watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tuấn, chàng trai đất Việt-Chương 23 - tác giả Nguyễn Vỹ Nguyễn Vỹ

Nguyễn Vỹ

Chương 23

Tác giả: Nguyễn Vỹ

1924

-Một ông Quan tỉnh tặng ông Sứ Tây sắp về nghỉ phép ở Pháp một chiếc xe kéo và cả người cu-li để về Pháp ông xử dụng.
-Vua Khải Định có ý đem theo một chiếc xe kéo sơn son thếp vàng qua Pháp để Vua ngự du trong kỳ Hội Chợ Thuộc địa ở Marseilles.
-Công chức dùng "đồng hồ trái quít" đeo trên túi áo. Chưa có đồng hồ đeo tay.
-Phong trào đi xe máy bắt đầu thịnh hành. Lần đầu tiên thanh niên tập đi xe máy
-Một bài "Dictée" (chánh tả) thi Tiểu-học Pháp-Việt.
-Một kỳ thi vấn đáp : 100 quan tiền 6 cô (San Francisco)
-Bức trướng tặng Thầy trước khi từ giã mái trường, và 10 năm sau.
-Tình bạn giữa đôi nam nữ học sinh.
Năm 1924, ở các thủ đô các tỉnh An Nam đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều những món nhật dụng mà trước đây một vài năm còn rất hiếm hoi. Các thầy Thông, thầy Ký đã sắm xe máy ( ngoài Bắc :xe đạp ), mà hầu hết là xe hiệu Hirondelle (chim én ) do hãng Manifactures d' Armes et de Cycles de Saint Etienne ở Pháp sản xuất.
Saint Etienne là tỉnh lỵ của tỉnh Loire, ở phía Nam thành phố Lyon cách không xa, là nơi sản xuất nhiều nhất các dụng cụ máy móc về sắt và thép, Tuấn-em để ý thấy hầu hết các đồ dùng văn minh mới lạ, đẹp và bền của người An nam lúc bấy giờ đều có ghi sản xuất là Saint Etienne . Cho đến nổi dụng cụ học sinh : bút chì, ngòi bút, quyển vở, tẩy, compas, équerre, double décimètre v.v... Cũng đều gởi mua tận bên Pháp, ở Saint Etienne . Cách gởi duy nhất là bằng tàu thủy, ba tháng hàng mới về. Lúc bấy giờ chưa có đường hàng không nào nối liền các xứ Đông Dương và Pháp.
Xe đạp do Pháp quốc gởi qua đã nhiều, và luôn luôn là các thầy Thông, thầy Ký có trước. Tuy nhiên, vì mới lạ nên nó vẫn được người chủ nó quý chuộng, nâng niu săn sóc, lắm khi còn hơn đứa con cưng.
Thầy Thông Hồ ở cạnh nhà Tuấn, làm việc ở sở Kiểm Lâm, bắt chước các thầy khác thuê thợ mộc đóng một cái kệ để gác chiếc xe đạp của thầy. Đường đi từ nhà thầy đến sở, quanh co, gồ ghề (đường phố trong tỉnh chưa tráng nhựa) thầy đạp đi rất chậm, sợ hư bánh xe. Đi làm về thầy xuống xe nhè-nhẹ, rồi hai tay nâng chiếc xe lên kệ gỗ. Nghe thầy bấm chuông leng-keng, tức thì vợ thầy, cô Thông Hồ, còn trẻ và đẹp, cầm một nùi giẻ ra lau chùi chiếc xe, từ cặp niềng cho đến bàn đạp. Nhờ hai vợ chồng gìn giữ chiếc xe cẩn thận như thế, mà bốn năm sau, Tuấn thấy chiếc xe của thầy vẫn láng mướt, còn mới tinh như lúc mới mu . Thời bấy giờ không có nạn ăn cắp xe nên xe không khóa, và không cần khóa. Đa số các thầy Ký đều có đóng kệ để gác xe như thầy Hồ, và gia đình nào sắm được chiếc xe máy cũng hãnh diện đôi chút, như ngày nay những người làm việc ít tiền ráng dành dụm sắm chiếc deux - chevaux...
Nhất là ở thôn quê, xe đạp được coi như là biểu hiện của văn minh tiến bộ. Các nhà thi sĩ ở Trung và Nam kỳ đã đặt cho nó biệt hiệu vinh dự là "con ngựa Sắt" cũng như bên Pháp lúc chiếc xe đạp mới ra đời được công chúng suy tôn là "La petite Reine" ( Tiểu Hoàng Hậu ). Một người đạp xe máy chạy trên đường làng, bóp chuông leng-keng... leng-keng, thế là con nít từ dưới các mái nhà tranh chạy nhao nháo ra ngõ đứng xem.
Mấy cậu học trò đi coi mắt vợ ở làng xa, cứ đi xe đạp đến nhà gái là được các cô thôn nữ ưng ý liền. Trai trong làng không biết đi xe máy, và biết bao giờ họ mới sắm được chiếc xe máy ? Các câụ học trò ở tỉnh, ở huyện, ngồi trên yên xe còn oai hơn là ông Nghè ngồi trên yên ngựa vinh quy bái tổ hồi xưa, nghĩa là cách đây chưa quá 30 năm.
Tuy nhiên, chỉ có thầy Thông, thầy Ký làm việc được ít lương, các nhà buôn bán, tư chức, và học trò là thích đi xe đạp.
Hầu hết các thầy Phán làm được lương cao, và các thầy Trợ giáo lại thích đi bộ. Vì theo quan niệm của các thầy lúc bấy giờ ngồi trên yên xe máy và khom lưng đạp lia liạ cho xe chạy, là mất vẻ đạo mạo, đứng đắn. Cho nên nếu dư tiền, thì các thầy sắm xe kéo nhà, ngồi bệ vệ trong xe để cho người "cu-li" kéo. Nếu ít tiền ( như đa số ) thà đi bộ, với một lũ học trò năm bảy đứa cung kính đi theo sau, còn oai hơn, và thanh nhã hơn.
Xe đạp, tuy là văn minh, là tiện lợi, nhưng ngay từ lúc mới nhập cảng sang xứ ta, nó đã bị coi như là một loại xe bình dân, mà những người trưởng giả không thích dùng. Vả lại mấy thầy mặc tòan là quốc phục, áo dài đen quần vải quyến hoặc lụa trắng, chưn mang giầy Hạ, mà đi xe đạp thật là bất tiện. Phải kẹp ống quần để nó khỏi vướng vào giây chaîne, phải kéo tà áo ra phía trước và nhét nó vào lưng quần để nó khỏi thòng xuống garde-boue, phải kéo cả tà áo trước lên cao quá đầu gối, để nó khỏi bị dính dầu mỡ nơi giây chaine, tất cả ngần ấy chuyện đã là rắc rối, mà xem bộ tịch của thầy như thế kia lại không còn vẻ gì oai vệ như nhà mô phạm nữa. Trông chẳng hơn nào chú lính lệ cho quan Tuần, quan Án.
Chính vì những lý do danh dự ấy mà đa số các thầy Trợ giáo cũng như các thầy Thông, thầy Phán làm việc ở các sở các tòa đều không ưa đi xe đạp.
Riêng Phán Tuấn lại nghĩ khác. Tuấn là "quan Phán đầu tòa", cao nhất trong các ngạch công-chức An-nam toàn tỉnh, và là quan Phán được cụ Sứ tin cậy nhất, nên uy tín còn có khi hơn cả các quan An-nam, nhưng Tuấn lại ghét những gì quan cách, những "trưởng giả học làm sang". Tuấn đã nhất định không sắm xe kéo nhà. Có lần ông già của Tuấn hỏi tại sao, Tuấn bảo :
- Con là thanh niên, con ngồi trên xe để cho một người gìa cả khom lưng kéo như trâu, như ngựa, con không đành lòng.
-Mấy thầy vẫn ngồi xe kéo đó thì sao ?
- Tại mấy thầy không nghe ông Sứ nói...
- Ông Sứ nói sao ?
- Một hôm con hỏi ổng bên Pháp có xe kéo không, ông Sứ trả lời rằng : "Người Pháp đã văn minh lắm, ở Pháp một con người là một con người, chứ không phải là một con ngựa". Nghe thế là con hiểu ý ổng chê người "An-nam" mình còn dã man, con người mà đi kéo xe như con ngựa. Cho nên con nhất định không đi xe kéo.
- Vậy sao ông Sứ vẫn thường ngồi xe kéo, do người lính An-nam kéo !
- Ông Tây thấy người cu-li An-nam kéo xe như ngựa thì ổng ngại gì mà không ngồi xe cho An-nam kéo, như mấy ông quan An-nam và những người An-nam khác.
Một lần trước, ông Tuần-vũ nghe tin ông Sứ sắp về Pháp nghỉ 6 tháng, ông Tuần đến thăm, và nói muốn tặng quan lớn một chiếc xe kéo mới tinh, và cho một người lính lệ theo hầu Quan Lớn để về Paris thằng lính nó kéo xe cho quan lớn đi chơi, thì ông Sứ cười sặc sụa và cảm ơn ông Tuần :"Quan Lớn có lòng tốt, tôi rất cảm động nhưng nếu dân chúng ở Paris thấy một người ngồi trên xe do một người khác kéo, thì họ sẽ cho rằng cả hai người là hai thằng điên... Vì thế nên khi Hoàng Đế Khải Định sắp sang Pháp dự cuộc đấu xảo ở Marseilles, Ngài tỏ ý với quan Khâm Sứ rằng Ngài muốn đem theo một chiếc xe kéo của Ngài, sơn son thếp vàng thật đẹp, để lúc sang bên Pháp, lính An-nam sẽ kéo Ngài đi xem thành phố, thì quan Khâm Sứ liền kính cẩn khuyên Ngài đừng nên thực hiện ý định ấy... "
Năm 1924, tại các tỉnh miền Trung, xe kéo bánh sắt vẫn còn. Nhưng bánh cao su đã thay thế bánh sắt khá nhiều. Xe bánh sắt chỉ có hạng ít tiền đi thôi. Ở các tỉnh thành lớn cứ độ 10 xe kéo bánh cao su cũng còn 2,3 xe bánh sắt.
Đồng hồ, thì tất cả các thầy Thông, thầy Ký, thầy Giáo đều có. Vì sự bắt buộc phải có đồng hồ để làm việc đúng giờ, nên mặc dầu đắt giá, các thầy cũng ráng sắm mỗi người một chiếc. Nhưng năm 1924, đồng hồ đeo tay chưa có nhiều. Chỉ được thông dụng loại đồng hồ bỏ túi, gọi là "đồng hồ trái quít ", tuy hình thức nó không phải tròn vo như trái quít, mà tròn dẹp, có sợi giây và cái khoen để đeo vào khuy áo.
Tuấn-em, cũng như tất cả học trò lớn ở trường tỉnh, đều ao ước được xe máy. Phán Tuấn có mua một chiếc, ngày hai buổi đạp đi đạp về, rất tiện lợi. Buổi tối chàng tập cho Tuấn-em đi. Hai đêm đầu, Tuấn-em cứ ngã luôn, có lần té vấp một bụi duối bị gai cào trầy cả mặt mũi. Nhưng đêm thứ ba, trò Tuấn đã đi được một mình, khỏi phải nhờ anh đỡ cái yên chạy theo sau. Từ đấy, cứ buổi trưa, mặc dầu nóng oi-ả, trò Tuấn cứ lấy xe máy của anh đạp chạy một vòng quanh các phố. Buổi trưa, các thành phố đều im lặng, không náo nhiệt như ngày nay . Trừ tiếng chuông xe máy và "lục lạc" xe kéo, không có tiếng ồn ào khác. Xe hơi vẫn còn ít, ít lắm. Trừ đôi ba chiếc của quan Tây, còn thì quan An-nam vẫn thích ngồi xe nhà, thường thường là xe sơn đen, bóng loáng, hoặc sơn đỏ sẩm, màu rượu bordeaux. Cũng còn nhiều ông quan An-nam đi xe song mã.
Tư gia không ai dùng xe hơi. Nhà giàu không dám sắm, sợ các quan ghen ghét. Nhất là Hoa-kiều, vì hầu hết các nhà buôn lớn nhất ở các tỉnh đều là của "các chú", họ dư sức sắm xe hơi, nhưng họ sợ các "quan An-nam" ghét nên họ cứ đi xe đạp, hay là xe kéo. Đi xa thì họ đi xe đò STACA.
STACA là "Société des Transports Automobiles de Centre Annam ", một hãng chuyên chở bằng xe hơi của người Pháp, mà ta có thể nói là hãng xe đò độc quyền lúc bấy giờ chạy từ Tourane ( Đà Nẵng ) vào Nha Trang và ngược lại.
Mổi ngày chỉ có một chuyến duy nhất từ Tourane vào và một chuyến từ Nha Trang ra, gặp nhau khoảng 12 giờ trưa trước cổng nhà giây thép Quảng Ngãi.
Xe chở thư tín giao thông hàng ngày, một loại xe "car" không quá 10 chổ ngồi. Nghĩa là mỗi ngày từ miền ngoài vào miền trong, hay từ miệt trong ra ngoài không quá 10 hành khách, hầu hết là khách sang, hoặc nhà buôn lớn.
Trò Tuấn cứ khoảng 12 giờ trưa là thích đến vườn hoa trước cổng nhà giây thép để coi hai chiếc xe thơ staca gặp nhau tại đây. Ngừng độ một tiếng đồng hồ, rồi bỗng nhiên một chiếc rồ máy, xịt khói, bay hơi, chạy. Nó chạy vùn vụt ra miền Bắc. Chiếc thứ hai cũng rồ máy, xịt khói, bay hơi, chạy bon bon vào hướng Nam, bụi và khói tỏa mịt mù hai bên hàng phố. Trò Tuấn xem mê và cứ nghĩ thầm : "Biết bao giờ mình mới được đi trên chiếc xe điện này xem ra sao nhỉ ? Ồ... biết bao giờ ? ".
Riêng gì trò Tuấn ! Hầu hết người "Annam" ở các tỉnh đã mấy ai được đi xe hơi. Mặc dầu là xe thơ ( người ta vẫn bảo là xe chở thơ của nhà nước ), nó vẫn còn hiếm hoi, mỗi ngày chỉ một chuyến chạy ra, một chuyến chạy vào, ngoài ra không còn xe hơi nào khác nữa.
Nhưng đến năm 1924, đã bắt đầu có vài ba chiếc xe khác, gọi là xe "cam nhông"
( camions ) của người An -nam làm chủ. Các loại xe đò này không phải là xe Thơ, chỉ chuyên chở hành khách và hàng hóa tư nhân. Xe cam nhông chạy không có giờ phút nhất định, muốn ngừng đâu thì ngừng, hành khách đông nghẹt, ngồi ép với nhau chật ních, không có trật tự đàng hoàng như trong xe thơ Staca.
Lần này, Tuấn-em được mãn nguyện. Cậu học trò tinh nghịch và tò mò hạng nhất, đã biết đi xe máy, muốn trèo lên xe hơi, thì bây giờ đã có dịp được lần đầu tiên ngồi trên xe hơi... Dịp ấy, là cuối tháng năm 1924, sắp sửa nhập học niên khóa 1924-1925 tại Qui-nhơn. Trò Tuấn đã thi đỗ bằng "Ri-me" cuối niên khóa 1923-1924 ở Quảng - Ngãi.
Hãy xin nói trước về kỳ thi Tiểu học của Tuấn, thiếu niên nước Việt, năm 1924.
Tuấn thuộc hạng học giỏi nhất lớp. Kỳ thi cuối niên khóa trong lớp Tuấn đứng hạng thứ 2, và được phần thưởng danh dự, thế mà thi bằng "Ri-me" cậu lại đỗ hạng bét. Và đỗ được là nhờ thầy trợ-giáo đứng ngoài " thổi " dùm cho.
Bài Dictée ( chánh tả ), Tuấn còn nhớ vài đoạn đầu như sau đây :
Les Norias de Quảng-Ngãi,
Aucun spectacle de la province ne renseigne mieux sur l'esprit ingénieux du paysan d'Annam, et ne cause pareille surprise aux yeux curieux du voyageur,
Accouplées par demi douzaines, elles atteignent parfaites, ces norias géantes, une hauteur de dix mètres...
v.v...
Bài dài hơn nửa trang giấy thi, đầy những mẹo văn phạm lắt-léo khó khăn đại khái như đoạn trên, nhưng Tuấn chỉ bị 2 lỗi.
Hết giờ ra về, Tuấn đọc lại nguyên vẹn bài dictée cho thầy giáo nghe, thầy mừng rỡ khen Tuấn rối-rít, nhưng thầy căn dặn Tuấn về môn thi Toán, Thầy chỉ sợ Tuấn hỏng Toán, vì Tuấn dở Toán nhất lớp. Quả nhiên, hôm thi Toán, chép xong hai đề toán trên giấy thi, Tuấn ngồi rưng rưng nước mắt, sắp khóc to lên. Toán thế này thì có nước trừ chữ "T" ra, còn lại chữ "oán", cộng với chữ "ai" ở trước là tìm ra lời giải? !
Mà ai- oán thật ! Hai đề thi toán "Problèmes d' Arithmétique", đọc đi đọc lại ba bốn lượt, Tuấn vẫn thấy bí kinh khủng ! Liếc mắt nhìn qua những dãy bàn kế cận, Tuấn thấy hầu hết các trò khác đều đã bắt đầu làm bài ngay trong giấy thi, không cần làm nháp ở ngoài. Sao tụi nó làm dễ dàng, mau lẹ thế nhỉ ? Sao tụi nó giỏi toán thế nhỉ ? Trò Tuấn tệ quá, chỉ một mình trò là cùi, cùi thật là cùi, ngồi ngó hai đề toán mà mồ hôi chảy toát ra cả người, mặt mày choáng váng. Tuấn muốn té xỉu xuống, chết giấc luôn.
Nhưng ông Trời thương hại mấy học trò dốt toán, nên bổng dưng lúc bấy giờ có một người chết ở nhà thương gần trường học, và đám ma từ trong bệnh viện đi ra, tiến thẳng Cửa Đông, theo con đường dài ngay sau sân trường... Tiếng ai kêu khóc thật là ai oán thê lương !... Ông giám khảo đủng đỉnh bước ra đứng nơi cửa sổ, nhìn xem đám ma, quay lưng vào lớp thí sinh. Thừa dịp tốt hiếm có, trò Tuấn lẹ làng nghiêng đầu ...thằng bạn giỏi toán ngồi nơi mút bàn ( mỗi bàn chỉ có 3 thí sinh, Tuấn ngồi ngay giữa ). Tuấn nói thầm với bạn : "tao không làm được một bài nào cả, mầy ơi ! ". Thằng bạn thật quả có lòng tốt. Lạy trời, ban phước đức cho nó. Nó nháp lia lịa bài toán thứ nhất và lời giải đáp trên một mảnh giấy, rồi lén lút đút ngay dưới bàn cho Tuấn. Trò Tuấn mừng như thể chết đi sống lại, vồ lấy miếng giấy nhanh như chớp, và chỉ có việc chép lại sạch sẽ vào trang giấy thi bài nháp làm phước của thằng bạn giàu lòng bác ái.
Tuấn chép xong, vò viên mảnh giấy bỏ vào miệng nhai rồi nuốt cái "ực" vào trong bao tử. Đám ma phía sau trường cũng vừa qua khỏi. Tuấn vái thầm : "Xin cầu chúc cho hương hồn ông bà nào chết đó được tiêu diêu miền Cực Lạc ! ". Nhưng ông giám khảo cũng vừa quay mặt vào và đi thẳng đến bàn Tuấn. Ông đứng ngay đối diện Tuấn, nghiêm khắc chỉ vào mặt trò : "Mầy vừa bỏ cái gì vào mồm ?"
- Dạ thưa thầy, con không có gì bỏ vào mồm cả.
- Tao đứng nơi cửa sổ, tuy tao quay lưng vô lớp nhưng tao nhìn trong cửa kiếng, thấy rõ ràng hết, mầy đừng chối.
Tuấn gần luýnh huýnh, nhưng cố cứu vãn tình hình :
- Thưa thầy... con xin... há miệng cho thầy coi.
Nói xong nó làm liền. Tuấn há miệng ra, cái miệng còn hôi sặc mùi cháo lòng mà nó đã ăn vội vàng hồi sáng sớm trước khi đến trường, chưa kịp uống nước.
Ông giám khảo phì cười, nhưng xách tai nó đau điếng :
- Attention à toi, hein ! ( mày liệu hồn nhé ! )
Từ phút đó, ông giám khảo cứ liếc mắt rình mò trò Tuấn, Tuấn cắm đầu xuống bàn, giả vờ chăm chỉ làm bài Toán thứ hai. Nhưng chốc chốc trò lại gãi đầu ( sao hôm nay cái đầu nó hay ngứa thế ? ) Rồi rốt cuộc trống trường đánh ba tiếng, hết giờ thi Toán.
Tuấn nhanh nhẩu nộp bài trước hết thảy mọi người, nhưng trò chỉ "làm" được một bài thứ nhất thôi. Bài thứ hai, Tuấn chịu "forfait", bỏ giấy trắng. Nhờ đám ma đi qua, Tuấn làm trúng một bài, nhưng không biết trong lúc vội vàng Tuấn chép sai lời giải thế nào mà chỉ được 1/2 điểm. Tuy thế, nhờ các môn Việt văn và Pháp văn cứu vớt, Tuấn vẫn đậu "écrit " (thi viết), được vào "oral" (thi vấn đáp).
Trước giờ thi vấn đáp, thầy trợ giáo gặp Tuấn trên sân trường, hỏi Tuấn :
- Con đã thuộc hết các bài Sử Ký, Địa Dư chưa ?
Tuấn trả lời ấp úng :
- Dạ, thưa thầy, con thuộc hết... Nhưng lỡ họ hỏi con câu nào con "bí" thì con phải làm sao ?
- Thì ăn trứng vịt, chớ sao !
- Thầy làm cách nào "thổi" cho con... ?
Thầy trợ giáo cười :
- Tuấn muốn thầy ở tù hả ?
Thầy trợ giáo hồi hộp lo ngại, khi Tuấn vào lớp thi vấn đáp. Ông giám khảo là người Tây, tên là Paul Rivière . Ông này dữ lắm, hay bắt bí học trò, hỏi những câu trẹo họng.
Nhờ ông có giọng nói ồ ồ, vang cả lớp, nên thầy trợ giáo đứng ngoài sân trường nghe rõ các câu hỏi. Ông hỏi trò Tuấn hai câu rồi, Tuấn trả lời trôi chảy, đến câu thứ ba về Địa Dư :
- Trò hãy kể tên 5 thành phố lớn nhất của nước Huê-Kỳ ?
Ở nhà Tuấn đã học thuộc lòng 5 tên thành phố ấy rồi, nhưng vào đây Tuấn chỉ kể được 4 :
- Washington, New York, Chicago, Philadelphia...
Còn một thành phố nữa, Tuấn quên mất. Bổng Tuấn nghe ngoài sân tiếng một đứa học trò la lớn :
- "Một trăm quan tiền, sáu cô", mầy ơi !
Tuấn sực nhớ ngay vừa lúc ông giám khảo lặp lại câu hỏi :
- Còn một thành phố nữa tên gì ?
- San Francisco . ( San Francisco có thể phiên âm ra tiếng Pháp là cent franc six... )
- Giỏi !
Ông Tây cho Tuấn 10 điểm.
Ra sân trường, thầy Trợ giáo cười, cho Tuấn biết là thầy phải bảo một đứa học trò lớp Ba reo lên câu nói mánh lới trên kia để giúp trí nhớ của Tuấn.
Thế là Tuấn đậu bằng "Ri-me" năm ấy, nhờ tiếng kèn ai oán thê lương đưa một vong linh về thế giới của Phật A-di- đà... và nhờ một trăm quan tiền sáu cô của thầy Trợ giáo đứng mặc cả ngoài sân trường.
Phải nói rằng câu "học tài thi phận" họa chăng có áp dụng được hồi thi chữ Nho, chứ trong thời kỳ thi chữ Tây chỉ có thể là một lời an uỉ tạm bợ mà thôi.
Vì theo thời ấy, hể học giỏi, thông suốt hết chương trình thì tất nhiên đi thi phải đậu. Thi hỏng, là tại học không thuộc bài. Học trò dở, nếu không có môn nào trội hơn để cứu vớt các môn kém, thì nhất định là "trợt vỏ chuối".
Đấy là không kể một vài trường hợp hy hữu mà học trò thừa lúc giám khảo vô ý, lén lút "gà " cho nhau, như trường hợp trò Tuấn. Ngoại giả, việc thi cử thời Tây rất nghiêm ngặt. Không bao giờ các đề thi bị tiết lộ ra ngoài dù là thi Tiểu -học, Trung-học hay Tú-tài. Chưa bao giờ xảy ra một vụ bán đề thi, từ 30, 40 nghìn đồng đến 100,200 nghìn đồng.
Không có sự gian lận của các thí sinh thi mướn với sự đồng lõa im lặng của giám khảo. Không có những vụ con em của một số hiệu trưởng, giám khảo, giáo học, học dốt mà thi đậu - nhiều khi đậu cao - còn học trò ngoài học giỏi hơn, trội hẵn mà lại thi rớt.
Trong các kỳ thi thời trước, bất cứ là thi gì, sự may rủi đã là ít có rồi, sự gian lận lại còn khó khăn hơn. Nói chi đến chuyện ăn tiền, “đút lót, “ nhờ cậy “,” gởi gấm “, thật hoàn toàn không có, và không thể có.
Dù là con em ông giám khảo, ông Đốc học hay là con cháu ông Tổng Đốc, ông Thượng Thư, ông Sứ, ông Khâm, hễ học giỏi là nhất định đỗ, học kém là phải rớt, không có đút lót được ai cả, không gởi gấm cách nào được cả.
Bạn của Tuấn-em, sau này cùng Tuấn đi thi Tú-tài ở Hà Nội, có một số đông là con cháu của các vị quan to lớn có uy quyền, và thế lực biết bao. Họ quen thân với các ông giám sư, ăn uống tiệc tùng với các vị giám khảo, thế mà con cháu của họ thi hai ba lần đều hỏng cả, chỉ vì quanh năm chúng ăn chơi phè phởn, nhẩy đầm, nghiện rượu, say mê tình ái, không lo học hành.
Tuấn thi Tú-tài cũng hỏng hai khóa, vì một lần làm sai bài toán Hình-học, một lần không thuộc bài Vật-lý học, chứ không phải vì “ học tài thi phận “. Những bạn của Tuấn đỗ trước Tuấn một hai năm, đều là học giỏi hơn Tuấn về các môn đó, chứ không phải nhờ đút lót tiền cho các ông giám khảo, hoặc nhờ gởi gấm cho ai.
Tuấn, chàng trai đất Việt
Lời Tựa
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
CHƯƠNG 35
CHƯƠNG 36
CHƯƠNG 37
CHƯƠNG 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
CHƯƠNG 43
CHƯƠNG 44
CHƯƠNG 45
CHƯƠNG 46
CHƯƠNG 47
CHƯƠNG 48
CHƯƠNG 49
CHƯƠNG 50
CHƯƠNG 51
CHƯƠNG 52
CHƯƠNG 53
CHƯƠNG 54
CHƯƠNG 55
CHƯƠNG 56
CHƯƠNG 57
CHƯƠNG 58
CHƯƠNG 59
CHƯƠNG 60
CHƯƠNG 61
CHƯƠNG 62