Phần II
Tác giả: Người Khăn Trắng
Sau buổi sáng rước dâu về nhà, trong lúc cả nhà đang vui vẻ tiệc tùng thì ông cậu Tư, tức ông lão mà Thiện nhìn lầm là ông ngoại của Yến Vỹ đã đột ngột biến mất!
Sau bữa tiệc, bà Phấn đã đợi khá lâu rồi mới chịu về, sau khi nhắn lại với Thiện:
- Có thể cậu ấy già rồi mà còn uống rượu nhiều nên đi đâu đó rồi bị lạc. Nếu cậu có về con nhờ người đưa cậu qua nhà giùm má.
Thiện không thể nào hiểu nổi con người kỳ lạ này, nên anh quả quyết với vợ:
- Anh chắc chắn ông cậu này có điều gì đó không bình thường!
Diệu Hương vẫn dửng dưng:
- Thì mặc cậu ấy. Bây giờ mình lo chuyện mình. Em muốn đi ngủ thật sớm và anh nhớ dặn má và người nhà không được đánh thức mình dậy trước chín giờ sáng hôm sau!
Thiện ngơ ngác:
- Ngủ tới giờ đó bộ em muốn má chửi cho sao? Con dâu mới về nhà chồng phải dậy sớm chứ!
Diệu Hương vẫn tỉnh bơ:
- Con dâu này khác!
Nói xong, cô đi ngay vào phòng mặc cho tiệc tùng còn đang diễn ra. Bà Năm nhìn thấy, nhưng thương con nên bà cười bảo Thiện:
- Nó mệt, để cho nó nghỉ ngơi. Má hiểu...
Bà còn nói thêm:
- Qua vụ hồi sáng hôm qua, má biết nó chưa khỏe hẳn đâu, vậy mà vẫn cố gắng, tội nghiệp con nhỏ.
Thiện thì không nghĩ vậy anh lặng lẽ bước theo vợ vào phòng. Chỉ sau Diệu Hương có nửa phút, vậy mà khi Thiện vào tới nơi thì cô nàng đã nằm yên trên giường ngủ say. Thử gọi và lay nhưng Hương vẫn chẳng hề hay biết. Đêm tân hôn của Thiện sẽ trọn vẹn nếu vào nửa đêm hôm đó anh không chợt nghe có tiếng thì thầm bên tai:
- Hưởng rồi bây giờ chán, không thèm nữa phải không?
Giật mình, toan bật dậy thì Thiện đã bị vợ kéo lại:
- Muốn trốn trách nhiệm phải không!
Nghe giọng nói quen quen nhưng khác với giọng của Diệu Hương, Thiện hốt hoảng:
- Cô là...
- Người đã hiến thân cho anh rồi, nay anh tính phủ nhận để chiếm đoạt thêm người nữa phải không?
Tới lúc này thì Thiện không còn lầm lẫn nữa, anh kêu khẽ:
- Yến Vỹ!
- Không phải Yến Vỹ nào cả. Là hồn ma được cô ấy nhờ về đây đòi nợ! Vay gì phải trả nấy!
Thiện định vùng dậy thì nàng ta quát:
- Yên nào!
Thiện lo lắng:
- Diệu Hương đâu?
Giọng bên tai anh đanh lại:
- Anh mà còn nhắc tới tên cô nàng lần nữa thì đừng có trách!
Trong đêm tân hôn mà biết mình đang ngủ với một hồn ma thì còn cảm giác nào rùng rợn hơn! Bởi vậy Thiện nằm xuống mà người cứng đờ, hầu như không có một cử động nào của một người chồng... Nhưng điều đó là về phần anh, chớ cô nàng thì đâu chịu như vậy. Cô ta chủ động hết mọi việc, đưa Thiện trở về với cảm giác bị mất máu như đêm ở Dambri, đến nỗi sau cùng Thiện chỉ còn biết nằm thở dốc, thân thể rã rời...
Sáng sớm hôm sau...
Mãi tới hơn chín giờ thì bà Phấn mới cho người vào gọi vợ chồng Thiện dậy. Nhưng gọi mãi mà vẫn không nghe ai trả lời. Phải đích thân bà Phấn gọi lớn:
- Dậy đi chứ tụi bay?
Vẫn im lặng. Sau ba lần gọi nửa, bà Phấn bắt đầu lo, đẩy mạnh cửa vào và...
Trong phòng không thấy Diệu Hương, chỉ có Thiện nằm nửa người trên giường, còn nửa người thòng xuống sàn, sắc mặt tái xanh!
- Con!
Bà Phấn kêu to rồi lao tới chạm vào Thiện. Toàn thân anh lạnh như băng và hầu như không còn chút sinh lực nào.
- Con ơi!
Thiện được đưa ra ngoài để cấp cứu. Trong khi những người khác thì chạy đi tìm Diệu Hương. Đến chiều hôm đó thì người ta chỉ tìm thấy một đôi guốc của Hương nằm bờ sông gần nhà. Ai cũng nghĩ là Diệu Hương đã bị chết đuối, nên ra sức tìm khắp đoạn sông gần đó. Tuy nhiên tìm cả buổi vẫn chẳng có kết quả.
Thiện được cấp cứu đã tỉnh, nhưng trong trạng thái như người mất hồn...
Đến giữa trưa ngày hôm sau thì bên nhà bà Phấn có người qua báo tin là người ta đã tìm thấy xác của Diệu Hương nằm chết ở gốc cây cổ thụ, cạnh miếu cổ, nơi Thiện đã tìm được chiếc khăn tay bữa trước!
Đang kiệt sức, nhưng vừa nghe điều đó Thiện đã bật dậy đòi đi. Khi sang tới chỗ, Thiện đã bật khóc khi thấy xác vợ được mang về nằm ở nhà mà sắc diện vẫn còn nguyên như khi sống. Bà Phấn vừa khóc vừa kể lại:
- Má đang ngủ thì nghe có tiếng gọi và khóc ở ngoài, má ra mở cửa thì chỉ thấy một cái bóng vụt chạy nhanh. Nhìn cái bóng đó tự dưng má nghĩ tới con Diệu Hương! Má chạy theo và cuối cùng tới chỗ miếu cô hồn, và... đã thấy xác nó nằm ở đó.
Bà khóc hết nước mắt, trong lúc Thiện thẫn thờ, anh lẩm bẩm:
- Người ta đã hại em rồi.
Bà Phấn nghe loáng thoáng không rõ nên hỏi lại:
- Ai hại ai?
Thiện không đáp, anh lặng im bước ra ngoài rồi âm thầm đi về hướng miếu cô hồn. Có điều gì uẩn khúc khiến cho Thiện nghĩ anh có thể tìm ra ở đây...
Đang lúc còn đang nhìn ngắm, chợt Thiện giật mình khi phát hiện trên vách phía trong tòa miếu cô hồn có hai dòng chữ viết bằng thứ máu đỏ mà lâu ngày đã trở thành màu nâu sẫm. Vừa thấy dòng chữ Thiện đã tái mặt, bởi nó giống y như hai câu thơ trên vách đá ở thác Dambri:
"Một thuở yêu người, ngàn năm không hết nhớ,
Nửa tuần trăng mật, suốt kiếp khó phôi pha..."
- Yến Vỹ!
Thiện chết điếng. Như vậy là anh đã không thoát được nàng ấy. Vậy mà khi đè chết ông lão hôm đó, chính ông lão cho biết là anh đã thoát được sự báo oán, bởi chính ông đã hy sinh để cứu mạng cho anh, sao bây giờ vẫn còn cuộc tầm thù này?
- Tại sao giữa chốn quê này và Dambri xa xôi lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên này? Không lẽ nơi này là quê hương của Yến Vỹ mà ngôi miếu này là để thờ nàng?
Đầu óc Thiện càng lúc càng thêm hoang mang. Anh đứng tần ngần đọc đi đọc lại hai câu thơ mà không để ý có người đang quan sát mình rất lâu, đến khi người đó cất tiếng hỏi:
- Cậu tìm gì ở đó vậy?
Ngẩng lên thấy một bà cụ, Thiện vội nói:
- Thưa bà, cháu thấy lạ vì trong miếu có mấy câu thơ...
Bà già hình như am hiểu về ngôi miếu hoang:
- Chuyện chỉ liên quan tới người ta, cậu việc gì phải tò mò...
Câu nói đó làm cho Thiện càng tò mò thêm:
- Bà nói liên quan tới ai?
- Tại sao cậu muốn biết?
- Dạ, xin bà cho biết, cháu muốn...
Bà già vừa quay bước vừa nói:
- Lâu rồi ta không nói với ai chuyện này, nhưng mấy hôm nay ta cảm thấy trong người gần như không còn sức nữa, ta hiểu rằng cũng nên nói cho ai đó biết chuyện của ngôi miếu này, kẻo rồi chẳng còn ai biết mà kể...
Thiện bước theo, anh năn nỉ:
- Bà kể cho cháu nghe đi, cháu cần biết...
Ra dấu cho Thiện theo mình về một ngôi nhà ngói cũ gần đó, khi về đến nơi bà mới nói tiếp:
- Cậu là người đầu tiên nghe tôi nói chuyện này, cậu vào nhà đi.
Thiện ngoan ngoãn bước theo vào. Vào bên trong rồi anh chưa kịp hỏi gì thì đã nghe bà già lên tiếng:
- Cậu là người xứ nào tới?
- Dạ... cháu ở xã bên kia sông, cháu tới đây để làm rể nhà Hai Phấn.
Vừa nghe nói bà già đã trố mắt:
- Nhà có đứa con gái vừa mới chết?
- Dạ.
- Chết bởi dính tới nhà họ Đoàn?
Thiện hốt hoảng:
- Bà biết chuyện đó?
Không nhìn Thiện, bà lão đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, giọng trầm buồn:
- Chuyện này tưởng đã trôi qua rồi, sao bây giờ lại tái diễn nữa, oan oan tương báo đây mà...
Thiện cố ý lắng nghe, nhưng bà già ngừng nói khá lâu rồi mới tiếp:
- Tưởng nhà họ Đoàn đó bỏ đi thì hết chuyện, nào ngờ khi cái miếu âm hồn còn đó thì vẫn còn chuyện oán thù...
- Nhà họ Đoàn ở xứ này sao?
Chỉ tay ra phía ngôi miếu âm hồn, bà nói:
- Chính chỗ cây đa cổ thụ đó ngày xưa là cổng nhà của họ. Chính ngôi miếu đó là nguyên nhân khiến họ bỏ nhà đi biệt cho đến nay không nghe tin tức gì!
- Ai bỏ đi vậy bà?
- Thì nhà họ Đoàn! Trước kia, khoảng hơn hai mươi năm họ là một bá hộ trong vùng này, có ngôi nhà lớn nhất làng, ngoài ra nghe nói còn vài ngôi nhà nghỉ mát ở những nơi xa xôi nữa... bởi ông chủ họ Đoàn là người làm nghề khai thác gỗ rừng ở vùng cao nguyên, giàu có lớn lắm!
Thiện thêm tò mò:
- Giữa chuyện bỏ xứ ra đi của họ Đoàn đó có liên quan gì tới ngôi miếu âm hồn đó vậy bà?
- Có chứ. Cái miếu đó là do chính họ Đoàn lập nên trước khi trốn đi!
Rồi không đợi Thiện hỏi, bà nói tiếp:
- Họ lập miếu vì bị oan hồn phá dữ quá! Nghe nói họ gây tội ác gì đó với một cô trinh nữ ở đâu đó trên miệt rừng, rồi khi trở về đây oan hồn theo về. Hồi đó ở đây đã từng nghe chuyện cả hai đứa con do vợ ông chủ họ Đoàn vừa sinh ra đã bị chết một cách đầy bí ẩn, khiến cho bà vợ sợ quá phải đem đứa con thứ ba vừa sinh ở thành phố gửi đi biệt luôn, chẳng biết là đi đâu, cho đến khi họ rời khỏi làng này. Thiên hạ nói sau đó nhà họ Đoàn chẳng những trốn đi xứ khác mà còn thay họ đổi tên nữa! Có lẽ nhờ vậy mà từ đó nơi này không còn chuyện đêm đêm hồn ma một cô gái hiện về ở miếu âm hồn để kêu khóc, đòi mạng nữa. Vậy mà nay lại xảy ra chuyện con gái Hai Phấn bị hại, xác lại ở ngay miếu đó. Chẳng lẽ...
Bà già chợt nhìn sững vào Thiện:
- Cậu có liên quan gì tới họ Đoàn không?
Thiện hốt hoảng:
- Dạ không! Cháu họ Dương.
- Kỳ lạ...
Bà già buông câu nói rồi im lặng. Hình như bà đang suy nghĩ điều gì đó...
Hồi lâu, bà chợt hỏi:
- Sao cậu biết gia đình bà Hai Phấn mà cưới con gái bà ấy?
- Dạ, do má cháu quen biết. Trước đây nghe nói má cháu có ở xứ này.
- Má cậu tên gì?
- Dạ... người ta hay gọi là bà Năm.
- Phải Năm Hường không?
Nghe bà hỏi Thiện giật mình, bởi cái tên Hường là tên tục của mẹ mà lâu lắm rồi ít nghe ai gọi. Anh lúng túng:
- Bà... bà biết má cháu?
Bà già sửng sốt nhìn Thiện:
- Chẳng lẽ cậu là...là...
Bà không nói hết câu đã đứng vụt dậy. Đột ngột hỏi:
- Cậu là con trai của Đoàn Trung?
Thiện lắc đầu:
- Dạ không. Cha cháu là Dương Hòa.
Sau câu trả lời của Thiện, bà già mới bớt căng thẳng:
- Vậy là không phải rồi, nhưng cậu về hỏi bà mẹ cậu xem bà có biết ông Đoàn Trung không? Và bà có phải là Năm Hường ngày xưa là con của nghiệp chủ Lợi ở Cần Thơ không?
Tuy bớt căng thẳng, nhưng bà cụ vẫn không thôi nhìn Thiện với đôi mắt tò tò:
- Sao mẹ cậu lại là Năm Hường?
Thiện lắc đầu:
- Cháu cũng không biết.
Bà già lẩm bẩm một mình:
- Chuyện này không lẽ...
Rồi có lẽ do đã ngồi nhiều, nói nhiều nãy giờ, nên bà già nhẹ lắc đầu bảo Thiện:
- Thôi, cậu biết bao nhiêu đó đủ rồi. Nếu không phải là người của họ Đoàn thì tôi khuyên cậu không nên tò mò ở cái miếu đó làm gì. Đã có biết bao nhiêu rắc rối xung quanh nó rồi, mà làng này cũng không còn muốn xảy ra thêm những cái chết oan uổng nữa! Thôi, cậu về đi. Nói tôi gửi lời chia buồn với bà Hai Phấn.
Bà ta nói xong thì lặng lẽ đi vào nhà trong để lại Thiện với những thắc mắc trong lòng...
***
Chôn cất vợ xong thì Thiện trở về nhà ngay. Và việc đầu tiên là anh hỏi ngay mẹ mình:
- Có phải trước đây má ở Cần Thơ không? Ông ngoại con là nghiệp chủ Lợi?
Tuy có ngạc nhiên, nhưng bà Năm vẫn nhẹ nhàng đáp:
- Phải. Con hỏi chi vậy?
- Tại vì lâu nay con ít có dịp hỏi chuyện dòng họ mình.
- Cũng bởi ngay từ nhỏ con đã xa nhà, sống tận bên Pháp, nên đâu có dịp nào...
Thiện chợt hỏi:
- Sao con phải xa nhà từ lúc con nhỏ xíu vậy má?
Câu hỏi đó khiến bà Năm phải nhìn sững vào con trai, rồi lát sau bà mới đáp:
- Anh em con thuộc dạng khó nuôi, cho nên ba má phải gửi con cho chú Sáu ở bên Pháp nuôi.
- Má nói con khó nuôi là sao? Bộ hồi mới sinh ra con bệnh hoạn dữ lắm sao?
Bà Năm lắc đầu:
- Không. Trái lại lúc sinh ra con nặng trên ba ký và bụ bẫm lắm, má tính giữ lại, nhưng ba con quyết không cho. Cũng bởi hai anh chị con trước đó đã...
Bà ngừng nói, nhưng Thiện đã đột ngột hỏi:
- Anh chị con có phải đã chết hết ngay từ khi mới sinh ra không?
Bà Năm nhìn con ngạc nhiên:
- Sao con biết?
- Vậy là đúng phải không? Nhưng sao từ lâu nay con không nghe má nói? Nếu con không nhờ người ta cho biết thì...
Rồi bất chợt Thiện hỏi:
- Mình thật ra là họ gì má?
Bà Năm hốt hoảng thấy rõ:
- Con... con hỏi để làm gì?
- Nhưng má chưa trả lời con. Con có phải thật sự họ Dương không, hay là... họ Đoàn?
Câu hỏi này đã làm cho bà Năm run lên, biến sắc liền:
- Con... con đừng hỏi!
Thiện mới là người hoảng loạn trong lúc này. Anh run giọng nói:
- Như vậy thật sự là họ Đoàn rồi.
Rồi như thân cây đổ xuống, Thiện ngã ngồi xuống sàn nhà trước sự hoảng hốt của bà Năm:
- Kìa, con làm sao vậy Thiện?
Thiện nói như người tâm thần:
- Vậy ra con là người nhà họ Đoàn. Cha con là Đoàn Trung chứ đâu phải là Dương Hòa, phải không má?
Bà Năm cũng như chiếc bong bóng xì hơi:
- Con biết hết rồi còn gì phải hỏi má nữa...
Một sự im lặng đến khó thở... mãi một lúc sau Thiện mới thở dài:
- Con nhận hậu quả là phải rồi, cớ sao lại bắt vợ con phải chết, hở trời!
Bà Năm ấp úng:
- Chuyện ngày xưa đó... đã qua rồi.. ba con cũng đã chết rồi. Hơn hai mươi năm rồi còn gì...
- Nhưng rõ ràng là chưa hết. Má có biết Diệu Hương chết là do ai không? Do oan hồn người con gái tên là Yến Vỹ!
Vừa nghe tới cái tên ấy, bà Năm đã kêu thét lên:
- Sao con biết tên đó? Sao con...
- Chẳng những biết mà còn gặp nữa. Và còn...
Anh lặng người đi, rồi lát sau òa lên khóc! Bà Năm sợ hãi:
- Chuyện gì đến nỗi vậy con? Má nghĩ đây là chuyện do ba con làm ngày xưa. Mà tội ai làm nấy chịu chứ? Vả lại lâu nay má đâu có thấy vong hồn của cô ấy về nữa đâu?
- Má có biết hai câu thơ này không: Một thuở yêu người ngàn năm không hết nhớ - Nửa tuần trăng mật suốt kiếp khó phôi pha...
Bà Năm suy sụp hoàn toàn:
- Vậy là con hiểu hết rồi...
Bà gục xuống ôm mặt khóc ròng. Thiện dịu giọng:
- Con muốn biết nhiều hơn về chuyện nhà mình, má đừng giấu con nữa.
Bà Năm khóc một lúc rồi chợt ngẩng lên hỏi:
- Ai nói cho con hết chuyện này?
- Chính con đã gặp cô ấy!
- Ở đâu?
- Ở thác Dambri.
- Trời ơi!
Bà Năm kêu lên như vậy rồi lại khóc. Hồi lâu sau, bà mới nói qua làn nước mắt:
- Tội ác của ba con xảy ra ở trên ấy, đúng rồi!
- Má kể hết cho con nghe đi.
Bà Năm vụt đứng lên, rồi thay vì bước vào phòng riêng, bà lại đi ra bên hông nhà. Thiện đi theo, hỏi mẹ:
- Má đi đâu vậy?
Cầm lấy cây thuổng đào đất dựng bên hông nhà, bà Năm đi thẳng tới gốc cây mít lớn nhất trong vườn rồi bảo con:
- Má đào không nổi, con giúp má đào nó lên.
Thiện ngạc nhiên:
- Cái gì ở dưới?
- Tất cả sự thật mà con muốn biết!
Thiện đào từng nhát thuổng mà lòng rối bời. Lát sau, anh phát hiện một chiếc rương sắt nhỏ nằm dưới lớp đất sâu, hơi ngạc nhiên thì bà Năm đã nói:
- Con lấy nó lên, không có tiền bạc gì hết trong ấy, chỉ có một quyển sổ mà má đã đốt, nhưng đốt năm lần bảy lượt nó vẫn không cháy, nên đành phải chôn, hy vọng thời gian sẽ làm nó tiêu hủy...
Mở rương sắt ra thì quả nhiên chỉ có đúng một quyển sổ bìa cứng đã khá cũ nằm trong đó. Thiện chưa dám cầm lên thì bà Năm đã nhắc:
- Con cứ mang đề phòng riêng mà đọc. Đọc rồi tùy con muốn hủy bỏ hay chôn lại cũng được. Má sợ nó lắm rồi!
Bà quay lưng bỏ đi. Thiện cầm quyển sổ một lúc lâu rồi mới bước về phòng. Mặc dù đã khá mệt sau những gì từ sáng đến giờ, nhưng Thiện vẫn cố mở quyển sổ ra và đọc ngấu nghiến:
Ngày... tháng... năm...
Đúng ra hôm nay mình không lên Blao. Nhưng có lẽ duyên số trời định nên mình đột ngột từ Gia Nghĩa đã quay xe về đó qua con đường đi tắt và... đã gặp được nàng! Người con gái hai dòng máu Kinh - Thượng mà sao đẹp đến lạ thường! Khi mình hỏi nàng tên gì, nàng chỉ đáp gọn hai chữ: Yến Vỹ!
Mình tự giải thích:
- Yến Vỹ là cái đuôi con chim én! Mà con chim én (hay yến) có duyên và đẹp nhất là ở cái đuôi ngúng nguẩy!
Nàng cười tít mắt rồi đột ngột hỏi lại mình:
- Anh có muốn nuôi con chim én này trong lồng không?
Trong lúc ngẫu hứng mình đã đáp nhanh:
- Muốn quá đi chứ!
Thế là chỉ trong vòng một buổi ngắn ngủi gặp nhau, mình và Yến Vỹ đã yêu nhau. Mà cũng đâu có gì là sai trái, bởi mình là trai chưa vợ và nàng là gái chưa chồng, cả hai đều có quyền đến với nhau, yêu nhau!
Hai tháng sau khi mình trở lên Blao lần nữa thì mình đã đi tới một quyết định khá bất ngờ đối với nàng:
- Anh sẽ cất nhà và ở lại đây lập nghiệp.
Yến Vỹ ngạc nhiên không tin:
- Nơi đây đâu có cơ sở làm ăn gì của anh đâu mà anh quyết định ở lại?
Mình cười đáp:
- Sao lại không? Cơ sở vững chắc đó là em! Anh sẽ cưới em và vợ chồng mình xây tổ ấm nơi đây, ngay gần cái thác nước này. Anh đã tới thác Cam Ly, thác Prenn, Pongour... nhưng chỉ thấy nơi đây là đẹp hơn cả. Có lẽ tại vì có em!
Vậy là mình gắn cuộc đời với vùng đất có dòng thác Dambri đẹp mê hồn.
Thiên tình sử đẹp như tranh vẽ đã bắt đầu với lời hứa hẹn của hai đứa bên dòng thác tuôn chảy ì ầm, mình đã hứa với nàng:
- Suốt đời này anh chỉ có mình em mà thôi! Dù cho vật đổi sao dời thì vẫn chỉ một cái tên Yến Vỹ trong đời Đoàn Trung này!
Nàng cũng đã long trọng hứa vào buổi chiều ánh hoàng hôn vắt qua ngọn thác:
- Trong đời này nếu trời còn, đất còn thì tình của Yến Vỹ dành cho Trung mãi mãi còn! Nếu sai lời thì trời tru đất diệt!
Mình đã rợn người trước câu thề thốt nặng nề đó, nhưng biết sao khi tình của nàng ấy đối với mình phút chốc đã quá sâu nặng rồi! Và mình cũng đã phải thề lại cho nàng tin:
- Anh nguyện suốt đời bên em, nếu bội ước thì sẽ phải trả bằng cả tương lai của mình!
Ngày... tháng... năm...
Vậy là hai đứa hoàn thành được ước nguyện. Mặc dù cha mẹ mình từ quê nhà nghe tin đã phản đối cuộc tình mà họ cho là trái chiều, không hợp lẽ, bởi theo họ thì người Kinh không thể thành vợ chồng với người con gái Thượng.
Mà phía gia đình Yến Vỹ cũng phản đối. Họ cho rằng tình yêu mình dành cho Yến Vỹ là không thật, họ nghi ngờ... Chỉ có một người duy nhất là ông ngoại của cô ấy luôn ủng hộ, nhưng ông cũng không có được ảnh hưởng lớn trong nhà. Cho nên cuối cùng tụi mình đã chọn giải pháp tự quyết định tương lai bằng cuộc hôn nhân không có hai bên cha mẹ chứng kiến! Yến Vỹ nhờ có học tiếng Kinh nên cô ấy hiểu biết luật lệ về nếp sống người Kinh, nhờ vậy khi hai đứa sống với nhau trong ngôi nhà mình mới xây, gần khu vực toàn người Kinh sinh sống, chẳng một ai biết nàng là người dân tộc. Cái tên Yến Vỹ là một cái tên Việt hoàn toàn do nàng tự đặt khi đi học trường Kinh, chớ tên dân tộc Châu Ro của nàng Th'ơ Ria. Nàng bảo rằng từ nay nàng chỉ muốn được gọi là Yến Vỹ!
Ngày... tháng... năm...
Không ngờ tai nạn ập đến với hai đứa quá sớm! Lại tới từ phía gia đình mình: Khi hay tin mình xây nhà ở riêng với Yến Vỹ, cha mẹ mình đã lên tận nơi tìm và cương quyết phản đối, bắt mình phải bỏ ngay cô ấy! Mình không nghe thì cha mình đã mạnh tay, cắt đứt hết mọi nguồn tiền bạc mà từ lâu cho mình kinh doanh gỗ và lâm sản. Điều này cũng chẳng sao, nếu không thêm việc ba mình cho tổ chức bắt cóc Yến Vỹ đem giấu biệt đến hơn một tháng, khiến mình phát điên lên, tìm kiếm khắp nơi!
Sau cùng mình giải thoát được cho Yến Vỹ, nhưng khi trở về thì cô ấy bỗng phát bệnh và gần như câm và điên loạn! Mình tìm đủ mọi cách để cứu chữa, nhưng cũng vô hiệu, bởi sau đó mình biết được là ba mình đã nhờ một ông thầy mo, cho Yến Vỹ uống một loại thuốc gì đó mà ông ta nói là khi uống vào, người uống sẽ bị mất hết trí nhớ về những gì xảy ra trước đó. Có nghĩa buộc nàng phải quên mình đi!
Ngày... tháng... năm...
Thấy mình vẫn không chịu rời xa nàng, ba mình lại ra tay mạnh hơn. Ông tung tin, vu cho nàng là cô gái ma lai! Với sự giúp sức của một ông thầy mo vô lương tâm, Yến Vỹ bị người trong làng, bản xa lánh, xua đuổi. Kể cả những người xóm Kinh gần ngôi nhà của mình xây cho nàng ở cũng ghét bỏ, tẩy chay, khiến Yến Vỹ càng điên nặng hơn, và một ngày kia nàng biến mất không để lại chút tung tích gì! Mình đã tìm khắp nơi, vào tận buôn làng của nàng để tìm nữa mà vẫn không thấy...
Ba tháng trôi qua...
Ngày... tháng... năm...
Mình trở lại Dambri sau mấy tháng đi khắp nơi tìm kiếm thì thật bất ngờ khi nhìn thấy những câu thơ trên vách đá. Mình biết ngay đó là do chính Yến Vỹ viết, điều đó lại càng khiến lòng mình tan nát. Mình ở lại vách đá đó suốt ba ngày đêm, mong được gặp nàng, nhưng vẫn bặt vô âm tín... Cho đến một buổi chiều kia, mình nghe tin sét đánh: có một xác chết trôi phía hạ nguồn dòng thác là phụ nữ! Khi mình tìm đến nơi thì chính đó là xác của Yến Vỹ!
Mình đem xác nàng về định chôn ngay trong vườn nhà, nhưng xác nàng đến nửa đêm hôm đó thì đột nhiên biến mất!
Ngày... tháng... năm...
***
Thiện buông quyển sổ nhật ký xuống, anh thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi!
Rồi anh ngồi thừ người ra. Làm sao anh có thể tưởng tượng ra câu chuyện lại đến nông nỗi này! Cũng may, khi hồn ma Yến Vỹ gặp anh lần đầu nàng ta chỉ muốn trả thù nên hút máu, chứ không làm chuyện gì đó xằng bậy...
Thiện quay lại hỏi mẹ:
- Thời gian đó má đã có quen với ba chưa?
Bà Năm lắc đầu:
- Cũng may là chưa. Khi ông ấy bị vụ đó làm cho bấn loạn, bỏ nhà đi đến gần cả năm sau mới về nhà trong tình trạng không ra người ngợm gì cả. Ông nội con nhân cơ hội đó đã đi hỏi cưới má cho ông ấy! Ban đầu ông ấy không chịu, nhưng sau cùng có lẽ quá chán ngán với chuyện giang hồ, cho nên ông ấy đã bằng lòng. Má là gái nhà quê, đâu có biết gì ngoài việc vâng lời cha mẹ. Khi về ở với ba con được hai năm thì má sinh đứa con đầu. Má mừng lắm, nhưng chưa kịp vui trọn vẹn thì vào một đêm khuya, lúc má đang cho con bú thì bỗng có một bóng người đầu tóc rối bời, mình mẩy ướt đẫm, đã từ ngoài cửa sổ nhảy xổ vào cướp lấy đứa con trên tay má và chạy mất! Má gào khóc lên, nhưng khi mọi người chạy vào thì chẳng ai biết phải tìm ở đâu? Đến sáng hôm đó thì chính ba con tìm gặp xác chị con nằm chết ở miệng giếng cạnh cây đa cổ thụ trước nhà! Hình như xác chị con mới được vớt lên từ dưới giếng.
Bà phải ngừng lại mấy lần bởi cơn xúc động cắt ngang lời nói. Hồi lâu mới nói tiếp:
- Hai năm sau đến lượt anh con. Nó vừa được sinh ra, lúc còn đang nằm trên tay bà mụ sinh thì đã bị cướp đi lần nữa, cũng bởi một bóng trắng xõa tóc! Và sau đó xác thằng bé cũng được tìm thấy ở bờ giếng như lần trước. Mà lần này còn táo tợn hơn, kẻ sát nhân còn lớn tiếng báo cho biết nó sẽ tiếp tục giết bất cứ đứa bé nào chào đời trong nhà họ Đoàn!
Thiện không dừng được, vội chen vào:
- Người đó là ai?
Bà Năm nói trong nước mắt:
- Ba con đã biết ngay là Yến Vỹ! Chính oan hồn cô ấy còn ngồi dưới gốc cây cổ thụ mấy đêm liền sau đó. Bởi vậy khi má mang thai con thì ba con vì không muốn mất con nên đã quyết định chuyển nhà đi nơi khác, rồi sau khi má sinh con ra, ba má liền quyết định gửi con cho chú Sáu ở bên Pháp nuôi giùm. Rồi cũng từ ấy theo lời khuyên của một ông thầy, ba con thay đổi luôn tên họ, đoạn tuyệt luôn với quá khứ, bỏ luôn quê nhà và không bao giờ còn trở lại những nơi mà trước kia ba con đã từng ở.
Thiện cắt ngang:
- Nhưng sao khi con trở về nước và có ý định lên Bảo Lộc má lại không cản?
Bà Năm lắc đầu:
- Má nào hay con đi lên đó!
Thiện nhớ lại khi anh có ý định tìm nơi yên tĩnh để soạn luận án tiến sĩ mà sau khi lấy vợ anh sẽ trở qua Pháp để trình thì có người bà con đã âm thầm cho anh địa chỉ ở Dambri. Thiện cũng không nhớ rõ đó là ai, anh hỏi mẹ:
- Cái chú gì đem xe chở con lên Bảo Lộc hôm trước, má có nhớ không?
Bà Năm lại lắc đầu:
- Má tưởng là bạn con ở bên Pháp cùng về.
Thiện chép miệng:
- Con nào có bạn cỡ tuổi đó. Chính ông ta xưng là bà con với nhà mình, tình nguyện đưa con ra Bảo Lộc và còn chỉ cho căn nhà mà ông ta nói là nhà của mình đang bỏ trống, có ý cho con ở miễn phí thời gian dài!
Bà Năm kêu lên:
- Con đã bị hồn ma nó dẫn đường đưa lối rồi! Ngôi nhà đó từ khi ba con chết má cũng bỏ luôn, không bao giờ nhắc tới, cũng chẳng biết ra sao nữa.
Thiện lẩm bẩm:
- Con mang họ Dương, vậy làm sao oan hồn cô Yến Vỹ lại biết con là họ Đoàn?
Bà Năm chợt hiểu:
- Do má chủ quan thôi. Má nghĩ chắc đã quá lâu rồi, vả lại mấy chục năm nay không hề thấy oan hồn cô ấy hiện về quấy phá nữa, nên khi nghe bà Hai Phấn ngỏ ý muốn gả con, má đã vội dẫn con sang bên ấy gặp ngay, mà quên rằng chốn cũ đó là nơi vẫn còn cái miếu âm hồn mà má đã nhờ người ta xây để thờ oan hồn cô Yến Vỹ! Có lẽ việc trả thù của vong hồn cô ấy vẫn chưa dứt.
Kể xong, bà nói khẽ với con:
- Quyển sổ nhật ký không hay ho này má đã bao nhiêu lần tìm cách đốt, nhưng không lần nào làm được, dẫu bỏ vào lò lửa nó vẫn không cháy, bởi vậy má mới chôn. Bây giờ con thử đốt lại lần nữa coi, nếu được thì coi như mình hủy nó luôn!
Thiện làm theo. Anh đốt một đống lửa ngoài vườn và tự tay ném quyển nhật ký vào đó. Anh cứ nghĩ nó sẽ không cháy như lời kể của mẹ. Tuy nhiên, thật bất ngờ, quyển sổ bùng cháy một hơi, ngọn lửa cao hơn bình thường và tỏa ra ngọn khói màu đen kỳ dị. Vài phút sau thì không còn lại gì. Chính bà Năm cũng kinh ngạc:
- Vậy là sao?
Thiện nói khẽ:
- Có lẽ mọi việc đã được hóa giải rồi. Diệu Hương đã chết thay cho con và oan hồn cô Yến Vỹ đã hài lòng, thôi không truy cứu nữa...
***
Ngay chiều hôm đó đích thân Thiện trở qua nhà vợ. Anh thắp nhang cúng Diệu Hương và khóc nức nở trước bàn thờ:
- Chính anh đã hại chết em và em đã cho anh được sống Hương ơi! Em sống khôn thác thiêng, xin hãy phù hộ cho anh được ở lại đây cùng em sống cảnh âm dương chia xa nhưng không cách lòng. Anh xin được mãi mãi ở vậy cùng em tại ngôi nhà này...
Anh xin phép mẹ vợ để về sống trong căn phòng mà Diệu Hương trước khi chết đã sống. Bà Hai Phấn dẫu không muốn nhưng cũng chiều lòng Thiện.
Từ hôm đó, Thiện sắm vai người ở rể chăm chỉ, cần cù và mẫu mực. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Thiện một mình tới ngôi miếu âm hồn để quét dọn, sơn phết lại khang trang, sạch sẽ. Anh đã khấn rất thật lòng:
- Cô Yến Vỹ đã biết rõ rồi, tôi không giấu nữa, tôi là dòng máu của Đoàn gia. Tôi đã hiểu được việc làm của ông cha tôi ngày trước, đó là một tội lỗi khó tha và việc cô tầm thù, trả thù là chính đáng, tôi không trách gì cô cả, chỉ tội cho người con gái vô tội đã vì tôi mà phải mất mạng. Kính mong cô từ bi hỉ xả, tha cho chúng tôi. Từ nay tôi nguyện làm người hầu hạ vong hồn cô, làm ông từ giữ miếu cho cô. Nếu cô chấp nhận thì để tôi sống và làm nhiệm vụ đã hứa. Còn bằng không thì xin cho tôi chết ngay tại nơi này, ngay lúc này!
Anh quỳ xuống và chờ đợi...
Nhưng suốt một buổi, trước sự ngạc nhiên của người qua kẻ lại, Thiện vẫn yên ổn. Khi anh xá xong ba xá đứng dậy thì ngôi miếu bỗng nhiên bốc cháy dữ dội! Thiện kinh hoảng định lao vào chữa, nhưng anh không làm kịp, bởi lửa mới chỉ bùng lên là đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi miếu có tuổi thọ gần ba mươi năm!
Thiện lẩm bẩm:
- Đúng là dứt thật sự rồi. Xin cám ơn và cầu chúc cho hương hồn cô Yến Vỹ sớm siêu thoát...
Từ hôm ấy, Thiện sống yên lành bên nhà vợ và cũng không giấu giếm mình là người mang họ Đoàn.