watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hàn Phi Tử-THIÊN XXXVIII - tác giả Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

THIÊN XXXVIII

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

1-Phải trọng dụng kẻ cáo gian (tố cáo kẻ gian)

Lỗ Mục công hỏi Tử Tư (cháu nội của Khổng Tử):
- Ta nghe nói con của họ Bàng Giản[1] bất hiếu. Hạnh kiểm nó ra sao?
Tử Tư đáp:
- Người quân tử tôn hiền, trọng đức, nêu điều tốt ra để khuyên người, còn những hạnh kiểm lầm lẫn là để cho tiểu nhân nhớ, thần không biết tới.
Tử Tư lui ra, Tử Phục Lệ Bá (một đại phu nước Lỗ) vô, Mục công hỏi về con họ Bàng Giản. Tử Phục Lệ Bá đáp:
- Nó có ba cái lỗi mà nhà vua chưa được nghe.
Từ đó, Mục Công quý Tử Tư mà coi thường Lệ Bá.

*

Có người bảo:
Công Thất[2] nước Lỗ ba đời bị họ Quí lấn áp, cũng là đáng! Bậc minh quân tìm người tốt để thưởng, kẻ gian để phạt, hai việc đó đều chung một nghĩa. Cho nên kẻ báo cáo người tốt là để cùng với vua mà mừng, kẻ báo cáo đứa gian là để cùng với vua mà ghét, và cả hai người báo cáo đó đều đáng khen thưởng. Không báo cáo với vua là không đồng lòng với vua mà kẻ dưới sẽ đứng về phe gian, thái độ đó đáng chê phạt. Tử Tư không báo cáo lỗi (của con họ Bàng Giản) mà Mục Công quí, Lệ Bá báo cáo mà Mục Công coi rẻ. Nhân tình ai cũng thích được quí mà ghét bị coi rẻ, vì vậy họ Quí làm loạn mà không biết, và vua Lỗ mới bị lấn áp. Đó là cái thói của các ông vua mất nước, dân nước Trâu và nước Lỗ[3] cho thói đó là đẹp, và riêng Mục Công lại quí, chẳng là trái lẽ ư?

*

2- Không nên nghe lời tô điểm (giả dối, tự biện hộ) của bề tôi.
(Hàn Phi ghét hạng bề tôi khi vua mình bị địch giết, vội đầu hàng địch và hứa sẽ thờ vua địch như thờ vua cũ của mình).

3- Không để cho kẻ dưới lấn người trên, địa vị trên dưới phải phân minh:
Có người đố Tề Hoàn công: “Cái khó thứ nhất, cái khó thứ nhì, cái khó thứ ba là cái gì?” Hoàn Công không giải đáp được, hỏi Quản Trọng, Quản Trọng đáp: “Cái khó[4] thứ nhất là gần bọn kép hát mà xa kẻ sĩ, cái khó thứ nhì là rời quốc đô để thường ra biển chơi, cái khó thứ ba là vua đã già mà chậm lập thái tử”. Hoàn Công khen phải rồi không đợi lựa ngày mà làm lễ lập thái tử ở thái miếu.

*

Có người bảo:
Quản Trọng giải câu đố đó không đúng. Việc dùng kẻ sĩ không ở chỗ xa hay gần (xa họ vẫn có thể dùng được); còn bọn kép hát và hề lùn giải muộn cho vua lúc nhàn, cho nên vua gần bọn họ mà xa kẻ sĩ, nước vẫn trị được, không phải là điều khó. Có được (quyền) thế mà không biết dùng, chỉ cố giữ lấy quốc đô, không rời nó, tức là lấy sức một người (tức vua) mà cấm cả một nước (chiếm quốc đô); lấy sức một người mà cấm cả một nước, ít ai thành công được. Sáng suốt thì có thể soi thấu được việc gian ở xa, thấy được chỗ kín đáo nhỏ nhặt, hễ ra lệnh tất được thi hành, thì dù có đi chơi xa ở biển, trong nước cũng không có biến loạn, vậy có bỏ quốc đô, ra chơi ở biển mà không bị cướp ngôi, bị giết, không phải là điều khó (….) Không chia hai địa vị và quyền thế, để cho con thứ ở địa vị thấp (không lấn được thái tử), không cho ái thiếp mượn quyền thế của mình, thì dù già mà chậm lập thái tử cũng không sao; vậy thì lập thái tử trễ mà con thứ không làm loạn, cũng không phải là điều khó. Những cái này mới khó: để cho người ta lập được thế mạnh rồi mà giữ cho người ta không lấn hại mình, đó có thể gọi là cái khó thứ nhất; quí ái thiếp mà giữ sao cho khỏi có hai hoàng hậu (ái thiếp quyền ngang với hoàng hậu), đó là cái khó thứ nhì; yêu con thứ mà giữ sao cho con đích (con dòng lớn, tức thái tử) khỏi bị nguy; chuyên nghe một bề tôi mà giữ sao cho họ không đối địch với mình, đó có thể gọi là cái khó thứ ba.

*

4- Làm cho dân vui, chọn người hiền và tiết kiệm, ba việc đó không cần bằng biết rõ bề tôi.
Nhiếp[5] công (một đại phu nước Sở) tự là Tử Cao hỏi Trọng Ni về chính trị, Trọng Ni đáp: “Việc chính trị cốt làm cho kẻ ở gần vui mà kẻ ở xa tìm đến.”
Lỗ Ai Công hỏi về chính trị, Trọng Ni đáp: “Chính trị cốt ở chỗ lựa người hiền”.
Tề Cảnh công hỏi về chính trị, Trọng Ni đáp: “Việc chính trị cốt ở việc tiết kiệm tài sản”.
Ba ông đó ra, Tử Cống (một đệ tử của Trọng Ni) hỏi: “Ba ông đó cùng hỏi một câu về chính trị mà thầy đáp mỗi ông một khác là tại sao?” Trọng Ni đáp: “Nước Nhiếp kinh đô lớn mà đất đai nhỏ, dân có lòng phản bội, cho nên việc cai trị cốt làm cho kẻ ở gần vui mà kẻ ở xa tìm đến. Lỗ Ai Công có ba vị đại thần, họ ngoài thì ngăn cản kẻ sĩ các nước chư hầu bốn bên, trong thì kết bè đảng để gạt vua; khiến cho tôn miếu không được quét dọn, nền xã tắc (nơi thờ Thần Đất và Thần Nông) không được cúng tế, tất là tại ba đại thần đó cả, vì vậy mà thầy bảo việc chính trị cốt ở chỗ lựa người hiền. Tề Cảnh Công xây cửa Ung (cửa thành) và đài Lộ Tẩm, (nhân vui mà) trong một buổi sáng cho ba đại phu một thái ấp ba trăm cỗ xe[6] bởi vậy thầy bảo việc chính trị cốt ở chỗ tiết kiệm tài sản”.

*

Có người bảo:
Câu trả lời của Trọng Ni là lời nói làm cho mất nước. Dân nước Nhiếp đã có lòng phản bội mà còn khuyên Nhiếp Công làm cho người ở gần vui, người ở xa tìm đến, như vậy là dạy cho dân chờ mong ân huệ. Dùng chính sách gia ân đó thì kẻ không có công được thưởng, kẻ có tội được tha, mà pháp độ sẽ bại hoại. Pháp độ bại hoại thì chính trị loạn, dùng chính trị loạn để trị dân bại hoại, là việc chưa từng thấy thành công. Vả lại dân có lòng phản bội là vì sự sáng suốt của vua có chỗ không thấu đáo. Không chỉ cho Nhiếp Công thêm sáng suốt mà lại khuyên làm cho kẻ ở gần vui, kẻ ở xa tìm đến, đó là không dùng quyền thế của mình để cấm mà cùng với bề tôi tranh dân bằng ân huệ, như vậy làm sao giữ được quyền thế của mình (….)
Ai Công có bề tôi, ngoài thì ngăn cản (người nước khác đến), trong thì lập bè đảng mê hoặc vua; vậy mà Trọng Ni lại khuyên ông lựa người hiền không phải theo cách xét công nghiệp của người, chỉ chọn người lòng mình cho là hiền thôi. Nếu Ai Công biết rằng ba đại thần của mình (tức Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quí Tôn) ngoài thì ngăn cản kẻ sĩ các nước chư hầu, trong thì kết bè đảng, thì ba người đó không đứng được một ngày nữa; chính vì Ai Công không biết lựa người hiền, chỉ lựa người mà lòng ông cho là hiền, nên họ mới được giao cho việc nước. Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền mà chê Tôn Khanh[7] cho nên phải chết nhục. Phù Sai cho thái tử Phỉ là có trí, Tử Tư[8] là ngu cho nên bị nước Việt diệt. Vua Lỗ nhất định không biết ai là hiền, mà lại khuyên ông lựa người hiền, tức là khiến ông bị cái họa của Phù Sai và Tử Khoái nước Yên. Bậc minh quân không tự đề cử bề tôi mà để cho bề tôi tự tiến thân (bằng cách lập công), không tự cho ai là hiền mà xét ai tùy theo công nghiệp của người đó; bổ nhiệm họ để xét họ, giao cho công việc để thử tài rồi phán đoán tùy theo kết quả, cho nên quần thần ngay thẳng, không mưu lợi riêng, không giấu người hiền, không tiến cử kẻ bất tiếu, như vậy vua đâu có khó nhọc về việc chọn người hiền?
Cảnh Công ban 100 cỗ xe cho bề tôi mà Trọng Ni khuyên ông phải tiết kiệm tài sản, là không có thuật để phân biệt xa xỉ và tiết kiệm; vả lại riêng vua phải kiệm ước thì đâu đủ tránh được sự nghèo. Ví dụ có ông vua lấy lộc ngàn dặm để nuôi miệng mình thì dù Kiệt, Trụ cũng không xa xỉ bằng; hoặc nước Tề rộng ba ngàn dặm mà Hoàn Công lấy lộc một nửa nước để tự cung dưỡng thì là xa xỉ hơn Kiệt, Trụ. Nhưng Hoàn Công đứng đầu ngũ bá chính là nhờ khi nào nên xa xỉ, khi nào nên tiết kiệm (…) Bậc minh quân khiến cho bề tôi không lo việc riêng, cấm họ nhờ gian trá mà sống; bề tôi nào tận lực làm việc thì tất biết, biết thì tất thưởng; bề tôi nào tham ô làm việc riêng tư thì tất biết, biết thì tất phạt. Như vậy bề tôi trung sẽ hết lòng với việc công, dân và kẻ sĩ hết sức với việc nhà, bách quan sẽ thanh liêm, tự kiềm chế mình để phục vụ vua, và trong việc thưởng vua có xa xỉ gấp hai Cảnh công cũng không hại gì cho nước. Vậy lời khuyên tiết kiệm tài sản không phải là điều cần gấp cho Cảnh Công. Trọng Ni chỉ trả lời ba ông Nhiếp công, Ai công, Cảnh công một câu này thôi là họ không lo gì nữa cả: “Phải biết kẻ dưới”. Biết rõ người dưới thì cấm ngay từ khi ý gian mới hiện, cấm như vậy thì sự gian không tích lũy, thì không có lòng làm phản. Biết rõ người dưới thì thấy một cách tường tận, thấy tường tận thì sáng suốt trong việc thưởng phạt, sáng suốt trong việc thưởng phạt thì nước không nghèo. Cho nên tôi bảo rằng chỉ trả lời ba ông ấy một câu: “Phải biết kẻ dưới” là họ không còn lo gì nữa.

*

5- Tr ị dân thì đừng cậy ở trí khôn của mình mà cứ theo pháp luật- Phải lấy vật trị vật, lấy người trị người.
Tử Sản nước Trịnh sáng sớm ra đi, qua cửa phường Đông Tượng[9] nghe tiếng một người đàn bà khóc, bèn vỗ vào tay người đánh xe, (bảo ngừng lại), lắng tai nghe một lát rồi sai người thuộc hạ bắt người đàn bà đó, lại tra hỏi thì ra mụ ta đã tự tay thắt cổ chồng. Hôm khác, người đánh xe hỏi ông: “Ngài làm sao biết được?” Ông đáp: “Vì thấy tiếng khóc mụ đó run sợ. Thường tình hễ người thân của mình mới đau thì mình lo lắng, khi sắp chết thì mình run sợ, khi chết rồi thì mình đau xót. Mụ đó khóc chồng chết, không đau xót mà run sợ, vì vậy mà biết có tình ý gian”.

*

Có người bảo:
Tử Sản trị dân cách đó cũng chẳng rắc rối ư? Phải đợi trông thấy, nghe thấy rồi mới biết được là gian thì nước Trịnh bắt được ít kẻ gian lắm. Không dùng bọn lại coi về ngục tụng, không dùng chính sách khảo sát nhiều mặt, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà cậy vào sự tận dụng trí thông minh, sự suy tư mệt trí của mình mới biết được kẻ gian, chẳng là thiếu thuật quá ư? Vả lại sự việc thì nhiều mà trí lực thì ít, ít không thắng được nhiều, cho nên phải lấy vật mà trị vật; kẻ dưới thì nhiều mà người trên thì ít, ít không thắng được nhiều, cho nên phải dùng người mà trị người; như vậy không lao lực mà được việc, không dùng nhiều trí lực mà bắt được kẻ gian. Người Tống có câu: “Nếu Nghệ (người bắn giỏi) bảo con chim sẻ nào bay qua cũng bắn được thì là Nghệ nói khoác. Nếu lấy thiên hạ làm cái lưới thì không một con chim sẻ nào sẽ thoát được.” Muốn biết kẻ gian thì cũng phải có cái lưới lớn mới không để thoát một kẻ nào cả. Không sửa cái lưới[10] mà cứ lấy lòng (trí khôn) mình làm cung tên thì dù Tử Sản cũng là khoác lác. Lão tử bảo: “Lấy trí khôn trị nước, tức là giặc (cái họa) của nước”[11] lời đó áp dụng vào Tử Sản được.

*

6- Trị nước chỉ nên dựa vào cái thế của mình thôi. (Lược bỏ)

7-Thưởng phạt mà chỉ căn cứ vào bề ngoài thì bề tôi gian dối sẽ gạt mình được (Lược bỏ).

8- Pháp (luật) thì phải cho mọi người biết, thuật thì phải giấu mọi người.
Quản Tử (Quản Trọng) nói: “Lời nói ở nhà riêng thì phải đầy nhà riêng (nghĩa là ai cũng nghe thấy, không giấu ai cả), lời nói ở công đường thì phải đầy công đường, như vậy gọi là làm vua thiên hạ”.

*

Có người bảo:
Quản Trọng bảo “Lời nói ở nhà riêng phải đầy nhà riêng, lời nói ở công đường thì phải đầy công đường” không phải chỉ riêng trỏ những việc du hí, ăn uống, mà tất còn trỏ những việc lớn[12] nữa. Những việc lớn của bậc vua chúa nếu không phải là pháp luật thì là thuật. Pháp luật là cái chép trong sách vở, bày ở công sở và công bố cho toàn dân. Thuật là cái giấu trong lòng để so sánh mọi việc mà ngầm chế ngự quần thần. Cho nên pháp luật không gì bằng phải bày ra cho mọi người biết, mà thuật thì không muốn người khác thấy. Bậc minh chủ nói đến pháp luật thì hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết, chớ nào phải đầy nhà riêng mà thôi; còn như dùng thuật thì những kẻ yêu mến, thân cận cũng không được nghe, làm sao có thể đầy nhà riêng được? Vậy lời nói của Quản Tử không phải là lời nói đúng với pháp thuật.






[1] Bộ mễ bên chữ gian  Tự điển không có – Các nhà chú thích cho là chữ 撊(giản).
[2] Họ vua một nước chư hầu.
[3] Trâu và Lỗ là nơi phát nguyên của đạo Nho, nên dân hai nước đó được sự giáo hóa của Nho gia, có thói quen khen đức hạnh và giấu tội lỗi của người khác.
[4] Khó giữ cho nước khỏi loạn, ngôi vua khỏi mất.
[5] Chữ diệp là lá, đây đọc là Nhiếp, tên đất và tên họ.
[6] Thời đó thái ấp của đại phu là 100 cỗ xe, mỗi cỗ bằng sáu dặm vuông. Coi chú thích thiên XXXIII Ngoại trừ thuyết tả hạ .
[7] Tức Tuân Khanh, sư phụ của Hàn Phi. Hàn chỉ nhắc tới thầy ở mỗi đoạn này, mà không ai biết việc đó ra sao. Tử Khoái là vua nước Yên, xem chú thích thiên VII Nhị Bính.
[8] Phù Sai là vua nước Ngô không nghe lời Tử Tư, sau bị Câu Tiễn, vua Việt diệt.
[9] Có sách giảng là xóm thợ phía đông.
[10] Có sách chép là “bất tu kì lí ” và giảng là không học cái lẽ đó.
[11] Đạo đức kinh – Chương LXV 2. Dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc (dã).
[12] Nguyên văn: đại vật (vật lớn), có người giảng là lễ pháp.
Hàn Phi Tử
Lời mở đầu
PHẦN I - Chương 1
Chương 2
PHẦN II - Chương 1
Chương 2
P3 - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Kết
PHẦN IV
PHẦN V
THIÊN XLIX
THIÊN XL
THIÊN XLIII
THIÊN VII
THIÊN VI
THIÊN XLVIII
THIÊN XVIII
THIÊN XLV
THIÊN XLVI
THIÊN XVII
THIÊN IX
THIÊN XIV
THIÊN XIX
THIÊN XLVII
THIÊN XV
THIÊN XXX
THIÊN XXXI
THIÊN XXXII
THIÊN XXXIII
THIÊN XXXIV
THIÊN XXXV
THIÊN XXXVI
THIÊN XXXVII
THIÊN XXXVIII
THIÊN XXXIX
THIÊN XXII
THIÊN XXIII
THIÊN XLI
THIÊN XII
THIÊN III
THIÊN XI
THIÊN XIII