watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tuấn, chàng trai đất Việt-CHƯƠNG 36 - tác giả Nguyễn Vỹ Nguyễn Vỹ

Nguyễn Vỹ

CHƯƠNG 36

Tác giả: Nguyễn Vỹ

1927
- Thanh niên học sinh bãi khoá bị đuổi khỏi các trường nhà nước phải phiêu lưu đi kiếm việc làm tạm.
- Làm đâu rồi cũng bị chủ Tây đuổi vì "đầu óc xấu"
- Con gái Bình Ðịnh dạy võ .

Tuấn nằm trên bãi cát đến nửa đêm , không muốn về nhà trọ . Ngó lên vòm trời dầy đặc những ngôi sao . Tuấn mơ màng suy nghĩ đến ngày mai , không tìm được lối thoát cho tuổi thơ còn ngu dại . Chưa nghĩ đến tương lai xa vời , chỉ lo đến niên khóa sắp tới , Tuấn sẽ học đâu được nữa vì còn một năm Ðệ Tứ niên mới hết khóa Trung học ? Lẽ nào một chàng trai 17 tuổi đành phải từ biệt mái trường , vơí chút học thức dở dang , đi phiêu lưu vô định ?
Cha của Tuấn có vào trước đó nửa tháng , đem theo nhiều lễ vật để kỉnh quan Ðốc học , lo lót cho con , Tuấn đã xin cha đừng đến ông Ðốc , vì Tuấn đã biết trước ông Ðốc không ăn hối lộ và Tuấn quả quyết với cha rằng Tuấn sẽ không bị đuổi . Tuấn nói thật với cha tin tưởng rằng Tuấn học khá , sẽ được lên lớp . Cha Tuấn tin con , vui vẻ trở về tỉnh nhà . Không ngờ sự thể hôm nay đã ra như thế !
Tuấn buồn quá , đi trên bãi bể , dưới ánh trăng mờ , mãi đến Gành Ráng , nơi đây Tuấn tìm nột tảng đá bằng phẳng , Tuấn nằm xuống ngủ quên lúc nào không biết .
Tuấn sực tỉnh dậy vừa lúc mặt trời đang ló lên ngoài khơi , một mảnh tròn to lớn , đỏ tươi , long lanh trên mặt bể . Chung quanh , những tia nắng tỏa ra thành hình rẽ quạt , chiếu khắp bốn phương . Tuấn ngồi dậy , ngắm say mê cảnh vũ trụ huy hoàng , quên rằng mình là đứa học trò đã bị đuổi khỏi trường , vì cuộc bãi khóa .
Chiều trở về thành phố , Tuấn đến thẳng nhà Quỳnh , mới biết hầu hết bạn bè ở các tỉnh xa đã mua vé xe về quê từ lúc sáng sớm . Tuấn do dự không muốn về , sợ cha mẹ buồn .
Cậu học trò bị đuổi không dám đi chơi ngoài phố , Cậu muốn đến nhà trọ hai cô bạn Trâm và Anh nhưng mắc cỡ không dám đến . Cậu lại vừa bị bà chủ nhà cũng rầy la về vụ bãi khóa . Ồ, sốt cả ruột …Bãi khóa …Bãi khóa …ai cũng mắng nhiếc cậu về vụ bãi khóa …!
Nhưng ai đó biết đâu rằng cậu làm , cậu chịu , nào có ăn thua gì đến ai , mà ai cũng hành hạ cái tinh thần cậu vì hai chữ bãi khóa …đã cũ rích từ hai tháng qua !
Tuấn nằm co trên ván , ngoài chái sau , trùm chiếc chiếu để đừng ai thấy cậu khóc . Tuấn tức mà khóc , giận mà khóc , buồn cho thân phận mà khóc , chứ thực ra không phải khóc vì bị đuổi sau vụ bãi khóa .
Thình lình có tiếng O-Vui , em gái ông chủ nhà , đến khẽ đập bàn tay trên chiếu , gọi :
- Cậu Tuấn , có cô Trâm , cô Anh tới kiếm cậu kìa .
Tuấn lau khô nước mắt , hất chiếu ra , ngồi dậy . Trâm và Anh bẽn lẽn đứng ngoài hè , không dám vô nhà .
Tuấn vui mừng được gặp hai người bạn gái , nhưng nét mặt hôm nay sượng sùng , mất cả tự nhiên . Tuấn hỏi :
- Trâm và Anh chưa về Phù Cát sao ?
- Tụi em tính sáng mai mới về .Tưởng anh đã về Quảng Ngãi rồi chứ .
Tuấn ngượng nghịu lắc đầu :
- Không muốn về đâu hết .
- Sao vậy anh ?
- Bị đuổi . Về tỉnh , họ cười chết . Cha mẹ rầy la làm sao ?
- Cần gì , anh ! Ðuổi trường này thì anh đi Huế học trường Pellerin của các ông Cố đạo cũng được vậy .
- Trâm và Anh vừa thi đỗ , Nghĩ Hè xong có tính ra Huế thi vào Ðồng Khánh không ?
Anh lắc đầu , buồn :
- Em muốn đi Huế nhưng mà nhà em nghèo , cha mẹ em chỉ cho đi học đỗ Primaire rồi xin làm Trợ giáo đi dạy học ở trong tỉnh , cho gần nhà .
- Còn Trâm ?
- Em cũng vậy
Tuấn càng thêm buồn , lắc đầu khẽ bảo :
- Tôi cũng …lo kiếm việc làm đỡ đâu đó một thời gian , không thèm đi Huế .
- Anh là con trai , cứ đi học nữa đi ! Còn lo cho tương lai , và thực hiện lý tưởng chứ .
- Nếu Trâm và Anh đi ra học Ðồng Khánh , thì tui cũng ráng xin cha mẹ tôi cho đi Huế, học Pellerin…Trâm và Anh không đi tôi cũng không muốn đi . Ra ngoài ấy xa lắc , nhớ nhà nhớ bạn , học gì nổi .
Ba người bạn trẻ làm thinh , cúi mặt xuống đất , suy nghĩ . Bàn tay của Anh mân mê chiếc nón lá . Trâm bảo :
- Chiều anh lại nhà tụi em được không ?
Tuấn gật đầu :
- Ừ, chiều tôi đến
Tuấn nở nụ cười gượng :
- Bữa nay khỏi làm rédaction …
Anh cũng mĩm cười rất dễ thương :
- Làm thơ chơi hỉ !
Chiều Tuấn đến nhà trọ hai cô bạn . Anh và Trâm đang chờ , tóc bỏ xõa hai bên vai . Hình như Trâm và Anh vừa mới tắm , hay gội đầu . Cả hai đều mặc áo cụt trắng quần đen ( nữ sinh đứng đắn thời bấy giờ không bao giờ mặc quần trắng ban ngày ) . Hai cô bạn mời Tuấn ăn bánh tráng nướng với đường phổi , rồi Anh đưa Tuấn xem một bài thơ :
- Tụi em dạo này rảnh , tập làm thơ nhiều hơn trước nhưng đọc lên thấy kỳ cục qúa , không hay ho gì hết , anh Tuấn sửa dùm tụi em đi .
Bài thơ : Khuyên bạn
Khen ai khó nhọc đã thành công
Dẫu bị chi chi cũng vững lòng
Ðể lại học đường gương tuấn tú
Rồi đây xa cách , kẻ chờ mong …
Trâm cười :
- Anh coi , hai đứa làm cả buổi mới được bốn câu đó
Anh tiếp lời :
- Dở ẹc , anh sửa lại cho hay đi .
Tuấn :
- Ðể vậy tự nhiên hơn . Sửa chi nữa . Tôi họa lại chơi , hỉ ?
Trâm :
- Dạ, anh họa đi .
Tuấn loay hoay một lúc lâu mới được bốn câu họa vần , trao cho Anh . Trâm và Anh chụm đầu lại đọc :
Bãi khóa hô hào đã mất công
Qui Nhơn cách biệt thật đau lòng
Trường xưa , bạn cũ tìm đâu nữa ,
Một bóng từ nay …hai nhớ mong .
Trâm và Anh cười rũ rượi rồi lấy bút chép lại cả hai bài thơ , mỗi người trên mỗi quyển tập riêng , trong đó chép lại nhiều thơ hay trong quyển Quốc văn trích điểm .
Trâm bảo :
- Anh làm một bài nữa đi , bài bát cú , rồi tối nay tụi em thức họa lại .
Tuấn lắc đầu :
- Lo buồn đủ thứ làm không ra thơ đâu .
Anh :
- Kệ mà , cứ làm đi , anh đừng buồn.
Tuấn chán ngán lắm , nhưng muốn làm vui lòng Trâm và Anh . Tuấn bảo hai cô bạn đi ra sân chơi , để Tuấn ở một mình trong nhà , ráng sức làm thử xem , có được không.
Tuấn ngồi viết , sửa , bỏ , viết lại , xóa bỏ , rồi lại viết . Mãi thật lâu , hơn một tiếng đồng hồ , mới nguệch ngoạc xong 8 câu , đem ra sân trao cho Trâm và Anh . Hai cô nữ sinh đang tưới nước cho mấy cây cau , và mấy bụi hồng , vôi vàng bỏ đôi thùng nước , ngồi trên đòn gánh đọc :
Từ nay cách biệt mái trường ơi !
Ta sẽ phiêu lưu một góc trời
Nước mất , thương nòi , lòng uất ức
Tình xa , nhớ bạn , giọt châu rơi
Vắng đôi hình bóng trong non nước
Ngại chiếc buồm đơn giữa biển khơi
Chép mấy vần thơ làm kỷ niệm
Trăm năm còn nhớ chuyện xa xôi !
Tuấn làm xong xem đi xem lại , muốn đổi vài chữ , sửa một vài câu , nhưng rồi rút cuộc , cứ để vậy trao cho Trâm và Anh .
Hai cô bạn , thoạt tiên mừng rỡ đọc to lên , nhưng đến câu thứ ba và câu thứ tư , Trâm tự nhiên ứa nước mắt rồi cả hai không đọc nữa . Hai người vừa xem nốt những câu sau vừa cắn một chéo áo vào môi , nín khóc . Tuấn chàng trai thơ mộng lúc nào hăng hái kêu gọi bãi khóa , bây giờ ngồi gục xuống bàn , khóc thút thít một mình .
Trâm và Anh đứng dậy đi ra giếng , ngồi bên gốc cây khế sùm sề lí ti những chùm hoa nửa tím nửa trắng , rụng lấm tấm trên sân . Hai cô khóc ấm ức . Anh gát cằm trên đầu gối cúi mặt xuống , Trâm dựa vào gốc khế , cầm chéo áo đưa lên cắn trên miệng , một cánh tay chùi nước mắt .
Tuấn ra về , ghé lại gần hai người :
- Thôi , ngày mai Trâm và Anh nên ra về sớm , tôi chúc Trâm và Anh lên đường bình yên , về Phù Cát vui vẻ , hỉ .
Anh ngước mắt nhìn lâu vào Tuấn , không nói được , cả hai cùng ngượng . Anh khẽ bảo :
- Sáng sớm mai , 5 giờ , anh ra bến đưa tụi em lên xe ?
Tuấn gật đầu :
- Vâng , 5 giờ hỉ ?
- Dạ , 5 giờ xe chạy .
Tuấn gật đầu một lần nữa , rồi bước nhanh ra đường.
Tuấn ở lại thành phố , không dám về nghĩ hè ở quê nhà , cậu sợ bị cha mẹ đánh đòn . Vì cậu đã bị đuổi sau cuộc chủ trương bãi khóa . Lần đầu tiên chàng thiếu niên nước Việt biết tình cảnh nước nhà bị một cường quốc Tây phương đô hộ .
Tuấn là một thiếu niên đa cảm , cũng như đa số thiếu niên Việt Nam thời bấy giờ , đã chịu những ảnh hưởng trái ngược , một phần thì được thấm nhuần khá sâu đậm Văn Chương Học Thuật Pháp , nhưng phần khác lại được sách báo cách mạng lén lút của các bậc chí sĩ Việt Nam nung đúc tinh thần ái quốc , cách mạng chống Pháp , khiến cho tư tưởng thanh thiếu niên của thế hệ 1925 luôn luôn bị dày vò xâu xé bởi hai ảnh hưởng chống chỏi ấy .
Ai đời một học sinh trung học , ở các lớp Ðệ Tam , Ðệ Tứ Niên , đọc say mê các kịch bằng thơ Alexandrius của Corneille, Racine , lại bắt chước làm thơ Pháp theo kiểu đó để hô hào các lớp học sinh bãi khóa , hoặc để ủng hộ cuộc bãi khóa của các trường khác . Thí dụ như dưới đây là mấy câu thơ Alexandrius Pháp của trò Tuấn , cổ võ anh em học sinh trường Quốc học Huế :
En avant mes amis ! Bravo les plus hauts coeurs !
Aimez sans faiblesse nos communes douleurs !
Sachons nous conduire en héros, en fils de braves !
Soyons des enfants fiers , mais pas de vils esclaves !
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ðó là những câu thơ tập tểnh của một " thi sĩ cỏ "áp dụng những niêm luât Alexanderius mà cậu vừa học trong trường , và bây giờ mò mẫm cách diễn tả những ý nghĩ say sưa nhiệt cuồng của tuổi trẻ .
Tưởng ghét người Pháp thì ghét cả tiếng Pháp mới hợp lý : hoặc là yêu văn chương học thuật Pháp thì thân thiết với người Pháp , nhưng thực tế không phải vậy . Trừ những kẻ có sẵn óc nô lệ quen nịnh hót Tây , cho đến cái gì của Tây họ cũng khen ngợi cả , tôn thờ Tây như bậc thầy , bậc thánh , ngoài ra , đại đa số thanh htiếu niên lãng mạn 1925, đa sầu đa cảm , đều chịu sự trái ngược lạ lùng của hai phong độ trí thức chống chọi nhau : thích học chữ Tây , thích nói tiếng Tây , mà lại ghét Tây , thù oán Tây đã đem ách nô lệ tròng vào đầu cổ dân An nam .
Ðó là tâm lý chung của thế hệ thanh niên tây học của Nguyễn Thái Học , Ðặng Thái Mai , Phan Thanh , Võ Nguyên Giáp , Nguyễn An Ninh , Tạ Thu Thâu …
Trò Tuấn 16 tuổi , học sinh Trung học , cũng bị hai ảnh hưởng trái ngược chi phối các hoạt động văn hóa và chính trị mà Tuấn chỉ là một thiếu niên tập sự , vụng về nhưng hăng hái .
Trong hai tháng đầu của mùa nghỉ hè (nghỉ hè 3 tháng ) Tuấn không ôn lại bài vở như các trò không bị đuổi . Tuấn thường ra bãi biển ngồi ôn lại những tư tưởng cách mạng : Việt Nam vong quốc , dân nô lệ , người dân mất nước như đứa con mất mẹ , xiềng xích áp bức ngục tù …
Tuấn tự cho mình là một người dân mất nước , và ngồi khóc sụt sùi thê thảm như một người con mất mẹ.
Năm 1925-1927 những danh từ , thành ngữ cách mạng trên kia hãy còn qúa mới mẻ , còn chứa đựng men nồng của nhiệt huyết , có đũ mãnh lực để làm say sưa xúc động những tâm hồn trai trẻ còn đang trong trắng . Dù bị học đường đuổi vì tội chủ trương bãi khóa hay còn được tiếp tục học , thanh thiếu niên học sinh 1925-1927 đều phần đông có tâm hồn vừa lãng mạn theo kiểu Alfred de Musset, Lamartine ( O Temps, suspend son vol ! …) vừa cách mạng theo truyền thống Phan Chu Trinh , Phan Bội Châu .
Những trò bị đuổi sau cuộc bãi khóa , như Quỳnh , Tố v.v…đều tiếp tục đi học “ trường Thầy Dòng Pellerin” ở Huế , để thi diplôme. Riêng Tuấn còn do dự , không dám về nhà thăm cha mẹ , và để xin tiền đi học ở Huế , vì sự thật nhà Tuấn nghèo từ khi anh Tuấn làm thông phán Toà Sứ đã bị bắt ở tù ở Ban Mê Thuột . Ngẫu nhiên Tuấn đến thăm ông chủ nhà trọ của vài người bạn đồng lớp , ông này cho biết hãng nấu rượu ở An Thái, Bình Ðịnh , cần dùng một thư ký , học lực Ðệ Nhị hoặc Ðệ Tam Niên . Thầy hỏi Tuấn muốn đi làm không ? Sẵn trong lúc buồn vì bị nhà trường đuổi , chưa biết làm gì , vì lần đầu tiên thấy có một chỗ làm có lương tháng 100 đồng ,Tuấn nhận lời ngay . Chiều hôm đó , thầy Dậu dẫn Tuấn vào giới thiệu với ông Bouillon, người Pháp , giám đốc hãng Société des Distilleries de l’Indochine ( Công ty nấu rượu Ðông Dương ) .
Thầy Dậu , không dám nói với ông Bouillon là Tuấn vừa bị đuổi vì tội bãi khóa , thấy chỉ nói qua loa rằng Tuấn nhà nghèo không thích tiếp tục đi học nữa nên xin đi làm .
Hôm sau Tuấn được ông Rocca , phó giám đốc cùng thầy Dậu đưa Tuấn đi xe hơi của hãng lên An Thái , một chi nhánh của hãng , do một người Hoa kiều làm quản lý , Tuấn thỏa mãn được giúp việc thư ký cho " chú" quản lý Huê kiều tại một nơi hương thôn có con sông lớn .
Tuấn mới có 17 tuổi .
Chiều hôm ấy , chú quản lý Diệp-Thành đưa Tuấn sang chào ông Tây Thương Chánh tên là Rossignol. Tuấn rất bỡ ngỡ khi ông Tây và bà Ðầm tiếp Tuấn và chú Diệp Thành tại phòng khách . Ðứa con trai duy nhất của gia đình người Pháp này tên là Louis , 4 tuổi , được giới thiệu với Tuấn . Nó đưa bàn tay nhỏ bé ra bắt tay Tuấn với một câu tiếng Pháp :
- Bonjour monsieur le cratère ( chào ông miệng núi lửa ) .
Chữ secrétaire ( thư ký ) bị cậu bé Pháp mới tập nói bập bẹ thành ra cratère , ai cũng phì cười , nhưng Tuấn không cười .
Từ hôm ấy , Trần Tuấn , cậu học trò Ðệ Tam Niên bị đuổi vì cầm đầu cuộc bãi khóa , đành bỏ học đi làm cậu thư ký quèn cho một chi nhành hãng rượu của Pháp ở thôn quê , dưới quyền quản lý người Tàu , với lương tháng 100 đồng , ăn và ở ngay trong hãng .
Ðêm ấy , Tuấn nằm trên chiếc giường kê ngoài hè nhà quản lý , Tuấn thao thức suốt đêm , nghĩ ngợi và khóc liên miên .
Lần đầu tiên chàng trai tuấn tú của nước Việt , 17 tuổi , đã phải thôi học để đi làm thư ký , kiếm tiền nuôi thân . Nhưng Tuấn cho rằng đây chỉ là một giai đoạn tạm thời, Tuấn nuôi hoài vọng dành dụm tiền bạc để một vài năm sau sẽ ra Hà nội hoặc vào Saigon , tiếp tục học .
Chú quản lý Diệp Thành là người Tàu Hải Nam , còn trẻ độ 30 tuổi , không thạo tiếng Pháp , mà chú nói được bập bẹ năm ba câu theo kiểu tiếng bồi . Vì vậy chú rất mến Tuấn , và mỗi khi có việc phải qua tiếp xúc với ông Tây Thương Chánh , Tuấn đi theo để làm thông ngôn .
Công việc của Tuấn là mỗi buổi sáng ngồi bàn giấy bán rượu , thu tiền và viết biên lai trao cho người mua .
Có những buổi sáng , giao việc bán rượu cho một người khác , Tuấn ra ngồi sau chiếc cân lớn để mua gạo . Từng đoàn người thôn quê , đàn ông , đàn bà , thiếu niên , thiếu nữ , ở trong làng và các làng kế cận , gánh gạo đến hãng để bán . Người bán đặt bao gạo lên bàn cân , Tuấn ghi số cân trên một mãnh giấy trao cho người bán cầm giấy ấy vào trong phòng kế cận để lấy tiền .
Buổi chiều , Tuấn làm sổ sách . Tối Tuấn dạy chữ Pháp cho chú quản lý huê kiều .
Tuấn sống cuộc đời khắc khổ , noi theo gương các bậc hiền triết mà Tuấn đã đọc tiểu sử và nghiên cứu sự nghiệp trong các sách Pháp . Tự nguyện rằng cuộc đời mình còn phải làm một công việc gì cho xứng đáng với thân nam nhi, không được hoang phí tuổi trẻ trong cuộc chơi bời phù phiếm , Tuấn quyết tâm dùng thì giờ ở hãng rượu An Thái
( người Pháp viết là An tay ) , để tu tâm dưỡng tính , cố giữ được tư cách một thanh niên học thức , đứng đắn.
Một hôm Tuấn mướn người thợ hớt tóc cạo trọc đầu Tuấn , như một ông thầy chùa . Việc ấy làm xôn xao dư luận An Thái .
Chú Hoa Kiều quản lý, và ông Tây Thương Chánh Rossignol ngạc nhiên hỏi Tuấn nguyên nhân gì khiến Tuấn cạo trọc đầu . Tuấn chỉ tủm tỉm cười đáp : “ cạo cho mát “ .
Và từ đấy , dân làng An Thái cũng như nhân viên và lao động hãng Rượu gọi Tuấn là
" Thầy Ký Trọc ".
Trong khi Tuấn làm " Thầy Ký "ở hãng rượu An Thái , Tuấn được chút ít tiền lương , món tiền đầu tiên do tự sức chàng làm ra . Chàng nghĩ rằng tuy là món tiền nhỏ mọn , nhưng nó rất quý báu đối với chàng , chàng phải xài nó vào một việc gì xứng đáng với giá đồng lương . Chàng liền xin phép xuống Bưu Ðiện Bình Ðịnh , mua ba bưu phiếu gởi mua :
- 1 năm báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế .
- 1 năm báo La Jeune Indochine của ông Vũ Đình Duy ở Saigon .
- 1 năm báo L’ Argus Indochinois , của ông Amédée Clémenti ở Hà nội .
Cả ba tờ báo đều là báo cách mạng . Có điều rất tiện cho Tuấn , là cậu ăn ở luôn trong nhà người Khách trú quản lý hãng rượu , và tối nào cũng dạy Pháp văn cho người chủ ấy . Vì thế , người chủ không tính tiền cơm , và mọi sự chi phí linh tinh đều do chủ cung cấp cho cả . Trung thành với lý tưởng của đời sống mà chàng thư sinh đã tự vạch ra lúc còn đi học ở Qui Nhơn , tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc , chàng may hai bộ quần áo bằng vải nội hóa . Sự chàng cạo trọc , mặc kệ người chung quanh gọi chàng là " thầy ký trọc " , tỏ rằng chàng không thiết gì đến sự phục sức bên ngoài, mặc dầu chàng mới 17, 18 tuổi .
Ngoài những công việc của hãng rượu , chàng đọc say mê các tờ báo cách mạng mà lần đầu tiên chàng mua dài hạn với số tiền do tự chàng làm ra .
Người chung quanh lại cho chàng biết rằng làng An Thái ở gần làng Kiên Mỹ là quê hương của ba anh em Nguyễn Nhạc ,Nguyễn Huệ , Nguyễn Lữ . Một chút hoài niệm lịch sử ấy càng nung đúc chí hướng của chàng trai nước Việt sinh trưởng 150 năm sau nhà anh hùng Tây Sơn .
Chiều chiều Tuấn ra ngồi bên bờ sông An Thái , phóng tầm mắt về dãy núi An Khê , rồi quay vào hướng Nam , quay ra hướng Bắc . Tâm hồn ngây thơ khờ dại của chàng thanh niên bị đuổi khỏi học đường vì vụ bãi khóa chống Tây , rung động xiết bao cảm xúc .
Một buổi tối nóng nực , Tuấn tắm bên giếng như thường lệ . Nhưng lần này Tuấn nghe bên nhà ông Tây Thương chánh tiếng nói nheo nhéo của bà bếp chửi đổng qua :
- Cái dân dơ bẩn như chó !
Tuấn hết sức ngạc nhiên . Bà bếp của ông tây Rossignol chửi ai thế ? Không lẽ chửi Tuấn là dơ bẩn trong lúc Tuấn đang tắm ? Tuấn lặng lẽ chờ bà bếp nói gì nữa , Tuấn thả gàu xuống múc nước lên tắm . Vừa dội xong gàu nước , lại nghe tiếng bà bếp :
- Ai tắm đó ?
- Tôi
- Chứ không biết Quan cấm tắm ở chổ giếng đó ?
- Không …Tại sao cấm ?
Quả thật Tuấn không hề có nghe lịnh cấm tắm ở nơi giếng này . Vả lại ông tây thương chánh lấy quyền gì cấm ?
Tuấn đang thắc mắc về câu chuyện khó hiểu , bổng có tiếng của ông Rossignol nói lớn :
- Tôi cấm đấy . Vì giếng này dùng để lấy nước uống . Tắm ở đây là đổ biết bao vi trùng và bẩn thỉu xuống nước giếng .
Tuấn thấy câu chuyện vô lý và Tuấn thật không ngờ . Từ trước đến giờ người ta vẫn tắm ở đây có sao đâu . Ðây là cái giếng duy nhất của hãng rượu , và Tuấn đứng tắm ở ngoài xa theo đúng phép vệ sinh .
Nhưng Tuấn không trả lời ông Rossignol , và không hiểu tại sao dạo này ông Tây thương chính thường kiếm chuyện “ cà khịa “ với mình ?
Sáng hôm sau , trong lúc Tuấn đang ngồi làm việc trong phòng giấy , ông Rossignol bước vào với nét mặt hầm hầm , ông gây chuyện với Tuấn :
- Tôi cho anh biết rằng anh là một thằng An-na-mít bẩn thỉu và vô lễ . Tôí hôm qua anh cãi với tôi ở nơi giếng nước hả ? Tôi đã cấm anh tắm nơi đấy , anh biết chưa ?
Tuấn lễ phép hỏi lại :
- Thưa ông , tại sao ông cấm như thế ?
- Taị sao hả ? Tại vì cái giếng đó sản xuất ra nước uống chứ không phải nước tắm . Tôi không cho phép anh tắm nơi đó , và cấm cả những người An-na-mít bẩn thỉu của anh .
Tuấn nổi giận :
- Người An-na-mít không bẩn thỉu như ông nói . Ông không có quyền chửi người An-na-mít .
Ông Tây thương chính liền xổ một thôi hồi lâu :
- À , tôi biết mà ! anh là một thằng đầu óc xấu xa. Anh đọc những tờ báo bẩn thỉu như L’Argus Indochinois , mà chủ nhiệm là một người dân Pháp ghiền thuốc phiện , tôi biết nó lắm , là một thằng khốn nạn bị con vợ Annamít bỏ bùa mê . Tờ báo Tiếng Dân , tôi cũng biết , chủ nhiệm nó là một lão nhà quê dốt nát và tướng cướp, bị xử án đày ra Côn lôn . Còn thằng Vũ Đình Duy , chủ tờ báo La Jeune Indochine , là một thằng An na mít là những kẻ vong ân bội nghĩa . Học chữ Tây , học văn minh của Tây , rồi chửi lại Tây … Qủa thật là một giống người hèn hạ !
Tuấn không thể nhịn được nữa :
- Tôi xin lổi ông , nhưng ông chính là một người hèn hạ ! Khốn nạn !
Ông Rossignol đang cầm cây can trong tay , liền đưa can lên toan đập vào đầu Tuấn . Tuấn né đầu qua một bên , rồi chụp luôn cái can của ông Tây . Hai người dằn co nhau làm đỗ cả lọ mực trên bàn .
Ông Tây giựt lại được cây can rồi hục hặc bỏ ra về .
Ba ngày sau , hai ông giám đốc và phó giám đốc Công ty rượu ở Qui Nhơn , Bouillon và Rocca, lên thăm hãng An Thái . Tuấn đoán biết có chuyện không lành . Quả nhiên Bouillon gọi Tuấn vào phòng giấy quản lý , bảo :
- Tôi trả lương cho anh và anh đi ra khỏi chỗ này tức khắc .
Tuấn do dự một chút rồi hỏi lại :
- Thưa ông , tại sao vậy ?
- Không tại sao cả . Tôi đuổi anh ra khỏi hãng của tôi .
- Nhưng ít nhất ông cũng cho tôi biết lý do chứ .
- Lý do : anh là một thằng An-na-mít bẩn thỉu .
Tuấn liền trả đũa lại :
- Chính ông mới là một người Tây bẩn thỉu .
Ông Bouillon đánh Tuấn một tát tay , Tuấn nhỏ người nhưng cũng mạnh , thoi vào ngực ông một thoi rồi bỏ đi ra ngoài . Chàng từ giã luôn hãng rượu An Thái .
Trưa hôm ấy , cả làng An Thái và nhân viên lao công trong hãng đều xôn xao thì thầm với nhau : “ Chu choa ! Thầy Ký Trọc oánh lộn với ông Tây chủ công xi , thầy bị đuổi rồi ."
Tuấn đi đò qua sông An Thái để sang phố Chợ . Ðò mới qua được nửa con sông thì có tiếng gọi vọng lại trên bến cũ . Tuấn quay lại thấy An , một thiếu nữ xinh đẹp mà chàng quen biết chưa được hai tháng . An là một bạn đồng chí do Tuấn huấn luyện về văn thơ và tư tưởng cách mạng . An khóc nức nở , tay cầm chiếc khăn vẫy Tuấn lia lịa :
- Anh Tuấn ! Qua bên đó chờ em !
Tuấn cũng định chờ . Nhưng chỉ có một con đò . An phải đợi đò trở lại bến mới sang sông được , trong khi ấy người tài xế chiếc xe cam nhông của hãng rượu đã được lịnh chở Tuấn đi ngay về Qui Nhơn , đừng để ở lại An Thái một phút nào .
Ngồi trên chiếc xe gập gềnh chạy kẽo cà kẽo kẹt trên con đường gồ ghề chật hẹp , Tuấn tức giận ông tây thương chính Henri Rossignol và ông tây chủ hãng rượu André Bouillon . Phải công bằng nhình nhận rằng ông phó giám đốc Rocca dễ thương hơn .
Trước khi Tuấn vĩnh biệt hãng rượu , ông Rocca lấy trong túi ra cho Tuấn 50 đồng và bảo :” Anh thông minh , nên tiếp tục đi học nữa , đừng đi làm thư ký quèn , uổng thì giờ . Tôi biếu anh tiền lộ phí ! “ Tuấn ứa nước mắt cảm ơn ông tây Rocca .
Tuấn lại băn khoăn nhớ An . Trần thị An , người đẹp An Thái võ nghệ giỏi . Chính nàng đã dạy cho Tuấn học những bài võ Bình Ðịnh đầu tiên . Tuấn nhớ lại những đêm sáng trăng , trước sân nàng , trong lúc mọi người hàng xóm đã đóng cửa ngủ , An mặc áo cụt , quần đen , tóc bới , dạy cho Tuấn những ngón võ lợi hại của xứ An Thái . Làng này trai gái đều giỏi võ . Có lần nàng kể chuyện một cô em bạn dì vì giỏi võ mà bị tù .
Lộc mới có 18 tuổi , nhưng xác cao lớn , đẫy đà . Thân sinh Lộc là một Võ sư danh tiếng cả Bình Ðịnh . Môn đệ của ông nhiều lắm , từ các làng xa đến học . Nhưng biết Lộc có tính nóng và hung hăng . Ông cụ không bao giờ dạy võ cho con gái của ông , và những đêm ông dạy cho môn đệ , ông cấm Lộc không được xem . Ông nhốt cô con gái nghịch ngợm trong nhà . Nhưng đứng sau song cửa sổ gian nhà tối om, Lộc chăm chú ngó bọn con trai học võ ngoài sân . Ðêm nào cô cũng lén cha , đứng sau song cửa sổ , học võ nghệ bằng mắt và bằng trí nhớ . Ông cụ không hay biết gì cả . Một đêm ông cụ có khách , một ông Chánh tổng cởi ngựa đến chơi , đàm đạo uống rượu rồi ở lại nghỉ . Con ngựa ô của ông đẹp lắm , nhốt trong chuồng ngựa sau nhà .
Nửa đêm , hai ông gìa ngủ say , cô Lộc lén ra chuồng ngựa , cô mở cửa chuồng , dắt ngựa ra rồi nhẩy lên lưng ngựa , quất ngựa phi ra cổng . Cổng đã cài then , cô không cần mỡ , cứ ngồi trên lưng ngựa và bay vượt qua cổng . Cô cưỡi ngựa chạy chơi tận làng xa , mãi sáng mới về . Cổng vẫn còn cài then . Cô và ngựa bay qua .
Cha cô và ông khách dậy sớm , ngồi uống trà trên ghế tràng kỷ , đều kinh ngạc chứng kiến kỳ công võ nghệ của cô . Ðem ngựa vào chuồng xong , cô trở ra lạy cha và khách 3 lạy để xin lổi rồi ung dung xuống bếp .
Một đêm , có chàng võ sĩ ở phương xa đến xem môn đệ của Thầy dượt võ . Hắn phách lối , thách hết 5 cậu học trò của ông ra thử tài với hắn . Lần lượt cả năm cậu đều bị đánh liểng xiểng . Ông thầy tức mình , mắc cỡ , chỉ ngồi uống rượu . Nhất định cứu danh dự của cha và của cả trường , cô Lộc từ trong bếp ra, bảo gả kia :
- Chú lại đây thử với tôi .
Hắn cười ngạo mạn :
- Tôi không nỡ chạm ngọc thể của Nữ nhi .
Lộc tiến tới cho vào mặt gã đàn ông vô giáo dục khinh nàng là nữ nhi . Gã kia trả miếng . Thế là hai người hăng máu trổ hết tài nghệ giữa Vũ trường , dưới ánh trăng sáng tỏ . Một lát sau gã kia bị “ nhi nữ “đá cho lăn nhào . Nàng đã trả được cái hận cho cha và cho cả năm môn đệ .
Tiếng cô Lộc từ đấy vang khắp cả cứ Bình Ðịnh . Một hôm , vào buổi trưa mùa hè , cha cô đi vắng . Gió mát , Lộc lim dim trong chiếc võng treo ngoài vườn giữa hai cây mít . Một người lính tập ( lính khố xanh ) từ ngoài cổng bước vào . Cô trông thấy lên tiếng hỏi :
- Chú là ai , đi đâu đó ?
Người lính lạ , cười :
- Cô không biết tui sao , cô Hai ? Tui là lính Tập của Nhà Nước , được phép về thăm nhà hai bửa , sẵn đi ngang qua đây ghé thăm cô Hai đó mà !
- Xin lổi chú lính Tập , cha tui đi vắng , chỉ có một mình tui ở nhà , không có ai tiếp chú .
- Thì cô tiếp tui không được sao ?
- Tui là con gái không được phép tiếp người lạ .
Chú lính tập tiến đến gần võng , cười chớt nhã chọc htiếu nữ :
- Nghe thiên hạ đồn cô Hai võ giỏi lắm , đến coi cô giỏi cách nào ! Tui xin phép cô Hai cho tui bóp vú cô một cái , hỉ ?
Vừa nói chú lính vừa dùng võ thuật chụp vào ngực Lộc. liền bị Lộc đá một đá té nhào xuống đất . Hắn nằm trợn mắt dẫy dụa mấy cái rồi chết nghẻo luôn .
Cô Lộc bị tù , vì một ngón võ sái nhơn .
Tuấn ngôì trong xe bị dằn lên dằn xuống nhớ lại câu chuyện của Lộc do cô An kể lại cho chàng nghe một đêm trời không trăng Tuấn vừa học xong một ngón bí hiểm . Trong xe cũng có một thiếu nữ buôn bán ở chợ An Thái xin quá giang xuống Qui Nhơn mua hàng . Cô ngồi đối diện với Tuấn , Tuấn nghĩ thầm :
- Biết đâu cô gái đẹp này cũng là môn đệ của cô Lộc ?
Chàng tủm tỉm cười một mình , nhớ chuyện người lính tập gặp giờ xui xẻo đã làm hỗn vơí bộ ngực hấp dẫn của nàng .
Cô gái đẹp hỏi Tuấn :
- Sao thầy ký cười em ?
Tuấn sờ tay lên cằm …, nhoẻn một nụ cười hiền lành :
- Tôi cười người lính tập chứ không phải cười cô .
Cô gái dịu dàng đáp :
- Em không phải là chị Lộc .
Câu trả lời bí hiểm đó đủ cho Tuấn biết giai nhân không thẹn với uy danh gái An Thái .
Về Qui Nhơn , Tuấn vào trọ tạm nhà thầy Phạm Đào Nguyên . Kể chuyện bị sa thải cho Nguyên nghe , thầy ký hãng Descours et Cabaud cười :
- Ði học bị nhà trường đuổi , đi làm bị hãng đuổi . Tôi ráng sống lâu để coi đời anh ra sao !
Tuấn nằm suy nghĩ suốt đêm . Chàng muốn đi Hà nội , tiếp tục học thi Tú tài , nhưng không có tiền . Muốn vô Saigon để nhập vào đảng Nguyễn An Ninh , nhưng tiền cũng không có . Chàng thấy con đường tiến thủ bị nghẽn , mà máu nóng cứ sùng sục trong tim , chỉ muốn lồng lên như con ngựa hăng máu .
Ba hôm nằm nhà thầy Phạm Đào Nguyên đã không làm gì , lại buổi tối nghe Phạm Đào Nguyên nói nhỏ cho nghe : Ngoài Hà nội có một đảng tên là “ Việt Nam Quốc Dân Ðảng “ đang hoạt động mạnh . Anh nên đi Hà nội .
Cũng đêm ấy , đi lang thang ngoài bờ sông , Tuấn gặp một thầy trợ giáo quen thân, tên là Phạm Cự Hải , người Quảng Nam .
Thầy Hải nhét vào Tuấn một tờ truyền đơn in bằng đông sương , ký tên “Ðông Dương Cộng Sản Ðảng “ . Thầy hỏi Tuấn :
- Tuấn học lớp Nhì hay lớp Nhất ?
Tuấn không hiểu , ngơ ngác hỏi thầy Hải :
- Tôi sắp học thi tú tài , sao thầy hỏi lạ vậy ?
Thầy Hải cười :
- Lớp Nhì là Cours Moyen . Lớp Nhất là cours superieur. Anh hiểu không ?
- Không hiểu thầy muốn nói bóng cái gì ?
- Cours Moyen viết tắt là C.M. là cách mạng . Cours Supérieur, viết tắt là C.S. là cộng sản .
Tuấn cười :
- Tôi là C.M.
Thầy trợ giáo Phạm Cự Hải cười :
- Anh học giỏi , anh thông minh , anh phải lên Cours Supérieur( C.S) chứ ! Một thanh niên như anh lẽ nào còn trình độ C.M. ?
Tuấn ngây thơ đáp :
- Cộng sản hay Cách mạng cũng đều lo cho quốc gia độc lập và dân tộc tự do . Tôi không hiểu sao lại chia ra Cộng sản , Cách mạng Quốc gia , làm chi vậy ?
Thâỳ trợ giáo Hải kéo Tuấn ra bãi biển ngồi . Thầy thuyết một hồi lâu về chủ nghĩa Cộng sản . Tuấn thấy rõ ý định của thầy muốn kéo Tuấn vào tỉnh bộ Cộng sản mà thầy đang muốn thành lập ở Qui nhơn . Nhưng Tuấn lắc đầu :
- Tôi thích Cách mạng quốc gia hơn là cộng sản …
Tuy nhiên thầy trợ giáo Phạm Cự Hải và Tuấn từ giã nhau lúc 9 giờ tối trước nhà Dây thép Qui-nhơn với lời hứa hẹn sẽ gặp nhau nữa .
Mãi đến năm 1945 ( 18 năm sau ) , Tuấn mới gặp lại thầy trợ Hải . Trên đường vào Saigon ghé lại Nha Trang , cuối tháng 8 – 1945 , giữa một thành phố rực rỡ cờ đỏ sao vàng . Tuấn được một người bạn cho biết danh sách Ủy ban Kháng Chiến Khánh Hòa mới thành lập ở Nha Trang . Chủ tịch Ủy Ban là Phạm Cự Hải .
Trụ sở Ủy ban đặt nơi tòa Công Sứ cũ của Tây . Tuấn đến xin gặp chủ tịch .
Phạm cự Hải rất niềm nỡ bắt tay Tuấn .
Sau vài ba câu chuyện hàn huyên , Phạm Cự Hải nhắc lại câu chuyện gặp gỡ trên bãi biển Qui-Nhơn năm 1924 và cười hỏi :
- Nay chắc anh đã lên C.S. ?
Tuấn điềm nhiên cười đáp :
- Không . Tôi vẫn trung thành với C.M.
Sau cuộc nói chuyện với thầy trợ Hải trên bãi biển Qui-Nhơn , Tuấn tự cảm thấy rõ rệt không khí cách mạng đang bao trùm trí óc non nớt của Tuấn .
Ðêm ấy , Tuấn hỏi Phạm Đào Nguyên :
- Tôi muốn đi Huế , để yết kiến cụ Phan Bội Châu . Ðược không anh ?
Nguyên sốt sắng trả lời :
- Ừ, đi thì đi … Nhưng rồi phải làm gì chớ đi chơi không vậy sao ? Và nhớ : đi thăm cụ Phan coi chừng Mật Thám nhé !
- Ra Huế rồi sẽ liệu .
- Anh phải tiếp tục học nữa mới được . Hay là ra Huế xin vào trường Thầy Dòng ?
- Trường Thầy Dòng là trường gì ? Dạy đi thi gì ?
- Trường Thầy Dòng ở Huế tức là trường Pellerin của một ông Cố đạo . Họ dạy thi Diplôme.
- À , phải rồi . Tụi thằng Quỳnh , thằng Tố , cũng bị đuổi ở Qui- Nhơn , đều ra học ở Pellerin , Huế . Tôi muốn ra Huế theo tụi nó.
Nguyên cười hỏi :
- Tiền ?
- Ra Huế , tôi sẽ viết thư về nhà xin tiền cha mẹ tôi .
- Thế sao không về thẳng tỉnh nhà , thăm hai bác rồi xin tiền luôn thể ?
- Tôi sợ cha mẹ tôi đánh . Còn một năm nữa thi Diplôme mà bãi khóa bị đuổi , cha mẹ tôi tức giận lắm . Tôi đi làm thư ký hãng rượu An Thái , đã bị cha tôi viết thư vô rầy dữ . Mẹ tôi buồn rầu khóc lu bù .
- Thôi thì tôi giúp anh 200 đồng để anh đi Huế . Mà ra Huế phải đi học , chớ không được đi chơi nghe không ? Chơi hết tiền , tôi không gởi mandat nữa đâu đấy , nghe không ?
- Ừ .
Sáng hôm sau , Phạm Đào Nguyên dậy thật sớm , lúc 5 giờ , một mình đun nước pha hai ly cà phê sữa và nướng một chiếc bánh mì . Xong thầy gọi Tuấn dậy , ăn điểm tâm với Tuấn và lo sửa soạn đầy đủ cho Tuấn ra đi . Trong lúc Tuấn rửa mặt , nghe tiếng gà hàng xóm gáy giữa im lặng của thành phố còn say ngủ, Tuấn lo ngại cuộc hành trình sắp khởi diễn, không biết số kiếp mình sẽ phiêu bạt đến đây ? Tiếng gà gáy như tiếng kèn của định mệnh , chàng ra đi tranh đấu với đời , đơn độc , bơ vơ , sức trai trẻ còn non yếu , chàng sẽ thắng những thử thách nguy nan , hay sẽ qụy giữa đường ?
Tiếng Phạm Đào Nguyên gọi :
- Mau lên, anh Tuấn , sắp tới giờ xe chạy rôì .
Tuấn vẫn để đầu trọc mặc lẹ bộ đồ Tây nội hóa , xỏ đôi giày Tây rẻ tiền , rồi xách chiếc va li đan bằng tre chỉ cài với một then ngang , không có ổ khóa .
Phạm Đào Nguyên đứng nhìn bộ tịch nửa quê nửa thành thị của Tuấn , và nhoẻn một nụ cười :
- Xong chưa ? Ði ! … Cả tương lai của anh bắt đầu từ giờ phút này …Sáng nay tôi tiễn anh ra bến xe mà không biết anh sẽ đi về đâu ? Nhưng tôi tin anh là người có chí , tôi chúc anh kiên nhẫn, còn thành bại sau này là chuyện của trời !
Tuấn làm thinh vì không biết nói gì . Tim chàng đập mạnh khi đến bến xe . Trước khi bước lên xe , chàng bịn rịn xiết chặt tay bạn và lẩm bẩm một câu mà chắc Nguyên không nghe rõ :
- Cảm ơn anh Phạm Ðào Nguyên …Cảm ơn anh nhiều lắm .
Xe rồ máy đã lâu bắt đầu chạy chậm chậm để quẹo ra đường lớn . Thầy Phạm Đào Nguyên còn đứng nhìn theo , vẫy tay từ biệt , Tuấn gục đầu xuống thành xe , lặng lẽ khóc .
Xe ra khỏi thành phố , Tuấn lại nghe tiếng gà gáy trổi dậy sau dãy nhà tranh lụp xụp bên chân núi .
Từ Qui Nhơn ra Tourane (Ðà Nẵng ) đường thuộc địa số 1 ( Route Coloniale No. 1 ) hãy còn gồ ghề , chưa tráng nhựa , phải xuống xe ba lần để qua đò : bến Bồng Sơn tại Phủ Bồng Sơn , Bình Ðịnh , bến Trà Khúc , cách tỉnh lỵ Quảng Nam 1 cây số , và Bến Ván , phủ Tam Kỳ , Quảng Nam.
Vì chiếc xà lan ( chaland) nhỏ và hẹp , nên phải để cho xe qua trước , hành khách chờ đi chuyến sau . Cũng may là thời bấy giờ ít có xe chạy , nên hành khách khỏi phải đợi lâu . Nhưng đứng trên bờ nhìn chiếc xe nặng trĩu đậu trong chiếc xà lan nghiêng qua nghiêng lại trên dòng sông rộng , hành khách cứ lo ngại …Nó chồng chềnh quá , lỡ nó đổ hoặc chìmxuống sông thì mất hết cả hành lý của mình chất trên mui xe .
Hành khách sang bên kia sông lên bờ gặp một bác Lính Khố Xanh tay cầm cây roi mây , đứng chận lại hỏi :” thẻ thuế thân “ . Mỗi người đàn ông An nam thời bấy giờ 18 tuổi trở lên đều phải có luôn luôn trong mình hai cái bùa hộ mệnh : thẻ căn cước và thẻ thuế thân . Thẻ sau này là một biên lai bằng bìa màu ghi số tiền mình phải nộp “ thuế bổn thân “ trong năm . Mỗi năm có một thẻ thuế thân , thay cho thẻ năm trước , có đóng con triện bằng mực đen và chữ ký của Lý trưởng trong làng . Ða số những ông xã chưa học quốc ngữ , đều ký tên bằng chữ Hán , Tuấn mơí có 17 tuổi , chưa có thẻ thuế thân nhưng căn cước phải có .
Tuấn thấy có một ông hành khách đang năn nỉ bác Lính Tập một cách khúm núm rất lễ phép . Tò mò , Tuấn đến gần xem , ông hành khách đã rủi ro bỏ mất thẻ thuế thân , nên bị bác Lính Tập đòi bắt giam trong đồn . Nhưng ông hành khách móc túi lấy một đồng bạc cầm hai tay khúm núm “ kỉnh “ bác Lính , để xin bác rộng lượng tha tội cho . Bác Lính Tập bỏ đồng bạc trong túi áo , rồi đòi thêm một đồng nữa . Người hành khách cũng phải chịu thì bác Lính Tập mới tha cho đi .
Từ Qui-Nhơn ra Tourane phải đi xe hơi mất 2 ngày . Ngủ lại ở Quảng Ngãi một đêm . Lần đầu tiên chàng trai 17 tuổi được đi xa 2 ngày đêm liên tiếp như thế . Tuấn cố thu vào trong con người tất cả những phong cảnh , nhân vật , mà chàng trông thấy dọc đường . Nhưng đêm ở Quảng Ngãi , Tuấn không dám đi dạo phố , sợ gặp những người quen , và nhất là sợ gặp Ông Thân Sinh của chàng . Tuấn có mặc cảm của một đứa học trò bị đuổi , mắc cỡ không dám gặp lại những bạn bè cũ hoặc những người quen thuộc ở tỉnh . Tuấn có cảm tưởng chuyến đi Huế lần đầu tiên này là một cuộc lẫn trốn lén lút như người mạo hiểm trong một cuộc hành trình bí mật .
Ðêm ấy , nằm trong phòng ngủ của khách sạn Công ty do hãng xe đò dành riêng cho hành khách đi xe của hãng , Tuấn lắng tai nghe trong phòng kế cận tiếng khóc ấm ức rất là thê thảm của một người đàn ông . Tuấn nôn nao cảm động , muốn biết người hành khách đó là ai vậy , và tại sao họ khóc liên miên như vậy , không lúc nào ngớt ? Tuấn lóp ngóp bò dậy , khẽ bước chân không ra đứng nơi cửa buồng của chàng .Tuấn lắng tai nhưng không nghe được gì cả , ngoài tiếng khóc thút thít , lúc nức nở , lúc rên rỉ , như kẻ đau khổ đang bị một tai nạn gì bi ai thảm thiết lắm . Một lúc lâu Tuấn thấy cửa phòng mở , và một người đàn ông chạc 35, 40 tuổi từ trong bước ra . Tuấn để ý đến đôi mắt của ông tràn đầy những ngấn lệ .
Ông mặc đồ Tây , không biết từ đâu đến , nhưng có lẽ xuống xe lúc 6 giờ chiều . Bây giờ đã 10 giờ khuya ông vẫn chưa thay đồ ngủ . Ông đi ra sân sau một lúc trở vào , Tuấn đánh bạo hỏi :
- Thưa ông , sao ông khóc dữ vậy ? Ông có điều chi đau khổ lắm phải không ?
Người hành khách lạ lại òa lên khóc , vừa ấm ức trả lời :
- Tôi làm instituteur ( Trợ Giáo Trung Tiểu Học ) ở Tourane , hôm qua được dây thép của Mẫu thân tôi ở Nha Trang …báo tin …ông Thân tôi chết tại quê nhà …Tôi buồn lắm cậu à …Tôi thương Song Thân tôi lắm …Tôi mất ông Thân tôi …tức là tôi mất tất cả …( ông lại khóc lớn ) .
- Thưa thầy , Bác năm nay bao nhiêu tuổi ?
- Ông thân tôi ..thọ 78 tuổi …
- Thưa thầy , Bác đau bệnh gì ?
- Thân phụ tôi …khoẻ mạnh , ổng chết vì bịnh già …
Bây giờ tôi về …để tang …và lo an táng …Thân phụ tôi .
Thâý Tuấn cũng rưng rưng nước mắt , và gương mặt ngây thơ , ông hỏi :
- Cậu ở đâu ?
- Thưa thầy , tôi là cựu học sinh Collège Qui Nhơn .
- Cậu đi đâu đây ?
- Tôi đi Huế , tiếp tục học thi Diplôme.
- Cậu tên gì ?
- Dạ, Tuấn .
- Cậu còn song thân không ?
- Dạ, thưa thầy còn .
- Cậu có phước quá …cậu phải thương yêu song thân như trong sách luân lý đã dạy …Mình là con trai được cha mẹ sinh ra nuôi dưỡng cho khôn lớn , phải có hiếu với cha mẹ , phải kính cha mẹ , thương cha mẹ …cha mẹ mình mất tức là mình mất tất cả …
Vừa nói vừa khóc…thầy trợ giáo lại khóc òa lên khiến Tuấn bùi ngùi không cầm được giọt lệ.
Có lẽ tại vì biết Tuấn là học trò collège( trung học ) , nên tự nhiên thày trợ giáo sẵn dịp thuyết cho Tuấn một bài học luân lý gia đình bằng tiếng Pháp :
- Souvenez-vous que vous avez rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père… Vous voyez. Je ne suis plus jeune comme vous, mais devant le deuil cruel qui me frappe, je pleure comme un enfant…Parce que je suis toujours l’enfant de mon père…un père que j’aime, que j’adore, que je chéris le plus au monde…
( Cậu nên nhớ rằng một đêm cậu có gặp một thầy trợ giáo đang khóc vì cha chết . Cậu thấy không , tôi đâu còn trẻ như cậu , nhưng trước cái tang tàn bạo đang dày vò tôi , tôi vẫn là đứa con của thân phụ tôi , một đấng từ phụ mà tôi yêu tôi cưng , mà tôi qúi hơn hết trên đời ) .
Nói xong thầy trợ giáo đủng đỉnh bước vào phòng của thầy . Tuấn nhìn theo cái băng tang bằng crêpe đen , dày và to mà thầy đeo trên cánh tay phải …
Là một thanh niên của thế hệ 1927 sống trong một xã hội còn thấm nhuần đạo Khổng , Tuấn rất khâm phục thầy giáo, tự nguyện rằng mình sẽ là một đứa con có hiếu như thầy và sẽ nhớ mãi những lời thầy khuyên bảo về đạo làm con . Cả đêm Tuấn không ngủ được cứ nghe tiếng thầy trợ giáo ở phòng kế cận thút thít khóc cha và Tuấn cứ lập đi lập lại nhiều lần mấy câu tiếng Pháp của thầy :” Souvenez-vous que vous avez rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père…”
Tuấn nhớ lại có lần Tuấn trông thấy dán trên vách tường nhà một người bạn có theo đạo Thiên Chúa một bức ảnh màu của bà Maria ngước lên Trơì đôi mắt đẩm lệ , và ở dưới bức ảnh có chứa một câu in nét đậm :” Souviens-toi que ta Mère a pleuré “ ( con hãy nhớ rằng Mẹ con đã khóc )
Nào là của đạo Khổng , nào là của đạo Phật , đạo Thiên Chúa , những câu danh ngôn về đạo đức , luân lý , đầy những nước mắt đã thâm nhập vào tâm hồn còn ngây thơ của Tuấn , ngay lúc Tuấn đang còn chập chững phiêu lưu vào trường đời .
Sau này, cuộc đời của Tuấn sẽ thay đổi rất nhiều , xã hội Việt Nam cũng không còn phong độ thanh cao khương kiện nữa , nhưng Tuấn vẫn không quên câu chuyện của thầy trợ giáo khóc cha , và mấy lời thầy chỉ bảo cho chàng bằng tiếng Pháp ở một quán trọ trên bước đường phiêu lãng .
Tuấn, chàng trai đất Việt
Lời Tựa
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
CHƯƠNG 35
CHƯƠNG 36
CHƯƠNG 37
CHƯƠNG 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
CHƯƠNG 43
CHƯƠNG 44
CHƯƠNG 45
CHƯƠNG 46
CHƯƠNG 47
CHƯƠNG 48
CHƯƠNG 49
CHƯƠNG 50
CHƯƠNG 51
CHƯƠNG 52
CHƯƠNG 53
CHƯƠNG 54
CHƯƠNG 55
CHƯƠNG 56
CHƯƠNG 57
CHƯƠNG 58
CHƯƠNG 59
CHƯƠNG 60
CHƯƠNG 61
CHƯƠNG 62