watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hàn Phi Tử-Chương 7 - tác giả Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Chương 7

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Chủ trương của Pháp gia là bậc vua chúa có nhiệm vụ làm sao cho dân theo đúng pháp luật, như vậy là nước trị. Công việc nhiều quá, vua không thể làm hết được, phải giao cho quan lại, hễ quan lại tốt thì dân không loạn, hễ dân nổi loạn thì luôn luôn là do quan lại xấu. Vì vậy bậc minh chủ trị quan lại chứ không trị dân.


聞有吏雖亂而有獨善之民,不聞有亂民而有獨治之吏。故明主治吏不治民。


(Văn hữu lại tuy loạn nhi hữu độc thiện chi dân, bất văn hữu dân loạn nhi hữu độc trị chi lại, cố minh chủ trị lại bất trị dân - Ngoại trừ thuyết hữu hạ - Kinh 4) Rốt cuộc thuật trị nước tức là trị quan lại.


Hàn Phi rất chú trọng đến thuật trị quan lại, để riêng cả chục thiên xét riêng về vấn đề đó: Bát thuyết , Bát gian , Bát kinh , Nam diện , Gian kiếp thí thần hai thiên, bốn thiên Ngoại trừ thuyết ; ngoài ra hầu hết các thiên khác cũng có vài câu nhắc tới.
Danh từ “thuật” ông dùng có hai nghĩa:

- Kỹ thuật : Tức phương án để tuyển, dùng, xét khả năng của quan lại, đúng với định nghĩa của Thân Bất Hại:


“Thuật là nhân tài năng mà giao cho chức quan, theo cái danh mà trách cứ cái thực, nắm quyền sinh sát trong tay mà xét khả năng của quần thần” (Định pháp ) Thuật đó là thuật hình danh hoặc danh thực (sẽ được xét ở sau) có thể để cho mọi người biết, vua không cần phải giấu.
- Tâm thuật , tức những mưu mô để chế ngự quần thần, bắt họ phải để lộ thâm ý của họ ra, như những thuật trong Ngoại trừ thuyết hữu thượng :
+ Làm bộ như ra lệnh và ra lệnh giả.
+ Giấu điều mình biết rồi mà hỏi để biết thêm những điều khác.
+ Nói ngược lại những điều mình muốn nói để dò xét gian tình của người.
+ Ngầm hại những bề tôi mình không cảm hoá đuợc, ….
Cuối thiên Nạn tam , Hàn Phi bảo: “Thuật thì không muốn cho người khác thấy… dùng thuật thì những kẻ yêu mến, thân cận cũng không được nghe”; chữ thuật ông dùng đó có nghĩa là tâm thuật.
Trong chương này chúng tôi không xét các tâm thuật vì chúng nhiều quá, thiên biến vạn hoá, không theo một qui tắc nào khác, ngoài qui tắc này: gạt người sao cho có kết quả; độc giả sẽ thấy chúng rải rác trong các cố sự Hàn đã ghi lại trong các thiên Nội trừ thuyết , Ngoại trừ thuyết , Nạn , Thuyết lâm … Dưới đây chúng tôi chỉ phân tích kĩ thuật trừ gian và dùng người của Hàn Phi

A - TRỪ GIAN
Hàn cho rằng cái lợi của vua tôi khác nhau, mà ai cũng chỉ lo cho tư lợi, nên bề tôi nào cũng mang ý phản vua (chữ bề tôi ở đây có nghĩa rộng trỏ cả anh em, vợ con của vua) và ông khuyên các vua chúa: “Bậc minh chủ không nên ỷ vào cái lẽ bề tôi không phản mình mà ỷ vào cái lẽ họ không thể phản mình được; không ỷ vào cái lẽ họ không gạt mình mà ỷ vào cái lẽ họ không thể gạt mình được”


明主者,不恃其不我叛也,恃吾不可叛也;不恃其不我欺也,恃吾不可欺也。


(Minh chủ giả bất thị kì bất ngã bạn dã, thị ngô bất khả bạn dã; bất thị kì bất ngã khi dã, thị ngô bất khả khi dã - Ngoại trừ thuyết tả hạ ).


Trong thiên Bát kinh , Hàn kể sáu hạng người có thể làm loạn: mẹ vua, hậu phi, con cháu vua, anh em vua, đại thần, người nổi danh là hiền, được lòng dân.


Trong thiên Bát gian , ông trở lại vấn đề đó, vạch ra tám hạng gian thần: bọn chung giường với vua (vợ vua, cung nhân, sủng thần đẹp trai), bọn tả hữu thân cận (hề, kép hát…), bọn cha anh của vua, bọn thoả lòng ham vui, ham sắc của vua, bọn làm hao tán của công để mua chuộc lòng dân, bọn ăn nói khéo léo làm mê hoặc vua, bọn tụ tập các hiệp sĩ, kiếm khách để tỏ cái uy của họ, và bọn thờ nước ngoài.


Sự liệt kê đó lộn xộn: sắp lại thì có thể chia làm hai hạng: kẻ thân thích của vua và quần thần. Cả hai đều đánh vào tình cảm, thị dục và nhược điểm của vua để lung lạc, che giấu vua. Họ lập bè đảng ở trong nước, ngầm giao kết với nước ngoài, nuôi uy thế để khi đủ mạnh rồi thì lật đổ vua. Để tự do hoành hành, họ ngăn cản, hãm hại các trung thần. Hàn Phi coi họ là bầy chó dữ của nước.


Thiên Ngoại trừ thuyết hữu thượng , ông kể truyện nước Tống có người bán rượu ngay thẳng, ân cần với khách, rượu lại ngon mà bán vẫn ế chỉ vì tiệm nuôi một con chó dữ, hễ thấy người tới mua là xông ra cắn.


Các trung thần muốn giết bọn gian thần nhưng vua lại che chở chúng, thành thử chúng yên ổn ỷ quyền thế mà bóc lột dân làm giàu, lập bè đảng để che giấu tội ác của nhau, bịt mắt vua; cũng như loại chuột khoét đất, đào hang ở trong nền xã (nơi thờ thần đất đai) mà không ai làm gì được vì nếu hun khói thì sợ cây cột (thần vị) cháy, mà dội nước thì sợ trôi mất lớp đất màu tô ngoài cây cột.


Để ngăn cấm bọn đó, vua chúa phải:
- Đừng để lộ sự yêu thích, giận ghét của mình. “Bậc minh chủ phải giữ bí mật, nếu để lộ niềm vui ra, thì bề tôi nhân dịp vua vui mà xin gia ân cho người khác, nếu để lộ nỗi giận ra thì bề tôi nhân đó mà thị uy với người khác” (Bát kinh ).


+ Không cho họ biết mưu tính của mình, nếu là việc quan trọng thì vua phải ngủ riêng để hễ có nằm mơ, nói mớ thì cũng không ai biết được.
+ Không phải (cho?) họ mưu tính việc riêng, không để họ tự ý hành động, việc gì cũng phải hỏi mình trước.
+ Bắt họ phải theo đúng pháp luật mà chính vua cũng phải theo pháp luật trong việc thưởng phạt họ.
+ Xét xem hành động của họ có hợp với lời nói của họ không (coi tiết sau: thuật dùng người).
+ Không cho họ cùng phi tần, cung nữ xin riêng cái gì cả.
+ Không cho họ lấy tiền bạc trong kho, lúa trong lẫm để thi ân riêng cho dân.
+ Khi họ khen ai, chê ai, thì phải xét xem người được họ khen thực có tài năng không, người bị họ chê thực có tội lỗi không. Các yêu sách của chư hầu, hợp pháp thì nghe, không thì cự tuyệt (Bát gian ).

*
Có một cách để tìm kẻ gian là khi một việc xảy ra, hại cho nước hoặc cho một người nào đó thì xét xem ai là kẻ có lợi.


Ví dụ: Trần Nhu là bề tôi của vua Ngụy; nước Kinh đánh Ngụy, ông ta vì vua Ngụy đứng ra hoà giải, rồi nhờ thế lực của Kinh mà ông ta được làm tướng quốc Ngụy. Việc đó có lợi cho Trần Nhu, cho nên ta biết được ông ta đã ngầm xúi Kinh đánh Ngụy.


Một ví dụ nữa: “Chiêu Hi Hầu tắm, thấy trong nước có sạn, hỏi:
- Nếu người coi việc tắm gội mất chức thì có ai thay chân không? Kẻ tả hữu đáp có. Hi Hầu bảo: “Gọi nó vô” rồi mắng người đó:
- Tại sao ngươi bỏ sạn vô nước nóng?
Hắn đáp:
- Anh coi việc tắm gội mà mất chức thì thần được thay chân, vì vậy thần bỏ sạn vô nước tắm. (Nội trừ thuyết hạ )
*
Muốn kiềm chế hạng người có địa vị cao, trách nhiệm lớn ta có ba cách:
- Nếu là người hiền, có thể bắt vợ con, thân thích của họ làm con tin;
- Nếu là kẻ tham lam thì cho họ tước lộc hậu hĩ như đã hứa với họ để “an định” họ, tức là mua chuộc họ để họ khỏi làm phản;
- Nếu là kẻ gian tà thì phải làm cho họ khốn khổ bằng cách trừng phạt (Bát kinh )
*

Dùng những cách đó mà vẫn không cải hoá được thì phải trừ họ đi. Muốn trừ họ mà không thương tổn danh tiếng của vua thì nên đầu độc họ, hoặc dùng kẻ thù của họ để giết họ, như vậy là trừ gian một cách kín đáo (Bát kinh ).
Điều cần nhất là phải diệt cho sớm, đừng để họ làm bậy lâu, mỗi ngày một chất chứa, sức họ mạnh lên, có thể giết mình được. Hàn Phi khuyên vua chúa nhớ lời của Tử Hạ (một môn đệ của Khổng tử): “Sách Xuân Thu chép cả chục vụ bề tôi giết vua, con giết cha; tất cả những vụ đó đều không phải chỉ trong một ngày mà xảy ra, mà do chất chứa lần lần rồi sau mới phát” (Ngoại trừ thuyết hữu thượng )

*

Mà cách tốt nhất để theo lời Tử Hạ là đừng dùng những kẻ không nên dùng để khỏi phải đề phòng họ. Hàn Phi trong thiên Hữu độ cho ta biết năm hạng người không nên dùng:
1. Hạng người khinh tước lộc, dễ dàng bỏ chức vụ mà đi chọn vua khác.
2. Hạng người lánh đời, ở ẩn, chê bai vua.
3. Hạng người đặt lời giả dối trái pháp luật.
4. Hạng người thi ân để thu phục kẻ dưới.
5. Hạng người vì tư lợi mà giao thiệp với chư hầu. Rồi trong thiên Bát thuyết , ông lại kể thêm năm hạng người nữa[1] .
6. Hạng người vì người quen cũ mà làm việc riêng tư, họ là bạn tốt nhưng là quan lại gian.
7. Hạng người bỏ chức quan mà thích giao du.
8. Hạng người tranh thắng với bề trên.
9. Hạng người uốn cong pháp luật vì người thân (giống hạng 6)
10. Hạng người đem của công ra bố thí. (giống hạng 4).
Tuy nhiên ông cũng nhận rằng một số gian thần chính là kẻ tài giỏi, nếu vua có đủ thuật để khống chế họ thì họ sẽ trung thành với mình mà giúp mình đắc lực như trường hợp Triệu Giản Chủ dùng Dương Hổ, một phản thần của Lỗ mưu cướp quyền chúa, thất bại phải trốn qua Triệu. Kẻ tả hữu can Giản chủ: “Hổ giỏi cướp chính quyền, sao nhà vua lại dùng làm tướng quốc?” Giản chủ đáp: “Hổ lo cướp chính quyền, ta lo giữ” và ông dùng thuật, khống chế nơi Dương Hổ, Dương Hổ tận tâm phụng sự, làm cho Triệu mạnh lên. Rốt cuộc quan trọng hơn cả vẫn là phải có thuật.
Phòng gian, diệt gian là khía cạnh tiêu cực của thuật, tuyển người, dùng người để tăng công hiệu hành chánh mới là khía cạnh tích cực.


B – DÙNG NGƯỜI.
Qui tắc căn bản của thuật dùng người theo pháp gia là thuyết hình danh. Người đầu tiên lập thuyết về danh là Khổng tử. Thuyết chính danh của ông là một thuyết để trị nước: chính danh là để “minh phận”, phân sự sang hèn, cũng để nhắc nhở nhà cầm quyền nhớ đến bổn phận của họ: đã mang danh là vua, là cha mẹ của dân thì phải giữ tư cách ông vua, làm tròn sứ mệnh ông vua, cũng như cái “cô” - một bình rượu – thì phải có khía, có cạnh, không có khía, có cạnh thì không được gọi là cái “cô” (Luận ngữ -Ung dã – 23 – Cô cất cô, cô tai, cô tai!)
Vì vậy mà chương Tử Lộ , bài 3, khi Tử Lộ hỏi ông nếu được vua Vệ mời tham chính thì ông sẽ làm gì trước hết, ông đáp phải chính danh trước hết, vì nếu danh không chính thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc không thành; việc không thành thì lễ nhạc không hưng, lễ nhạc không hưng thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết chỗ nào mà đặt tay chân (tức không biết hành động ra sao)
名不正則言不順,言不順則事不成,事不. 成則禮樂不興,禮樂不興則刑罰不中,刑罰不中則民無所措手足。
(Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận, tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng; hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc).
Mạnh tử cũng theo thuyết đó nhưng gay gắt hơn, bảo vua mà tàn bạo như Trụ thì không phải là vua, chỉ là một thất phu, vậy giết Trụ không phải là thí vua mà chỉ là giết một tên thất phu (tàn tặc chi nhân vị chi thất phu; văn tru nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân dã –Lương Huệ Vương , hạ - bài 8).
Rồi sau Công Tôn Long áp dụng nguyên tắc chính danh vào tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng trong lĩnh vực chính trị. Chính danh của ông là để phân biệt đồng và dị (giống và khác nhau).
Mặc gia cũng chính danh để phân biệt đồng, dị và bước thêm vào khu vực tri thức luận, vào ngôn ngữ học, chia danh thành ra ba loại: đạt danh (danh phổ biến, như: vật), loại danh (danh chỉ loài, như: ngựa, mèo) và tư danh (danh riêng, như nhân danh, địa danh)[2] .
Tuân tử tập đại thành Khổng tử, Công Tôn Long và Mặc gia. Mục đích chính danh của ông là vừa để “minh phận" vừa để phân biệt đồng và dị. Ông nêu lên phép chế danh gồm bốn qui tắc mà qui tắc chính là “thực cùng thì danh phải cùng”, “thực khác thì danh phải khác”, nghĩa là danh và thực phải hợp nhau.[3]
Hàn Phi là môn đệ của Tuân Tử chắc đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của Tuân hơn là của phái Danh gia, nhưng ông có óc thực tế, không bàn về tri thức luận, chỉ áp dụng thuyết của Tuân vào chính trị: mà trong phạm vi chính trị, ông cũng chỉ thu hẹp vào việc dùng người, gạt bỏ luân lí, đạo đức ra, vì vậy ông không hề nói đến việc chính danh, chỉ nói đến hình danh (刑名), hoặc danh thực (名實). Sự vật hễ có hình, có thực thì có danh. Danh và hình (hay thực) phải hợp nhau, như vậy là “tuần danh trách thực” (循名責實) theo cái danh mà đòi, cầu cái thực; “hình danh tham đồng” (刑名參同) hình và danh hợp với nhau; “thẩm hợp hình danh” (審合刑名) xét xem hình với danh có hợp nhau không.
Ví dụ một ông bạn hứa sẽ tới thăm ta, lời hứa đó là “danh”, mà việc ông ấy tới thăm là “hình” hay “thực”; nếu ông ấy giữ lời hứa, tới thăm thật thì “danh” và “hình” hợp nhau; “danh” và “thực” hợp nhau; nếu không thì chỉ có danh mà không có hình, không có thực.
Lấy pháp luật làm danh thì việc là hình: sự việc mà hợp với pháp thì danh và thực hợp nhau. Lấy quan vị làm danh thì chức vụ là hình: nếu hai cái không hợp nhau (chẳng hạn một người địa vị là trưởng ti mà không điều khiển nổi nhân viên trong ti, còn việc gì cũng giao cho một người phụ tá) thì là hình danh không hợp.
Hàn cho qui tắc hình danh hợp nhau là quan trọng bậc nhất trong việc trị quan lại (tức trị nước), nếu không theo nó thì không sao phân biệt được kẻ giỏi người dở, kẻ ngay người gian, không sao thưởng phạt cho đúng được, vua sẽ mất quyền, nước sẽ loạn.
Thiên Dương giác chép:
“Cái đạo (tức thuật) nắm được cái cốt yếu[4] là lấy danh làm đầu, danh chính thì vật định, danh lệch thì vật đổi… vua nắm lấy danh, bề tôi làm ra hình. Hình và danh so sánh mà giống nhau thì trên dưới hoà điệu”
用一之道, 以名爲首, 名正物定, 名倚物徒(...)君操其名,臣效其形,形名參同,上下和調
(Dụng nhất chi đạo, dĩ danh vi thủ, danh chính vật định, danh ỷ vật tỉ… quân tháo kì danh, thần hiệu kì hình, hình danh tham đồng, thượng hạ hoà điệu).
Thiên đó, hiển nhiên không phải của Hàn Phi, vì dùng thể văn cân đối bốn chữ, đôi khi có vần; lại dùng từ ngữ “chính danh” mà chúng tôi không thấy trong các thiên khác. Nhưng ý nghĩa giống câu này trong thiên Nhị bính :
“Bậc vua chúa muốn ngăn cấm gian tà tất phải xét xem hình và danh có hợp nhau không, danh là lời nói mà hình là sự việc”.
人主將欲禁姦,則審合刑名;刑名者,言與事也。
(Nhân chủ tương dục cấm gian, tắc thẩm hợp hình danh; hình danh giả, ngôn dữ sự dã).
Thiên Nạn nhị , Hàn cũng viết:
“Bậc nhân chủ tuy sai khiến bề tôi, nhưng tất phải có độ lượng (tức pháp độ, pháp luật) làm tiêu chuẩn; việc mà hợp với pháp thì làm, không hợp thì ngưng; công (tức kết quả) xứng với lời nói thì thưởng, không xứng thì phạt, dùng quy tắc hình danh mà thu phục bề tôi, lấy độ lượng làm tiêu chuẩn cho kẻ dưới”.
人主雖使臣必以度量準之,以刑名參之,事遇於法則行,不遇於法則止;功當其言則賞,不當則罰;以刑名收臣,以度量準下
(Nhân chủ tuy sử thần, tất dĩ độ lượng chuẩn chi, dĩ hình danh tham chi; sự ngộ ư pháp tắc hành, bất ngộ ư pháp tắc chỉ, công đáng kì ngôn tắc thưởng, bất đáng tắc phạt; dĩ hình danh thu thần, dĩ độ lượng chuẩn hạ).
“Dùng qui tắc hình danh hợp nhau mà thu phục bề tôi” (dĩ hình danh thu thần) thì không được nghe lời giới thiệu của người khác mà phải đích thân xét xem người mình muốn dùng có xứng đáng không, vì người giới thiệu có thể vì tình riêng, vì tư lợi, vì tinh thần bè đảng mà đề cử hạng bất tài, vô đức. Mà trong đời, kẻ có tài chưa nhất định đã đáng tin, kẻ có đức lại chưa nhất định là có tài[5] , cho nên việc bổ nhiệm người, nếu không có thuật thì sẽ thất bại.
Muốn cho khỏi bị gạt, khỏi thất bại thì phải rất thận trọng, tham bác ý kiến của nhiều người, đích thân xét tài đức rồi mới giao việc.
Về điểm đó, Hàn cũng nghĩ như Mạnh tử. Mạnh tử khuyên các vua chúa:
“Như muốn dùng một người nào mà hỏi kẻ tả hữu, ai cũng bảo người đó là hiền, như vậy cũng chưa được; hỏi các đại phu, các đại phu cũng bảo người đó hiền, như vậy cũng chưa được, khi hết thảy quốc dân đều bảo người đó là hiền, lúc đó mới xét người ấy, xét xong mà thấy người đó quả là hiền thì mới dùng (Lương Huệ vương - hạ - 7).
Nhưng Mạnh tử nói vậy mà không chỉ cách xét người ra sao, Hàn Phi cho ta phương pháp “thính ngôn”, “tham nghiệm” và “thí chi quan chức”.
Thính ngôn : phương pháp nghe.
1- Khi nghe bề tôi nói thì vua phải trầm mặc, lầm lì, không khen không chê, không để lộ ý nghĩ cùng tình cảm của mình:
“Đạo nghe người nói là làm cho người say mèm. Môi chừ, răng chừ ta đừng hé trước. Răng chừ, môi chừ ta càng giữ yên, để kẻ đó tự hé môi, ta sẽ nhận đó mà biết ý và lòng họ”
廳言之道,溶若甚醉。脣乎齒乎,吾不为始乎;齒乎脣乎,愈惛惛乎。彼自离之,吾因以知之

(Thính ngôn chi đạo, dong nhược thậm tuý. Thần hồ, xỉ hồ, ngô bất vi thuỷ hồ! Xỉ hồ, thần hồ, dũ hôn hôn hồ! Bỉ tự li chi, ngô nhân dĩ tri chi – Dương giác )
Thiên Dương giác như chúng tôi đã nói không phải là của Hàn Phi nhưng ý trong đoạn trên đúng là ý của Hàn: bậc vua chúa phải bí hiểm, để bề tôi khỏi dò được lòng mình (coi cuối chương III phần này).
2- Phải bắt bề tôi nói, không được làm thinh, mà nói thì phải có đầu đuôi, có chứng cứ:
“Đạo làm chúa là khiến cho bề tôi biết rằng họ chịu trách nhiệm về điều họ đã nói, lại có trách nhiệm về chỗ họ không nói. Lời nói không có đầu đuôi, biện luận mà không có chứng cứ, đó là chịu trách nhiệm về điều đã nói: không nói để trốn tránh trách nhiệm, để giữ địa vị quan trọng của mình, đó là chịu trách nhiệm về chỗ không nói. Bậc vua chúa bắt bề tôi hễ nói thì phải có đầu đuôi, đúng với sự thực; nếu họ không nói thì phải hỏi họ lấy chỗ nào, bỏ chỗ nào trong đề nghị để rồi khi thực hành xét xem ý kiến họ có đúng hay không; như vậy bề tôi không dám nói bậy, cũng không dám làm thinh… “.
主道者,使人臣知有言之责,又有不言之责。言無端末辩無所验者,此言之责也;以不言避责持重位者,此不言 之责也。人主使人臣言者必知其端末以责其实,不言者必问其取舍以为之责。则人 臣莫敢妄言矣,又不敢默然矣
(Chủ đạo giả, sử nhân thần tri hữu ngôn chi trách, hựu hữu bất ngôn chi trách. Ngôn vô đoan mạt, biện vô sở nghiệm giả, thử ngôn chi trách dã. Dĩ bất ngôn tị trách, trì trọng vị giả, thử bất ngôn chi trách dã. Nhân chủ sử nhân thần ngôn giả, tất tri kì đoan mạt, dĩ trách kì thực; bất ngôn giả tất vấn kì thủ xã dĩ vi chi trách, tắc nhân thần mạc cảm vọng ngôn hĩ, hựu bất cảm mặc nhiên hĩ. - Nam diện ).
3- Lời nói của bề tôi không được trước sau mâu thuẫn với nhau: “Đạo làm chúa là khiến cho lời nói trước của bề tôi không trái với lời nói sau, lời nói sau không trái với lời nói trước, (nếu trái thì) dù việc thành cũng phải chịu tội”.
主道者,使人臣前言不复于后,复言不复于前, 事虽有功,必伏其罪

(Chủ đạo giả, sử nhân thần tiền ngôn bất phục ư hậu, hậu ngôn bất phục ư tiền, sự tuy hữu công, tất phục kì tội – Như trên).
4- Bề tôi phải đưa ra ý kiến rõ rệt, không được mập mờ, ba phải để trốn tránh trách nhiệm.
“Bề tôi đưa ra nhiều ý kiến là để tỏ rằng mình có nhiều trí và khiến cho vua phải tự lựa lấy một ý kiến mà mình tránh được tội. Cho nên chỉ hạng vua dở mới để bề tôi đưa ra nhiều ý
kiến. Đừng để bề tôi đưa ra một ý kiến thứ nhì mà ý kiến đó với ý kiến thứ nhất xem ra giá trị như nhau… “.
眾諫以效智,使君自取一以避罪。故眾之諫也,敗君之取也。無副言於上以設將然
(Chúng gián dĩ hiệu trí, sử quân tự thủ nhất dĩ tị tội. Cố chúng chi gián dã, bại quân chi thủ dã. Vô phó ngôn ư thượng, dĩ thiết tương nhiên… Bát kinh ).
5- Quan trọng nhất là lời nói phải có thiết thực, có công dụng, không phải là hư ngôn. Ý này, Hàn diễn đi diễn lại trong nhiều thiên: “Minh chủ nghe lời nói thì đòi phải có công dụng”.
明主聽其言必責其用
(Minh chủ thính kì ngôn tất trách kì dụng - Lục phản ).
“Minh chủ dùng sức (của bề tôi) mà không nghe lời nói của họ”.
明主用其力,不聽其言
(Minh chủ dụng kì lực, bất thính kì ngôn –Ngũ đố ) Nghĩa là lời nói hay mà không được việc thì cũng vô ích.
“Lời nói và hành vi, lấy công dụng làm cái đích để nhắm”
言行者,以功用爲的彀者也
(Ngôn hành giả, dĩ công dụng vi đích cấu giả dã).
“Bậc vua chúa khi nghe người nói mà không lấy công dụng làm mục đích thì kẻ biện thuyết sẽ nói nhiều về những thuyết mũi gai đâm và ngựa trắng”
人主之聽言也,不以功用為的,則說者多棘刺白馬之說
(Nhân chủ chi thính ngôn dã, bất dĩ công dụng vi đích, tắc thuyết giả dã cức thích, bạch mã chi thuyết (Ngoại trừ thuyết tả thượng – Kinh 2).
Thuyết “bạch mã phi mã” (ngựa trắng không phải là ngựa) của Công Tôn Long, chúng ta đã biết rồi; còn thuyết mũi gai đâm thì Hàn Phi đã chép lại trong phần truyện cùng thiên kể trên:
Một người nước Tống nói với vua Yên rằng có thể chạm hình con khỉ vào đầu một mũi gai, nhưng vua phải trai giới ba tháng rồi mới trông thấy hình cực nhỏ đó. Vua Yên tin, ban lộc cho anh ta để anh ta khởi công.
Một người hầu cận vua chỉ cho vua thấy sự vô lí của lời người nước Tống đó: mũi nhọn để chạm phải nhỏ hơn vật được chạm (tức mũi gai). Mà không có người thợ nào đúc được mũi nhọn như vậy. Vả lại vua không thể trai giới mười ngày mà không có một bữa tiệc, vậy thì làm sao trai giới luôn ba tháng được. Vậy lời của người đó chỉ là lời nói láo. Lúc đó vua Yên mới tỉnh ngộ, chất vấn, người đó phải thú tội.
Tham nghiệm
Tham nghiệm là khảo sát nhiều mặt để biết lòng bề tôi và để xem lời nói của họ có giá trị hay không.
Thiên Bát kinh tiết Lập đạo , Hàn Phi bảo muốn biết lời nói của người thành thực hay không thì phải:
“Khảo sát việc đã qua để biết rõ lời nói (trước kia) có đúng không; đặt bề tôi ở gần mình để xét nội tình của họ, đưa họ ra xa để xét tình hình ở ngoài của họ; dùng những điều mình biết rồi để tra hỏi về những điều chưa biết; (…) có thái độ khiêm nhường để thấy kẻ nào cương trực, kẻ nào a dua; tiết lộ những ý khác nhau để dễ biết ý kiến của kẻ dưới”.
Lại phải tham khảo ý kiến nhiều người để biết thực tình; nếu chỉ nghe, tin một người thì sẽ bị bề tôi che lấp.
觀聽不參則誠不聞,聽有門戶則臣壅塞。
(Quan thính bất tham, tắc thành bất văn; thính hữu môn hộ tắc thần úng tắc - Nội trừ thuyết thượng ).
Phải bắt kẻ bề tôi trình bày ý kiến, nghe hết thảy ý kiến từng người một, mới phân biệt được ai trí ai ngu. (Nhất thính tắc ngu trí phân – Như trên ).
Tuy nhiên ý kiến mọi người như nhau thì phải đề phòng. Hàn Phi kể trường hợp Lỗ Ai Công việc gì cũng bàn tính với quần thần mà nước càng loạn thêm. Ai Công không hiểu tại sao, hỏi Khổng tử, Khổng Tử đáp:
“Bậc minh chủ hỏi quần thần thì có người biết, lại có một người không biết, như vậy là minh chủ ở trên, quần thần bàn luận ở dưới. Nay quần thần đều răm rắp nói theo Quí Tôn (một trong ba đại phu chuyên quyền ở Lỗ), thành thử cả nước hoá là một, dù nhà vua có hỏi khắp người trong nước, nước cũng không khỏi loạn được” (Như trên ).
Huệ tử trả lời vua Ngụy cũng như vậy, nhân việc hết thảy quần thần trừ Huệ tử đều theo Trương Nghi khuyên vua đánh Tề và Kinh.
“(Việc đó) cần phải xét kĩ. Nếu việc đánh Tề, Kinh quả thực có lợi (cho Ngụy) mà cả nước đều cho là có lợi thì sao người trí đông được đến thế! Nếu việc đó quả thực là bất lợi mà cả nước đều cho là có lợi thì sao người ngu lại đông đến thế! Sở dĩ còn phải bàn tính vì còn nghi ngờ: nếu quả thực có sự nghi ngờ thì tất phân nửa cho là nên, phân nửa cho là không nên. Nay cả nước cho là nên, tức thị nhà vua mất phân nửa người (đưa ý kiến) rồi đó. Chúa bị tấn hiếp nên mới mất phân nửa người như vậy”.
不可不察也。夫攻齊、荊之事也誠利,一國盡以為利,是何智者之眾也?攻齊、荊之事誠不利,一國盡以為利,何愚者之眾也?凡謀者,疑也。疑也者,誠疑,以為可者半,以為不可者半。今一國盡以為可,是王亡半也。劫主者固亡其半者也。
(… Bất khả bất sát dã. Phù công Tề, Kinh chi sự dã, thành lợi, nhất quốc tận dĩ vi lợi, thị hà trí giả chi chúng dã! Công Tề, Kinh chi sự thành bất lợi, nhất quốc tận dĩ vi lợi, hà ngu giả chi chúng dã! Phàm mưu giả, nghi dã; nghi dã giả, thành nghi, dĩ vi khả giả bán, dĩ vi bất khả giả bán. Kim nhất quốc tận dĩ vi khả, thị vương vong bán dã. Kiếp chủ giả, cố vong kì bán dã… - Như trên ).
Vậy việc còn đáng ngờ, còn phải bàn mà thấy mọi người đều đưa ra một ý kiến như nhau, tất có sự âm mưu để gạt vua.
Giao chức
Giai đoạn cuối cùng là cho họ bắt tay vào việc rồi mới biết chắc được hay dở.
Nghe lời nói, biết đề nghị, kế hoạch của một người rồi, lại tham nghiệm để dò xét lòng kẻ đó có đáng tin không, tài năng kẻ đó có đủ không, rồi mới giao chức cho để thử, như vậy mới khỏi lầm được:
“Chỉ vạch mõm, coi răng và nhìn hình dáng thì Bá Lạc (hay Nhạc) (người giỏi xem tướng ngựa) cũng không quyết định được giá trị con ngựa nhưng nếu cho ngựa kéo xe, xem nó chạy hết con đường thì bọn nô bộc cũng biết được ngựa tốt hay không. Nhìn dung mạo, y phục, nghe lời nói một kẻ sĩ thì Trọng Ni cũng không quyết định được kẻ đó trí tuệ ra sao, nhưng nếu thử bổ nhiệm rồi xét thành tích thì người thường cũng biết rõ được kẻ đó ngu hay không (Hiển học ).
Khi giao chức, phải nhớ ba qui tắc dưới đây:
1- Mới đầu hãy giao cho một việc nhỏ đã . Hàn Phi bảo: “Quan lại của vua chúa, thì tể tướng phải bắt đầu từ một chức ở châu quận, mà tướng soái phải bắt đầu từ chân lính trơn… Cấp bậc cứ tuần tự mà lên thì chức càng lớn càng có tài cai trị.
明主之吏,宰相必起于州部,猛将必发于卒伍(...)遷官襲級,則官職大而愈治。
(Minh chủ chi lại, tể tướng tất khởi ư châu bộ, mãnh tướng tất phát ư tốt, ngũ… Thiên quan tập cấp, tắc quan chức đại nhi dũ trị - Hiển học ).
Thiên Vấn Điền chép một cố sự để giải thích qui tắc đó.
Từ Cừ hỏi Điền Cưu sao lại bắt một danh tướng là Nghĩa Cừ mới đầu phải làm chức trưởng đồn, ông Công Tôn Đàn Hồi, một bậc hiền minh, phải xuất thân từ một chức ở châu quận. Điền Cưu đáp: vì cần phải thử tài họ, nếu không thì có thể lầm vì những lời biện thuyết của họ mà nước sẽ suy vong như trường hợp nước Sở dùng Tống Cô làm tướng soái, nước Ngụy dùng Phùng Li làm tướng quốc.
Cách dùng người như vậy hiện nay được đa số các xí nghiệp lớn áp dụng: một kĩ sư tập sự dù có bằng cấp cao cũng phải qua một cuộc trắc nghiệm để dò xét tình hình, khả năng đã, rồi mới được giao một công việc thấp trong xí nghiệp, rồi từ địa vị đó càng ngày càng tiến lên những chức vụ quan trọng hơn. Như vậy các kĩ sư sẽ hiểu biết rõ mỗi ngành hoạt động, sau mới có đủ tư cách và kinh nghiệm để điều khiển.
2- Không cho kiêm nhiệm : Phải phân công rõ ràng, mỗi người lãnh một chức vụ, hoàn toàn chịu trách nhiệm về chức vụ đó thôi. Không phải là chức vụ của mình thì không được làm dù biết việc đó có ích cho nước. Hàn Phi rất ngại sự vượt chức; bề tôi mà vượt chức thì không sao kiểm soát được, mối loạn do đó mà ra. Vượt chức là trái với nguyên tắc “hình danh” (hình vượt danh).
Thiên Nhị bính, Hàn chép truyện Hàn Chiêu hầu nằm ngủ, viên quan coi về mão sợ ông lạnh, lấy áo đắp cho ông; khi thức dậy ông phạt viên quan coi về áo vì không làm nhiệm vụ, lại phạt cả viên quan coi về mão vì vượt chức vụ. “Không phải là ông không sợ lạnh, nhưng ông cho rằng bề tôi vượt chức vụ thì hại còn hơn là mình bị lạnh… Hễ vượt chức vụ thì chết”.
(越官則死 Việt quan tắc tử)
3- Đã giao trách nhiệm cho một người nào rồi thì đừng dùng một kẻ khác để dòm ngó kẻ đó.

Đầu thiên Nam diện , Hàn viết:
“Cái lỗi của bậc vua chúa là đã giao trách nhiệm cho một bề tôi rồi lại dùng một bề tôi không được giao trách nhiệm đó để phòng họ. Sở dĩ vậy là vì chúa nghĩ rằng người không được giao trách nhiệm coi người được giao trách nhiệm là kẻ thù; nhưng hậu quả ngược lại, chính chúa bị người không được giao trách nhiệm đó chi phối… Chúa bỏ pháp luật mà dùng bề tôi để đề phòng bề tôi, thì những kẻ thân yêu nhau kết bè đảng mà khen lẫn nhau, những kẻ ghét nhau cũng kết bè đảng để chê lẫn nhau, hai bên khen chê lẫn nhau đó tranh nhau thì vua sẽ bị mê loạn”.
Vậy cứ tin họ, để họ làm việc, rồi tùy họ làm việc được hay không mà thưởng phạt họ đúng pháp luật chứ không phải cho người dòm ngó họ. Vả lại, đã có lệ trên dưới tố cáo lẫn nhau thì cần gì phải dùng thêm sự dòm ngó nữa.
Trong việc dùng người, quy tắc là như vậy, nhưng đó chỉ là để cho các hạng vua chúa tầm thường theo; còn hạng minh chủ có pháp thuật thì chẳng cần theo qui tắc nào cả, dù là phản thần như Dương Hổ cũng dùng được (coi tiết Trừ gian , chương VII), mà dù có hai trọng thần cũng không sao như Tề Hoàn Công dùng Quản Trọng lẫn Bão Thúc, Thành Thang dùng cả Y Doãn lẫn Trọng Huỷ (Nạn thất); trái lại, vua hôn ám, không có pháp thuật thì dùng người tốt họ cũng sẽ phản mình, dùng hai trọng thần thì họ sẽ tranh quyền nhau mà kết giao với nước ngoài, chỉ dùng một trọng thần thì họ sẽ chuyên quyền mà giết mình. Thành hay bại đều do tư cách, tài năng của vua hết. Tuy trọng pháp thuật nhưng yếu tố người vẫn là chính; vậy pháp trị hay nhân trị đều cần có người tốt cả, chỉ khác một bên trọng pháp thuật, một bên trọng nhân nghĩa, lễ giáo.



C - THUẬT VÔ VI



Trung Hoa có điểm khác Ấn Độ, Ả Rập và phương Tây là các triết gia lớn của họ đều quan tâm tới đời sống của dân, đều muốn cứu đời bằng chính trị, mà bàn về chính trị thì hầu hết họ đều lấy sự “vô vi” làm lí tưởng.
Người ta quen cho “vô vi” là danh từ của Lão, Trang chỉ vì hai nhà ấy dùng nó nhiều nhất, sự thực thì chính Khổng tử đã dùng nó trước tiên, mà đa số học giả ngày nay nhận rằng Lão có nhiều phần chắc là sinh sau Khổng.
Luận ngữ, chương Vệ Linh công, bài 4, chép : “Khổng tử bảo : “Không làm gì mà thiên hạ được trị, là vua Thuấn đó chăng ? Ông có làm gì đâu ? Chỉ cung kính giữ mình, (ngồi trên ngôi) quay mặt về hướng Nam, thế thôi.”
子曰。無爲而治者。其舜也與。夫何爲哉。恭己正南面而已矣。
( Tử viết : Vô vi nhi trị giả, kì Thuấn dã dư ? Phù hà vi tai ? Cung kỉ, chính Nam diện nhi dĩ hỉ). Chu Hi chú giải rằng : bậc thánh nhân có đức cao, cảm hoá được dân, nên chẳng cần làm gì mà thiên hạ cũng bình trị. Sở dĩ vua Thuấn được như vậy, một phần là do nối nghiệp vua Nghiêu, lại được một số bề tôi hiền giúp sức.
Sau Khổng tử tới Lão tử. Chương XLVIII Đạo đức kinh , ông viết :
“Theo đạo thì càng ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt đến mức vô vi… Vô vi thì không cái gì không trị…”
為道日損。 損之又損,以至於無為(...)無爲則無不治
( Vị đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi… Vô vi tắc vô bất trị… )
Chương LVII, ông còn nói rõ hơn :
“Ta vô vi mà dân tự hoá, ta ưa tĩnh mà dân tự sửa mình, ta không mưu tính gì mà dân tự giàu, ta không ham muốn mà dân tự thành chất phác”
我無爲而民自化。我好靜而民自正。我無事而民自富。
(Ngã vô vi nhi dân tự hoá, ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính, ngã vô sự nhi dân tự phú, ngã vô dục nhi dân tự phác).
Ông cho rằng cứ theo đạo, tức theo tự nhiên, thì mọi sự hoàn hảo. Cứ cho dân tự lo lấy thì ai nấy được thoả ý mà trên dưới yên ổn, nhà cầm quyền càng can thiệp thì càng gây rối : bắt dân đóng thuế nặng thì dân sẽ đói, ruộng đất bỏ hoang, hình phạt càng nghiêm thì dân càng phạm tội. Phải giảm chính phủ, đừng dùng nhân nghĩa, lễ giáo : “Mất Đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có nhân, mất nhân rồi mới có nghĩa, mất nghĩa rồi mới có lễ”. Trí tuệ cũng phải bỏ (khí trí), vì có bỏ “trí” rồi mới trở về tự nhiên được. Chỉ cần cho dân khỏi đói, khỏi rét, rồi để dân muốn làm gì thì làm. Ông muốn trở về chế độ cộng sản nguyên thuỷ : nước nhỏ, dân ít, không dùng khí cụ, xe thuyền, không có gươm giáo, không có văn tự, không ai đi đâu xa (coi thêm chương VII và phần XI - phần VI - Đại cương Triết học Trung Quốc , quyển hạ - Cảo Thơm – 1966).
Chủ trương vô vi của Liệt tử đại khái cũng như Lão tử (coi Liệt tử và Dương tử , phần II – Lá Bối – 1972).
Lão tử chỉ giảm thiểu chính phủ thôi, Trang tử mới hoàn toàn vô vi, cho chính phủ là vô dụng, không được dùng pháp độ mà phải theo tính của dân. “Con chim biết bay cao để tránh cái lưới và mũi tên ; con chuột đồng biết đào hang sâu ở dưới gò thờ thần để tránh cái hoạ bị hun khói, đào hang. Lẽ nào người không khôn bằng hai con vật đó ?” (Trang tử - Ứng đế vương). Dùng pháp độ, bắt dân vào khuôn vào phép theo ý riêng, thành kiến của mình thì sẽ thất bại.
Vậy phải để cho dân hoàn toàn tự do (đói thì kiếm ăn, no thì vỗ bụng đi chơi), như vậy dân mới thảnh thơi tự tại, mới “tiêu dao”, vui vẻ hưởng hết tuổi trời.
Trong thiên Ứng đế vương, Trang dùng một ngụ ngôn :
“Thiên Căn đi lên núi Ân dương, đến sông Liễu, gặp vô danh nhân, nói : “Xin hỏi làm sao trị thiên hạ”. Vô danh nhân đáp : “Cút đi, ngươi là kẻ quê mùa… Ta muốn cùng tạo vật mà làm người ( tức là hoà đồng với vạn vật ), chán thì cưỡi con chim mang diểu ra ngoài lục cực (trời đất và bốn phương), ngao du ở làng Vô hà hữu (tức Đạo)… ngươi sao lại lấy việc trị thiên hạ làm rộn lòng ta?
Vô danh nhân trong ngụ ngôn đó chính là Trang. Tương truyền Sở Uy vương mời ông làm tể tướng, ông từ chối, chỉ thích ẩn dật. Có thể coi ông là một triết gia theo chủ nghĩa vô chính phủ.
Pháp gia cũng nói tới vô vi. Trong Hàn Phi tử có dăm ba chỗ dùng chữ “vô vi”. Chẳng hạn :
Thiên Dương giác :
“Hư tĩnh vô vi là tình (thực) của Đạo. Tham khảo, đối chiếu, so sánh mọi việc là “hình” của công việc. Tham khảo để so sánh mọi vật, đối chiếu để nó hợp với sự không hư”.
虛靜無爲, 道之情也; 參伍比物, 事之形也. 參之以比物, 伍之以合虛.
(Hư tĩnh vô vi, đạo chi tình dã, tham ngũ tỉ vật, sự chi hình dã, tham chi dĩ tỉ vật, ngũ chi dĩ hợp hư).
“Vật có chỗ thích nghi, tài có chỗ dùng. Mọi người đều có việc thích nghi thì trên dưới đều vô vi”.
夫物者有所宜, 材者有所施, 各處其宜, 故上下無爲
(Vật giả hữu sở nghi, tài dã hữu sở thi ; các xử kì nghi, cố thượng hạ vô vi – Như trên)
Thiên Nạn nhị :
“… Các ông già nước Trịnh có câu : “Hiểu đạo lí thì nên đừng làm gì, đừng cho thấy”
鄭長者有言:體道, 無爲無見也.
(Trịnh trưởng giả hữu ngôn : “Thể đạo, vô vi, vô hiện dã” )
Thiên Ngoại trừ thuyết hữu thượng , truyện 2 dẫn lời của Thân Bất Hại : “Sự sáng suốt của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ đề phòng, sự không sáng suốt của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ gạt bề trên, (…) sự không ham muốn của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ rình bề trên ; sự ham muốn của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ nhử bề trên. Cho nên bảo : “Ta không dựa vào đâu mà biết người (tức bề tôi) được, chỉ có vô vi là có thể dò xét được họ thôi”.
吾無從知之, 惟無爲可以規之
(Ngô vô tòng tri chi, duy vô vi, khả dĩ qui chi).
Thiên Dương giác của người sau viết, mà những ý : “Hợp với sự không hư”, “trên dưới đều vô vi” trong thiên đó không hợp với chủ trương của Pháp gia ; còn câu trong Nạn nhị , chỉ là một cách xử thế của các ông già nước Trịnh, chứ không phải là một đường lối chính trị, nhưng đoạn dẫn trên trong Ngoại trừ thuyết hữu thượng , thì tuy là lời của một Pháp gia, Thân Bất Hại mà cũng hợp với học thuyết của Hàn Phi. Trong thiên Hữu độ , Hàn viết :
“Làm vua mà đích thân xem xét các quan thì không đủ thời gian mà cũng không đủ sức. Vả lại bề trên dùng mắt thì kẻ dưới tô điểm bề ngoài, người trên dùng tai thì kẻ dưới sửa giọng nói, người trên dùng trí óc để đoán xét thì kẻ dưới khéo nói, nói nhiều”
夫为之人主,而身察百官,则日不足,力不给。且上用目则下飾觀,上用耳则下飾聲,上用虑则下繁辭。
(Phù vi nhân chủ nhi thân sát bách quan, tắc nhật bất túc, lực bất cập. Thả thượng dụng mục tắc hạ sức quan ; thượng dụng nhĩ tắc hạ sức thanh ; thượng dụng lự, tắc hạ phồn từ). Tiên vương cho ba cái đó ( mắt, tai, trí óc) là không đủ nên không ỷ vào tài năng của mình mà dựa vào pháp độ, xét kĩ việc thưởng phạt, tiên vương chỉ giữ cái cốt yếu, nên pháp độ giản dị, mà không bị vi phạm ; một mình tự chế ngự dân trong bốn bể, khiến cho kẻ thông minh không gian trá được, kẻ miệng lưỡi không nịnh bợ được, kẻ gian tà không biết dựa vào đâu được ; dù cho kẻ ở xa ngoài ngàn dặm cũng không dám đổi lời, kẻ thân cận như các lang trung cũng không dám che dấu cái tốt, tô điểm cái xấu ; như vậy từ các bề tôi tại triều, tụ họp ở bên vua cho đến những kẻ thấp hèn ở xa cũng không dám lấn nhau mà đều giữ chức phận mình. Cho nên công việc cai trị ít, ngày giờ dư, được vậy là do vua biết dùng quyền thế để trị nước”
故治不足而日有馀,上之任势使然也。
( Cố trị bất túc nhi nhật hữu dư, thượng chi nhiệm thế sử nhiên dã).
Thiên Ngoại trừ thuyết hữu hạ , Hàn Phi chép truyện Tư Trịnh tử ngồi trên càng xe ca hát mà qua được cây cầu cao :
“Tư Trịnh tử đánh xe lên một cây cầu cao không được, bèn ngồi trên càng xe mà hát, (tức thì) người đi trước ngừng lại, người đi sau đẩy xe cho ông và xe lên được dốc cầu. Nếu ông không có thuật để lôi kéo người giúp ông thì dù ông có gắng sức đến chết, chiếc xe cũng không lên được cầu. Đằng này ông khỏi phải mệt thân mà xe lên được là nhờ ông có thuật lôi kéo người giúp ông”.
Nhưng có thật là không mệt thân không ? Tuy không phải làm một việc gì đấy, nhưng phải dò xét, đề phòng mỗi bề tôi, lúc nào cũng sợ họ làm phản mình, phải tìm hiểu tình hình, tài năng họ để giao việc, khi giao việc rồi phải theo dõi xem có kết quả không, kết quả có hợp với lời nói của họ không, sau cùng đích thân định việc thưởng phạt… ; vì vậy mà thiên Nạn nhị , chính Hàn cũng nhận rằng trị nước không phải là việc an nhàn :
“Sai khiến người lại không phải là việc an nhàn. Bậc vua chúa tuy (không làm gì) chỉ sai khiến người, (nhưng cũng ) phải dùng sự đo lường (pháp độ) làm tiêu chuẩn, dùng thuật hình danh để tham bác.
Việc nào hợp pháp thì làm, không hợp pháp thì ngưng : công trạng xứng đáng với lời nói thì thưởng, không xứng thì phạt. (…) Như vậy bậc vua chúa trị dân đâu được an nhàn !”.
使人又非所佚也, 人主雖使人必以度量準之, 以刑名參之, 以事; 遇於法則行, 不遇於法則止; 功當其言則賞, 不當則誅(...)君人者焉佚哉!
( Sử nhân hựu phi sở dật dã dĩ hình danh tham chi. Nhân chủ tuy sử nhân, tất dĩ độ lượng chuẩn chi. Sự ngộ ư pháp tắc hành, bất ngộ ư pháp tắc chỉ ; công đáng kì ngôn tắc thưởng, bất đáng tắc tru… Quân nhân giả yên dật tai ! ).
Vậy vô vi của Hàn khác vô vi của Lão, của Khổng : Lão vô vi được là nhờ theo tự nhiên, theo đạo, không can thiệp vào đời sống của dân ; Khổng vô vi được là nhờ có đức khéo cảm hoá dân, dùng lễ, nhạc, ít dùng hình pháp ; Hàn chỉ dùng hình pháp để trị dân, dùng thuật bắt dân cáo gian, can thiệp vào đời sống của dân, nhất là dùng tâm thuật, phải tính toán lo lắng nhiều, không tin cậy ai cả, có khi không dám ngủ chung với vợ con nữa, lại phải giữ ý, dụng ý trong mỗi cử chỉ, lời nói, nét mặt, chẳng hạn cúi đầu xá con ếch (để khuyến khích các dũng sĩ) như vua Việt, giữ kĩ chiếc khố cũ (để thưởng kẻ có công lao) như vua Hàn (Nội trừ thuyết thượng ) ; như vậy đâu phải là vô vi, mà là cực hữu vi, đâu có ung dung, nhàn tản như họ Khổng, họ Lão.
Danh từ vô vi thời Chiến Quốc cũng như danh từ dân chủ ngày nay ai muốn hiểu sao thì hiểu. Phải chăng vì vậy mà nó thành một lí tưởng hấp dẫn.


Chú thích:

[1] và [2] Coi thêm Đại cương triết học Trung Quốc - quyển thượng thiên II, chương II - Cảo Thơm 1965.

[3] Coi thêm Tuân tử của tác giả - NXB Văn Hoá, 1994.

[4] Nguyên văn là “dụng nhất”, chúng tôi hiểu theo Trần Khải Thiên, có sách giảng là “điều khiển công việc một mình”.

[5] Thiên Bát thuyết:
“Bổ nhiệm người làm việc là cái then chốt của sự tồn vong trị loạn (…) Bậc vua chúa bổ nhiệm ai, nếu không lựa người có tài trí thì lựa người có đức; bổ nhiệm họ là cho họ có quyền hành. Nhưng kẻ sĩ có tài trí chưa nhất định đã đáng tin; vua thấy họ có tài trí không xét rằng vị tất họ đã đáng tin, nếu họ dùng mưu trí, dựa vào quyền hành của chức vụ mà làm việc riêng tư thì vua tất bị gạt. Vì kẻ tài trí chưa đáng tin, nên vua lại bổ nhiệm kẻ sĩ có đức. Bổ nhiệm ai là cho người đó quyết đoán công việc. Nhưng kẻ sĩ có đức chưa nhất định là có tài; vua thấy họ giữ mình cho liêm khiết mà không biết rằng vị tất họ đã có tài. Kẻ ngu hôn ám mà giao cho một chức quan, để họ quyết định công việc, họ quyết định bậy mà cho là đúng thì công việc tất phải rối loạn”.
Hàn Phi Tử
Lời mở đầu
PHẦN I - Chương 1
Chương 2
PHẦN II - Chương 1
Chương 2
P3 - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Kết
PHẦN IV
PHẦN V
THIÊN XLIX
THIÊN XL
THIÊN XLIII
THIÊN VII
THIÊN VI
THIÊN XLVIII
THIÊN XVIII
THIÊN XLV
THIÊN XLVI
THIÊN XVII
THIÊN IX
THIÊN XIV
THIÊN XIX
THIÊN XLVII
THIÊN XV
THIÊN XXX
THIÊN XXXI
THIÊN XXXII
THIÊN XXXIII
THIÊN XXXIV
THIÊN XXXV
THIÊN XXXVI
THIÊN XXXVII
THIÊN XXXVIII
THIÊN XXXIX
THIÊN XXII
THIÊN XXIII
THIÊN XLI
THIÊN XII
THIÊN III
THIÊN XI
THIÊN XIII