Phần VI
Tác giả: Người Khăn Trắng
18 năm sau...
Vợ chồng ông Phủ Oai chết chỉ cách nhau chưa đầy một tháng. Bà Phủ chết khi đang ngồi đánh tứ sắc với 3 người bạn. Vừa đặt những lá bài xanh xuống chiếu thì bà gục luôn. Bà chết thật êm, mặc dù trước đó suốt nhiều tháng bà đã mắc chứng mất ngủ triền miên.
Ông Phủ Oai thì suốt 3-4 năm trời ông sống trong nổi cô đơn và ẩn dật. Ông chết khi đang ngồi trước nhà mình vào lúc nửa đêm. Khi người ta phát hiện thì thi thể ông đã cứng đờ. Lúc đem xác ông đi liệm thì người ta mới phát hiện trong tay ông đang giữ một tờ di chúc đã lập, có chữ ký rất rõ ràng. Bất ngờ nhất là nội dung bản di chúc ghi những điều mà chẳng ai ngờ tới: Toàn bộ tài sản dành cho một người con gái tên là Lê Thị Liễu tự là Út Liễu!
Có người hiểu chuyện đã thắc mắc:
- Hơn 18 năm trước cô Út Liễu đã chết và nghe đồn đã biến thành ma, vậy lấy đâu ra Út Liễu để hưởng tài sản?
Trong lúc đó đám tang ông Phủ đang diễn ra thì có một cô gái khoảng 18 - 19 tuổi xuất hiện. Cô đi một mình và chẳng quen biết một ai, nhưng khi cô bước đến trước một quan tài thì ai cũng ồ lên ngạc nhiên:
- Út Liễu!
Đó là những người từng biết mặt Út Liễu con của vợ chồng Tám Hạo trước kia. Họ nhìn không chớp mắt cô gái trẻ như không tin vào mắt mình. Cô này giống Út Liễu ngày xưa như hai giọt nước. Có người đánh bạo lên tiếng hỏi:
- Cô là Út Liễu?
Cô gái gật đầu:
- Tôi đúng là Út Liễu.
- Con của Tám Hạo?
Cô gái lắc đầu:
- Không phải, tôi con của... Út Liễu!
Chẳng ai hiểu cô ta muốn nói gì. Chợt khi đó có một cụ già râu tóc bạc phơ từ ngoài bước vào, lên tiếng:
- Nó là cháu ngoại tôi.
Nhìn kỹ thì đúng là Tám Hạo. Ông quay sang cô gái:
- Nó là con của Út Liễu, và mặc dù là con một, nhưng để nhớ má nên tôi đặt cùng tên là Út Liễu.
Đốt một nén nhang, ông bảo cô gái:
- Dẫu sao thì đây cũng là người đã sinh ra Ba Tình, mà Ba Tình lại là cha của con, vậy nghĩa tử là nghĩa tận, con hãy đốt nhang và lạy ông Phủ ba lạy cho phải lễ.
Cô gái tên Út Liễu làm theo lời một cách khá cung kính. Xong cô tiếp nhận chiếc phong bì có chứa bản di chúc để trên nắp quan tài. Cụ Tám Hạo bảo cô:
- Con hãy theo đúng những gì ông đã dặn.
Út Liễu dạ một tiếng và rút ngay bản di chúc ra đọc lớn cho mọi người nghe, xong bảo một cách nghiêm túc:
- Đây là tài sản mà tôi không mong đợi nhưng lại được. Mà tôi lại không cần đến nhiều tiền như vậy, cho nên hôm nay đây trước mặt mọi người ở đây, tức những người đã từng bao năm làm tôi tớ trong nhà này, tôi tuyên bố sẽ chia đều số tài sản cho từng người một. Ai cũng có phần, không phân biệt già trẻ, bé, lớn.
Những tiếng hoan hô vang dậy của ngôi nhà lớn, nơi mà lâu nay đám gia nhân này không ai dám hó hé nửa lời. Chỉ trừ một người. Người đó vừa từ ghe bước lên tiếng ngay:
- Tôi là cháu nội đích tôn của nhà này, vậy thì ai có quyền hưởng di chúc?
Một gia nhân nói nhỏ với người bên cạnh:
- Mười tám năm trước chính ông Phủ ẵm thằng này về nói là con của Ba Tình với Lan Hương. Nó giống Ba Tình từ vóc dáng cho tới tính tình. Lớn lên nó phá tiền ông bà Phủ không biết bao nhiêu mà kể, chính hiệu là một phá gia chi tử!
Một người khác nói:
- Hắn gần đây bỏ nhà đi hoang, ông Phủ Oai chịu hết nổi nên tuyên bố từ hắn ta, không cho hưởng bất cứ tài sản nào của ông. Tưởng hắn đi luôn, ai ngờ giờ lại trở về.
Bà Vú nuôi thêm vào:
- Thằng này chính là oan gia của ông bà Phủ, chỉ vì nó quá giống Ba Tình nên được nuôi nấng và cưng chiều. Nhưng ngay từ khi mới 5 tuổi đã mất dạy, hỗn hào, chỉ biết chơi hoang chẳng màng đến học hành. Có lần, khi đó nó được 10 tuổi, theo bà Phủ đi lễ chùa, có một bà già đứng nhìn nó thoáng chốc rồi nói với bà Phủ: “Thằng này đâu phải là người, nó là ma đầu thai đó! Nó vốn là một quái thai, được cải thành người để trả thù. Nó không hề có linh hồn một con người”. Bà ta nói xong thì biến mất. Bà Phủ sợ hãi nhìn sang cháu đích tôn, nhưng thằng bé Hai Thiện chẳng biểu lộ chút gì là quan tâm đến lời của bà lão lúc nãy. Khi đến trước chùa, nó bảo bà nội: “Bà vô đi, tôi không hợp với nhang khói và tượng phật. Và đó không phải là lần đầu tiên nó không vào những nơi chốn tôn nghiêm. Biết vậy nên từ đó bà Phủ cũng không ép dẫn nó đi chùa chiền hay lễ cúng gì cả... Về nhà bà đem chuyện bà lão nói kể cho ông Phủ nghe, ông cũng hơi lo, nên nói: “Lúc được con Lan Hương trao đứa nhỏ tôi cũng nghi nghi, nhưng vì hôm đó đang hoang mang nên tôi không làm sao từ chối. Lúc nó vừa 15 tuổi đã đòi cưới vợ. Bị ông bà Phủ phản đối nó làm ầm ĩ lên rồi đe dọa: “Nếu không cưới ngay cho tôi con vợ thì tôi sẽ bán tài sản nhà này cho coi!”. Từ đó Hai Thiện trổ thói trăng hoa còn hơn cả Ba Tình thời trẻ. Đã có trên chục cô gái ngây thơ, nhẹ dạ trong làng bị hại trinh tiết dưới bàn tay của con yêu râu xanh này...
Bà vú em ngừng kể, bởi lúc đó bỗng dưng Hai Thiện đưa mắt nhìn bà một cách hằn hộc. Rồi hắn tiến về phía bà hất hàm bảo:
- Bà có nhớ hồi tôi 16 tuổi, tôi đã nói gì với bà không?
Bà vú hơi chột dạ, bởi hồi đó trong một cơn say hắn đã bảo rằng bà có ba đứa cháu gái vậy hãy liệu chuẩn bị ngày đưa họ tới nạp cho hắn, để hắn kêu bà bằng cô, bằng dì! Tưởng hắn say ăn nói bậy bạ rồi thôi, nào ngờ bây giờ hắn nhớ và nhắc lại.
- Cậu Hai đừng nói vậy, các cháu tôi đã lấy chồng hết rồi.
Bà vừa đáp vừa tìm cách lui ra khỏi đám đông, nhưng Hai Thiện vẫn nói với theo:
- Bà ra ngoài bến đón cháu vô đây để tang ông cố!
Lời hắn vừa dứt thì cũng là lúc cả ba đứa cháu của bà vú Tư xuất hiện. Trên tay họ đều bế theo con còn trong tháng!
Vú Tư đứng lặng người, chết điếng. Trong lúc lần lượt ba đứa cháu bà đều bước vô lạy trước quan tài y như là con cháu thứ thật. Hai Thiện có vẻ đắc chí đứng nhìn họ. Sau đó hắn quay sang cô gái đang đứng cạnh Tám Hạo:
- Con này mày tới đây để làm vợ bé tao phải không? Vậy thì...
Hắn vừa định nắm tay cô ta thì đã bị ngay một cái tát nổ đom đóm. Giọng cô gái sắc lạnh:
- Má tao sai lầm khi để mày lớn lên trong nhà này. Ngày ấy bà ấy chỉ nghĩ rằng sẽ dùng mày để phá cái nhà đầy tội ác này rồi sau đó sẽ bắt mày đem đi. Nhưng không ngờ mày nhờ vong hồn Ba Tình theo phò trợ nên đã thoát được sự kiểm soát của má tao và lộng hành càng dữ. Nhưng chạy trời không khỏi nắng đâu quân xấu xa kia!
Cô nói xong vung tay thêm cái nữa, lập tức Hai Thiện khụy chân, quỳ gối ngay trước đầu quan tài. Hắn cố vùng vẫy đứng lên, nhưng dường như đã bị chôn chặt chân ở đó. Cô gái lạnh lùng bảo:
- Hãy lạy người đã cưu mang và khốn khổ vì mày rồi quay ra lạy hết mọi người ở đây để tạ tội bấy lâu nay. Làm đi.
Mệnh lệnh được Hai Thiện làm theo răm rắp trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sau khi lạy xong bỗng hắn lăn ra sàn nhà nằm bất động.
Cả ba cô cháu bà vú cùng lúc ôm con chạy bay ra bờ sông. Vú Tư chạy theo gọi lại:
- Tụi bây nói tao nghe coi, tại sao vậy.
Lần lượt từng cô đều thuật lại câu chuyện giống nhau:
- Ngay trong đêm tân hôn bỗng chồng của cháu biến đâu mất thay vào đó là một người đàn ông lạ. Hắn ép tụi cháu thành thân mà không tài nào cưỡng lại được bởi hầu như tay chân miệng mồm cháu đã bị tê liệt. Tụi cháu để mặc cho hắn ta muốn làm gì thì làm...
Một cô nói tiếp:
- Sau đó thì hắn bỏ đi, chồng tụi cháu lại trở về. Vì quá xấu hổ nên tụi cháu không dám nói ra chuyện xấu xa kia... Rồi vài đêm hắn lại tới, cứ ẩn hiện y như là ma. Khi hắn vô phòng tụi cháu thì chồng tụi cháu cũng tự dưng đi đâu mất đến ngày hôm sau mới trở về! Cứ như thế đến lúc tụi cháu mang thai và sinh con...
Cô thứ ba kể:
- Mãi khi sinh con xong thì tụi cháu mới biết người đàn ông như ma như quỷ kia chính là cháu nội ông Phủ Oai! Hắn chẳng đến báo tin ông Phủ Oai chết, nhưng chẳng hiểu sao tự dưng cả ba chúng cháu đều như bị sự sai khiến vô hình nào đó, đã ôm con tới chỗ đám tang này và...
Từ trong nhà bỗng có tiếng huyên náo khác thường, bà vú và ba cô cháu gái đều chạy vào. Trước mặt họ chiếc nắp quan tài đã bật ra, trước sự sợ hãi của mọi người.
Xác của ông Phủ Oai vẫn nằm im, trong khi Hai Thiện thì đã động đậy. Anh ta cố đứng lên và thật bất ngờ, bỗng lao vào quan tài, nằm chồng lên xác của ông nội mình.
- Kìa, kéo anh ta ra!
Mọi người la lên và nhào tới định kéo Hai Thiện ra, nhưng khi tay họ vừa chạm đã phải bật ra vì tay của họ như vừa chạm vào một lò lửa! Chỉ có hai người là không hề tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả. Đó là ông cháu của Tám Hạo. Cô cháu gái bảo ông:
- Đã đến lúc kết thúc rồi đó.
Họ quay bước ra ngoài với vẻ bình thản. Khi họ vừa ra tới sân thì trong nhà có ai đó la lên:
- Cứu Hai Thiện ra đi!
Cùng lúc đó thì chiếc nắp quan tài tự nhiên đóng sập lại, nhốt cả Hai Thiện trong đó. Vài người cố cạy nắp quan tài lên, nhưng dù có cố gắng đến mấy họ cũng không tài nào làm được. Tám Hạo nói vọng từ ngoài sân:
- Đem chôn họ đi!
Nói xong ông ra dấu cho cô cháu xuống ghe. Tuy nhiên, cô gái đã quay đi về một hướng khác, vừa nói:
- Con cảm ơn ông về sự nuôi nấng từ bấy lâu nay. Nhưng số con chỉ tới đây thôi, con phải trở về nơi con sẽ gặp được mẹ. Ông ráng mà sống thêm ít năm nữa...
Tám Hạo lặng người đi trước cuộc chia tay đột ngột mà ông không hề nghĩ tới. Mặc dù, từ lâu ông vẫn có linh tính một điều gì đó...
Ông Tám nhớ rất rõ, cách đây hơn 16 năm, lúc ông đang nằm ngủ ở nhà thì chợt nghe tiếng gọi của Út Liễu, báo cho ông biết rằng cô đem về cho ông một đứa cháu ngoại, bảo ông tới một trại ruộng cách đó hơn 2 cây số sẽ nhận cháu đem về. Khi ông Tám Hạo tới đúng chỗ đó thì thấy một đứa bé mới sinh được úm trong một chiếc mền cũ. Đứa bé gái vừa mới vài tháng tuổi, bị bỏ nằm một mình cười, như đã nhận ra người thân. Ở dưới chỗ nằm của đứa bé có ghi mấy chữ: “Đặt tên nó là Út Liễu như tên con và ba cứ xem như con còn sống vậy...”.
Khi lớn lên con bé tỏ ra ngoan hiền, hiếu thảo. Một tay nó đã lo cho ông ngoại đầy đủ nhờ vậy Tám Hạo đã sống thọ đến tuổi trên 80, mặc dù cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn. Đến sáng đó, bỗng dưng cô cháu gái giục ông xuống ghe và nói:
- Tới để chứng kiến ngày tàn của nhà Phủ Oai!
Mọi việc hình như đã được dự liệu trước, nên khi đến nơi thì tuần tự đã xảy ra những điều mà cô gái đã nói trước với ông ngoại lúc ngồi dưới ghe. Chỉ duy có việc chia tay đến phút này cô mới nói...
Đứng nhìn theo đứa cháu biến mất dần trong con đường làng, Tám Hạo chỉ nhẹ thở dài rồi chậm rải bước xuống ghe, chèo ra sông lớn. Gió nổi lên đột ngột làm chiếc ghe như bị sức kéo mạnh làm nó lướt đi thật nhanh.
Ra đến quá nửa sông, bỗng ông Tám cảm giác chóng mặt, không gượng được đã ngã ngửa trên dàn ghe, hơi thở của ông nhẹ dần cho đến lúc tắt hẳn... Con người nhân hậu, suốt đời gian khổ này đã ra đi thật nhẹ nhàng, thanh thản...
Chiếc ghe cứ trôi, trôi mãi theo con nước ra biển...