PHO TƯỢNG ĐỒNG BÁO OÁN
Tác giả: Người Khăn Trắng
Lần mò cả buổi, cuối cùng Sinh mới mở được chiếc két sắt cũ của cha mình ra. Anh thở phào và tự cho mình cái quyền ngả người ra ghế sofa nghỉ lưng một lúc.
Sở dĩ Sinh quyết phải mở cho bằng được cái két sắt này là do lá thư để lại của cha, ông căn dặn rất kỹ: "Bằng giá nào con cũng phải giữ cho được cái tủ sắt trong phòng của ba. Nó không chứa tiền bạc gì hết, mà trong đó chỉ có một thứ mà ba muốn trao tận tay con. Nó sẽ do con sở hữu và quyết định làm gì với nó thì làm, miễn ba được ngậm cười nơi chín suối là đủ! Ba kỳ vọng ở con...”
Từ ngày cha mất, Sinh hầu như quán xuyến hết mọi công việc vốn trước đây thuộc về ông Thanh Long, cha mình. Kể cả những công việc mà anh rất ghét như trông coi việc kinh doanh các cửa hàng, điều hành các công ty. Là con người có bản lĩnh, phóng khoáng, thích hoạt động, tự do nên khi được cha gọi về và ấn vào tay tờ di chúc, Sinh đã phát hoảng với trách nhiệm trước mắt! Anh muốn từ chối, nhưng ngay sau đó thì cha anh mất. Mà trong nhà thì Sinh là người nối dõi duy nhất còn lại.
Sau một lúc nghỉ mệt, Sinh bật dậy và bắt đầu mở hẳn chiếc tủ ra theo khóa số. Cánh cửa tủ sắt vừa bật ra thì Sinh hơi bất ngờ trước pho tượng đồng duy nhất nằm bên trong!
Đã biết trước là bên trong không có tiền, nhưng Sinh lại bất ngờ về pho tượng cũ kỹ này. Là người không sành về đồ cổ, nên khi cầm pho tượng lên, nhìn trên dưới mấy lượt Sinh vẫn không hiểu nó thuộc niên đại nào, gốc ở đâu. Cuối cùng anh đặt nó lại trong tủ, định đóng cửa tủ lại và để đó...
Tuy nhiên, khi dùng sức xê dịch chiếc tủ sát vào tường thì chợt Sinh nghe một âm thanh phát ra từ bên trong, giống như một tiếng thở dài!
- Gì vậy?
Nghĩ mình nghe lầm, nên Sinh lại đẩy tủ thêm lần nữa và lần này cũng thế, Sinh lại nghe kèm theo tiếng thở dài là một tiếng nấc!
- Ai?
Sinh lại tưởng ai đó nấp trong phòng hay từ ngoài cửa sổ! Nhưng khi nhìn kỹ thì chẳng phát hiện gì, anh còn đang hoang mang thì cánh cửa tủ sắt nặng nề bỗng mở ra, giống như có người kéo!
Và tiếng thở dài lần nữa phát ra từ trong ấy! Sinh nhìn thấy pho tượng đồng đang nằm trong tư thế ngã nghiêng, đầu chạm vào vách tủ, chẳng khác một người bị ngã va đầu vào tường!
- Phải chăng...
Sinh nghĩ ngay tới sự linh thiêng của những pho tượng cổ mà lâu nay anh đã từng nghe kể, anh bước tới và nhẹ nhàng đỡ pho tượng cho ngay ngắn lại và đóng cửa két sắt lại một cách nhẹ nhàng.
Sau đó thì không còn nghe âm thanh kỳ lạ kia nữa!
Sinh cố hiểu ý nghĩa bức thư của cha, nhưng nghĩ mãi mà vẫn chưa thể nào hiểu nổi. Tại sao cha lại căn dặn anh kỹ như vậy với một pho tượng đồng cổ. Hay là chúng có giá trị lớn đến đỗi dược cất giữ cẩn thận đến vậy?
Không tìm được câu trả lời thỏa đáng, Sinh cứ để nguyên đồ như vậy nằm lim dim, tính lát sau sẽ đi thay quần áo và ăn cơm chiều. Nhưng chỉ được một lúc thì cơn buồn ngủ kéo đến... Sinh ngủ một cách ngon lành.
***
Khi Sinh giật mình tỉnh giấc thì lại vô cùng sửng sốt khi thấy ngồi giữa phòng mình là một người phụ nữ mặc bộ áo choàng màu đen!
- Ai?
Sinh hỏi vừa dứt thì người đó từ từ quay mặt lại. Một gương mặt quen thuộc, khiến Sinh kêu lên:
- Mẹ!
Đúng! Trước mặt anh là bà mẹ đã quá cố từ hơn mười năm trước!
Sinh chồm lên, nhưng anh bị dội ngược trở lại như bị ai đó kéo ghì rất mạnh. Vẫn không rời mắt khỏi mẹ mình, Sinh lại gọi:
- Mẹ! Mẹ về thăm con phải không?
Bà mẹ anh không lên tiếng mà ở hai khóe mắt bà có hai dòng lệ tuôn ra. Gương mặt bà cực kỳ đau khổ khiến cho Sinh nhìn thấy phải đau lòng theo. Anh lại lên tiếng:
- Mẹ có điều gì dạy con phải không?
Bà vẫn im lặng không nói gì, nhưng lần này lại đứng lên, đi về phía chiếc két sắt và định đưa tay thò vào tủ. Bỗng bà bị bật trở ra, người lảo đảo...
- Mẹ! Mẹ có sao không?
Tiếng kêu của Sinh hơi lớn, đồng thời anh bước tới và vô tình chạm phải chiếc ghế làm nó ngã ngang, gây ra một tiếng động khác. Khi Sinh nhìn lại thì mẹ anh không còn ở đó nữa!
- Mẹ!
Không có chút dấu vết nào để lại. Sinh bàng hoàng đứng thừ ra một lúc rồi thở dài... Anh bước lại chỗ tủ sắt và càng kinh ngạc hơn khi pho tượng đồng không còn ở trong tủ!
Lúc này Sinh mới thật sự lo. Ai đã lấy pho tượng đi? Mẹ anh đột ngột hiện về liệu có liên quan gì tới chuyện này?
Trong nhà còn có mấy người giúp việc và chú Mười, tài xế, nhưng không muốn họ biết gì về chuyện này, nên Sinh không gọi họ dậy. Anh cứ chong đèn như vậy đến sáng, không hề chợp mắt thêm chút nào...
Vừa mờ sáng...
- Cậu Hai ơi, cậu thức dậy chưa?
Tiếng chú Mười lái xe bên ngoài, Sinh hỏi vọng ra:
- Có gì không chú Mười? Bữa nay chú có thể nghỉ ngơi, tôi không đi...
- Có chuyện này cậu ơi, cậu bước ra coi.
Sinh vừa mở cửa ra thì chú tài xế chỉ tay ra sân, giọng lo lắng:
- Hồi tối này khi đi ngủ tôi đã cho xe vào ga-ra cẩn thận, khóa cả cửa ga-ra nữa, vậy mà vừa mới đây tôi thức dậy đã thấy chiếc xe nằm ở ngoài sân kìa. Máy xe còn nóng như mới chạy về, tôi muốn hỏi cậu coi hồi đêm có đi xe không?
- Đâu có! Tối qua đến giờ tôi đâu có ra ngoài.
- Vậy tại sao...
Sinh bước hẳn ra chỗ chiếc xe, anh quan sát kỹ và công nhận lời nói của chú tài xế là đúng, chiếc xe mới vừa ngừng máy, còn nóng. Anh mở cửa xe và càng ngạc nhiên hơn khi bắt gặp ở ghế lái còn để lại một chiếc lắc tay của phụ nữ và cạnh đó còn có một chiếc khăn tay thêu chữ Hồ Điệp với con bướm màu. Chìa khóa xe còn gắn ở công tắc.
- Chiếc chìa khóa!
Chú Mười chạy vào trong nhà lấy ra xâu chìa khóa đưa cho Sinh coi:
- Chìa khóa tôi giữ còn nguyên ở đây!
Sinh cầm cái xắc tay lên xem, anh kêu khẽ:
- Của mẹ!
Năm năm trước khi mất, mẹ anh còn xài cái xắc này. Nó còn là món quà sinh nhật mà cha anh đã tặng cho mẹ. Mà Sinh nhớ không lầm thì ngày tẩm liệm mẹ, chính cha anh đã đem cái xắc này theo, ông còn nói với Sinh:
- Đây là vật mẹ con thích nhất, ba đem theo cho bà ấy!
Hai năm sau khi bà mất thì cha cũng qua đời. Ngày tẩm liệm cho cha, chính Sinh đã phát hiện ra trong tay ông còn nắm chặt một vật mà anh biết chắc chắn đó không phải là của mẹ. Đó là chiếc khăn tay thêu mấy chữ Hồ Điệp với con bướm nhiều màu sắc! Sở dĩ Sinh biết chắc đó không phải là chiếc khăn của mẹ là bởi mẹ không bao giờ xài khăn tay, mẹ cũng không phải tên là Hồ Điệp.
Hai vật chôn theo cha và mẹ khác huyệt nhau, cách xa thời điểm với nhau, sao giờ này lại ở chung trên xe là sao?
Sinh hỏi lại chú lái xe:
- Chú chắc chắn là cổng ngoài vẫn còn khóa chứ?
- Dạ còn. Tôi mới coi lại đây cậu. Tôi cũng hỏi mấy người làm khác, họ quả quyết là không hề mở cửa.
Suy nghĩ rất nhanh, Sinh dặn:
- Không được bàn tán gì chuyện này. Để tôi âm thầm xác minh lại.
Anh cầm lấy cái xắc tay và chiếc khăn đi trở về phòng ngủ. Nhìn chiếc khăn tay còn mới nguyên, không ai nghĩ nó là vật từng khâm liệm vào quan tài và nằm dưới lòng huyệt mộ mấy năm trời? Cũng như chiếc xắc tay này, nó được chôn còn lâu hơn nữa, vậy mà vẫn còn y như đang được sử dụng!
Tò mò, Sinh mở luôn cái xắc ra, bên trong trống rỗng, chỉ có duy nhất một mảnh giấy nhỏ ghi dòng chữ: Hồ Điệp, cây số 5, tỉnh lộ 25.
Bất chợt Sinh hiểu ra, anh kêu lên:
- Mẹ!
Rồi như nghe lửa cháy, Sinh phóng ra sân, vừa gọi chú tài xế:
- Chú Mười, lấy chìa khóa xe cho tôi!
Chú Mười ngơ ngác:
- Cậu đi đâu vậy cậu Hai, để tôi lái cho...
Nhưng Sinh đã gạt ngang:
- Không, để tôi tự lái. Chú ở nhà giữ nhà. Có ai hỏi thì nói mai tôi mới về.
Anh rồ máy phóng đi như bị ma đuổi. Hình ảnh gương mặt đau khổ của mẹ đang hiện ra trong tâm trí Sinh, chốc chốc lại nhòe đi bởi ánh mắt long lên như giận dữ của bà khiến Sinh đâm lo. Và mối lo đó lại xoáy vào cái tên Hồ Điệp mà cho tới lúc này Sinh chỉ mới nghe chứ chưa hề biết đó là ai...
***
Tiếp Sinh trong ngôi nhà rộng lớn, không khí vắng lạnh, là một người đàn ông tuổi trung niên. Ông nhìn Sinh có vẻ dò xét một lúc rồi mới hỏi thẳng:
- Cậu tìm người tên Hồ Điệp với mục đích gì? Và cậu biết gì về chị tôi?
Sinh ngạc nhiên:
- Hồ Điệp là chị của chú? Vậy bà ấy bây giờ ra sao?
- Ý cậu muốn hỏi chị tôi còn sống hay đã chết chứ gì?
- Dạ, đó là điều cháu muốn biết.
Người đàn ông dựa người ra sau thành ghế salon, vài giây sau mới nói, giọng hơi chùng xuống:
- Chưa chết!
Sinh mừng rỡ:
- May quá! Vậy có thể cháu xin gặp được không?
- Cậu chưa nói rõ với tôi cậu gặp để làm gì? Và cậu là ai mới được?
- Dạ, cháu là... con trai ông Thanh Long, người chủ đồn điền cà phê trước kia ở huyện này.
Vừa nghe Sinh nói, ông ta bật thẳng người lên, nhìn sững Sinh một lúc rồi chợt thở dài:
- Đúng là oan gia! Điều này không ngoài dự đoán của tôi rồi...
Sinh ngạc nhiên:
- Ông muốn nói...
Sợ ông ta chưa tin hẳn, nên Sinh móc trong túi lấy ra chiếc khăn tay có thêu hình con bướm:
- Đây là bằng chứng của bà Hồ Điệp.
Không cần nhìn vào vật chứng, người đàn ông lại thở dài:
- Chuyện đời bất cứ điều gì càng muốn lãng quên đi thì nó luôn bị khơi lại. Đã hơn năm năm rồi còn gì...
Ông ta lặng lẽ đứng lên và đi thẳng ra nhà sau. Sinh ngồi đó chờ...
Anh chờ rất lâu vẫn chưa thấy chủ nhà trở ra, mà trời bên ngoài thì đang tối dần. Một lúc, quá sốt ruột. Sinh đứng lên và cất tiếng gọi:
- Chú ơi, chú!
Không nghe tiếng trả lời. Nghĩ là nhà quá rộng, có thể người ta chưa nghe, nên Sinh lại gọi lớn hơn:
- Chú ơi!
Lần này đáp lại Sinh là một điệu kèn kỳ lạ, mà vừa nghe Sinh đã phát rùng mình! Nghe qua một đoạn nữa chợt anh kêu lên khẽ:
- Bản nhạc ma!
Lời thốt của Sinh tuy rất nhỏ, nhưng hình như có người đã nghe, nên một giọng lạnh lùng vang lên:
- Sao gọi là nhạc ma khi người chơi còn sống?
Sinh quay nhìn bốn phía vẫn không thấy người vừa lên tiếng, anh phải hỏi:
- Ai vậy?
Điệu nhạc lại vang lên, lần này rất gần, như ngay phía sau lưng của Sinh. Anh còn có cảm giác như có tiếng động của ai đó... Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng. Ngôi nhà lúc đó đã hoàn toàn chìm trong bóng tối. Càng nghe tiếng kèn Sinh càng nhớ tới cha, bởi đã nhiều lần khi đang ngủ, ông vội thức giấc và bàng hoàng hỏi Sinh:
- Con có nghe tiếng nhạc kia không? Của ma đó!
Do vậy, Sinh cứ bị ám ảnh với loại kèn này... Và nó chỉ chấm dứt từ khi cha anh chết. Mà sao bây giờ nó lại vang lên ở đây? Bất giác anh gọi lớn:
- Ba!
Không ngờ lại có tiếng hồi âm:
- Cuối cùng thì con cũng đã tới!
Ngoài sức tưởng tượng của Sinh, nên phải gần nửa giây anh mới thảng thốt kêu lên:
- Ba! Sao ba lại...
- Sao ba lại ở đây phải không? Con hỏi mà không nhớ rằng, chính con đã đưa ba tới đây!
Từ trong bóng tối, một chiếc xe lăn từ từ nhô ra, tiến đến gần bên Sinh. Anh nghe cả hơi thở quen thuộc:
- Ba!
Anh định chụp lấy vai người ngồi trên xe lăn, nhưng đã bị ngăn lại:
- Ba đã là người cõi khác. Một hồn ma già nua, không đủ sức hồi sinh, con chạm vào sẽ lập tức làm tan biến chút tồn tại mong manh mà thôi! Hãy nghe ba nói...
- Sao ba lại ở đây?
- Ba không ở đây, mà ba theo chiếc khăn tay con vừa mang tới. Chính người chủ chiếc khăn mới là người sẽ cho con biết tại sao con phải tới chốn này.
- Nhưng...
Sinh nghe một tiếng thở dài trong bóng tối:
- Ba hiện giờ cũng như con thôi, khó lòng mà gặp được người ấy...
Sinh hơi lớn tiếng:
- Ba đang bị người trong nhà khống chế phải không?
- Chẳng ai khống chế ba ở đây cả. Mà người khống chế chính là...
Ông vừa nói tới đó thì nghe vang lên một tiếng lớn, hình như chiếc xe lăn bị ngã đổ. Sinh hốt hoảng:
- Kìa, ba!
Anh lao tới và đỡ chiếc xe đang lăn kềnh lên. Chiếc xe trống không!
- Ba! Ba đâu rồi?
Chợt ánh sáng bừng lên sáng choang cả gian phòng. Người đàn ông lúc đầu xuất hiện đúng lúc với chiếc đèn măng-sông trên tay. Ông ta lạnh lùng bảo Sinh:
- Ba cậu nói rồi, ông ấy mỏng manh như sương khói. Thương cậu nên ông mới hiện về, nhưng bây giờ người ta không cho nữa, nên ông lại trở về với cát bụi rồi...
- Không, ba tôi!
Người đàn ông đưa tay chỉ về phía chiếc xe lăn:
- Cậu xem, hình như trên xe có vật gì kìa!
Sinh thấy trên đó là chiếc khăn tay mà lúc nãy anh đưa cho chủ nhà xem chưa kịp lấy lại, anh chưa kịp hỏi sao nó lại nằm trên xe lăn của ba anh thì anh đã vội cầm lên xem. Có mấy chữ hiện ra trên chiếc khăn: Con đã để mất vật mà ba cố ý để lại cho con rồi, làm sao con có thể giúp gì cho ba! Rồi con cũng sẽ chẳng còn gì... Hãy tìm lại cho được!
Bất giác Sinh kêu lên:
- Pho tượng đồng!
Người đàn ông chủ nhà không hiểu Sinh nói gì, nhưng không hỏi lại, mà một lần nữa bỏ vào trong, sau khi để lại chiếc đèn.
Sinh đọc lại lần nữa những chữ trên chiếc khăn, anh nhận ra đó là nét chữ của cha mình. Chẳng hiểu ông viết lúc nào mà nét mực còn mới nguyên.
Sau một hồi ngẫm nghĩ, chợt Sinh hiểu ra, anh nói:
- Mẹ! Chính mẹ!
Anh nhớ đêm hôm đó mẹ xuất hiện trong phòng, rồi khi bà đi thì pho tượng cũng biến mất theo. Mà trong việc này thì lờ mờ, hình như hiện ra bóng dáng của mẹ ngày càng rõ...
Phải chăng...
Sinh không dám nghĩ tiếp, nhưng trong đầu anh biết phải làm gì. Anh nói với vào trong:
- Cháu không cản nữa, xin phép chú, cháu đi đây!
Anh vừa bước ra cửa thì từ trong lại vọng ra tiếng kèn kỳ lạ lúc nãy. Chừng như giữa người thổi kèn với cha anh không phải là một. Hay đúng ra, theo Sinh nghĩ, người nào đó cố ý trỗi lên tiếng kèn đó là để cho anh và cha anh nghe!
Nghĩ vậy nên Sinh dừng lại lắng nghe. Hình như người thổi kèn biết được có người đang lắng nghe thì hứng khởi lên, càng thổi càng da diết, càng như ru lòng người...
Không thể không hỏi, nên dù không nhìn thấy ai trong nhà lúc đó, nhưng Sinh vẫn hỏi vọng vào:
- Tôi muốn nghe nữa vào một hôm nào đó, vậy có được không?
Anh nói xong thì bước đi mà không cần nghe câu trả lời. Lúc ấy ánh sáng trong ngôi nhà bỗng vụt tắt, trả nó về với bóng tối cố hữu...
***
Đã khá lâu rồi kể từ ngày đi du học trở về, Sinh chưa về thăm ngôi nhà cũ, nơi có phần mộ cha mẹ. Vừa thấy anh thì bà xẩm già Lý Anh đã reo lên:
- Cậu Hai về kịp lúc quá, tôi chờ cậu Hai quá trời!
Bà Lý là người Tàu, nhưng đã sống lâu đời với gia đình anh, nên bà hầu như nói tiếng Việt rành không thua bất cứ người bản xứ nào. Bà cũng chính là người đã từng chăm sóc anh, nuôi nấng từ miếng sữa, miếng cơm thuở anh còn nhỏ. Thời ấy mẹ anh luôn đi đây đi đó lo kinh doanh, nên mọi việc nhà đều do một tay bà Lý.
- Sao cậu không về qua nhà?
Câu hỏi cũng là lời trách, nên Sinh nhẹ giọng:
- Dạ, con xin lỗi vú, do con bận quá.
- Bận gì thì cũng về thăm mồ mả ông bà chứ. Chỉ vì vắng cậu mà xảy ra bao nhiêu chuyện, già này làm sao lo cho kham!
Sinh ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy vú?
Bà thở dài:
- Liên tục xảy ra chuyện. Hết bà rồi lại tới ông. Người nào cũng quấy động lên không ai chịu nổi! Nhất là bà, chẳng hiểu sao từ mấy hôm nay bà lồng lộn lên dữ quá, cứ cúng vái bao nhiêu trên bàn thờ bà đều quăng xuống hết và hồi nửa đêm qua còn ném luôn cả những thứ thờ trên bàn thờ ông nữa! Mà tôi biết chắc việc ném đồ thờ trên chỗ thờ của ông không phải do ông làm, mà là... do bà. Cậu biết tính nộ khí xung thiên của bà lúc còn sống mà, khi giận lên thì bà bất kể trời đất!
Sinh bước vào coi thì quả như mô tả của bà. Đặc biệt là ở phần mộ của ông đàng sau vườn, hầu như những chữ trên mộ bia đều bị xóa be bét! Vừa xem qua thì Sinh đã phần nào hiểu, anh lắc đầu ngán ngẩm:
- Con người ta một khi máu ghen nổi lên thì còn kể gì nữa!
Bà Lý ngạc nhiên:
- Cậu nói gì vậy, ai ghen?
- Thì mẹ con chứ còn ai.
- Nhưng, bà chết rồi, mà ông cũng đã mất, vậy ghen với ai?
Sinh đột nhiên hỏi:
- Vú biết có ai quen với ba con tên là Hồ Điệp không?
Bà Lý giật mình:
- Cậu cũng biết sao?
- Vú biết?
Bà Lý bỗng hạ thấp giọng, như sợ có người nghe được:
- Người ấy là người tình của ông từ mười năm trước!
- Vú biết bà ấy bây giờ ở đâu không?
- Ở gần đồn điền cũ của ông. Lâu quá rồi tôi không nghe tin. Bà ấy trẻ hơn mẹ cậu nhiều tuổi, nguyên là hoa khôi một trường đầm ở Đà Lạt thời ấy!
Nghe bà tiết lộ những điều chứng tỏ bà biết khá nhiều về người đàn bà kia, Sinh kéo bà ra một chỗ vắng, hỏi tới:
- Vú biết gì nữa, nói hết cho con nghe đi!
Bà Lý sau một lúc trầm ngâm, đã kể tiếp:
- Thời bà còn sống, lúc cậu đi du học thì đã nhiều lần bà từng làm dữ lên vì chuyện này! Bà ghen ông với cô đó, và nếu không ngăn kịp thì có lần bà đã tạt acid vào mặt cô ấy rồi! Nghe nói lần đó chính ông đã hứng trọn một lon acid vào lưng thay cho cô gái kia!
Sinh bất giác kêu lên:
- Trời ơi!
Bà Lý giọng đầy xúc động:
- Ngày đó giữa ông và bà căng thẳng lắm. Ông bị acid làm phỏng nguyên cái lưng, phải nằm bệnh viện khá lâu, vậy mà ở nhà bà vẫn không để yên, vẫn tiếp tục...
Bà kể tới đó thì ngừng lại như ngại... Bỗng Sinh tiếp lời bà:
- Vẫn không buông tha người phụ nữ kia sao? Rồi người ấy thế nào?
Bà Lý nhẹ lắc đầu:
- Tôi không dám biết tiếp câu chuyện... Hơn nữa, thời ấy tôi còn phải lo cho bệnh tình của ông ở bệnh viện. Tôi tính gửi thư qua cho cậu, nhưng ông chủ nhất quyết không cho, còn dặn là phải giấu biệt luôn, đừng bao giờ kể cho cậu nghe câu chuyện này!
- Sao cách đây ba năm con về mà đâu có nghe ba con nói gì chuyện ấy? Lúc đó mẹ con mới vừa chết. Mà sao lúc mẹ con mất ba con không cho con hay, mà đợi khi làm tuần 49 ngày con mới được báo tin?
Bà Lý lại lắc đầu:
- Chuyện đó là do ông. Theo ý ông thì không muốn cậu phải phân tâm, bởi năm đó là năm cậu thi tốt nghiệp.
Bà ngừng nói, như vẫn còn sợ điều gì đó... Sinh phải gắt lên:
- Vú giấu con nhiều lắm. Chuyện vú không nói thật thì con không hỏi vú nữa, tại sao mẹ con chết?
Đúng là gây khó cho bà vú, bà phải ngập ngừng một lúc rồi mới nói lơ lửng:
- Gieo gì thì gặt nấy thôi!
- Vú nói vậy là sao? Ai gieo, ai gặt?
Bà Lý bất ngờ hỏi:
- Theo cậu thì ai là người gieo trong vụ này?
Sinh nhìn vào bà rồi một lúc mới trả lời:
- Mẹ con là người gieo quả!
Bà Lý đáp thật nhỏ:
- Cậu nói không sai. Chính bà đã tiếp tục gieo tội, dẫu lần trước đã gây ra thương tật lớn cho ông chủ, vậy mà khi ông chủ còn nằm trong bệnh viện bà lại tiếp tục đi lên đồn điền, và... hậu quả là...
Bà nói tới đây thì có lẽ quá xúc động đã nghẹn ngào... Sinh phải lay vai bà hỏi:
- Hậu quả thế nào?
Giọng của bà Lý đẫm trong nước mắt:
- Cô tên Hồ Điệp đó nhận trọn một ca acid!
- Trời ơi!
Lần này tiếng kêu của Sinh vừa thảng thốt vừa đau đớn! Anh lặng đi một lúc, mới run run giọng nói:
- Ác giả ác báo mà!
Bà Lý nói tiếp:
- Tôi nói gieo gì gặt nấy là thế này: sau khi gây ra vụ việc tày trời đó được gần một năm, thì ông chủ xuất viện về nhà và hay tin! Giữa ông bà đã nổ ra một trận cãi long trời lở đất và cả hai đều bỏ nhà đi. Đến hai ngày sau thì tin dữ dội về, bà chủ trong lúc trở lại nhà cô Hồ Điệp để "đào mồ cuốc mả" cô ấy thì chẳng may, trong lúc giận quá mất khôn, bà đã tự lái xe và lao xuống vực!
Phi lại lặng người đi khá lâu. Hồi sau, anh buông một câu:
- Chuyện nhà con rối rắm quá!
Anh tiếp tay với bà Lý dọn dẹp lại hai bàn thờ. Trong lúc dọn, anh giật mình khi nhìn thấy pho tượng đồng mà anh bị mất mấy hôm trước!
- Vú, vật này sao ở đây?
Bà Lý ngạc nhiên:
- Vật gì?
Khi Sinh lấy pho tượng đưa lên thì bà lại càng kinh ngạc hơn:
- Vật này... cách đây trên ba năm, khi ông chủ còn sống thì tôi thấy... hình như tôi thấy... nó nằm trong phòng riêng của bà chủ! À mà phải rồi, lúc ông bà cãi vã nhau dữ dội thì cũng xoay quanh pho tượng này! Khi bà chết rồi thì nó biến đâu mất tiêu, bây giờ lại thấy ở đây. Mà mấy hôm nay ngày nào cũng đốt nhang cho ông bà, mà tôi có nhìn thấy nó đâu?
- Nó ở chỗ của con!
Câu nói của Sinh khiến bà Lý tròn mắt nhìn anh:
- Nó bị ai lấy mang về đây sao? Tôi không có à...
Sinh nói khẽ đủ cho bà vú nghe:
- Mẹ con lấy!
Rồi anh đột ngột hỏi:
- Vú có biết gì nữa về pho tượng này không?
- Nhiều thì không biết, nhưng tôi biết nó từ một ông thầy tướng số người Hoa, tên Lưu Tường.
Sinh sáng mắt lên:
- Ông ta là thế nào với ba mẹ con?
Bà Lý im bặt, sắc mặt bà hơi biến đổi và Sinh nhìn thấy ngay:
- Có chuyện gì sao vú?
- Có...
Bà im lặng thêm một lúc nữa, rồi đột nhiên hạ giọng:
- Người đó là đầu mối của mọi rắc rối! Chính ông ta đã bán tượng ấy đầu tiên cho bà chủ, rồi sau lại chuyển cho ông chủ...
Sinh cau mày:
- Đây là pho tượng cổ quý giá lắm sao?
Bà Lý lắc đầu:
- Tôi không biết có quý hay không, nhưng... hình như nó được làm phép hay yểm bùa sao đó!
Sinh ngạc nhiên:
- Làm phép là sao?
- Điều này tôi cũng không rõ. Nhưng có lúc bà giữ nó kỹ lắm, rồi khi qua tay ông nó cũng được ông giữ như báu vật! Nhưng từ khi ông chết thì tôi không còn thấy nó đâu, chẳng biết ông cất chỗ nào. Thì ra là ở chỗ cậu.
- Vú biết nhà lão Lưu Tường gì đó không?
Bà Lý lại tỏ ra căng thẳng, rồi đột nhiên bà nói:
- Chắc cậu biết mẹ cậu vốn là người gốc Hoa chứ?
Sinh gật đầu:
- Dạ biết. Nhưng có liên quan gì tới vụ này sao?
- Có. Ông Lưu Tường là một người Hoa, từng là... người yêu cũ của mẹ cậu lúc bà chưa lấy chồng!
Lời tiết lộ này không khiến Sinh sửng sốt. Anh chỉ im lặng rồi vụt đứng lên, tay giữ khư khư pho tượng. Bà Lý hỏi:
- Cậu tính sao?
Sinh vẫn không nói gì, anh hỏi lại:
- Vú có chìa khóa phòng riêng của mẹ con không?
Bà Lý đích thân mở cửa phòng nhưng không vào, bà vội nói:
- Từ nào đến giờ tôi không có vào trong. Nói thật, tôi sợ...
Sinh không sợ, nhưng anh cũng có hơi e dè. Căn phòng đúng là từ lâu không được quét dọn, tuy nhiên cũng không đến nỗi bề bộn, luộm thuộm lắm. Một vật khiến Sinh chú ý đầu tiên lại là... một pho tượng đồng khác, đang nằm trên bàn phấn!
- Sao lại...?
Sinh hết nhìn pho tượng trên tay anh rồi đến pho tượng kia. Cả hai giống nhau như đúc cùng khuôn!
Vừa đưa tay chạm vào thì có một tiếng kêu thét lên, như tiếng của ai đó kêu cứu! Mà giọng đó lại giống như của cha... Sinh thảng thốt kêu lên:
- Ba!
***
Anh chàng tuổi cỡ trên dưới ba mươi bước ra tiếp Sinh, khiến anh hơi thất vọng, anh hỏi liền:
- Tôi muốn gặp ông Lưu Tường?
Chàng trai kia trố mắt nhìn Sinh:
- Có chuyện gì?
- Đây là nhà ông Lưu Tường, ông thầy tướng...?
Anh ta mở rộng cửa ra mời Sinh vào. Khi đã bước vào nhà rồi Sinh mới xác định là mình tìm đúng chỗ, bởi khắp phòng hầu như chỗ nào cũng bày đầy những trang thờ cùng những hình vẽ quái dị. Không khí căn phòng đầy huyền bí, âm u...
Anh chàng kia không đợi Sinh hỏi thêm, đã nói ngay:
- Ba tôi đã mất rồi. Tôi là con trai ông ấy.
Sinh hơi thất vọng:
- Ông Lưu Tường mất lâu chưa?
Chỉ về phía bàn thờ đặt sát tường, lẫn vào những bệ thờ khác, anh ta bình thản nói:
- Chỉ mới đây thôi. Xin hỏi, anh tìm ba tôi có việc gì?
Sinh hơi ngập ngừng:
- Chẳng là thế này... Tôi là con của một người bạn của ông Lưu. Có một vài việc...
Anh chàng kia đột nhiên hỏi thẳng:
- Anh là con của bà Lan Vi?
Nghe anh ta hỏi đúng tên mẹ mình, Sinh ngạc nhiên:
- Anh... biết mẹ tôi?
Anh chàng thở dài thườn thượt:
- Thảo nào...
Anh ta đứng lên, đi về phía bàn thờ và lấy một phong thư còn mới, đưa cho Sinh:
- Anh đọc đi.
Sinh lắc đầu:
- Tôi không đọc được tiếng Hoa.
- Không, ba tôi viết bằng tiếng Việt.
"Gửi ông Thanh Long,
Phải đến bây giờ, sau gần mười năm, tôi mới viết những dòng này cho ông. Chắc ông biết tôi là ai rồi, người mà ông luôn cho rằng đã gây ra xào xáo hạnh phúc gia đình ông bấy lâu nay! Và điều mà tôi sắp nói đây có liên quan đến cái hạnh phúc đó!
Tôi không chối bỏ tôi chính là người yêu của Lan Vi, vợ ông! Là một kẻ mất vợ sắp cưới vào tay ông, một thương gia giàu có và là kẻ nuôi trong lòng mối uất hận mười năm! Và chính vì lẽ đó mà suốt hơn mười năm qua, tôi đúng là người luôn chen vào để phá tan cái hạnh phúc gia đình mà ông vốn có! Tôi đã làm được với đủ mọi cách. Từ ly gián giữa ông với Lan Vi, đến dùng bùa chú để can thiệp vào, cho đến phá luôn cả mối tình vụng trộm giữa ông và cô người yêu bé nhỏ của ông ở Đơn Dương, cô Hồ Điệp gì đó...
Tôi hầu như sắp đạt mục đích cuối cùng là loại ông ra khỏi cuộc tranh chấp tình cảm này để chiếm lại Lan Vi của tôi. Nhưng tôi không ngờ số mạng lại trớ trêu, người chết trong cuộc trả thù của tôi không là ông mà lại là Lan Vi! Chính tôi đã biến Lan Vi đem pho tượng đồng đã bị yểm bùa để đặt vào nhà cô Hồ Điệp, nơi mà tôi biết sau khi rời bệnh viện thế nào ông cũng mò về đó, để ông phải bị bùa mà điên cuồng, rồi chính tay ông sẽ giết hại người yêu của mình và vì vậy mà bị kết án sẽ rục xương trong nhà tù! Nhưng người tính không bằng trời tính, nên Lan Vi chưa làm được chuyện ấy thì cô ấy lại lao xe xuống vực mà chết!
Tôi hận ông thấu xương, nên thay vì Lan Vi chết rồi, tôi phải bỏ mọi ý định trả thù, đằng này tôi vẫn tiếp tục cuộc truy đuổi ông. Những pho tượng đồng báo oán vẫn bám sát gia đình ông, đã khiến được ông chết bởi cơn bệnh dai dẳng hành hạ, và rồi điều đó sẽ lặp lại với chính đứa con trai duy nhất đang nối nghiệp ông!
Nhưng, chuyện đời đâu phải cái gì mình muốn cũng theo đúng ý mình đâu! Vừa rồi, trong lúc tôi sắp đạt được mục đích cuối cùng, khi thằng con trai ông nó đã bắt đầu chạm vào pho tượng thiêng đó, thì một bất ngờ đã xảy ra, điều mà chính tôi cũng không ngờ tới! Ông biết ai đã phá hỏng hết mọi cố gắng của tôi không? Đó chính là... Lan Vi! Chính cô đã lấy hai pho tượng, một do ông cất giữ, một của cô ấy, đem về tận nhà tôi, rồi trước sự bất ngờ của tôi, cô ấy ném cả hai vật ấy vào nơi ô uế, khiến cho mọi phép thiêng yểm trong đó đều tiêu tan hết! Tôi đã hỏi tại sao cô ấy làm như vậy thì cô ấy chỉ khóc mà không nói, rồi biến mất luôn. Oan hồn cô đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại đây nữa... Và tôi cũng đã đoán ra tại sao cô ấy lại hành động như vậy. Chỉ bởi lương tâm làm mẹ của cô ấy thức tỉnh kịp thời trong cõi âm hồn, và cô ấy biết là mình không thể hại con ruột của mình được! Cô ấy đã và thà chấp nhận oan hồn mình vĩnh viễn tiêu tan, chứ không làm ác thêm lần nữa...
Với tôi như vậy thì còn gì để theo đuổi cuộc trả thù điên cuồng của mình nữa! Tôi đã hiểu ra, mọi thù hằn rồi cũng chỉ hằn thù triền miên mà thôi. Bởi dẫu tôi có hại nốt giọt máu cuối cùng của ông, thì rồi tôi vẫn còn có đứa con trai của mình. Lấy gì bảo đảm là vong hồn ông, vong hồn con trai ông nó sẽ không tìm cách trả hận chúng tôi.
Lan Vi đã không còn tin tôi nữa, vậy thử hỏi tôi còn sống mà làm gì! Tôi viết những dòng này, biết là ông không còn trên thế gian này để đọc, nhưng tôi mong con trai ông nó sẽ đọc, và sau đó đem đốt để ở suối vàng ông cũng đọc được và tha thứ cho tôi...
Lưu Tường.”
Buông lá thư xuống, Sinh nhìn chàng trai kia, chưa kịp nói gì thì anh ta đã lên tiếng:
- Ba tôi chết bởi tự mình kết liễu cuộc đời. Tôi tuy không rõ lắm về chuyện rắc rối giữa ông với cha mẹ anh, nhưng qua lá thư này tôi cũng hiểu ra là mọi việc đã kết thúc. Phần anh thì sao, anh có hận thù gì tôi không?
Sinh gượng cười và bắt tay anh ta:
- Chuyện ấy đã là quá khứ. Những gì ba anh nói đã quá đủ để chúng ta khép lại mọi việc.
Họ siết chặt tay nhau trong niềm cảm thông.
Sinh xách trên tay hai pho tượng đồng nặng gần mười ký lô trong giỏ xách, mà lúc tới anh kỳ vọng sẽ buộc ông Lưu Tường làm cho ra lẽ, nhưng giờ này nó trở thành một gánh nặng thật sự. Anh muốn bỏ nó ở giữa đường, nhưng suy nghĩ lại, anh mang nó về nhà.
Anh đốt nhang bàn thờ cha mẹ, rồi dặn bà Lý:
- Vú làm một mâm cơm để trưa nay cúng giùm con.
Bà Lý ngạc nhiên:
- Sao cậu còn sửa soạn đi đâu nữa?
- Con có chút việc phải đi ngay. Khi về con sẽ nói với vú nhiều việc.
Lúc Sinh cất hai pho tượng vào tủ, anh có cảm giác như những pho tượng ấy giờ chỉ còn là hai khối đồng nặng nề mà thôi, mọi điều thần bí không còn nữa... Bằng chứng là trong lúc sắp xếp, Sinh vô tình làm rơi một pho tượng xuống sàn, chỉ một tiếng vang khô khan rồi thôi, không có một biểu hiện gì khác thường!
Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Sinh tự nhủ:
- Tại sao mình lại không đặt tượng lên đầu mộ của từng người?
Anh đem hai pho tượng ra ngoài mộ, thay vì bỏ vào tủ cất. Và tuần tự, Sinh đặt trước đầu mộ từng cái một. Vừa đặt xong thì thật bất ngờ, pho tượng bên mộ cha anh vụt chuyển động, rồi chỉ trong chớp mắt, nó chuyển dịch nhanh và đổi vị trí sang đầu mộ của mẹ. Riêng pho tượng của mẹ anh thì vẫn đứng yên.
Sinh chợt hiểu ra, anh thử lấy pho tượng vốn đặt mộ mẹ trước đó, chuyển sang mộ của cha, thì nó đứng yên! Để thử lại xem suy nghĩ của mình có đúng không, Sinh lại chuyển pho tượng mới bị dịch chuyển từ mộ cha sang, để nó trở lại cạnh pho tượng kia, ngay đầu mộ của cha. Lập tức pho tượng đó bị hất tung. Trong lúc pho tượng kia thì vẫn đứng yên!
Sinh chắp tay trước mộ cha, khấn:
- Con xin ba, giờ thì mọi việc đã đổi thay rồi. Mẹ đã biết lỗi và đã vĩnh viễn tan biến vào hư không rồi. Xin cha hãy rộng lượng, bỏ qua...
Nói xong, anh lấy bức thư của ông Lưu Tường, bật diêm quẹt đốt liền. Rồi anh lại khấn thêm:
- Bây giờ con sẽ thay ba đi làm một việc cuối cùng. Ba cứ yên lòng nhắm mắt...
Anh đốt thêm hai nén nhang nữa và chờ cho lá thư cháy hết rồi mới quay lưng đi.
Ở phía sau Sinh, làn khói xanh từ lá thư đang đốt bỗng hóa thành màu đỏ, bay là đà quanh hai ngôi mộ. Cuối cùng, làn khói ấy sà xuống sát ngôi mộ của bà Lan Vi rồi tỏa ra lớn dần, lớn dần, sau cùng nó như một đám mây óng ánh sắc màu chụp xuống ngôi mộ!
***
Người đàn ông hôm trước đón sự trở lại của Sinh khác lần đầu. Ông nở nụ cười thân thiện:
- Cậu trở lại đây sớm hơn tôi dự kiến.
Sinh lễ phép:
- Thưa chú, chú không khó chịu vì sự hiện diện của cháu chứ?
- Trái lại là khác. Cứ gọi tôi là Ba Vĩnh, tôi là em ruột của Hồ Điệp. Tôi đã được người ta báo trước là cậu sẽ trở lại đây, nhưng nghĩ ít ra cũng năm ba ngày nữa...
- Cháu đi xe đêm để kịp tới đây sáng nay. Bởi hôm nay là sinh nhật thứ 42 của bà Hồ Điệp, phải không ạ?
Anh vừa nói vừa đặt xuống một lẵng hoa tươi, không ra dáng hoa tang, mà cũng chẳng ra hoa cưới, vì trên đầu lẵng hoa có gắn một dòng chữ khá to: Ngàn lần tạ tội! Thay mặt gia đình Thanh Long. Hoàng Sinh.
Vừa lúc đó, Sinh quỳ xuống trước sự ngỡ ngàng của ông Ba Vĩnh:
- Kìa, sao cậu lại...
Nhưng rồi ông chợt hiểu:
- Đêm qua ba cậu đã về đây báo cho biết cậu sẽ tới để tạ lỗi. Ba cậu cũng đã nói hết mọi chuyện về hành vi của mẹ cậu và ông thầy tướng số nào đó... Nhưng cậu không phải làm như vậy. Bởi mọi việc đã qua rồi, dẫu sao thì chị tôi cũng đã nhận hết mọi khổ đau rồi, còn hận ai làm gì...
Ông đỡ Sinh đứng lên, rồi nói:
- Cậu theo tôi ra sau này.
Ông đưa Sinh ra phía sau nhà, nơi có một khu vườn trồng những cây ăn trái sum sê. Đến một ngôi nhà nhỏ biệt lập với nhà lớn phía ngoài, từ bên trong vọng ra điệu kèn kỳ bí hôm trước! Sinh thảng thốt:
- Đây là...
Ba Vĩnh bảo:
- Chị tôi thổi đó. Chị ấy từ nhỏ đã mê loại kèn này và tập thổi cho đến khi chơi được nhiều bản nhạc, nhưng chỉ duy nhất có bản này thì hầu như năm bảy năm nay chị ấy chỉ chơi có một. Cậu biết bài nhạc này?
- Bài "Rose de Chine".
- Đúng, đây là bản nhạc định mệnh của chị ấy. Bởi thiếu gì bài hay mà chị ấy không thổi, lại chỉ chơi có mỗi bài này. Tôi có hỏi thì chị bảo, bởi vì đấy là bài Cánh Hồng Trung Hoa mà anh Thanh Long thích nhất! Đó, tình yêu nó làm cho người ta lãng mạn và bảo thủ như thế đó!
- Cô ấy thổi hay quá, cháu cũng phát mê!
- Vậy mà...
Ba Vĩnh định nói gì đó nhưng lại thôi. Ông cất tiếng gọi vào trong:
- Chị Hai ơi, có cậu ấy tới!
Hình như việc Sinh tới đây đã được người trong kia hay biết trước, nên có một giọng yếu ớt và hơi run vọng ra:
- Mời cậu ấy vào phòng khách.
Ba Vĩnh mời Sinh vào nhà, vừa giải thích thêm:
- Từ ngày bị nạn chị tôi không tiếp ai ở đây cả, ngoại trừ cậu.
Căn phòng chìm trong bóng tối, do tất cả cửa nẻo đều đóng kín. Ngăn giữa phòng khách và phòng bên trong chỉ bằng một tấm màn che màu sậm. Giọng từ bên trong lại vọng ra:
- Cậu là Sinh?
- Dạ, con là Sinh. Con xin cúi đầu trước cô để nhận tội cho má con!
Anh lại bất thần quỳ xuống và mọp đầu sát sàn nhà. Bên trong, giọng nói vẫn từ tốn:
- Cậu không phải làm vậy đâu. Mọi việc đã qua rồi mà hôm nay được nghe cậu nói tôi đã mãn nguyện lắm, tôi không mong gì hơn...
Bà nấc lên thành tiếng! Ba Vĩnh hốt hoảng:
- Kìa, chị Hai! Chị làm khổ con tim của chị nữa rồi.
Giọng nói vẫn vang ra:
- Không sao. Cậu Ba có thể bước ra ngoài, để tôi nói với cậu đây mấy lời không?
- Dạ... nhưng chị Hai đừng để ảnh hưởng sức khỏe.
Ba Vĩnh lui ra thì tấm màn lay động nhẹ, rồi Sinh có cảm giác như có tiếng xe lăn chuyển động và... giọng nói gần sát bên:
- Cậu là người duy nhất được nhìn thấy dung nhan tôi, trong khi kể cả em trai tôi, nó nuôi tôi từ bao nhiêu năm nay cũng chưa từng nhìn thấy! Tôi chào cậu.
Sinh vừa ngước nhìn và suýt nữa anh đã kêu rú lên, bởi con người ngồi trên xe lăn đang ở trước mặt anh có một bộ mặt chẳng khác gì một ác quỷ!
- Bà là... bà Hồ Điệp?
Một tiếng cười giống như tiếng khóc cất lên:
- Cậu cũng nhận ra tôi rồi! Cám ơn cậu, dù sao thì dưới bộ mặt quỷ tôi vẫn còn có cái tên! Tôi đang đợi cậu tới đây để nói với cậu câu này...
Bà dừng lại, hình như để lấy hơi, rồi mới tiếp:
- Tôi chỉ mong ước một điều duy nhất trước khi nhắm mắt, mà chỉ có cậu mới quyết được: Tôi muốn được chôn cạnh ba cậu!
Sinh phản ứng ngay:
- Sao được! Mẹ tôi...
Người phụ nữ trên xe lăn chợt thở dài...
Riêng Sinh, sau câu nói dở dang, anh chợt nhận ra, vội tiếp liền:
- À, mà không sao! Được, được cô ạ! Nhưng, con muốn phụng dưỡng cô dài lâu. Cô đừng chết...
Người phụ nữ long lanh ánh mắt trên khuôn mặt sần sùi, nhăn nheo giọng bà như reo lên:
- Cô cám ơn con! Cám ơn Phật trời...
Sau câu nói, bà đẩy nhanh chiếc xe lăn trở vào sau bức màn che, và... bà khóc nức nở từ trong đó.
Sinh cố lên tiếng xin nói chuyện, nhưng bà không trả lời. Tuy vậy, Sinh thoáng hiểu tiếng nấc kia là niềm vui chứ không phải nỗi thống khổ như từ bao lâu nay...
Anh lặng lẽ bước ra ngoài và quyết định sẽ ở lại đó vài hôm...
Và quyết định đó rất đúng. Bởi ngay sáng hôm sau thì Ba Vĩnh, em trai bà đã phát hiện Hồ Điệp nằm chết trên giường với tư thế thanh thản. Hình như bà tự tìm lấy sự ra đi...
Thể theo ý nguyện của bà, Sinh và Ba Vĩnh đã đưa thi thể bà về chôn trong vườn nhà, nằm bên cạnh mộ của cha mẹ anh. Sau khi mai táng, Sinh chờ đợi xem có phản ứng gì không từ mẹ. Nhưng tuyệt nhiên không có gì...