Nguyễn Bích Lan biên soạn
Frieda Fromm Reichmann
Tác giả: Nguyễn Bích Lan biên soạn
Nhắc tới chứng bệnh rối loạn tâm thần, chúng ta thường có những ý nghĩ không mấy lạc quan. Nhưng với bác sĩ Frieda Fromm Reichmann thì không có trường hợp rối loạn tâm thần nào là trường hợp không còn hy vọng. Và khẳng định dựa trên kinh nghiệm thực tế được Frieda đúc kết từ quá trình làm việc hơn 30 năm của bà đã chứng tỏ bà là một trong những chuyên gia điều trị các chứng bệnh tâm thần thành công nhất của thế kỷ XX.
Sinh ra tại miền Đông Prussia, nước Đức, trong một gia đình gốc Do Thái coi trọng giáo dục và văn hoá, từ nhỏ Frieda đã được cha mẹ gửi gắm nhiều kỳ vọng. Bà thoả mãn gần như mọi kỳ vọng của cha mẹ bà với những thành tích đáng tự hào trong học tập và sự gương mẫu của một người chị cả trong gia đình. Năm mười bảy tuổi, bà thi đỗ vào đại học và theo học ngành tâm thần học. Sau khi ra trường, bà nghiên cứu về các chấn thương vùng não và đặc biệt quan tâm đến phân tâm học. mối quan tâm này đã đưa bà ra nhập những người thuộc thế hệ F-2, thế hệ kế tiếp của ông tổ ngành phân tâm học Sigmund Freud.
Tuy chịu ảnh hưởng bởi những nghiên cứu của Freud, Frieda không chỉ quan tâm đến những chứng rối loạn tâm thần do những nguyên nhân vô thức mà còn chú trọng tới những nguyên nhân mang tính xã hội. Vào những năm 30 khi châu Âu trải qua cuộc khủng khoảng kinh tế trầm trọng và cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, khiến cho con số những người mắc bệnh tâm thần tăng vọt Frieda đã thành lập một bệnh viện chuyên điều trị các chứng bệnh rối loạn tâm thần ở Heidelberg. Sau đó bà chuyển đến làm việc tại bệnh viện Chestnut Lodge ở Maryland, thuộc nước Mỹ. Qua quá trình điều trị bà đã điều chỉnh những quan điểm về bản năng tính dục mà bà tiếp thu của Freud, tập trung chú ý tới những trải nghiệm thời thơ ấu cản trở khả năng hiểu bản thân và thế giới xung quanh của bệnh nhân. Hướng đi ấy của bà đã được chứng minh tính hiệu quả bằng những phản ứng tích cực từ các bệnh nhân mà bà điều trị.
Trong số rất nhiều bệnh nhân được Frieda giúp chữa khỏi bệnh có một trường hợp được coi là một kỳ tích. Đó là trường hợp của Joanne Greenberg. Từ bé Joanne được chẩn đoán làm mắc chứng "rối loạn suy nghĩ" và mặc dù gia đình cô đã cố gắng hết sức để giúp cô trở lại cuộc sống bình thường, nhưng tình trạng của cô mỗi ngày một xấu đi. Năm Joanne mười sáu tuổi, mẹ cô đưa cô tới bệnh viện Chestnut Lodge và Frieda trở thành bác sĩ trị liệu cho cô. Quá trình điều trị kéo dài ba năm và đạt được kết quả kỳ tích đến nõi Joanne không những bình phục mà cùng còn bác sĩ Frieda lập kế hoạch viết chung một cuộc sách kể về trải nghiệm của họ. Frieda không có cơ hội thực hiện phần viết của mình. Tuy nhiên cuốn sách vẫn được xuất bản và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Đó là cuốn tiểu thuyết I never promised you a rose garden mà theo Frieda có thể gọi ngắn gọn là Garden of roses- Vườn hồng. Mặc dù trong cuốn tiểu thuyết này Joanne với bút danh là Hannah Green đã thay đổi tên các nhân vật và các địa danh, các chi tiết về trải nghiệm của cô với bác sĩ Frieda được miêu tả hết sức sinh động và chân thực, khiến người đọc không khỏi khâm phục tài năng của người bác sĩ trị liệu. Joanne sau này trở thành một nhà văn được bạn đọc yêu thích với mười hai cuốn tiểu thuyết và bốn tập truyện ngắn. Thành công lớn nhất của cô là không một lần nào phải quay trở lại bệnh viện Chestnut Lodge với tư cách là một bệnh nhân.
Frieda coi việc trị liệu tâm lý là mang đến sự dẫn dắt tích cực về tinh thần. Bà cho rằng thành công của điều trị phụ thuộc vào mức độ thấu cảm giữa bệnh nhân và bác sĩ. Theo bà để đạt được sự thấu cảm, người bác sĩ cần phải coi trọng những đóng góp của bệnh nhân vào phiên trị liệu; phải luôn hiểu rằng bệnh nhân đến trị liệu luôn hướng tới sự cải thiện sức khoẻ tinh thần cho dù họ nói gì và xử sự thế nào đi chăng nữa và bác sĩ trị liệu phải luôn có thái độ sẵn sàng học hỏi từ bệnh nhân của mình. Thêm vào đó, muốn coi trọng những gì bệnh nhân đóng góp vào việc trị liệu người bác sĩ cũng cần phải coi trọng vai trò của mình. Bác sĩ phải có đủ độ yên tâm và ổn định để ý thức và kiểm soát được những gì mình truyền cho bệnh nhân qua lời nói.
Trong khi nhiều người cho rằng những bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt thiếu khả năng phát triển mối quan hệ qua lại với bác sĩ trị liệu nên không thể có biến chuyển tích cực nhờ quá trình trị liệu, Frieda lại cảm thấy rằng những bệnh nhân ấy có thể phát triển mối quan hệ đó một cách đáng kinh ngạc. Vấn đề đặt ra là người bác sĩ phải xác định được những suy nghĩ méo mó trong quan hệ của họ và bằng cách dùng lời hoặc không dùng lời làm cho bệnh nhân hiểu được mình không phải là người như bệnh nhân suy nghĩ. Sau đó người bác sĩ phải xác định điều gì, sự kiện nào trong thời thơ ấu của bệnh nhân đã khiến bệnh nhân có những kiến thức méo mó đó. Đây là một bước khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và chỉ đạt được kết quả tốt nhất khi bác sĩ giao tiếp với bệnh nhân bằng cách đặt ra các câu hỏi hoặc đưa ra những khả năng chứ không phải bằng cách đưa ra những khẳng định có thể dẫn tới sự ngờ vực. Những kinh nghiệm này đã được Frieda cô đọng trong một cuốn sách mang tên Những nguyên tắc tâm lý trị liệu chuyên sâu (Principles of Intensive Psychotherapy), cuốn sách đã trở thành tài liệu nghiên cứu không thể thiếu của thế hệ các nhà tâm lý trị liệu sau bà.
Chữa bệnh chỉ bằng lời nói và từ chối áp dụng những liệu pháp như sử dụng sốc điện, liệu pháp gây ngủ và những liệu pháp kỳ dị khác, Frieda thực sự đã đi theo một con đường riêng đầy gian khổ. Mục đích, kết quả mà bà và người nhà bệnh nhân trông đợi phụ thuộc vào những giờ bà ngồi với bệnh nhân, nghe họ nói với sự kiên nhẫn, sáng suốt và nói cho họ nghe bằng lời nói từ cả trái tim và khối óc bà. Ảnh hưởng của Frieda Fromm đối với ngành tâm thần học nói chung và việc điều trị các chứng bệnh tâm thần phân liệt nói riêng có thể được tóm tắt ngắn gọn bằng lời nhận xét của Szalita: "Tôi muốn nói đi nói lại rằng một mình Frieda đã đóng góp nhiều hơn bất cứ ai trong việc khuyến khích cả thế giới phương Tây áp dụng tâm lý trị liệu vào điều trị các chứng bệnh tâm thần phân liệt".