watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hàn Phi Tử-Chương 4 - tác giả Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Chương 4

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Thời của Hàn Phi là thời tranh hùng giữa Tần và Lục quốc. Nước Hàn ở ngay cửa ngõ của Tần (cửa Hàm Cốc nằm trên biên giới chung của Hàn và Tần), mà lại nhỏ và yếu, cho nên ở vào thế nguy nhất: Tần chỉ lăm le chiếm Hàn để tiến qua phía đông mà thôn tính các nước Sở, Ngụy, Tề, Triệu, Yên; năm nước này cũng muốn chiếm Hàn để bít cửa Hàm Cốc, nếu không thì buộc Hàn phải theo mình để chặn Tần.


Vốn là công tử nước Hàn, lại có tính ái quốc cao, Hàn Phi muốn làm cho tổ quốc ông mạnh lên đã, chứ chưa tính tới việc thống nhất Trung Quốc như Mạnh tử, Lương Tương vương[1] thời trước, hoặc như Tần Thuỷ Hoàng thời ông. Cuối bài biểu dâng Tần Thủy Hoàng (bài Tồn Hàn ), ông bảo nếu Thủy Hoàng làm theo kế hoạch của ông thì có thể không tốn sức mà làm cho Triệu Tề, Ngụy, Sở, Hàn quy phục, nghĩa là làm cho thiên hạ quy về một mối. Nhưng đó chỉ là vì muốn cứu tổ quốc nên ông khuyên Tần đánh Triệu, đừng vội xâm chiếm Hàn, chứ chưa chắc ông đã thực tâm mong Tần thống nhất Trung Quốc. Nếu Tần trọng dụng ông mà hòa hảo với Hàn thì có thể ông giúp Tần đấy, nhưng Lí Tư biết tài ông rồi, đâu có chịu cho ông lấn tài mình.


Vậy học thuyết của Hàn chỉ nhằm mục đích làm cho một quốc gia mạnh lên để chống với các nước khác; một khi mạnh lên rồi, có xâm chiếm các nước khác không, là điều ông không bàn tới. Cho nên ông chỉ xét cái lợi của quốc gia, chứ không mưu cái lợi cho khắp thiên hạ như Mặc tử.


Trái với Mạnh tử, ông coi quốc gia trọng hơn dân. Mạnh bảo : dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh . Hàn bắt dân phải hi sinh cho vua, vua phải làm cho nước mạnh và giàu, nghĩa là cũng phải phục vụ cho quốc gia. Vua đã phải phục vụ cho quốc gia thì cũng phải trọng cái lợi của quốc gia mà không được có tư tâm, tư tình, không được nghĩ tới cái lợi của riêng cá nhân mình.


Điểm quan trọng nhất đối với mọi người trong nước, từ vua tới quan lại, dân chúng, là phải phân biệt minh bạch công và tư. Thiên Ngũ đố , Hàn viết:
“Nước Sở có người được tiếng là “ngay thẳng”, cha ăn trộm cừu, anh ta báo quan. Quan lệnh doãn ra lệnh : “Giết nó đi”, vì anh ta ngay thẳng đối với vua mà lại có lỗi với cha, cho nên tuy báo quan mà bị giết. Do đó mà xét, người bề tôi chính trực đối với vua là đứa con hung bạo đối với cha. (Phù quân chi trực thần, phụ chi bạo tử dã).


夫君之直臣,父之暴子也


“Nước Lỗ có kẻ theo vua ra trận, ba lần đánh, ba lần chạy. Trọng Ni hỏi nguyên do, người đó đáp : “Tôi có cha già, tôi chết thì không ai nuôi”. Trọng Ni khen là hiếu, tiến cử người đó với vua Lỗ. Do đó mà xét, người con có hiếu với cha là kẻ bề tôi phản vua.


夫父之孝子,君之背臣也。


(Phù phụ chi hiếu tử, quân chi bội thần dã).


“Cho nên quan lệnh doãn nước Sở giết kẻ tố cáo mà không ai tố cáo kẻ gian với bề trên nữa; Trọng Ni thương kẻ bỏ chạy khi ra trận mà dân Lỗ dễ hàng giặc, bại tẩu; cái lợi của người trên kẻ dưới (tức của quốc gia và của cá nhân) khác nhau như vậy đó. Bậc vua chúa muốn vừa khen hạnh tốt của nhân dân, vừa mưu cái phúc cho xã tắc thì tất không thể được. Đời xưa, ông Thương Hiệt đặt ra chữ viết dùng cái hình như cái vòng tròn khép (厶) gọi là chữ “tư” (nghĩa là riêng), trái với “tư” là gọi là “công” (公) (chung); vậy ông Thương Hiệt đã biết rằng công và tư trái nhau rồi. Ngày nay coi công và tư lợi hại như nhau là “dò cái họa của sự không biết thẩm xét”.


故令尹誅而楚姦不上聞,仲尼賞而魯民易降北.上下之利,若是其異也,而人主兼擧匹夫之行而求致社稷之福,必不幾矣.


古者蒼頡之作書也,自營者謂之私,背私謂之公.公私之相背也,乃蒼頡固以知之矣.今以爲同利者,不察之患也 


(Cố lệnh doãn tru nhi Sở gian bất thượng văn, Trọng Ni thưởng nhi Lỗ dân dị hàng bắc. Thượng hạ chi lợi, nhược thị kỳ dị dã, nhi nhân chủ kiêm cử thất phu chi hạnh nhi cầu trí xã tắc chi phúc, tất bất cơ hĩ. Cổ giả Thương Hiệt chi tác tự dã, tự hoàn giả vị chi tư, bội tư vị chi công. Công tư chi tương bội dã, nãi Thương Hiệt cố dĩ tri chi hĩ. Kim dĩ vi đồng lợi giả, bất sát chi hoạn dã).


Đây là một điểm rất quan trọng mà từ xưa tới nay cơ hồ nhân loại vẫn chưa giải quyết được ổn thoả: Sự mâu thuẫn giữa công và tư, giữa trung và hiếu.


Truyện Khổng tử khen người con vì hiếu mà đào ngũ, không biết có thật không. Nếu có thật thì ông đáng trách : chỉ nên xin giảm tội cho người đó thôi chứ không nên tiến cử : mà vua Lỗ cũng đáng trách : không nên bắt người đó ra trận, nên cho làm một công việc khác có thể ở gần cha mà giúp nước được, hoặc triều đình nên có một tổ chức nuôi những ông già đó để con họ có thể hi sinh cho tổ quốc mà khỏi lo lắng cho cảnh của cha già. Vì vậy chúng tôi chưa tin hẳn truyện đó.
Còn trường hợp của cha ăn trộm cừu và con tố cáo thì Luận ngữ có chép nhưng hơi khác, và Khổng Tử chê con người đó : “Diệp công nói với Khổng tử : “Ở xóm tôi[2] , có ngưòi rất ngay thẳng như cha ăn trộm cừu thì con đứng ra làm chứng, khai thật”. Khổng Tử bảo : “Người ngay thẳng trong xóm tôi cư xử khác vậy : cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha; như vậy là ngay thẳng (trực tại kỳ trung hĩ)”. ( Tử Lộ-18). Có lẽ Khổng tử muốn bảo : Không nên tố cáo, cũng không nên nói ngược lại, cứ im lặng như không biết thế thôi.
Ăn cắp là một tội nhỏ, nếu cha phạm một tội nặng hơn nhiều, như giết người thì sao ? Trường hợp này Mạnh tử đã rán tìm lời giải quyết :
Một môn đệ của ông là Đào Ứng hỏi ông :
“Vua Thuấn làm thiên tử, ông Cao Dao coi về hình phạt, nếu ông Cổ Tẩu là cha vua Thuấn giết người thì xử cách nào ?”.
Mạnh tử đáp : “Cứ việc bắt ông Cổ Tâu chứ có gì đâu ?”
- Vậy vua Thuấn không cản ư ?
- Vua Thuấn làm sao ngăn cản được ? Phép truyền từ đời nọ sang đời kia là phép công mà.
- Như vậy ông Thuấn nên làm như thế nào ?
- Ông Thuấn (không màng ngôi đế vương), coi thiên hạ như một đôi dép rách vậy, sẽ cõng cha mà chạy ra bờ biển ở, trọn đời vui vẻ (vì giữ được đạo hiếu) mà quên thiên hạ đi” (Tận tâm thượng – 35).
Chúng ta không biết ở vào trường hợp Mạnh tử, Khổng tử sẽ trả lời ra sao, chứ cách giải quyết của Mạnh tử lúng túng lắm, không ổn : cõng cha đi trốn cũng là trái pháp luật vì như vậy vẫn là một cách ngăn cản sự thi hành của pháp luật : mà lại còn làm cho quốc dân mất một ông vua nhân từ hiền minh.
Nhưng bài đó cũng cho thấy rằng thời Mạnh tử, nếu dân tộc Trung Hoa chưa có ý thức rõ rệt về sự phân biệt quyền hành pháp và quyền tư pháp thì ít nhất cũng đã nhận rằng mọi người đáng được bình đẳng về pháp luật. Chúng ta nên nhớ Mạnh tử đồng thời với Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương Ưởng.
Khổng giáo coi trọng đạo hiếu, cho rằng nó là gốc của đạo trung. Quan niệm ấy không phải là vô lí hoàn toàn vì thời đó gia đình quan trọng hơn thời chúng ta nhiều, quả thật là nền tảng của xã hội, gia đình có vững vàng thì xã hội mới vững : vả lại thực tế mà xét chung thì con người có hiếu thời đó thường là người tôi trung. Cho nên trong tư tưởng của Khổng Mạnh, công và tư chưa phân biệt được rõ ràng.
Mặc gia và Pháp gia cho rằng công và tư mâu thuẫn lẫn nhau và phải hi sinh tư cho công. Ở một chương trên chúng tôi đã kể truyện con một cự tử đạo Mặc phạm tội giết người, Tần Huệ Vương thương cự tử đó tên là Phúc Thôn già có mỗi mình nó là con trai, nên tha tội cho nó. Nhưng Phúc Thôn không chịu, tâu : “Cái phép của đạo Mặc, giết người thì phải tội chết, đả thương người thì bị tội hình, như vậy để cấm giết người và đả thương người ; cấm giết người đả thương người là đại nghĩa của thiên hạ. Mặc dầu nhà vua tha tội, không giết nó nhưng Phúc Thôn tôi không thể không thi hành phép của đạo Mặc”. Rồi người cha đó tự giết con. Trong lịch sử Trung Hoa, chưa bao giờ sự mâu thuẫn giữa gia đình và xã hội được giải quyết một cách bi thảm ghê góm như vậy.
Pháp gia đả đảo tất cả những cái gì gọi là tư : tư lợi, tư dục, tư tình, tư học (cái học không hợp với đường lối của quốc gia như Nho gia, Mặc gia… thời Hàn Phi), tư kiếm (tay kiếm riêng, nghĩa là bọn hiệp sĩ dùng cây kiếm để chém giết nhau chứ không trừ địch)… Sủng thần của vua mà phạm tội thì cũng bị giết như Điền Hiệt trong truyện thiên Ngoại trừ thuyết hữu thượng ; Thái tử mà phạm pháp thì cũng bị trừng trị như con vua Trang vương nước Kinh, trong truyện cũng thiên đó, hoặc như con Tần Hiếu công (coi đời Thương Ưởng - phần I). Vua không thể vì tình riêng mà khoan hồng với sủng thần, với con được vì “kẻ phạm pháp, bỏ lệnh, không tôn kính xã tắc là lấn quyền vua, phạm thượng. Bề tôi lấn quyền thế của vua thì vua mất uy, kẻ dưới phạm thượng bề trên thì nguy. Uy mất, địa vị nguy thì xã tắc không giữ được”. Moị người bình đẳng trước pháp luật tức là mọi ngưòi đều phải trọng công lợi hơn tư lợi, phải đặt quốc gia lên trên gia đình.
Đó là một tiến bộ : có trọng công hơn tư thì nước mới mạnh được, nhưng Pháp gia chưa đặt ra vấn đề nếu vua phạm pháp thì sao. Đó là một hạn chế của thời đại. Ngày nay không còn vua thì trung với vua thành ra trung với nước, địa vị của gia đình không quan trọng như hồi xưa, không còn đại gia đình, chỉ còn tiểu gia đình tức vợ chồng con cái vị thành niên, thì hiếu thành ra hiếu với dân ; nhưng con người, như Hàn Phi đã nhận thấy, vốn bẩm sinh nghĩ tới tư lợi trước hết, thì mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội vẫn còn ; vấn đề là phải tìm cách hoà giải mà giảm lần lần mâu thuẫn đi tùy từng giai đoạn.
*
Một điểm tiến bộ nữa của Hàn Phi là chinh sách tự cường, và chỉ tin ở sức mạnh của mình thôi, không tin mạng trời hay thần quyền, cũng không tin ở nước ngoài.
Ông cũng như Tử Sản, Tuân tử cho rằng nước mà thịnh hay suy là do người chớ không do trời. Tử Sản bảo : “Đạo trời ở xa, đạo người ở gần, không liên quan gì với nhau”. (coi tiểu sử Tử Sản - phần I).
Tuân Tử bảo : “Sao mà sa, cây mà kêu… đó là cái biến hoá của trời đất, âm dương, là sự ít khi xảy ra của vạn vật ; cho là quái lạ thì nên, mà lo sợ thì không nên. Mặt trời mặt trăng có khi ăn lẫn nhau, mưa gíó có khi không hợp thời, những ngôi sao lạ có khi hiện lên bất ngờ[3] , nhưng cái đó không thời nào không thấy. Người trên sáng suốt mà chính trị phải lẽ thì dù tất cả những cái quái lạ đều xuất hiện cũng không sao. Ngưòi trên mờ ám mà chính trị hiểm ác thì dù không có quái lạ nào xuất hiện, cũng không hay gì (Thiên luận ).
Đầu thiên Hữu Độ , Hàn Phi viết : “Người thi hành pháp luật mà cương cường thì nước mạnh ; người thi hành pháp luật ma nhu nhược thì nước yếu”, đại ý cũng như hai câu cuối của Tuân tử.
Thên Sức tà , ông đả đảo thói bói toán, tin các sao tốt, sao xấu, kể trường hợp nước Yên bói mái rùa cỏ thi, được quẻ “đại cát” mà lại thua Triệu ; Triệu cũng được quẻ đại cát mà thua Tần.
Tin cậy vào nước ngoài còn tai hại nhiều nữa. Càng gần tới cuối thời Chiến Quốc thì các tung hoành gia lại càng tha hồ tunh hoành. Bọn biện sĩ đó không có lí tưởng gì cả, chẳng trung với một vua nào cả, nước nào mạnh thì theo để hễ nước đó chiếm được một nước khác thì kể công mà xin chia đất của nước bị diệt ; nếu rủi mà phải thờ một nước yếu thì ăn hối lộ của nước mạnh mà khuyên vua cắt đất thờ nước mạnh.
“Tô Tần, một biện sĩ, mà cũng phẫn uất về bọn đó lắm, mấy lần lớn tiếng mắng họ : Ở Sở: "Cậy cái uy lực của Tần ở nước ngoài mà ở trong hiếp đáp vua mình để đòi vua cắt đất cho Tần, đại nghịch, bất trung đến vậy là cùng cực” (Sở - I – 16).
Rồi ở Triệu :
“Họ cầu hoà với Tần thì có thể xây cất đài cao, sửa sang cung đẹp (…) rồi khi có cái họa vì Tần thì bỏ mặc vua” (Triệu II 1).
(…) Nhưng chính Tô Tần muốn dụ vua các nước đó (Sở, Triệu…) theo kế hoạch hợp tung cũng hứa dâng họ những sản phẩm, bảo vật cùng gái đẹp của nước mà Tô đương phụng sự. Cho nên thời đó đường cái nườm nượp xe ngựa của các vị sứ thần mà xe nào cũng chở đầy vàng bạc gấm vóc…” (Chiến Quốc sách – trang 67,68 – Lá Bối – 1972).
Vua quan nước Hàn cũng bị bọn biện sĩ đó mê hoặc, thao túng nên mỗi ngày một suy, Hàn Phi đau xót nên trong thiên Ngũ đố cảnh cáo nhà cầm quyền:
“Quần thần bàn về đối ngoại, nếu không chia ra hai phe hợp tung và liên hoành thì cũng nhân có mối thù với nước khác mà mượn sức mình để trả thù. Hợp tung là liên hợp các nước yếu (tức lục quốc) để đánh một nước lớn (Tần) ; liên hoành là thờ một nước mạnh để đánh các nước yếu, hai phe đó đều không duy trì được quốc gia.
"Bọn bề tôi nói chuyện liên hoành đều bảo: "Không thờ nước lớn thì tất bị địch xâm lược." Thờ nước lớn đâu phải là nói suông, tất phải đem bản đồ nước mình và ấn của các quan giao cho nước lớn để xin họ phân phát. Dâng bản đồ thì nước bị cắt xén, giao ấn thì danh phận bị hạ thấp; đất đai bị cắt xén thì yếu đi, danh phận bị hạ thấp thì chính trị rối loạn. Vậy là theo chủ trương liên hoành để thờ nước lớn, lợi chưa thấy mà đã thấy mất đất và loạn chính.
“Bọn bề tôi nói chuyện hợp tung đều bảo : “Không cứu nước nhỏ mà đánh nước lớn thì thiên hạ sẽ bị thôn tính mà thiên hạ mất thì nước mình nguy, nước nguy thì vua hoá thấp hèn”. Cứu nước nhỏ chưa chắc đã bảo tồn được nước đó mà đành nước lớn vị tất đã không có sự sơ hở (?), có sự sơ hở thì sẽ bị nước khác chế ngự. Xuất quân thì quân thua, lui về thì thành bị phá. Vậy là theo chủ trương hợp tung để cứu nước nhỏ, lợi chưa thấy mà đã mất đất thua quân.
“Kẻ chủ trương thờ nước mạnh chỉ mong nhờ thế lực nước ngoài để có quan chức lớn ở trong nước; kẻ chủ trương cứu nước nhỏ chỉ mong muốn dùng thế lực của nước mình mà cầu lợi ở nước ngoài. Quốc gia chưa được lợi gì mà họ đã được đất phong, lộc hậu ; địa vị của vua bị hạ thấp mà quyền thế của bề tôi lại thêm cao, đất đai của quốc gia bị cắt xén mà nhà riêng (của bề tôi) thì giàu thêm. Việc thành thì họ được nắm quyền mà được trọng dụng hoài ; việc hỏng thì họ cũng giàu có rồi, lui về mà hưởng."
Trong đoạn trên Hàn đã phân tích kĩ và đúng chính sách ngoại giao của bọn biện sĩ, nhất là lòng gian trá, tự tư lợi của họ. Cá nhân hành động vì tư lợi thì quốc gia cũng vậy, không bao giờ có nước nào mà thật tâm giúp nước nào, hoàn toàn vì lợi của nước họ mà giúp cả. Trong Thiên Thuyết lâm thượng , ông kể hai trường hợp để các vua chúa suy ngẫm. Trường hợp thứ nhất là nước Tề đối với nước Hình :
“Nước Tấn đánh nước Hình, Tề Hoàn Công muốn cứu. Bão Thúc tâu :
- Còn sớm quá ! Nước Hình không mất thì nước Tấn không mệt: Tấn không mệt thì Tề không được trọng. Vả lại cái công cứu một nước nguy không lớn bằng cái công phục hưng một nước đã mất. Tốt hơn đại vương nên chậm cứu nước Hình để làm cho nước Tấn mệt, đợi Hình mất rồi mới phục hưng lại cho, như vậy xét về thực lực có lợi, mà xét về danh lại càng tốt”.
Hoàn Công không cứu Hình nữa.
Trường hợp thứ nhì là Kinh (Sở) đối với Tống :
“Tề đánh Tống, Tống sai Tang Tôn tử xuống phía Nam cầu cứu với nước Kinh. Vua Kinh rất mừng, hứa sẽ tận lực giúp. Tang Tôn tử lo lắng ra về, người đánh xe thấy vậy hỏi :
- Việc cầu cứu có kết quả mà sao ngài lại có vẻ lo lắng ? Tang Tôn tử đáp :
- Tống nhỏ mà Tề lớn. Cứu nước Tống nhỏ mà để cho nước Tề lớn ghét, điều đó ai cũng lấy làm lo mà vua Kinh lại mừng, chắc ông ta (hứa hão) để chúng ta kiên tâm chống cự. Chúng ta nếu kiên tâm chống cự, Tề sẽ mệt, đó là điều lợi cho Kinh. (Quả nhiên) Tề chiếm năm thành của Tống rồi mà Kinh vẫn chưa đem quân cứu”.
Tang Tôn tử thật là sáng suốt. Một chính khách Á Đông bảy chục năm trước đã khuyên một nhà cách mạng của ta : cá nhân có thể vị tha nhưng một quốc gia thì bao giờ cũng nghĩ tới cái lợi của mình trước hết. Trong lịch sử ngoại giao của nhân loại, những truyện giả nhân giả nghĩa, phản nước bạn như Tề, Sở không thể nào chép hết được. Không có nhân nghĩa, chỉ có lợi thôi, không có tình cảm chỉ có sức mạnh thôi. Mạnh thì không bị người tấn công mà được yên ổn, lại có thể tấn công người mà thêm mạnh. Và Hàn khuyên :
“Mà cái sự mạnh và trị (yên ổn) thì không thể trông vào việc ngoại giao, nó tuỳ nội chính (tốt hay không). Không thi hành pháp luật ở trong nước mà cứ trông vào mưu trí đối ngoại thì không thể trị và mạnh được. Tục ngữ có câu “Tay áo dài thì khéo múa, tiền của nhiều thì khéo buôn”, nghĩa là có nhiều vốn thì dễ thành công. Nước trị và mạnh thì dễ mưu sự, nước yếu và loạn thì khó thiết kế. Cho nên dùng ở nước Tần (nước mạnh) mưu có thể thay đổi mười lần cũng ít thất bại : dùng ở nước Yên (nước yếu) mưu chỉ một lần thay đổi mà cũng ít thành công ; không phải vì mưu dùng ở Tần đều khôn cả, mưu dùng ở Yên đều ngu cả, chỉ vì cái “vốn” trị hay loạn khác nhau đấy thôi”.
治強不可責於外, 內政之有也。今不行法術於內, 而事智於外, 則不至於治強矣。鄙諺曰:「長袖善舞,多錢善賈。」此言多資之易為工也。故治強易為謀,弱亂難為計。故用於秦者十變而謀希失,用於燕者一變而計希得,非用於秦者必智,用於燕者必愚也,蓋治亂之資異也
(Trị cường bất khả trách ư ngoại, nội chính chi hữu dã. Kim bất hành pháp thuật ư nội, nhi sự trí ư ngoại, tắc bất chí ư, trị cường hỉ. Bỉ ngạn viết: “Trường tụ thiện vũ, đa tài thiện cổ”. Thử ngôn đa tư chi dị vị công dã. Cố trị cường dị vi mưu, nhược loạn nan vi kế. Cố dụng ư Tần giả, thập biến nhi mưu hi thất, dụng ư Yên giả, nhất biến nhi kế hi đắc. Phi dụng ư Tần giả tất trí, dụng ư Yên giả tất ngu dã. Cái trị loạn chi tư dị dã – Ngũ đố ).
Hàn đưa ra chứng cứ: “Chu li khai Tần mà theo hợp tung, mới nửa năm đã mất. Vệ li khai Ngụy mà theo liên hoành, mới nửa năm đã mất. Giá Chu và Vệ khoan tính cái kế hợp tung hay liên hoành, mà gấp lo việc trị nước, làm cho pháp lệnh nghiêm minh, thưởng phạt xác định, khai phá hết đất đai để súc tích cho nhiều, khiến cho dân xuất tử lực ra giữ vững thành trì thì thiên hạ dù có chiếm được đất mình, lợi cũng không được bao, công phá được nước mình thì tổn thất cũng nặng (…). Đó là cái thuật chắc chắn giữ nước cho khỏi mất”.
Lời khuyên thật xác đáng. Không một nước nào có thể cô lập được, ngoại giao tuy cần, và cũng phải có lúc nhờ đến nước người đấy, nhưng trước hết chính mình phải mạnh đã, mà khi mình mạnh thì không phải là nhờ người mà là sai người.
Muốn cho nước mạnh thì toàn dân phải là một khối, không được rời rạc, cho nên Hàn rất chú trọng đến sự “cáo gian” kiểm soát từng hành động của mỗi người dân, và thống nhất tư tưởng.
Chính sách cáo gian (tố cáo kẻ gian) ông mượn của Mặc Tử và Thương Ưởng. Vì tin rằng bản tính con người chỉ mưu tư lợi, vợ chồng, cha con, vua tôi đều có thể là kẻ thù của nhau cả, cho nên Hàn Phi thấy trong xã hội toàn những kẻ gian, gần như thiên nào trong sách ông cũng khuyên nhà cầm quyền phải đề phòng kẻ gian, đặc biệt là các thiên Bát gian, Gian kiếp thí thần, Bát thuyết, Bát kinh. Ông cho sự cáo gian là bổn phận của mỗi người, một hành động tốt, đáng thưởng, và ai cũng được phép tố cáo bất kỳ ai, ở triều đình, trong các nha sở và ở khắp các làng xóm, châu quận.
Thiên Bát thuyết ông viết:
“Cái đạo của minh quân là người hèn được tố cáo việc gian của người sang; thượng cấp có tội, thuộc hạ không tố cáo thì bị liên lụy; vua muốn biết rõ sự thực thì phải tham bác ý kiến của nhiều người…”.
Thiên Bát kinh , ông lại nói:
“Trong một huyện, nhà nào cũng gần nhau, họp nhau thành từng “ngũ” (năm nhà), từng “liên” (hai trăm năm mươi nhà), hễ ai tố cáo lỗi của người khác thì được thưởng, không tố cáo thì bị trừng trị. Bề trên đối với người dưới, người dưới đối với bề trên đều như vậy cả; như vậy thì trên dưới, sang hèn đều đem pháp luật ra răn nhau, đem điều lợi ra dạy nhau”.
伍、官、連、縣而鄰,謁過賞,失過誅。上之於下,下之於上,亦然。是故上下貴賤相畏以法,相誨以和。
(Ngũ, gia, liên, huyện nhi lân, yết quá thưởng, thất quá tru. Thượng chi ư hạ, hạ chi ư thượng diệc nhiên. Thị cố thượng hạ quí tiện tương úy di pháp, tương hối dĩ lợi).
Trong thiên Nạn tam , ông chép lại truyện dưới đây:
“Lỗ Mục công hỏi Tử Tư (cháu nội của Khổng Tử):
- Ta nghe nói con của Bàng Giản bất hiếu. Hạnh kiểm nó ra sao?
Tử Tư đáp:
- Người quân tử tôn hiền trọng đức, nêu điều tốt ra để khuyên người, còn những hạnh kiểm lầm lẫn là để cho tiểu nhân nhớ, thần không biết tới.
Tử Tư lui ra, Tử Phục Lệ Bá (một đại phu nước Lỗ) vô, Mục công hỏi về con họ Bàng Giản, Tử Phục Lệ Bá nói:
- Nó có ba cái lỗi mà nhà vua chưa được nghe.
Từ đó Mục công quí Tử Tư và coi thường Lệ Bá”-
Tử Tư đã theo được đúng lời dạy: “Quân tử thành nhân chi mĩ” của ông nội. Pháp gia cho dạy dân như vậy là làm loạn nước. Hàn dẫn lời của Giang Ất bảo vua nước Sở, đại ý rằng nếu người quân tử không che cái tốt của người, không vạch cái xấu của người thì những kẻ làm loạn sẽ thành công mà nước sẽ nguy.
Ông biết Thương Ưởng là nạn nhân của chính sách mình, nhưng ông đã can đảm bảo nếu gặp một ông vua theo pháp thuật của ông để làm cho nước mạnh thì dù chết thảm như Thương Ưởng ông cũng không ngại; mà lịch sử đã chứng minh rằng trong thời loạn, chính sách mạnh của Thương Ưởng làm cho quốc gia mau mạnh, nhưng lịch sử cũng chứng tỏ thêm rằng nếu chỉ dùng chính sách đó thôi thì khó mà bền được, nhất là khi kẻ thù ở sát biên giới luôn luôn tìm cách khai thác sự bất mãn của dân trong nước.
Hàn Phi cũng rất nghiêm khắc về việc thống nhất tư tưởng: cấm “tư học”, cấm tranh biện. “Học tư” là các thuyết của Nho, Mặc, Lão, Trang, Trâu Diễn… và của các biện sĩ, còn học công là pháp lệnh của quốc gia. Pháp gia cấm tất cả những cái riêng tư mà học tư là cái nguy hiểm nhất, làm cho vua quan và dân chúng hoang mang, chia rẽ, hoang mang thì không tin chính quyền, chính quyền khó sai khiến, mà chia rẽ thì yếu.
Thiên Hiển học , ông vạch những mâu thuẫn lẫn nhau giữa các học thuyết lưu hành đương thời, mà các vua chúa không biết phán đoán đều tin cả, thành thử không có chủ trương nhất định, đầu mối của loạn. Ông đưa ra hai thí dụ: Mặc khuyên phải tiết kiệm trong việc chôn cất, mà Nho thì phá sản trong việc chôn cất. Nho và Mặc trái nhau như vậy, nếu khen Mặc là tiết kiệm thì phải chê Nho là xa xỉ, nếu khen Khổng Tử là hiếu thì phải chê Mặc tử là có tội, vậy mà các bậc vua chúa lại tôn trọng cả hai! Tất Điêu chủ trương hễ ai khinh mình, dù là vua chúa mình cũng dám nổi giận mà đáp lại, còn Tống Vinh tử (Tống Khanh) thì lại không cho bị người ta khinh là nhục. Hai nhà đó trái nhau như vậy, nếu khen Tất Điêu là cương trực thì phải chê sự khoan thứ của Tống Vinh tử là sai; ngược lại nếu khen Tống Vinh tử là phải thì phải chê Tất Điêu là trái, vậy mà các bậc vua chúa lại trọng cả hai. Rồi Hàn Phi kết:
“Cái học ngu và lường gạt, các lời tranh biện hỗn tạp và mâu thuẫn đó, các bậc vua chúa đều tin cả, cho nên kẻ sĩ trong thiên hạ không lấy gì làm tiêu chuẩn, hành động không có chủ trương nhất định (…). Nay cũng nghe theo những cái học hỗn tạp, cùng làm theo những lời mâu thuẫn nhau thì làm sao khỏi loạn cho được?”
自愚誣之學、雜反之辭爭,而人主俱聽之,故海內之士,言無定術,行無常議(...)今兼聽雜學繆行同異之辭,安得無亂乎?
(Tự ngu vu chi học, tạp phản chi từ tranh, nhi nhân chủ câu thính chi, cố hải nội chi sĩ, ngôn vô định thuật, hành vô thường nhị (…) Kim kiêm thính tạp học, mậu hành đồng dị chi từ, an đắc vô loạn hồ? – Hiển học ).
Thiên Ngụy sử, ông nói thêm:
“Đặt ra pháp lệnh là để bỏ cái riêng tư, hễ pháp lệnh được thi hành thì cái đạo riêng bị phế. Riêng tư là cái làm loạn pháp. Kẻ sĩ có hai lòng, theo cái học riêng, ở trong núi trong hang, mượn cớ tìm những ý sâu xa, lớn thì mạt sát đời, nhỏ thì làm mê hoặc kẻ dưới mà bề trên không cấm lại còn theo, tặng họ danh hiệu tôn quý cùng tài sản, như vậy là kẻ không có công thì được vinh hiển, kẻ không làm lụng khó nhọc thì được giàu có. Như vậy kẻ sĩ hai lòng theo cái học riêng, làm sao mà khỏi cố tìm ra những ý mà họ cho là sâu xa, gắng dùng lời xảo trá phỉ báng pháp lệnh, để tự tạo ra cái thế chống lại đời? (…) Những kẻ được tiếng là thánh trí họp thành đám đông, lập thuyết giảng học để chê bai pháp luật trước mặt bề trên; bề trên đã không cấm chỉ, lại còn theo mà tôn trọng, như vậy là dạy kẻ dưới không nghe lời người trên, không tuân pháp luật…”.
Vì vậy phải cấm ngặt mọi cái học tư, chỉ dạy cái học công, tức pháp luật:
“Một nước có minh chủ thì không dùng văn học trong sách, chỉ lấy pháp luật mà dạy dân, không dùng lời của các tiên sinh (các học giả như các Tắc hạ tiên sinh) chỉ dùng quan lại làm thầy (dạy pháp luật). Không có bọn hiệp khách hung hãn, chỉ chém được đầu giặc mới là dũng cảm. Nhờ vậy dân trong nước hễ đàm luận là căn cứ theo pháp luật, hễ hành động là hướng về sự lập công, sự dũng cảm đem dùng hết vào việc quân mà thời bình thì nước giàu, lúc có giặc thì binh mạnh. Đó là cái vốn để lập vương nghiệp”.
故 明主 之 國、 無 書簡 之 文、 以 法為 教; 無 先 王之 語、 以 吏 為 師;無 私劍 之 捍、 以斬 首 為 勇。 是 以境 內 之民、 其言 談者 必 軌 於 法、動 作 者 歸 之 於功、 為 勇 者 盡之 於 軍。 是故 無事 則 國 富、 有事 則 兵 強、 此 之謂 王 資。
(Cố minh chủ chi quốc, vô thư giản chi văn; dĩ pháp vi giáo; vô tiên sinh ngữ, dĩ lại vi sư; vô tư kiếm chi hãn, dĩ trảm thủ vi dũng. Thị dĩ cảnh nội chi dân, kỳ ngôn đàm giả tất quĩ ư pháp, động tác giả qui chi ư công, vi dũng giả, tận chi ư quân, thị cố võ sự tắc quốc phú, hữu sự tắc binh cường, thử chi vị vương tư – Ngũ đố ).
Nghĩa là những kinh, thư của Khổng Tử, Mặc Tử, Lão tử… phải bỏ hết ráo, các trường của phái này phái nọ phải đóng cửa hết (ngay cả trường của Tuân tử cũng vậy).
Thiên Vấn biện, giọng của Hàn còn cương quyết hơn:
“Trong nước của một vì minh quân thì lệnh là lời rất quí, pháp luật là việc rất thích đáng. Cho nên lời nói và việc làm mà không theo pháp lệnh thì phải cấm”.
明主之國,令者,言最貴者也;法者,事最適者也。言無二貴,法不兩適,故言行而不軌於法者必禁。
(Minh chủ chi quốc, lệnh giả ngôn tối quí giả dã; pháp giả sự tối thích giả dã. Ngôn vô nhị quí, pháp bất lưỡng thích, cố ngôn hành nhi bất quĩ ư pháp lệnh giả, tất cấm).
Còn trong một nước loạn thì “vua ban lệnh mà dân lấy văn học để chê bai, công sở có pháp luật là dân lấy hành động riêng để sửa pháp luật theo ý mình, vua làm loạn pháp lệnh mà trọng trí lược, hành vi của bọn học giả, vì vậy mới có nhiều văn học”.
Lí Tư chắc đã đọc thiên Ngũ đố và có thể cả thiên Vấn biện của Hàn, khi dâng Tần Thủy Hoàng tờ sớ bất hủ đề nghị “đốt sách chôn Nho” mà chúng tôi xin trích một đoạn do Trần Trọng Kim dịch (Nho giáo, quyển thượng trang 350-351, Tân Việt in lần thứ ba, không đề năm):
“Thuở trước thiên hạ tán loạn không có thống nhất, cho nên chữ nho dấy lên, động nói cái gì là nói thời cổ để làm hại đời kim, trang sức những lời hư ngôn để làm rối mất sự thật. Người nào cũng cho cái học riêng của mình là phải, mà chê bai những điều kiến lập của người trên (…). Mỗi khi nhà vua có một hiệu lệnh gì xuống, họ cứ lấy cái học của họ để nghị luận, vào thì trong lòng không cho là phải, ra thì túm năm tụm ba lại để bàn tán, khoe cái chủ kiến của mình để lấy tiếng, cố lập dị cái cách tháo thủ để làm cao, đem kẻ quần hạ để đặt lời hủy báng”… Vậy phải “Đốt hết thi thư cùng Bách gia ngữ, ai dám thì thầm với nhau về sách Thi, Thư thì chém bỏ xác ngoài chợ, ai lấy đời xưa để chê đời này thì chém cả họ (vì ngôn vô nhị quí). Những sách để lại là sách thuốc, sách bói (Lí khác Hàn ở điểm sách bói này), sách trồng cây. Ai muốn học pháp lệnh thì phải lấy kẻ lại làm thầy” (Dĩ lại vi sư).
Đúng là lí luận và ngôn ngữ của Hàn Phi. Thế là chấm dứt một thời tự do tư tưởng kéo dài mấy trăm năm, suốt thời Xuân Thu và Chiến Quốc, thời rực rỡ nhất của Triết học Trung Hoa. Luật tự nhiên như vậy; loạn quá thì phải trị, tự do quá thì phải chặn lại. mà phản ứng thì bao giờ cũng mạnh quá mức cần thiết. Hàn Phi đã bảo thuốc có đắng mới hết bệnh, có mổ nhọt nhọt mới lành.
Quốc gia của Hàn không cần Thi, Thư không cần văn học, coi bọn học giả khen đạo tiên vương, bọn biện sĩ “gian trá” là những loài mọt (Ngũ đố) – Chỉ bọn biện sĩ gian trá thôi vì biện sĩ mà trọng pháp thuật như ông thì tất nhiên là đáng được tôn trọng – rồi tới nông phu và chiến sĩ; nông phu có tận lực thì nước mới giàu, mới có lúa để nuôi chiến sĩ; chiến sĩ có hi sinh thì nước mới mạnh mà thắng được địch, lẽ đó dễ hiểu. Rất nhiều lần Hàn đề cao công lao của “pháp thuật chi sĩ”, của “nông chiến chi sĩ”, và mạt sát bọn công thương vì theo ông hai hạng này là cái nghề ngọn (nghề nông là nghề gốc), không sản xuất được gì cả mà còn có hại cho nước. Chẳng hạn thiên Ngụy sử, ông bảo:
“Kho lẫm đầy là nhờ nghề gốc, tức canh nông, thế mà những kẻ làm những nghề ngọn như dệt gấm vóc, chạm vẽ lại giàu. Danh sở dĩ thành được, đất sở dĩ mở rộng được là nhờ chiến sĩ, mà nay con côi của tử sĩ chết đói xin ăn ở ngoài đường, còn bọn hề, kép hát, rượu chè lại ngồi xe, mặc đồ lụa (…) Bề trên cầm pháp độ để chuyên nắm quyền sinh sát trong tay, mà nay kẻ sĩ giữ pháp độ muốn đem lòng trung can gián thì không được yết kiến, còn kẻ khéo nói, bẻm mép, dùng mưu gian, may mắn mà thành công ở đời thì lại thường được vua vời”.


倉廩之所以實者耕農之本務也,而綦組錦繡刻劃為末作者富。名之所以成、城池之所以廣者戰士也,今死士之孤飢餓乞於道,而優笑酒徒之屬乘車衣絲。(...)上握度量所以擅生殺之柄也,今守度奉量之士欲以忠嬰上而不得見,巧言利辭行姦軌以倖偷世者數御。


(Thương lẫm chi sở dĩ thực giả, canh nông chi bản vụ dã, nhi cơ tổ cẩm tú, khắc họa vi mạt tác giả phú. Danh chi sở dĩ thành, địa chi sở dĩ quảng giả chiến sĩ dã, kim tử sĩ chi cô, cơ ngạ khuất ư đạo, nhi ưu tiếu tửu đồ chi thuộc thừa xa y ti (…) Thượng ác độ lượng sở dĩ thiện sinh sát chi bính dã, kim thủ độ phụng lượng chi sĩ, dục dĩ trung anh thượng nhi bất đắc kiến, xảo ngôn lợi từ hành gian quĩ dĩ hãnh thâu, thế giả sắc ngự).


Ý nghĩa đoạn đó cũng là ý trong những hàng: "làm cho thưởng phạt nghiêm minh, thưởng phạt xác định, khai phá hết đất đai để súc tích cho nhiều khiến cho dân xuất tử lực để giữ vững thành trì… đó là cái thuật chắc chắn giữ được nước cho khỏi mất” mà chúng tôi đã dẫn ở trên (trang 83).
Bọn thương nhân và bọn công nhân bị Hàn Phi liệt vào hạng du thủ du thực, hạng mọt của xã hội:
“Chính sách trị nước của bậc minh chủ là khiến cho bọn thương nhân, công nhân và bọn du thủ du thực ít đi và bị khinh để cho dân đổ xô vào các nghề gốc mà bỏ các nghề ngọn. Nay (…) quan tước có thể mua được thì công nhân và thương nhân (nhờ giàu có) không còn thấp hèn nữa. Của gian và đồ gian được dùng ở chợ thì thương nhân tất nhiều. Tiền của họ tích tụ được nhiều gấp bội nhà nông mà địa vị của họ lại cao hơn nông gia và chiến sĩ, như vậy thì chiến sĩ tất ít mà bọn con buôn phải nhiều” (Ngũ đố).
Hàn bênh vực tân địa chủ, ghét thương gia, nhưng thương gia giàu có rồi thì tất mua đất mà thành tân địa chủ, lúc đó ông đối với họ ra sao?
Rốt cuộc, Hàn cũng giữ truyền thống trọng sĩ và nông, công thương; chỉ khác giai cấp sĩ của ông chỉ gồm pháp thuật chi sĩ và chiến sĩ, còn các kẻ sĩ khác (Nho sĩ, biện sĩ, hiệp sĩ…) đều phải diệt cho hết.
Tóm lại, quốc gia lí tưởng của Hàn Phi là một nước:
- Theo chế độ quân chủ chuyên chế; vua có uy thế tuyệt cao, nắm hết quyền hành, đích thân chế ngự quần thần, không ủy một chút quyền cho ai cả.
- Theo chủ nghĩa pháp trị: ai cũng phải theo pháp luật, kể cả vua, chí công vô tư, mà không dùng nhân nghĩa, tình cảm.
- Thống nhất về tư tưởng, không dung nạp các “tư học” tức các học thuyết trái với chủ trương của chính quyền, cấm sự tranh biện và chỉ dạy pháp luật cho dân thôi (thầy học là các quan lại).
- Trọng nông và ức (gìm) công thương).
- Trọng vũ lực theo chủ nghĩa quân quốc militarisme.
Trong một quốc gia như vậy, không có năm hạng “mọt” này:
1 – “Bọn học giả khen đạo tiên vương, tạ khẩu là trọng nhân nghĩa, trau chuốt dung mạo, y phục và lời ăn tiếng nói để làm loạn pháp độ, làm mê hoặc lòng vua chúa” (ám chỉ Nho gia);
2 – “Bọn du sĩ dùng thuyết gian trá, mượn thế lực của nước ngoài để đạt được tư lợi, làm thiệt hại cho quốc gia”;
3 – “Bọn đeo gươm tập hợp đàn em, lập tiết tháo để nổi danh mà phạm cấm lệnh” (ám chỉ Mặc gia);
4 – “Bọn thị thần nịnh bợ, tích tụ tài sản, ăn hối lộ, mượn cái thế của nhà cầm quyền mà xin miễn dịch cho kẻ hối lộ họ”;
5 – “Bọn thương gia và công nhân sửa lại những đồ xấu xí, tích trữ những vật thường dùng để đợi thời bóc lột cái lợi của nông phu”. (Ngũ đố)
Còn sáu hạng “sĩ” có hại cho nước mà lại được người đời khen, thì cũng phải diệt:
1 – Hạng “sĩ quí trọng sự sống”, sợ chết, trốn tránh hoạn nạn, hàng giặc.
2 – Hạng “sĩ Văn học” lập nên học thuyết làm trái pháp luật;
3 – Hạng “sĩ tài năng” ở không, ăn bám
4 – Hạng “sĩ biện trí” nói quanh co bậy bạ.
5 – Hạng “sĩ dũng cảm” hung bạo, giỏi đâm chém người.
6 – Hạng “sĩ hào hiệp” cứu sống giặc, giấu diếm kẻ gian (không cáo gian).
Trong quốc gia lí tưởng đó của Hàn, thương mại chỉ là trao đổi ít hàng hóa thường dùng, công nghệ cũng chỉ để chế tạo ít dụng cụ cần thiết, mĩ nghệ không có, không có âm nhạc, ca hát, trường học, nếu có thì cũng chỉ để dạy một số ít người biết đọc, biết viết, thuộc pháp luật để làm quan và giảng giải các pháp lệnh cho dân. Để trị nước, vua chỉ cần giữ cái thế, thi hành pháp luật và khéo dùng thuật chế ngự bề tôi. Trong những chương sau, chúng tôi sẽ lần lượt xét ba vấn đề đó: thế, pháp và thuật.


Chú thích

[1] Mới gặp Mạnh Tử lần đầu, Lương Tương vương đã hỏi ngay : “Thiên hạ làm sao yên định được ?”. Lại hỏi : “Ai gom được về một mối?”. Mạnh tử đáp : “Ông vua nào không ham giết người (nghĩa là thi hành nhân nghĩa) thì gom được về một mối”. (Mạnh Tử - Lương Huệ vương - thượng – bài 6).
[2] Nguyên văn là đảng, một khu có 500 nhà là một đảng. Cũng có thể là đoàn thể.
[3] Trong bộ Đại cương Triết học Trung Quốc , quyển hạ trang 195 (Cảo Thơm 1966) chúng tôi dịch là “hiện từng chùm”. Nhưng nhiều học giả đã cho chữ “đảng hiện” nên sửa là “thảng hiện” vì không bao giờ các sao xuất hiện từng chùm cả.
Hàn Phi Tử
Lời mở đầu
PHẦN I - Chương 1
Chương 2
PHẦN II - Chương 1
Chương 2
P3 - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Kết
PHẦN IV
PHẦN V
THIÊN XLIX
THIÊN XL
THIÊN XLIII
THIÊN VII
THIÊN VI
THIÊN XLVIII
THIÊN XVIII
THIÊN XLV
THIÊN XLVI
THIÊN XVII
THIÊN IX
THIÊN XIV
THIÊN XIX
THIÊN XLVII
THIÊN XV
THIÊN XXX
THIÊN XXXI
THIÊN XXXII
THIÊN XXXIII
THIÊN XXXIV
THIÊN XXXV
THIÊN XXXVI
THIÊN XXXVII
THIÊN XXXVIII
THIÊN XXXIX
THIÊN XXII
THIÊN XXIII
THIÊN XLI
THIÊN XII
THIÊN III
THIÊN XI
THIÊN XIII