watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hàn Phi Tử-THIÊN XXXI - tác giả Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

THIÊN XXXI

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Trong thiên này, Hàn Phi đưa ra 6 mối ẩn vi cần phải xét kĩ.

Kinh 1: Quyền giao cho kẻ khác.
Quyền thế không thể giao cho kẻ khác; quyền vua mất đi một thì quyền bề tôi tăng lên gấp trăm. Vì vậy bề tôi mượn được quyền của vua thì thế lực thêm nhiều, thế lực thêm nhiều thì trong (bách quan) và ngoài (chư hầu) đều bị họ sử dụng, trong ngoài bị họ sử dụng thì vua bị che lấp (…)[1]


Truyện 1 (….)[2]
c/ Thời Tấn Lệ công, sáu quan khanh được tôn quí. Tư Đồng và Trường Ngư Kiểu can: “ Đại thần quá tôn quí thì đối địch với chúa và tranh giải quyết việc nước, tư thông với nước ngoài, lập bè đảng, dưới làm loạn phép nước, trên áp bức chúa, như vậy mà nước không nguy là điều chưa từng thấy”
Lệ công bảo: “Phải", rồi giết ba quan khanh. Tư Đồng và Trường Ngư Kiểu lại khuyên:
- Họ cùng một tội như nhau mà thiên vị không giết hết, thì kẻ còn sống sẽ oán hận, rình cơ hội mà hại mình.
Lệ công bảo:
- Một buổi sáng mà ta đã diệt ba quan khanh, ta không nỡ lòng nào diệt hết.
Trường Ngư Kiểu đáp:
- Chúa công không nỡ diệt họ, nhưng họ sẽ nhẫn tâm hại chúa công.
Lệ công không nghe. Được ba tháng, ba quan khanh can lại gây loạn, giết Lệ công, chia đất của ông.
d/ Một người nước Yên không mê loạn mà bị (vợ bắt) tắm bằng nước phân chó[3] (Nguyên do như vầy): vợ anh ta tư thông với một chàng trai trẻ. Người chồng sáng sớm từ ngoài về nhà, gặp chàng trai trẻ đó đi ra bèn hỏi:
- Khách nào đó?
Vợ đáp:
- Có khách nào đâu.
Hỏi kẻ tả hữu, họ đều bảo không có, mười miệng như một. Người vợ bảo: “Ông bị mê loạn rồi”, bèn đem anh ta tắm bằng nước phân chó.
(Còn một thuyết nữa, ý nghĩa cũng như thuyết trên, nên chúng tôi bỏ).


*

Kinh 2: Lợi mỗi bên khác nhau.
Cái lợi của vua (công lợi) và của bề tôi (tư lợi) khác nhau cho nên bề tôi chẳng ai trung với vua cả, hễ bề tôi có lợi thì vua mất lợi. Vì vậy mà gian thần triệu quân địch để trừ kẻ chống đối trong nước, đem sự tình nước ngoài để huyễn hoặc vua; chỉ nghĩ thực hiện được tư loại, không đoái hoài gì tới tai họa của nước (…) [4]


Truyện 2 (…)[4]
a/ Vợ một người nước Vệ cầu đảo: “ Xin cho chúng tôi khi không[5] được mười bó vải”. Người chồng hỏi: “Sao xin ít vậy?” Đáp: “Xin nhiều hơn để anh mua nàng hầu à?”
b/ Vua nước Kinh muốn cho các công tử qua làm quan các nước láng giềng. Đái Yết khuyên không nên. Vua Kinh bảo:
- Cho các công tử làm quan ở các nước láng giềng thì các nước đó sẽ trọng họ.
Đái Yết đáp:
- Các công tử qua các nước đó sẽ được trọng vọng, được trọng vọng thì về hùa với các nước đó, như vậy là nhà vua dạy cho con câu kết với nước ngoài, bất lợi cho nước mình.


k/ Tống Thạch là tướng nước Ngụy, Vệ Quân là tướng nước Kinh. Hai nước gây chiến với nhau, mà Tống Thạch và Vệ Quân đều cầm quân. Tống Thạch viết thư cho Vệ Quân, bảo: “Quân hai bên gặp nhau, cờ hai bên đối nhau, nhưng đừng giao chiến với nhau nhé, vì giao chiến thì tất một còn một mất. Đây là việc riêng của hai vị chúa, tôi với ông không có tư thù gì với nhau, tốt hơn là nên tránh né nhau”


g/ Đại Thành Ngọ làm quan nước Triệu, qua nói với Thân Bất Hại ở Hàn:
“Nếu ngài dùng thế nước Hàn mà làm cho tôi được trọng hơn ở Triệu thì tôi cũng xin lấy thế nước Triệu giúp ngài được trọng hơn ở Hàn, như vậy cũng như ngài có hai nước Hàn, tôi có hai nước Triệu (ý nói: thế của mỗi người tăng lên gấp đôi)”.


***
Kinh 3. Giống nhau.
Những việc giả dối giống như việc thực làm cho vua (mê hoặc) trừng phạt sai, mà đại thần nhân đó sẽ được lợi riêng (…)


Truyện 3
d/ Vua nước Kinh có một ái thiếp là Trịnh Tụ. Khi ông mới nạp một mĩ nữ, Trịnh Tụ dạy cô ấy:
- Nhà vua rất thích người ta lấy tay che miệng, khi gần nhà vua, em nhớ che miệng đấy nhé.
Mĩ nữ đó (nghe lời) vào yết kiến, khi lại gần vua thì lấy tay che miệng. Vua hỏi (Trịnh Tụ) tại sao lại vậy? Trịnh Tụ đáp: “Cô ấy bảo không chịu được mùi hôi của đại vương”. Gặp lúc nhà vua, Trịnh Tụ và mĩ nhân đó cùng ngồi, Trịnh Tụ đã dặn trước người đánh xe cho vua rằng: “Nếu vua ra lệnh gì thì phải thi hành ngay tức khắc”. Mĩ nữ tiến lại thật gần nhà vua, mấy lần che miệng. Nhà vua bỗng nổi giận bảo: “Cắt mũi nó đi”. Người đánh xe liền rút dao ra cắt ngay mũi mĩ nữ.
Một thuyết khác bảo (…)[6]


d/ Phí Vô Cực[7] là người thân của một quan lệnh doãn nước Kinh. Khích Uyển mới giúp việc quan lệnh doãn, được quan lệnh doãn rất yêu. Vô Cực (ghen ghét) bảo quan lệnh doãn:
- Ngài rất yêu Uyển, sao không bảo bày tiệc rượu một lần ở nhà ông ta?
Quan lệnh doãn khen phải và bảo Uyển bày tiệc một lần ở nhà. Vô Cực khuyên Uyển:
- Quan lệnh doãn rất ngạo mạn và thích binh khí. Ông nên tỏ vẻ kính cẩn và bầy binh khí ở sân và cửa.
Uyển làm theo. Quan lệnh doãn tới, thấy vậy, kinh hoảng hỏi:
“Thế nghĩa là làm sao?” Vô Cực bảo: “Ngài chỉ có cách là về ngay
đi. Sự việc chưa biết sẽ ra sao". Quan lệnh doãn nổi giận, đem binh đánh Khích Uyển và giết ông ta.


e/ Tế Thủ[8] và Trương Thọ thù oán nhau. Trần Nhu mới (từ Sở) vô (Ngụy), không ưa Tế Thủ bèn sai người ám sát Trương Thọ. Vua Ngụy cho rằng Tế Thủ làm việc đó, trách ông ta.

***
Kinh 4. Việc có bề trái: Một sự tình phát sinh, nếu có lợi thì nhà vua làm chủ nó, nếu có hại thì nên xét ngược lại xem ai có lợi trong đó. Cho nên bậc minh chủ luận việc: nếu có hại cho nước thì xem xét ai là kẻ có lợi trong việc đó (…)


Truyện 4 (…)
a/ Trần Nhu là kẻ bề tôi của vua Ngụy, thân thiện với vua Kinh, xúi Kinh đánh Ngụy. Trần Nhu nhân đó xin vì vua Ngụy mà đứng ra học giải rồi nhờ thế lực của Kinh được làm tướng quốc Ngụy.


b/ Thời Chiêu Hy hầu, người đầu bếp dâng thức ăn trong món canh có miếng gan còn sống. Chiêu Hy hầu kêu người phụ bếp vô mắng: “Tại sao ngươi bỏ miếng gan sống vào nồi canh của quả nhân?” Hắn khấu đầu chịu tội chết, đáp: “Thần muốn ngầm hại anh đầu bếp”.
Một thuyết khác bảo:
Hy Hầu tắm thấy trong nước có sạn. Ông hỏi:
- Nếu người coi việc tắm gội mất chức thì có ai thay chân không?
Kẻ tả hữu đáp “có”. Hy hầu bảo: “Gọi nó vào”. Rồi mắng người đó:
- Tại sao ngươi bỏ sạn vào nước nóng?
Hắn đáp:
- Anh coi việc tắm gội mà mất chức thì thần được thay chân, vì vậy thần bỏ sạn vô nước nóng.

***
Kinh 5: Quyền thế ngang nhau. Quyền thế ngang nhau thì mầm loạn phát sinh, vì vậy mà bậc minh chủ phải thận trọng (…)
Truyện 5 (…)
d/ Sở Thành vương đã lập Thương Thần làm thái tử rồi lại muốn lập công tử Chức[9] nữa. Thương Thần làm loạn, đánh và giết Thành vương.


Một thuyết khác bảo:
Sở Thành vương đã lập Thương Thần làm thái tử rồi lại muốn lập công tử Chức nữa. Thương Thần hay được mà chưa tin, hỏi quan sư phó (thày học) là Phan Sùng: “Làm cách nào mà cho biết chắc được!” Phan Sùng đáp: “Mời Giang Mi[10] lại dự tiệc mà tỏ vẻ không kính trọng bà ấy”. Thái tử làm theo lời. Giang Mi mắng (Thương Thần):
- Hừ quân ti tiện, quân vương muốn phế mi lập thằng Chức là đáng lắm.
Thương Thần nói (với Phan Sùng): Tin đồn đó đúng. Phan Sùng hỏi:
- Có thể thờ Chức được không?
- Không!
- Có thể qua nước chư hầu được không?
- Không.
- Có thể làm lớn được không?
- Được.
Thương Thần bèn dùng binh túc vệ giữ dinh đánh Thành vương. Thành vương xin ăn món chân gấu[11] không được bèn tự sát.
k/ Vua Trịnh hỏi Trịnh Chiêu: “Thái tử ra sao?” Đáp: “Thái tử chưa sinh”. Vua hỏi: “Thái tử đã lập rồi mà bảo chưa sinh là nghĩa làm sao?” Đáp: “Thái tử tuy lập rồi nhưng tật hiếu sắc của vua chưa dứt, nếu bà phi nào được nhà vua yêu mến mà có con trai thì nhà vua tất yêu người con đó, yêu ai thì muốn cho người đó kế nghiệp, vì vậy mà thần bảo thái tử chưa sinh”.

***
Kinh 6. Sa thải và bổ dụng. Điều mà địch mưu tính là làm loạn sự phán đoán của ta để ta làm bậy, nếu bậc vua chúa không xét kĩ trong việc sa thải, bổ dụng quần thần, có thể mắc mưu địch (…)


Truyện 6 (…)
c/ Trọng Ni cầm quyền ở Lỗ, ngoài đường không có kẻ lượm của rơi, Tề Cảnh công đâm lo, Lê Thả (mưu thần của Tề) tâu với Cảnh công:
- Làm cho Trọng Ni mất chức là việc dễ như thổi sợi lông. Nhà vua sao không dùng lộc hậu chức cao mà mời ông ta, rồi tặng Lỗ Ai công[12] một đoàn nữ nhạc để vua Lỗ hóa kiêu mà mê loạn? Ai công ham cái vui mới, tất bỏ bê việc chính trị. Trọng Ni sẽ can gián, can gián (không được) sẽ bị coi thường ở Lỗ[13] .
Cảnh công khen là phải, sai Lê Thả đưa hai đoàn nữ nhạc, mỗi đoàn tám người, qua tặng Ai công. Ai công ham vui, quả nhiên bỏ bê việc triều chính. Trọng Ni can gián không được, bỏ qua nước Sở[14] .
g/ Thúc Hướng[15] muốn gièm Trành Hoằng,[16] viết một bức thư giả là của Trành Hoằng gửi cho mình, bảo: “Xin ngài vì tôi nói với vua Tấn rằng điều nhà vua với tôi hẹn nhau, lúc này làm được rồi, sao không gấp gởi binh tới?”
Rồi Thúc Hướng giả vờ đánh rơi bức thư đó ở sân chầu vua nhà Chu và vội vàng đi về. Vua Chu cho rằng Tràng Hoằng phản nhà Chu, đem ông ta ra giết.
h/ Trịnh Hoàn công muốn đánh nước Khoái, trước hết hỏi tên họ tất cả những hào kiệt, lương thần cùng kẻ sĩ mưu trí, giỏi ăn nói, dũng cảm, rồi lựa những ruộng đất tốt của nước Khoái (làm bộ) hối lộ cho họ, và biên trong sổ những chức tước dành cho họ, sau cùng lập đàn tràng ở ngoài cửa quách[17] chôn sổ đó, lại bôi máu heo vào sổ như một tập thề ước. Vua Khoái (phát giác) cho rằng trong nước có kẻ muốn làm loạn, bèn giết hết các lương thần. Trịnh Hoàn công lúc đó mới đem quân đánh, chiếm được nước Khoái.
i/ Người hề lùn nước Tần giao hảo với vua Kinh, lại ngầm kết giao với kẻ tả hữu vua Kinh, mà ở trong nước, anh ta được Huệ Văn quân[18] trọng. Thành thử hễ nước Kinh mưu tính điều gì, anh ta thường biết trước mà báo cho Huệ Văn quân hay.



Chú thích:

[1] Bỏ mấy hàng dẫn chứng.
[2] Hàn Phi chép 5 truyện a, b, c, d, e để giải thích những điều dẫn chứng ở trên. Chúng tôi chỉ dịch hai: c và d.
[3] Nguyên văn: Yên nhân vô hoặc , cố dục cẩu thỉ. Có học giả sửa lại là: Yên nhân hoặc dị … nghĩa là người nước Yên dễ bị mê loạn (nên phải tắm bằng nước phân chó). Người Trung Hoa thời đó cho rằng chứng đó bị quỉ ám, nên trị như vậy.
[4] Coi chú thích (1) và chú thích (2) Kinh 1 ở trên. Sau cũng vậy.
[5] Không tốn công, của gì cả.
[6] Thuyết này gần giống y hệt truyện Sở IV 2 trong Chiến Quốc sách, nên chúng tôi không dịch lại. Chiến Quốc sách chép là Trịnh Dữu.
[7] Có chỗ gọi là Phí Vô Kị, một gian thần của Kinh Bình vương.
[8] Tế Thủ là một chức quan võ của Ngụy như tướng soái. Theo Chiến Quốc sách, Tế Thủ tức Công tôn Diễn, đồng thời với Trương Nghi.
[9] Chức là em khác mẹ của Thương Thần
[10] Giang Mi là em gái Thành vương. Theo Sử kí của Tư Mã Thiên thì là một ái phi của Thành vương. Có sách chép là Giang Thiên, hoặc Giang Vu và cho Giang Vu là một cận thần của Thành vương.
[11] Món ăn thời đó cho là rất quí. Món đó nấu lâu chín, Thành vương xin ăn món đó là có ý kéo dài để chờ cứu viện.
[12] Hàn Phi lầm: chính là Lỗ Định công.
[13] Nguyên văn: Khinh tuyệt ư lễ. Có sách dịch là: tất bỏ nước Lỗ.
[14] Có sách sửa lại là qua Tề.
[15] Tức Dương Thiệt Chất, học rộng, làm quan nước Tấn, viết thư phản kháng Tử Sản làm hình thư – Coi phần I
[16] Trành Hoằng là một đại phu của Chu Kính vương
[17] Quách là bức tường ngoài của một thị trấn thời đó.
[18] Vua Tần, người giết Thương Ưởng
Hàn Phi Tử
Lời mở đầu
PHẦN I - Chương 1
Chương 2
PHẦN II - Chương 1
Chương 2
P3 - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Kết
PHẦN IV
PHẦN V
THIÊN XLIX
THIÊN XL
THIÊN XLIII
THIÊN VII
THIÊN VI
THIÊN XLVIII
THIÊN XVIII
THIÊN XLV
THIÊN XLVI
THIÊN XVII
THIÊN IX
THIÊN XIV
THIÊN XIX
THIÊN XLVII
THIÊN XV
THIÊN XXX
THIÊN XXXI
THIÊN XXXII
THIÊN XXXIII
THIÊN XXXIV
THIÊN XXXV
THIÊN XXXVI
THIÊN XXXVII
THIÊN XXXVIII
THIÊN XXXIX
THIÊN XXII
THIÊN XXIII
THIÊN XLI
THIÊN XII
THIÊN III
THIÊN XI
THIÊN XIII