CHƯƠNG 37
Tác giả: Nguyễn Vỹ
1927
- Nhà tranh ba gian của cụ Phan Bội Châu ở Huế.
- Cụ Huỳnh Thúc Kháng và Báo Tiếng Dân.
- Phong trào " Nam Nữ bình quyền " của Bà Ðạm Phương ở Huế , và Nữ Sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà ở Tourane.
Lần đầu tiên đến Tourane, Tuấn trông thấy một nhà ga và một đoàn xe lửa . Trước mặt cậu học sinh 17 tuổi , thật là một vật đồ sộ và phi thường . Ðứng ngoài một hàng rào xi măng ngăn cách đưòng phố với đường rầy xe lửa . Tuấn nhìn trân trân những chiếc va-gông nối dài gần một trăm thước , đậu trên đường rầy với chiếc đầu máy ghê gớm với hai con mắt lớn bằng kiếng , vàng khè , và một ống khói đen ngòm , to và thấp , đang phùn phụt nhả khói .
Tuấn sung sướng nghĩ rằng sáng sớm ngày mai , Tuấn sẽ được đi trên đoàn xe lửa này , ra đến Huế . Cũng như đếm trước , đêm nay Tuấn không ngủ được , chỉ mơ tưởng đến chuyến tàu hỏa đi Huế , hoặc nhớ lại câu tiếng Pháp của thầy Trợ giáo khóc cha .
Sáng sớm hôm sau , mua vé tàu hỏa xong . Tuấn bắt chước mấy người hành khách cất kỹ tấm vé trong túi áo Tây và lấy một cái kim băng ghim túi áo lại , sợ lỡ rớt tấm vé đến khi ông Tây soát vé không có , sẽ bị ở tù .
Tuấn theo sau mấy ông hành khách , xách chiếc va li tre ra bến xe lửa . Nhưng Tuấn chưa muốn bước lên toa tàu trước khi đứng ngoài xem cho tường tận các chiếc va-gông . Tuấn đang đứng ngó đầu máy , thì một bác lính khố xanh bước đến bảo Tuấn :
- Trò đứng gần , điện nó hút cậu vô máy , chết cha !
Tuấn vội vàng đứng ra xa . Sự thực , lần đầu tiên trông thấy tàu lửa , Tuấn cũng hơi sờ sợ . Tuy ở trường đã học về Vật Lý , và đã hiểu qua loa về nguyên tắc máy chuyển động nhờ hơi nước , nhưng Khoa học là một chuyện , còn tâm lý của trẻ con sợ sệt trước một vật to tướng phi thường , máy móc chằng chịt , gớm ghê , lại là một chuyện khác .
Ðứng bên đoàn tàu dài 200 thước , với đầu máy kếch xù đang phun khói , Tuấn cảm thấy mình bé quá , thấp quá , tầm thường quá . Ði dọc theo đoàn tàu để xem qua một lượt , Tuấn để ý trên toa hạng nhất và hạng nhì chỉ toàn là ông Tây bà Ðầm , và cả trẻ con Tây . Không có một người An nam mít nào ở hai toa này . Toa hạng ba , cũng có vài ông Tây và các ông An nam sang trọng giàu có .Tuấn đứng xem có ông Tây Thương Chính ôm cặp bước vào hạng ba . Một ông quan An nam đeo bài ngà “ Tri Huyện “ tòn ten trước ngực , đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế dài bọc da , vội vàng đứng dậy chấp hai tay :
- Chào Quan Lớn .
Ông Tây Thương Chính gật đầu rôì đi thẳng qua toa hạng nhì . Người lính hầu của Quan Huyện đang đứng chực ở cửa toa thứ tư. Quan Huyện khệ nệ bước ra , hỏi bằng giọng Huế :
- Thằng Ba mô rồi ?
Người lính kính cẩn đáp :
- Dạ , bẩm quan lớn …
- Ðem bình điếu thuốc trà cho tao hút , mi !
- Dạ.
Người lính lệ ( lính hầu các quan ) , rất lanh lẹ bưng bình điếu sang toa hạng ba , cúi xuống nhét cục thuốc lào vào miệng điếu rồi đánh một que diêm châm lửa cho quan huyện hút . Xong người lính lệ lại bưng cái điếu xuống đứng chỗ cửa hạng tư .
Tuấn xách va-li tre bước lên toa hạng tư . Vì cửa chật và đồ hành lý của hành khách chồng chất ngay đấy Tuấn phải nhảy qua đống hành lý , vô tình để chiếc va li đụng phải chưn chú lính lệ .
Chú này trợn mắt mắng Tuấn :
- Trò này không coi trước coi sau gì hết .
- Tại chỗ cửa chật quá , chớ phải tại tôi đâu .
- Chật cậu cũng phải tránh tôi chứ .
- Thôi mà lỡ một chút , cứ kiếm chuyện hoài .
Người lính tập nổi giận quát Tuấn :
- Mày không biết tao là ai à ?
Tuấn không cãi lẫy lôi thôi , làm thinh bước qua đống hành lý để kiếm chỗ ngồi .
Ðối với chàng trai Việt Nam năm 1927, Huế là một thần tượng bao trùm bao nhiêu huyền bí , thiêng liêng …Những danh từ “Ðât Thần Kinh “ , “Ðế Ðô “ , “ Kinh Ðô “ , v.v… có một sức hấp dẫn phi thường làm xúc động mãnh liệt trí tưởng tượng của những kẻ ở tỉnh và ở thôn quê .
Ai được đi Huế một lần , được dịp viếng đất Thần Kinh , được trông thấy Ðế Ðô , là một hãnh diện lớn lao vô cùng . Những kẻ chưa được thấy Huế, hằng mơ tưởng đấy là kinh thành , là nơi Vua ở , những cung điện nguy nga , những lâu đài tráng lệ , những nàng Công Chúa đẹp như tiên đi thướt tha trong vườn Thượng Uyển …Xem trong sách diễn tả , hoặc nghe người ta nói rất nhiều về những thắng cảnh của Ðế Ðô : cầu Trường Tiền , cầu Bạch Hổ , cửa Thượng Tứ , chợ Ðông Ba , hồ Tỉnh Tâm , cửa Gia Hội , dòng Hương giang , núi Ngự Bình …Ồ, toàn là những phong cảnh trí thơ mộng làm sao ! Lại thêm vào đấy những tên lâu đài rất …lịch sự : Ðiện Cần Chánh , điện Văn Minh , Tam Toà , Lục Bộ.. tòa Khâm Sứ , đồn Mang Cá , đền Nam Giao , chùa Thiên Mụ , chùa Diệu Ðế , và lăng tẩm các Vua …cung điện của ông Hoàng bà Chúa .
Tóm lại , Huế , nơi Ðế Ðô , thiêng liêng , oai vệ , không giống một nơi nào phàm tục trong xứ , và cuộc sống của người Huế , những người ưu tiên được ở đất Thần Kinh không giống như các tỉnh Trung Nam , Bắc , Saigon , Hà nội có rộng lớn , xinh đẹp bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là những đô thị thường dân , duy chỉ có Huế là Kinh Ðô của các vị Hoàng đế .
Nhưng chàng trai 17 tuổi lần đầu tiên được đi hỏa xa sung sướng được sắp sửa đặt chân lên đất Ðế Ðô , và tha hồ được ngắm những cảnh thần tiên thơ mộng của núi Ngự sông Hương .
Ngồi trên xe lửa Tuấn tưởng tượng đến Huế ẽ được xem sông Hương nên thơ như thế nào , núi Ngự oai linh như thế nào và cả đất thần kinh của Vua Chúa có sắc thái đặc biệt như thế nào .
Và nhất là Huế lại có túp nhà tranh của cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự.
Nghĩ đến tất cả những kỳ thú trên Tuấn thấy rạo rực trong lòng . Trái tim của Tuấn đập rộn rịp như tiếng xe lửa chạy rầm rộ trên đường rầy . Tuấn nóng lòng chờ đến Huế, mà xem chừng như chuyến xe lửa cũng cố chạy vùn vụt cho mau đến Huế.
Ðoàn xe đến ga lúc 8 giờ tối . Chữ Huế nét đậm và to lớn , ghi bằng mực đen trên mặt tiền nhà ga .
Tuấn xách chiếc va li tre của chàng theo sau những hành khách xuống Huế . Chàng để ý thấy hầu hết những hành khách đều có người nhà hoặc bạn hữu chờ nơi sân ga và rộn rịp vui mừng , kẻ đón người đưa . Tuấn đi thui thủi một mình tìm nhà trọ của một người bạn ở xóm ga, theo địa chỉ đã có .
Tuấn để ý thấy trên đường Jules Ferry từ trước sân ga đa số người đàn ông ớn tuổi đều mặc đồ An nam aó dài đen quần trắng , đầu bit khăn hay đội mũ , chân mang giày Hạ , hay đi guốc . Phần đông bạn trẻ mặc đồ Tây . Tuấn cũng mặc âu phục may bằng vải nội hóa Quảng Nam , nhưng hình như không mấy ai để ý . Hơn nữa , Tuấn vui mừng nhận thấy những chàng thanh niên Huế trông dáng điệu có vẻ học sinh như Tuấn , cũng mặc đồ Tây bằng vải nội hóa . Tuấn vừa đi vừa nghĩ rằng : thì ra phong trào mặc âu phục bằng vải nội hóa quả thật đã lan tràn khắp cả học đường , ở Huế cũng như ở Qui Nhơn . Ðó là một nhận xét đầu tiên lúc Tuấn bước chân trên đường phố kinh đô .
Tuấn ở trọ nhà Quỳnh bạn học cũ ở Qui Nhơn , người cùng Tuấn đã gây ra cuộc bãi khóa ở Qui Nhơn một năm trước , và cũng bị đuổi như Tuấn . Quỳnh bây giờ học lớp Ðệ Tứ Niên tư thục Pellerin của các vị Cố Ðạo Huế . Quỳnh vẫn mặc bộ đồ tây may ở Qui Nhơn .
Bây giờ sáng hôm sau , nhân ngày chủ nhật , Tuấn nhờ Quỳnh đưa Tuấn đến thăm cụ Phan Bội Châu , Quỳnh bảo :
- Nhà cụ Phan ở Bến Ngự gần đây . Hai đứa mình đến thăm cụ thế nào cũng có mật thám theo dõi , rình mò . Mầy dám đến không ?
Tuấn hỏi :
- Vậy chớ tụi mầy ở Huế thường ngày không đến thăm cụ sao ?
- Thỉnh thoảng mới đến mà tụi tao phải rủ nhau đi một lượt bốn năm đứa để cho lính mã tà và bọn điềm chỉ ít nghi ngờ . Mầy muốn tao rủ thêm vài ba thằng bạn nữa đi với tụi mình cho vui không ?
- Thôi không cần , hai đứa mình đi đến thăm cụ , chớ có làm gì mà sợ .
Ði một đoạn đường ngắn lên một dốc khá cao , đường đất đỏ nhiều bụi chưa tráng nhựa - Quỳnh chỉ một nép nhà ở ngay cuối đường :
-Nhà cụ Phan đấy .
Tuấn trông thấy trước hết một chiếc cổng sơ sài bằng hai trụ gỗ , trên đóng ngang một tấm bảng để một dòng chữ đen :
Nhà đọc sách Phan Bội Châu .
Chiếc cổng dựng ngay giữa một hàng rào cây , và luôn luôn mở rộng . Không do dự, Quỳnh và Tuấn bước vào , đi rón rén , giữ lễ phép , qua một sân hẹp rồi bước lên thềm nhà tô xi măng . Nhà có ba gian rộng rãi , để trống . Tuấn hồi hộp tưởng sắp sửa được trông thấy cụ Phan . Nhưng cảnh nhà thanh vắng , không một tiếng động . Tuấn và Quỳnh đứng yên trên thềm , đợi xem có ai ra thì xin yết kiến Cụ .
Một lát , một em bé học trò độ 7 tuổi , đầu cạo trọc chừa một chỏm tóc ở giữa , từ ngoài chạy vào , nét mặt ngây thơ , nói với hai cậu học trò , bằng giọng Nghệ An :
- Cụ bán gạo ở ngoài nớ .
Bé chỉ một gian hàng gạo rất sơ sài ở góc sân , một cái chòi thì đúng hơn , lợp bằng tranh . Một cụ già mặc áo dài màu nâu , đang đứng bán vài lon gạo cho các chị nhà nghèo . Em bé chạy ra thưa với cụ một vài lời gì đó . Cụ cười giao thúng cho bé trông nom , và chống ba toong đi thủng thỉnh vào nhà . Tim Tuấn đập mạnh .Tuấn được chiêm ngưỡng lần đầu tiên nhà Chí sĩ Phan Bội Châu , với một chòm râu phong phú , mắt đeo kính trắng , vòm trán cao vút tận đỉnh đầu . Cụ bước đi thư thả , tay mặt chóng ba toon – cây ba toong của toàn quyền Varenne tặng cụ -- tay trái hơi cong , bàn tay lấp dưới tà áo nâu dài .
Cụ mặc quần trắng bằng vải nội hóa , mang đôi dép da . Trông cụ không khác nào một vị Tiên lão da mặt hồng hào , đang bước thung dung ở dưới bóng cây . Cụ bước lên thềm ngó hai cậu học trò . Tuấn và Quỳnh chấp hai tay trước ngực , cúi đầu chào cung kính . Cụ cười rất tự nhiên , rất hiền lành , đưa tay chỉ gian nhà giữa :
- Mời hai cậu vào .
Tuấn và Quỳnh đợi cụ Phan vào trước , và theo sau cụ . Sau khi mời ngồi , cụ hỏi :
- Hai cậu học ở trường Quốc Học ?
Tuấn đáp :
- Dạ thưa Cụ , con ở xa mới tới Huế lần đầu tiên , đến hầu thăm Cụ . Thấy Cụ được khỏe mạnh con rất mừng .
Cụ hỏi Quỳnh :
- Còn cậu nì ?
- Thưa cụ , con học trường Pellerin .
Cụ còn hỏi han nhiều câu về việc học và gia đình của hai cậu học trò , rồi cụ nghiêm trang dạy bảo nhiều lời giáo huấn , về lòng yêu nước yêu dân . Cụ gọi người nhà lấy ra hai quyển sách mỏng do cụ soạn , nhan đề Nam Quốc Dân tu tri và Nữ Quốc Dân tu tri . Cụ trao cho hai đứa hai quyển và bảo :
- Các anh chị Nam Nữ Quốc Dân nên xem hai quyển sách nhỏ này để trở thành người Quốc Gia .
Sau một lúc nói chuyện lâu trên một tiếng đồng hồ , cụ thấy ngoài chòi gạo của cụ có đông đồng bào lao động đến mua gạo , cụ xin lỗi đứng dậy :
- Hai cậu ở đây chơi , một lát tôi vào .Tôi ra bán gạo , kẻo bà con cô bác chờ lâu .
Cụ Phan Bội Châu chống ba toong đi ra sân , Tuấn và Quỳnh thừa dịp , đi xem qua ba gian nhà của cụ. Một em bé hướng dẫn , bảo :
-Ba gian nhà là tượng trưng Nam Trung Bắc , cùng nhau như anh em một nhà .
Gian bên trái là phòng tắm của cụ , gian bên phải gọi là “ phòng đọc sách “ , Tuấn để ý rất kỹ hai bức tranh bằng mực đen do một bạn Nam học sinh trường Quốc học vẽ một chậu nước trong đó có bơi vài con cá . Dưới tranh , đề “ Cá chậu “ . Một bức tranh khác do một chị nữ sinh Ðồng Khánh vẽ , đề là “ Chim lồng “ .
Ra ngoài sân , nơi góc bên phải , Tuấn thấy một ngôi miếu nho nhỏ , thờ một Nữ đồng chí của cụ .
Kinh thành Huế chia ra ba khu nhà rõ rệt . Bên tả ngạn sông Hương là Thành Nội , với các Cung Ðiện nhà Vua , với Tam Tòa , Lục Bộ, tất cả ở phía trong mấy lớp thành cao . Ngoài thành là các phố buôn bán và chợ Ðông Ba . Bên kia cầu Gia Hội phần nhiều là dinh thự và nhà cửa của các quan .
Bên hữu ngạn sông Hương , nối bằng một chiếc cầu sắt khá rông tên là cầu Trường Tiền là khu Bảo Hộ Pháp với tòa Khâm Sứ và các cơ quan hành chánh của Pháp .
Ngôi nhà tranh của cụ Phan Bội Châu , ở xóm Bến Ngự , ngoài châu thành , nơi đây phần đông các nhà đều vào hạng trung lưu và bình dân . Nhà cụ Phan Bội Châu có thể gọi là tượng trưng cho tinh thần anh dũng của dân tộc , cho truyền thống bất khuất của nhân dân Việt Nam , mặc dù bị kềm hãm trong hoàn cảnh “ cá chậu , chim lồng “.
Nhà cụ lợp bằng tranh , ở giữa một xóm nhà tranh , và cao ráo khoáng đãng , tiền của đồng bào toàn quốc khắp ba kỳ , tự động đóng góp , chứng tỏ lòng nhiệt thành chiêm ngưỡng của đồng bào sùng bái cụ .
Có điều rất lạ , là không có một tờ báo nào ở Hà Nội , Huế, Saigon hô hào lạc quyên công khai , mà chỉ có truyền miệng với nhau người này bảo người kia , thế mà mọi người đều tự thấy có bổn phận gần như thiêng liêng , phải đóng góp một chút tiền với đồng bào , để gửi đi Huế tặng nhà Chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tất cả vì Dân vì Nước.
Các nhà ái quốc ở Huế thu góp các số tiền ấy , để cất lên cho Cụ một ngôi nhà ba gian , sắm cho Cụ một chiếc thuyền nan để cụ có nơi nghỉ mát trên sông Hương và một số vốn , để cụ uống rượu , ngâm thơ , vừa cùng một chú tiểu đồng đi Thuận An buôn gạo về bán .
Cụ sống cuộc đời thanh bạch và nhàn hạ , chỉ giao du với các bạn đồng chí già , và cũng rất mến bạn trẻ , lao động , trí thức , sinh viên , học sinh ở Huế và khắp Bắc Trung Nam . Mọi người đều tôn sùng Cụ như một thần tượng chói lọi uy danh . Ba tiếng “ Phan Bội Châu “ và cả ba tiếng biệt hiệu Phan Sào Nam , gợi lên trong trí óc thanh niên hình dáng rất đáng tôn kính của một cụ già có vòm trán cao , đôi mắt sáng ngời , chòm râu tiên lão , gần như một vị thần sống của Lịch Sử Việt Nam ở đương kim thời đại .
Thế hệ thanh niên của Tuấn rất hãnh diện được một vị thần sống như thế để sùng bái, để thờ . Cho nên những bạn bè của Tuấn và Tuấn đều triệt để tuân theo những lời giáo huấn của cụ , say mê đọc các thi văn của cụ , coi những bài những sách của cụ viết ra như những lời châu ngọc .
Ðến Huế ngày đầu tiên , Tuấn đến thăm cụ Phan Bội Châu , và sau khi đã được chiêm ngưỡng dung nhan của cụ , được vinh dự hầu chuyện trên ba tiếng đồng hồ với cụ , được cụ hỏi han khuyên bảo , Tuấn được hoàn toàn thỏa mãn .
Suốt mấy ngày đi thăm các thắng cảnh ở Huế , Tuấn vẫn không rời khỏi hình ảnh cao siêu lẫm liệt của cụ Phan Bội Châu . Sông Hương núi Ngự , cầu Bạch Hổ hồ Tỉnh Tâm , điện Hòn Chén , các lăng tẩm của các vị Hoàng đế quá cố đều chỉ là những cảnh đẹp nên thơ , tuy là hùng tráng , vĩ đại như không thể nào thanh cao tráng lệ bằng túp lều ba gian của cụ Phan ở Bến Ngự .
Tuấn muốn trở lại nhiều lần để được hầu chuyện cụ Phan , nhưng Quỳnh và Tố bảo :
- Mầy đến đây thường sẽ bị bọn Mật thám và lính mã tà để ý theo dõi có ngày ở tù đấy .
Tuấn ngại không dám đến nữa , nhưng mỗi buổi chiều mát thường rủ vài ba đứa lên Bến Ngự , đi ngang qua trước cổng nhà cụ để nhìn vào .
Nhớ hôm đầu tiên đến viếng cụ , cụ bảo :
- Người Tây không mở nhiều trường để dạy dỗ con dân nước Nam cho nên quốc dân còn thất học nhiều quá . Như thế bảo nước ta tiến bộ văn minh sao cho kịp với các quốc gia trên thế giới ?
Do ý kiến ấy , về nhà trọ , tối Tuấn thử viết một bài luận thuyết nha đề là :” Ở Trung Kỳ , nên cưỡng bách giáo dục “ . Trong bài Tuấn đòi hỏi người Pháp bảo hộ phải mở rộng nền giáo dục cho toàn thể quốc dân , cho tất cả mọi người An nam đều phải được đi học . Tuấn đổi một chữ trong câu của chính trị gia Pháp :" Après le pain, l’instruction est le premier besoin de people “ mà viết lại :” Sau cơm áo , giáo dục là nhu cầu thứ nhất của dân “ . Viết rồi sửa đi sửa lại bốn tiếng đồng hồ mới xong . Tuấn đưa cho mấy đứa bạn ở cùng nhà trọ xem . Ðứa nào cũng khuyến khích Tuấn , và bảo Tuấn chép lại sạch sẽ để sáng hôm sau đem đến toà báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng , thử coi có được đăng không .
Sáng hôm sau , Tuấn đi với bốn thằng bạn đến toà báo Tiếng Dân , ở đường Ðông Ba . Trước khi đến đây , Tuấn tưởng tượng tòa báo đồ sộ , oai nghiêm , có lính gác , có kẻ chầu người chực , cũng như Toà Sứ , Toà Án vậy .
Nhưng khi đến nơi , Tuấn ngạc nhiên , vì là lần đầu tiên Tuấn mới thấy một “ Toà Báo “.
Tòa báo Tiếng Dân là một căn phố chật giống như các căn phố cùng một giãy ở trên lề đường Ðông Ba , ngó xuống sông Ðông Ba , một con sông đào , chi nhánh của sông Hương .
Ðây là một căn phố hai từng trên gác có một cửa sổ mở rộng , từng dưới có một cửa lớn , chật hẹp , phía trên có treo một tấm bảng kẽ chữ in :
TIẾNG DÂN
Hai bên có hai chữ nho : Dân Thanh ( nghĩa là TIẾNG DÂN )
Và một dòng ở trên “ Huỳnh Thúc Kháng Công Ty “
Tuấn sợ , không dám vào . Nhưng mấy đứa bạn cũng chẳng đứa nào dám vào . Năm đứa đi lại trước cửa Toà báo vài ba lần , thằng này xúi thằng kia , rồi cùng cả năm đứa đều vào . Tưởng là gặp ngay cụ Huỳnh Thúc Kháng , chủ nhiệm kiêm chủ bút , nhưng năm cậu học trò thấy một ông mặc y phục An nam , áo dài đen , còn trẻ . Trên tường có tấm bảng đề : Ty Quản Lý . Năm trò không hiểu ty Quản Lý là gì , nhưng Quỳnh cầm bài của Tuấn , đưa bản thảo cho ông ngồi ở đấy . Ông kia lấy xem qua rồi hỏi :
- Bài của cậu muốn gởi đăng báo phải không à ?
Quỳnh chỉ vào mặt Tuấn :
- Dạ, thưa ông , bài của anh này viết , chớ không phải của tôi .
Ông quản lý gật đầu :
- Ðược , để tôi đưa lên gác cho cụ Huỳnh coi , nếu cụ bảo đăng được thì mới đăng , còn không thì bỏ . Các cậu không được đòi lại bản thảo nghe .
- Dạ.
Quỳnh lanh lợi nhất trong đám , chấp hai tay chào :
- Xin chào ông .
Mấy đứa khác cũng bắt chước chào ông “quản lý “ như thế rồi kéo nhau ra . Tuấn chào cuối cùng và lo chạy ra trước .
Ði đường năm cậu học trò bàn tán , không biết cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ cho đăng bài đó hay là cụ bỏ vào sọt rác ? Tuấn hồi hộp suốt ngày đó , ăn không được , và cũng không làm được gì cả . Ði đâu , ngồi đâu , nằm đâu , Tuấn cũng suy nghĩ vẩn vơ , nửa lo sợ , nửa hy vọng . Lo sợ là nếu bài đó sẽ bị cụ Huỳnh bỏ vào sọt rác , thì Tuấn sẽ mắc cỡ với mấy đứa bạn , hai là nếu đăng được thì sợ mật thám tây sẽ theo dõi .
Tuấn viết hơi hăng , công kích người Pháp ở Annam bắt dân nộp thuế mà không chịu mở nhiều trường học để mở mang giáo dục cho dân . Nhưng hy vọng rằng cụ Huỳnh coi bài đó , nếu có câu nào viết hăng quá , cụ sẽ bỏ đi … Ồ , nếu bài của Tuấn được đăng nhỉ ! Ðó sẽ là bài đầu tiên của Tuấn được hân hạnh đăng trên mặt báo mà lại là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng . Có lẻ hay lắm thì được đăng trong mục “Ðộc Giả Diễn Ðàn “ là cùng . Tuấn tưởng tượng nếu được đăng thì người bạn đã giúp Tuấn ở Qui Nhơn , là anh Phạm Đào Nguyên sẽ được đọc và sẽ viết thư khen Tuấn . Và mấy người ở tỉnh nhà cũng sẽ đọc bài đó , thật là một vinh dự lớn lao vô cùng đối với cậu học sinh 17 tuổi lần đầu tiên tập viết báo .
Mấy đêm liên tiếp hồi hộp không ngủ .
Nhất là đêm thứ năm sau đấy , Quỳnh bảo Tuấn :
- Chiều mai thứ sáu , là ngày Tiếng Dân phát hành . Nếu bài của mầy được đăng thì may ra được đăng trong mục “độc giả diễn đàn “ trong số đó . Nếu không thì nó cũng sẽ hân hạnh được cụ Huỳnh xé chùi đít !
Các bạn của Tuấn nửa đùa nửa thật , nhưng chính Tuấn cũng áy náy lo bài của mình không được cụ Huỳnh chấp nhận .
Bốn giờ chiều thứ sáu , Tuấn đi ra phố một mình đón mua tờ Tiếng Dân . Ðây là tờ báo duy nhất ở Huế thời bấy giờ , mỗi tuần xuất bản hai lần. Uy tín của nó rất lớn , do uy tín cá nhân của cụ Huỳnh Thúc Kháng , một đại Nho , một chí sĩ cách mạng đã bị đày đi Côn Lôn cùng một lượt với cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh , và đã hồi hương sau khi mãn hạn tù .
Uy tín của tờ Tiếng Dân không những riêng ở Ðế Ðô Huế , mà vang lừng khắp trong nước , và là tờ báo đầu tiên được phổ biến sâu rộng từ thành thị đến thôn quê . Riêng ở Trung Kỳ , mỗi làng có vài nhà Nho gọi là “ Tân Nho “ – danh từ dùng để phân biệt với những “ Hủ Nho “ – Tân Nho là những ông Tú , ông Cử , hoặc các thanh niên Nho học có óc “ mới “ , khuynh hướng về văn minh tiến bộ . Họ đều là những người có đóng cổ phần trong Công Ty Huỳnh Thúc Kháng và được biếu Báo Tiếng Dân , hoặc có đóng tiền mua năm Báo Tiếng Dân .
Tuy hầu hết các giớ trí thức “ có đầu óc quốc gia “ ở khắp nước và riêng ở Huế đều mua báo Tiếng Dân , nơi đây họ thích đọc nhất những bài xã thuyết của cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng , và những bài của cụ Sào Nam Phan Bội Châu , nhưng hình như cũng có một số đông người không chịu bỏ tiền ra mua ( giá mỗi số 5 xu ) và chỉ mướn đọc . Có lẽ để tránh cái nạn mướn báo về xem báo cọp , cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dùng một biện pháp đặc biệt . Những số báo phát hành ở ngay thành phố Huế , giao cho vài chú em ôm báo đi bán dạo , đều được gấp 6 theo chiều ngang rồi gấp đôi theo chiêù dọc , và dán một giấy trắng bịt hai đầu , có dấu xanh của Toà Báo đóng một nửa trên rẻo giấy , một nửa trên mặt báo .
Như thế, tờ báo bị dán lại , chỉ những người nào trả tiền mua báo , mới xé rẻo giấy kia ra và mở tờ báo ra xem . Biện pháp này tránh được những độc giả xem báo cọp vì mọi khi rẻo giấy bị xé ra rồi , người lãnh báo bán dạo trả lại nhà báo không nhận .
Tuấn trao 5 đồng xu cho đứa bé bán báo dạo và lấy một tờ . Ðó là tờ Tiếng Dân số 100 . Hồi hộp vội vàng , Tuấn xé rẻo giấy có con dâú của ty quản lý tờ báo , và mở ra xem . Tuấn rất đỗi ngạc nhiên và mừng thấy ngay nơi mục xã thuyết ở trang nhất , bài của Tuấn với cái đầu đề in chữ đậm sắp đầy hai cột :” Ỡ Trung Kỳ nên cưỡng bách giáo dục “ , Tuấn ngó liên xuống cuối bài , thấy rõ ràng tên của mình , và một bên có giòng chữ “ còn nữa “ .Tuấn mừng rỡ , không kịp đọc , lật đật cầm tờ báo chạy về nhà . Tụi bạn đi học trường Pellerin chưa về . Tuấn nằm dài xuống bộ ván ngực trãi nguyên tờ báo ra trước mặt và xem bài của mình . Tuấn vô cùng thích thú đọc lại những câu văn chính mình đã viết , nhà báo không thêm bớt một chữ . Những câu văn mình đã nguệch ngoạc bằng mực tím trên trang giấy học trò , bây giờ thành chữ in , đậm đà và sắc sảo trên trang giấy báo Tiếng Dân ! Tuấn vô cùng sung sướng cảm động vì đây là bài báo đầu tiên của mình .
Cũng y nguyên những câu văn đó , mà lúc còn viết tay trước khi đem đến toà báo , không thấy hay , không thấy đẹp , không thấy thâm thúy bằng khi đã in trong mục xã thuyết hai cột báo Tiếng Dân .
Tuấn đọc đi đọc lại từng đoạn , cả bài , xem lại đầu đề in hai giòng chữ đậm , rồi ngó lại cái tên ký của mình cũng in bằng chữ lớn . Tuấn mĩm cười thỏa mãn , nằm ngữa trên bộ ván bóng mướt , mát lạnh , để tờ báo Tiếng Dân trên ngực , nhắm mắt tưởng tượng tất cả sự sung sướng lần đầu tiên có một bài của mình được đặng trên mặt báo , lại là tờ báo có uy tín nhất của Trung Kỳ , của cả xứ An nam tờ báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng .
Bài của Tuấn được đăng trong mục xã thuyết , là nơi dành riêng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng mà thôi . Tuấn không ngờ bài của Tuấn được đăng thành hai kỳ , kỳ này trong tờ báo số 100 , kỳ sau trong số 101 . Tuấn lại tưởng tượng vài hôm nữa số báo Tiếng Dân nầy sẽ được gửi đi khắp nơi trong nước và tất cả những người quen Tuấn ở Qui Nhơn Quảng Ngãi v.v… sẽ đọc bài của Tuấn . Phạm Đào Nguyên sẽ đọc bài ngay sau khi cầm tờ báo ở sở về .
Và cha của Tuấn , mẹ của Tuấn ở Quảng Ngãi , các thầy giáo của Tuấn , sẽ ngạc nhiên thấy nới mục xã thuyết của tờ báo cụ Huỳnh một bài của Tuấn ký tên Tuấn .
Tuấn đang thưởng thức một mình sự khoái chí mênh mông không kể xiết , thì các đứa bạn đi học đã về , Quỳnh thấy tờ báo Tiếng Dân nằm trên ngực Tuấn , cất tiếng hỏi Tuấn :
- Báo mới đó phải không Tuấn ?
- Ừ.
- Có đăng bài của mầy không ?
- Có .
- Ðâu ?
Quỳnh vội lấy tớ báo tìm mục “Ðọc giả Diễn đàn “ nhưng Tuấn hãnh diện bảo :
- Ngay ở mục xã thuyết.
Quỳnh ngồi xuống ván gỗ , đọc một mạch hết bài báo , trong lúc ba đứa bạn khác đều chụm đầu vào xem bài báo của Tuấn . Ðọc xong , Quỳnh cười vui vẻ :
- Sướng quá hỉ ! Tuấn mầy viết báo được rồi đấy . Ðược đăng trên Tiếng Dân , lại đăng ngay nơi mục xã thuyết của cụ Huỳnh , vinh dự nào bằng .
Xong rồi mấy đứa bạn xúi Tuấn đến toà báo “ xin tiền nhuận bút “.
Tuấn không muốn đi :
- Tao không dám đến cụ Huỳnh để xin tiền nhuận bút . Miễn cụ đăng cho được là khoái rồi .
Quỳnh bảo :
- Cụ đăng là một chuyện , mà mình lấy tiền nhuận bút là một chuyện chớ .
- Nhưng bài đăng đã hết đâu. “ Còn nữa “ mà !
- Vậy đợi xem kỳ số 101 đăng hết bài của mầy , thì đến xin cụ trả tiền nhuận bút . Lấy tiền về ăn chè hột sen , mầy phải đãi mỗi đứa tao một chén , chớ tội gì không lấy , mày !
Số 101 ra , Tuấn cũng vội vàng mua một số xem . Bài của Tuấn vẩn giữ y nguyên đầu đề , với hai chữ “ tiếp theo “ và kỳ này đăng hết , dài hai cột xã thuyết và cũng ký tên của Tuấn .
Gặp lúc túng tiền , chưa có trò nào nhận “ mandat” của gia đình gởi cho , bốn đứa bạn nhất định xúi Tuấn đến toà báo Tiếng Dân . Tuấn cùng đi , nhưng đến toà báo Tuấn đứng lấp ló ở ngoài , không dám vào . Quỳnh và ba đứa bạn đánh liều bước vào toà báo .
Tuấn đứng ngoài cửa ngó vào thấy bốn đứa bạn nói gì với ông quản lý tên là Trần đình Phiên .
Một lúc khá lâu , hình như ông Phiên đi lên gác thưa với cụ Huỳnh Thúc Kháng , rồi trở xuống một cầu thang chật hẹp , kế phòng quản lý , ông hỏi :
- Tuấn là ai ?
Quỳnh vội chạy ra cửa gọi Tuấn vào . Nhưng Tuấn mắc cỡ và nhút nhát, khẽ bảo Quỳnh :
- Mày cứ lấy tiền đi . Tao không vào đâu .
Một lát sau , bốn đứa bạn đi ra . Quỳnh cười bảo :
- Tao phải ký cái biên lai nhận dùm mầy đó .
- Cũng được chứ sao .
Quỳnh đếm bạc trao lại cho Tuấn 4 đồng , và bảo :
- Ông Trần Đình Phiên nói cụ Huỳnh Thúc Kháng khen bài mầy viết hay và biểu trả tiền nhuận bút bấy nhiêu đó .
Tuấn vui mừng quá chừng , nở mũi cười hí hởn , 4 đồng bạc ! Ồ chu choa ! Sao nhiều quá vậy ? Tuấn ước độ 4, 5 giác thôi {1 giác ( tiếng Trung ) , một cắc ( tiếng Nam ) , một hào ( tiếng bắc ) } chớ , ngờ đâu được 4 đồng , món tiền to như thế ! Sẵn dịp đi ngang qua phố Ðông Ba , Quỳnh mượn hai xu để mua một quyển vở , ba đứa bạn kia cũng mượn tiền mua viết chì , mực v.v…Tuấn còn 3 đồng 4 giác .
Tối hôm đó cơm xong , nghe thấy cô hàng bán chè hột sen rao trước cổng , mâý đứa bạn chạy ra gọi .Tuấn vui vẻ đãi mỗi đứa hai chén chè hột sen , mỗi chén một xu .
Nghe nhiều đứa bạn bảo cho biết ở Hà nội , thanh niên sinh viên tham gia các cuộc hoạt động “ Hội Kín” rất đông . Tuấn muốn đi Hà nội . Chàng viết thư ra hỏi ý kiến một người bạn học cũ ở Qui Nhơn bây giờ học trường Thăng Long , Hà nội , và ở trọ nhà một công chức ở đường Général Bichot .
Trong khi chờ thư trả lời , Tuấn đi thăm các thắng cảnh Ðế Ðô, và xem tình hình sinh hoạt ở đây , với mấy đứa bạn học trường Pellerin . Nhóm học sinh này đưa Tuấn đến thăm Nữ công học hội do bà Ðạm Phương điều khiển .
Ðạm Phương nữ sử là một vị phụ nữ quí phái tiếng tăm lừng lẫy ở Huế . Bà rất thông giỏi chữ Hán và thường viết bài bằng Quốc Ngữ , và Hán Ngữ đăng trong Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh ở Hà nội . Bà là vợ góa của một vị cựu thượng thư Triều đình Huế , giòng họ thế phiệt Nguyễn Khoa . Bà là mẹ của nhà văn trẻ tuổi Hải Triều , cậu con trai quý tộc này lại chịu ảnh hưởng học thuyết mác-xít , và có khuynh hướng đệ tứ quốc tế . Bà , thì trái lại , vẫn là một môn đồ trung thành của Khổng giáo , nhưng vẫn theo trào lưu mới . Bà rất tôn sùng cụ Phan Bội CHâu , và tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc của cụ . Bà rất được giới nữ trợ giáo và nữ sinh trường Trung học Ðồng Khánh khâm phục lắm . Biệt thự cổ kính của bà là nơi gặp gỡ của các giới nữ lưu “ tân tiến “ cả nam giới trí thức của đất thần kinh .
Do theo lời hô hào trong quyển “ Nữ quốc dân tu tri “ của cụ Phan Bội Châu , bà có đứng ra lập “ Nữ công học hội “để dậy các thiêú nữ ở Ðế Ðô về các môn nữ công , và dạy cả khoa luân lý “ tứ đức tam tòng “ của Khổng giáo . Bà có mời cụ Phan Bội Châu đến khánh thành Hội trong một buổi lễ rất giản dị nhưng rất long trọng với sự hiện diện của hầu hết các giới thượng lưu trí thức và nữ sinh Huế .
Tuấn thắc mắc mãi về hai chữ “ nữ sử “ kèm theo tên Ðạm Phương của bà , Tuấn hỏi một vị giáo sư giỏi chữ Hán , vị ấy giảng nghĩa “ nữ sử “ là chức vị của một quan phụ nữ trong Triều đình , chuyên lo về các nghi lễ của Hoàng Hậu .
Bà cũng viết trong Phụ Nữ Tân Văn tuần báo nổi tiếng ở Saigon và đôi khi trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh. Ðạm Phương nữ sử có viết một cuốn sách về giáo dục phụ nữ , được các giới nữ lưu Huế hoan nghênh lắm.
Nhân tiện nói về báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng , là tờ báo” cách mạng “
(nhưng chủ trương rất ôn hòa ) của các giới Lão Nho và thanh niên cách mạng ở Trung Kỳ , ở Huế lúc bấy giờ còn có hai tờ báo khác : tờ Thần Kinh tạp chí , của giới quan lại , và tờ Phụ Nữ tân tiến của bà Lê Thanh Tường , vợ ông bí thư của quan Khâm Sứ Trung Kỳ , Yves Châtel. Tờ phụ nữ tân tiến trình bày và khuôn khổ cũng na ná như tờ Phụ nữ Tân Văn ở Saigon , nhưng bán không chạy . Ngay ở Huế cũng chỉ các bà mệnh phụ và một số phụ nữ trí thức mua mà thôi .
Bà Lê Thanh Tường , người Nam Kỳ , cũng là một nữ sĩ hay làm thơ Ðường Luật có danh tiếng ở Huế thời bấy giờ . Sẵn nói đến nữ giới ở Trung Kỳ , Tuấn còn nghe phương danh một nữ sĩ rất có danh tiếng ở Tourane . Tên bà là bà Vương Khả Lãm , tác giả một bộ tiểu thuyết khá hấp dẫn , nhan đề là “ Tây Phương Mỹ Nhân “ thuật chuyện có thật của một cô Ðầm ở Pháp theo chồng An nam về sống cuộc đời thôn quê trong một làng tỉnh Quảng Nam . Người đàn bà đẹp Tây phương ấy rất sung sướng với người chồng An nam quê mùa , nghèo khổ , mặc dầu bà bị các quan Tây ở Tourane hăm dọa và xúi dục bà bỏ thằng chồng An-na-mít vì danh dự và lòng kiêu căng của người Pháp .
Theo gương Ðạm Phương nữ sử , bà Vương Khả Lãm cũng có mở một hội nữ công tại thành phố Tourane , và cũng có mời cụ Phan Bội Châu ở Huế vào khánh thành . Lễ khánh thành này vì sự có mặt của nhà chí sĩ Bến Ngự và do sự tuyên truyền rầm rộ của bà hội truởng và các hôị viên toàn là các cô gái tân thời , là một biến cố rất long trọng và xôn xao náo nhiệt .
Bà Vương Khả Lãm là người tân tiến nhất ở Tourane thời bâý giờ . Bà rất hăng hái chủ trương “ Nam nữ bình quyền “ do cụ Phan Bội Châu đề xướng theo phong trào Âu Mỹ . Bà là người phụ nữ An nam đầu tiên ở Tourane đi xe máy đầm . Bị dư luận dân chúng xầm xì bàn tán quá bà phải để chiếc xe máy đầm của bà cho ông chồng ngày hai buổi cỡi đi đến sở , và cỡi về . Phu quân là ông Vương Khả Lãm làm tham tá nhà Douane ( thương chánh ) Tourane. Sau này , vì quá tân tiến , giao du rộng , bà hút thuốc phiện và trở thành người ghiền.
Những buổi tối nóng bức , người ta thấy bà nằm bên bàn đèn tự tiêm thuốc phiện lấy và quan tham , chồng bà , cầm chiếc quạt ngồi cạnh quạt cho bà mát . Bà ghiền nặng lắm , có khi nằm hút đến 12 giờ khuya , và ông chồng cũng còn ngôì quạt hầu bà cho đến khi bà dẹp bàn đèn đi ngủ . Bà sẵn sàng tuyên bố với mọi người rằng bà cụ thể hoá học thuyết “ nam nữ bình quyền” .
Về nữ giới , phái trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ , có hai cô trợ giáo mới tốt nghiệp bằng Thành Chung ( diplôme d’Études primaires-supérieures franco-indigène) cựu nữ sinh trường Trung học Ðồng Khánh : cô Trần thị Như-Mân và cô Nguyễn thị Du . Hai cô này đều có công lớn trong vụ bãi khóa năm 1927 ở Huế . Sau đỗ tốt nghiệp xong , cô trợ giáo Như-Mân kết hôn với thầy trợ giáo Ðào Duy Anh , ông này đã xin nghỉ dạy để làm trợ bút ( nay gọi là ký giả ) báo Tiếng Dân . Ông Ðào Duy Anh và cô Như Mân , họp tác dịch các sách về chính trị , kinh tế và tự xuất bản , thành lập “ Quan Hải Tùng Thư” . Các sách của Quan Haỉ tùng thư hồi đó được các giới trí thức và thanh niên học sinh rất hoan nghênh , và bán rất chạy .