watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tuấn, chàng trai đất Việt-CHƯƠNG 47 - tác giả Nguyễn Vỹ Nguyễn Vỹ

Nguyễn Vỹ

CHƯƠNG 47

Tác giả: Nguyễn Vỹ

1932
- Tuần báo " Phong Hoá " chế nhạo ông nhà quê " Lý Toét ".
- Người Pháp đưa Bảo Ðại (du học ở Paris) hồi hương về làm vua ở Huế , tạo ra mầm mống " lãng mạn chính trị ".
- Hai phong trào Tân tiểu tư sản và phong kiến lãng mạn (néo-bourgoise et Feodalité-romantique) đi song hàng để tiêu diệt các khuynh hướng cách mạng.

Sinh viên Cao đẳng Hà Nội và học sinh Trung học có đầu óc Quốc gia ở cả ba kỳ đều chán nản vì các phong trào “ cách mạng “ bị liên tiếp thất bại. Không còn gì làm phấn khởi tinh thần thanh niên nữa. Trừ một thiểu số vẫn giữ vững lý tưởng ái quốc của mình, còn hầu hết lớp trẻ lớn lên sau thế hệ Nguyễn Thái Học và Nguyễn An Ninh, đều đổ xô vào các phong trào lãng mạn do lớp thanh niên trí thức “ Retour de France “đề xướng trong các lãnh vực xã hội.
Hai biến cố sôi nổi nhất vừa xẩy ra trong lúc này : tờ tuần báo “ Phong Hóa “ của một Cử nhân Khoa học ở Pháp mới về tên là Nguyễn Tường Tam, xuất bản ở Hà Nội, và Bảo Ðại đỗ Tú tài Pháp ở Paris cũng vừa về Huế để làm Vua, lên ngôi nhà Nguyễn, kế vị phụ hoàng Khải Ðịnh.
Tôn chỉ đầu tiên của tuần báo “ Phong Hóa “ là đả kích những gì cũ kỹ của xã hội Việt Nam, và chủ trương một đời sống trưởng giả mới, thích hợp với phong trào lãng mạn của thời đại.
Cái khôn khéo tuỳ thời của Nguyễn Tường Tam, chủ nhiệm báo Phong Hóa, là biết lợi dụng đúng lúc sự chán nản của tinh thần thanh niên và dân chúng sau các vụ “ Hội Kín”, liên tiếp thất bại, gây ra máu lửa hãi hùng và tang tóc, của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Cộng sản nổi dậy, để phát hành tờ báo Phong Hóa, chuyên về hài hước, cốt làm cho độc giả cười, thành một trò vui nhộn.
Nhưng ông còn lại dùng giọng cười trào phúng đó để đả kích cái phong hóa cũ kỹ của xã hội Việt Nam. Do đó ông đặt ra hai nhân vật lố bịch mà ông gọi tên là “ Lý Toét “ và "Xã Xệ “để tượng trưng cho tất cả những gì hủ lậu, “quê muà“ ngơ ngẩn, của người An nam trước cái văn minh tân tiến của Pháp.
Ngay từ những số đầu, tờ báo Phong Hoá đã bán chạy như tôm tươi, chính là nhờ những tranh vẽ Lý Toét đầy cả mấy trang báo, và những mục khôi hài chê cười nhân vật điển hình ấy. Lý Toét là nguyên nhân chính của tờ Phong Hoá.
Tuấn là một độc giả siêng năng của tờ báo ấy. Dù trong túi không còn tiền, Tuấn cũng mượn người này người nọ để mua cho được tờ báo phát hành mỗi tuần một lần. Nhưng Tuấn nhận xét khách quan thấy phản ứng của độc giả báo Phong Hoá chia làm hai loại. Các giới trí thức bảo thủ và cách mạng cực đoan đều không tán thành cái chủ trương người Việt Nam công khai kích bác và mỉa mai chế nhạo người Việt Nam trong lúc người Pháp đã khinh rẽ người An nam mình nhiều quá rồi. Họ gọi người An-nam bằng một danh từ xuyên tạc đểu giả “nhaque” (nhấc cờ), do chữ nhà quê không bỏ dấu. Nhà văn và nhà báo có trách nhiệm giáo hoá dân chúng, đưa dân chúng lên con đường văn minh, tiến bộ, chứ không có quyền châm biếm, chê cười những phong tục cổ truyền của dân tộc. Người ta kết án cái chủ trương của báo Phong Hoá ở điểm đó.
Nhưng phản ứng thứ hai, của thanh niên và các giới bình dân thì có tính cách tiêu cực, dễ dãi hơn. Họ chỉ biết vỗ tay cười, cười vô ý thức, như khi họ xem một chú hề làm trò cười trước khán giả.
Báo Phong Hoá trong mấy tháng đầu đều đã gây ra hai luồng dư luận như thế trong dân chúng. Nhưng nói tổng quát về kỹ thuật làm báo, thì Nguyễn Tường Tam và bộ biên tập của ông đã gặt được kết quả rất khả quan.
Tờ Phong Hóa lúc đầu in lem luốc, sơ sài trên 4 trang, sau đó một năm đã sáng sủa hơn nhiều và tăng lên số trang.
Nguyễn Tường Tam với bút hiệu Nhất Linh, hồi đó chưa thành lập nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, và thật sự báo Phong Hoá chưa có tham vọng đó. Mục đích của Phong Hoá chỉ là
“cải cách phong hoá Việt Nam “.
Mãi một thời gian sau, khi số độc giả đã đông đảo, các nhà văn trong toà soạn đã sản xuất một vài tiểu thuyết được hoan nghênh, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn mới ra đời và xoay chiều hướng về Văn Nghệ. Những trận cười vui nhộn chung quanh Lý Toét, Xã Xệ nhạt dần, người ta bắt đầu chán ngấy lối cười vô ý thức đó, thì các tiểu thuyết của Khái Hưng bắt đầu lôi kéo được một số đông độc giả. Người ta khao khát một lối sống tình cảm lãng mạn phóng đạt hơn để thoát khỏi những khắc khe của thành kiến.
Ðồng thời báo Phong Hoá làm cả công việc “ lancer “ các “mốt“ áo tân thời cho phụ nữ. Một chàng thợ may tên là Cát Tường vẽ trong Phong Hóa mỗi tuần một kiểu áo mới, rất được các cô “ tiểu thư tân thời “ hưởng ứng.
Phong trào áo “ Lemur “được các cô vũ nữ hoan nghênh trước nhất. “ Le Mur “ là do chữ “ Tường “ dịch ra tiếng Pháp (tiếng Pháp Le Mur là bức tường). Các kiểu áo Lemur được báo Phong Hóa phổ biến rầm rộ đúng theo chủ trương của nhóm Nguyễn Tường Tam đả kích và chê cười cái cũ, đưa ra cái mới theo trào lưu văn minh Pháp.
Trên phương diện chính trị, chính phủ thuộc địa Pháp, và thực dân Pháp ở An nam nhìn các hoạt động rộn rịp của Nguyễn Tường Tam và nhóm Phong Hoá, với cặp mắt đầy thiện cảm. Vì sau những vụ bùng nỗ đẩm máu của Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Nguyễn Thái Học, ở Bắc kỳ và Ðông Dương Cộng Sản Ðảng của Nguyễn Ái Quốc ở Trung Kỳ, chính phủ thực dân Pháp rất bằng lòng thấy đa số thành phần trí thức, thanh niên thiếu nữ An nam chạy theo các phong trào lãng mạn của nhóm Nguyễn Tường Tam và các mốt áo quần mới do nhóm Phong Hoá cổ động.
Nhạo báng người An-nam-mít lố bịch tên là Lý Toét, Xã Xệ, vừa gây ra trận cười vui nhộn khắp các từng lớp dân chúng, vừa để quên các biến cố cách mạng vừa xẩy ra, và thờ ơ lãnh đạm của tất cả các vấn đề “ quốc sự “, đó là rất hợp với chánh sách thực dân Pháp thời bấy giờ.
Ðồng thời, người Pháp vội vàng cho Bảo Ðại hồi hương, để cho phong trào thanh niên lãng mạn được cụ thể hoá một cách tưng bừng náo động hơn, hấp dẫn hơn.
Lúc vua Khải Ðịnh chết năm 1925, thì Bảo Ðại mới có 12 tuổi, được kế vị lên ngôi hoàng đế. Nhưng viện lẽ Bảo Đại còn nhỏ tuổi nên chính phủ Nam triều được Pháp ủy nhiệm cho một “ Hội Ðồng Phụ Chánh “ (conseil de régence) dưới quyền của Nguyễn Hữu Bài, Phụ chánh đại thần, và Tôn Thất Hân, chủ tịch Tôn Nhân Phủ.
Bảo Ðại được chánh phủ thuộc địa cho đi du học bên Pháp từ hồi 8 tuổi, năm 1925 về để tang cho vua cha, rồi lại được trở qua Pháp tiếp tục việc học.
Năm 1932, vua Bảo Ðại, 19 tuổi, vừa thi đỗ tú tài liền được người Pháp cho về Huế để cầm quyền cai trị. Về phương diện lịch sử thì như thế. Tuy nhiên những kẻ theo dõi sát tình hình biến chuyển trong nước, thì nhận thấy sự hồi hương của vị vua hào phóng ấy có một tác dụng chính trị khôn khéo và sâu rộng hơn.
Tuấn còn nhớ rõ năm 1921, Tuấn còn học lớp Ba trường “ Ecole de Plein-Exercice de Quang Ngai “, một buổi chiều toàn thể học trò phải đứng sắp hàng hai bên đường từ Cửa Tây đến cổng Toà Sứ, để phất cờ (cờ Pháp) cho Hoàng Thái Tử Vĩnh Thụy, một cậu bé 8 tuổi. Vào khỏang 4 giờ, một đoàn xe citroen 5 chiếc, đen bóng, từ Huế vào (chắc có ghé Tourane) định nghỉ đêm ở Toà Sứ Quảng Ngãi để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình vào Saigon, đáp tàu thủy qua Pháp du học.
Tuấn thấy rõ cậu bé Hoàng Tử ngồi trong chiếc xe thứ hai, và theo lệnh thầy giáo, học trò phải phất cờ khi đoàn xe qua.
Chiều tối, sau buổi học, Tuấn lúc đó 10 tuổi, còn đứng lảng vảng trước cổng Toà Sứ, dòm thấy cậu bé Hoàng tử mặc áo gấm thêu, đứng trên bao lơn, rỡn cười với một vị triều thần. Ngoài y phục hào nhoáng của con Vua, cậu bé Hoàng tử không có gì đặc biệt hơn các cậu học trò thường. Tuấn hỏi thầy Trợ giáo được thầy cho biết “ Hoàng tử “ mới học đến chương trình lớp Ba. Tuấn tự an ủi con Vua không giỏi gì hơn mình.
Năm 1932, Tuấn đã thi đỗ Tú tài ở Hà Nội, xem báo Pháp thấy hình của Bảo Ðại đăng nơi trang nhất, khuôn khổ 24x18. Lần này Bảo Ðại vừa thi đổ tú tài ở Paris, hồi hương về Huế để cai trị dân. Tuấn biết rằng tuy Bảo Ðại mang danh hiệu “Ðại Nam Hoàng Ðế “, và các báo Pháp - Việt ở Hà Nội đăng bài đề cao nhà vua trẻ ấy (19 tuổi).
Nhưng Bảo Ðại chỉ làm vua ở Trung kỳ mà thôi. Nam kỳ đã bị vua Tự Ðức ký hiệp ước nhường hẳn cho Pháp làm thuộc địa, “ Cochinchine Francaise “, không còn dính líu mảy may gì với Triều đình Huế.
Còn Bắc kỳ, tuy rằng theo hiệp ước 1884, vẫn là đất của triều Nguyễn, chính thức vẫn gọi là “ Protectorat du Tonkin “ như Trung kỳ, nhưng về thực tế, từ lâu rồi, đã hoàn toàn đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của người Pháp. Tuấn đã nhận thấy điều cách biệt đó ngay ở danh từ chỉ vị thủ hiến Pháp ở Trung kỳ, Résident supérieur en Annam, là Khâm sứ, mà vị Thủ hiến Bắc kỳ, Résident supérieur du Tonkin lại là Thống sứ.
Trước kia, đại diện ở Bắc kỳ là một vị Kinh lược như Kinh lược Hoàng Cao Khải. Nhưng từ ngày Khải Ðịnh chết, chức vụ Kinh lược An nam cũng bị người Pháp chiếm đoạt và giao cho Thống sứ Bắc kỳ, chức vị Thống sứ Ðại thần, cũng như ở Trung kỳ là Khâm sứ Ðại thần vậy. Theo sự thay đổi ấy, trái với hiệp ước 1884, tất cả các quan An nam ở Bắc kỳ, Tổng đốc, Tuần vũ v.v…đều trực thuộc uy quyền của “ Cụ Thống Sứ “ Pháp, chớ không còn tuỳ thuộc về Triều đình Huế và Hoàng đế An nam nữa.
Năm 1932, chính phủ thuộc địa theo đề nghị của viên Toàn quyền Pasquier, cho Bảo Ðại hồi hương, với dụng ý để vị “ hoàng đế “ trẻ tuổi và dễ sai khiến ấy đóng một vai trò chính trị, mà mục đích là phản ứng lại những hoạt động chống Pháp của các “ Hội Kín “ cách mạng ở trong nước, và gây phong trào lãng mạn sùng kính một “ thần tượng mới “ở Pháp về.
Giới thanh niên có tư tưởng quốc gia cách mạng, Tuấn đều nhận thấy rõ những cuộc vận động giả tạo của chính sách thực dân Pháp. Nếu đòn chính trị tâm lý ấy thành công được đôi phần mong manh trong các giới quan lại và thanh niên lãng mạn, thì trái lại nó không có chút ảnh hưởng nào đối với giới trí thức cách mạng, và quảng đại quần chúng.
Nói một cách khác, Bảo Ðại đã đóng rất đúng một vai trò “ Hoàng tử đẹp giai “ở Tây mới về. Một thần tượng hợp thời nhất của các cô tiểu thư Hà Nội mặc áo “ Lemur “ của báo Phong Hoá, cũng như các cô gái phong kiến của núi Ngự, sông Hương, và của đám thanh niên quan lại và trác táng, sẵn tiền sẵn địa vị, chỉ lo hưởng thụ ăn chơi.
Trái lại, vai trò lịch sử trên trường Chính trị của “Ðại Nam Hoàng đế “ con nuôi của người Pháp, trông thấy ngớ ngẩn làm sao, vô duyên vô vị làm sao !
Bảo Ðại về nước lên ngôi Hoàng đế chưa được bao lâu thì Phủ Toàn Quyền Ðông Dương dàn cảnh một cuộc “ ngự du Bắc hà “ rất tưng bừng náo nhiệt. Ðể đón tiếp “ Hoàng Thượng “, Phủ Toàn Quyền Bắc kỳ bắt buộc tất cả dân chúng Hà Nội phải treo cờ “ An Nam “ trước cửa nhà suốt trong tuần lễ mà “ Hoàng đế Bảo Ðại “ viếng kinh đô xứ Bắc.
Cờ An nam là gì ? Dân chúng Hà thành từ trước đến giờ chỉ treo cờ tam tài của Pháp, có thấy bóng dáng lá cờ An nam bao giờ đâu ? Bỗng dưng toà Ðốc lý Hà Nội ra lịnh dân chúng hãy may gấp rút lá cờ mới để đón mừng Hoàng đế Bảo Ðại : hai sọc đỏ, ba sọc vàng.
Dân chúng gọi luôn là “ Cờ Bảo Ðại “ …
Thủ đô Hà Nội thật là rộn rịp ngay từ hôm đầu tiên Bảo Ðại đi chuyến xe lửa tốc hành từ Huế ra. Tuấn và hai người bạn ở Cao đẳng Luật khoa đi xe máy khắp ba mươi sáu phố phường để xem bộ mặt Hà Nội đổi mới. Cờ Bảo Ðại mới may, bay phất phới trước cửa nhà, rực rỡ mầu vàng màu đỏ.
Riêng ở Hội quán Khai Trí Tiến Ðức, thường được gọi bằng tiếng Pháp là AFIMA (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) càng rộn rịp hơn cả. Hội quán được tạm dùng làm nơi hành cung để các Quan An nam cai trị ở khắp các tỉnh Bắc kỳ sẽ tề tựu đông đủ nơi đây để làm lễ bái triều hoan nghênh Hoàng Thượng.
Tuấn được mục kích các lễ phong kiến kiểu cách ấy đầy màu sắc rực rỡ và nhạc bát âm. Bảo Ðại, đẹp trai với thân hình thể thao, mập mạp, gương mặt tròn và duyên dáng, rất hào hoa phong nhã, với y phục Hoàng đế : chiếc áo gấm dài thêu rồng, quần lụa trắng, giày dừa thêu rồng đỏ, và chiếc khăn vàng chit trên đầu, đã làm cho các cô tiểu thư tân thời Hà Nội say mê mơ ước, và các cậu trai lãng mạn thèm thuồng.
Người ta biết rằng Bảo Ðại là một ông vua “ Bù nhìn “ do người Pháp đào tạo ra, và hoàn toàn hấp thụ văn minh Pháp, nhưng thân hình trai trẻ, mập mạp và lộng lẫy của ông vua mới ấy vẫn gây được cảm tình của một số thanh niên. Số ấy tin tưởng rằng biết đâu ông sẽ là một ông vua tiến bộ, sẽ thực hành một chánh sách thân dân, tân tiến, hợp thời, hơn các vị hoàng đế tiền triều.
Hôm ông đi thăm thành phố, ghé vào nhiều tiệm buôn lớn của người An nam ở các hàng Bông, hàng Gai, hàng Ðào, hàng Da, hàng Bạc, hàng Nón, v.v…dân chúng bu lại xem đông nghẹt, để chiêm ngưỡng long nhan. Bảo Ðại mỉm cười thoải mái.
Nguyễn Văn Vĩnh không ưa Bảo Ðại mà cũng đã phải viết trong báo L’ Annam Nouveau, của ông : “ J’ ai vu dans les tribunes des jeunes Hanoiennes se pâmer d’ extase…” (tôi đã thấy trên khán đài những cô gái Hà Nội đê mê đắm đuối …) Bảo Ðại đến dự cuộc đua ngựa long trọng ở Trường Ðua.
Có thể nói một cách rất khách quan rằng Hànội đã sống một tuần lễ Hoa đăng tưng bừng hoan hỉ trong dịp Bảo Ðại “ ngự du “ thủ đô Thăng Long tân thời. Nhưng các phần tử thanh niên trí thức cách mạng thì rất thờ ơ lãnh đạm, nếu không nói là khinh rẻ, coi Bảo Ðại chỉ là một món đồ chơi của người Pháp ở Ðông Dương.
Cuộc “ Bắc tuần “ của Bảo Ðại tuy được phủ Toàn Quyền tổ chức rền rang tại Hà Nội, nhưng ngoài phong độ khá hấp dẫn của một Hoàng tử trẻ tuổi và đẹp trai đối với một số thanh niên và thiếu nữ lãng mạn, Bảo Ðại không gây được một ảnh hưởng chính trị sâu rộng nào trong quảng đại quần chúng cũng như trong các giới trí thức ở Bắc kỳ. Ngươì ta thấy rõ rệt một cuộc dàn cảnh của người Pháp, và ai cũng biết rằng Bảo Ðại là một thiếu niên được người Pháp đào tạo và che chở, hoàn toàn theo Pháp, chứ không được là một vị vua ái quốc như các Hoàng đế Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.
Phủ Toàn Quyền đưa Bảo Ðại ra trình diện với dân chúng Hà Nôị với mục đích gây lại phong trào tôn quân, phục hưng ý thức quân chủ đã bị chánh sách bảo hộ xoá mờ từ lâu.
Phạm Quỳnh, Học giả nổi tiếng, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam phong, được triệu vào Kinh (kinh đô Nam triều) làm Ðổng lý văn phòng cho Bảo Ðại. Ông là một người thân Pháp, và bảo hoàng phong kiến. Ông viết Pháp văn cũng như Hán văn và Việt văn. Dù là bạn hay là thù của ông, ai cũng phải công nhận ông có công lớn trong việc bồi đắp nền văn hóa Việt Nam trong khỏang 15 năm đầu thế kỷ, từ 1915 đến 1930.
Nhưng trên lập trường chính trị, ông đã tỏ ra quá trung thành với “ Nhà Nước Ðại Pháp “. Ông đã đem ngòi bút văn hoa của ông phụng sự chính sách thực dân chống lại các phong trào ái quốc. Ông là một nhà trí thức thông thái, một nhân tài hiếm có (mặc dầu ông là một người tự học - autodidacte – không có một bằng cấp đại học nào cả), nhưng các nhà cách mạng lão thành cũng như thanh niên, của phái Nho học cũng như Tây học, đều coi ông như là một kẻ tôi tớ của người Pháp không hơn không kém.
Bảo Ðại không phải vì phục nhân tài mà triệu Phạm Quỳnh về Huế, làm “Ðổng Lý Ðại thần “. Phạm Quỳnh không hẳn là người của Bảo Ðại. Ông là người của Toàn Quyền Pierre Pasquier và của Khâm Sứ Yves Châtel. Người Pháp rút kinh nghiệm ở Hai vị Hoàng đế trẻ tuổi Hàm Nghi và Duy Tân, sợ rằng Bảo Ðại sẽ có thể chịu ảnh hưởng thầm kín cúa các đảng phái cách mạng đang hoạt động lén lút khắp Bắc kỳ và Trung kỳ, và ngay ở trong đám quan lại của Triều đình Huế. Bộ thuộc địa Pháp ở Paris cũng như Phủ Toàn quyền Ðông Dương ở Hànội và toà Khâm sứ của Huế không tin tưởng hoàn toàn nơi vị vua 19 tuổi ấy, chưa trưởng thành về chính trị và thiếu kinh nghiệm trong nghệ thuật trị quốc, dù đây chỉ là một nghệ thuật “ tài tử “ (amateur).
Cho nên bên cạnh Bảo Ðại, người Pháp muốn để một kẻ thân tín của họ, và kẻ ấy không thể ai hơn là Phạm Quỳnh. Tin đồn Phạm Quỳnh sẽ về Huế làm quan, giới trí thức Hà Nội và Huế biết đã lâu rồi. Có hai luồng dư luận đều không tốt cho nhà học giả của Nam Phong tạp chí. Ðám quan lại đã có dòng dõi mấy đời làm quan ở Triều đình Huế, vì ganh ghét, chê Phạm Quỳnh là một kẻ “bạch đinh“ được “ Nhà nước Bảo Hộ “ cân nhắc lên ngang hàng với họ, và chắc chắn là sẽ còn lên cao hơn họ nữa. Trong đám này, có Ngô Đình Diệm, con của cựu thần Ngô Ðình Khả, và đương thời làm Tuần Vũ Phan Thiết, vừa được Bảo Ðại triệu về Kinh làm Thượng Thư. Tư tưởng chống đối Phạm Quỳnh của gia đình họ Ngô chính là mầm mống sự chống đối Bảo Ðại.
Luồng dư luận thứ hai cũng không có thiện cảm với nhà học giả Nam phong, là ở trong các giới trí thức và cách mạng. Con người tài ba lỗi lạc, mà họ gọi là Kiến Trắng tiên sinh, có phong độ nho nhã của một triết gia Ðông phương, luôn luôn khăn đen áo dài, giầy escarpin, và đôi kiếng trắng chễm chệ trên đôi mắt nho nhỏ đầy tinh ranh và kiêu ngạo, con người ấy đã dùng văn học làm bàn đạp để nhảy lên hoạn trường, làm “tay sai“ cho chế độ thuộc địa.
Sự thật, Phạm Quỳnh không đếm xỉa gì đến thái độ chống đối của phe quan lại ganh ghét nhỏ mọn, và Ngô Đình Diệm đã phải từ chức Thượng Thư vì tự thấy mình không đủ uy tín và thế lực để đương đầu với địch thủ họ Phạm.
Nhưng trước dư luận chê cười của giới trí thức độc lập, và khinh rẻ của giới cách mạng, Phạm Quỳnh đã đưa ra một quan điểm chính trị để tự bào chữa cho lập trường của mình. Trong “ France – Indochine “, một tờ nhật báo của Pháp ở Hà Nội, Phạm Quỳnh có viết một loạt bài bằng Pháp văn để trình bày chương trình “tranh đấu“ chính trị của ông.
Tuấn có đọc hết những bài báo ấy, và cả những bài của các đối thủ đăng trong báo khác chống lại quan điểm của Phạm Quỳnh. Quan điểm ấy có thể tóm tắt như sau :
- Cần phải trở lại Hiệp ước 1884, và thi hành đứng đắn những điều khỏan của hiệp ước ấy. Nghĩa là phải trao trả lại Trung Kỳ và Bắc kỳ cho Hoàng đế An nam, và chính phủ Nam triều. Nước Pháp chỉ đóng vai trò bảo hộ mà thôi, không nên xâm phạm đến chủ quyền của Hoàng đế.
Trong một bài báo, Phạm Quỳnh có kết luận bằng một câu :” Ce que les Annamites demandent, c’ est une Patrie à servir (Cái mà người An nam đòi hỏi, là một Tổ quốc để phụng sự). Cái “ tổ quốc “đó, theo ý của Phạm Quỳnh, là một xứ An nam kết hợp lại Trung kỳ và Bắc kỳ, đặt dưới quyền hành thực tế và đầy đủ của Ðại Nam Hoàng Ðế Bảo Ðại với tất cả những yếu tố của một vương quốc lập hiến (Monarchie constitutionnelle) , đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp quốc cộng hòa.
Phê bình loạt bài của Phạm Quỳnh trong France – Indochine với một nhóm bạn hữu, Tuấn bảo :” Với giọng nói văn hoa và tha thiết, lại muốn tỏ ra có trí óc tinh ranh, Phạm Quỳnh chìa tay ra xin người Pháp bố thí cho một “ Tổ quốc để phụng sự “. Nhưng vì ông phụng sự quá trung thành với người Pháp nên ông đã quên rằng người “ An nam “đã có một tổ quốc mà người Pháp đã cướp mất. Bây giờ chỉ phải làm cách mạng, người An nam mới thu hồi được Tổ quốc của mình, chứ không phải đi ăn mày tổ quốc theo kiểu Phạm Quỳnh. "
Vả lại, lập trường của Phạm Quỳnh cũng không được người Pháp tán thành, Phủ Toàn Quyền đặt Phạm Quỳnh bên cạnh Bảo Ðại, chính là để kèm vị cua non nớt ấy chứ đâu phải để ông làm xáo trộn cái “ trật tự “ mà người Pháp đã sắp đặt đường lối thực dân của họ.
Phạm Quỳnh - với sự hợp tác tài chánh của Phạm Lệ Bổng, nhà buôn pháo ở phố hàng Nón, và hội trưởng hội Dân biểu Bắc kỳ - mở ra tại Hà Nội một tuần báo Pháp văn nhan đề là “ La Patrie Annamite “ (Tổ Quốc An nam), mà chủ bút là Tôn Thất Bình, người rể của Phạm Quỳnh, một trong những sáng lập viên trường trung học Thăng Long …
Phong trào Bảo Ðại hoàn toàn do người Pháp tạo ra, được sôi nổi một thời gian hai ba năm sau khi vị “ hoàng tử đẹp giai “ở Pháp về lên ngôi Hoàng đế, nhưng rồi dần dần bị chìm trong sự lãnh đạm của toàn dân vì danh hiệu “ông vua bù nhìn “ mà các phe cách mạng đã gán cho ông.
Sự ông lấy vợ, tôn lên ngôi Hoàng hậu nước Nam, cô Henriette Nguyễn Hữu Hào, một bạn gái của ông cùng du học ở Paris, con một đại điền chủ ở Nam kỳ, vẫn không tăng uy tín của ông một chút nào. Bởi lẽ, Nam Phương Hoàng Hậu (danh hiệu này do Phạm Quỳnh đặt ra) là một cô gái đầm (có quốc tịch Pháp) lại dòng dõi đạo Thiên Chúa, mà nghiễm nhiên được suy tôn lên bậc “mẫu nghi thiên hạ“, khiến cho dư luận của đại đa số dân chúng theo Phật giáo và Khổng giáo chỉ trích gắt gao.
Các báo ở Saigon và Hà Nội lại bắn tin rằng, trước khi nhận lời cầu hôn của Bảo Ðại, cô Henriette Hào có đưa ra một điều quan trọng, là một khi cô được lên ngôi Hoàng hậu, cô phải được quyền tham gia việc nước, giúp Hoàng đế trị dân, chứ cô không chịu đóng vai trò Hoàng hậu trong cung cấm chỉ có chức vị mà không có quyền hành.
Các báo không có nói là Bảo Ðại có chấp nhận “điều kiện “ đó hay không, vì chính Bảo Ðại cũng chưa biết mình có quyền hành gì trong việc trị quốc, nhưng dư luận dân chúng rất xôn xao, nhất là trong các thôn quê và các giới quan lại bảo thủ. Họ xầm xì với nhau :” Nếu một cô gái dân Tây và theo đạo Thiên Chúa lên làm Hoàng hậu, mà đòi nắm quyền trị quốc, thì vận nước An nam sẽ như thế nào ?"
Nhưng đó chẳng qua là dư luận thầm kín, lén lút, và sự đòi hỏi chính trị của cô gái Nam kỳ cũng chỉ là một điểm danh dự mà cô nêu ra để làm quà cho “ quốc dân An nam “ đó thôi, chứ không có chi là quan trọng, thực tế cả.
Vì sau khi cô Henriette Nguyễn Hữu Hào được tôn lên ngôi Hoàng hậu An nam, điện Thái Hòa ở Huế đô vẫn chỉ có một ngai vàng độc nhất của hoàng đế, và theo phép nước, Nam Phương Hoàng Hậu không được một chỗ ngồi bên cạnh chiếc ngai của Nguyễn triều.
Dân chúng biết rằng vì khác tôn giáo, cô Henriette Nguyễn Hữu Hào muốn thành hôn với Bảo Ðại đã phải xin phép đức Giáo Hoàng ở La Mã, và cố nhiên điều đó không khó gì. Giáo hoàng Pierre XI đã ban cho cô cái đặc ân ấy. Nhưng đồng thời, có tin do triều đình Huế loan ra để dân chúng khỏi thắc mắc, là con trai của Bảo Ðại và Nam Phương, hoàng tử An nam sẽ không được theo đạo Thiên Chúa, để đúng với thủ tục nghi lễ đối với các vị tiên đế Nguyễn triều.
Tuấn, chàng trai đất Việt
Lời Tựa
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
CHƯƠNG 35
CHƯƠNG 36
CHƯƠNG 37
CHƯƠNG 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
CHƯƠNG 43
CHƯƠNG 44
CHƯƠNG 45
CHƯƠNG 46
CHƯƠNG 47
CHƯƠNG 48
CHƯƠNG 49
CHƯƠNG 50
CHƯƠNG 51
CHƯƠNG 52
CHƯƠNG 53
CHƯƠNG 54
CHƯƠNG 55
CHƯƠNG 56
CHƯƠNG 57
CHƯƠNG 58
CHƯƠNG 59
CHƯƠNG 60
CHƯƠNG 61
CHƯƠNG 62