Nguyễn Bích Lan biên soạn
Sadako Sasaki
Tác giả: Nguyễn Bích Lan biên soạn
Mẹ của Sadako Sasaki mang thai cô vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nước Nhật của họ dồn tất cả những gì có thể vào cuộc chiến, khiến dân chúng chẳng mấy người có đủ cơm ăn. Sadako lúc lọt lòng mẹ chỉ nặng có 2,2 kg. Sadako ra đời chưa được bao lâu thì bố cô phải đăng lính. Với thu thập từ tiệm cắt tóc nhỏ của gia đình, mẹ cô xoay xở nuôi cô qua lúc khó khăn.
Vào ngày 6 tháng Tám năm 1945 khi quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima, cô bé Sadako Sasaki đang chơi trong nhà tại khu Kusunokicho, cách điểm rơi của quả bom 1,7 km. Sức ép của quả bom khiến cô bé bị văng ra khỏi căn nhà nhưng cô không hề bị bỏng hay bị thương ở đâu cả. Mẹ cô vội bế cô chạy khỏi khu đó trong khi những ngọn lửa đang bùng lên tứ phía. Mẹ cô nhớ rằng chạy đến gần cầu Misasa thì họ gặp phải một trận mưa đen.
Từ nơi lánh nạn trở về, người mẹ thấy nhà mình đã bị thiêu rụi nhưng bà cũng biết so với hơn 140.000 người đã thiệt mạng trong vụ nổ bom, họ là những người may mắn. Cũng giống như những người dân còn sống sót ở Hiroshima, mẹ của Sadako bắt tay vào gây dựng lại cuộc sống. Bà rất mừng vì Sadako lớn lên khoẻ mạnh.
Sadako vào học tiểu học tại trường Noboricho như các bạn cùng tuổi khác trong khu. Lên lớp 6 cô bé cao 1,35 mét, nặng 27 kg. Ai trong trường cũng biết cô bởi cô là nhà vô địch trong các cuộc thi chạy. Cô chạy 50 mét chỉ mất có 7,5 giây. Cô được chọn vào đội tuyển điền kinh tham dự đại hội thể thao mùa thu ở Hiroshima. Cô mơ ước lớn lên được làm một giáo viên dạy thể dục.
Đang khoẻ mạnh bỗng nhiên Sadako trở nên xanh xao. Thỉnh thoảng cô bị những cơn chóng mặt. Một hôm cô phát hiện ra những khối u nhỏ ở cổ và sau tai. Cô nói với mẹ về những khối u đó. Tháng Sáu năm 1954, mẹ đưa cô tới uỷ ban thường trực phụ trách vấn đề về bom nguyên tử. Người của uỷ bạn bảo Sadako rằng cô không sao cả, rằng cô không cần phải lo lắng. Thế nhưng các khối u ở cổ và sau tai Sadako mỗi ngày một phát triển, khiến mặt cô bị biến dạng. Rồi chân cô xuất hiện những đốm đỏ. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận Sadako Sasaki bị mắc bệnh bạch cầu do nhiễm phóng xạ. Gia đình Sadako vô cùng đau đớn. Đã 9 năm kể từ khi thành phố Hiroshima bị ném bom nguyên tử và họ cứ nghĩ rằng Sadako Sasaki là đứa trẻ may mắn không bị ảnh hưởng gì từ thảm hoạ kinh hoàng đó.
Tháng Hai năm sau, Sadako buộc phải tạm biệt trường lớp và bạn bè để vào điều trị tại bệnh viện của Hội chữ thập đỏ ở Hiroshima. Sau một thời gian điều trị các khối u trên người Sasaki có vẻ ngừng phát triển, nhưng hai chân cô bé lại xuất hiện thêm nhiều vết tụ máu. Cô bé rất buồn bã và lo lắng. Ngày 3 tháng Tám năm 1955, những người ở Nagoya gửi tới bệnh viện chữ thập đỏ những con nhạn được gấp bằng giấy màu để động viên các bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ kiên cường đấu tranh vượt qua bệnh tật. Nhìn những con nhạn giấy đó, Sadako vui hẳn lên.
Những con nhạn giấy nhắc Sadako nhớ đến một truyền thuyết nói rằng nếu một người gấp được 1000 con nhạn giấy thì một điều ước của người đó sẽ thành hiện thực. Sadako chỉ có một điều ước duy nhất. Cô ước được khoẻ mạnh trở lại để có thể tiếp tục thi chạy. Cô bắt đầu học gấp những con nhạn giấy. Cô dùng tất cả những mảnh giấy cô có đuợc, từ những mảnh giấy bạn bè mang đến cho cô cho tới những mảnh giấy cô bóc từ các chai thuốc của bệnh viện để gấp những con nhạn. Mẹ cô kể lại: “Con bé tin vào truyền thuyết đó. Nó gấp những con nhạn giấy rất cẩn thận, từng con từng con một. Khi nó gấp nhạn giấy, mắt nó sáng long lanh chứng tỏ nó muốn sống bằng bất cứ giá nào… Nhìn những con nhạn giấy con gái tôi gấp với niềm tin ngây thơ, tôi chỉ muốn bật khóc”.
Mặc dầu sức khoẻ của cô mỗi ngày một xấu đi, và thỉnh thoảng lại phải chứng kiến một trẻ em nhiễm phóng xạ qua đời, Sadako vẫn tiếp tục gấp những con nhạn giấy. Cho đến cuối tháng Tám cô đã gấp được 1000 con nhạn giấy và vẫn gấp thêm những con khác. Cuối tháng Chín, các xét nghiệm cho thấy lượng bạch cầu của Sadako tăng lên gấp ba lần so với hồi cô mới nhập viện. Cô không thể tự đi lại được nữa, chỉ có thể nằm nhìn những con nhạn cô treo thành chuỗi dài trong phòng bệnh. Sadako qua đời vào ngày 25 tháng Mười năm 1955 khi cô bé mới mười hai tuổi. Khi an táng cho Sadako, bố mẹ của cô đã xếp những con nhạn giấy vào quan tài của cô bé.
Câu chuyện cảm động về Sadako, em bé Hiroshima, được truyền đi khắp thế giới. Ai cũng nghĩ rằng lúc đầu Sadako gấp những con nhạn giấy vì cô tin vào một truyền thuyết, nhưng về sau cô làm thế vì cô muốn gửi lại thế giới một điều ước: Một điều ước cho thế giới hoà bình, không còn nỗi đau chiến tranh. Sau khi Sadako qua đời, các bạn học của cô đã gửi thư tới khắp các bạn nhỏ trên nước Nhật kêu gọi quyên góp xây tượng đài tưởng nhớ cô. Năm 1958 tượng đài mang tên “Tượng đài hoà bình Hiroshima” được khánh thành. Tượng đài là hình ảnh Sadako nâng trên tay một con nhạn vàng. Dưới chân tượng đài khắc dòng chữ: “Đây là tiếng kêu khẩn thiết của chúng tôi. Đây là lời nguyện cầu của chúng tôi. Hoà bình cho thế giới”. Hình ảnh Sadako trên tượng đài là hình ảnh đại diện cho tất cả những em nhỏ là nạn nhân của trận ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Năm 1988, tiến sĩ người Mĩ Floyd Schmoe được nhận giải thưởng hoà bình Hiroshima trị giá 5000 đô la. Ông đã dành số tiền này xây dựng công viên hoà bình ở thành phố Seatle. Ông cho đúc một bức tượng Sadako bằng đồng và đặt nó ở vị trí trung tâm của công viên. Hàng năm cứ đến ngày kỉ niệm sự kiện hai thành phố của Nhật bị ném bom nguyên tử, khi người Nhật thả những con chim bồ câu lên bầu trời thì ở bên kia đại dương, hàng nghìn học sinh Mĩ lại diễu hành tới công viên hoà bình ở Seatle, xếp những con chim nhạn giấy xung quanh bức tượng Sadako để tưởng nhớ những nạn nhân của thảm hoạ bom nguyên tử và gửi gắm ước nguyện hoà bình của các em.