Chương 2
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
1. Các bản từ trước tới nay.
Theo niên biểu ở chương trên thì Hàn Phi bắt đầu viết sách vào khoảng năm thứ 8 đời Tần Thủy Hoàng và theo Sử kí thì năm, sáu năm sau khi Hàn Phi đi sứ Tần, cả Lí Tư và Tần Thủy Hoàng đều đã được đọc một phần tác phẩm của Hàn. Thời đó người làm sách và kẻ sao lại đều phải khắc chữ lên thẻ tre hoặc dùng que nhúng vào sơn rồi viết lên lụa. Vậy mà chỉ trong có mấy năm, tác phẩm của Hàn Phi đã vượt biên giới Hàn và qua Tần, đủ biết nó nổi danh và phổ biến rất mau.
Sau khi Hàn Phi mất, Lí Tư và Tần Nhị thế Hoàng đế đều có dẫn lời trong sách của Hàn (coi thiên Truyện Lí Tư trong Sử kí ).
Hơn một trăm năm sau Tư Mã Thiên bảo tác phẩm của Hàn Phi gồm trên một vạn chữ và có những thiên Cô phẫn , Ngũ đố , Nội, ngoại trừ , Thuyết Lâm , Thuế nan , mà không cho biết trọn bộ có bao nhiêu thiên. Tới khoảng đầu kỉ nguyên tây lịch, Lưu Hướng là con của Lưu Hâm mới thu thập lại được 55 thiên, nhưng không chia thành quyển. Bản ngày nay chúng ta dùng có lẽ là bản đời Hán hay đời Lương đó.
Gần đây, nghe nói ở Trung Quốc, người ta khai quật được một bản trong ngôi mộ đời Hán, không rõ bản này có khác nhiều không.
Tứ đời Hán đến đời Tống, các bản sao hay khắc lại đều mang nhan đề là Hàn Tử . Bắt đầu từ đời Tống, mới có nhà gọi là Hàn Phi tử để phân biệt với bộ Hàn tử ghi chép tư tưởng của Hàn Dũ, được Nho gia tôn trọng gần ngang với Mạnh tử.
Tuy nhiên đời Tống và đời Minh vẫn có nhà dùng nhan đề cũ, qua đời Thanh, nhan đề Hàn Phi tử mới thật thông dụng.
Theo Trần Khải Thiên trong Hàn Phi tử hiệu thích (Trung Hoa tùng thư – 1958) thì từ thời Bắc Ngụy tới nay có ít nhất là 30 tác phẩm hiệu đính và chú thích Hàn Phi tử ; mỗi thời tiến bộ hơn một chút, nhưng hiện nay vẫn còn ít chỗ sai hoặc thiếu.
Họ Trần khen bản Hàn Phi tử tập giải của Vương Tiên Thận (đời Thanh) là tập đại thành những bản hiệu thích của người trước, nhưng có chỗ còn sai sót.
Ông cũng có nhắc tới bản Hàn Phi tử bổ tiên của Cao Hanh, nhà này cũng có tiếng, cải chính được nhiều chỗ, phát minh được nghĩa mới, giúp cho ông nhiều, nhưng ông chỉ được đọc trên tạp chí Văn Triết quí san , quyển II, số 3 và 4 (1933) của trường Đại học Vũ Hán, không biết tới nay đã xuất bản chưa.
Ngoài ra hai bản:
- Hàn Phi tập giải các (giác) chứng của Vương Thúc Mãn (Dân)
- Hàn Phi tử tập giải bổ chính của Long Vũ Thuần cũng có chỗ dùng được, nhưng cả hai cũng chỉ mới đăng trên tạp chí.
Chúng tôi chỉ kiếm được 3 bản chữ Hán:
- Hàn Phi tử tập giải của họ Vương: bản này khắc từ năm Quang Tự thứ 22 (1896), không chấm câu, chú thích sơ sài, rất khó đọc.
- Hàn Phi tử bạch thoại chú giải của Diệp Ngọc Lân (Hoa Liên xuất bản xã – không đề in năm nào), chỉ tuyển 33 trong số 55 thiên. Chú thích sơ sài, chỉ được cái lợi là dịch ra bạch thoại, nhưng có nhiều chỗ dịch không chắc đã đúng.
- Hàn Phi tử hiệu thích của Trần Khải Thiên. Bản này quí nhất. Họ Trần đã bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu Hàn Phi tử, thu thập được nhiều bản cũ, tham khảo nhiều nhà, hiệu đính và chú thích lại rất kĩ, đưa ý kiến về vấn đề chân, ngụy của mỗi thiên, cuối bộ lại có phần tiểu sử Hàn Phi, tổng hợp tư tưởng Hàn Phi, sau cùng chép thêm cả những lời phê bình Hàn Phi từ đời Hán tới nay. Toàn bộ gồm trên một ngàn trang khổ lớn. Thật là một tác phẩm rất công phu (tuy hơi rườm) đã giúp chúng tôi được nhiều. Không nhờ một ông bạn – ông Tạ Trọng Hiệp – kiếm giùm cho bộ đó thì chưa chắc chúng tôi đã quyết tâm viết về Hàn Phi.
- Và một bản Việt dịch của Nguyễn Ngọc Huy (Lửa thiêng xuất bản – 1974) gồm hai cuốn. Bản dịch này khá công phu, dùng được[1] , căn cứ vào bản Vương Tiên Thận và có lẽ một phần vào bản Trần Khải Thiên nữa. Ông Nguyễn chú thích kĩ, gồm các chú thích vào cuối mỗi cuốn và cuối bộ lại thêm một bản Mục lục các nhân danh và địa danh, với một bản Mục các đề tài.
Ngoài ra chúng tôi tham khảo thêm ba bộ dưới đây:
- La Formation du Légisme của Léon Vandermeersch (Ecole Française d’Extrême Orient – Paris 1965);
- Trung Quốc chính trị tư tưởng sử của Tiêu Công Quyền - (Trung Hoa Văn hóa xuất bản xã - Đài Bắc 1961);
- Trung Quốc cổ đại chính trị gia của Tần Cảnh Dương (Hoa Quốc xuất bản xã Hương Cảng – 1950)
- Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc của Lã Thiên Vũ – bản Việt dịch của Trần Văn Tân, xuất bản năm 1963 ở Hà Nội, không biết do nhà nào vì mất bìa
2. Nội dung tác phẩm:
Các bản Hàn Phi tử ngày nay đều theo đúng cách trình bày của người xưa, chia ra làm 20 quyển, 55 thiên. Sự xắp đặt các thiên khá tạp loạn, không hợp lí, không theo một qui tắc nào cả. Trần Khải Thiên có sáng kiến sắp đặt lại, chia thành mười quyển theo qui tắc này: những thiên nào quan trọng nhất như Hiển học , Ngũ đố , Nạn thế … đưa lên trên, những thiên kém quan trọng hoặc còn nghi là không phải của Hàn Phi viết thì đưa xuống dưới.
Ngay trong từng thiên, đôi khi nội dung cũng không được nhất trí, chẳng hạn thiên 42 Vấn Điền gồm hai đoạn không liên quan gì với nhau: đoạn trên bàn về lẽ nên đề cử các quan văn cũng như võ từ chức thấp lần lần lên chức cao; đoạn dưới là lời Hán Phi đáp Đường Khê công, đại ý rằng mình đặt ra pháp luật độ số để làm lợi cho dân, dù có bị hôn quân hãm hại cũng can tâm. Thiên 18 Nam diện cũng vậy: phần đầu nói về thuật dùng bề tôi, phần cuối bàn về lẽ không ngại sửa đổi pháp chế thời cổ.
Về nhan đề của mỗi thiên, đa số tóm tắt được nội dung của thiên, như Cô phẫn , Thuế nan , Nhị bính , Bát gian , Bát kinh , Giải lão , Dụ lão , Hiển học, Ngũ đố … , nhưng cũng có nhiều thiên chỉ dùng hai chữ trong câu đầu làm nhan đề, như thiên Vấn Điền đã ghi ở trên. Thiên 52 Nhân chủ cũng vậy: đoạn trên nói về thế, ý nghĩa giống thiên Nhị bính , đoạn dưới nói về sự thù ghét nhau giữa các kẻ sĩ giỏi pháp thuật và bọn quí tộc cầm quyền, ý nghĩa giống thiên Cô phẫn . Nhưng nhan đề là Nhân chủ tức hai chữ ở đầu thiên không liên quan một chút gì với nội dung cả. Những nhan đề như vậy có thể do người sau đặt, chứ không phải của Hàn.
Khuyết điểm thứ nhì là trong một thiên, sự trình bày có khi lỏng lẻo: trên hô mà dưới không ứng như thế là thiếu, hoặc trên không hô mà dưới lại ứng, như vậy là thừa. Chẳng hạn trong thiên 33 Ngoại trừ thuyết tả hạ , có cố sự nêu ra trong phần Kinh mà không thấy giải thích trong phần Truyện; ngược lại trong phần Truyện có những cố sự không liên quan gì tới phần Kinh.
Khuyết điểm thứ ba: có nhiều ý lập đi lập lại một cách vô ích, chứng tỏ rằng Hàn Phi khi viết không bố cục trước, cứ thuận tay nghĩ tới đâu viết tới đó, hoặc có thể do nhiều người chứ không phải một mình Hàn Phi viết. Như thiên 52 Nhân chủ lập lại những ý trong hai thiên 7 Nhị bính và 11 Cô phẫn nên bị nghi ngờ là của người đời sau ngụy tác. Hai thiên 12 Thuế nan và 3 Nan ngôn đều diễn tả nỗi khó khăn, nguy hiểm của bọn biện sĩ muốn thuyết phục các vua chúa. Cách dùng người và nhất là cách thưởng phạt được nhắc đi nhắc lại trong cả chục thiên;
Khuyết điểm thứ tư là tư tưởng có nhiều chỗ mâu thuẫn: chẳng hạn các thiên 49 Ngũ đố , 46 Lục phản , 47 Bát thuyết , 30 Nội, trừ thuyết thượng chê nhân nghĩa; mà thiên 27 Dụng nhân lại có câu đề cao liêm sỉ, nhân nghĩa; thiên 51 Trung hiếu chê Nghiêu Thuấn không biết lễ vua tôi, mà thiên 25 An nguy , 26 Thủ đạo lại đề cao Nghiêu Thuấn; thiên 3 Nan ngôn , thiên 10 Thập quá khen Quan Long Phùng là người hiền, mà thiên 44 Thuyết nghi lại chê Quan là can gián mạnh bạo, muốn thắng vua, hăm chúa, chết là đáng; Ngũ Tử Tư cũng vậy, thiên 3 Nan ngôn , thiên 25 An nguy , thiên 26 Thủ đạo khen, mà thiên 44 Thuyết nghi lại chê.
Do bốn lẽ kể trên: nội dung tạp loạn trình bày không kĩ, cách đặt nhan đề không nhất trí, nhiều ý lập lại, một số tư tưởng mâu thuẫn; và cũng do lẽ lời văn có thiên già dặn như Thuế nan, Cô phẫn , có thiên rất tầm thường như thiên Nhân chủ ; đa số hoàn toàn là văn xuôi, một số ít lại dùng văn vần, số chữ mỗi vế cân nhau (thiên Chủ đạo và thiên Dương giác ) nên học giả nào cũng nhận rằng Hàn Phi tử không phải hoàn toàn của Hàn Phi, mà có nhiều thiên do người sau ngụy tác thêm vào. Vì vậy trước khi nghiên cứu tư tưởng Hàn Phi, chúng ta cần xét thiên nào là chân, thiên nào là ngụy đã.
Công việc này rất khó. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Trần Khải Thiên và Léon Vandermeersch và theo qui tắc, thiên nào nội dung trái với thuyết Hàn Phi thì có thể tin là ngụy mà gạt bỏ đi, thiên nào mà mọi nhà đều bảo là của Hàn Phi thì giữ lại; có những thiên nào tư tưởng hoặc giọng văn còn có điều đáng ngờ thì tồn nghi.
Chúng ta đã có một bản dịch đầy đủ rồi – bản của ông Nguyễn Ngọc Huy – nên trong cuốn này, chúng ta chỉ dịch tất cả những thiên chắc chắn của Hàn và một số thiên nữa, tuy khả nghi nhưng chúng tôi cho là quan trọng thôi.
Để cho những độc giả nào không có bản dịch của ông Nguyễn Ngọc Huy cũng có được một khái niệm về nội dung toàn bộ, chúng tôi tóm tắt trong bản dưới đây ý chính của mỗi thiên và đưa thêm ít nhận xét về sự chân ngụy của từng thiên. Về số thứ tự các thiên, chúng tôi vẫn theo các bản cũ để độc giả dễ kiếm trong các bản chữ Hán.
(Chú thích của người hiệu đính: chỗ này Nguyễn Hiến Lê làm thành 1 bảng kê cứu, mỗi hàng là một thiên, có 4 cột là: Số, Nhan đề, Nội dung, Nhận xét. Vì diễn đàn vnthuquan không hiển thị dạng bảng này được, nên chúng tôi phải chép lại thành hàng dọc. Vậy người đọc cứ nhớ, mỗi thiên như vậy có 4 phần, mỗi phần là 1 lần cách hàng.)
Số: 1
Nhan đề: Sơ kiến Tần
Nội dung: Bài biểu Hàn Phi dâng vua Tần bảo có thể thôn tính thiên hạ, phá thế hợp tung của lục quốc (trong số đó có Hàn) mà thành bá, vì lục quốc kho lẫm rỗng mà quân lính sợ chết.
Tần đã mấy lần mất cơ hội làm bá vì thiếu bề tôi trung. Hàn Phi nguyện làm tôi trung của vua Tần.
Nhận xét: Chắc chắn không phải của Hàn Phi vì nội dung trái với thiên 2. Dung Triệu Tổ và Trần Khải Thiên bảo là của Thái Trạch. Chiến Quốc sách chép là của Phạm Tuy (Tần 1.5)
2
Tồn Hàn
Bài biểu Hàn Phi dâng Tần Thủy Hoàng khi vâng lệnh vua Hàn qua thuyết phục vua Tần đừng đánh chiếm nước Hàn
Có phần chắc chắn là của Hàn Phi, mặc dầu có người ngờ là của người sau chép.
3
Nan ngôn
Bài biểu của Hàn Phi dâng một ông vua (có người bảo là vua Hàn, có người bảo là vua Tần) vạch ra 12 lí do tại sao thuyết phục vua chúa là việc đã khó lại nguy hiểm, và dẫn chứng trong sử đã có hơn 10 người bị cái họa vì nói thẳng.
Chắc chắn của Hàn Phi vì nội dung hợp với thiên Thuế nan mà ai cũng nhận là của Hàn.
4
Ái thần
Cái nguy của vua là bề tôi giàu quá, chư hầu lớn quá. Muốn chế ngự họ, vua phải nhất thiết theo đúng pháp luật, phòng bị trước mà giữ cho họ ngay thẳng.
Tư tưởng rất hợp với Hàn Phi, nhưng lời văn hơi khác cho nên còn ngờ.
5
Chủ đạo
Dùng thuyết vô vi của Lão, thuyết hình danh của Danh và thuyết thưởng phạt của Pháp. Vua phải hư tỉnh, giữ cho hình và danh hợp nhau, thưởng phạt cho đúng
Không phải của Hàn Phi, mà có lẽ của một Đạo gia. Văn có vần, giống văn Hoài Nam tử (theo Lương Khải Siêu)
6
Hữu độ
Đại ý là vua phải dùng phép nước, chứ đừng theo ý mình. Dùng phép thì bề tôi không lấn mình được.
Trong thiên có đoạn nhì và đoạn cuối hơn giống Quản tử mà Quản tử do người đời Chiến Quốc viết, đầu thời Hán thêm thắt. Nên chưa quyết được là của Hàn hay không mặc dầu tư tưởng đều hợp với Hàn Phi.
7
Nhị bính
Nhị bính là hai quyền bính của vua, tức thưởng và phạt. Thưởng phạt thì danh phải hợp với hình, vua phải bỏ ham, ghét đi, đừng có tự ý.
Vì lời văn có chỗ khác với thiên chắc chắn của Hàn, nên còn phải tồn nghi, mặc dầu tư tưởng hợp với Hàn.
8
Dương giác (nhiều bản chép là Dương quyền, hai chữ quyền giác hơi giống nhau)
Dương giác có nghĩa là đưa ra những cốt yếu (của việc trị nước). Đại ý như thiên Chủ đạo. Bàn về thuật vua chế ngự bề tôi. Cũng theo Lão (vô vi), theo Danh (hình danh), theo Pháp (thưởng phạt). Đặc biệt có một đoạn về sự mâu thuẫn quyền lợi giữa vua tôi.
Văn cũng có vần, cứ bốn chữ là một vế như thiên Chủ đạo, nên chắc chắn không phải của Hàn Phi.
9
Bát gian
Xét tám lẽ bề tôi hoá gian; muốn đề phòng thì vua phải dùng thuật nào.
Có lẽ của Hàn Phi, chỉ hơi ngờ ngợ có đoạn nói về việc tiến cử kẻ hiền tài, không hợp với tư tưởng của Hàn Phi.
10
Thập quá
Dùng cố sự để chứng minh mười cái lỗi của vua. Những cố sự đó cũng thấy chép trong nhiều khác như Quốc sách, Hoài Nam tử, Lữ giám… Tư tưởng có vẻ hợp với Hàn Phi.
Bút pháp kém, lời rườm, nên rất đáng ngờ.
11
Cô phẫn
Kẻ sĩ giỏi pháp thuật và bọn quý tộc cầm quyền không thể cùng sống với nhau được. Tranh nhau với bọn quý tộc thì kẻ sĩ sẽ chết. Bọn quý tộc chuyên quyền che lấp nhà vua mà nước sẽ nguy. Cái lợi của chúng với của vua trái ngược nhau.
Chắc chắn của Hàn Phi, viết hồi không được trọng dụng ở Hàn.
12
Thuế nan
Du thuyết là việc khó và nguy hiểm. Những trường hợp nguy vào thân. Chứng cớ trong lịch sử. Cần nhất là phải biết vua chúa thích cái gì, ghét cái gì mà đừng làm cho họ giận.
Chắc chắn của Hàn.
13
Hoà thị
Nội dung giống thiên Cô phẫn . Bọn sĩ đề cao pháp thuật cũng không được mà còn nguy vào thân như người họ Hoà có ngọc bích dâng vua mà bị chặt chân, vì không ai biết là ngọc quí. Dẫn chứng Ngô Khởi và Thương Ưởng bị giết
Chắc của Hàn
14
Gian kiếp thí thần
Bọn gian thần dùng thuật nào để lừa vua? Muốn ngừa họ thì phải giữ “quyền thế” và làm sáng tỏ pháp luật. Phải dùng nghiêm hình, đừng dùng nhân nghĩa.
Tư tưởng hợp với Hàn Phi. Nhưng có một đoạn ở giữa nói về Xuân Thân Quân, Thương Ưởng, Ngô Khởi không có chút liên lạc gì với đoạn trên và đoạn dưới, nên ngờ là của thiên Hoà thị đặt lầm vô đây.
15
Vong trưng
Kể 47 điềm suy vong. Nhưng nếu biết dùng thuật và pháp thì vẫn có thể cứu được.
Tư tưởng hợp với Hàn, trừ điều 43, nói đến cái hiếu của vua chúa với cái hiếu của kẻ thất phu, thì giọng lại không phải của Hàn, nên còn tồn nghi.
16
Tam thủ
Vua phải giữ ba điều: đừng tiết lậu, đừng nghe lời khen chê kẻ khác, đừng giao quyền cho ai, để bề tôi khỏi cướp mất cái danh, công việc và quyền hình phạt của mình.
Không chắc của Hàn nhưng cũng không có xác chứng rằng không phải của Hàn.
17
Bị nội
Bậc vua chúa mà tin người thì sẽ bị áp chế. Ngay vợ con cũng không nên tin. Đừng tin bề tôi mà cho họ có quyền thế.
Có phần tin được là của Hàn.
18
Nam diện
Thuật chế ngự bề tôi: làm rõ pháp luật và xét xem lời nói của bề tôi có đúng với việc làm không.
Đoạn cuối không liên lạc với hai đoạn trên, vì xét về lẽ có thể thay đổi phép cổ.
Có phần tin được của Hàn.
19
Sức tà
Giữ pháp thì mạnh; đừng tin dị đoan cứ thưởng phạt cho đúng, khuyến khích bề tôi bỏ tư tâm mà lo cho nghĩa công.
Đáng ngờ vì có đoạn khen tiên vương, không hợp với tư tưởng Hàn Phi; lại thêm đoạn nói về Tư Mã Tử Phản y hệt một đoạn ở thiên Thập quá. Không phải của Hàn Phi.
20
Giải Lão
Trích một số đoạn Đạo Đức kinh rồi giải thích. Tư tưởng hợp với Lão, trái hẳn với pháp.
Không phải của Hàn.
21
Dụ Lão
Lấy việc cũ để dẫn dụ cho dễ hiểu học thuyết Lão Tử. Xét chung thì tư tưởng hợp với Lão Tử, trừ một vài chỗ hơi hợp với Pháp gia.
Cũng không phải của Hàn.
22
Thuyết lâm thượng
Hàn Phi đọc nhiều sách, gồm trong thiên này và thiên sau một số cố sự cho biết thuật của người xưa; nhiều cố sự chép trong Chiến Quốc sách.
Lương Khải Siêu bảo “hai thiên Thuyết Lâm” cơ hồ như là tài liệu Hàn Phi dự bị để viết các thiên Nội ngoại trừ thuyết ở sau.
Chắc chắn của Hàn
23
Thuyết Lâm hạ
(như trên)
(như trên)
24
Quan hành
Thiên này diễn hai ý: bậc vua chúa phải dùng đạo mà sửa thân mình cho ngay; nhân cái thế mình có được mà tìm cái đạo dễ thi hành, như vậy ít tốn sức mà nhiều kết quả.
Tư tưởng của Đạo gia, không phải của Hàn Phi.
25
An nguy
Có bảy thuật làm cho nước yên ổn và sáu con đường khiến cho nước nguy. Phải nghe can gián của bề tôi trung mặc dầu nó chối tai; phải sửa mình như vua Nghiêu.
Đề cao Nghiêu, Thuấn, trái với tư tưởng Hàn Phi. Không phải của Hàn.
26
Thủ đạo
Phép giữ nước là thường cho hậu và phạt cho thật nghiêm.
Hợp với tư tưởng Hàn Phi, nhưng có câu khen vua Nghiêu sáng suốt, không để lọt kẻ gian, nên chắc của người sau bắt chước Hàn, không phải của Hàn.
27
Dụng nhân
Đại ý: phép dùng người phải theo trời, thuận người và làm rõ việc thưởng phạt. Phải khuyến khích sự liêm sỉ, vời bậc nhân nghĩa tới giúp. Đừng đặt ra việc khó làm, thưởng kẻ dở, phạt kẻ không đáng phạt.
Đề cao liêm sỉ, nhân nghĩa, không phải tư tưởng của Hàn.
28
Công danh
Xét về đạo lập công và thành danh; phải theo thiên thời, nhân tâm, dùng tài năng, dùng quyền thế, địa vị.
Thuyết theo thiên thời và nhân tâm (như thiên trên) không hợp với Pháp gia mà hợp với Đạo gia. Không phải của Hàn.
29
Đại thể
Nhân mệnh trời mà nắm cốt yếu của việc trị nước, khiến cho dân không mắc cái tội rồi (không theo) pháp luật, như cá mắc cái hoạ rời khỏi nước.
Mệnh trời đây là lẽ tự nhiên. Chủ trương theo tự nhiên này của Đạo gia, trái hẳn chủ trương của Pháp gia. Không phải của Hàn.
30
Nội trừ thuyết thượng
Thiên này và năm thiên sau đều gom góp các qui tắc, các cố sự về việc trị nước, để cho vua chúa dùng. Cả sáu thiên cùng theo một lối trình bày: mới đầu đưa ra cái cương yếu làm quy tắc, gọi là phần kinh, sau dẫn những cố sự để giải thích phần kinh, gọi là phần truyện. Thiên này đưa ra bảy thuật về việc xem xét cho đủ, thưởng phạt cho nghiêm và minh, nghe hết lời bề tôi trình bày giả vờ ra lệnh, tập hợp các nguồn tin, đổi lời, tráo việc để biết tình gian của bề tôi.
Có học giả cho phần kinh là của Hàn, phần truyện là của người sau; nhưng cũng có học giả cho rằng cả hai phần kinh và truyện đều của Hàn, chỉ những chỗ: “nhất viết”: (có thuyết khác bảo) mới là của người sau. Vậy ta có thể coi 6 thiên đại khái là của Hàn. Thiên nào cũng kết cấu chặt chẽ, có giá trị về luận thuyết, trừ vài chỗ chép thiếu có trong truyện mà không có trong Kinh hoặc ngược lại.
31
Nội trừ thuyết hạ
Nhận định chung như trên. Thiên này nói về sáu điều bậc vua chúa phải dò xét: quyền giao cho kẻ dưới, lợi của vua tôi khác nhau, kẻ dưới dựa vào sự dối trá, lợi hại đều có bề trái, địa vị không rõ ngoại quốc can thiệp vào việc nước mình.
Nhận định chung như trên.
32
Ngoại trừ thuyết tả, thượng
Đưa ra 6 thuật trị nước dùng người; xét xem hành động của bề tôi có hợp với lời nói hay không, xem lời có thực dụng không, đừng khen tiên vương, không tự làm thì dân không tin, đừng dùng kẻ sĩ bàn suông, phải giữ chữ tín, rồi mới hành pháp.
nt
33
Ngoại trừ thuyết tả, hạ
Lại đưa ra 6 thuật nữa: thưởng phạt cho đúng, trông cậy vào thế và thuật của mình, cứ theo khả năng mà dùng người, đừng cho bề tôi quá xa xỉ hoặc quá biển lặn…
nt
34
Ngoại trừ thuyết hữu thượng
Lại đưa ra 3 thuật nữa: bề tôi nào không cải hoá được thì giết đi, đừng để lộ sự thích và ghét của mình, người thân cũng theo pháp mà trị.
nt
35
Ngoại trừ thuyết hữu hạ
Lại đưa ra 5 thuật nữa: về sự thưởng phạt, đừng tin bọn biện sĩ, trị quan lại chứ không trị dân, tuỳ theo việc mà làm
nt
36
Nạn nhất
Thiên này và ba thiên sau đều chỉ trích hành động của một số nhà cầm quyền và học giả thời xưa, như Khổng Tử, Quản Trọng, Tề Hoàn công, Án tử, Tử Sản.v.v. Để làm rõ chủ trương của Pháp gia.
Chẳng hạn thiên này chủ trương: ra trận thì cần phải gian trá, trị dân thì cứ giữ cái “thế” mà ra lệnh, không cần phải cải hoá dân, không công thì không nên thưởng, vua phải giữ đạo vua, bề tôi phải giữ đạo bề tôi, có tội thì phải trị không tha.
Chắc chắn của Hàn Phi.
37
Nạn nhị
Nhận định chung như thiên trên. Đại ý: hình phạt mà xứng với tội thì không ngại nhiều, không xứng đáng với tội thì mới là nhiều; đừng nên nhân từ, phải dùng hình danh thống nhất, sự đo lường để làm tiêu chuẩn; thu được nhiều hoá vật vị tất đã là tốt.
Duy có đoạn 3 có câu “theo đạo thì nên vô vi, đừng cho thấy" cơ hồ hợp với đạo gia hơn là pháp gia.
38
Nạn tam
Nhận định chung như thiên 36. Đại ý: phải phạt kẻ giấu cái ác, thưởng kẻ tố cáo bọn gian tà, đừng nghe lời giả dối của bề tôi, đừng cho bề tôi lấn vua, phi tần lấn Hoàng hậu, con thứ lấn con cả, pháp phải ban bố rõ ràng, thuật thì đừng nên cho người ta biết…
Chắc chắn của Hàn Phi.
39
Nạn tứ
Nhận định chung như thiên 36. Đại ý: vua giữa phận vua, bề tôi giữ phận bề tôi; vua nên nghiêm khắc mà sáng suốt; giận và ghét phải đúng lúc…
nt
40
Nạn thế
Phê bình và bổ túc thuyết giữ “thế” (tức chủ quyền) của Thận Đáo.
nt
41
Vấn biện
Thiên này dùng để vấn đáp, khác hẳn các thiên trên. Hàn Phi ghét không khí tranh biện thời Chiến Quốc. Hàn tìm cách ngăn sự tranh biện: vua cứ coi hành vi của bề tôi xem có công dụng không, ngôn hành phải có ích mới được; hễ bàn bạc mà không hợp với pháp lệnh thì trị tội.
Chắc chắn của Hàn Phi.
42
Vấn Điền
Thiên này gồm hai đoạn không liên lạc gì với nhau. Đoạn trên diễn ý: dùng người thì đừng đề cử ngay lên một chức cao, để cho người đó tiến lần lần từng cấp. - Đoạn dưới bảo Hàn Phi định pháp thuật để làm lợi cho dân, dù có bị tội cũng không ân hận.
Đoạn dưới nhất định không phải của Hàn Phi, mà do người sau viết. Do đó đoạn trên cũng đáng ngờ.
43
Định pháp
Hàn Phi phê bình Thân Bất Hại về “thuật” và Thương Ưởng về “pháp”, bảo phải dùng cả hai thuyết đó, thiếu một không được.
Có phần chắc chắn là của Hàn Phi.
44
Thuyết nghĩ
Xét về thuật dùng bề tôi. Phải cấm bề tôi có lòng gian, có lời gian, có hành vi gian. Năm hạng người không dùng được.
Nên cấm 5 cái gian, phá 4 cái tương tự như nhau so sánh với nhau, chống đối nhau (con vợ lẽ với con đích, thiếp với thê, bề tôi với tướng quốc, bề tôi được vua yêu với vua), đừng để sinh loạn.
Thế văn có vẻ như luận thuyết lại có vẻ như một bài biểu, nên còn tồn nghi.
45
Ngụy sử
Ba đạo trị nước là lợi, uy và danh. Vậy mà người đương thời lại trọng những kẻ trái với đạo trị nước như cao, hiền, trung, liệt, dũng mà khinh hạng người làm lợi cho nước.
Cho nên cách thưởng phạt cũng ngược đời hết. Nguyên tắc là phải đặt ra pháp lệnh, để bỏ cái riêng tư.
Chắc chắn của Hàn Phi.
46
Lục phản
Sáu hạng người đáng phạt mà dân lại khen (là môn đồ Lão, Nho, Âm dương gia, Danh, Mặc…) ngược lại sáu hạng người đáng thưởng thì bị chê. Ai cũng tham lợi, cha con cũng chỉ nghĩ tới tư lợi. Cho nên phải dùng hình pháp cho nghiêm, phải xét hành vi và lời nói phù hợp nhau không.
Chắc chắn của Hàn Phi.
47
Bát thuyết
Tám hạng người không nên dùng. Dùng người phải có thuật nghe bề tôi tố cáo lẫn nhau. Lập pháp phải theo thời theo việc. Thời đó không dùng nhân ái được. Đừng cho sủng thần ra lệnh.
Cũng có phần chắc là của Hàn Phi., nhưng nội dung thiên này hỗn tạp.
48
Bát kinh
Tám thuật trị nước: thưởng phạt, nghe ý của mọi người, phòng gian, cách xét bề tôi, phải bí mật…
Nội dung hợp với thuyết của Hàn Phi, nhưng hình như nguyên văn thiếu sót người sau thêm vào, nên khó hiểu.
49
Ngũ đố
Năm hạng mọt dân: nho gia, biện sĩ, hiệp sĩ, bọn thị thần, bọn công và thương. Quan trọng nhất là lịch sử quan của Hàn Phi: thời dị tắc sự dị, sự dị tắc biến, và chủ trương: đĩ pháp vi giáo, dĩ lại vi sư.
Chắc chắn của Hàn Phi. Lý Tư từng dùng ý trong thiên này.
50
Hiển học
Đả đảo các thuyết nổi danh, có thế lực đương thời: Khổng và Mặc, Nho và hiệp sĩ (Mặc gia) không cày ruộng, không đánh giặc, vô dụng. Đạo Nho vu khoát, không cần dùng nhân nghĩa, chỉ cần sức mạnh.
nt
51
Trung hiếu
Ý chính là trọng pháp chứ không trọng hiền. Đả Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ là bất trung bất hiếu (trung, hiếu theo quan niệm Pháp gia).
Nội dung tạp: đoạn cuối đả bọn Tung hoành gia, không liên lạc với các đoạn trên. Chắc chắn là của Hàn.
52
Nhân chủ
Ý như hai thiên Nhị bính và Cô phẫn: bề tôi mà có thế mạnh hơn vua thì nguy cho vua; bọn sĩ đề cao pháp luật là kẻ thù của bọn quý tộc cầm quyền thời đó.
Lời văn kém. Chắc là người sau viết thêm.
53
Sức lệnh (Chỉnh lý hiệu lệnh cho nghiêm chỉnh)
Cũng lại xét về cách thưởng phạt: hình phải nghiêm, thưởng nên ít; có chiến công mới cho quan tước.
Ý và lời nhiều chỗ giống Thương quân thư (tương truyền của Thương Ưởng nhưng không chắc Thương Ưởng viết); vì vậy còn ngờ, không biết của ai, sách nào chép của sách nào.
54
Tâm độ
Tâm đây là lòng dân. Lòng dân thích loạn; ghét khó nhọc nên thưởng phải sáng suốt, hình phải nghiêm. Vua phải ngăn kẻ địch bên ngoài, chặn tư tâm tư ý của bề tôi bên trong, chỉ trông cậy nơi mình thôi.
Ý thì giống Hàn Phi mà lời thì khác. Nên còn tồn nghi.
55
Chế phân
Bàn về pháp chế định thưởng phạt, và phân biệt công với tội. Hình, thưởng nên nặng và phân minh. Bắt dân phải cáo gian, liên đới chịu trách nhiệm. Không được bỏ pháp luật mà dùng trí tuệ.
nt
Chú thích:
[1] Chúng tôi có nhiều điểm không đồng ý với ông Nguyễn, nhưng ngay các nhà hiệu chú Trung Hoa tới nay vẫn chưa có ai hoàn toàn đồng ý với ai thì bản dịch của ông và của chúng tôi sẽ phải có những điểm khác nhau, không thể tránh được.