CHƯƠNG 61
Tác giả: Nguyễn Vỹ
1942 - 1943
- Kampétai
- Khái Hưng – Nguyễn Tường Tam – Vũ Đình Duy – Trần Trọng Kim – Dương Bá Trạc .
- Hai chủ quyền Nhật – Pháp .
- Phong trào “ Thanh Niên Thể Dục Thể Thao" của Ducoroy.
- Decoux
- Cái bọt xà-bông .
Tuấn và một số bạn của Tuấn đều bị Kempétai ( Hiến binh Nhật ) bắt vì tư tưởng chống Nhật , do một tên tình báo Nhật chỉ dẫn .
Trụ sở Kampétai là một cơ sở của hảng dầu Shell bị quân đội Nhật Hoàng trưng dụng , ở góc hồ Bẩy Mẫu , gần ngôi chùa Sư Nữ , phía sau khu hội chợ Hà Nội , trên đường Halais nối dài đầu đường Khâm Thiên quanh co xuống đường Chợ Hôm .
Bên trong sở Kampétai , có một phòng giam bít bùng kín mít , không có cửa . Tù nhân bị đưa vào đó phải bò bốn chân chui qua cái lỗ vuông mỗi bề độ 4 tấc , rộng bằng một cái chuồng chó . Phía mặt tiền , đóng một dọc song gỗ vuông để lọt vào đôi chút ánh sáng lờ mờ . Nơi hành lang trước chuồng tù , một tên lính Nhật mang kiến trắng , đeo gươm, tay cầm roi cá đuối . Trông gương mặt hắn còn trẻ , vào khỏang 21, 22 tuổi , có vẻ thông minh , nhưng hắn rất dữ . Một thằng tù nào không ngồi yên trong chuồng , là bị hắn thò roi qua song gỗ , quất trót trót lên đầu .
Tuấn và ba người bạn đồng chí của Tuấn bị nhốt trong đó , mỗi đứa bị đặt ngồi mỗi góc . Người thứ tư , có một nét mặt như người Triều Tiên , ngôì trong góc cuối cùng .
Trên trần , treo một ngọn đèn điện 25 watts bọc vải đen theo biện pháp chiến tranh hồi đó .
Mỗi bửa ăn trưa và tối , một người lính Nhật đem đẩy vào cổng chuồng một mâm gỗ đựng bốn bát cơm có sẵn đồ ăn , mỗi người lấy một bát và một cái muỗng . Tuấn chẳng biết là thức ăn gì , nhưng nuốt vào sặc mùi dầu, ăn hôi rình . Phải ăn cho kỳ hết . Tuấn bỏ mứa một lần nửa bát , bị thằng lính Nhật ở ngoài thò roi vào quất trên đầu ba roi rỉ máu . Tuấn mửa hết cả ra chiếu .
Bị giam trong chuồng chó 15 hôm . Tuấn bị dẫn ba lần lên lầu hai , vào một phòng riêng để Nhật lấy khẩu cung .
Một sĩ quan Nhật đeo trên cánh tay một băng trắng viết chữ đỏ bằng Hán tự “ Hiến Binh Ðội Trưởng “, có một người An nam làm thông ngôn . Tên thông ngôn cũng mặc quân phục Nhật , tuy hắn là dân sự . Người thời bấy giờ có đặt một danh từ riêng để chỉ bọn thông ngôn và tình báo cho Nhật là “ Jap-lô canh “ . Tiếng ấy thông dụng đến cả giới bình dân An nam , vì bọn làm mật vụ cho Nhật , và làm tình báo viên , lúc bấy giờ rất đông . Hầu hết là bọn thất nghiệp , trí thức dở mùa , xu thời , đón gió .
Người điềm chỉ cho Kampétai bắt Tuấn là một cậu “ văn sĩ ba xu “ viết truyện kiếm hiệp cho một vài nhà buôn chuyên môn xuất bản loại chuyện đó , bán mỗi cuốn 3 xu .
Sau ba lần lấy khẩu cung , Tuấn thoát chết nhờ đêm Ba mươi Tết tối trời ( Tết năm Nhâm Ngọ ,1942) , trong một trường hợp phi thường , và trốn được ra ngoài . Nhưng ngay sáng hôm đó , Tuấn bị bắt lại trước đền Trấn Quốc , trên bờ Hồ Tây , đến nhà thờ “Ðức Thánh Ðồng Ðen “ .
Lần này , Tuấn bị Mật thám Pháp bắt và bị đày đi an trí tại một nơi rừng thiêng nước độc của dân thiểu số Radhé thuộc huyện Củng Sơn , tỉnh Phú Yên , Trung kỳ .
Nơi nhà giam này , Tuấn gặp nhiều người tù khác , quê quán Thanh Hoá đến Phan Rang , và thuộc nhiều đảng phái khác nhau : Cộng sản độ 70 người , trong số đó có Hà Huy Giáp , Buì Công Trừng , Hồ Tùng Mậu , Lưu Quí Kỳ , Trần Công Khanh , Trần Đình Tri v.v…
Ðảng Ngô Ðình Diệm ( Không phải Việt Nam Phục Quốc Hội của Cường Ðể , tuy rằng Ngô Đình Diệm là đại diện của Cường Ðể ở Trung Kỳ cũng như Vũ Đình Duy ở Bắc kỳ và Trần Văn An ở Nam Kỳ ) , 4 hay 5 người , trong đó có Lương Duy Ủy , Võ Như Nguyện , Linh mục Hiền ( thưòng gọi là Cha Hiền , bạn của Cha Ngô Đình Thục ) .
Cao Ðài độ vài chục người có Trần Văn Chí , Trần Duy hầu hết là lãnh tụ Cao Ðài ở Quảng Nam , Quảng Ngãi .
Trong thời gian Tuấn bị bắt lần thứ hai , và bị giam ở Ty Mật thám Hà Nội , người Nhật đã chiếm đóng toàn cõi Ðông dương , từ Bắc kỳ vào Nam kỳ , qua Ai lao , Cao Miên . Ðối với Pháp mà theo Hiệp Ðịnh Robin-Tojo ký ở Tokyo, Nhật vẫn tôn trọng chủ quyền Pháp ở Ðông dương , và quân đội của Nhật hoàng chỉ là thượng khách , được chính quyền thuộc địa Pháp rất kính nể , ít nhất cũng ở ngoài mặt .
Nhưng trên thực tế thì quân đôị Nhật vẫn tự coi như là chủ nhân ông , và họ lấn áp dần dần chủ quyền người Pháp ở An nam trên nhiều phương diện , nhất là về quân sự , tuyên truyền và kinh tế .
Tuy bị giam ở Lao Mật thám Hà Nôị , trước khi đi an trí , nhưng Tuấn cũng như 100 anh chị em khác bị câu lưu nơi đây , thỉnh thoảng được lén lút coi vài tờ nhất báo ở Hà Nội , nhất là hai tờ Ðông Pháp và Tin Mới do một vài người lính có cảm tình hoặc người thợ nề , thợ mộc , đút dấu cho .
Tuấn say mê theo dõi những tiến triển của Chiến Tranh Nhật-Mỹ ở Thái Bình Dương , và Ðức, Ý, Anh , Pháp ở Tây Âu . Nhờ xem lén các báo , Tuấn cũng dò biết được tình hình tổng quát trong nước về mọi sinh hoạt hàng ngày .
Có triệu chứng kỳ lạ , là số người Việt Nam thân Nhật , và theo Nhật , không nhiều .
Ðại đa số thanh niên trí thức , sinh viên , học sinh , không vồn vả với người Nhật , mặc dầu Nhật đang oanh liệt vì chiến thắng khắp nơi .
Những bậc trí thức đàn anh đáng kính như Trần Trọng Kim , Dương Bá Trạc , những bạn làng văn , làng báo có uy tín như Vũ Đình Duy , Khái Hưng , Nguyễn Tường Tam, đã hoàn toàn đi hẳn với Nhật . Người ta được biết rằng Trần Trọng Kim và cựu Cử nhân Hán học Dương Bá Trạc đã được người Nhật lén đưa vào Nam Kỳ ở nhà hàng Dainan Koosi của nhà đại thương gia kiêm gián điệp Mathushita ở Saigon , và từ đây hai ông được đưa qua Singapore với Trần Văn Ân .
Nhiều anh em nhà văn đồn rằng họ đã thấy tận mắt , Vũ Đình Duy và Nguyễn Tường Tam mặc quân phục Nhật đeo lon sĩ quan Nhật , mang gươm , đeo kính trắng , ngồi trong xe hơi Nhật , chạy qua một vai đường phố lớn ở Hà Nội , nhất là phố Hàng Ðẩy , nơi đây có Tổng Hành Dinh Quân Ðội Nhật Hoàng .
Nhưng “ DÂN CHÍNH ÐẢNG “ thân Nhật của Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam không quy tụ được giới thanh niên trí thức và không tuyển mộ được bao nhiêu đảng viên .
Giới trí thức và trẻ ở Hà Nội , cũng như ở Huế và Saigòn , đều dè dặt đứng ngoài , không hăng hái tán thành chủ trương “Ðại Ðông Á “ của Nhật , mặc dầu Nhật tuyên truyền rầm rộ và công khai trước những con mắt lo sợ của người Pháp ở Ðông dương .
Dân chúng thì hoàn toàn thờ ơ , lo làm lụng , ăn chơi , như thể không cần biết cuộc chiến tranh như thế nào , và tương lai sẽ ra sao . Các lớp thanh niên Nam Nữ học sinh Bắc kỳ , Trung kỳ và Nam Kỳ đều bị thu hút vào phong trào Thể dục và Thể thao của Toàn quyền Phó Ðô Ðốc Hải quân Jean Decoux .
Tuấn rất ngạc nhiên nhận xét sự kiện sau đây :
Trong những năm 1942-43-44, bên Tây Âu , lãnh thổ Pháp bị quân đội Hitler chiếm đóng hơn một nửa , chỉ còn một nửa ở miền Nam để cho chính phủ bù nhìn Pierre Laval và của Thống chế Pétain cai trị dưới quyền kiểm soát của Ðức , bên Ðông Nam Á thì quân đôị Nhật hoàng làm bá chủ thật sự trên đất Việt Nam , chỉ để cho chính quyền bảo hộ Pháp một vài “ chủ quyền “ mong manh trên nguyên tắc , thế mà người Pháp vẫn dùng đủ các mánh lới lôi kéo được dân An nam , và cả thế hệ thanh thiếu niên An nam về phía họ .
Họ dùng cái thần chú “ Thống chế Pétain “ với ba tiêu đề “ CẦN LAO – GIA ÐÌNH - TỔ QUỐC “ ( Travail – Famille – Patrie ) , để mê hoặc đầu óc và đầu độc tim gan của một dân tộc 25 triệu người , kể cả thế hệ thanh niên tràn đầy nhựa sống .
Tuấn không hiểu được hiện tượng phi lý đó .
Nhưng , hai tay bị xiềng trong khóa sắt , Tuấn bước vô lao tù , mắt vẫn nhìn thẳng phía trước với lòng tin tưởng rằng hiện tượng phi lý đó sẽ tan như bọt xà-bông .