watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hàn Phi Tử-THIÊN XLVII - tác giả Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

THIÊN XLVII

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Nhan đề Bát thuyết (tám điều, tức tám hạng người không nên dùng) chỉ đúng với đoạn đầu; ba đoạn sau (lập pháp phải tuỳ thời, không thể trị nước bằng nhân ái được, đừng giao quyền cho bề tôi) không liên lạc gì với đoạn đầu mà cũng không liên lạc gì với nhau; vậy thiên này chỉ là một thiên tạp luận. Chúng tôi sẽ trích trọn đoạn đầu; vài câu trong đoạn 2 về thuyết “tam thế”, và phần đầu đoạn 4: pháp luật phải rõ ràng, vua phải phán đoán lấy, quyết định lấy mọi việc.

*

Vì người quen cũ mà làm việc riêng thì gọi là người không bỏ bạn; đem của công ra bố thí thì gọi là người nhân; khinh bổng lộc, trọng thân mình thì gọi là quân tử; uốn cong pháp luật vì người thân thì gọi là người có tình nghĩa [1] ; bỏ chức quan mà thích giao du thì gọi là người hào hiệp; lánh đời trốn vua thì gọi là người cao ngạo; tranh thắng với người trên, làm trái lệnh trên, thì gọi là người cứng cỏi; thi ân để lấy lòng mọi người thì gọi là người được lòng dân.
Nhưng có người không bỏ bạn thì có quan lại gian; có người nhân thì hao tổn của công; có quân tử thì dân khó sai khiến; có người tình nghĩa thì pháp chế bị huỷ bỏ; có người hào hiệp thì quan chức bỏ trống; có người cao ngạo thì dân không làm nhiệm vụ; có người cứng cỏi thì lệnh không thi hành; có người được lòng dân thì vua cô độc. Tám hạng người được thế tục khen đó là cái hại lớn của vua chúa, mà tám hạng người ngược lại, bị thế tục chê, là cái lợi chung của vua chúa. Bậc vua chúa không xét cái lợi hại của xã tắc, dùng hạng người được thế tục khen mà muốn cho nước không nguy loạn là điều không thể được.
Bổ nhiệm người làm việc là cái then chốt của sự tồn vong, trị loạn. Không có thuật để bổ nhiệm thì sẽ luôn luôn thất bại. Bậc vua chúa khi bổ nhiệm ai, nếu không lựa người có tài trí thì lựa người có đức; bổ nhiệm họ tức là cho họ có quyền hành. Nhưng kẻ sĩ có tài trí chưa nhất định đã đáng tin; vua thấy họ có tài trí mà không biết rằng họ vị tất đã đáng tin, nếu họ dùng mưu trí, dựa vào quyền hành của chức vụ, mà làm việc riêng tư thì vua tất bị gạt. Vì kẻ có tài trí chưa đáng tin, nên vua lại bổ nhiệm kẻ sĩ có đức. Bổ nhiệm ai là cho người đó quyết đoán công việc [2] . Nhưng kẻ sĩ có đức chưa nhất định là có tài trí, vua thấy họ giữ mình cho liêm khiết mà không biết rằng họ vị tất đã có tài trí. Kẻ ngu hôn ám mà giao cho một chức quan, để họ quyết định công việc, họ quyết định bậy mà cho là đúng [3] thì công việc tất phải rối loạn. Do đó, không có thuật, mà bổ nhiệm người tài trí thì vua bị gạt, bổ nhiệm người có đức thì việc rối loạn, cái hại không có thuật như vậy.
Cái đạo minh quân là người hèn được quyền tố cáo việc gian của người sang, thượng cấp có tội, thuộc hạ không tố cáo thì bị liên lụy; vua muốn biết rõ sự thực thì phải tham bác ý kiến nhiều người, không nên chuyên nghe lời một người; như vậy kẻ sĩ tài trí mới không gạt vua được. Xét công rồi mới thưởng, lượng tài năng rồi mới giao việc, xét kĩ đầu đuôi, xem sự thành bại, kẻ có lỗi thì trị tội, kẻ có tài năng thì dùng; như vậy kẻ ngu sẽ không được bổ nhiệm. Kẻ có tài trí không dám gạt vua, kẻ ngu không được quyết đoán thì công việc không hỏng.
Cái gì mà kẻ sĩ có óc tinh tế [4] mới biết được thì không nên ban làm lệnh, vì không phải người dân nào cũng có óc tinh tế cả. Cái gì mà bậc hiền [5] mới làm được thì không nên dùng phép tắc, vì không phải người dân nào cũng hiền cả. Dương Chu, Mặc Địch là những người được coi là có óc tinh tế trong thiên hạ, nhưng họ gặp [6] thời loạn mà rốt cuộc không làm cho hết loạn được, cho nên tuy họ có óc tinh tế cũng không thể dùng làm chức trưởng quan được [7] . Bảo Tiêu và Hoa Giác [8] là những người được coi là bậc hiền nhưng Bảo Tiêu thì chết như cây khô, Hoa Giác thì nhảy xuống sông, cho nên tuy họ là bậc hiền mà không thể dùng họ để cày ruộng, đánh giặc được. Vì vậy bậc vua chúa chỉ xem trọng [9] kẻ sĩ nào trổ hết tài hùng biện của họ, chỉ tôn kẻ sĩ nào có tài năng làm hết công việc của họ. Ngày nay bậc vua chúa xem trọng lời biện thuyết vô dụng, tôn những hành động không có công dụng; như vậy mà muốn cho nước giàu mạnh thì không thể được.
Học rộng mà hùng biện, sáng suốt (biện trí) thì như Khổng, Mặc, nhưng Khổng, Mặc không cày bừa thì nhờ họ được gì đâu? Luyện đức hiếu, ít ham muốn thì như Tăng Sâm, Sử Ngư, nhưng Tăng Sâm, Sử Ngư không ra trận thì có lợi gì cho nước đâu? Người dân thường có cái lợi riêng, bậc vua chúa có cái lợi chung. Không làm lụng mà đủ ăn, không làm quan mà hiển danh, đó là lợi riêng. Chấm dứt văn học mà làm sáng pháp độ, ngăn chặn tư lợi, nhất thiết tước lộc đều do có công mới được, đó là cái lợi chung. Ban bố pháp luật để dẫn dắt mà lại còn quí văn học thì dân còn nghi ngờ khi tuân theo pháp luật; thưởng công để khuyến khích dân mà lại còn trọng sự sửa đức thì dân sẽ biếng nhác trong việc sản xuất. Quí văn học để cho dân nghi pháp lệnh, trọng đức hạnh, khiến cho việc lập công không do một đường (là làm ruộng đánh giặc) nữa, mà muốn cho nước giàu mạnh thì không thể được.

*

Người đời (thượng) cổ gấp lo về đức hạnh, người đời trung cổ [10] ganh nhau về trí, người đời nay tranh nhau về sức mạnh. Thời thượng cổ ít việc mà sự thiết bị đơn giản, chất phác thô lậu mà không tính (tinh?) cho nên mài vỏ trai lớn để giẫy cỏ, dùng xe bánh không có tay hoa [11] . Thời thượng cổ người ít mà thân nhau, tài vật nhiều, nên người ta khinh cái lợi mà dễ nhường nhau, do đó mới có việc vái nhau mà nhường thiên hạ [12] . Nhưng thi hành chính sách vái nhường, đề cao lòng từ huệ và giảng đạo nhân hậu đều là thứ chính trị chất phác [13] cả. Sống ở thời nhiều việc mà dùng những khí cụ của thời ít việc, không phải là cách xử sự của người có trị (trí?). Giữa cái đời tranh nhau gay gắt mà theo lối vái nhường, không phải là phép trị nước của thánh nhân. Cho nên người có trí không ngồi cỗ xe bánh không có tay hoa, thánh nhân không thi hành chính sách chất phác. Sách mà giản ước thì (khó hiểu mà) học trò tranh biện (về ý nghĩa trong sách); pháp luật mà tỉnh lược thì dân chúng hay tranh tụng. Vì vậy sách của thánh nhân nghị luận tất rõ ràng, pháp luật của mình chủ ghi việc tất tường tận. Hết sức suy nghĩ, tính trước sự đắc thất, thì người trí (cũng) cho là khó; không cần suy nghĩ (tính trước), cứ nắm lấy lời nói lúc đầu mà xét xem công việc làm về sau có hợp với lời nói đó không (để biết người nói có tài năng hay không), thì kẻ ngu cũng thấy là dễ. Bậc minh chủ làm theo cách kẻ ngu cho là dễ mà không dùng cách người trí cho là khó, vì vậy không dùng trí lự mà nước trị. Không dùng lưỡi để phán đoán các vị chua ngọt mặn nhạt mà để cho người đầu bếp quyết định thì người bếp sẽ coi thường vua mà trọng đầu bếp; không dùng tai để phán đoán các thanh bổng trầm trong đục mà để cho nhạc trưởng quyết định thì nhạc công [14] sẽ coi thường vua mà trọng nhạc trưởng. Không dùng thuật để phán đoán việc trị nước phải hay quấy mà để cho kẻ được sủng ái quyết định thì bề tôi sẽ coi thường vua mà trọng kẻ được sủng ái. Bậc vua chúa không đích thân xem và nghe mà để người dưới quyết đoán mọi việc thì chỉ là kẻ ăn nhờ trong nước (Bỏ từ đây )




Chú thích:

[1] Nguyên văn là hạnh: chúng tôi theo chú thích của Trần Khải Thiên.
[2] Hai câu này có nhà chấm câu khác và dịch là: Vậy kẻ sĩ có tài trí không thể tin được. Bổ nhiệm kẻ sĩ có đức là khiến họ quyết đoán công việc.
[3] Câu này có người hiểu là… mà làm theo ý họ. Nguyên văn nhi vi kì sở nhiên. Nghĩa cũng vậy.
[4] Nguyên văn là “sát sĩ”. Sát là xét. Trần Khải Thiên bảo “sát sĩ” cũng như “trí sĩ”, kẻ sĩ sáng suốt. Có nhà bảo là kẻ sĩ biết xa. Chúng tôi theo Giả Nghị tân thư. Có óc tinh tế nghĩa là thấy những điều tế vi mà thiên hạ không thấy.
[5] Hiền ở đây không phải là bậc hiền tài, mà là người theo đạo, ở ẩn.
[6] Nguyên văn là “can”, có sách giảng là làm bớt (cái loạn).
[7] Nguyên văn là: quan chức chi lệnh. Chữ lệnh này như chữ huyện lệnh, chủ một huyện. Có sách dịch là: không dùng làm lệnh cho quan chức theo được.
[8] Bảo Tiêu: ẩn sĩ đời Chu không chịu thần phục nhà Chu, ôm gốc cây mà chết – Hoa Giác: chưa biết là ai.
[9] Nguyên văn là “sát”, nhưng nên theo nghĩa thường là “xét”, chứ không phải nghĩa trong “sát sĩ” ở trên.
[10] Thời thượng cổ đây trỏ đời Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ, Văn vương, Võ vương; thời trung cổ trỏ đời Xuân Thu.
[11] Nguyên văn là “truy xa”. “Truy” nghĩa là chậm chạp; có thể hiểu là chất phác. Trần Khải Thiên giảng là thứ xe mà bánh là một khối không có tay hoa, thời Nghiêu, Thuấn người Trung Hoa chưa biết dùng bánh xe có tay hoa. Nhưng có sách bảo là “thối xa” nghĩa là xe đẩy, chứ chưa có ngựa kéo; e lầm.
[12] Ám chỉ việc Nghiêu, Thuấn nhường ngôi.
[13] Nguyên văn: “truy chính”. Có sách bảo là “thôi chính”; e sai.
[14] Nguyên văn là “cổ công” là nhạc công mù. Thời đó người ta thường dùng những nhạc công mù.
Hàn Phi Tử
Lời mở đầu
PHẦN I - Chương 1
Chương 2
PHẦN II - Chương 1
Chương 2
P3 - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Kết
PHẦN IV
PHẦN V
THIÊN XLIX
THIÊN XL
THIÊN XLIII
THIÊN VII
THIÊN VI
THIÊN XLVIII
THIÊN XVIII
THIÊN XLV
THIÊN XLVI
THIÊN XVII
THIÊN IX
THIÊN XIV
THIÊN XIX
THIÊN XLVII
THIÊN XV
THIÊN XXX
THIÊN XXXI
THIÊN XXXII
THIÊN XXXIII
THIÊN XXXIV
THIÊN XXXV
THIÊN XXXVI
THIÊN XXXVII
THIÊN XXXVIII
THIÊN XXXIX
THIÊN XXII
THIÊN XXIII
THIÊN XLI
THIÊN XII
THIÊN III
THIÊN XI
THIÊN XIII