Dị ứng (Allergies)
Tác giả: nhiều tác giả
Dị ứng là phản ứng của cơ thể khi bị ảnh hưởng của thời tiết, hoặc những chất lạ xâm nhập từ bên ngoài. Các hiện tượng như nghẹt mũi, sổ mũi, mắt bị ngứa và chảy nước mắt, buồng phổi có cảm giác nóng ran, co thắt... đều là triệu chứng của dị ứng.
Dị ứng bắt nguồn từ 3 nguyên nhân: sự tiếp xúc, thức ăn và những bụi bặm trong không khí. Bạn thường bị nghẹt mũi, sổ mũi vào mùa xuân, khi có nhiều phấn hoa trong không khí; hoặc khi ăn quá nhiều tôm, cua... Phổ biến nhất là dị ứng do bụi bặm trong không khí.
Bác sĩ Thomas, Trưởng khoa Dị ứng và Miễn dịch Trung tâm y khoa Đại học Virginia nhận định như sau: "Không khí trong nhà thường chứa rất nhiều bụi bặm đủ loại, và loại dễ gây dị ứng nhất là những vi sinh vật nhỏ li ti bay theo bụi bặm trong không khí".
Những vi sinh vật này chỉ có thể nhìn thấy qua kính hiển vi, có hình thù tương tự như con nhện hoặc con bọ chét. Tự chúng không tạo ra dị ứng. Chính các chất tiết ra từ cơ thể chúng còn vướng lại trên bàn ghế, nệm, thảm... và xác chết của chúng mới là nguyên nhân chính tạo nên dị ứng.
Ngoài ra, những bụi bặm bay trong nhà có thể chứa phấn của các loại nấm li ti, những phân tử phát ra từ da, lông chó, mèo nuôi trong nhà... Nếu là người mẫn cảm, bạn sẽ rất dễ bị hắt hơi và hắt hơi liên tục khi hít phải chúng.
Các phương pháp dưới đây có thể giúp bạn chữa trị và phòng ngừa các triệu chứng của dị ứng.
Dùng đúng loại thuốc
Một người không quen với các tên thuốc có thể mua lầm loại thuốc không trị được triệu chứng dị ứng của mình. Có người đứng hàng giờ trước những tên thuốc, cuối cùng cũng không chọn được loại thích hợp. Những hướng dẫn sau có thể giúp bạn ít nhiều trong những lúc phân vân này.
- Bị dị ứng vì thức ăn (tôm, cua, thịt bò...): Dùng Cloro-trimeton là hữu hiệu nhất. Thuốc này bán không cần đơn, có 3 loại từ nhẹ đến nặng là 4 mg, 8 mg, 12 mg. Bạn nên bắt đầu từ loại nhẹ trước và tăng lên nếu cần.
- Bị nghẹt mũi, bạn có thể tìm loại thuốc có đề chữ NASAL DECONGESTANT. Loại thuốc uống tốt hơn là thuốc nhỏ mũi. Loại nhỏ hoặc xịt thường làm hết nghẹt mũi ngay, nhưng nếu dùng quá 3 ngày sẽ làm mũi sưng lên và nghẹt hơn trước.
- Bị sổ mũi, chảy nước mũi: Nên dùng loại có đề chữ ANTIHISTAMINE. Loại thuốc này chặn đứng sự bài tiết nước mũi, nhưng thường gây ra buồn ngủ.
Nhìn chung, các loại thuốc bán không cần đơn như Dimetapp, Sudafed Plus... hoặc các thuốc đề chữ Cold-Pills, Cold-Capsules với hàng chữ Nasal Decongestant và Antihistamine đều rất hiệu quả trong việc chữa các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt... Tuy các thuốc này bán không cần đơn, nhưng nếu bạn đang có bệnh và đang uống thuốc do bác sĩ cho, nên hỏi bác sĩ của mình trước khi dùng chúng. Nhớ đọc kỹ nhãn hiệu trước khi dùng.
Dùng máy lạnh hoặc máy lọc không khí
Máy lạnh hoặc máy làm khô (air de humidifier) có thể giảm bớt độ ẩm của không khí trong nhà bạn, giúp hạn chế sự sinh sản của các vi sinh vật.
Máy lọc không khí (air cleaner) cũng là một thiết bị tốt nếu bạn thường bị dị ứng. Máy này có thể hút các vi sinh vật trong không khí, giữ lại trong máy và nhả ra không khí trong lành.
Máy lọc không khí thường được bán tại các cửa hàng máy móc gia dụng hoặc các cửa hàng bán vật liệu xây cất.
Tấn công các nơi sinh sản của vi sinh vật
Các nơi có độ ẩm cao như phòng tắm, nhà hầm... rất thuận lợi cho sự sinh sản của các vi sinh vật và nấm mốc gây dị ứng. Bạn có thể diệt các ổ sinh sản này với các loại thuốc xịt nấm mốc (fungicide) có bán ở các tiệm thuốc tây.
Thuốc tẩy quần áo Clorox có thể được dùng như một loại thuốc sát trùng. Pha chất này với nước, dùng giẻ lau các tường, vách, vật dụng ở nơi có độ ẩm cao, lau lại bằng nước thường sau 5 phút.
Không cho chó, mèo vào nhà
Bác sĩ Richard P. thuộc Đại học Y khoa tiểu bang NJ (Mỹ) cho biết, trong 1 tuần, chó mèo của bạn chỉ cần đi qua căn phòng một lần, căn phòng đó có thể gây dị ứng cho bạn trong một tuần lễ sau đó. Biện pháp tốt nhất là đừng nuôi chó mèo; nếu đã lỡ nuôi, đừng để chúng vào phòng, nhất là phòng ngủ của bạn.
Mang khẩu trang khi tiếp xúc với bụi bặm
Khẩu trang là một miếng vải nhỏ hoặc giấy xốp che trước mũi, dùng để tránh bụi bặm. Những người làm nghề phải tiếp xúc nhiều với bụi bặm nguy hiểm như bác sĩ, thợ sơn, thợ móng tay... thường dùng loại này.
Nếu bạn đang bị dị ứng mà phải dọn dẹp nhà kho, phải hút bụi thảm... bạn bắt buộc phải dùng khẩu trang nếu không muốn chứng dị ứng của mình trở nên trầm trọng hơn.
Nệm, thảm là chỗ tập trung bụi bặm
Các ghế nệm, giường nệm, là chỗ tập trung của các vi sinh gây dị ứng. Nếu bạn bị một chứng dị ứng dai dẳng kéo dài nhiều ngày, có thể là do giường ngủ có quá nhiều bụi. Việc dùng plastic bao nệm lại có thể giúp bạn mau khỏi bệnh hơn.
Tốt nhất bạn không nên dùng thảm lót nhà; nên lót gạch, vinyl hoặc dùng những miếng thảm nhỏ có thể giặt thường xuyên.
Các vật dụng trong phòng ngủ
Các vật dụng có thể giữ bụi bặm và vi sinh như chăn, gối, tấm lót dưới lớp ra trải giường, tấm phủ trên ra trải giường... đều nên được giặt thường xuyên bằng nước nóng và xà phòng. Nếu bạn đang bị dị ứng, việc giặt những vật này có thể giúp bệnh mau lành hơn rất nhiều.
Mẹo vặt:
- Mỗi ngày uống 200 mg-300 mg chất Niacin (bày bán chung với các sinh tố trong nhà thuốc tây). Các triệu chứng dị ứng sẽ giảm đi thấy rất rõ. Nên uống trước khi đi ngủ.
- Dị ứng với mì chính: Nhiều người sau khi ra quán ăn một tô phở, một tô hủ tíu... thì cảm thấy mệt ở cổ, chóng mặt, bần thần, hoặc khát nước cả ngày hôm đó... Đó là tình trạng dị ứng với mì chính. Hãy uống 50 mg-100 mg sinh tố B6 (không nên dùng thường xuyên liều lượng này vì có thể sinh biến chứng).
- Trước khi đi ngủ khoảng 30 phút, uống một viên sinh tố B5 loại 150 mg để không bị nghẹt mũi khi nằm ngủ, đồng thời xoa dịu được các triệu chứng dị ứng khác. Thuốc này tuyệt đối an toàn, có thể dùng mỗi ngày (không tạo biến chứng khi dùng nhiều hoặc dùng thường xuyên).