấy!
Tám Xuân đã biến mất từ sau cái đêm “tày trời” đó. Mạnh nghĩ rằng em gái mình chắc là sau khi hay tin anh trai mình bị bắt tại trận đang ân ái cùng Thể Loan trong phòng, đã quá xấu hổ mà bỏ đi. Chờ đến gần chục ngày vẫn không thấy tin tức gì của em gái, lại quá đau đầu chuyện bản thân mình bị bắt ép phải cưới cô vợ mà mình bị quy cho tội “hiếp dâm” cô ta. Cho nên Hai Mạnh ngã bệnh liệt giường suốt cả tháng trời.
Mà cũng lạ, sau lễ cưới chưa đầy một buổi thì Thể Loan một mình lái xe hơi về Sài Gòn, như chẳng có gì xảy ra! Cô ta ở Sài Gòn chẳng biết làm gì mà cả một tuần sau mới về. Khi về tới nhà thì cô ta vào phòng riêng đóng cửa ở miết trong đó, không đếm xỉa gì tới Hai Mạnh. Lúc đó Hai Mạnh theo lệnh ông hội đồng phải tới làm việc tại nhà ông ta, nghỉ việc ở dinh quận.
Dù không muốn, nhưng ở thế kẹt nên Hai Mạnh như cái xác không hồn, phải ngày ngày tới đó. Đêm anh ta về nhà mình thì mọi chuyện sẽ chẳng có gì rắc rối, bởi giữa Hai Mạnh và Thể Loan đã có một bức tường ngăn cách ngay những phút giây đầu tiên chung sống. Những cuộc đi về Sài Gòn bất thường, khó hiểu của cô vợ, cũng như những đêm sống riêng, lặng lẽ một bóng của anh chồng hờ. Cho đến một tối kia, 28 ngày sau lễ cưới, đã xảy ra một sự cố.
Số là khi vừa lái xe về, sau chuyến đi bốn năm ngày mà chẳng biết là đi đâu, Thể Loan bước từ trên xe xuống thì bỗng ôm bụng kêu đau rồi ngã lăn ra đất. Nhìn kỹ lại thì nửa thân dưới của cô nàng nhuộm đầy máu.
Hai Mạnh lúc đó đang lên xe đạp về nhà ngủ như thường lệ, đã chứng kiến cảnh vợ bị ngã ngay từ đầu vội chạy tới đỡ cô nàng lên, lúc này dù đang đau đớn, nhưng Thể Loan vẫn tỏ ra đanh đá:
- Không ai mượn anh, đi đi!
Dù trong thâm tâm không muốn dính tới cô vợ hờ này, nhưng trước tình cảnh này chỉ vì lòng nhân đạo, nên Mạnh vẫn xốc Thể Loan dậy đưa vào phòng riêng.
Gia đình hội đồng Thiệp giàu có nên đã sẵn bác sĩ riêng ở thị xã, trong đó một người chuyên khoa phụ nữ được tới ngay sau đó chưa đầy hai mươi phút.
Sau khi khám xong, bà chích thuốc cầm máu rồi quay tìm người nhà. Lúc ấy vợ chồng hội đồng Thiệp dự tiệc cưới chưa về nên chỉ có mỗi Mạnh, bà ta hỏi:
- Thầy là chồng cô Ba đây phải không?
Hai Mạnh miễn cưỡng gật đầu. Bà ta nói, giọng đầy lo lắng:
- Cô nhà có thai đã trên năm tháng mà sao không dưỡng thai cho kỹ. Để bây giờ có dấu hiệu sẩy thai và đang có biến chứng nặng rất nguy hiểm, phải đưa ngay ra nhà thương tỉnh thì may ra.
Hai Mạnh kinh hoảng:
- Thai... thai mấy tháng?
- Trên năm tháng. Hồi tháng sáu, khi cô ấy ghé khám chỗ tôi thì thai đã được gần ba tháng rồi, nay là giữa tháng chín rồi. Thai bị động không chỉ vì chấn động mà còn vì lý do khác, bởi…
Bà vừa nói tới đó thì Thể Loan ụa lên một tiếng lớn, rồi lăn người qua, nôn một hơi đầy cả giường. Mùi hôi tanh, đặc biệt là mùi rượu nồng nặc, khiến cho bà bác sĩ phải hốt hoảng:
- Trời ơi, cô ấy uống nhiều rượu! Bộ thầy không biết sao mà để…
Hai Mạnh không để ý câu hỏi, mà chỉ một mình lặp lại câu hỏi:
- Cái thai hơn năm tháng?
Vừa lẩm bẩm, Mạnh vừa bước ra ngoài:
- Vậy là họ lừa mình. Thiên hạ ăn ốc mình thì đổ vỏ nè trời!
Cái thai trong bụng Thể Loan chắc chắn không phải là của Hai Mạnh rồi. Và như vậy vụ “hiếp dâm” mà họ dàn cảnh đêm đó là để gài bẫy cho Mạnh phải lãnh đủ!
- Trời ơi!
Vừa kêu lên, Hai Mạnh vừa cắm đầu chạy bay ra dường như bị ma đuổi...
***
Sáng hôm sau thì có tin Thể Loan chết khi chưa kịp đưa đi bệnh viện tỉnh. Lúc vợ chồng hội đồng Thiệp về tới thì chính bà bác sĩ sản khoa xác nhận:
- Trong việc này mọi lỗi lầm là do người chồng của cô Ba cả. Khi tôi tới đây thì đã thấy cô Ba người đầy máu, có mặt cả thầy Hai Mạnh, vậy mà thầy ấy tắc trách, bỏ mặc vợ trong tình trạng ngặt nghèo, chạy đi một mình.
Ông hội đồng gầm lên:
- Thằng chó đẻ đó trả thù con gái tôi đây mà!
Bà hội đồng cũng tru tréo lên:
- Nó giết con tôi rồi! Phải gô đầu nó lại bắt đền mạng!
Họ hô hào bộ hạ chạy đi tìm bắt Hai Mạnh. Khi Mạnh bị bắt dẫn tới thì vẫn còn nghe bà hội đồng vô tình nói mà Mạnh nghe rất rõ:
- Cũng tại cha con ông cả. Bắt ép nó làm gì để nó trả thù như vậy? Nhất là thằng con trai cả của ông nữa. Đã khùng điên nhốt trong phòng kín rồi mà còn bắt con gái người ta vào đó nhốt và làm càn làm bậy suốt tháng trời, vậy mà ông cũng để vậy. Ông biết con nhỏ bị nó lôi vào phòng nhốt lại đó là ai không? Đó là con em gái thằng Hai Mạnh!
- Tám Xuân!
Đang bị hai tên lực lưỡng canh giữ, nhưng vừa nghe bà hội đồng nói tới đó, Hai Mạnh đã vùng ra, rồi trước sự sững sờ của mọi người, anh chạy bay lên lầu!
Lầu có bốn phòng, Mạnh tung cửa từng phòng một đến phòng thứ ba thì anh khựng lại! Trong phòng, từ trần nhà có một thân thể lõa lồ của một phụ nữ treo lơ lửng.
- Tám Xuân!
Rõ ràng người treo cổ là Tám Xuân! Và còn một gã đàn ông đang ôm chân cái xác, vừa cười nham nhở. Gã là con trai cả của hội đồng Thiệp!
- Trời ơi.
Trong cơn phẫn uất tột cùng, Hai Mạnh lao vào chụp lấy cổ tên công tử nọ và siết... siết thật mạnh!
Đến khi mấy tên bộ hạ nhà ông hội đồng kịp chạy lên thì tên tâm thần cũng vừa hết cử động. Có tiếng la thất thanh của mụ hội đồng:
- Nó giết thằng Hai rồi ông ơi!
Hai Mạnh không biết rõ chuyện xảy ra sau đó, chỉ mơ hồ cảm giác mình bị đánh dữ dội, đau đớn và gục xuống...
***
Lập buông tập giấy viết tay của cha xuống. Hai khóe mắt anh đỏ hoe. Sự việc không ngờ lại tồi tệ đến như thế này! Thảo nào cách đây trên hai chục năm, khi cha mãn hạn tù gặp mẹ anh, một người phụ nữ bình thường trong làng và hai người chấp thuận ở với nhau, liên tiếp mẹ anh sinh đến lần thứ năm thì mới nuôi được con. Bởi vậy tuy là thứ sáu, Sáu Lập, nhưng anh lại là con một. Ông Hai Mạnh từ đó không hề nhắc tới việc tại sao ông đi tù. Khi Lập lớn lên, có lần anh hỏi thì cha anh chỉ thở dài và nói:
- Ở đời có những chuyện mình không nên biết làm gì.
Bây giờ thì anh đã hiểu, do sự cố đó, người ta bắt cha anh và kêu án mười năm tù. Thì ra cha anh đã giết người vì phẫn uất khi nhìn thấy cô Tám Xuân bị giết một cách dã man. Mười năm ở trong tù đã biến cha anh thành một con người lầm lì, ít nói và yếm thế. Khi nuôi Lập khôn lớn, ông Hai Mạnh luôn căn dặn anh chỉ một điều:
- Đừng bao giờ chơi với con gái nhà giàu!
Có lẽ vì vậy mà ông không cho Lập học đến nơi đến chốn. Chỉ học hết tiểu học thì Lập đã phải nghỉ để làm nghề đánh xe thổ mộ.
- Đem đốt quyển tập ấy đi!
Lập giật mình quay lại thì thấy bà cô họ đang đứng ở cửa phòng. Sắc mặt bà khác hẳn ngày thường. Tỉnh táo và nghiêm nghị hơn.
- Nhưng đây là bút tích của ba con.
- Bút tích ấy là mối họa cho cha con. Những chuyện kể về một đoạn đời khốn nạn, ô nhục ấy mà đáng gì! Chính vong hồn ba con bảo cô lấy nó ra cho con xem. Coi xong rồi thì đốt bỏ. Mọi chuyện đã thuộc về quá khứ rồi.
Lập vẫn chưa yên tâm:
- Nhưng con vẫn còn thắc mắc. Tại sao có cô gái nào đó xưng là con của cô Tám Xuân? Và tại sao có chuyện hai lần con thấy bộ xương khô và cô gái khóc bên bộ hài cốt.
Bà cô kéo ghế ngồi xuống, giọng bà trầm hẳn:
- Cô Tám con chết do bị thằng con trai điên của hội đồng Thiệp hãm hiếp, cô ấy xấu hổ, phẫn uất nên treo cổ.
Lập chặn ngang:
- Như vậy lúc ấy cô Tám con còn con gái, đâu có con?
- Thì đúng là như vậy.
- Vậy sao cô gái nào đó xưng là con của cô ấy?
Bà cô đưa tay chỉ ra ngoài:
- Con nói cô gái này phải không?
Vừa khi cô gái bước vào.
- Đúng là cô ta!
Cô gái lần này nghiêm sắc mặt, cúi chào Lập:
- Dạ, chào anh.
- Hôm trước cô đi xe tôi, giữa đường rồi biến mất?
- Dạ đúng.
- Rồi cũng chính cô quỳ dưới bộ xương khô?
- Dạ đúng.
Lập la lên:
- Cái gì cô cũng trả lời đúng. Vậy cô là gì? Cô là...
Cô gái cười nhẹ:
- Là Ánh Xuân. Người chớ không phải ma!
- Nhưng tại sao cô có mặt trong ngôi nhà của hội đồng Thiệp?
Cô gái lặng đi một lúc rồi tiếp, giọng buồn bã:
- Em vốn là con người bạn tù của ba anh. Khi ở trong tù ba anh thường tâm sự chuyện bi kịch của cuộc đời và khi ba anh ra tù chẳng biết vô tình hay cố ý đã bỏ quên quyển hồi ký ghi lại mọi chuyện. Ba em ra tù sau, do thương cảm hoàn cảnh của ba anh, nên một hôm ông đích thân mang quyển tập ghi chép này tìm tới tận nơi đây. Ba em không gặp ba anh, mà lại tới ngôi mộ thấy vong hồn của một người tự xưng là cô Tám Xuân, cô ấy nhờ ba em bằng cách nào đó đưa ba anh và anh tới ngôi nhà, đúng chỗ căn phòng cô ấy bị giết chết để cứu oan hồn cô ấy ra khỏi nơi đó, chớ nếu không thì vĩnh viễn cô ấy sẽ không đầu thai được.
Lập kêu lên:
- Do đó, cô đã nói gạt tôi cô là con của cô Tám Xuân?
Cô gái gật đầu:
- Ba em thương hoàn cảnh của ba anh, thương vong linh người thác oan nên sai em sang đây tìm cách để đưa cho bằng được bác Hai và anh tới đó. Em đã thành công, nhưng cái giá trả thì quá đắt. Bác Hai đã…
Bà cô giờ mới lại lên tiếng:
- Thật ra anh Hai tôi chết để giải cái nghiệp đã vay. Một mạng người dù gì cũng là vợ và cả cái bào thai. Dẫu anh Hai tôi không giết họ, nhưng chính hành động bỏ mặc họ đêm hôm đó đã gián tiếp giết họ. Cô Thể Loan chết là đáng kiếp, nhưng…
Lập không đồng tình:
- Ba con trước sau chỉ là nạn nhân của cái nhà đó!
Cô gái tán thành:
- Khi nghe lệnh ba em tới đây, em không ngờ lại được vong linh của cô Tám anh giúp, để em lọt được vào ngôi nhà đó một cách dễ dàng, từ đó em khám phá ra chẳng phải riêng cha anh, cô Tám Xuân, mà còn nhiều người khác đã là nạn nhân của họ. Hội đồng Thiệp bỏ nhà ra đi bởi ông ta sợ bị báo oán bởi hậu quả tội ác ông ta và con cái gây ra!
Nói xong, cô đứng dậy cầm lấy cuốn sổ, nói dứt khoát:
- Theo em nghĩ nếu anh Lập không muốn giữ bút tích này, thì em sẽ đưa về cho ba em giữ. Nó là bằng chứng của một tội ác, để người đời còn biết bộ mặt thật của bọn cường hào ác bá!
Bà cô muốn ngăn, nhưng Lập đã nói:
- Cám ơn lòng tốt của cô. Tôi sẽ đích thân giữ bút tích của ba tôi. Tôi sẽ ghi nhớ lời ông. Không bao giờ quan hệ với con gái nhà giàu!
Cô gái cười hồn nhiên:
- Nhưng em không phải con gái nhà giàu đâu! Em chỉ đóng giả vai thôi…
Lập hơi ngượng:
- Ờ, nếu vậy thì...
Cô gái chặn lời:
- Anh cứ gọi tôi là Ánh Xuân. Tôi làm nghề bán hàng hóa nhỏ, lẻ ở ngoài thị xã, chớ chẳng hề là con gái nhà giàu đâu!
Lập dịu giọng:
- Vậy thì tôi xin lỗi.
Ánh Xuân đột ngột hỏi:
- Anh có muốn tới nhà tôi không? Ba tôi là bạn tù của ba anh, ông đang muốn gặp anh…
Lập quyết định cũng đột ngột:
- Cũng được. Vậy để tôi đánh xe đưa cô đi!
Nhìn hai người bước ra, bà cô nhẹ mỉm cười...
***
Ông Ba Thới, cha của Ánh Xuân tuy mới gặp Lập lần đầu nhưng đã tỏ ra thân thiện, ông bảo:
- Từ hôm ba cháu mất, chú muốn vào thăm cháu mà chưa tiện, bởi chú bây giờ đôi chân hơi yếu.
Rồi ông chỉ lên tủ thờ:
- Cháu biết hình thờ đó là ai không?
Lập nhìn người con gái còn rất trẻ, cỡ tuổi của Ánh Xuân, anh lắc đầu:
- Dạ, con không biết...
Ông Thới nói mà Lập tưởng mình nghe lầm:
- Đó là cô Tám Xuân của con!
- Bác nói...
- Tấm ảnh này chỉ mình bác có. Bởi hồi còn con gái Tám Xuân nhút nhát, không chịu chụp hình, lần đó chú rình chụp được và giấu không cho cô ấy biết...
Lập quá đỗi ngạc nhiên:
- Chú biết cô Tám con?
Trầm ngâm một lúc, ông Thới gật đầu nói:
- Chẳng những biết mà còn… biết nhiều nữa kìa!
Rồi không đợi Lập thắc mắc thêm, ông tiếp:
- Không giấu gì cháu, chú đây chính là người yêu của cô Tám con trước lúc cô ấy chết. Bởi vậy khi hay tin cô Tám bị nhà hội đồng Thiệp hại chết, nhất là khi biết ba cháu bị họ bắt bỏ tù, chú đã tới tận đó nổi loạn và cũng bị họ tống giam luôn. Vào tù chú gặp ba con, hai bên đồng cảm nhau, thương yêu giúp đỡ nhau trong suốt những ngày hoạn nạn. Khi ra tù, trong lúc ba cháu muốn quên hết chuyện cũ, còn chú thì vẫn sôi sục chuyện trả thù. Chính chú đã tìm tới tận ngôi nhà hoang đó, tìm hiểu được oan hồn cô Tám bị giam hãm không siêu thoát được nên mới xui con Ánh Xuân này tới khiến cho ba cháu và cháu tìm tới ngôi nhà hoang và giải thoát được cho cô ấy…
Lập ngạc nhiên:
- Giải thoát... là sao?
Ông Thới lại nhìn lên bàn thờ rồi hỏi Lập:
- Con có nhớ hôm con nhìn thấy cha con ôm cái đầu lâu mà khóc trong ngôi nhà hoang không?
- Dạ nhớ. Và hôm đó ba cháu quá xúc động nên ba cháu đã chết.
- Ba cháu thì chết rồi, nhưng cô Tám con thì được hoàn hồn!
- Chú nói…?
- Chính nhờ giọt lệ của ba con nhỏ xuống nên Tám Xuân được hoàn hồn. Tuy không sống lại được như người nhưng từ hôm đó, hồn phách cô ấy luôn hiện hữu. Chú đưa cô ấy về đây thờ là vì vậy.
Lập ngẩn ngơ như lạc vào cõi nào đó. Hồi lâu sau, anh nói khẽ:
- Con cám ơn chú.
Ông Thới nhẹ giọng:
- Nhờ trời chúng ta có được kết cuộc này. Nhân đây chú cũng nói cho cháu biết, con Ánh Xuân đây không phải là con ruột của chú, mà chỉ là con nuôi kể từ khi Tám Xuân chết. Cháu có thể cùng với Xuân...
Ông bỏ lửng câu nói, nhìn sang Ánh Xuân nhẹ mỉm cười. Cô gái cũng cười thật tươi và liếc sang Lập…