THIÊN XLV
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Thuật[2] trị nước của thánh nhân gồm có ba : 1, dùng lợi (tức bổng lộc, thưởng); 2, dùng uy; 3, dùng danh (tức quan tước, khen chê). Lợi để mua chuộc dân, uy để thi hành lệnh, danh để trên dưới cùng theo (cùng trọng)[3] . Ngoài ba thuật đó ra, tuy còn những thuật khác, nhưng không gấp bằng. Nay lợi tuy có mà dân không cảm hoá theo vua, uy tuy còn mà dân không nghe, quan chức tuy có luật định mà thực (chức) không hợp với danh (tước)[4] . Ba cái đó đều còn đấy mà đời thì cứ trị rồi loạn, loạn rồi trị là tại sao? Tại cái mà vua quí thường trái với cái làm cho nước trị.
*
Đặt ra danh hiệu để tôn trọng, thế mà nay có kẻ coi thường cái danh, khinh rẻ cái thực (của quan tước), thì đời lại cho cao thượng; đặt ra tước vị để làm tiêu chuẩn cho sự sang hèn, thế mà kẻ xa lánh bề trên, không cầu được yết kiến thì đời lại cho là hiền nhân; dùng uy và lợi là để dân thi hành mệnh lệnh, thế mà kẻ không ham lợi, coi thường cái uy thì đời cho là đáng trọng; ban bố pháp lệnh để trị nước, thế mà kẻ không tuân pháp lệnh, làm những điều họ riêng cho là thiện[5] thì đời lại cho là trung; đặt ra quan tước để khuyến khích dân, thế mà kẻ thích danh nghĩa, không chịu làm quan thì đời lại cho là liệt sĩ; đặt ra hình phạt để nắm cái uy, thế mà kẻ khinh pháp luật, không tránh hình phạt, tội chết thì đời gọi là dũng. Dân cầu danh[6] hơn cầu lợi như vậy thì kẻ sĩ nghèo đói túng thiếu làm sao không vô núi ở, chịu khổ thân để tranh danh với thiên hạ cho được? Cho nên đời sở dĩ không trị, không phải do tội của kẻ dưới mà do bề trên bỏ mất cái thuật, thường quí cái làm cho nước loạn, khinh cái làm cho nước trị, mà cái kẻ dưới muốn thường trái ngược với cái bề trên (phải) dùng mới trị nước được. Nay cái cần gấp cho bề trên là người dưới nghe theo mình, thế mà kẻ đôn hậu, cung kính, thuần lương, thành tín, hết lòng dạ, dè dặt lời nói thì cho là bần tiện, quê mùa; kẻ giữ chặt pháp luật, tuân lệnh răm rắp thì cho là ngu; kẻ kính bề trên, sợ tội thì cho là khiếp nhược, kẻ nói đúng lúc và vắn tắt, làm hợp với đạo trung thì cho là bất tiếu (dở); kẻ không hai lòng, không theo cái học tư[7] mà nghe lời quan lại, theo sự giáo hoá của nhà nước, thì bị gọi là hủ lậu; kẻ không vời thì không tới, gọi là chính; kẻ thưởng cũng không nhận thì gọi là liêm; kẻ khó ngăn cấm thì gọi là đàng hoàng; kẻ được lệnh mà không nghe thì được gọi là dũng; kẻ không cầu người trên thưởng, gọi là ít lòng dục; kẻ rộng rãi ban ân huệ, gọi là nhân từ; kẻ trịnh trọng tự tôn, gọi là trưởng giả[8] ; kẻ hợp nhau theo cái học tư, gọi là thầy trò; kẻ nhàn nhã ở yên gọi là suy tư sâu sắc; kẻ hại người trục lợi gọi là lanh lợi; kẻ gian hiểm trái trở lại gọi là trí; kẻ trước vì người, sau mới vì mình, coi mọi người đều là đồng loại[9] , đưa ra thuyết phiếm ái (yêu khắp mọi người), gọi là thánh; kẻ mà lời nói thì không hợp lí, không thể dùng được, hành vi thì trái với thế tục, gọi là đại nhân; kẻ khinh tước lộc, không phục tòng bề trên, gọi là hào kiệt. Bề dưới mà theo nhau làm như vậy thì trong đời tư làm loạn dân, ra làm quan bề trên sẽ không sai khiến được. Bề trên nên cấm ý muốn, diệt "dấu vết" của họ, (như vậy) họ còn không chịu ngừng thay; (huống hồ) còn theo họ, tôn trọng họ[10] thì tức là dạy kẻ dưới làm loạn bề trên, mà lại cho là trị nước!
Hình phạt là cái bề trên dùng để trị dân, mà nay kẻ tự thi hành việc nghĩa (ân huệ) ở ngoài pháp luật lại được tôn trọng.[11] Nhờ yên tĩnh mà xã tắc đứng được, thế mà kẻ gian hiểm, gièm pha, a dua lại được bổ nhiệm. Trong nước, dân sở dĩ nghe theo bề trên là vì tin trên và có đức, thế mà kẻ gian dối phản phúc lại được làm quan lại. Lệnh sở dĩ được thi hành, uy sở dĩ lập được là vì dân cung kính nghe bề trên, thế mà kẻ ở trong núi, mạt sát đời lại được vinh hiển. Kho lẫm đầy là nhờ nghề gốc, tức canh nông; thế mà kẻ làm những nghề ngọn như dệt gấm vóc, chạm vẽ lại giàu. Danh sở dĩ thành được, đất sở dĩ mở rộng được là nhờ chiến sĩ, mà nay con côi của tử sĩ chết đói xin ăn ngoài đường, còn bọn hề, kép hát, rượu chè lại ngồi xe mặc đồ lụa. Thưởng lộc là để cho dân tận lực, kẻ dưới dám liều chết, mà nay kẻ sĩ chiến thắng chiếm được thành địch, công lao khó nhọc mà không được thưởng, còn bọn bói toán, coi chỉ tay, dùng lời để mê hoặc nịnh hót vua thì ngày nào cũng được ban ơn. Bề trên cầm pháp độ để chuyên nắm quyền sinh sát trong tay, mà nay kẻ sĩ giữ trung can gián[12] vua thì không được yết kiến, còn kẻ khéo nói bẻm mép, dùng mưu gian, may mắn mà thành công thì lại thường được vua vời. Căn cứ vào pháp luật mà nói thẳng, danh với thực[13] hợp nhau,theo đúng lằn dây mực[14] , giết kẻ gian để bề trên trị nước, thì càng ngày càng bị bề trên xa cách; còn kẻ xiểm nịnh, thuận theo ý, chiều lòng dục của bề trên khiến cho nước nguy thì lại được gần gũi bề trên. Thu hết thuế, dùng hết sức dân là để phòng tai nạn (tức giặc), làm cho kho lẫm được đầy; thế mà những sĩ tốt bỏ bổn phận, trốn lánh, dựa vào các nhà có uy quyền để tránh xâu, thuế, bề trên không bắt được, nhiều có tới số muôn. Bày những ruộng tốt, nhà đẹp ra là để khuyến khích chiến sĩ, thế mà kẻ bị chặt đầu banh bụng, phơi xương nơi đồng hoang, khi tòng chinh không có nhà để ở, chết rồi ruộng bị chiếm đoạt[15] , còn kẻ cho con gái, em gái đẹp và bọn đại thần, tả hữu không có công lao gì thì được chọn nhà mà lãnh, chọn ruộng mà hưởng. Việc thưởng lợi chỉ do bề trên ban ra là để chế ngự người dưới, thế mà chiến sĩ không được ban chức còn kẻ ở không thì được tôn hiển. Bề trên giáo hoá dân như vậy thì danh làm sao không bị hạ thấp, địa vị làm sao không bị lung lay. Danh bị hạ thấp, địa vị bị lung lay thì kẻ dưới sẽ không tin pháp lệnh, sinh ra hai lòng, theo cái học riêng tư phản nghịch lại xã hội, như vậy mà không cấm hành động của họ, phá tan bè đảng của họ, lại còn theo họ mà tôn trọng họ, cầm quyền như vậy là lầm lớn! Bề trên đặt ra sự liêm sỉ là để khích lệ kẻ dưới, mà nay kẻ sĩ và đại phu không xấu hổ vì nhơ nhớp, thối tha nhục nhã thì được làm quan, kẻ nhờ bọn con và em gái đẹp thì được nhảy bậc. Ban thưởng là để cho được quí trọng, thế mà các chiến sĩ có công thì nghèo hèn còn bọn sủng ái, kép hát thì được vượt bực. Danh hiệu mà thành tín (hễ có quan tước thì có thực quyền) là để bày tỏ cái uy, thế mà vua bị che lấp, kẻ thân cận và các sủng phi đều tự chuyên, nắm quyền ban phát tước lộc, đổi chỗ thăng giáng các quan lại, cầm quyền như vậy là lầm lớn. Đại thần khi bổ nhiệm ai làm quan thì mưu tính trước với kẻ đó, lập phe đảng không theo pháp luật, như vậy là uy và lợi nằm trong tay kẻ dưới (đại thần), vua bị hạ thấp mà hạ thần được tôn quí.
Đặt ra pháp lệnh là để bỏ cái riêng tư, hễ pháp lệnh được thi hành thì cái đạo riêng bị phế. Riêng tư là cái làm loạn pháp. Kẻ sĩ có hai lòng, theo cái học riêng, ở trong núi, trong hang, mượn cớ để tìm những ý sâu xa, lớn thì mạt sát đời, nhỏ thì mê hoặc kẻ dưới mà bề trên không cấm lại mà còn theo, tặng họ danh hiệu tôn quí cùng tài sản, như vậy kẻ không có công thì được vinh hiển, kẻ không làm lụng khó nhhọc thì được giàu có. Như vậy kẻ sĩ có hai lòng, theo cái học riêng làm sao mà khỏi cố tìm ra những ý mà họ cho là sâu xa, gắng dùng lời xảo trá để phỉ báng pháp lệnh, tự tạo ra cái thế để chống lại với đời? Những kẻ làm loạn bề trên, chống lại với đời thường là những kẻ sĩ có hai lòng theo cái học riêng. Cho nên sách có câu[16] : "Làm cho trị là pháp luật, làm cho loạn là cái riêng tư; pháp luật đặt ra rồi thì không ai còn làm điều riêng tư được nữa” Vì vậy mà "theo cái riêng tư thì loạn, theo pháp luật thì trị". Bề trên không theo đúng đạo (thuật), thì kẻ trí có những lời nói riêng tư, kẻ hiền có những ý nghĩ riêng tư, bề trên ban những ân huệ riêng tư, kẻ dưới có những ham muốn riêng tư. Những kẻ được tiếng là thánh, trí lập thành đám đông, lập thuyết giảng học, để chê bai pháp luật trước mặt bề trên đã không cấm chỉ lại còn theo mà tôn trọng, như vậy là dạy kẻ dưới không nghe lời bề trên, không tuân pháp luật, thành thử người hiền nổi danh mà không làm quan, kẻ gian nhờ được thưởng mà giàu có, cho nên bề trên không chế ngự được kẻ dưới.
Chú thích:
[1] Chữ ngụy , chính ra phải đọc là quỉ , có nghĩa là trái, lầm. Sử là sai khiến, ở đây trỏ việc trị nước. Trần Khải Thiên giảng ngụy sử là trái với đạo trị nước.
[2] Nguyên văn là đạo , tức cách trị nước, thuật trị nước.
[3] Rốt cuộc cũng chỉ là hai thuật: thưởng (bằng lợi, danh) và phạt (dùng uy).
[4] Có thế hiểu là cái mà vua quí (danh) không hợp với cái mà sự trị nước cho là quan trọng (thực).
[5] Chẳng hạn lòng nhân từ của đạo Nho, lòng nghĩa hiệp của đạo Mặc, Nho, Mặc cho là "thiện"(tốt) nhưng chính quyền theo Pháp gia, cho là xấu.
[6] Cầu danh ở đâu là cầu cho được đời gọi là trung, là liệt sĩ, dũng… chứ không phải cầu được chức tước, được chính quyền khen.
[7] Pháp gia chủ trương dân phải học pháp luật do quan lại dạy, cái học đó là học công, còn ngoài ra (như Nho học, Mặc học, Lão học… ) đều là học tư hết.
[8] Trưởng giả thời đó có nghĩa kính trọng như trưởng thượng.
[9] Nguyên văn: “loại danh hiệu ngôn”, chúng tôi hiểu theo Trần Khải Thiên, có người dịch là: đặt ra các danh hiệu.
[10] Có người chấm câu khác và giảng là: lại không ngăn chặn họ mà còn theo họ.
[11] Theo Pháp gia thì bọn đó đáng trừng trị.
[12] Nguyên văn là anh , tức là xúc phạm. Đoạn này Hàn Phi chủ trương vua phải có đức, bề tôi trung phải can gián vua, tư tưởng mâu thuẫn với các thiên khác, nên người ta ngờ rằng viết từ lúc đầu, khi Hàn Phi mới thôi học Tuân Tử và trở về nước Hàn, sau tư tưởng ông thay đổi đó không có gì lạ. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng các thiên khác ông chê bọn trung thần can gián vua theo quan niệm Nho gia, như Tỷ Can, Ngũ Tử Tư… vì theo ông họ muốn uy hiếp vua; còn ở đây ông trách vua không nghe lời nói thẳng của kẻ sĩ có pháp thuật như ông.
[13] Nguyên văn là danh với hình.
[14] Nghĩa là không vượt ra ngoài phép tắc.
[15] Thời đó không phát tiền lương cho quân sĩ nhưng cấp cho họ “lộc điền” để gia đình họ cày cấy mà ăn.
[16] Nguyên văn là bản ngôn . Theo Trần Khải Thiên, Hàn Phi ám chỉ một cuốn sách của pháp gia khá lưu truyền thời Chiến Quốc, sau thất truyền.