CHƯƠNG 46
Tác giả: Nguyễn Vỹ
1932
- Một vụ ngoại tình làm sôi nổi dư luận Hà nội đến cực điểm.
- Phụ nữ Huế chống phong trào lãng mạn của phụ nữ Hà nội.
- Hội kín cách mạng nẩy nở ở Trung kỳ.
- Cộng sản nổi dậy lần đầu tiên ở Nghệ An và Quảng Ngãi.
- Lính " lê dương " của Tây từ Hà nội vào, tiêu diệt phong trào Cộng sản.
- Khác biệt giữa Cộng sản Trung kỳ, Cộng sản Bắc kỳ và Nam kỳ.
Tuấn có một người bạn thân quê ở Quảng Nam, anh Phan Thanh, nguyên là Trợ giáo, dạy tại trường Thăng Long ở góc phố Hàng Cót (rue Takou) và phố Cửa Bắc (boulevard Carnot). Một trường cao đẳng Tiểu học dạy thi “ diplôme d’études primaires supérieures (trung học đệ nhất cấp) lớn nhất ở Hà Nội. Phan Thanh giới thiệu Tuấn vào dạy trường này. Tuấn dạy mỗi tuần 2 giờ Pháp văn ở lớp đệ nhị niên, vài giờ ở đệ nhất niên.
Tuấn mặc bộ đồ tây xấu xí bằng vải nội hóa, bị học trò chế nhạo là “ thầy giáo quê mùa “.Tuấn lại có thói hút thuốc Mélia nhiều quá, nên bị học trò đặt cho cái tên riêng là Monsieur Mélia. Nhưng từ hôm chàng giảng cho học trò bài "Le petit Gavroche" trích trong bộ "Les Misérables" của Victor Hugo, học trò hết chế nhạo Tuấn và trái lại thương Tuấn lắm.
Dân chúng Hà Nội lúc bấy giờ đang bàn tán xôn xao về vụ ông phán sở Bưu điện ngoại tình với một bà giáo sư, vợ của một ông phán cùng sở, bạn thân của ông. Những chuyện “ bạn và vợ “ không phải là hiếm ở xã hội An nam bất cứ ở thời đại nào, nhưng vụ “ Th.Kh.Th “ sở dĩ gây ra dư luận vô cùng sôi nổi không riêng ở Hà Nội, mà cả xứ Bắc kỳ, là vì bộ ba này là những nhân vật cao cấp trong hành chánh, mà người đàn bà ngoại tình lại rất có tiếng trong giới trí thức nữ lưu. Người chồng bắt được đôi gian phu dâm phụ trong một tòa nhà ở miền duyên hải. Do đó, vụ tai tiếng nổ bùng ra, làm rùm beng, gây vang dội khắp các giới trong xã hội.
Ngay trước cửa trường Thăng Long, có một nhà cho thuê xe đám ma, chủ nhân tên là Louis Chức (ông này thời Việt Minh đổi tên là Lưu Chức). Muốn lợi dụng cơ hội để quảng cáo cho cơ sở của ông, Louis Chức bèn tổ chức một cuộc dàn cảnh để đả kích vụ ngoại tình “ bạn và vợ “ kia. Ðề tài của cuộc biểu diễn là “ voi dày ngựa xé “, mà ông chủ cho thuê xe đám ma thực hiện bằng cách buộc nơi bốn chân ngựa và voi của ông cái hình nộm đôi gian phu dâm phụ. Voi và ngựa bước đi là hai hình nộm đó bị xé ra tơi bời. Dân chúng các đường phố đổ ra xem cảnh “voi dày ngựa xé “ của Louis Chức, bêu xấu đôi gian phu dâm phụ của giới trí thức Hà thành. Học trò lớp Pháp văn đệ nhị niên của Tuấn xin Tuấn cho làm một bài luận về đề tài thời sự hấp dẫn đó. Một dịp để đám học sinh 16, 17 tuổi đua nhau mạt sát vụ đồi phong bại tục và đề cao tinh thần đạo đức Á đông.
Bên cạnh đám thanh niên trí thức “ retour de France “ gây ra phong trào lãng mạn 1932 được giới tiểu thư tân thời huà theo hăng hái, có một nhóm khác gồm mấy chàng trai trẻ có óc khôi hài, tìm cách chế nhạo và mỉa mai lớp phụ nữ gọi là “ tân tiến “ kia, và những kẻ đàn ông lợi dụng phong trào.
Họ đặt ra một câu lạc bộ “ những người ghét đàn bà “ mà họ gọi bằng tiếng Pháp là
“club des misogynes “ và xuất bản một tờ tuần báo bằng Pháp văn in bằng mực tím, khác hẳn các tuần báo khác về phương diện kỹ thuật, trình bày cũng như nội dung.
Một trong đám thanh niên “ nghịch ngợm “ này cũng vừa du học ở Pháp về, có mở một tiệm sản xuất mũ theo phương pháp Âu tây. Chàng ký tên là Ch.Mau’s, mà Tuấn nghe nhiều người nói tên thật là Chu Mậu. Tuấn đọc tờ báo "Les Misogynes" cảm thấy thích thú vì lời văn trào phúng theo lối Pháp khá hấp dẫn. Nhưng tờ báo chỉ ra được một vài số rồi chết, có lẽ vì không được đa số bạn trẻ hoan nghênh.
Tuấn theo dõi các phong trào lãng mạn bành trướng ở Hà Nội trong lãnh vực văn nghệ, báo chí, thể thao, phụ nữ, phong tục, hầu hết đều do đám thanh niên trí thức du học ở Pháp về đề xướng, Tuấn có nhiều cơ hội làm quen với các bậc đàn anh này, và tìm hiểu họ. Nhưng chàng cảm thấy giữa họ và thanh niên trí thức trong nước, kể cả sinh viên trường Cao đẳng Ðại học Ðông dương ở Hà Nội, vẫn có một cách biệt sâu rộng khó dung hòa với nhau.
Trí thức trong nước dù có học cao học giỏi đến đâu chăng nữa, dù hấp thụ rất nhiều văn minh Âu Tây, vẫn giữ vẹn nề nếp nho phong của dòng giống Việt Nam. Trái lại, số đông trí thức du học ở Pháp về thường có mặc cảm tự tôn, hãnh diện rằng họ đã sống bên Pháp, nguồn gốc của cái văn minh mà người An nam ở “ bổn xứ “đang tìm tòi học hỏi. Họ vẫn tỏ vẻ khinh trí thức ở nhà, cho đến đỗi một trong số bạn trẻ "Retour de France", Nguyễn Mạnh Tường, Tiến sĩ Văn chương Pháp, viết trên một tờ báo Pháp văn ở Hà Nội đã gọi đám thanh niên trí thức An nam là “ primaires “ (tiểu học) và đã gây ra một cuộc bút chiến khá kịch liệt giữa Nguyễn Tiến Lãng với một thanh niên trí thức Hà Nội.
Phong trào lãng mạn bộc phát từ 1932 tại Hà Nội không được bành trướng ở Trung Kỳ.
Khác với Hà Nội, các cô con gái nhà quý tộc ở Huế đông hơn nhiều, và đa số xuất thân từ trường Nữ Trung Học Ðồng Khánh, nhưng vẫn giữ tinh thần giáo dục Á đông. Họ không thích hùa theo các phong trào “ tiểu thư tân thời “ của lớp gái mới Hà Nội. Nhiều bài thơ Ðường luật, hoặc Cổ phong, đăng trong báo Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, mỉa mai các “ cô tân thời rỡm “, phản ảnh trạng thái tinh thần cổ kính ấy.
Sự hiện diện của cụ Phan Bội Châu, “ông già Bến Ngự “ mà ảnh hưởng tinh thần hãy còn sâu rộng trong xã hội đế đô, còn bảo đảm cho đạo đức Việt Nam. Tuy cụ không còn hoạt động gì được nữa, nhưng cụ vẫn được toàn thể dân chúng, kể cả giới quan lại trong Triều đình An nam, coi như một thần tượng còn sống mà mọi người, nhất là giới trí thức tân cũng như cựu, đều tôn sùng.
Vì vậy, các phong trào lãng mạn ở Bắc kỳ, không xâm nhập được ở Huế và các thành phố lớn như Vinh, Tourane, QuiNhơn, Nha Trang.
Nếu thỉnh thoảng có một số gái mới y phục và hành động lố lăng, thì đó là thuộc giới ít học, hoặc gái làng chơi mà thôi. Sự cách biệt giới phụ nữ trí thức và loại gái tân thời rỡm rất là rõ rệt.
Trái lại phong trào “ hội kín “, tức là các hoạt động cách mạng bí mật chống Pháp, lại bành trướng ở Trung kỳ, từ 1930 mạnh hơn lúc nào hết.
Phong trào này chia ra làm hai loại có tính cách khác nhau hẳn.
Loại tiểu tư sản (petite buorgeoise) gồm đa số các thầy trợ giáo, tức là giáo sư đệ nhất và đệ nhị cấp, và thông phán (công chức các công sở Bảo hộ). Những phần tử này có tinh thần quốc gia thuần tuý, thường gia nhập vào đảng Tân Việt, hoặc Việt Nam Phục Quốc Hội, nhưng hoạt động dè dặt.
Trái lại, loại bình dân, gồm đa số phú nông và điền chủ, nhất là bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, hoạt động lại cuồng nhiệt theo đảng Cộng Sản Ðông Dương.
Năm 1930, cộng sản nổi dậy đầu tiên tại phủ Ðô Lương (Nghệ An) và các phủ huyện Mộ Ðức, Ðức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), thành một cuộc nổi loạn đầy máu và lửa vô cùng khủng khiếp. Ở Quảng Ngãi, người cầm đầu vụ này là Nguyễn Nghiêm, người anh con ông bác của Tuấn.
Thoạt tiên nghe tin này, Tuấn hết sức ngạc nhiên. Tuy học ở Hà Nội, Tuấn không có dịp gần gũi người anh họ, nhưng biết anh từ thuở thiếu thời, và thỉnh thoảng trong thời kỳ đi học xa Tuấn được về nghỉ hè một vài tháng ở quê nhà vẫn thường gặp Nguyễn Nghiêm.
Chàng tuyệt nhiên không ngờ người anh họ nhà quê đó lại là một tay cộng sản, hơn nữa, là người cầm đầu cuộc nổi loạn cộng sản Quảng Ngãi năm 1930.
Nguyễn Nghiêm là con trai độc nhất, tuy là con thứ mười của ông Nguyễn Tuyên, Tú tài Hán học ở làng Tân Hội, huyện Ðức phổ, Quảng Ngãi. Ông tú đã bị 5 năm tù ở Côn Lôn sau phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. Mãn hạn tù, ông về làng dạy học và làm nghề đông y.
Sau khi ông qua đời, Nguyễn Nghiêm làm nghề thuốc tập sự, nối nghiệp cha. Anh vào trạc 30 tuổi, người mảnh khảnh, hiền lành và ít nói. Anh hoàn toàn là một chàng trai ở thôn quê, biết chữ Hán qua loa như những chàng trai khác ở trong làng.
Theo lối phân chia giai cấp của cộng sản thì anh thuộc về thành phần đại điền chủ, giàu ruộng đất nhất trong làng, vì anh thừa kế hai gia tài hương hỏa của ông nội và của cha.
Tuấn không biết Nguyễn Nghiêm theo cộng sản từ bao giờ. Chàng chỉ nhớ rằng năm 1929 ở Hà Nội về quê nghỉ Hè, chàng được gặp Nguyễn Nghiêm một lần khiến chàng vô cùng ngạc nhiên. Nghe Tuấn ở Hà Nội về, Nghiêm đến thăm, và đưa Tuấn xem hai quyển sách bằng chữ Pháp :
”De L’ impérialisme” của Boukharin, và “Le Marxisme et le problème national” của Staline.
Nghiêm không hiểu tiếng Pháp, nhờ Tuấn dịch dùm ra chữ quốc ngữ. Sau khi đã xem hết hai quyển sách trong hai ngày, Tuấn từ chối việc dịch, vì chỉ nghỉ ở quê nhà được có 15 ngày, không có thì giờ. Nhưng Tuấn ngạc nhiên thấy Nghiêm có hai quyển sách cộng sản bằng Pháp văn. Ngoài ra, Nghiêm không hề nói chuyện gì về Chủ Nghĩa Cộng Sản mà anh cho là một hình thức của Chủ Nghĩa Quốc Gia. !
Cuộc hoạt động bí mật của Cộng sản trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, đặt biệt trong giai cấp tư sản nông thôn, đã thành công. Và đây là một điều rất lạ, hầu hết những đảng viên sốt sắng tham gia vào đảng Cộng sản Quảng Ngãi, đều là các điền chủ, các địa chủ khá giả trong thôn quê. Dĩ nhiên, thiểu số nhà đại phú, đaị thương gia hoặc quan lại đều không tham gia vào đảng, nhưng chính những kẻ gọi là “ bần cố nông “ nghĩa là những người cày thuê gặt mướn, nhưng nông dân không có ruộng đất, lại cũng đứng ngoài phong trào cộng sản. Hoặc họ chỉ ủng hộ suông mà thôi, chứ không đóng vai trò trọng yếu trong các cuộc hoạt động của đảng. Ðây là Tuấn nhận xét khách quan về tính chất mâu thuẫn của cộng sản Quảng Ngãi năm 1932, lúc mới phát khởi phong trào.
Một đêm không trăng, muà Hè 1930, vào khoảng giữa canh một, cộng sản nổi dậy khắp các phủ, huyện tỉnh Quảng Ngãi. Ở huyện Ðức Phổ, cuộc khởi loạn bùng dậy ở làng Tân Hôị, quê của Nguyễn Nghiêm, vào lúc 8 giờ đêm. Cộng sản tụ họp hàng ngàn người tại một gò đất cao và đốt đuốc sáng rực cả một góc làng, nổi trống và mõ inh ỏi.
Họ bắt giết, chặt đầu bằng dao và rựa, những người làm việc “ cho Tây “, trong số đó có một Phó Tổng, một người lính “ phú lít “ - cảnh sát – đã về hưu trí, và một ngươì nữa trong làng. Mấy người này chạy trốn ra ruộng, bị cộng sản đuổi bắt được và chặt làm ba khúc. Xong, họ kéo nhau đi xuống Huyện. Ðường quan lộ từ làng Tân Hội xuống huyện lỵ Ðức Phổ dài đến 10 cây số, họ cầm đuốc đi bộ, ào ạt một đoàn dài, đi lộn xộn không có trật tự, la hét om sòm.
Một cây cờ đỏ búa liềm của Nga Sô đi tiền phong. Trong đoàn có cả một số đàn bà con gái, tất cả đều cắt tóc cụt và mặc áo quần bà ba đen. Vợ Nguyễn Nghiêm, chỉ huy đám phụ nữ. Họ khiêng theo những thùng nước chè tươi, để giải khát, và mang đủ thứ khí giới của nông dân : dao, rựa, mác, và những cây củi, cây đòn xóc. Qua mỗi làng, mỗi xã, đều có những đoàn người khác gia nhập vào, khi đến huyện lỵ thì số cộng sản nổi loạn lên đến 4 ngàn người. Họ hò hét, diễn thuyết, xúi dục dân chúng theo họ, ùa vào đốt huyện đường, và lùng bắt ông Huyện. Nhưng ông này đã trốn thoát.
Ở các phủ huyện khác cũng đều có xẩy ra cuộc biến loạn y như ở huyện Ðức Phổ, do Nguyễn Nghiêm cầm đầu.
Nhưng cộng sản chỉ làm chủ tình hình được một đêm đầu đó thôi. Mấy hôm sau, người Pháp đem lính Lê dương (Légionnaires) mà phần đông là người Malgaches và Sénégalais chiếm đóng các phủ huyện và nhiều làng.
Tại làng Tân Hội, sau vụ biến loạn cộng sản, lính về đóng ngay tại nhà ông Nguyễn Hiền, một vị Thượng thư đang nhậm chức ở Triều Ðình Huế. Người anh ruột của ông này, ông Chủ Cát, một cụ già 70 tuổi, đã thoát khỏi nạn cộng sản, nhờ ông đã trốn được kịp thời dưới bờ suối trước nhà ông trong đêm biến loạn.
Cuộc đàn áp bắt đầu. Nguyễn Nghiêm trốn tại nhà một đảng viên cộng sản, bị bắt và bị xử tử hình trên bờ sông Trà Khúc. Hầu hết các đảng viên cộng sản bị đưa đi các nhà lao Ban Mê Thuột và Lao Bảo.
Ở Tân Hội, số cộng sản bị bắt lên đến hai phần ba dân số. Nhiều nhà bị đốt.
Mấy tháng sau, Tuấn ở Hà Nội về thăm nhà và xem xét tình hình, còn thấy lác đác đó đây những cột cháy đen thui đứng chơ vơ trên những nền nhà hoang phế, bị thiêu huỷ tan tành. Nơi đây, trước kia, là những nhà cao cửa rộng của những ông Hương, ông xã, đã vô tình theo cộng sản.
Tất cả các nhà trong mỗi xóm đều bị rào bít chung quanh chỉ còn chừa một lối đi duy nhất trong xóm. Những chòi canh cao độ 10 thước, được dựng lên trước các đình và các cổng làng. Tất cả dân làng còn sót lại đều phải đi canh gác ban đêm.
Một tiểu đội lính Lê dương được đưa từ Hà Nội vào, đóng tại huyện Mộ Ðức, cách làng Tân Hội 5 cây số. Viên quan Ba Pháp đóng bản doanh tại trường Sơ Ðẳng Tiểu Học, gần huyện. Quan Ba Pháp cần giao thiệp với các hương lý các làng đến báo cáo tin tức hàng ngày, nhưng ông không nói được tiếng An nam và không có thông ngôn. Ông phải nhờ viên Tri Huyện sở tại nhưng ông Huyện lại không biết tiếng Tây. Viên quan Ba liền làm giấy xin đổi viên Tri Huyện, và đề cử thầy Trợ giáo hiệu trưởng trường tiểu học lên làm Tri Huyện. Thầy Trợ giáo đó lại là thầy học cũ của Tuấn. Hôm Tuấn ở Hà Nội về thăm nhà, ghé qua Huyện để vấn an thầy, lính không cho Tuấn vào. Tuấn lấy giấy viết mấy giòng :” Tuấn, học trò cũ của thầy, nhân dịp ở Hà Nội về thăm nhà, xin được hân hạnh vào thăm thầy “.
Tuấn chờ ngoài cổng. Mười lăm phút sau, người lính ra bảo Tuấn :
- Quan lớn bận việc, không tiếp cậu được.
Tuấn mỉm cười, lặng lẽ quay ra đi.
Thầy Trợ giáo được viên Quan Ba Pháp chỉ huy đồn lính lê dương, cho lên làm Tri Huyện, để làm thông ngôn cho ông luôn thể, nghiễm nhiên trở thành một vị Quan lớn oai quyền hống hách. Cả Huyện đều khiếp sợ quan. Nhưng, sau đó, loạn cộng sản đã được dẹp yên, đoàn lính lê dương được rút về Hà Nội và quan Ba cũng từ giã đất Mộ Ðức, thì Quan Huyện thông ngôn của ông cũng bị cách chức luôn. Hình như quan lớn cũng không được trở về làm Trợ giáo nữa. Nhiều làng xã được tin, đều làm heo ăn mừng.
Bọn lính lê dương ra đi, để lại tại huyện Mộ Ðức một số khá đông trẻ con lai, và một số
“me Tây “. Những thiếu phụ này lần lượt ẵm con đi Saigon để “ làm ăn “, vì bị dân chúng ở Huyện khinh bỉ, rẻ rúng.
Ðồng thời ở Quảng Ngãi và Nghệ An, Hà Tỉnh, cộng sản cũng nổi loạn lần đầu ở Nam kỳ tại môt địa điểm không mấy quan trọng và cũng có cuộc tàn sát đẫm máu như ở Trung kỳ. Tuấn theo dõi biến cố với những nhận xét hoàn toàn khách quan về tính chất của cuộc nổi loạn cộng sản.
Ở Nam Nghĩa, Nghệ Tỉnh (bốn tỉnh Trung kỳ được nổi tiếng là có tư tưởng cách mạng xao động nhất), cộng sản tuyên truyền được trong vài giới tiểu tư sản nông thôn, mà trái lại lớp gọi là “ bần cố nông “ thì không trực tiếp tham gia, hoặc nếu có thì cũng miễn cưỡng mà thôi, không đóng vai chủ động. Hầu hết những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn cộng sản Trung kỳ đều là địa chủ, điền chủ và họ phất cờ đỏ búa liềm hung hăng nồng nhiệt hơn ai hết. Nhưng đến khi đề cập đến vấn đề chia ruộng đất cho đám dân vô sản thì họ lại ít hăng hái nhất và còn phản đối quyết liệt nữa.
Ở Nam kỳ, trái lại, đa số đảng viên cộng sản là nông dân và thợ thuyền, tuy rằng những thủ lãnh của họ thuộc vào hàng ngũ trí thức tiểu tư sản.
Nhưng, khác với Trung kỳ, ở Nam kỳ ngay từ lúc xuất hiện phong trào Cộng Sản Ðông Dương, đã có sự chia rẽ của hai nhóm Ðệ Tam và Ðệ Tứ quốc tế. Theo sự hiểu biết của Tuấn xem chừng mấy anh “ trotkystes” – đệ tứ - như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, được uy tín và cảm tình của các giới, cả lao động lẫn trí thức, nhiều hơn nhóm “ Stalinines “ - đệ tam - của Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai.
Tất cả mấy anh này đều là sinh viên Ðại Học “ Retour de France “ - ở Pháp về, và họ hoạt động công khai ở ngay Saigon nhờ sự che chở của Luật Pháp Cộng Hòa. Nam kỳ là một thuộc địa, thuộc hẳn về Pháp rồi, cho nên được sống một chế độ chánh trị theo luật pháp như công dân Pháp vậy.
Tuấn tìm thấy đó là nguyên nhân cách biệt của hai phong trào cộng sản ở Trung kỳ và Nam kỳ, tuy họ cùng chung một mục tiêu đấu tranh. Tuấn tự hỏi phải chăng đó là một hoàn cảnh ngẫu nhiên của Lịch sử, hay là một chiến thuật chủ trương bởi những lãnh tụ Cộng sản Ðông Dương mà trụ sở đặt ở bên Tàu ?
Trung kỳ đặt dưới chế độ Bảo hộ, hoàn toàn theo luật pháp “ An nam “. Bộ Luật Gia Long và Luật Hồng Ðức của nhà Lê – cho nên không được quyền tự do ngôn luận, tự do lập đảng, và phải hoạt động bí mật. Lãnh tụ Cộng sản ở Trung kỳ không phải là trí thức “ Retour de France “, được đào tạo ở Pháp và Nga, mà chỉ là vài ba cựu Nho sĩ ở địa phương được hấp thụ học thuyết Mác-xít và ý thức hệ cộng sản qua những sách dịch của cộng sản Tàu, bằng Hán tự.
Tuấn có được dịp gặp tại Saigon và nói chuyện khá lâu với anh Trốt kít Trần Văn Thạch, và anh Dương Bạch Mai, Ðệ tam Quốc tế, một người ở trong một tiệm ăn đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn), một người ở trong hội quán A.J.A.C (Amicale des Journalistes Annamites de Cochinchine - Hội Ái Hữu các nhà báo An nam ở Nam kỳ) , đường Lagrandière (đường Gia Long). Câu chuyện trao đổi riêng biệt với mỗi người kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. So sánh hai lãnh tụ Cộng sản ở Nam kỳ với Nguyễn Nghiêm, lãnh tụ cộng sản ở Trung kỳ, thật khác nhau một trời một vực.
Nguyễn Nghiêm tuy hăng say nhưng quê mùa chất phác, hiểu chủ nghĩa cộng sản quốc tế qua các sách tuyên truyền bằng Hán tự của cộng sản Trung hoa, và chỉ nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh của thượng cấp mà thôi. Anh đã không hiểu được rõ rệt ý nghĩa cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, mà anh, một đại điền chủ, đứng ra lãnh đạo ở tỉnh nhà, với một số đông đồng chí vài ngàn người toàn là ở giai cấp tư sản và địa chủ, phú nông.
Tuấn nhận xét rằng có lẽ Ðảng Cộng Sản Ðông Dương chủ trương đường lối đấu tranh khác nhau ở mỗi "xứ “, tùy theo trình độ chính trị của mỗi địa phương. Cho nên cuộc nổi loạn của Cộng sản Trung kỳ (Quảng Ngãi, Nghệ Tỉnh) trong thời kỳ 1930 -1932 không có thành phần vô sản, bần cố nông.
Ở Bắc kỳ, trong thời gian ấy cộng sản chưa hoạt động. Một nhóm đảng viên lãnh đạo, hầu hết là trí thức trung lưu như Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu, Trần Huy Liệu (anh này nguyên là Việt Nam Quốc Dân Ðảng, rời bỏ hàng ngũ quốc gia để gia nhập cộng sản) chỉ hoạt động trong lãnh vực tuyên truyền mà thôi. Võ Nguyên Giáp vừa đỗ tú tài toàn phần Pháp và ghi tên vào Cao đẳng Luật khoa năm thứ nhất. Ðồng thời, anh dạy môn Sử ký tại trường Trung Học Thăng Long. Ðặng Xuân Khu đỗ bằng Thành Chung và tham gia vào Hội Truyền Bá Quốc Ngữ mà hội trưởng là ông Nguyễn Văn Tối, phó giám đốc trường Viễn Ðông Bác Cổ, Hànô5i. Trần Huy Liệu viết báo.
Ở Bắc kỳ cũng như ở Trung kỳ, Cộng sản Ðệ tam thuần nhất không có Ðệ Tứ. Mãi đến năm 1936 họ mới có vài ba tờ tuần báo làm cơ quan tuyên truyền công khai. Và cùng lúc đó, người ta mới thấy xuất hiện ra một nhóm Trốt-kít nhưng không quan trọng bằng nhóm Ðệ Tứ ở Saigon.
Tuấn được tiếp xúc với đám thanh niên lãnh tụ cộng sản ở Saigon, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Nội, đặc biệt rất quen thân với nhóm Cộng sản Hà Nội. Nhưng nặng về tinh thần quốc gia, chàng không chấp nhận lý thuyết mác-xít và hoàn toàn không tán thành những hoạt động của phái cộng sản.
Dù sao, sau cuộc khởỉ nghĩa thất bại của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, cộng sản hoặc bí mật như ở Bắc kỳ, hoặc công khai như Nam kỳ, vẫn tỏ ra những dấu hiệu hoạt động hăng hái hơn cả đảng phái Quốc gia.
Nhưng phong trào Ðông Dương Cộng Sản chỉ nổi bùng lên ở Trung và Nam kỳ trong hai năm 1932-33 rồi bị đàn áp gắt gao không còn hoạt động công khai được nữa.
Ðảng viên cộng sản bị bắt rất nhiều ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và bị đày đi Côn Lôn, Ban Mê thuột, Lao Bão.
Trong thời kỳ này xuất hiện ra cái “ một “ của người Cộng sản viết chữ F thay Ph (thực dân Fáp, fản đối, fê bình) và DZ thay vì D (tự dzo, dzân chủ …) bằng cách nhấn mạnh chữ d thật nặng, như chữ z của Pháp.
Ngoài ra, quảng đại quần chúng ở thành thị cũng như ở thôn quê, khắp ba kỳ Trung Nam Bắc, rất thờ ơ với những vấn đề “quốc sự“ mà ngày nay chúng ta gọi là “vấn đề chính trị “.