Mary Harris Jones
Tác giả: Nguyễn Bích Lan biên soạn
Mary Harris Jones sinh ra ở thành phố Cork thuộc Ireland. Khi còn nhỏ bà đã chứng kiến cảnh từng đoàn lính Anh diễu hành trên đường phố Ireland và cảnh những người Ireland phản kháng bị bêu đầu trên lưỡi lê. Năm 1835, ít lâu sau khi ông nội của bà bị treo cổ vì tham gia phong trào đòi độc lập cho Ireland, bố của bà buộc phải đưa gia đình rời khỏi quê hương.
Tuổi trẻ của Mary Jones là những cuộc di chuyển xuyên lục địa. Bà ở Toronto, Canada từ khi lên năm cho tới khi bà mười bảy tuổi. Sau đó bà sang Mĩ, dạy học tại một trường tu kín ở Michigan trong sáu tháng rồi đến Chicago làm nghề thợ may. Từ Chicago bà lại đến Memphis và rồi đến Tennessee nơi bà gặp người bạn đời của mình, George E. Jones, một thành viên trung thành của Liên đoàn luyện thép.
Năm Mary ba mươi tuổi, tai họa khủng khiếp ập tới gia đình bà. Chỉ trong vòng một tuần cả chồng và bốn đứa con nhỏ của bà lần lượt qua đời vì dịch sốt vàng. Là một góa phụ không còn trẻ, nghèo túng, lại là người Ireland nhập cư, tình cảnh của bà trên đất Mĩ lúc ấy vô cùng khó khăn. Bà quyết định rời Tennessee để quay trở lại Chicago. Nhưng rủi ro vấn bám theo bà không chịu buông tha. Bà đổ biết bao mồ hôi và công sức gây dựng được cả một tiệm may để rồi trận hỏa hoạn năm 1871 dã thiêu trụi tất cả. Sau sự kiện đó, một sự thay đổi lớn đã đến với cuộc đời bà.
Thời kỳ ấy nước Mỹ đang trải qua một cuộc chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Tại các thành phố lớn nơi công nghiệp hóa diễn ra như vũ bão các nhà máy cũ nhanh chóng mở rộng quy mô trong khi các nhà máy mới đua nhau mọc lên. Những nông dân, những người nhập cư và những người dân thành thị nghèo không có nhiều sự lựa chọn, đành phải chấp nhận những công việc nặng nhọc vất vả, nguy hiểm nhất trong những hầm mỏ, những xưởng luyện thép, những nhà máy sợi,v.v… Họ làm việc quần quật mười hai tiếng một ngày, với mức lương rẻ mạt chỉ vừa đủ giúp họ khỏi chết đói. Tệ hơn, trẻ em cũng bị cuốn vào vòng xoáy của cơn lốc công nghiệp hóa. Chỉ cần nhìn những cỗ máy trong các công xưởng được hạ thấp để vừa tầm với của những lao động còn thò lò mũi cũng có thể hiểu được trong suy nghĩ của các ông chủ, không có khái niệm về quyền được học hành, được vui chơi của trẻ em.
Hầu như ngày nào Mary Jones cũng nhìn thấy những bất công mà người lao động phải chịu đựng. Không thể làm ngơ trước những bất công đó, bà bắt đầu tham gia các cuộc họp của tổ chức Knights of Labor – Hiệp sĩ của người lao động. Những năm đầu bà làm việc cho Hiệp hội công nhân mỏ. Bà sống cùng với các công nhân trong các mái lều tạm bợ cạnh các hầm mỏ. Bà không chỉ giúp họ đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, sát cánh bên họ trong cuộc đấu tranh chống nô lệ hóa công nhân mà còn khuyến khích họ trau dồi kiến thức văn hóa. Ngoài những cuộc họp bàn phương pháp đấu tranh đòi công bằng, bà tổ chức các buổi nói chuyện mang tính giáo dục. Bà thường nói với các công nhân: “Các anh, hãy nghe tôi. Thay vì đi chơi bài, các anh hãy ngồi đọc sách. Hãy ngồi dưới bóng cây nghe những con chim hót và học lấy bài học từ loài vật biết lao động mà không bóc lột, không lừa lọc nhau, và không bắt những con chim non phải đào giun khi chúng còn quá nhỏ. Hãy nghe chúng vừa làm việc vừa hót vui vẻ mà xem”. Cả lời nói lẫn việc làm của Mary đều giúp mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người công nhân, bởi vậy họ thường gọi bà bằng cái tên yêu quý “Mẹ Jones”.
Mẹ Jones không phải là người mẹ của riêng công nhân mỏ. Tham gia thành lập tổ chức Công nhân công nghiệp thế giới viết tắt là IWW, bà có mặt ở bất cứ nơi nào giới cần lao cần sự giúp sức của bà. Bà tham gia các cuộc đình công của các công nhân rửa chai lọ tại các nhà máy sản xuất nước giải khát ở Milwaukee, các công nhân dệt may ở Chicago, các công nhân luyện thép ở Pittsburgh, các công nhân của mỏ đồng Calumet, các công nhân ở các mỏ than thuộc miền tây Virginia. Bà đặc biệt quan tâm đến tình hình lao động trẻ em. Sau khi một cuộc đình công lớn của công nhân đường sắt kết thúc, bà quyết định tìm hiểu thực trạng lạm dụng lao động trẻ em tại các nhà máy sợi ở vùng Cottondale. Bà phải bịa ra rằng bà có sáu đứa con, một chủ nhà máy mới đồng ý nhận bà vào làm việc. Sự thật về lao động trẻ em tại nhà máy đó quá sức hình dung của bà. Bà tận mắt chứng kiến những đứa trẻ từ mười hai đến mười bốn tuổi chân không đi giầy, đi lom khom thành hàng dài tra thoi vào những chiếc máy dệt, chui vào những gầm máy lau chùi và tra dầu mỡ cho các bánh răng và ổ đĩa. Thám chí có đứa bé mới chỉ hơn sáu tuổi đã phải lao động trong xưởng dệt tám tiếng một ngày để nhận mười xu cho mỗi ca làm việc. Những đứa trẻ gục xuống bên những cỗ máy vì ngủ gật, vì đói, vì bệnh, bị quản đốc la mắng. Những đứa trẻ bốn hoặc năm tuổi được đưa đến những nhà máy để “phụ việc” cho những đứa anh đứa chị mười hoặc mười một tuổi của chúng. Các chủ xưởng biết rằng những đứa trẻ còn lẫm chẫm ấy có thể bắt chước nhau làm việc có kỉ luật như người lớn, nhưng họ không biết rằng họ nên trả tiền cho chúng hoặc thêm tiền công cho anh chị của chúng.
Lạm dụng lao động trẻ em là một tội ác và tình trạng đó phải chấm dứt!Mary quả quyết và bắt đầu tổ chức những cuộc đấu tranh. Năm 1903 bà dẫn một đoàn biểu tình gồm toàn trẻ em đang làm việc tại các nhà máy đi bộ từ Kensington, Pennsylvania tới dinh thự mùa hè của tổng thống Theodore Roosevelt ở Long Island. Hình ảnh một người phụ nữ luống tuổi cùng vài chục đứa trẻ đi hết thành phố này đến thành phố khác, giơ cao những tấm biển: “chúng cháu muốn chơi!”; “Chúng cháu muốn đến trường!” đã thu hút được sự chú ý của đông đảo nhân dân. Và nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi của Mary Jones đã góp phần tạo sức ép khiến chính quyền bang Pennsylvania buộc phải thông qua một đạo luật nâng tuổi lao động của trẻ em lên cao hơn. Mười bốn tuổi vẫn còn quá sớm để bắt đầu cuộc đời của một người lao động, nhưng dù sao trước khi đến tuổi ấy, trẻ em vẫn còn cơ hội được vui chơi, được đến trường.
Tháng Giêng năm 1913, khi đã tám mươi ba tuổi, Mary lãnh đạo một cuộc biểu tình phản đối điều kiện làm việc của các công nhân mỏ ở tây Virginia và bà bị cảnh sát bắt. Bà bị đưa ra tòa và bị buộc tội âm mưu giết người với mức án hai mươi năm tù. Vụ việc này đã gây ra một làn sóng bất bình trong giới lao động vùng mỏ, khiến chính quyền buộc phải cho điều tra điều kiện làm việc ở các khu khai thác than. Ngày 5 tháng Tám năm 1913 thủ hiến mới đắc cử của bang Virginia lên nhậm chức- Mary được thả tự do. Ngay cuối năm đó bà đến Colorado tham gia cuộc biểu tình của công nhân mỏ. Mỗi lần bà xuất hiện chủ mỏ lại cho người đuổi bà, nhưng lần nào buộc phải đi, bà cũng tìm cách quay lại. Bà bị bắt giam hai lần, bị đe dọa đủ kiểu nhưng không lần nào bà chịu từ bỏ các cuộc đấu tranh còn đang dang dở. Gần chín mươi tuổi Mary vẫn tham gia các cuộc biểu tình của công nhân luyện thép ở Pittsburgh. “Mẹ Jones kìa” người ta thường bảo nhau như thế khi nhận ra mái đầu bạc trắng của bà giữa biển người lao động.
Những người viết tiểu sử cho rằng trong cuộc đời của Mary Jones mất và được nhiều như nhau. Các được lớn nhất trong đời của người phụ nữ ấy chính là vị trí quan trọng mà bà giành được trong trái tim của những người lao động Mĩ. Ý chí và ngọn lửa nhiệt tình tranh đấu vì quyền lợi của giới cần lao của bà đã góp phần cải thiện cả ý thức và quan hệ lao động trong môi trường công nghiệp lẫn sự công bằng xã hội. Chính vì vậy mà khi qua đời ở tuổi một trăm, Mary Jones đã được an táng tại nghĩa trang của những người thợ mỏ ở núi Olive, Illinois.