Nguyễn Bích Lan biên soạn
Trương Thụ Cầm
Tác giả: Nguyễn Bích Lan biên soạn
Khi Trương Thụ Cầm đến gặp một vị giám đốc để vận động ông ta quyên góp cho những đứa trẻ bà đang cưu mang, ông ta đã nói: “Nếu tôi có tiền, tôi sẽ cho bất cứ ai chứ không cho những đứa trẻ đó”. Những đứa trẻ mà ông ta nói đến đều là con của những kẻ phạm tội đang phải ở tù. Bố mẹ của những đứa trẻ ấy là những kẻ giết người, những kẻ trộm cướp, những kẻ buôn bán ma tuý v.v… Khi bố mẹ chúng bắt đầu những ngày tháng của họ sau song sắt nhà tù để trả giá cho những hành động phạm tội thì những đứa trẻ ấy cũng bắt đầu cuộc sống bơ vơ với tương lai mù tịt và sự ghẻ lạnh của người đời. Chúng lang thang trên những bãi rác, nhặt được gì ăn nấy, chúng hái trộm những trái cây non, chúng ngồi bệt bên bờ ruộng cắn chắt những con cừu. Chúng đói, Chúng rét. Và chúng tuyệt vọng.
Thái độ của vị giám đốc ấy không làm Trương Thụ Cầm nản lòng bởi vì bà biết đó chỉ là trường hợp hiếm gặp. Từ khi thành lập các làng trẻ bà đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của các cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước. Trương Thụ Cầm cho biết mỗi năm các làng trẻ của bà nhận được số tiền ủng hộ vào khoảng hơn 48 nghìn đô la cùng nhiều trang thiết bị cần thiết. Có công ty của Mĩ đã tài trợ cho làng trẻ của bà 20 nghìn đô la. Một công ty dược của Thuỵ Sĩ đã tặng làng trẻ các thiết bị tạo nước nóng. Nhà tù Baojing ở Bắc Kinh gửi tặng hai mươi chiếc giường. Và còn rất nhiều những tấm lòng hảo tâm khác mà bà không thể kể hết được. Chưa bao giờ bà nghĩ mình đơn độc trong hành trình đi tìm niềm vui và hạnh phúc cho những đứa trẻ thiếu may mắn của bà.
Ý tưởng tạo mái nhà cho những đứa trẻ có bố mẹ ở tù được nhen nhóm trong Trương Thụ Cầm từ trước năm 1995 khi bà còn làm việc cho một tờ báo của ngành tư pháp Thiểm Tây. Trong thời gian đó bà có dịp tiếp xúc với những tù nhân, thấu hiểu nỗi lo lắng của họ về những đứa con không người chăm sóc. Những đứa trẻ ấy sống ra sao? Tình cảm của người phụ nữ trong bà thôi thúc bà tìm câu trả lời. Câu trả lời khiến bà đau lòng. Không chỉ tận mắt chứng kiến cảnh cơ cực của những mảnh đời bé bỏng mà còn lường trước được viễn cảnh tăm tối của chúng cũng như những hậu quả mà xã hội phải gánh chịu nếu chúng tiếp tục bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh, bị buộc phải vật lộn tìm kế sinh nhai khi mà chúng hoàn toàn vô tội và thực sự chưa đủ khả năng tự lập, bà quyết tâm cưu mang những đứa trẻ ấy. Bắt tay vào thực hiện, Trương Thụ Cầm một mặt lo cơ sở vật chất để thành lập làng trẻ, mặt khác đến các nhà tù gặp các phạm nhân đề nghị họ cho phép bà bảo trợ con họ cho tới khi họ mãn hạn tù.
Từ năm 1996 đến năm 1998 Trương Thụ Cầm đã thành lập được ba làng trẻ ở Thiểm Tây. Năm 2001 được nhà nước hỗ trợ kinh phí bà đã thành lập thêm một làng trẻ ở thủ đô Bắc Kinh. Tính đến nay các làng trẻ của Trương Thụ Cầm đã nhận nuôi dưỡng tới 2000 trẻ em trong đó có những em vào làng trẻ từ khi mới biết đi và có những em đã sống ở đó nhiều năm bởi bố mẹ các em phải lĩnh án chung thân.
Dù khó khăn thế nào Trương Thụ Cầm cũng cố gắng dành tất cả những gì bà có thể để những đứa trẻ có được điều kiện ăn ở và học hành tốt nhất. Con cái của các tù nhân sống trong làng trẻ của bà không những được đến trường như những đứa trẻ của các gia đình bình thường mà còn được tham gia các lớp học ngoại khoá như các lớp học vẽ, học võ, học nghề. Mỗi năm chúng được khám sức khoẻ định kì hai lần. Những đứa trẻ bị tổn thương về tâm lí do chứng kiến những hành động phạm tội của bố mẹ hoặc bị ngược đãi đều được bà gần gũi chăm sóc để dần lấy lại sự vui vẻ và hồn nhiên của trẻ thơ. Các em đủ tuổi lao động đều được bà giúp tìm việc làm để tự lập. Tất cả những đứa trẻ đã và đang được sống trong tình yêu thương và sự chăm sóc của Trương Thụ Cầm đều coi bà như người bà thực sự của mình. Một phụ nữ ở tỉnh Thiểm Tây phải ở tù vị tội tòng phạm giết chồng đã không ngăn nổi dòng lệ xúc động khi lần đầu gặp lại hai con của mình tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ của bà Trương. Chị tâm sự rằng thời gian đầu ở trong tù chị không thể sống nổi với ý nghĩ các con chị bơ vơ không người chăm sóc. Chị không thể tưởng tượng các con chị không những được nuôi ăn uống đầy đủ mà còn được giáo dục chu đáo để trưởng thành như thế.
Mỗi năm ở Trung Quốc có khoảng 400 000 trường hợp phạm tội. Trong số những người bị kết án có tới 70% là người có gia đình. Mỗi năm nước này có khoảng 280 000 trẻ em phải gánh chịu những ảnh hưởng do việc bố mẹ chúng ở tù. Bao nhiêu trẻ trong số này sẽ trở thành những đứa trẻ lang thang? Và bao nhiêu trẻ lang thang sẽ bị cuộc đời xô đẩy vào vết xe đổ của những người sinh ra chúng? Con số 2000 trẻ em ở các làng trẻ do Trương Thụ Cầm thành lập chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh toàn cảnh. Nhưng cái chấm nhỏ ấy có sức khơi gợi trách nhiệm và lòng nhân ái của bất cứ con người nào quan tâm đến sự tiến bộ của xã hội.