watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hàn Phi Tử-Chương 6 - tác giả Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Chương 6

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nho gia dùng chữ “pháp” theo nghĩa phép tắc, như trong các từ ngữ “tiên vương chi pháp”, “hậu vương chi pháp” (phép tắc của tiên vương, của hậu vương); còn Pháp gia nói tới “pháp” là luôn luôn trỏ pháp luật.


Trong thiên Định pháp , Hàn Phi định nghĩa chữ “pháp” như sau: “Pháp là hiệu lệnh công bố ở các công sở, thưởng hay phạt đều được dân tin chắc là thi hành, thưởng người cẩn thận giữ pháp luật, phạt kẻ phạm pháp, như vậy bề tôi sẽ theo pháp”.


法者,憲令著於官府,賞罰必於民心,賞存乎慎法,而罰加乎姦令者也;此人臣之所師也。


(Pháp giả hiến lệnh trứ ư quan phủ; thưởng phạt tất ư dân tâm, thưởng tồn hồ thận pháp, nhi phạt gia hồ gian lệnh giả dã; thứ nhân thần chi sở sư dã).


Thiên Hữu độ, ông ví pháp luật với dây mực, cái thuỷ chuẩn, cái qui, cái củ, tức những đồ dùng làm tiêu chuẩn. Pháp luật tức là một thứ tiêu chuẩn để biết đâu là chính, đâu là tà, để khen đúng người phải, trách đúng kẻ quấy.


Trong phần I (tiểu sử Tử Sản) chúng tôi đã xét sự tiến triển của ý niệm về pháp luật ở thời Xuân Thu và Chiến Quốc ra sao, và các pháp gia từ Quản Trọng tới Thương Ưởng đã lần lần lấy pháp luật thay cho lễ, bỏ tính cách giai cấp của lễ ra sao. Có điều đáng để ý là sự tôn quân càng tăng thì ý niệm về pháp luật càng mạnh. Nho gia tuy tôn quân nhưng coi vua là người chỉ nhận sứ mạng của trời, mà ý dân là ý trời, nên đòi vua phải có đạo đức (vua có ra vua thì bề tôi mới giữ đạo bề tôi) ông vua nào không có tư cách đều bị Khổng Tử, Mạnh Tử chê hoặc mạt sát; mà Nho gia lại chính là những chính trị gia chỉ có ý niệm về đạo đức (nhân) về bổn phận (nghĩa) chứ chưa có ý niệm về pháp luật. Trái lại Pháp gia tôn quân hơn Nho gia nhiều (coi chương II và III phần này) thì lại có ý niệm rất rõ về pháp luật và đòi hỏi các vua chúa phải luôn luôn áp dụng đúng pháp luật. Cơ hồ họ cảm thấy rằng phải có pháp luật để giảm bớt uy quyền của vua. Họ không nói đến mệnh trời, ý dân nữa, không đề cao nhân nghĩa nữa mà chỉ nói đến pháp luật, đề cao pháp luật. Đó là một sự biến chuyển lớn trong tư tưởng chính trị của Trung Quốc thời Chiến Quốc mà chúng tôi chưa thấy học giả nào phân tích.
Ba thuyết thế, pháp, thuật của pháp gia liên quan chặt chẽ với nhau, chống đỡ lẫn nhau: “thế” như cái khung cửa tò vò, pháp và thuật như hai chân cột của cửa; có cái thế mới thi hành được pháp, thuật; mà có pháp, thuật thì mới giữ vững được cái thế, hễ thiếu một là sụp đổ hết. Vì vậy mà khi xét tới một trong ba cái đó, phải nhắc tới hai cái kia, không thể tách rời hẳn ra được. Chúng tôi bất đắc dĩ phải tạm chia làm ba chương: thế, pháp, thuật chỉ để cho dễ trình bày, chứ thực sự muốn hiểu rõ một chương nào thì phải tham khảo thêm hai chương kia.


Tính cách của pháp luật theo Hàn Phi.


Theo chủ trương của Pháp gia, vua tượng trưng cho quốc gia, vua là quốc gia, nên nắm hết uy quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên vua không thể muốn đặt luật pháp ra sao cũng được, mà phải theo ba qui tắc chính dưới đây:
1- Luật pháp phải hợp thời: Trong chương Lịch sử quan của Hàn Phi, chúng tôi đã nói Hàn cũng như Thương Ưởng cho rằng lịch sử biến chuyển, thời sau không giống thời trước, mà hễ thời đã khác thì việc cũng phải khác (thế dị tắc sự dị), thánh nhân không theo cổ, phải xét tình hình hiện tại mà tuỳ nghi tìm biện pháp.
Về việc lập pháp, Hàn tất nhiên không thể chủ trương khác được. Thiên Tân độ [1] có câu:
“Pháp luật cùng với thời mà thay đổi thì nước trị, trị dân mà hợp với đời thì có kết quả (…) Thời thay mà pháp luật không đổi thì nước loạn, đời đã thay đổi mà cấm lệnh không biến thì nước bị chia cắt. Cho nên thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà đổi, cấm lệnh cùng với đời mà biến”.


法與時轉則治,治與世宜則有功(...)時移而法不易者亂,世變而禁不變者削。故聖人之治民也,法與時移,而禁與世變。


(Pháp dữ thời chuyển tắc trị; trị dữ thế nghi tắc hữu công… Thời di nhi pháp bất dịch giả loạn, thế biến nhi cấm bất biến giả tước. Cố thánh nhân chi trị dân dã, pháp dữ thời di, nhi cấm dữ thế biến).


2- Pháp luật phải soạn sao cho dân dễ biết, dễ thi hành.

Thiên Ngũ đố, Hàn viết:
“Pháp luật không gì bằng thống nhất, cố định để cho dân dễ biết”.


法莫如一而固、使民知之


(Pháp mạc như nhất nhi cố, sử dân tri chi) Thống nhất nghĩa là pháp luật phải qui định cho cả nước theo, chứ nếu mỗi miền có luật lệ, cấm lệnh riêng thì dân miền này qua miền khác, cứ tưởng luật lệ cũng như ở miền mình ở mà vô tình phạm pháp mất. Thống nhất còn có nghĩa là khi đã ban bố một pháp lệnh mới thì phải bỏ pháp lệnh cũ đi, nếu không thì kẻ gian sẽ lợi dụng tình trạng mập mờ đó, lựa pháp lệnh nào có lợi cho họ mà theo, như trường hợp nước Hàn khi mới tách ra khỏi nước Tấn, pháp luật của Tấn chưa bỏ mà pháp luật của Hàn đã ban hành, vì vậy mà nước Hàn chịu cảnh hỗn loạn một thời gian, không mau mạnh lên được (Định pháp ). Cố định nghĩa là không được thay đổi hoài, mới ban một lệnh được ít ngày hay ít tháng đã ban một lệnh ngược lại. Việc thưởng phạt cũng vậy, đã thưởng thì không đổi ý, phạt thì không ân xá.
Pháp luật là để cho toàn dân theo, cho nên phải tường tận cho người không có học cũng hiểu được, lại phải dễ thi hành:
“Cái gì mà kẻ sĩ có óc tinh tế mới biết được thì không nên ban làm lệnh, vì dân không phải người nào cũng có óc tinh tế cả. Cái gì mà bậc hiền mới làm được, thì không nên dùng làm phép tắc vì không phải người dân nào cũng hiền cả”.


察士然後能知之,不可以為令,夫民不盡察。賢者然後能行之,不可以為法,夫民不盡賢


(Sát sĩ nhiên hậu năng tri chi, bất khả dĩ vi lệnh, phù dân bất tận sát. Hiền giả nhiên hậu năng hành chi, bất khả dĩ vi pháp, phù dân bất tận hiền – Bát thuyết ).


Nhất là phải soạn ra sao cho minh bạch, mọi người đều hiểu như nhau; nếu tỉnh lược quá, mỗi người hiểu một cách thì sinh ra nhiều việc tranh tụng, và có những kẻ lợi dụng sự mập mờ của pháp luật mà làm bậy. “Pháp luật mà tỉnh lược thì dân chúng hay tranh tụng, vì vậy mà (…) pháp luật của minh chủ ghi việc rất tường tận”.


法省而民萌訟、是以…明主之法必詳事


(Pháp tỉnh nhi dân manh tụng, thị dĩ (…) minh chủ chi pháp tất tường sự. - Như trên).
3- Pháp luật phải công bằng binh vực kẻ yếu, số ít, như vậy mới có trật tự trong nước được:


“Bậc thánh nhân xem sự thực của sự phải quấy, xét tình hình của sự trị loạn, cho nên trị nước thì minh định pháp luật, đặt ra hình phạt nghiêm khắc để cứu loạn cho quần chúng, trừ hoạ cho thiên hạ, khiến cho kẻ mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít, người già được hưởng hết tuổi trời, bọn trẻ côi được nuôi lớn, biên giới không bị xâm phạm, vua tôi thân nhau, cha con bảo vệ nhau, không lo bị giết hay bị giặc cầm tù, đó cũng là cái công cực lớn vậy”.


聖人者,審於是非之實,察於治亂之情也。故其治國也,正明法,陳嚴刑,將以救群生之亂,去天下之禍,使強不陵弱,眾不暴寡,耆老得遂,幼孤得長,邊境不侵,君臣相親,父子相保,而無死亡係虜之患,此亦功之至厚者也。


(Thánh nhân giả thẩm ư thị phi chi thực, sát ư trị loạn chi tình dã. Cố kì trị quốc dã, chính minh pháp, trấn nghiêm hình, tương dĩ cứu quần sinh chi loạn, khử thiên hạ chi hoạ, sử cường bất lăng nhược, chúng tất bạo quả, kỳ lão đắc toại, ấu cô đắc trưởng, biên cảnh bất xâm, quân thần tương thân, phụ tử tương bảo, nhi vô tử vong hệ lỗ chi hoạn, thử diệc công chi chí hậu giả dã – Gian kiếp thí thần ).


Trọn bộ Hàn Phi tử chỉ có mấy hàng đó là có giọng thương dân. Tư tưởng không khác mà có phần đầy đủ hơn của Mạnh Tử trong các thiên Lương Huệ vương thượng và hạ:
“…người bảy chục tuổi có lụa mà mặc, có thịt mà ăn, dân cũng khỏi đói, khỏi lạnh…”
“…trên thì đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì đủ sức nuôi vợ con, năm được mùa thì mãi mãi no đủ, năm mất mùa thì cũng khỏi chết đói…”, “…già mà goá vợ gọi là quan, già mà goá chồng gọi là quả, già mà không có con gọi là độc, trẻ mà mồ côi cha gọi là cô. Đó là bốn hạng cùng khổ nhất trong thiên hạ, không biết nhờ cậy vào ai. Vua Văn vương bắt đầu trị nước, thi nhân, lưu tâm tới bốn hạng người ấy trước nhất”.
Hàn khác Mạnh là chủ trương không ban ân huệ cho dân, không bố thí, bắt dân phải tận lực rồi mới thưởng. Thiên Ngoại trừ thuyết hữu hạ , ông chép lại truyện Chiêu Tương vương nước Tần từ chối không phát rau quả cho dân đói vì mất mùa, lấy lẽ rằng:
“Theo pháp luật của nước Tần ta thì dân có công mới được thưởng, có tội mới bị phạt. Nay phát cho dân rau quả trong năm vườn (của ông) tức là dân có công hay không có công đều được thưởng là gây loạn trong nước”.
Xét chung, các Pháp gia chỉ muốn công bằng mà không muốn có tình thương; nhưng thiếu tình thương thì có thể công bằng được không? Công bằng còn có nghĩa là mọi người, chẳng kể sang hèn, đều bình đẳng trước pháp luật. Điểm này có tính cách tiến bộ, ngược lại với tính cách gia cấp của “lễ”. Thời Xuân Thu, “hình bất thướng đại phu”, bọn quý tộc không bị hình phạt như thường dân, không bị trị theo phép nước mà được xử theo lễ, tức theo các lệ riêng của quý tộc với nhau. Thương Ưởng và Hàn Phi muốn dùng luật để trừ cái đặc quyền đó của quý tộc, kéo họ xuống ngang hàng với bình dân.

4- Pháp luật có tính cách phổ biến , trái với lễ có tính cách bí mật. Pháp luật phải được phổ biến để không một người dân nào có thể viện cớ rằng mình không biết pháp luật nên lỡ phạm pháp. Thiên Nạn tam , Hàn Phi phân biệt pháp và thuật như sau:
“Pháp luật là cái chép trong sách vở, bày ở công sở và công bố cho toàn dân. Thuật là cái giấu trong lòng để so sánh mọi việc mà ngầm chế ngự quần thần. Cho nên pháp luật không gì bằng phải bày ra cho mọi người biết mà thuật thì không muốn cho người khác thấy. Bậc minh chủ nói đến pháp luật thì hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết…; còn như dùng thuật thì những kẻ yêu mến, thân cận cũng không được nghe…”
法者,編著之圖籍,設之於官府,而布之於百姓者也。術者,藏之於胸中,以偶眾端而潛御群臣者也。故法莫如顯,而術不欲見。是以明主言法,則境內卑賤莫不聞知也(...)用術,則親愛近習莫之得聞也,
(Pháp giả, biên trứ chi đồ tịch, thiết chi ư quan phỉ, nhỉ bố chi ư bách tính giả da. Thuật giả, tàng chỉ ư hung trung, dĩ ngẫu chúng đoan nhi tiềm ngự quần thần giả dã. Cố pháp mạc như hiển, nhi thuật bất dục hiện. Thị dĩ minh chủ ngôn pháp, tắc cảnh nội ti tiện mạc bất văn tri dã…, dụng thuật tắc thân ái cận tập, mạc chi đắc văn dã…).
Có hai cách để “hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết”:
a) Viết hay khắc lên thẻ tre treo ở chỗ công cộng, như Đặng Tích đã làm từ thời Xuân Thu. Những thẻ đó gọi là trúc hình. Cũng có thể đúc lên các đỉnh bằng sắt, nhưng đỉnh chỉ bày trong cung hay ở miếu đường, dân thường không tới coi được nên kém tính cách phổ biến;
b) Sai các quan lại dạy cho dân. Đây là chính sách “lấy pháp luật mà dạy dân” “dùng quan lại làm thầy” mà Hàn Phi đã nói trong thiên Ngũ đố. “Dĩ pháp vi giáo” tức là đem bộ luật làm sách giáo khoa, “dĩ lại vi sư” tức là dùng quan lại làm giáo viên, như vậy pháp luật vừa được thống nhất vừa được phổ biến.
Vậy từ thời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã có ý dạy pháp luật chẳng những cho quan lại mà cả cho dân chúng nữa. Chủ trương đó hợp lý và thực tế, nếu được áp dụng lâu, chẳng hạn một thế kỷ, thì chưa biết chừng Pháp gia sẽ gây được một đảng phái chính trị có quyền hành lớn mà sự diễn biến của lịch sử Trung Hoa có thể đã khác. Nhà Tần bị diệt rồi, lại phải đợi mười hai thế kỷ sau, một nhà cách mạng là Vương An Thạch mới có ý dạy luật cho kẻ sĩ để sau bổ dụng họ; nhưng ông chưa kịp cải tổ nền giáo dục khoa cử chuyên về thơ phú đã làm hại nhân tài, thì phe ông đã bị “cựu đảng” (đảng thủ cựu) lật đổ, mà lối học từ chương lại sống thêm tám thế kỷ nữa.
*
Thiên Định pháp , Hàn Phi báo pháp và thuật đều là công cụ của đế vương, không thể thiếu một trong hai cái đó, cũng như ăn và mặc đều cần thiết như nhau cho cuộc sống cả. Vua có thuật mà bề tôi không có pháp luật thì nước sẽ loạn; có pháp luật mà vua không dùng thuật để biết kẻ gian thì nước có giàu, mạnh cũng chỉ lợi cho bọn đại thần thôi. Vì vậy Hàn luôn luôn nhắc các bậc vua chúa phải theo pháp thuật, phải trọng kẻ sĩ giỏi pháp thuật.
Tuy nhiên trong thiên Hữu độ , ông lại bảo:
“Người thi hành pháp luật mà cương cường thì nước mạnh, người thi hành pháp luật mà nhu nhược thì nước yếu”.
“Nhà cầm quyền nào biết bỏ tư lợi tà tâm mà theo phép công thì dân sẽ yên, nước sẽ trị; biết bỏ hành động riêng tư mà làm theo phép công thì binh sẽ mạnh, địch sẽ yếu. Cho nên vua (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết giữ pháp độ mà đặt lên trên các quần thần thì không kẻ nào gian trá gạt vua được; (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết cân nhắc mà giao cho các việc ở xa thì không kẻ nào lừa gạt về việc quan trọng hay không quan trọng trong thiên hạ được”.
能去私曲、就公法者,民安而国治;能去私行、行公法者,则兵强而敌弱。故审得失有法度之制者,加以群官之上,则主不可欺以伪诈;审得失有权衡之称者,以听远事,则主不可欺以天下之轻重。
(Năng khử tư khúc, tựu công pháp giả, dân an nhi quốc trị; năng khử tư hành, hành công pháp giả, tắc binh cường nhi đích nhước. Cố thẩm đắc thất, hữu pháp độ chi chế giả, gia ư quần thần chỉ thượng, tắc chủ bất khả khi dĩ trả nguỵ; thẩm đắc thất, hữu quyền hành chi xứng giả, dĩ thĩnh viễn sự, tắc chủ bất khả khi dĩ thiên hạ chi khinh trọng. Hữu độ ).
Ông muốn nói cứ theo phép công - tức theo pháp luật – thì nước yên và mạnh, mà không bị bề tôi lường gạt. Vậy ông có vẻ nhận rằng pháp luật quan trọng hơn thuật.
Gần cuối thiên đó ông lại nói:
“Áp dụng pháp luật thì kẻ trí phải theo mà kẻ dũng không dám cãi (…) Khiến cho toàn dân noi theo một đường thì không gì bằng pháp luật (…) Pháp luật phân minh thì người trên được coi trọng, không bị lấn; người trên được tôn trọng không bị lấn thì vua mạnh, nắm được các mối quan trọng. Vì vậy tiên vương quí pháp luật mà truyền lại đời sau”.
法之所加,知者弗能辞,勇者弗敢争(...)一民之軌莫,如法(...)法審則上尊而不侵,上尊而不侵則主強,而守要,故先王貴之而傳之。
(Pháp chi sở gia, tri giả phất năng từ, dũng giả phất cảm tranh (…) Nhất dân chi quĩ, mạc như pháp (…) Pháp thẩm tắc thượng tôn nhi bất xâm, thượng tôn nhi bất xâm tắc chủ cường nhi thủ yếu. Cố tiên vương quí nhi truyền chi).
Vậy mặc dầu không thể thiếu thuật, pháp luật vẫn quan trọng nhất, cho nên áp dụng chính sách thưởng phạt để giữ cái thế, vua phải theo đúng pháp luật như chương trên chúng tôi đã nói, mà dùng thuật để tuyển và điều khiển bề tôi, vua cũng phải theo pháp luật, như chương sau độc giả sẽ thấy.
Vì pháp luật là cái qui cái củ “Người thợ dù khéo, mắt nhìn và ý đoán không sai với dây mực, nhưng cũng phải dùng cái qui cái củ để đo trước đã; ông vua vào hạng thượng trí tuy cử sự nhanh chóng và thích đáng cũng phải dùng pháp độ của tiên vương làm tiêu chuẩn”.
巧匠目意中绳,然必先以规矩为度;上智捷举中事,必以先王之法为比。
(Xảo tượng mục ý trúng thằng, nhiên tất tiên dĩ qui củ vi độ; thượng trí tiệp cử trúng sự, tất nhiên dĩ tiên vương chi pháp vi tỉ - Như trên). Nghĩa là đã không được theo ý riêng, mà cũng không được tin cậy ở sự sáng suốt của mình, mà nhất thiết hành vi nào cũng phải theo pháp luật.
Thiên Nạn tam, Hàn Phi dẫn truyện Tử Sản nhờ thông minh, giỏi nhận xét, suy luận mà phát giác được một vụ vợ giết chồng.
Sáng hôm đó Tử Sản đi qua cửa phường Đông Tượng, thấy có một người đàn bà khóc, bèn bảo người đánh xe dừng lại, ông lắng nghe một lát, rồi sai thuộc hạ bắt người đàn bà đó lại tra hỏi, thì ra mụ đó đã tự tay thắt cổ chồng. Người đánh xe hỏi ông làm sao mà đoán được, ông đáp: “Vì thấy tiếng khóc mụ đó run sợ. Thường tình hễ người thân của mình mới đau thì mình lo lắng, khi sắp chết thì mình run sợ, khi chết rồi thì mình đau xót. Mụ đó khóc chồng chết, không đau xót mà run sợ, vì vậy mà biết là có tình ý gian”.
Nếu chuyện đó có thật thì Tử Sản có thể là thuỷ tổ của các nhà trinh thám Trung Hoa, là thầy của Bao Công sau này. Nhưng Hàn Phi chê:
“Tử Sản trị dân cách đó cũng chẳng rắc rối ư? Phải đợi trông thấy, nghe thấy rồi mới biết là gian thì nước Trịnh bắt được ít kẻ gian lắm. Không dùng bọn lại coi ngục tụng, không dùng chính sách khảo sát nhiều mặt, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà cậy vào sự tận dụng trí thông minh, sự suy tư mệt trí của mình mới biết được kẻ gian, chẳng là thiếu thuật quá ư?”
Lời chê đó bất công. Tử Sản là một chính trị gia giỏi, cho đúc “hình thư”, vậy là trọng pháp luật; trước khi chết lại dặn người sẽ nối chức ông – Du Cát - phải dùng hình phạt nghiêm khắc để cho dân sợ mà tôn trọng pháp luật, khỏi phạm cấm. Vậy có lý nào ông không dùng bọn lại coi về ngục tụng, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà chỉ cậy vào sự suy tư mệt trí để biết được kẻ gian. Việc Tử Sản phát giác án mạng đó chỉ là do ngẫu nhiên, không thể căn cứ vào đó mà bảo ông chủ trương chỉ dùng mưu trí để trị quốc. Nhưng lời khuyên của Hàn Phi đúng.
Chương này chứa nhiều tư tưởng rất tiến bộ của Hàn – nói chung là của Pháp gia – chương sau Hàn Phi sẽ hé mở cho ta cái “trí khôn” của cổ nhân.



Chú thích:

[1] Nhiều học giả ngờ giọng văn thiên này không phải của Hàn nhưng nhận rằng tư tưởng hợp với Hàn, nên có thể tạm dùng được. Riêng mấy hàng đầu dưới đây thì rõ ràng là ý kiến của Hàn.
Hàn Phi Tử
Lời mở đầu
PHẦN I - Chương 1
Chương 2
PHẦN II - Chương 1
Chương 2
P3 - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Kết
PHẦN IV
PHẦN V
THIÊN XLIX
THIÊN XL
THIÊN XLIII
THIÊN VII
THIÊN VI
THIÊN XLVIII
THIÊN XVIII
THIÊN XLV
THIÊN XLVI
THIÊN XVII
THIÊN IX
THIÊN XIV
THIÊN XIX
THIÊN XLVII
THIÊN XV
THIÊN XXX
THIÊN XXXI
THIÊN XXXII
THIÊN XXXIII
THIÊN XXXIV
THIÊN XXXV
THIÊN XXXVI
THIÊN XXXVII
THIÊN XXXVIII
THIÊN XXXIX
THIÊN XXII
THIÊN XXIII
THIÊN XLI
THIÊN XII
THIÊN III
THIÊN XI
THIÊN XIII