THIÊN XXXII
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Kinh 1. Đạo của bậc minh chủ cũng như lời Hữu Nhược đáp Mật tử. Các vị chúa thời nay [1] khi nghe nói thì khen sự văn nhã, tô chuốt. Khi xem việc làm thì trọng sự xa vời, viển vông, vì vậy quần thần, sĩ dân nói những lời vu khoát mà hành động xa sự tình (…).
Truyện. a/ Mật Tử Tiện[2] cai trị đất Đan Phụ. Hữu Nhược gặp ông ta, hỏi: “Sao ông gầy như vậy?” Mật Tử đáp: “Vua không biết rằng Bất Tề này vô dụng, sai cai trị đất Đan Phụ. Việc quan bận rộn, lòng rất lo âu, nên gầy”. Hữu Nhược bảo:
“Xưa vua Thuấn gẩy cây đàn năm dây, ca bài thơ Nam phong (trong Kinh Thi) mà thiên hạ trị. Nay đất Đan Phụ nhỏ như vậy mà cai trị đã phải lo âu, nếu trị cả thiên hạ mới làm sao? Biết thuật trị dân thì thân ngồi trên miếu đường, sắc diện (tươi) như gái đồng trinh, cũng chẳng hại gì cho việc cai trị; không biết thuật cai trị thì thân tuy gầy ốm tiều tụy, cũng chẳng có ích gì”.
b/ Vua Sở hỏi Điền Cưu (một môn đệ của Mặc tử):
- Mặc tử là một học giả nổi danh, suốt đời tận lực làm việc, đáng khen, nhưng lời nói rườm mà không nhã, tô chuốt, tại sao vậy?
Đáp:
- Xưa Tần bá (Tần Mục công) gả con gái cho công tử nước Tấn (Trùng Nhĩ), trang sức cho cô dâu, đưa theo bảy chục thiếu nữ bận áo gấm làm nàng hầu. Tới Tấn, người Tấn yêu những người thiếp đó mà coi thường con gái Tần Bá. Như vậy có thể bảo là khéo gả các nàng thiếp mà không khéo gả con gái. Nước Sở có người bán hạt châu qua nước Trịnh, làm cái hộp bằng gỗ mộc lan, xông bằng quế, tiêu cho thơm, điểm xuyết bằng châu ngọc, trang sức bằng ngọc mai khôi[3] lót bằng lông chim trả. Người nước Trịnh mua cái hộp mà trả lại châu. Như vậy có thể bảo là khéo bán cái hộp mà không khéo bán hạt châu. Ngày nay người ta thảo luận đều thích dùng lời khéo léo, văn hoa, bậc vua chúa thấy cái văn hoa mà quên rằng những lời đó vô dụng. Thuyết của Mặc Tử truyền cái đạo của tiên vương, luận lời của thánh nhân để tuyên cáo cho mọi người. Nếu dùng những lời văn nhã tô chuốt sợ người ta chỉ nhớ tới cái văn hoa mà quên cái hữu dụng của học thuyết, như vậy tức là lấy văn hoa làm hại cái hữu dụng, không khác việc người nước Sở bán hạt châu, Tần bá gả con gái. Vì vậy mà lời của Mặc Tử rườm mà không văn nhã tô chuốt.
c/ Mặc tử làm con diều bằng gỗ 3 năm mới xong, bay được một ngày thì hỏng. Một môn sinh bảo:
- Thầy khéo tay thật, làm cho diều gỗ bay được.
Mặc tử đáp:
- Ta đâu khéo bằng người làm cái đòn ngang xe. Họ chỉ dùng một khúc cây dài, không đầy 1 buổi sáng mà kéo được ba chục thạch[4] hoá vật, đi được rất xa mà dùng được mấy năm. Còn ta làm diều gỗ, 3 năm mới xong mà bay chỉ được 1 ngày.
Huệ tử nghe chuyện đó bảo:
- Mặc tử rất khéo (vì) cho việc làm đòn ngang là khéo, làm diều gỗ là vụng.
Kinh 2: bậc vua chúa khi nghe người nói mà không lấy công dụng làm mục đích thì kẻ biện thuyết sẽ nói nhiều về những thuyết “mũi gai đâm” và “ngựa trắng”; (khi coi bắn) không lấy sự trúng đích làm quan trọng thì người bắn tên nào cũng giỏi như Hậu Nghệ cả (vì bắn bậy thì thế nào cũng trúng một cái gì đó)(…).
Truyện 2. a/ Một người nước Tống vì vua nước Yên chạm một con khỉ cái vào đầu một mũi gai, nhưng nhà vua phải trai giới 3 tháng rồi mới thấy (hình cực nhỏ đó) được. Vua Yên lấy lộc ba cỗ xe[5] để nuôi anh ta. Viên “hữu ngự” (đánh xe hay hầu?) là một thợ sắt tâu:
- Thần nghe nói vua không thể trai giới mười ngày mà không có một bữa tiệc trong thời gian đó. Người nước Tống đó biết đại vương không thể trai giới lâu được để coi một vật vô dụng nên mới đưa ra kì hạn ba tháng. Hễ chạm trổ thì mũi nhọn để chạm phải nhỏ hơn vật được chạm. Thần là thợ đúc, không thể đúc cho anh ta dụng cụ để anh ta chạm hình đó. Vậy việc đó không có thực, (anh ta nói láo). Xin đại vương xét lại.
Vua Yên do đó bỏ tù anh ta, chất vấn, quả nhiên là nói láo, bèn đem giết. Người thợ đúc lại tâu thêm: “Tính kế mà không có tiêu chuẩn thì kẻ sĩ đàm luận đa số đưa ra những thuyết như “mũi gai” đó”.
(Còn một thuyết nữa đại khái cũng như thuyết trên, nhưng kết cục là anh chàng lừa bịp đó - người nước Vệ - khi biết lộ tẩy, trốn mất).
b/ Nghê Duyệt là người nước Tống, giỏi biện thuyết, đưa ra thuyết “ngựa trắng không phải là ngựa”[6] các biện sĩ ở Tắc Hạ[7] không ai bác được nhưng khi ông ta cưỡi ngựa trắng qua cửa ải thì chịu nộp thuế. Vậy dựa vào hư không, có thể thắng được một nước, mà khảo về thực tế, xét về hình trạng thì không gạt nổi một người.
d/ Có người khách (bảo có thể) dạy cho vua Yên cái phép không chết. Vua Yên sai người tới học, người này chưa học xong thì người khách đó chết. Vua Yên nổi giận, đem ra giết. Nhà vua biết rằng người khách nọ gạt mình, lại nhè giết người sai đi học vì tội chậm trễ. Tin một việc không thể có được mà giết bề tôi vô tội, đó là cái hại không biết suy xét (…).
g/ Có người vẽ cho vua nước Tề. Vua Tề hỏi:
- Vẽ cái gì khó nhất?
- Vẽ chó ngựa khó nhất.
- Cái gì dễ nhất?
- Ma quỉ dễ nhất.
Chó với ngựa ai cũng biết, cũng thấy trước mắt từ sáng tới chiều không thể vẽ bậy, không giống được, cho nên khó vẽ. Còn ma quỉ không có hình trạng, không thấy trước mắt nên dễ vẽ.
h/ Trẻ con chơi với nhau, lấy đất sét làm cơm, bùn làm canh, dăm bào làm thịt, nhưng chiều thì về nhà ăn cơm, vì cơm bằng đất, canh bằng bùn, chơi thì được chứ ăn không được. Khen những điều thời thượng cổ truyền tụng lại, nghe thì hay thì (mà?) thực tế vô dụng; giảng thuyết nhân nghĩa của tiên vương mà không biết chỉnh lí quốc gia, đó cũng là những việc để chơi chớ không thể đem trị nước được. Trọng nhân nghĩa, mà nước yếu loạn, đó là 3 nước Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy từ Tấn tách ra); không trọng nhân nghĩa mà trị mạnh là nước Tần. Nhưng Tần tuy mạnh mà chưa làm đế (thống nhất thiên hạ) được là vì việc trị nước chưa hoàn tất.
*
Kinh 3. Cho tới đây chúng ta thấy mỗi kinh chỉ đưa ra một qui tắc, một thuật, kinh này đưa ra tới hai thuật.
Thuật thứ nhất: Hễ nuôi cái lòng “người khác phải vì mình” (nghĩa là nghĩ tới cái lợi của mình hơn cái lợi của họ) thì hai bên sẽ trách oán nhau; (ngược lại) nếu nuôi cái lòng “ai cũng vì bản thân của người đó thôi” (nghĩa là ai cũng nghĩ tới cái lợi của chính mình hơn cái lợi của người khác), thì sẽ nên việc[8] .
Vì vậy mà có khi cha con oán trách nhau, mà mướn người làm công thì cho họ ăn ngon (…).
Thuật thứ nhì: Nếu theo các học giả (t rỏ Nho gia) mà thi hành cái đạo mang mang xa vời (không thực tế) của các tiên vương, thì có lẽ không hợp thời nay chăng? (…) Hành động không thích hợp với việc nước mà cứ xưng tụng tiên vương thì cũng như về nhà lấy cái ni đo chân vậy.
Truyện 3 (Trong phần truyện này Hàn Phi dẫn chứng tới 17 cố sự, nhưng có nhiều cố sự không liên quan gì tới hai thuật nêu ở phần kinh. Cơ hồ như Hàn Phi viết vội, chưa kịp sửa lại. Chúng tôi chỉ lựa 1 truyện a/ giải thích thuật thứ nhất và 3 truyện p/ r/ s/ giải thích thuật thứ nhì.)
a/ Cha mẹ không săn sóc con kĩ khi nó còn nhỏ thì lớn lên nó oán mình. Con được nuôi thành người rồi, mà cung dưỡng cha mẹ không được hậu thì cha mẹ giận, oán trách nó. Cha con là tình chí thân mà có khi còn trách nhau, oán nhau là do ai nấy đều muốn cho người khác phải vì mình (cha muốn cho con phải vì cha, con muốn cho cha phải vì con), chứ không muốn cho mỗi người chỉ vì bản thân của người đó thôi.
Mướn người gieo mạ, cày ruộng cho mình thì người chủ không ngại phí tổn mà cho họ ăn ngon, lại còn lựa tiền, vải tốt[9] mà trả công cho họ, như vậy không phải vì yêu họ đâu mà vì nghĩ: “Có vậy họ cầy mới sâu, cào cỏ mới kĩ cho mình”. Người làm công đó, hết sức cầy và cào cỏ, sửa sang bờ ruộng, không phải vì yêu chủ, mà vì nghĩ: “Có như vậy chủ mới cho ăn ngon, mà tiền, vải mới tốt”. Như vậy một bên cung dưỡng hậu hĩ, một bên gắng sức làm việc, có cái ân trạch giữa cha con, hai bên đều hết nghĩa vụ (vì) đều mưu cái lợi cho chính mình cả. Bởi vậy con người làm việc với nhau, cho, tặng nhau, nếu thấy có lợi cho mình thì dù là người nước Việt[10] cũng dễ hoà, nếu lòng thấy có hại thì dù là cha con cũng xa nhau, oán nhau.
p/ (Chu) thư có câu: “Thắt nó, buộc nó”. Một người nước Tống đọc tới đó, lấy hai cái dây lưng tự thắt, buộc bụng. Người ta hỏi: “Làm gì vậy?” Đáp: “Vì sách dạy như vậy”[11]
r/ Người đất Dĩnh (kinh đô nước Sở thời Xuân Thu, nay là Hồ Bắc) viết thư cho vị tướng quốc nước Yên. Viết ban đêm, lửa không đủ sáng, bèn bảo người cầm đuốc: “Đưa cây đuốc lên”. (Miệng nói vậy) tay viết lộn trong thư: “Đưa cây đuốc lên”. Mấy chữ đó không phải là ý trong thư. Tướng quốc nước Yên đọc tới đó, mừng lắm, bảo: “Đưa cây đuốc lên là trọng sự sáng, trọng sự sáng tức là tiến cử, bổ dụng người hiền”. Rồi ông ta tâu với vua, vua hoan hỉ (theo lời) và nhờ vậy nước Yên thịnh trị. Tuy thịnh trị đấy, nhưng đâu phải là ý trong thư. Đa số các học giả ngày nay giống như vậy.
a/ Một người nước Trịnh muốn mua giày, đo bàn chân mình rồi đặt cái ni ở chỗ ngồi. Anh ta ra chợ mà quên đem cái ni theo. Tìm được thứ giày muốn mua rồi, anh ta sực nhớ lại, bảo: “Tôi quên đem cái ni theo, để tôi trở về lấy”. Rồi quay về nhà, khi trở lại chợ thì chợ đã tan, không mua giày được. Người ta hỏi: “Sao không lấy chân để thử giày”. Đáp: “Nên tin cái ni, chứ không nên tin mình”.
Kinh 4. – Đâu có lợi thì dân theo về, danh được hiển thì kẻ sĩ chịu chết. Vì vậy, tuy kẻ dưới có công nhưng không hợp pháp mà cũng được thưởng thì người trên không được lợi gì ở kẻ dưới cả; tuy có thanh danh nhưng không hợp pháp mà cũng được khen thì kẻ sĩ lo cầu cái danh cho họ mà không bồi đắp cho danh của vua[12] (…)
Truyện 4.
a/ Vương Đăng làm quan lệnh Trung Mâu, trình lên Tương chủ[13] rằng: “Trung Mâu có hai kẻ sĩ tên là Trung Chương và Tư Kì, đức rất trau giồi, học lại uyên bác, sao nhà vua không dùng họ?”. Tương chủ đáp: “Ông tìm gặp họ đi, ta sẽ đề cử họ làm trung đại phu”. Quan tướng quốc can: “Trung đại phu là chức quan trọng của Tấn, họ không có công mà được chức đó, không hợp với quan chế của Tấn. Phải chăng nhà vua mới nghe nói về họ chứ chưa thấy họ?” Tương chủ đáp: “Khi ta thâu dụng (Vương) Đăng thì nghe nói rồi sau mới gặp; nay Đăng chọn người thì cũng lại nghe nói thì sau mới gặp; như vậy không ngớt dùng người khác làm tai mắt cho mình”. Thế là Vương Đăng một ngày tiến dụng hai trung đại phu, họ được cấp nhà và đất. Người Trung Mâu (thấy vậy) bỏ việc ruộng nương, bán nhà đất để theo học nghề văn đông đến phân nửa số dân trong ấp. [14]
d/ Triệu Chủ phụ[15] sai Lí Tì xem nước Trung sơn có thể đánh được không. Lí Tì trở về đáp: “Đánh được. Nếu nhà vua không đánh gấp thì Tề, Yên sẽ đánh trước”. Chủ Phụ hỏi: “Đánh được là tại sao?” Đáp: “Vua nước đó thích thân cận với bọn sĩ ẩn trong hang núi, tự nghiêng lọng, ngồi chung xe[16] với hơn chục kẻ sĩ ở nơi hang cùng ngõ hẻm, dùng lễ bình đẳng đối với trên trăm kẻ sĩ áo vải”. Nhà vua bảo: “Theo lời ông nói thì ông ấy là một ông vua có hiền đức, sao lại nên đánh?”. Đáp: “Không phải vậy. Thích kẻ ẩn sĩ nổi danh mà dùng họ trong triều thì chiến sĩ sẽ biếng nhác ngoài mặt trận. Ở trên tôn trọng bọn học giả, ở dưới kẻ sĩ được dùng tại triều thì nông phu biếng nhác ở ngoài ruộng. Chiến sĩ biếng nhác ở mặt trận thì binh yếu, nông phu biếng nhác ở ngoài ruộng thì nước nghèo; ở ngoài binh yếu hơn địch, ở trong thì nước nghèo, như vậy không mất nước là điều chưa từng thấy; đánh Trung Sơn cũng là phải chứ?” Chủ phụ khen “phải”, rồi đem quân đánh Trung Sơn, diệt được.
Kinh 5. – Kinh Thi có câu: “Không đích thân làm lấy thì dân không tin” (…) Nhưng nếu không định rõ chức phận cao thấp, không bắt bề tôi làm cho được việc, mà tự mình làm việc của kẻ ở địa vị dưới thì cũng như xuống xe chạy bộ, ngủ khi đọc sách (…).
Truyện 5.
a/ Tề Hoàn Công thích mặc áo màu tía, (do đó) cả nước đều mặc đồ tía, mà lụa tía hoá ra đắt gấp 5 lần lụa trắng. Hoàn Công lo, hỏi Quản Trọng: “Quả nhân thích mặc màu tía, màu tía đắt quá mà trăm họ vẫn cứ thích màu tía, làm sao bây giờ”. Quản Trọng đáp: “Nhà vua muốn cấm chỉ sao không thử thôi không mặc màu tía!” Hoàn Công bảo: “Phải” rồi nói với kẻ tả hữu: “Ta rất ghét mùi hôi của màu tía”. Từ lúc ấy kẻ tả hữu có ai bận màu tía lại gần ông, ông đều bảo: “Dang ra, ta ghét mùi hôi của màu tía”. Hôm đó, trong cung không ai mặc màu tía nữa, hôm sau tại kinh đô không ai mặc màu tía nữa, qua ngày thứ ba trong cõi không còn ai mặc màu tía hết.
(Còn một thuyết khác đại ý hệt như thuyết trên, nên chúng tôi bỏ)
c/ Tống Tương công giao chiến với Sở ở Trác cốc (một cái hang bên bờ sông Trác). Quân Tống đã bày thế trận rồi mà quân Sở chưa qua sông. Quan hữu tư mã là Cấu Cường chạy tới dâng kế:
- Quân Sở đông mà quân Tống ít, nên thừa lúc họ mới qua được nửa số, chưa bày xong thế trận mà đánh thì họ tất thua.
Tương Công đáp:
- Quả nhân nghe người quân tử bảo: đừng tàn hại người đã bị thương, đừng bắt người có hai thứ tóc, đừng đẩy người ta vào chỗ hiểm, đừng đánh trống thúc quân tấn công khi người ta chưa bày xong thế trận. Nay quân Sở chưa qua hết mà đánh họ, là trái với điều nghĩa; hãy đợi họ qua sông hết, rồi sẽ đánh trống thúc quân tiến lên.
Quan hữu tư mã bảo:
- Nhà vua không thương dân nước Tống, để cho kẻ tâm phúc không được trọn vẹn (tức là chết), chỉ là giả (nhân) nghĩa[17]
Tương công bảo:
- Ông không trở về hàng ngũ, ta sẽ thi hành quân pháp. Quan hữu tư mã trở về hàng. Quân Sở đã sắp thành thế trận, Tương công mới đánh trống thúc quân. Quân Tống đại bại, ông bị thương ở bắp vế, ba ngày sau chết. Đó là cái hoạ hâm mộ nhân nghĩa.
d/ Tề Cảnh Công đi chơi Thiếu hải (tức Bột hải ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông). Một người trạm phi ngựa từ kinh đô tới tâu: “Tướng quốc Án Anh đau nặng sắp chết, e công về không kịp”. Công vụt đứng dậy. Một người trạm khác lại phi ngựa tới. Công sai thắng gấp con ngựa Phiền Táng[18] vào cỗ xe và sai Hàn Khu[19] đánh xe. Mới chạy được vài trăm bước, cho rằng Hàn Khu đánh xe chậm quá, công giằng lấy dây cương, đánh xe lấy. Lại được vài trăm bước nữa, cho rằng ngựa chạy chậm rì rì, công bỏ xe chạy bộ. Phiền Táng là con ngựa tốt, Hàn Khu là người đánh xe giỏi mà còn cho rằng không bằng xuống xe chạy bộ!
d/ Ngụy Chiêu vương muốn dự vào công việc của các quan, bảo Mạnh Thường quân: “Quả nhân muốn dự vào công việc của các quan”. Mạnh Thường quân nói: “Nhà vua muốn dự vào công việc của các quan thì sao không thử tập đọc luật pháp?” Chiêu vương mới đọc được trên mười cái thẻ[20] đã ngủ gục. Ông bảo: “Quả nhân đọc không nổi thứ luật pháp này”.
Không đích thân nắm quyền bính mà muốn làm công việc để cho bề tôi làm, thì tất nhiên là (mệt mỏi) phải ngủ gục!
*
Kinh 6. Việc nhỏ mà tin rồi thì việc lớn mới tin được. Cho nên bậc minh chủ phải thủ tín từ việc nhỏ tới việc lớn[21] Thưởng phạt mà không thủ tín thì cấm lệnh không được thi hành. (…)
Truyện 6. a/ Tấn Văn công đánh đất Nguyên, đem theo mười ngày lương thực, hẹn với các quan đại phu mười ngày sẽ về. Tới Nguyên mười ngày rồi mà không hạ được, ông đánh thanh la[22] rút quân về. Có người lính từ trong thành Nguyên ra thưa: “Đánh Nguyên ba ngày nữa thì tất hạ được”. Quần thần tả hữu đều can ông: “Nguyên, lương thực đã hết, sức đã kiệt, xin nhà vua chịu khó đợi”. Ông đáp: “Ta đã định kì hạn là mười ngày với sĩ tốt, nếu bây giờ không lui binh thì thất tín mất. Được đất Nguyên mà phải thất tín, ta không làm”. Rồi ông bãi binh, rút về. Người đất Nguyên nghe thấy vậy, bảo: “Có ông vua thủ tín như vậy, có nên không qui phục chăng?”, rồi kéo nhau ra hàng. Người nước Vệ nghe thấy vậy bảo: “Có ông vua thủ tín như vậy, có nên không đi theo chăng?” rồi hàng ông. Khổng tử nghe nói rồi ghi lại: “Đánh đất Nguyên mà được nước Vệ là nhờ chữ tín.”
d/ Ngụy Văn hầu hẹn đi săn với người nước Ngu. Đúng ngày hẹn[23] thì trời nổi cơn giông. Kẻ tả hữu khuyên đừng đi, ông không nghe, bảo: “Không nên. Lấy lẽ trời nổi cơn giông gió mà thất tín, ta không làm vậy được”. Rồi tự lấy xe xông pha cơn giông, tới chỗ hẹn, nhưng người nước Ngu chưa tới, bèn bãi cuộc đi săn[24] .
đ/ Vợ Tăng tử (Tăng Sâm, môn sinh của Khổng tử) đi chợ, đứa con chạy theo khóc. Bà dỗ nó: “Con về đi, mẹ đi chợ về sẽ làm thịt heo cho con ăn”. Lúc bà đi chợ về, Tăng tử muốn bắt heo để giết, bà vợ ngăn: “Tôi nói đùa với nó vậy thôi mà”. Tăng tử bảo: "Mình cho là nói đùa, chứ trẻ không cho là nói đùa[25] . Trẻ không phải tự nhiên biết, toàn là học của cha mẹ, nghe lời cha mẹ bảo. Nay mình nói láo với nó tức là dạy nó nói láo. Mẹ nói láo với con, con mà không tin cha mẹ được, đó không phải là cách dạy con". Rồi ông làm thịt con heo, đem luộc.
[1] Các bản xưa chép là “minh chủ”, nghĩa không thông. Nên các học giả sửa lại là “ám” (hôn ám) hoặc là “thời”. Chúng tôi nghĩ chữ “thời” (時) có thể lầm với chữ minh (明) được, chứ chữ “ám” thì khác xa quá.
[2] Học trò Khổng Tử, người nước Lỗ, tên là Bất Tề.
[3] Một loại ngọc màu đỏ.
[4] Mỗi thạch là 120 cân thời đó.
[5] Coi chú thích ở truyện 1 Thiên sau.
[6] Thuyết này các sách khác cho là của Công Tôn Long – Công Tôn Long phân biệt con ngựa và màu trắng. Ngựa là một ý niệm khái quát, ngựa trắng là một con ngựa thật, hai cái khác nhau, do đó ngựa trắng không phải là ngựa. Công Tôn Long ngụy biện.
[7] Ở Lâm Tri, kinh đô Tề, Tề Tuyên vương lập một công quán cho các kẻ sĩ mọi nơi lại đó giảng luận, coi phần I.
[8] Nguyên văn: Hiệp phù tương vị tắc trách vọng, tự vị tắc sự hành. Chúng tôi phiên âm và hiểu theo Trần Khải Thiên. Có nhà phiên âm là: … tương vi …, tự vi và dịch: Khi hai người làm chung nhau (tương vi) thì họ trách nhau, còn tự mình làm riêng rẽ (tự vi) thì việc chạy. E sai.
[9] Nguyên văn là dị . Có sách giảng là dễ lấy. Thời đó vải có thể dùng làm tiền để trả công, trao đổi hàng hoá.
[10] Thời đó người Trung Hoa ở miền Trung và miền Bắc coi người Việt ở Đông Nam là ngoại nhân.
[11] Sách nói về việc tu thân, phải giữ gìn, đừng phóng túng, người đó hiểu lầm.
[12] Nguyên văn: bất súc ư quân. Có sách dịch là: khống chế vua.
[13] Tức Triệu Vô Tuất, một trong ba người diệt Trí Bá, dọn đường cho việc chia ba nước Tấn.
[14] Pháp gia cho nghề văn là vô dụng.
[15] Vua Triệu, tức Võ Linh vương, ông tự xưng là Chủ phụ (như Thái thượng hoàng) sau khi lập con là Hà làm vua.
[16] Khi gặp kẻ sĩ ở trên đường, ông ta nghiêng lọng (tỏ vẻ kính trọng) rồi mời họ lên ngồi chung xe.
[17] Nguyên văn: đặc vị nghĩa nhĩ. Chữ vị đó, chúng tôi theo Trần Khải Thiên, đọc là ngụy.
[18] Tên một con ngựa quí.
[19] Một người đánh xe giỏi.
[20] Thời đó luật pháp viết hay khắc trên thẻ tre, vì chưa có giấy.
[21] Nguyên văn: tích ư tín: tích luỹ niềm tin.
[22] Thời đó, tiến quân thì đánh trống, lui quân thì đánh thanh la.
[23] Nguyên văn: minh nhật (hôm sau). Chiến Quốc sách - Ngụy 4 – chép là thị nhật (hôm ấy), có phần đúng hơn.
[24] Nguyên văn: bãi Ngu nhân. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên mà dịch như vậy. Có thể dịch là: (xông pha cơn dông) để bảo người nước Ngu bãi cuộc đi săn.
[25] Nguyên văn: Anh nhi phi dữ hí dạ. Có thể dịch là: không thể nói láo với trẻ được.