Nguyễn Bích Lan biên soạn
Agnès Gonxha Bojaxhiu
Tác giả: Nguyễn Bích Lan biên soạn
Ngày 27 tháng Tám năm 1910 một gia đình gốc Albani sống ở Skopje, Macedonia đón chào một bé gái ra đời. Họ đặt tên cho thành viên mới là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Mới mười hai tuổi Agnes Gonxha Bojaxhiu đã khao khát đi theo con đường của Chúa. Năm mười tám tuổi Agnes ra nhập nhóm Sisters of Loreto (Những nữ tu Loreto), một nhóm nữ tu từ Ireland tới Ấn Độ thực hiện các hoạt động nhân đạo. Kể từ đó Agnes Gonxha Bojaxhiu trở thành Mẹ Teresa.
Trong gần hai mươi năm dạy học tại trường thánh Mary ở Calcutta, Mẹ Teresa luôn đau đáu nghĩ về những cảnh thương tâm của con người ở thế giới bên ngoài những bức tường tu viện, những người đói không có cái ăn, những người ốm không được chăm sóc, những đứa trẻ không được học hành. Năm 1984 được sự cho phép của bề trên Mẹ Teresa rời tu viện để dành hết thời gian của mình giúp đỡ những người nghèo nhất trong những người nghèo ở các khu ổ chuột Calcutta. Mẹ Teresa đã mở trường học ngoài trời cho trẻ em lang thang, cứu giúp những người đói khát, chăm sóc những người bị bệnh phong, giúp đỡ những người già cô đơn.
Có rất nhiều câu chuyện cảm động về lòng từ tâm của mẹ Teresa được người dân Ấn Độ truyền miệng, hoặc được lưu lại trong những cuốn sách. Cuốn Điều tốt đẹp vì Chúa (something beautiful for God) đã kể về trường hợp đầu tiên được Mẹ Teresa giúp thoát khỏi cảnh chết không nhà. Đó là trường hợp của một phụ nữ ở Calcutta. Khi Mẹ Teresa nhìn thấy người phụ nữ này trên đường bà ta đã kiệt sức và đã bị kiến và chuột gặm nhấm mất nhiều mảng thịt trên người. Mẹ Teresa đưa người phụ nữ xấu số này vào viện và phải thuyết phục hết lời bệnh viện mới chịu nhận lo cho bà ta. Mẹ Teresa đã ở bên người phụ nữ đó cho tới khi bà ta ngừng thở. Rời bệnh viện Mẹ Teresa đi thẳng tới chính quyền thành phố xin họ cấp cho một nơi để hội của mẹ có thể chăm sóc những người sắp chết. Thuyết phục mãi cuối cùng hội của Mẹ Teresa đã được chính quyền cho phép sử dụng một đền thờ bỏ hoang. Ngay trong ngày hôm đó Mẹ Teresa lập nên một trung tâm mang tên Nirmal Hriday để chăm sóc những người vô gia cư ốm nặng. Mẹ Teresa cùng các nữ tu trong hội của mẹ đã mang những người nằm chờ chết trên khắp các đường phố về Nirmal Hriday. Đã có đến hơn 42 nghìn người gồm phụ nữ, đàn ông, người già, trẻ em được đưa từ các đường phố Calcutta về Nirmal Hriday trong đó có 19 nghìn người được nhận sự chăm sóc tận tâm trước khi nhắm mắt. Có rất nhiều người đã được Mẹ Teresa và các xơ trong hội của mẹ cứu sống.
Năm 1965 với sự bảo trợ của Giáo hoàng Paul IV hội nhân đạo của Mẹ Teresa phát triển thành một tổ chức nhân đạo tôn giáo quốc tế. Tổ chức này phát triển các hoạt động nhân đạo ở những nơi nghèo nhất của châu Á, châu Phi, châu Mĩ la tinh thậm chí ở cả Châu Âu. Mẹ Teresa đã điều hành nhiều chương trình nhân đạo ở gần 100 quốc gia trên thế giới. Mẹ đã trực tiếp đến giúp những nạn nhân của nạn đói ở Ethiopia, những nạn nhân bị nhiễm phóng xạ của vụ Chernobyl, và những nạn nhân của trận động đất ở Armenia. Năm 1982 Mẹ Teresa đã thuyết phục những người Palestin và người Israel ngừng bắn để những người làm nhân đạo sơ tán 37 bệnh nhân rời khỏi một bệnh viện đang bị bao vây ở Beirut.
Công việc nhân đạo dường như luôn đòi hỏi Mẹ Teresa phải gắng sức. Năm 1983 trong chuyến đi Rome Mẹ Teresa bị một cơn đau tim. Sau lần đau tim thứ hai Mẹ buộc phải để các bác sĩ lắp máy điều hòa nhịp tim cho mình. Sức khỏe của Mẹ suy sụp trầm trọng sau cuộc phẫu thuật tim. Vào ngày 5 tháng Chín năm 1997 Mẹ Teresa đã trút hơi thở cuối cùng. 4000 nữ tu, hơn 100.000 người tình nguyện hoạt động trong tổ chức nhân đạo của Mẹ, cùng tất cả những người coi mẹ là ân nhân, là thần tượng đều tin rằng Mẹ Teresa đã trở về bên Chúa.
Sinh thời, Mẹ Teresa có những câu nói nổi tiếng có sức lay động mãnh liệt. Mẹ đã nói: “Khi tôi rửa vết thương cho những người bị bệnh phong, tôi thấy mình như đang được chăm sóc Chúa vậy”. Mẹ cũng đã từng nói: “Những người nghèo cho chúng ta nhiều hơn chúng ta cho họ. Họ là những người mạnh mẽ, nhiều ngày không thức ăn họ vẫn sống. Họ không bao giờ nguyền rủa, không kêu ca. Chúng ta không phải cho họ sự thương hại hay thông cảm. Có nhiều điều chúng ta phải học hỏi ở họ”.
Thế giới vẫn còn ghi nhớ mãi lời phát biểu của Mẹ Teresa khi mẹ được trao giải Nobel hòa bình năm 1979.
“Tôi xin nhận giải thưởng này nhân danh những người bị đói, những người không có quần áo mặc, những người không có nhà ở, những người bị què, những người mù, những người hủi, và tất cả những người cảm thấy mình là người không được cần tới, không được yêu thương, không được chăm sóc ở khắp nơi, những người là gánh nặng cho xã hội và bị mọi người xa lánh”.
Mẹ Teresa đúng là người mẹ vĩ đại của tất cả những ai thuộc về phần kém may mắn của thế giới.