Chương 5
Tác giả: Nguyễn Vỹ
Lê văn Thanh muốn đám cưới của chàng với cô Ba Hợi phải được long trọng vì ba lý do: thứ nhất, vì cô Nguyễn thị Hợi là cô gái đẹp nhất trong tỉnh - ai ai cũng công nhận như thế - và chàng hãnh diện được cưới cô làm vợ. Cô Ba vừa đẹp, lại vừa là con một ông Bá Hộ, nhà giàu. Chàng được cả tình lẫn tiền. Thứ hai, chàng không quên rằng chính cô Ba đã xúi chàng bỏ chữ Nho, học chữ Tây, và bắt buộc chàng phải thi đỗ làm chức thầy Ký, cô mới chịu làm vợ chàng, cho nên bây giờ chàng mới thành đạt được "công danh" chàng làm một thầy Ký "văn minh", chứ không còn là anh Nho sĩ "quê mùa" nữa. Lý do thứ ba - là từ hôm làm thông ngôn dịch sai lầm cái lịnh của cụ Sứ truyền cho làng xã về việc đề phòng hoả hoạn, chàng bị cụ Sứ tức giận la mắng, không tin cậy chàng nữa, và lại bị Ông Phán đầu Toà càng chê cười, khinh bỉ, chàng muốn thừa dịp chàng cưới vợ, mời cụ Sứ dự tiệc lấy lại chút cảm tình của Quan Thầy "Đại Pháp", để làm oai với làng xã, và để rửa cái nhục với bạn đồng nghiệp "Quan Phán đầu toà".
Đám cưới đã sắp đặt từ lâu. Việc chọn "ngày lành tháng tốt" và mọi thủ tục về hôn lễ, đã có ông Hương Cả lo . Lê văn Thanh nghĩ đến việc mời các quan khách. Lúc bấy giờ, trừ ở Hà Nội và Saigon mới có 3, 4 cái nhà in - và giá in rất đắt - còn ở Huế và các tỉnh khác của Việt Nam chưa đâu có một "ấn quán".
Những đồ in, không nhiều, hầu hết là của Nhà Nước - tư nhân chưa biết sử dụng các tiện nghi của ấn loát. Như in thiệp mời, hoá đơn, danh thiếp, v.v... Lê văn Thanh ghi số quan khách phải mời dự tiệc, trên một tờ giấy sau đây:
- Quan Công Sứ và bà Đầm.
- Quan Phó Sứ và bà Đầm.
- Quan Thầy Thuốc (Bác sĩ Pháp giám đốc nhà thương tỉnh).
- Quan Tuần Vũ (Tỉnh trưởng Việt Nam).
- Quan Án Sát (Chánh Án Việt Nam).
- Quan Đốc Học.
- Bốn thầy Trợ giáo (thầy học cũ của chàng).
- Phán Bích, đầu toà.
Những thầy Thông thầy Ký làm việc tại các sở khác, tất cả chỉ độ 5 thầy. Lê văn Thanh chưa quen biết, nhưng cũng cứ mời.
Vì không có lệ gửi thiệp mời, Lê văn Thanh phải thân hành đến mời miệng từng vị quan khách một. Riêng đến "Quan Sứ" và "Quan Phó Sứ", hai vị chủ tỉnh Pháp Lang Sa thì một buổi sáng chủ nhật, được nghỉ, Lê văn Thanh đi với ông Hương Cả. Hai cha con đem theo hai chai rượu tây và hai gói trà tàu, đặt trong chiếc khay nạm xà cừ. Viên đại diện "nhà nước bảo hộ" rất đỗi ngạc nhiên, hỏi Lê văn Thanh bằng tiếng Pháp, ý nghĩa như sau đây:
- À, mày hả Thanh! Mầy đến có việc gì!
Thanh cũng trả lời bập bẹ bằng tiếng tây, thứ tiếng tây trật mẹo luật và người Pháp thường ngạo là "tiếng tây của thằng mọi da đen con".
Dịch ra như sau:
- Bẩm Quan Sứ, thân phụ của con đến trình quan lớn hay rằng con sắp cưới vợ.
Ông Sứ cười đưa tay bắt tay ông Hương Cả:
- Tôi mừng cho anh và cho con trai anh. Nhưng tại sao có rượu và trà như thế này?
Ông Hương Cả khúm núm:
- Bẩm quan lớn, ngày 14 tháng chín An Nam, tôi định cưới vợ cho thằng Ký, nên xin có cặp rượu và cặp trà tới để trình cho quan lớn biết, và cúi xin quan lớn và bà lớn bữa đó dời gót ngọc tới tệ xá uống rượu lạt mừng cho hai cha con chúng tôi.
Nói xong ông Hương Cả xá ba xá. Ông Công Sứ gật đầu hỏi Thanh:
- Cha mày nói gì?
Lê văn Thanh thông ngôn lại, bằng mấy "câu tiếng tây ba rọi" :
- Mon père, il dit que le 14 ème jour du 9 ème mois annamite, il marie une femme pour moi. Il vous offer en cadeaux deux bouteilles d'alcool et deux... thé pour vous faire connaitre respectueusement. Il vous prie de venir assister le festin, avec Madame la Résidence ce jour là pour féliciter pour nous.
Ông Sứ vẫn hiểu được và niềm nở, nói bập bẹ vài tiếng Việt mới học, chêm với tiếng Pháp:
- Tốt lam! Tốt lam! Je viendrai. Dis à ton père, quan su cam on (tốt lắm! tốt lắm! Ta sẽ đến, nói với cha mầy rằng quan Sứ cám ơn).
Đến Viên Phó Sứ Pháp, hai cha con Lê văn Thanh cũng đóng trò lố lăng ấy...
Ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày Thanh cưới vợ, trúng chủ nhật. Lúc bấy giờ đồng hồ chưa được thông dụng, chính Thanh đi làm việc nhà nước mà cũng không có đồng hồ. Người Việt Nam hãy còn theo giờ "Ta - Tý, Sửu, Dần, Mẹo..." Giờ lành đã được ông Hương Cả chọn để xuất hành rước dâu là giờ Thìn "mặt trời đã lên cao một chân đòn gánh", nghĩa là vào khoảng 9 giờ sáng.
Từ sớm, Lê văn Thanh đã thuê hết tất cả các xe kéo ở tỉnh, toàn xe bánh sắt, chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc. Thành thử, hôm ấy tại tỉnh lỵ không còn một chiếc xe nào nữa cả. 5 chiếc xe kéo đã chờ trước cổng nhà ông Hương Cả. Ông Hương, bà Hương ngồi chung một chiếc đi đầu tiên. Anh phu mặc áo cụt vá vai, quần rách ống, đầu đội chiếc nón cời (nón rách), khom lưng kéo ì à ì ạch, vì ông Hương quá mập lại đèo thêm bà Hương ngồi trên một bắp vế của ông. Chiếc xe thứ hai chở ông mai dong, chiếc thứ ba chở ông chú và bà thím. Chiếc thứ tư, thứ năm chở hai ông cậu và hai bà mợ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, dù là anh em chị em ruột cũng không được đi trong đám rước dâu. Không có tục lệ phù dâu, phù rể. Lê văn Thanh thì cưỡi ngựa đi sau cùng, con ngựa hoe, mượn của ông Chánh tổng sở tại, cậu ruột của chàng. Chàng mặc quần lụa trắng, áo gấm xanh, ở trong còn mặc lót một áo dài trắng nữa, và mang giầy Hạ. Đáng lẽ chàng phải bịt khăn đen - khăn đóng - nhưng chàng muốn làm oai, nên đội mũ trắng, vì lúc bấy giờ chỉ có mấy thầy làm việc nhà nước mới đội mũ trắng mà thôi - trừ ra học trò - toàn thể dân chúng hãy còn đội nón lá hoặc che dù đen.
Từ nhà Lê văn Thanh ở xóm Cửa Bắc đến nhà cô Ba Hợi, chỉ xa chừng một cây số. Nhờ mùa thu mát trời, năm anh "cu li kéo xe" cũng không mệt lắm, nhưng vì xe nào cũng chở hai người nên mấy anh kéo đi chậm rì chậm rịt. Phần thì đường cái gồ ghề, đấp đất chỗ trồi chỗ lũng, bánh xe niền sắt dổng lên thụt xuống, nghiêng qua ngã lại, thật hết sức nhọc nhằn. Một lần xe qua là một làn bụi bay tung mù mịt, mấy người ngồi trong xe phải đưa vạt áo lên che mặt. Gặp chỗ có đá sỏi hoặc đất cục còn cứng, hai bánh xe sắt đè nghiến xuống, kêu kẽo cà kẽo kẹt. Dân chúng ở các nhà hai bên đường kéo nhau ra đầy sân chật ngõ để xem. Vì các đám cưới thường dân thường đi bộ, đây là lần đầu tiên có đám cưới sang, nhà trai đi rước dâu toàn là ngồi xe kéo. Chú rể cưỡi ngựa, đội mũ, mang giầy Hạ, mặc áo gấm sang trọng là thầy Ký làm việc trên toà Sứ. Từ trước đến giờ họ chưa thấy đám cưới nào sang trọng như thế. Họ trầm trồ khen ngợi và chờ chốc nữa rước cô dâu về xem cô dâu đi bằng gì. Ai cũng biết cô dâu là cô Ba Hợi có nhan sắc nhất ở tỉnh là con gái trưởng của ông Bá Hộ Thành, giàu nhất ở đây. Người ta đồn rằng cô có học chữ Quốc Ngữ thật là một chuyện hiếm hoi, mới lạ.
Một lũ trẻ con đông chừng vài ba chục đứa, quần áo bẩn thỉu, nhiều đứa đã 7, 8 tuổi mà chưa mặc quần, rủ nhau đi coi đám cưới. Cha mẹ các em cũng cho chúng đi, chứ không rầy la ngăn cản. Sẵn dịp, mấy anh "cu li xe kéo" nhờ các em giúp sức đẩy xe dùm. Các em nô nức, cười đùa, chia ra từng đoàn theo sau hăng hái đẩy 5 chiếc xe.
Cha mẹ các em và bà con cô bác đứng đông nghẹt ngoài đường, nhìn theo cũng vui cười hoan hỉ. Duy có thầy Ký ngồi yên trên ngựa, làm nghiêm không cười. Lê văn Thanh, chàng thanh niên 22 tuổi, đã làm bậc thầy, làm thông ngôn Ký lục cho "Quan Công Sứ" trong tỉnh, tuy lúc làm việc ở toà bị Quan Sứ gọi luôn luôn bằng "mầy", và bị quan la mắng hoài, nhưng chàng vẫn được dân chúng sợ hãi, kính trọng, cho nên trước mặt đồng bào Việt Nam mà chàng cho là "quê mùa", chàng rất tự cao tự đại.
Hôm nay đi cưới vợ, được sánh duyên với cô Ba Hợi, chàng thanh niên Lê văn Thanh lại càng kiêu hãnh hơn.
Họ nhà trai đã đến trước ngõ nhà gái. Năm chiếc xe ba gọng, để khách bước xuống. Lê văn Thanh cũng xuống ngựa. Trong sân ông Bá Hộ nổ liền ba tiếng pháo tre kêu chát chúa "Ầm!..Ầm!.." y như ba tiếng súng đại bác. Thời bấy giờ các phong pháo bọc bằng giấy chưa được lưu hành và thông dụng như ngày nay . Ba tiếng pháo tre chào mừng vừa dứt thì họ nhà trai bước vào ngõ. Đàn ông đi trước, đàn bà đi sau, hàng một, theo thứ tự như đây: trước hết là ba người dân làng gánh đôi xiểng đựng các lễ vật, gọi là sính lễ, rồi đến ông mai dong, ông Hương Cả, thân sinh thầy Ký, ông chú, hai ông cậu, bà Hương Cả, bà thím, hai bà mợ. Sau cùng là Lê văn Thanh.
Họ nhà gái ra sân đến mừng và mời vô nhà. Sính lễ được bầy ra trên phản chiếu lác, trước bàn thờ ông bà, một cái đầu heo luộc (ngoài Bắc nhiều nơi để nguyên một con heo quay), trên hai tai heo có dán hai miếng giấy hồng đơn, đỏ tươi và vuông vức, một quả đựng gạo nếp trắng tinh, một quả đựng 200 trứng vịt, 4 chai rượu tây (rượu chát đỏ), 4 chai rượu "an nam", một chục gói trà tàu, một quả đựng đậu xanh, một quả đựng 4 cục đường bông trắng mịn, một quả đựng 200 lá trầu tươi, một buồng cau tươi độ 60 trái, bốn quả bánh gồm đủ các thứ bánh in, bánh dẻo, bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh hột sen, bánh thuẩn, bánh da lợn, bánh bò, bánh ít.
Đồ nữ trang thì đã trao trước, theo sự đòi hỏi của nhà gái, một chiếc kiềng, một đôi hoa tai, một đôi xuyến, tất cả đều bằng vàng y, một chuỗi ngọc và một chiếc trâm bằng bạc nạm vàng. Lúc bấy giờ phụ nữ Việt Nam chưa đeo nhẫn. Mốt đeo "cà rá" và nhẫn bắt chước theo Tây, mới thịnh hành từ khoảng năm 1920 - 22, trong giới trưởng giả, từ 1930 - 31, trong các giới bình dân. Từ 1935 - 1936 nhiều người bắt đầu đeo plaque (chiếc lắc) vàng hay bạc.
Một người trong họ nhà gái đã thắp đèn, hương, trên bàn thờ ông bà. Xong, ông Bá Hộ Nguyễn Văn Thành mặc áo rộng xanh, trịnh trọng ra trước bàn thờ khấn vái. Ông khấn lẩm nhẩm trong miệng như sau đây:
- "Bữa nay là ngày lành tháng tốt, con là Nguyễn văn Thành, xin dâng lễ mọn, cáo với vong linh Ông Bà cha mẹ, cho tiện nữ là Nguyễn thị Hợi, gá nghĩa trăm năm với Lê văn Thanh, thông ngôn ở toà Quan Công Sứ, xin lạy Ông Bà cho hai đứa nó tác thành gia thất. Xin vong linh hiền thê cũng chứng giám cho và phù hộ cho vợ chồng nó được thuận thảo, vui vầy duyên cầm sắt".
Ông bá hộ lạy bốn lạy. Xong, ông gọi con gái ở trong buồng nhà giữa:
- Con Ba đâu, ra đây con.
Trong buồng the có tiếng đáp run run, và nhỏ nhẹ:
- Dạ.
Tất cả những cặp mắt đều đổ dồn ra cửa giữa ngó cô dâu. Cô từ trong buồng bước ra, chậm rãi và "e lệ". Cô đẹp lộng lẫy, tuy đẹp rất tự nhiên, không má phấn môi son, không kẻ lông mày, vì phụ nữ 1910 - 1920 chưa dùng son phấn và bút chì than. Cô mặc ba lớp áo lụa, dài không quá đầu gối, ngoài là hàng áo xanh lục, trong là áo màu hồng, trong hết là áo hàng màu xanh da trời. Toàn là hàng trơn, không có dệt hoa như ngày nay . Mầu vàng của Vua, ở thời đại Quân Chủ, bị cấm hẳn quan cũng như dân, đàn ông như đàn bà, không ai được dùng trong y phục. Cô mặc quần hàng vải "trăng đầm". Quần trắng lúc bấy giờ đàn bà con gái đứng đắn không được mặc. Trên búi tóc xức dầu dừa, láng mướt và thoảng một mùi thơm mát dịu, cô Ba cài chiếc trâm bạc nạm vàng. Cô đeo chiếc kiềng vàng (các cô nhà nghèo đeo kiềng đồng hoặc bằng bạc) quanh cổ, chuỗi ngọc thòng xuống đến ngực, hai cổ tay đeo hai chiếc xuyến vàng. Ngực của cô vì mang chiếc yếm bó chặt vào mình nên không phồng lên như ngực các cô thời nay . Cô nhuộm hàm răng đen nhánh như những hột mãng cầu. Cô đi chân không. Thời bấy giờ, phụ nữ ít mang giầy. Năm 1924 - 1925, đa số nữ sinh đã lớn tuổi, học lớp nhất, đến trường vẫn còn đi chân không.
Nhưng cô Ba Nguyễn thị Hợi "đẹp chim sa cá lặn", "đẹp đổ nước nghiêng thành" theo lời khen ngợi của mọi người trong tỉnh. Cô thẹn thùng e lệ thong thả bước gót sen vào. Lê văn Thanh đứng vòng tay cạnh hương án, cúi đầu, không dám ngước đầu lên nhìn vợ. Ông bá hộ bảo cô chào ông cha chồng, bà mẹ chồng và hết thảy mọi người bên họ nhà chồng hiện diện. Cô cúi gục đầu xuống, chấp hai tay trước ngực, nói rất nhỏ:
- Thưa Cha... thưa Me... thưa Chú...
Xong, ông bảo:
- Bây giờ con với chồng con lạy Ông Bà.
Lê văn Thanh và Nguyễn thị Hợi, cả hai đều cúi đầu, không ai dám ngó ai, cùng bẽn-lẽn, bước đến trước hương án, và cùng lạy. Trong lúc chàng phủ phục, bình thân, bốn lần như vậy, thì nàng ngồi xuống chiếu, hai chân co lại để một bên, cúi mình xuống lạy bốn lạy, đứng dậy vái bốn vái.
Rồi lễ Ông Bà, hai vợ chồng mới còn phải lạy cha mẹ vợ và cha mẹ chồng. Ông Bá Hộ, ông Hương Cả, và bà Hương Cả, ngồi trên ba chiếc ghế kê hai bên hương án. Cô dâu và chú rể cùng lạy mỗi vị phụ mẫu ba lạy.
Lễ rước đã xong, họ nhà trai chỉ ăn bánh uống nước rồi xin rước dâu đúng giờ Mùi, lúc mặt trời vừa xế bóng.
Trong buồng, cô Ba thút thít khóc trên chiếc phản gỗ của cô nằm từ nhỏ đến giờ, cô khóc vì cô sắp từ giã nhà cô . Thằng em trai độc nhất của cô, cũng ôm chân cô khóc nức nở. Nó còn bé lắm, chẳng hiểu chuyện gì, nhưng thấy chị của nó khóc, nó cũng mủi lòng khóc theo thế thôi. Cô Ba Hợi lấy cho nó một nắm xôi vò cho nó ăn, và vuốt ve đầu nó. Nó ăn xôi ngon quá, hết khóc nhưng mũi dãi còn chảy lòng thòng...
Ngoài sân có tiếng ông Bá Hộ gọi to:
- Con Ba đâu, ra đi con.
Một bà thím chạy vào buồng, thúc giục cô:
- Ra đi con, người ta chờ ngoài ấy.
Bà dìu dắt cô đi giữa đám đông, đàn bà con gái đứng chật ních trong nhà, ngoài cửa, nói cười vui vẻ trầm trồ khen cô đẹp.
Cô vẫn mặc ba lớp hàng dài, quần "trăng đầm" đen, đi chân không, ngập ngừng mỗi bước... Ra sân,cô tiến đến trước mặt ông bá hộ. Cô vòng tay cúi đầu, nói lẩm nhẩm:
- Thưa cha... con đi...
Bỗng cô oà ra khóc. Tất cả mọi người, nhà trai lẫn nhà gái đứng xúm xít chung quanh, đều cười rồ lên. Cô bẽn-lẽn nâng vạt áo dài lên chùi nước mắt. Đôi ngấn lệ vui buồn lẫn lộn càng tô điểm thêm gương mặt kiều diễm mỹ lệ của giai nhân.
Thành thật mà nói, cô Nguyễn thị Hợi hôm nay có duyên làm sao! Mỹ miều làm sao! Cô Bốn Hiếu, con bà Hương Bộ Mẫn, nói với mấy bạn gái đứng gần:
- Cha, cô Ba xinh đẹp như vậy, lấy chồng làm thầy Ký mới xứng.
Bà Hương Chánh Bốn nối lời:
- Chớ sao! "Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen".Tụi bay làm sao cũng lấy chồng được như nó, thì có phước.
Chị Hai Lợi, vợ anh Lợi thợ rèn, xen vô:
- Thầy Ký Thanh nhờ đi học trường Nhà Nước từ năm kia năm kìa rồi thi đỗ ri me làm được thầy Ký. Chớ bốn năm về trước, hồi còn học "chữ ta", còn để búi tóc, thầy đeo đuổi cô Ba hoài, cô có thèm đâu.
Cô Bốn Hiếu nói rất khẽ:
- Ông bá hộ còn xịt chó ra cắn thầy nữa đó.
Cả đám phụ nữ cười rồ lên, nhưng cô Ba đã ra đến cổng, không nghe câu chuyện bông đùa lén lút sau lưng cô.