-Phần 2
Tác giả: Người Khăn Trắng
Gõ nhẹ vào cửa phòng, đẩy cửa bước vào, thấy mẹ nằm trên giường, Thoại Vũ bước đến:
- Mẹ không được khỏe hả mẹ? Sao mẹ đi nghỉ sớm quá vậy?
Bà Minh Tuyền quay lại, nhìn thấy con trai chống tay ngồi lên:
- Con về rồi hả? Ăn cơm chưa?
- Dạ chưa ạ. Bây giờ con phải sang nhà cô bé hàng xóm để khám lại cho cô ta.
- Con bé về nhà rồi à? - Bà Minh Tuyền đã được con trai kể lại cho nghe về chuyện của Lâm Giang, cô bé hàng xóm bị tai nạn.
Thoại Vũ ngồi xuống cạnh giường mẹ trả lời:
- Dạ! Cô ấy vừa xuất viện sáng nay. Mẹ cô ấy có nhờ con sang khám cho Lâm Giang.
Bà Minh Tuyền hơi khó chịu:
- Mình là bác sĩ, người ta cần thì phải tìm đến mình, sao lại phải sang nhà người ta.
Thoạl Vũ mỉm cười:
- Thôi mẹ ạ! Là hàng xóm giúp nhau một chút có sao đâu. Cũng sát nhà ta thôi mà. Con qua bên ấy một lát rồi về ngay thôi mẹ ạ.
- Ừ! Đi nhanh rồi về ăn cơm.
Thoại Vũ đứng lên, ra ngoài khép phòng lại. Còn một mình, bà Minh Tuyền nằm xuống mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà. Vài tháng nay tinh thần bà suy sụp hẳn đi. Cứ một tháng, vào những đêm tối trời, con quỷ ấy lại xuất hiện. Nó rình rập bà mọi lúc, mọi nơi. Nó xuất hiện bất ngờ, gương mặt lông lá, đôi mắt một màu rực đỏ như lửa.
Bà nhớ lại, đêm gần đây nhất bà đang đứng ngoài ban công hóng mát, mắt nhìn đóa hồng nhung đang rung rinh trước gió. Bất ngờ từ phía lùm cây kiểng, một bóng đen cao to người đầy lông lá chồm tới, nó giơ bàn tay đầy vuốt nhọn hoắt chụp xuống đầu bà. Miệng phát ra những âm thanh khùng khục, đùng đục trong cổ họng.
Bà Minh Tuyền hét lên kinh hoàng, quăng mạnh ly nước đang cầm trên tay về phía con quỷ. Ly nước rơi xuống vỡ tan tành, bà hớt hãi chỉ tay về phía trước, miệng ú ớ nói không nên lời.
Lúc đó bóng đen kia đã biến mất. Bà nói như thế nào mọi người cũng không tin. Họ cho là bà hoa mắt, cho bà là thần hồn nhát thần tính... nhưng bà Minh Tuyền quả quyết rằng những điều bà nhìn thấy là sự thật. Và đây đâu phải là lần đầu tiên bà nhìn thấy con quỷ này. Đã nói là mấy tháng gần đây, bà đã đôi lần thấy sự xuất hiện của nó. Lúc đầu bà cũng không tin vào những gì mình đã thấy, nhưng với những lần kế tiếp, cũng hình dáng lông lá đó, cũng gương mặt gớm ghiếc kia, nó luôn muốn vồ lấy bà để ăn tươi nuốt sống... Trời ơi! Bà Minh Tuyền rên lên thành tiếng.
- Tại sao tôi lại bị quỷ ám như thế này. Làm sao mà sống được đây?
Bà mệt mỏi, đứng lên đi lảo đảo trong phòng. Tình cờ bà bước đến bên cửa sổ nhìn sang ngôi nhà bên cạnh.
Tầng hai của nhà bà, cũng ngang tầm với nhà kế bên, bất ngờ bà nhìn thấy rõ Thoại Vũ đang trò chuyện với một cô gái. Vì khoảng cách khá xa nên bà không nghe rõ hai người đang nói gì.
Thoại Vũ chỉ vào mấy viên thuốc trên bàn và nói:
- Đây là thuốc giảm đau, khi nào em thấy khó chịu lắm thì hãy uống, đừng lạm dụng loại thuốc này nhiều không tốt nha.
- Dạ! - Lâm Giang trả lời. - Vậy chừng nào em mới có thể đi học lại được ạ.
- Cố gắng nghỉ ngơi, hai ba ngày nữa rồi hãy đi học. Anh sợ em đi nhiều sẽ bị chóng mặt.
Cánh cửa phòng ngủ đẩy nhẹ vào, bà Lâm Ngọc xuất hiện với ly nước cam trong tay.
- Mời bác sĩ dùng nước. Bà nói.
- Dạ cám ơn bác, làm phiền bác quá.
- Đâu có. Mẹ con tôi mới làm phiền bác sĩ. Rồi bà nhìn con gái hỏi. - Thế nào rồi, sức khỏe của cháu đã ổn định chưa, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Thoại Vũ trả lời:
- Dạ! Bác yên tâm, chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là Lâm Giang khỏe hẳn.
- Trông con bé còn xanh xao quá.
- Không sao đâu, khi nào khỏe, bác bồi bổ nhiều vào. Tức khắc da dẻ hồng hào lại cho coi, chỉ sợ cô bé này nhõng nhẽo không chịu ăn thôi.
Lâm Giang đỏ mặt:
- Bác sĩ nói cứ như con trẻ con lắm vậy.
Bà Ngọc cười xen vào:
- Chứ còn gì nữa. Bác sĩ Vũ nói đúng quá đi chứ. Đôi khi con còn làm nũng với ba mẹ như đứa trẻ lên ba ấy.
- Mẹ! - Lâm Giang giấu mặt vào lòng bàn tay thẹn thùng. - Mẹ lại nói xấu con gái mẹ nữa rồi. Chốc nữa ba về con lại mách ba cho mà coi.
Bà Ngọc tủm tỉm cười nhìn Thoại Vũ:
- Cậu thấy đó, vậy mà không công nhận mình là trẻ con.
Thoại Vũ nhìn Lâm Giang, một cảm giác xúc động khó tả dâng trào. Chưa bao giờ anh thấy có một thiếu nữ nào có sự hồn nhiên của một đứa bé như thế. Ở Lâm Giang, Thoại Vũ phát hiện ra cô bé là một thế giới khác hẳn, một thế giới của sự tinh khiết, thanh tao, đầy thơ mộng, tại sao một thiếu nữ lại có thể tạo cho mình một thế giới trẻ thơ như thế được nhỉ.
Thoại Vũ không nói gì chỉ nhìn Lâm Giang khẽ lắc đầu nhè nhẹ. Anh cáo từ ra về, trong lòng lâng lâng một cảm giác. Về tới nhà thấy mâm cơm đã dọn sẵn như chờ anh, Thoại Vũ hỏi chị giúp việc.
- Ba má tôi đã ăn cơm chưa?
- Dạ thưa ông đã ăn rồi, còn bà thì tôi đã nói mãi nhưng vẫn không ra ăn.
Thoại Vũ quay đi vừa nói:
- Chị coi hâm lại thức ăn đi, tôi sẽ gọi mẹ tôi xuống.
- Dạ! Xin cậu đừng đánh thức bà dậy. Bà vừa mới chợp mắt.
- Thế à! - Thoại Vũ thốt lên rồi quay lại bàn ăn, ngồi xuống và nói, chị nấu chút gì đó cho ngon ngon chốc nữa mẹ tôi dậy thì đem lên cho bà ăn.
- Dạ!
Thoại Vũ ăn cơm một mình. Anh thấy cơm chán ngắt, khô khan và khó nuốt, không khí bữa ăn gia đình cũng quan trọng lắm. Nó làm cho bao tử con người ta có cảm giác hứng thú bữa ăn hay không. Thoại Vũ gần như quen thuộc cái không khí gia đình lạnh lùng như thế này ngay khi còn là một đứa bé.
Trong nhà này không thiếu một thứ gì. Duy chỉ có một thứ luôn thiếu, nếu không nói là khan hiếm. Đó là nụ cười. Các thành viên trong gia đình dường như rất ít biết cười. Họ đối xử với nhau rất nhã nhặn, lịch sự nhưng không bao giờ cởi mở thoải mái với nhau.
Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ rằng gia đình Thoại Vũ sống rất hạnh phúc, vì chẳng bao giờ nghe ai cãi vã to tiếng với nhau, nhưng thật ra ẩn sau cái màn nhung hạnh phúc ấy là cả một sự chạnh lòng, chán ngắt đến buồn tẻ. Công việc ai nấy làm, tối về sum hợp dưới một mái nhà để nghỉ ngơi chứ không phải để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.
Thoại Vũ thở dài, anh buông đôi đũa, chị người làm đưa tay định xới chén cơm khác thì anh đưa tay ngăn lại, lắc đầu.
- Sao cậu ăn ít thế. - Chị người làm quan tâm hỏi. - Một bát thì làm sao đủ sức khỏe mà làm việc.
- Không sao. - Thoại Vũ đẩy ghế đứng lên. - Tôi no rồi.
Anh quay về phòng mình. Sau khi tắm xong, mặc bộ đồ ngủ, theo thói quen anh sẽ leo lên giường bật tivi xem tin tức rồi quay sang đọc sách.
Nhưng hôm nay thì khác, Thoại Vũ không biết có một sức mạnh vô hình nào đó cứ lôi anh đến bên cửa sổ, từ đó anh nhìn qua căn nhà kế bên, nhìn ngay vào hướng có phòng nghủ của Lâm Giang cô bé hàng xóm mới quen. Bỗng dưng nụ cười, ánh mắt đôi môi của cô hiện rõ trước mắt anh, giọng cười đôi khi rúc rích như trẻ con. Có lúc lại giòn tan như nắng.
Bất giác Thoại Vũ mỉm cười một mình. Điều đó dường như chưa bao giờ xảy ra với anh.
Có thể sống trong một gia đình có cách sống kín đáo như vậy, nên cũng đã hình thành tính cách lạnh lùng ít cởi mở nơi anh.
Thoại Vũ len lén kéo tấm màn cửa sang một bên, một hành động lén lút ngay trong căn phòng của mình, Thoại Vũ cũng không biết tại sao mình lại làm như thế, chưa bao giờ anh nhìn trộm ai và cảm thấy mình đang làm một điều gì đó hết sức là con nít so với cái tuổi ba mươi của mình.
Bên kia, căn phòng đã phủ một ánh hồng dịu dàng.
- Chà! Chắc cô bé đã bị mẹ ép đi ngủ sớm đây. – Thoại Vũ nghĩ thầm.
Anh đứng nhìn một lúc thật lâu, rồi mới quay vào giường. Xem sách giải trí một lúc thì anh lại thiếp đi, không biết là bao lâu, chắc là khoảng nửa đêm gì đó, Thoại Vũ nghe loáng thoáng tiếng con chó mực sủa inh ỏi. Nhưng vì buồn ngủ quá, anh cũng thiếp đi. Bất ngờ một lúc sau anh nghe có tiếng hét thất thanh của mẹ anh ở phòng kế bên cùng một lúc với tiếng cửa kính vỡ loảng xoảng.
Thoại Vũ tung mền phóng ra khỏi phòng chạy như bay về phía có tiếng thét. Anh xô mạnh cửa phòng chạy ào vào.
Một cảnh tượng kinh khủng hiện ra trước mắt. Cửa sổ kính vỡ tan tành, những mảnh gương rơi vãi khắp phòng và xác con mực bị xé toạc làm hai. Máu me đầm đìa nằm dưới sàn nhà. Con chó chết mà hai mắt vẫn trợn tròng lên. Nó đã phải chết, một cái chết thật là khủng khiếp, nên dấu ấn của sự hoảng sợ vẫn còn hằn sâu trong đôi mắt của nó.
Thoại Vũ sau giây phút bàng hoàng, anh đảo mắt khắp phòng nhưng không thấy mẹ đâu.
- Mẹ! Mẹ! – Anh hốt hoảng kêu lên. – mẹ đang ở đâu?
Vừa lúc đó cha anh và chị giúp việc cũng lao vào phòng. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, chị người làm ôm mặt rú lên, chạy vụt ra sau cánh cửa đứng nấp. Còn ông Nhật Tân thì đưa tay chặn ngang ngực mình thốt lên:
- Trời! Chuyện gì kinh khủng vậy?
Thoại Vũ nôn nóng tìm mẹ nên không để ý đến cảm xúc của mọi người. Anh tiếp tục tìm kiếm mẹ.
- Mẹ! Mẹ ơi!
Vừa gọi, Thoại Vũ vừa tung chăn gối khắp phòng, xới tung chiếc giường ra tìm mẹ.
Bỗng anh nghe có tiếng thở mạnh dưới gầm giường, Thoại Vũ bò xuống đất, nghiêng đầu nhìn vào bên trong. Một hình ảnh thật tội nghiệp, mẹ anh đang nằm sấp dưới đất, người cứ run lên bần bật. Thoại Vũ thò tay nắm chân bà kéo ra.
Bà Minh Tuyền hét lên hoảng loạn:
- Đừng? Đừng! Tha cho tôi, tôi sợ lắm... tôi sợ lắm...
- Mẹ! Con đây mà mẹ! Con đây.
Dù cho Thoại Vũ cố nói thế nào, bà Minh Tuyền vẫn hét lên hoảng loạn. Phải khó khăn lắm anh và ông Nhật Tân mới lôi được bà ra khỏi gầm giường.
Vừa nhìn thấy Thoại Vũ bà ôm mặt hét to:
- Con quỷ đen, mày đi đi, tại sao mày ám tao.
Thoại Vũ kinh ngạc nhìn mẹ anh:
- Con đây mà, mẹ nói gì kỳ vậy. Con quỷ đen nào?
Bà Minh Tuyền ôm đầu vụt chạy ra la hét hoảng loạn. Thoại Vũ chạy theo ôm chầm lấy mẹ.
Ông Nhật Tân lên tiếng:
- Mẹ con đang trong cơn hoảng loạn không biết gì đâu. Con mau về phòng đem thuốc an thần sang đây tiêm cho mẹ.
- Dạ! Ba giữ chặt lấy mẹ giùm con.
Nói rồi Thoại Vũ nhanh chân chạy đi. Khi anh quay lại, ba anh đã dìu được mẹ lên giường. Thoại Vũ tiêm cho bà một mũi thuốc an thần. Bà còn khóc lóc thêm một chút nữa rồi thiếp đi khi thuốc đã ngấm.
Chờ cho bà Minh Tuyền chìm vào giấc ngủ sâu, Thoại Vũ và ba anh mới rời khỏi giường. Lúc bấy giờ họ mới có dịp nhìn kỹ lại căn phòng. Bất giác Thoại Vũ rùng mình khi nhìn kỹ cái xác con chó mực.
- Thật là khủng khiếp. Làm sao thân thể con mực lại có thể bị xé toạc làm hai như thế này. - Anh kêu lên.
Ông Nhật Tân tiến tới thêm một chút nữa, quan sát kỹ xác con mực. Ông nói:
- Đúng là xác nó bị xé ra. - Quan sát những thớ thịt bầy nhầy, tua tủa, ông nói tiếp. - Nếu dùng dao xả con chó ra làm hai, cũng phải cần tới một sức mạnh ghê gớm lắm. Nhưng dùng dao thì các thớ thịt của con chó không bị bầy nhầy như thế này.
Thoại Vũ cau mày:
- Theo như con thấy, con mực đã bị một kẻ nào đó cầm hai chân sau dùng sức mạnh xé toạc thân nó ra làm hai.
Ông Nhật Tân lấy hai tay bịt mũi lại, khi nghe mùi máu tanh trong xác con mực bốc lên nồng nặc.
- Ai? Kẻ nào... - Ông nói gần như là lời thì thào. Tại sao lại tấn công nhà chúng ta, với mục đích gì chứ?
Thoại Vũ lắc đầu:
- Con cũng không biết nữa. Thời gian gần đây con hay thấy mẹ la hét hoảng loạn. Lúc nào hỏi mẹ, mẹ cũng nói đã trông thấy một con quỷ, người đầy lông lá, mắt đỏ đục ngầu. Con cứ nghĩ là mẹ gặp ác mộng. Thực hư ra sao chưa rõ. Nhưng chuyện này xảy ra nghiêm trọng thật.
Ông Nhật Tân thở dài:
- Chẳng biết còn điều bất hạnh gì nữa sẽ diễn ra trong ngôi nhà này. - Nói rồi ông đưa mắt nhìn quanh căn phòng. - Thôi! Chúng ta mỗi người một tay để dọn đi.
Thoại Vũ nhìn xung quanh không thấy chị giúp việc đâu.
- Chị Ba ơi! Chị Ba.
- Tôi... tôi đây...
Nghe giọng nói nhưng không thấy người đâu. Thoại Vũ hỏi:
- Ủa, chị đang ở đâu vậy!
Lúc bấy giờ, chị Ba mới từ sau cánh cửa phòng bước ra, mặt tái xanh, chân tay run lẩy bẩy. Chị quay mặt đi. Thấy dáng vẻ tội nghiệp của chị ta, Thoại Vũ nói:
- Chị xuống nhà, tìm cho tôi một cái bao tải, lấy chổi.
- Dạ.
Chị người làm lấm lét nhìn xung quanh như sợ ai đó sẽ nhảy ra vồ lấy mình. Lúc chị ta mang những thứ đồ Thoại Vũ bảo đem lên, trông nét mặt sợ hãi của chị ta, Thoại Vũ nói:
- Thôi chị ra ngoài đi, để đó tôi dọn cho.
Chị Ba áy náy trong lòng. Vì lẽ ra nhiệm vụ dọn dẹp phải là của chị nhưng lại để cho cậu chủ làm, chị thấy coi không được. Nhưng khi nhìn vào xác con mực và vũng máu tươi, chị chỉ muốn nôn ra. Chị ôm ngực, cắm đầu chạy vào toilet của bà chủ để mặc các thứ tuôn ra.
Thoại Vũ là một bác sĩ, anh từng tiếp xúc với xác chết, với máu rất nhiều nhưng chưa bao giờ anh thấy khó chịu cộng thêm cảm giác sợ hãi như thế này.
- Ba. Ba giúp con một tay. - Anh nói. - Ba mở rộng miệng bao ra.
Ông Nhật Tân cầm cái bao lên, mở to miệng bao ra. Đồng thời ngửa đầu ra sau, mắt nhắm lại.
Thoại Vũ lấy hết can đảm, nắm một cái chân sau của con chó mực xách lên, máu từ trong cái xác tuôn ra òng ọc, bốc mùi tanh ói.
Thoại Vũ bỏ một nửa cái xác con chó vào bao bố rồi tiếp tục xách nửa cái xác còn lại bỏ vào.
- Được rồi, ba ra ngoài đi, coi chừng giẫm lên mảnh kính vỡ. Để con dọn cho.
Ông Nhật Tân cũng muốn giúp con một tay, nhưng thật sự cái mùi tanh tưởi kia đã làm cho đầu ông choáng váng, ông bước ra ngoài.
Thoại Vũ dùng chổi gom những mảnh kính vỡ lại, cho tất cả vào bao, khi hiện trường cơ bản đã dọn sạch, anh gọi chị giúp việc:
- Chị Ba ơi. Cho tôi nhờ một chút.
Chị Ba từ phòng tắm bước ra, trên gương mặt còn nét sợ hãi.
- Chị làm ơn giúp tôi một tay. Tôi đã dọn sạch rồi. Bây giờ chị lau nhà lại cho thật sạch. Nhớ dùng Vim lau nhà, tẩy cho hết mùi máu tanh.
- Dạ!
Nhìn dáng chị Ba, Vũ nghi ngờ hỏi lại:
- Chị có chắc là làm được không?
Chị Ba liếc cái bao để giữa nhà và nói:
- Cậu xách cái bao ra ngoài đi. Tôi làm được mà.
Thoại Vũ đưa tay xách cái bao lên, máu chảy nhỏ giọt xuống sàn nhà, anh chắc lưỡi.
- Chết rồi, làm sao đây, máu loang ra khắp nhà hết.
- Không sao đâu. Cậu cứ xách đi, chỗ nào máu chảy ra tôi lau cho.
Thoại Vũ gật đầu, anh xách cái bao đi nhanh ra khỏi phòng, chạy nhanh xuống cầu thang băng qua khoảng sân trống, mở cổng rồi quăng cái bao tải vào thùng rác dưới lòng đường. Xong anh chạy ào vào nhà, lao vào phòng tắm, dùng xà phòng thơm tắm thật kỹ khắp người.
Đã tắm nhiều xà phòng, nhưng không hiểu sao, Thoại Vũ cứ nghe cái mùi máu tanh tanh của con chó bám chặt vào người anh. Anh thay bộ đồ mới, xịt một tí nước hoa lên người hòng át đi cái mùi tanh kia.
Thoại Vũ mở cửa phòng bước ra ngoài. Anh định bụng lên xem mẹ ra sao bỗng anh thấy cha đang ngồi ở ghế salon, dáng vẻ trầm ngâm, suy tư. Thoại Vũ bước đến, đặt tay lên vai cha:
- Ba! Sao ba không đi ngủ đi ba.
Ông Nhật Tân quay lại nhìn con trai vỗ nhẹ tay lên tay con.
- Ba không thể nào ngủ được. Con đừng lo cho ba.
- Vậy ba ngồi đây. Chờ con lên xem mẹ ra sao rồi con sẽ xuống với ba.
Ông Nhật Tân gật đầu. Thoại Vũ nhanh nhẹn bước từng hai bậc cầu thang một, đẩy cửa phòng mẹ vào. Anh ngồi xuống bên bà và quan sát nét mặt đang ngủ của mẹ.
Dạo này mẹ anh trông sút hẳn, má hóp đi. Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Tinh thần dường như có vẻ suy sụp lắm. Tại sao vậy?
Thoại Vũ thở dài. Anh cảm thấy dường như mình chưa bao giờ hiểu rõ được tâm trạng, tình cảm của cha mẹ cả. Hai người đều rất khó hiểu. Họ không bao giờ bộc lộ tình cảm của mình.
Từ lúc còn rất nhỏ, anh nhớ rằng mình chưa bao giờ được hưởng những tình cảm nồng nàn của mẹ. Chưa bao giờ anh được mẹ ôm siết vào lòng. Bà chỉ hôn anh, những cái hôn phớt nhẹ qua má, nhưng cũng thật hiếm hoi. Mẹ anh quả là một người đàn bà lạnh lùng hiếm thấy. Đôi lúc anh thèm được mẹ vỗ về yêu thương như những đứa trẻ khác. Nhưng hình như không bao giờ có. Mặc dù thế nhưng anh phải công nhận trong cuộc sống hàng ngày, mẹ lo cho anh rất chu đáo, anh không hề thiếu một thứ gì. Có chăng thiếu là thiếu tình mẫu tử nồng nàn của mẹ.
Tại sao mẹ lại lạnh lùng với mình như vậy? À, mà không phải một mình mình mà hình như với ai mẹ cũng vậy. Bà luôn luôn lạnh lùng và xa cách. Có lẽ đó là tính cách của bà.
Thoại Vũ kéo cái chăn mỏng lên đắp ngang ngực cho mẹ, rồi đứng lên, khép cửa phòng lại. Anh thọc tay vào túi áo, lững thững đi xuống lầu. Anh đến ngồi đối diện ông Nhật Tân.
Ông Nhật Tân vẫn nét mặt trầm ngâm đăm chiêu. Hình như ông đang suy nghĩ về một điều gì đó.
- Ba à. Ba uống trà không con pha cho.
Ông Nhật Tân khẽ gật đầu. Thoại Vũ mở bình trà ra xem, anh bỏ thêm một ít trà lài vào bình, rồi đổ nước sôi vô. Chờ một chút cho ra trà, anh rót một tách đầy rồi đưa qua cho ông Nhật Tân:
- Mời ba uống trà. - Anh nói.
Ông Nhật Tân khẽ gật gù, cũng không nói tiếng nào.
Thoại Vũ cũng không dám quấy rầy cha. Anh ngồi lặng im. Anh cảm thấy chưa có người đàn ông nào ít nói như cha anh, ông gần như tiết kiệm từng lời nói một, chỉ nói khi nào thật cần thiết. Anh nhớ lại, tuổi thơ anh là một chuỗi ngày sống thiếu vắng bóng cha. Những chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài, những lần về nhà vội vã, rồi lại vội vã ra đi. Khi anh lớn lên trở thành bác sĩ, cha anh không còn thường xuyên đi công tác xa nữa, nhưng ông lại lao vào công việc ở cơ quan. Dường như ông không thích quay về nhà. Sáng sớm ông ra khỏi cửa và thật tối ông mới quay về. Cơm nước xong, có khi ông vào phòng làm việc, có khi vào luôn phòng ngủ đóng cửa lại và ở luôn trong đó. Anh chẳng biết tại sao, nhưng từ khi anh trưởng thành, anh đã thấy cha mẹ hình như không bao giờ ngủ chung phòng với nhau có lần anh đánh bạo hỏi mẹ thì chỉ thấy mẹ nói:
- Bố mẹ từ hồi còn trẻ ít sống gần nhau nên hầu như ai cũng có cuộc sống độc lập của mình. Ba mẹ thích sống thế.
Nghe giải thích có vẻ như không hợp lý lắm, nhưng thôi, Thoại Vũ cũng không tiện hỏi nữa.
Chưa bao giờ anh thấy cha mẹ lớn tiếng cãi vã nhau, nhưng anh cũng không thấy họ thân mật như những cặp vợ chồng khác.
Họ luôn chào hỏi, nói chuyện về các vấn đề liên quan đến cuộc sống gia đình một cách rất khách sáo, nhẹ nhàng nhưng không thân thiện lắm. Anh biết, từ khi hiểu thế nào là cuộc sống, thế nào là hạnh phúc ở cuộc đời này, anh cảm thấy gia đình anh chỉ được cái vẻ bề ngoài. Nhưng thực tế bên trong là cái cảnh sống với nhau không có hạnh phúc. Còn lý do tại sao, đó là một câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu anh.
Tiếng chuông đồng hồ kêu lên binh... boong... Thoại Vũ ngước lên nhìn đồng hồ, anh lẩm bẩm:
- Mới đó đã ba giờ sáng rồi. Nhanh quá.
Ông Nhật Tân lên tiếng:
- Con đi ngủ đi. Mai còn phải đi làm.
Thoại Vũ nhìn ông rồi nói:
- Ba nghĩ sao, về chuyện đã xảy ra trong nhà mình hôm nay?
Ông Nhật Tân trầm ngâm giây lát:
- Mọi việc diễn ra thật bất ngờ ba cũng không biết nữa. Và nếu là trộm, chúng càng lén lút chứ không ầm ĩ gây ra tiếng động như vậy. - Ông Nhật Tân xác nhận.
Thoại Vũ nói tiếp những nghi ngờ của mình:
- Hình như có ai đó đang cố tình phá phách nhà ta...
Ông Nhật Tân phán xét.
- Ba nghĩ mục tiêu tấn công là mẹ con. Thời gian gần đây mẹ con đã trông thấy điều gì đó. Đại loại như bị một con quỷ nào đó ám mình. Rồi sau đó xảy ra việc này.
- Ba à! Nhà ta có gây thù chuốc oán với ai không hả ba?
Ông Nhật Tân lắc nhẹ đầu:
- Ba cũng không rõ nữa. Nhưng chắc là không. Con thấy đó, gia đình ta rất ít giao du với ai. Mà cũng không gây thù chuốc oán gì cả.
Thoại Vũ chống tay lên cằm, như tự nói chính mình:
- Vậy thì tại sao? Tại sao lại xảy ra chuyện kinh khủng thế này?
- Thôi, con đi ngủ đi, đừng nghĩ ngợi gì nữa. Chuyện tới đâu hay tới đấy, có nghĩ cũng không ích gì.
Thoại Vũ đứng lên:
- Ba cũng đi ngủ đi. Con nghỉ một chút, sáng mai con còn phải đi làm. Anh đứng lên đi được mấy bước, chợt hỏi. - À, ba ơi! Chúng ta có cần báo cho cảnh sát không hả ba?
- Thôi con ạ! Không cần đâu. Ba không thích ầm ĩ, vả lại nhà ta cũng chưa mất gì cả.
Thoại Vũ nghe theo ý kiến của cha. Anh vào phòng ngủ ngả lưng xuống giường, đôi mắt ríu lại. Giấc ngủ ập đến đầy mộng mị, Thoại Vũ thiếp đi, anh mơ thấy mình đang bơi dưới biển, nhưng không phải với màu nước biển xanh ngọc ngà mà là một màu đỏ ối, như máu. Máu thấm vào người anh đỏ chót, máu đặc quện kéo tay chân anh lại, càng cố bơi, anh càng thấy mình dường như càng bị dính chặt, bị chìm xuống, chìm xuống…
***
Một buổi sáng của thành phố biển, bắt đầu bằng những ngọn gió lành, ùa vào từ lòng đại dương sâu thẳm.
Như mọi ngày chiếc xe rác của công ty vệ sinh dừng lại ở bên đường. Hai người mặc đồ màu vàng, đeo găng tay màu xanh bước xuống. Họ bưng các thùng rác đổ lên xe. Họ làm việc sớm vì muốn đến khi thức, người người sẽ được đi trên những con đường sạch sẽ.
Đến nhà số 23 anh ta bỗng thấy bao rác nặng một cách khác thường:
- Trời! Bỏ cái gì trong này nặng dữ vậy?
Anh đứng phía trên xe nói xuống:
- Thây kệ, nhưng chắc chắn không phải là vật quý giá gì đâu!
Anh công nhân khệ nệ bưng thùng rác lên nói:
- Mày để lên xem thử là cái gì? Nhiều khi là máy móc gì đó và còn có thể xài được và bán được thì sao?
Vừa nói anh ta vừa dùng hết sức mình đỡ thùng rác đưa lên cao. Anh chàng ở trên kéo thật mạnh thùng rác ụp lên xe. Một cái bao tải nặng rơi xuống, nhìn kỹ thì cái bao nhuộm máu đỏ lòm.
Anh ta thét lên:
- Xác chết kìa!
- Đâu, đâu! Người kia nhanh chóng trèo lên xe nhìn vào, anh ta bạo dạn nắm lấy miệng bao bố kéo kéo thử. Thấy nằng nặng, anh ta gật gù. - Có lẽ xác chết thật. Dạo này tao đọc báo nghe nói mấy vụ giết người phanh thây, chặt ra từng khúc nhiều lắm. Bây giờ tính sao đây, ghê quá!
Anh chàng mập kia đứng xa ra một chút nói:
- Mày đừng có đụng tay vô coi chừng dấu tay mày in trên đó thì nguy.
- Tao đeo bao tay mà.
- Ừ! Nhưng thôi cũng đừng đụng vô, rắc rối lắm. Điện thoại báo cho cảnh sát đi.
- Khoan, đừng báo cảnh sát mà nên báo cho các tòa soạn báo. Sẽ có thưởng đó.
- Ừ! Có lý ha. Mày đi gọi điện đi. Nhưng tao đâu có nhớ điện thoại của báo nào đâu mà gọi.
- Cứ quay hỏi số điện thoại của mấy tờ báo lớn chắc là có.
- Vậy vụ này tao với mày chia đôi nghe.
- Dĩ nhiên rồi.
Anh chàng có gương mặt xương xương, chạy qua điểm điện thoại bên kia đường. Một lúc anh ta quay lại, người kia hỏi:
- Mày điện thoại cho báo nào.
- "Tia Chớp", ở đây còn có mấy số điện thoại nữa nhưng chưa gặp họ được.
- Sao mày không gọi nhiều báo tới luôn.
- Tin phải độc quyền thì mới có thưởng chứ!
Hai người kéo nhau đứng ra xa cái xe rác một chút, họ ngồi xuống vệ đường rút bao thuốc lá ra hút. Họ bàn ra tán vào một hồi, nào là xác chết tên kia là đàn ông hay đàn bà, bị phân ra làm mấy mảnh... sát thủ là ai...?
Mãi một lúc lâu không thấy nhà báo nào đến. Anh chàng mập nóng ruột:
- Sao lâu vậy - Thôi để tao đi gọi báo khác. Làm nhanh đi, còn lo công việc của mình nữa.
Vừa lúc đó xuất hiện chiếc xe Dream trờ tới, trên xe một nam một nữ, máy chụp hình, ống kính đeo khắp người.
Người thanh niên bước xuống xe tự giới thiệu:
- Tôi là nhà báo Vạn Thành, còn đây là nhà báo Thiên Hương. Chúng tôi ở báo Tia Chớp, có phải các anh vừa gọi đến?
Anh chàng mập nhanh nhảu đứng lên nói:
- Dạ phải, đúng là tụi em gọi. Vậy tụi em được thưởng bao nhiêu vậy anh?
Nhà báo Vạn Thành mỉm cười ý nhị:
- Dạ! Trước hết chúng tôi phải xác minh tin tức được báo rồi sau đó mới đến mức thưởng cho các anh được.
Nhà báo Thiên Hương lên tiếng:
- Nghe các anh báo có xác chết bị phanh thây ra, có đúng không? Đâu rồi?
Anh mặt xương chỉ tay lên thùng xe:
- Nó nằm trên đó.
Vạn Thành trao giỏ xách cho Thiên Hương, anh cầm máy chụp hình, leo lên thành xe. Nhìn thấy chiếc bao tải đẫm máu, Vạn Thành đưa máy chụp hình lên bấm liền mấy bô ảnh.
Xong anh nhảy xuống xe chạy ra xa để hít thở. Từ lúc nãy đến giờ anh phải nín thở để chụp hình. Cái mùi xú uế của rác cộng với mùi máu tanh tưởi, chỉ làm cho anh muốn nôn ra.
Thiên Hương đến bên hỏi:
- Sao rồi anh Thành?
Vạn Thành rút khăn tay ra che mũi, anh nói:
- Không thể kiểm nghiệm xác chết trên đó được, hôi lắm. Anh chỉ mới chụp bên ngoài.
Thiên Hương quay lại chỗ hai anh công nhân vệ sinh:
- Các anh có thể giúp chúng tôi đưa cái bao tải đó xuống đây không?
Hai người cùng nhìn nhau một lúc. Người này đẩy vai người kia:
- Mày lên kéo nó xuống đi.
- Mày đi.
Thiên Hương cười hỏi:
- Thế các anh có muốn nhận tiền thưởng không?
- Có chứ. Cả hai cùng không hẹn mà đều nói lên một lúc.
Nhà báo Thiên Hương bật cười, cô nói:
- Muốn lấy tiền thì mau giúp tôi đi.
Anh mặt xương lấy hết can đảm, hít sâu vào một hơi rồi nói:
- Để tao hy sinh làm cho.
Anh ta leo lên thùng xe, trước khi cầm chiếc bao tải vứt xuống đường, anh ta chấp tay lâm râm khấn vái.
- Xin linh hồn của người chết hãy tha cho con. Con không muốn làm như vậy đâu. Nhưng con muốn cho báo điều tra rồi trả xác người về với thân nhân. Họ sẽ giúp người tìm lại công bằng.
- Thôi nhanh đi, mày khấn gì mà lâu dữ vậy?
- Lỡ người chết giận tao về bắt tao chết theo sao mày?
Nói xong anh ta dùng hết sức lực nắm cái miệng bao kéo mạnh lên, rồi vứt xuống đất. Máu từ trong bao chảy ra loang đỏ cả một vùng.
Bất giác cả hai nhà báo cùng lùi lại một bước. Vạn Thành là một nhà báo chuyên điều tra về các vụ giết người, cướp của. Anh đã đối mặt với rất nhiều xác chết.
Nhưng lần này anh cũng thấy mình hơi mất bình tĩnh trước cái màu máu đỏ lòm này.
- Sẵn tay anh cắt dây cột rồi đổ cái bao tải ra luôn đi - Vạn Thành nói:
- Thôi, tôi không làm đâu, ghê lắm.
- Làm đi, tôi sẽ thưởng thêm cho anh.
- Thôi được, tôi cũng sẽ ráng thêm một chút nữa.
Anh ta lấy con dao nhỏ trên xe xuống cắt sợi dây cột miệng bao. Trán anh ta lấm tấm mồ hôi. Mọi người đều nín thở căng mắt nhìn vào chiếc bao bố.
Xong động tác cắt dây, anh ta nắm ngược cái bao xốc mạnh lên một cái. Xác con chó trôi ra.
Mọi người hơi chưng hửng một lúc, họ cứ đinh ninh rằng trong cái bao tải kia là một cái xác người. Ai ngờ... chỉ là xác một con chó mực...
Anh chàng mập phá ra cười:
- Trời ơi. Té ra hồi nãy tới giờ mày lạy... một con chó.
Anh chàng mặt xương sẵn tay đấm cho bạn một cái:
- Mày còn đứng đó mà chọc tao hả. Làm thì không làm, chỉ giỏi...
Thiên Hương lên tiếng:
- Các anh báo với chúng tôi có xác người chết, nhưng chỉ là xác con chó... bây giờ tính sao?
Mặt anh mập xụi lơ:
- Vậy thì mất thưởng chứ còn biết sao.
Nhà báo Vạn Thành từ lúc nãy đến giờ vẫn quan sát cái xác con chó, không nói một tiếng nào. Với kinh nghiệm làm báo lâu năm của mình, anh biết cái chết của con chó này không bình thường chút nào. Đằng sau cái chết thương tâm của nó sẽ kéo theo một chuỗi những bí ẩn...
Hai anh công nhân nhìn cái xác con chó, bàn tán:
- Sao xác nó lại bị xé ra làm hai vậy nhỉ? Nó chết thật thảm quá!
- Ai mà có sức mạnh xé nó ra được. Chắc là nó bị người ta chém bằng đao.
Vạn Thành lắc đầu, thêm ý kiến:
- Nếu có bị chém, con chó sẽ bị chặt ngang người, không ai có thể chém dọc thân nó được. Nói như anh này đúng, nó bị xé toạc ra, nhìn xem các thớ thịt tua tủa kìa.
Nhà báo Thiên Hương dường như cũng bắt kịp ý nghĩ của đồng nghiệp. Cô đưa máy ảnh lên, bấm liên tục, ánh sáng lóe lên như tia chớp.
Nhà báo Vạn Thành lấy trong túi ra một trăm ngàn đồng đưa cho hai anh công nhân và nói:
- Mặc dù tin tức của các anh không đúng, nhưng tôi vẫn thưởng cho hai anh. Cầm lấy uống cà phê và giúp tôi dọn dẹp chỗ này luôn.
Anh chàng mập mặt sướng rơn lên:
- Dạ...dạ... - Anh ta đưa tay ra nhận tiền ngay. - Để đó tụi em thu dọn "chiến trường" cho.
Nhà báo Vạn Thành quay sang đồng nghiệp:
- Thế nào? Linh cảm nghề nghiệp có mách bảo điều gì không?
Nhà báo Thiên Hương lấy tay che mũi lại, nhìn cái xác con chó và nói:
- Đúng là cái chết của con chó này kỳ lạ thật. Em nghĩ nếu chúng ta điều tra chắc chắn đằng sau cái chết của nó sẽ là một câu chuyện ly kỳ hấp dẫn.
- Đồng ý với suy nghĩ của em. - Vạn Thành nói: - Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ? - Anh vừa nói vừa trả lời luôn. - Trước tiên phải biết chủ nhân của nó là ai.
Thiên Hương chỉ vào cái thùng rác trước cửa số nhà 23 và nói:
- Thùng rác nằm trước nhà này, nhưng cũng không có nghĩa là khẳng định cái xác của con chó từ trong nhà này quẳng ra. Có thể là các nhà xung quanh nữa chứ. Và cũng có thể từ nơi khác người ta đem tới đây quẳng cũng có.
Thiên Hương nhìn tới nhìn lui rồi nói:
- Mới sáng sớm tinh mơ, chưa có ai ra khỏi nhà. Vậy thì chúng ta phải mai phục ở đây thôi.
Chiếc xe rác đã chạy đi mất, chỉ còn lại hai người. Thiên Hương hướng mắt nhìn ra biển, nói giọng háo hức:
- Nếu không có công vụ, giờ này xuống biển dạo một lúc thì thích nhỉ?
- Em thích thì đi đi, anh có thể làm việc một mình.
- Không dám đâu. Ai lại làm thế.
Vừa lúc đó, từ căn nhà số 25 có người mở cửa bước ra.
Cả Thiên Hương và Vạn Thành không ai bảo ai, cùng bước lại phía căn nhà kia.
- Chị ơi, làm ơn cho tôi hỏi. - Thiên Hương lên tiếng:
Cô Loan người giúp việc nhà cho nhà Lâm Giang chuẩn bị mua đồ điểm tâm sáng. Thấy có người hỏi nên đáp:
- Chi vậy anh chị?
- Chị cho em hỏi thăm. Thiên Hương tiến lại gần hơn. - Nhà chị có nuôi con chó mực nào không?
- Có nhà tui có nuôi một con chó nhưng là chó nhật trắng phau à, không phải là chó đen.
- Chẳng biết xung quanh đây có ai nuôi chó mực hay không nhỉ?
- Làm sao tui biết được. Xóm này chó nuôi cũng nhiều lắm!
Vạn Thành lên tiếng:
- Chị cố nhớ giúp chúng tôi.
Cô Loan nhíu mày suy nghĩ rồi à lên một tiếng:
- À, tôi nhớ ra rồi, nhà bác sĩ Vũ có một con chó mực, nó khôn lắm.
Nhà báo Thiên Hương vui mừng:
- Chắc không chị?
- Chắc chứ, lúc trước tôi giúp việc cho nhà đó mà. Con chó theo tui dữ lắm.
Vạn Thành đưa tay sửa lại cái máy chụp hình đeo trước ngực rồi hỏi:
- Vậy chị làm ơn cho chúng tôi hỏi, nhà bác sĩ Vũ ở đâu hả chị?
Cô Loan đưa tay chỉ ngay:
- Đây, nhà này. Số nhà 23 đó.
- Cám ơn, cám ơn chị thật nhiều, mới sáng đã làm phiền chị quá.
- Ồ! Không có gì đâu. Cô Loan mỉm cười, rồi hỏi nhỏ giọng. - Hai người kiếm con chó mực để làm gì vậy?
Nhà báo Vạn Thành nửa đùa, nửa thật:
- Định chụp hình đăng báo nó. Nghe nói nó rất thông minh, thôi chào chị nhé.
Nhà báo nhanh ý cắt đứt câu chuyện với người đối diện. Rồi họ đi thẳng tới cánh cửa nhà số 23, Thiên Hương nhìn đồng hồ rồi đắn đo:
- Có sớm quá làm phiền người ta không?
Vạn Thành nhìn đồng hồ, đã sáu giờ rưỡi sáng rồi. Anh lắc đầu: - Không sớm lắm đâu, hơn nữa đã điều tra án thì phải làm nhanh chóng, có thể mình sẽ khám phá ra những tình tiết hấp dẫn khác.
Nghe đồng nghiệp nói vậy, Thiên Hương liền đưa tay gõ cửa:
Một lúc lâu có người phụ nữ đứng tuổi ra mở cửa.
- Anh chị cần gặp ai ạ? - Chị ta nhìn hai nhà báo và hỏi:
Vạn Thành đưa thẻ nhà báo ra:
- Dạ, chúng tôi làm ở tờ báo Tia Chớp. Chúng tôi muốn gặp chủ nhà.
- Xin anh chị vui lòng chờ một chút. Vừa nói xong chị đóng ngay cửa lại. Một lúc sau chị đi ra cùng một người đàn ông:
- Xin lỗi... Tôi có thể giúp gì cho hai vị ? - Ông ta nói.
Vạn Thành nhìn người đàn ông ngoài sáu mươi tóc bạc trắng như cước, đoán ra là chủ nhà, anh nói:
- Dạ, chào bác. Chúng cháu có thể vào hỏi thăm bác về việc con chó mực được không ạ?
Nhắc đến con chó, Vạn Thành thấy ông lão mặt hơi khác đi:
- Con chó mực nào chứ? - Ông nhíu mày:
- Dạ. Con chó mực nhà bác. Vạn Thành khẳng định ngay:
- À... ừ... - Ông lão hơi lúng túng một chút:
- Con chó mực... con chó mực... thì làm sao?
Thiên Hương tế nhị:
- Thưa bác, chúng ta có thể vào nhà nói chuyện được không. Đứng ngoài này không tiện lắm.
Ông Nhật Tân gật đầu:
- Ừ! Được chứ. Mời vào nhà.
Khi cả ba vào bên trong nhà, Thoại Vũ xuất hiện. Anh vừa tắm xong thay đồ chuẩn bị đi làm. Thấy cha đi vào cùng hai người lạ mặt, trên người lại đeo máy chụp hình, túi xách... Thoại Vũ hơi ngạc nhiên.
Ông Nhật Tân vội nói với con:
- Đây là hai nhà báo ở tờ Tia Chớp, họ muốn hỏi chúng ta về chuyện con mực.
- Con mực...? - Thoại Vũ kêu lên: - Làm sao mà các anh lại quan tâm đến con mực nhà tôi?
Nhà báo Vạn Thành bước đến rút thẻ nhà báo ra và tự giới thiệu:
- Tôi là nhà báo Vạn Thành, còn đây là đồng nghiệp của tôi Thiên Hương. Xin lỗi vì đã làm phiền nhà ta quá sớm.
Ông Nhật Tân mời mọi người ngồi xuống ghế. Vạn Thành mở lời:
- Cái chết của con chó mực nhà ta rất kỳ lạ. Tôi muốn tìm hiểu tại sao nó lại chết thảm như vậy?
Thoại Vũ tròn mắt lên, tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Làm sao nhà báo biết tin nhanh như vậy hả?
- Có hai anh công nhân gọi điện tới tòa soạn báo lúc sáng...
- Thì ra là vậy. - Thoại Vũ thở nhẹ ra.
Nhà báo Vạn Thành theo thói quen nghề nghiệp, rút cây bút và quyển sổ tay ra, bắt đầu bằng hàng loạt câu hỏi.
- Xin lỗi. Nếu như chúng tôi phát hiện con chó chết bình thường thì có lẽ đã không nhọc công đi tìm hiểu nguyên nhân cái chết của nó. Đằng này... - anh bỏ lửng câu nói và hỏi: - Nhà ta có biết gì về cái chết của con chó không ạ?
Ông Nhật Tân trả lời thay con trai:
- Chúng tôi đương nhiên là đã biết con chó chết rồi, nhưng nguyên nhân tại sao nó chết thảm như vậy thì chúng tôi cũng không biết.
Bác sĩ Thoại Vũ gật đầu, như xác nhận lời nói của cha.
Vạn Thành hỏi tiếp:
- Nhà ta phát hiện cái chết của con chó lúc nào ạ?
- Khoảng nửa đêm, một hay hai giờ gì đó.
- Ai là người phát hiện đầu tiên?
Vừa lúc đó thì từ trên lầu một tiếng thét khủng khiếp vang lên. Cả Thoại Vũ và ông Nhật Tân cùng bật dậy chạy lao lên lầu.
Vạn Thành và Thiên Hương đứng bật dậy, nhưng họ không dám lao theo, vì đây là nhà riêng, họ biết mình không có quyền xâm phạm khi chưa được sự đồng ý của chủ nhà.
Tiếng thét hãi hùng càng làm cho nhà báo đặt thêm nhiều nghi vấn.
Ngôi nhà bí ẩn này chứa đựng chuyện gì mà họ chưa biết. Nếu khám phá ra, họ sẽ cho đăng tải thành một phóng sự nhiều kỳ, thật hấp dẫn...