CHƯƠNG 50
Tác giả: Nguyễn Vỹ
1933-34-35
- Thực lực và khuyết điểm của các đảng cách mạng Bắc Trung Nam.
Nghiên cứu về tình hình riêng của mỗi “ xứ “, và tình hình chung của toàn thể lãnh thổ Việt Nam, Tuấn nhận thấy rõ rệt sự kiện say đây, là thiếu hẳn đoàn kết giữa các đảng phái quốc gia hoạt động cách mạng.
Tất cả các đảng phái đều tranh đấu cho những mục phiêu chung :
- Ðộc lập của Tổ quốc.
- Chủ quyền của quốc gia.
- Tự do của dân tộc.
Tất cả các chương trình hoạt động của đảng phái, trừ đảng cộng sản - đều dựa trên ba yếu tố đó làm căn bản. Ðó là nhu cầu của thực trạng một dân tộc vong quốc từ cuối thế kỷ trước mà chưa có một vị anh hùng, chí sĩ nào thực hiện được suốt 50 năm dưới quyền thống trị Pháp. Thay vì một đảng cách mạng duy nhất, tổ chức trên bình diện rộng rãi có sự tham gia hăng hái và trung thành của đại đa số nhân dân ở khắp các từng lớp xã hội, thay vì môt lực lượng tranh đấu đoàn kết được các phần tử ái quốc của ba Kỳ, các đảng phái thành lập dưới hình thức “ hội kín “ lại thích hoạt động riêng rẽ với một số hội viên hiếm hoi, tuyển mộ trong vòng bạn hữu, quen thuộc, chứ không lan rộng được ra quảng đại quần chúng.
Một vài “ lãnh tụ “ làm cách mạng theo lối tài tử nhiều hơn là chiến sĩ chân chính. Họ nói rất hùng hồn nhưng hành động không có phương pháp thực tế.
Bậy nhất là họ có nhiều tự ái, có tác phong anh hùng cá nhân, không chịu chấp nhận những lời phê bình đứng đắn của các đồng chí, hội viên.
Do đó mà “ Hội kín “ nào hay “Ðảng “ nào cũng chỉ sống được một thời gian ngắn, dần dần bị các hội viên bỏ rơi, chỉ còn lại vài ba anh “ lãnh tụ “ hoạt động trong phạm vi lý thuyết suông mà thôi. Sự kết hợp long trọng của một vài đảng cũng chỉ có trong lý thuyết, vì thực tế rất trống trãi nghèo nàn.
Tuấn có đưa một vài anh bạn xem quyển “ Le Réveil de l 'Asie “ của René Grousset, xuất bản ở Paris năm 1925.
Bạn xem xong, trả sách, Tuấn bảo :
- Nếu Việt Nam ta có một Ðảng Cách Mạng duy nhất như đảng Swaraj (parti de Congrès) của Ấn Ðộ, và một lãnh tụ duy nhất có đầy đủ uy tín đối với quốc nội và quốc ngoại như Mahatma Gandhi, hoặc đảng Warfd của Ai Cập, hoặc đảng Jeunes Turcs của Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền lãnh đạo cương quyết và sáng suốt của Mustapha Kemal, thì người Pháp phải kiêng nể dân tộc ta.
Nếu các “Ðảng phái “ của chúng ta hợp nhất lạị thành một đảng duy nhất mà tầm hoạt động được lan rộng khắp 3 kỳ đặt dưới quyền lãnh đạo của một Phan Bội Châu, hay một Nguyễn Thế Truyền, thì cách mạng Việt Nam mới có thể tranh đấu công khai và đi đến thành công được.
Nhưng đám bạn trẻ của Tuấn và Tuấn nhận thấy tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, và hợp nhất đảng phái quốc gia không thể nào thực hiện được, vì óc “ lãnh tụ “, “ anh hùng cá nhân “ đầy lòng tự ái của mấy người anh làm “ cách mạng tài tử “, là một trở ngại lớn lao không thể nào đả phá được.
Ðó là một định mệnh vô cùng tai hại cho ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.
Phải đợi đến 1945, nhờ hoàn cảnh thuận tiện cả trên lãnh vực quốc gia và quốc tế. Việt Minh (Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh) lên nắm chính quyền mới thực hiện được cuộc tranh đấu toàn diện, trên toàn thể lãnh thổ quốc gia.
Nhưng ngay trong hệ thống tổ chức của Việt Minh, các đảng phái quốc gia cũng không hợp nhất nhau lại thành một khối, không đoàn kết lại thành lực lượng, để cho cộng sản lợi dụng và tiêu diệt dần dần các hình thức cách mạng dân tộc, và các lãnh tụ quốc gia phải trốn hết qua Tàu.
Vài ba năm sau họ trở về qui thuận dưới bóng cờ Bảo Ðại.
Nhưng đó là chuyện khác.
Trở lại tình trạng chính trị của nước An nam trong những năm 1933-34-35.
Như chúng ta đã biết, lực lượng quân sự của chánh phủ thuộc địa Pháp lúc bấy giờ ở đây rất sơ sài yếu ớt, không đáng kể. Nhưng sở dĩ người Pháp vẫn nắm vững được tình hình, chính trị vì lực lượng chính trị và quân sự của nhân dân Việt Nam là con số không.
Trở về những năm 1933-34-35, có thể nói rằng không có hoạt động chính trị nào đáng kể từ Bắc đến Nam, và dân tộc Việt Nam sống rất “ yên ổn “. Sau những đêm máu lửa hãi hùng ở Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên (Bắc kỳ) năm 1930 của V.N.Q.D. Ð, và ở Hóc Môn, Cai Lậy (Nam kỳ), Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tỉnh (Trung kỳ) năm 1932-33 của cộng sản, toàn cõi Ðông Dương sống trở lại phong cảnh thanh bình mà thực dân hãnh diện gọi là “ La paix francaise “ (thái bình của Pháp ban cho).
Tuy nhiên dân chúng vẫn không quên được vài hình ảnh ghê tởm nhất của những năm tao loạn vừa qua. Như việc dân chúng Nam kỳ đồn rằng Ðốc Phủ Tâm ở Cai Lậy mỗi khi bắt được các dân biểu tình Cộng sản, thì ông sai lính lấy sắt nhọn nung lửa cho thật đỏ, dùi thành lổ giữa những bàn tay của phiến loạn, rồi lấy giây kẽm xỏ vào, cột thành từng chùm bốn năm người, chở ghe ra xô trọn xuống sông.
Như chuyện lính Lê dương đốt nhà và hiếp dâm các thôn nữ ở Quảng Ngãi, Nghệ An, như chuyện viên Toàn quyền René Robin cho hai chiếc phi cơ đến ném bom xuống làng Cổ Am ở Bắc kỳ, giết chết toàn dân lành, ông già bà cả, trẻ con để trả thù cuộc khởi nghĩa của VNQDÐ.
Ngoài mấy chuyện rùng tợn dã man như thế mà dân chúng truyền khẩu cho nhau, cuộc sống hàng ngày rất là yên tỉnh, không có biến cố nào xao động nữa.
Hội chợ Hà Nội được tổ chức ba năm một lần, tại Khu Hội Chợ rộng rãi, huy hoàng với sự tham dự đông đảo của các tỉnh Trung, Bắc kỳ và ba xứ Nam kỳ, Ai Lao, Cao Mên.
Có cả gian hàng trưng bày rất Mỹ thuật, đầy đủ hàng hoá của các nước láng giềng : Nhật, Xiêm (Thái Lan), Trung Hoa, và nhất là các hãng kỹ nghệ lớn của Pháp. Ðây là một dịp để cho các từng lớp thanh niên thiếu nữ chưng diện bảnh bao, nô đùa nhởn nhơ suốt một tháng, đêm nào cũng đông nghẹt. Họ ném lẩn nhau lên tóc những nắm confettis (hoa giấy), quấn vào nhau những giây serpentines, tặng cho nhau những que kem 1 xu của hãng kem Bờ Hồ.