Chương 34
Tác giả: Nguyễn Vỹ
1926
- Phong trào học trò mặc Âu Phục bằng vải nội hoá.
- Phản ứng của các giáo sư Pháp.
- Phản ứng của giới thủ-cựu An-nam.
Một buổi sáng thứ Hai , trống đánh tựu trường được một lúc , thì ông “Ðìa “ ( học trò gọi tắt ông Ðìa-réc-tơ Deydier ) và các giáo sư Pháp, Nam đều hết sức ngạc nhiên thấy đa số học rò các lớp lớn từ Ðệ Nhất niên lên Ðệ Tứ niên , đi học đều mặc âu phục . Ông Ðìa và các giáo sư đều gọi đó là “ một cuộc cách mạng “ ! Vì lần đâù tiên học sinh Qui-nhơn , và cùng một lúc cả học sinh toàn quốc , đi học mặc đồ Tây !
Trước đó , từ Bắc chí Nam , học trò chỉ mặc áo dài An nam , và mang guốc , hoặc đi chưn không . Học trò Bắc kỳ mặc áo the thâm hoặc áo vải quyến trắng . Học trò Trung kỳ mặc áo trăng đầm đen , và quần vải quyến trắng . Học trò Nam kỳ mặc đồ bà ba trắng , chỉ có con nhà giàu sang mới mặc đồ Tây , mang giày tây . Ở Trung kỳ và Bắc kỳ , học trò mặc đồ Tây là việc hy hữu , dù là con nhà giàu hay con nhà quan .
Bỗng dưng , sau vụ Phan Bội Châu , Phan Chu Trinh 1925-1926 , học sinh Trung học cả ba Kỳ đều bảo nhau mặc đồ Tây hết , và đồ Tây may bằng vải nội hóa .
Khởi điểm phong trào đi học mặc đồ Tây là học sinh Quốc Học Huế . Còn cuộc vận động may đồ Tây bằng vải nôị hóa lại là do học sinh trường Qui-nhơn . Nói cho đúng với sự kiện lịch sử và xã hội , thì hai phong trào kia đều do ảnh hưởng đời sống “Âu hóa “đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Saigon trước tiên , từ ngày cụ Phan Chu Trinh bị Tây bắt ở Thượng Hải đưa về Hà nội . Do cuộc tuyên truyền miệng , vì hầu hết những phong trào toàn quốc lúc bấy giờ đều do khẩu truyền mà ra , chứ không phải do nơi cổ động trên báo chí An nam . Suốt cả thời kỳ cách mạng tiền chiến , báo chí đều chỉ đóng vai trò thụ động . Hoặc họ phê bình đả phá các phong trào ái quốc theo mệnh lệnh của Tây . Chưa bao giờ trong thời kỳ sôi nổi 1925-1927 , báo chí An nam đóng vai tiền phong hay chủ động , dẫn dắt quần chúng . La Cloche Félée của Nguyễn An Ninh , và La Jeune Indochine của Vũ Đình Duy ở Saigon , Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế , L’Argus Indochinois của Amédée Clémenti ở Hà nội , là những cơ quan tranh đấu độc lập , của những nhà trí thức cách mạng An nam và Tây .
Phong trào học trò đi học mặc đồ Tây bằng vải nội hóa , năm 1927, cũng không phải do báo chí cách mạng phát động . Trái lại , có nhiều tờ báo lại còn làm thơ con cóc và đem những triết lý đạo đức vụn ra mà chế nhạo nữa là khác . Mặc kệ, bọn học trò bảo nhau : Tây họ thấy tụi mình mặc áo quần An nam , họ khinh mình là nhà quê , họ chửi mình là “ sale race “ ( nòi giống nhơ bẩn ) , thì từ nay tụi mình mặc đồ Tây đi học để có ý như khiêu khích .
Hôm ấy , trò Quỳnh , trò Hảo , trò Thu , trò Tuấn , trò Ứng , ngôì bàn chuyện tại nhà thầy Phạm đào Nguyên về vấn đề mặc đồ Tây , do mấy anh Quốc Học ở Huế vô đề xướng hôm trước . Lần đầu , trò Hảo còn e ngại :
- Tuị mình mặc đồ Tây , sợ ông Ðìa với các ông giáo sư cho tụi mình là vô lễ , hay làm phách thì sao ?
Trò Thu chuyên môn giọng cười hài hước :
- Mõa mặc đồ Tây mà mõa cứ học thuộc bài , khỏi ăn hột vịt là mõa “ măng phú “ . Mấy ông giáo sư mặc đồ Tây có làm phách và vô lễ với ông Ðìa không ?
Quỳnh :
- Tao chỉ sợ xin tiền may đồ Tây , cha tao hổng cho .
Tuấn :
- Tao thì tao năn nỉ anh thợ may cho tao may chịu , rôì nghỉ hè vô sẽ trả tiền .
Hảo cười hì hì :
- Nghỉ hè vô , mày bán bộ đồ Tây đó để trả tiền cho thợ may hả ?
- Nghỉ hè về quê , tao diện đồ Tây , đeo cờ-ra-oách cho oai thì cha mẹ tao khóai mắt , nhứt định là cho tao tiền .
Hảo :
- Ông già bà già tao thì dễ lắm . Ổng mặc đồ Tây , thì ổng cũng thích tao mặc đồ Tây cho giống ổng . Nhưng tao sợ tụi mình mặc đồ Tây đi học thì ông Ðìa cấm , không cho mặc .
Nghĩ đến trường hợp có thể ông Ðìa cấm học trò đi học mặc đồ Tây , trò nào cũng ái ngại . Nhưng Tuấn bảo :
- Tao thì tao hổng sợ ông Ðìa cấm . Cấm là vô lý . Tao chỉ sợ lão Gabriel càng ghét tao và suốt năm cứ cho tao ăn trứng vịt . Nhưng tao đếch cần !
- Mầy có lão Arago với lão Antomachi thương mày . Hễ giờ Toán , Gabriel cho mày zéro thì qua giờ Luận Pháp văn ông Antomachi cho mầy 9 sur 10 . Ông Arago cho mầy Lecture cũng 9 sur 10 . Cái này bù qua cái kia .
- Ừ , vậy cho nên tao đâu có sợ lão Gabriel !
Rốt cuộc rồi ai cũng tán thành mặc đồ Tây đi học . Nếu xẩy ra chuyện gì , sẽ liệu sau . Nhưng Tuấn đề nghị may bằng vải nội hóa , đừng thèm may vải tây . Cãi nhau một hồi lâu rồi tất cả chịu may bằng vải nội hóa Quảng Nam . Vải dệt ở Qui-nhơn và Quảng Ngãi không đẹp bằng dệt ở Quảng Nam, mấy anh thợ may bảo thế .
Phong trào vận động may đồ Tây được tuyên truyền miệng khắp giới học sinh các lớp Trung học . Học sinh Tiểu học còn nhỏ tuổi , hầu hết các bậc phụ huynh các em không cho mặc đồ Tây . Thế là nửa tháng sau , hai phần ba số học trò lớn đều có mỗi trò một bộ đồ Âu phục bằng vải nội hóa . Họ gọi là là “ Nhứt bộ “ vì trò nào cũng chỉ kiếm tiền may được một bộ mà thôi . Còn một phần ba , tụi nhát gan nhất , sợ mặc đồ Tây sẽ bị ông Ðìa phạt và giáo sư ghét , thì nhất định tiếp tục áo dài đen , quần trắng , mang guốc .
Sáng thứ Hai ấy , Tuấn dậy thật sớm , tắm rửa sạch sẽ để làm lễ khánh thành bộ đồ tây đầu tiên của trò . Sau khi chãi tóc rẽ trois quarts thật bảnh bao , Tuấn trịnh trọng mặc sơ mi trắng tinh , chiếc sơ mi mới may duy nhất và cẩn thận cài từng nút xa cừ . Thắt cà-ra-óach , thì đã nhờ anh thợ may bày cho , và Tuấn đã tập mãi ngày Chủ Nhật để thắt cho đẹp và cho ngay thẳng giữa cổ .
Xong , không mặc quần đùi vì Tuấn ghét mặc quần đùi , cứ ở truồng như thế Tuấn lấy nhè nhẹ cái quần tây , xỏ nhè nhẹ vào hai ống chân , sợ nó mất plis . Hai tay cầm hai bên lưng quần . Tuấn cúi xuống ngó từ dưới ngó lên xem có ngay thẳng không , rồi mới cài nút . Thắt dây lưng vải , vì hồi đó chưa có tiệm nào bán thắt lưng da ( Anh thợ may dùm cái thắt lưng vải , Tuấn phải trả thêm hai đồng bạc ) . Tuấn tròng vô nhè nhẹ cái áo veste …Theo thời trang đời bấy giờ mặc đồ Tây phải mặc complet đủ bộ quần và áo , chứ không ai mặc sơ mi trần . Học trò cũng mặc “đồ lớn “ như người lớn vậy . Ðến việc mang giầy , mà không có vớ . Vì mua vớ tốn tiền thêm , và chủ tiệm không bán chịu . Chỉ có anh thợ may là bằng lòng may chịu mà thôi . Dĩ nhiên là trò Tuấn may chịu cả cái cà-la-oách gía tiền thêm hai đồng nữa , vì chưa có tiệm nào bán cà-la-oách cả .
Xong đâu vào đấy trò Tuấn ngắm nghía trong tủ kiếng của ông chủ nhà , tự thấy ngượng ngùng mắc cỡ , muốn cởi ra xếp cất trở vào va li . Người đầu tiên trông thấy Tuấn mặc đồ Tây là cô con gái ông chủ nhà , 14 tuổi , học lớp Nhì . Cô Công Tôn Nữ Thị Linh khen :” Anh Tuấn mặc đồ tây đẹp quá ! “ và cứ đứng đó trầm trồ khen mãi . Cô còn chạy xuống bếp gọi :” Mạ ơi , lên coi anh Tuấn mặc đồ tây đẹp quá , nè Mạ ! “ Tuấn mắc cỡ , hoảng hồn , chạy vô buồng trốn mất , không dám thò đầu ra …
Thấy Tuấn lần đầu tiên mặc đồ Tây bẽn lẽn , bà chủ nhà và cô con gái cười rồ lên rồi đi tránh xuống bếp . Ðợi một lúc lâu , trong nhà lặng lẽ , Tuấn mơí khẽ cửa buồng và chạy phóng ra ngoài đường . Tuấn rất khổ sở , còn phải ráng chịu ái cực hình bị hai bên hàng phố dòm ngó cậu . Phần nhiều dân thành phố tủm tỉm cười và trầm trồ khen ngợi thấy các cậu mặc bộ quần áo tây đi học , như hầu hết học trò lớn trường Qui-nhơn sáng hôm ấy .
Các ông giáo sư Pháp nhìn sự thay đổi đồng phục đột ngột ấy với cặp mắt tò mò đầy cảm tình . Nhưng đa số các ông Ðốc , và giáo sư An nam , thì , trái lại , hình như không tán thành . Vài ông , như ông đốc Th . dạy môn Luân Lý , ông đốc V. dạy Quốc văn , còn có vẻ ác cảm rõ rệt . Ngay trong giờ Luân Lý buổi chiều ở lớp Ðệ Tam niên , ông Th. giảng về “ Le respect de soi “ ( sự tự trọng ) đã nói bằng giọng mĩa mai :” Thí dụ như người học trò còn đi học mà bắt chước mặc y phục như người lớn , cũng mang giày tây , mặc quần áo tây , chỉ tỏ ra thiếu sự tự trọng , và chỉ đáng khinh khi “ .
Toàn thể học trò trong lớp đều hiểu rằng ông giáo sư mượn bài học luân lý để công kích những trò mặc đồ Tây , mang giầy Tây -- nghĩa là gần hết cả lớp , trừ năm ba đứa mà thôi , những đứa nhút nhát còn mang guốc , mặc áo dài đen .
Ông đốc Tr. , giáo sư Lý hoá , không nói gì , nhưng hôm ấy ông cho điểm gắt gao hơn thường lệ . Trò Tuấn được gọi lên bảng trả bài . Trò thuộc bài vanh vách , trả lời không vấp một câu một chữ , đáng lẽ như mọi khi trò được 9 điểm , hôm ấy chỉ được ông cho 6 điểm mà thôi . Tuấn đoán chừng tại vì ông ghét bộ đồ tây của Tuấn nên ông trừ mất 3 điểm .Tất cả các trò mặc đồ tây được gọi lên trả bài đều bị sụt điểm như thế .
Trái lại , trò Trân , lên bảng trả lời ấp úng , lại được ông giáo sư cho 8 điểm -- chắc chắn tại vì trò vẫn bảo thủ cái áo dài “ trăng đầm “đen , và đi chân không .
Ðại khái phản ứng của một số giáo sư An nam là thế trong lúc chính họ vẫn mặc âu phục , may bằng vải serge bleu marine, hoặc bằng các tissus khác , toàn vải của Tây .
Giáo sư Pháp có những nhận xét công bằng và hợp lý hơn . Chính ông Gabriel , giáo sư Kỷ hà học , là người khó chịu nhất , hay quạu nhất , thực dân hạng nặng , mà vẫn tỏ ý tán thành học trò mặc đồ Tây .
Ông ghét trò Tuấn hơn ai hết , lúc nào cũng gườm gườm gọi Tuấn lên bảng để hỏi những câu bắt bí về Géometrie plane , để rồi thưởng cho trò những con zéro liên tiếp trong các giờ toán . Thế mà hôm đầu tiên Tuấn mặc đồ Tây đi học , ông khen Tuấn một câu : "Hôm nay mầy mặc đồ âu phục , coi cái mặt mày dễ thương hơn “. Ông chỉ hỏi Tuấn sơ sài về một định lý , rồi cho Tuấn 8 điểm .
Nhưng quan trọng hơn cả là những nhận xét của ông Ðìa-réc-tơ Henri Deydier. Ông không phản đối sự học trò mặc âu phục đi học , nhưng theo một thông cáo bí mật của Toà Khâm Sứ Huế gửi cho ông Công Sứ Qui Nhơn và chuyển đạt qua ông Ðìa thì sự học trò mặc Âu phục đồng loạt như thế là một cuộc biều tình có tính cách chính trị . Ông Ðià đưa ra những lý do sau đây :
-Không phải riêng học trò Qui Nhơn mà đây là một phong trào chung ở tất cả các Trung học Bắc kỳ , Trung kỳ , Nam kỳ .
- Cuộc “ biểu tình bằng Âu phục “ này xẩy ra ngay sau những cuộc xin ân xá Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh .
- Học trò mặc Âu phục toàn bằng vải nội hóa .
Tuy nhiên những nhận xét của Chính Quyền Thuộc Ðịa Ðông Dương về cuộc “ cách mạng quần áo “ , danh từ chính thức thông dụng là “ revolution vestimentaire “ của học trò Trung học toàn quốc , không có hậu quả gì về thực tế . Ông Ðià có cho gọi mấy trò ở các lớp lớn Ðệ Tứ và Ðệ Tam niên hỏi :” Taị sao tự nhiên cả trường rũ nhau mặc đồ Tây ? “ tất cả đều trả lời :” taị vì mặc Âu phục rất tiện lợi “ ngoài ra không có mục đích gì về quốc sự cả “ . Ông Ðìa có hỏi trò Tuấn :
- Tại sao mầy không may đồ Tây bằng vải Tây mà lại may bằng vải An nam ?
Tuấn trả lời :
- Thưa ông Ðốc , tại vì vải An nam rẻ tiền hơn . Tuị tui nghèo , đâu có tiền may vải tây .
Mặc dầu ông Ðià tỏ vẻ hoài nghi nhưng không rầy la , không hăm doạ , không cấm , như nhiều trò đã lo sợ lúc đầu . Rồi từ đấy , các trò mặc Âu phục tiếp tục mặc âu phục mãi , còn các trò nhút nhát dần dần cũng bắt chước theo . Qua năm 1927. sau kỳ nghỉ Hè , toàn thể học trò Trung học trong nước đều mặc Âu phục , trong lúc đi học cũng như đi chơi .
Ở thành phố , các giới đồng bào phản ứng khác nhau .
Ða số tán thành , nhất là giới nhà buôn , công chức và phụ nữ , các cô gái , đều nhiệt liệt hoan nghênh , khen “ mấy anh học trò mặc đồ tây coi đẹp quá “ .
Trò Tuấn mấy ngày đầu còn hơi mắc cỡ , nhưng sau đó trò thích chí cứ mặc đồ Tây suốt ngày . Cho đến lúc đi ngủ mới cởi thay . Chủ nhật và chiều thứ Năm được nghỉ. Tuấn với vài ba thằng bạn diện đồ Tây nội hóa , nhất bộ , đi chơi rong khắp phố . Ðược mấy cô gái đứng trong cửa sổ nhìn ra , các trò khoái lắm . Hai cô bạn Trâm và Anh vừa thi đậu “ xẹc-ti-phi-ca “ có làm một bài thơ bát cú tặng Tuấn như sau đây :
Anh mặc đồ tây , coi bảnh trai
Cổ đeo cà-vạt , chân mang giầy ,
Văn minh thế giới đều khai hóa
Học thức An Nam cũng hữu tài
Kinh sử văn chương không kém bạn
Tinh thần vật chất có thua ai ?
Mong anh giữ trọn tình yêu Nước ,
Hồ thỉ tang bồng thõa chí trai .
Phạm thị Trâm - Nguyễn thị Ngọc-Anh
( Lớp Nhất , Collège Qui-Nhơn - 12-6-1926 )
Trò Tuấn xem thơ , cảm động , có họa lại như sau :
Nhìn gương hổ thẹn kẻ làm trai ,
Đầu đội mũ tây , gót nện giày
Ðèn sách mỗi ngày lo luyện chí
Văn minh bốn bể ráng đua tài
Gái trai Hồng Lạc cùng chung sức
Con cháu Tiên Rồng há kém ai
Quần áo đổi thay , lòng chẳng đổi
Bao giờ quên được phận làm trai !
Trần Tuấn
(Ðệ Nhị Niên , Collège Qui-Nhơn - 13-6-1926 )
Hai bài thơ học trò còn vụng về nhưng có một số người truyền nhau chép và đọc đang lúc phong trào mặc đồ Tây thịnh hành .
Nhân kỳ thi “ xéc-ti-phi-ca” qui tụ tại Qui-nhơn tất cả học sinh tiểu học toàn tỉnh ( Phù Cát , Phù Mỹ , Bình Ðịnh , Bồng Sơn ) có rất đông các nhà Nho , các ông Tú , ông Cử , đem con đi thi , thành phố Qui-Nhơn rộn rịp lạ thường . Hai bài thơ trên kia cũng đến tai các phụ huynh học sinh Tiểu học . Một ông Tú , tên là Tú Tuyển , ở Gò-Bồi , có họa lại như sau đây :
Ðã được danh gì , các cậu trai ?
Cũng chưng Tây phục , cũng mang giầy ?
Văn minh Ðại Pháp cao vô lượng ,
Y phục An Nam khéo đọ tài !
Cà vạt mũ tây coi có vẻ
Xôi kinh nếp sử chửa bằng ai ,
Ðua nhau ăn diện làm chi rứa ?
Chỉ khéo trò cười , các cậu trai !
Tú Tài Trần Tuyển .
Bài thơ này khiến cho một số đông học trò dĩ nhiên phẫn uất . Trò Quỳnh chạy đến nhà trò Tuấn , đọc cho Tuấn nghe , rôì đọc luôn cả bài của Quỳnh đáp lại ( Phan Quỳnh và Trần Tuấn là hai trò có tiếng giỏi Quốc Văn trong lớp ) . Quỳnh đã thức nửa đêm bỏ bài học Sử Ký , để họa bài thơ của Ông Tú Tuyển :
Ðến trường mang guốc thẹn chân trai
Theo bước văn minh nện gót giầy
Hán tự cùn mòn , quăng vứt xó
Pháp văn mới mẻ chạy đua tài .
Quỳnh cười đắc chí , ngó Tuấn :
- Mày coi tao ngạo ông Tú nhà Nho đó như chiếc guốc cùn !
Xong Quỳnh đọc tiếp :
Há giòng giống mọi , không hơn nó ?
Phải áo quần tây chẳng kém ai !
Nô lệ cựu trào sao giữ mãi ?
Tương lai hoài bão mấy thằng trai !
Phan Quỳnh
(Ðệ Nhị Niên , Collège Qui-Nhơn )
Phan Quỳnh tính rất nóng nảy . Ðọc xong bài của mình , Quỳnh hỏi Tuấn :
- Ðược không , mày ?
- Hay lắm rồi mầy ơi ! Nhưng liệu mày ngạo ổng rồi mày có dám đến đọc cho ổng nghe không ?
- Tao sợ gì ! Nhưng mày cũng phải làm một bài trả lời ổng , rôì hai đứa mình đến đọc cho ổng nghe.
- Tao đã làm rồi . Chính là bài của tao đầu tiên họa lại bài của Trâm và Anh , rồi ông Tú họa theo đó chứ .
Phan Quỳnh nổi quạu liền :
- Mâỳ họa bài của con Trâm con Anh tụi nó vuốt ve mầy thì được , còn ông Tú Tuyển họa lại mắng vào mặt mày , mầy làm thinh không trả lời , ốt dột quá !
- Thì đã có bài của mầy trả lời cho ổng rồi , không đủ sao ?
- Nhưng tao muốn có thêm một bài của mầy nữa . Mày làm liền đây cho tao coi . Rồi tụi mình đem ngay sáng nay lên cho ông Tú , chứ tao nghe nói trưa nay ổng về Gò Bồi đấy . Không trả lời được ổng , tao tức lắm . Phải có hai đứa mình trả lời cho ổng cứng họng .
Trò Tuấn băn khoăn hết sức …Phần thì O-Vui em gái ông chủ nhà , đang nấu chè hột sen ở bếp , mùi thơm bay lên ngào ngạt , Tuấn chỉ ngửi mùi thơm ấy mà không muốn làm thơ …Nhưng Quỳnh cứ giục mãi , Tuấn bảo :
- Thôi mày đi ra bờ biển chơi một lát , rôì trở lại đây .
- Tao trở lại , mày phải làm xong bài thơ hỉ ?
- Mầy phải đi lâu lâu mới được . Bây giờ là 8 giờ , 12 giờ mày hãy trở lại .
- Ừ , 11 giờ tao trở lại .
Phan Quỳnh đi xong, Tuấn leo lên cái gác xếp , không ai ở , nằm sấp xuống chiếu để viết . 11 giờ , Quỳnh trở lại Tuấn mới được 6 câu , đọc cho Quỳnh nghe :
Há phải danh gì , một lũ trai ,
Vì mang âu phục , phải mang giầy ,
Văn minh rực rỡ ông thầy Pháp ,
Hủ lậu co ro bác Tú Tài ,
Nhục trước ông cha thua kém họ
Mong sau con cháu kịp bằng ai .
- Ðược đấy , còn hai câu nữa , làm luôn đi .
- Mày đi ra chơi ngoài chợ một lát , để một mình tao mới làm được.
Nhưng Quỳnh ra cửa còn đứng đấy , thì Tuấn gọi :
- Rồi rồi , Quỳnh ơi , vô đây !
Tuấn đọc nốt hai câu chót :
Nước nhà nô lệ không mong tiến
Mai mỉa làm chi mấy đứa trai ?
12 giờ trưa , Quỳnh và Tuấn đến nhà thầy Phạm Đào Nguyên , nơi trọ của ông tú tài Trần Tuyển : Ông đang ngồi ghế tràng kỷ , rung đùi ngâm bài thơ của ông ra vẻ khoái trá lắm . Quỳnh tiến tới , lễ phép chào rồi trao tận tay ông hai bài thơ họa của hai đứa học trò …Tuấn sợ ông Tú , đứng ở ngoài không dám vào , ông Tú đọc xong , chỉ đưa tay vuốt râu cười.