nhiều tác giả
Tắt tiếng
Tác giả: nhiều tác giả
Bạn thức dậy vào một buổi sáng. Như thường lệ, bạn bước vào phòng tắm để rửa mặt, chuẩn bị đi làm. Vợ bạn đang loay hoay trong nhà bếp, có lẽ đang chuẩn bị món điểm tâm cho hai vợ chồng. Từ phòng tắm, bạn gọi với ra: "Em ơi, pha giùm anh ly cà phê!". Kỳ lạ chưa, bạn chợt nhận ra rằng tiếng nói không còn thuộc về mình nữa. Chỉ có những tiếng khò khè trong cổ họng. Bạn tằng hắng và thử lại một lần nữa, chẳng có gì khá hơn. Bạn biết mình đã bị tắt tiếng. Nói theo y học, bạn bị nhiễm trùng bộ phận phát âm.
Bộ phận giúp bạn phát ra tiếng nói nằm ở cổ họng, chúng ta thường gọi đùa là trái táo của ông Adam. Ở cổ họng đàn bà, bộ phận này không lồi ra như với đàn ông, vì vậy tiếng nói của họ thanh hơn. Phía dưới bộ phận phát âm này có hai màng rung giống như lưỡi gà của một cây kèn, giúp chúng ta phát ra tiếng nói khi hơi được đẩy từ phổi lên miệng.
Chỉ cần một thay đổi rất nhỏ ở màng rung này là tiếng nói nghe khác hẳn. Thay đổi này có thể tạo ra do một lần la hét quá to, do nhiễm trùng của bộ máy hô hấp, do chứng dị ứng khi thời tiết thay đổi, hoặc chỉ đơn giản vì không khí quá khô khan. Tất cả các lý do này đều có thể tạo sự thay đổi từ nhẹ (như khan tiếng), đến nặng (như tắt tiếng), thậm chí đến mức nguy hiểm khi sự khan tiếng hay tắt tiếng này đi kèm theo cảm giác đau đớn ở cổ họng mỗi khi bạn nuốt nước miếng.
Bạn nên khám bác sĩ khi triệu chứng tắt tiếng kéo dài hơn 5 ngày, hoặc nghe có tiếng khò khè trong cổ họng khi hít thở, hoặc khạc ra máu... Đó là dấu hiệu chứng tỏ tình trạng nhiễm trùng cổ họng đã rất nặng, hoặc có thể bạn bị nổi mụn trong cổ họng. Sự nhiễm trùng hay nổi mụt này có thể làm phần trên của bộ phát âm sưng to, dẫn đến sự tắc nghẽn của đường không khí vào phổi.
Trước khi bệnh kéo dài đến 5 ngày, bạn có thể dùng những phương pháp dưới đây (trong đa số trường hợp, các phương pháp này có thể giúp bạn lấy lại tiếng nói không mấy khó khăn).
Đừng nói chuyện
Việc nói chuyện, hơn bất cứ lý do nào khác, làm triệu chứng tắt tiếng lâu khỏi hơn, vì các màng rung trong cổ họng cứ phải hoạt động nhiều mà không có dịp nghỉ ngơi để bình phục.
Ngay cả việc thì thầm rất nhỏ cũng gây hại. Theo bác sĩ George tại bệnh viện Boston (Mỹ), khi chúng ta thì thầm bằng tiếng gió, các màng rung trong cổ họng lại dao động mãnh liệt không kém gì khi chúng ta hét thật to.
Giữ cho cổ họng không bị khô
Không khí quá khô thường là nguyên nhân của đa số trường hợp mất tiếng. Bạn có để ý rằng tiếng nói của mình hơi bị khàn đi sau một buổi đi picnic ngoài trời không, nhất là khi bạn đi về miền núi trong khi thời tiết khô?
Không khí khô thường làm khô màng rung trong cổ họng cũng như lớp đờm bảo vệ quanh nó. Khi bị khô, lớp đờm này lại trở thành một chất rất dính, càng làm sự phát âm bị cản trở nhiều hơn.
Để tránh làm cổ họng bị khô, bạn có thể dùng những cách dưới đây:
- Hãy thở bằng mũi: Không khí đi vào bằng đường mũi sẽ phải qua nhiều ngõ ngách ẩm ướt trước khi vào đến cổ họng, và những ngõ ngách ẩm ướt này làm cho không khí bớt khô đi.
- Đừng hút thuốc trong lúc bị tắt tiếng: Khói thuốc là nguyên nhân đứng đầu trong các nguyên nhân làm cổ họng bị khô.
- Uống nhiều nước (chừng 10 ly mỗi ngày): Việc này có thể giúp cho cổ họng giữ ẩm nhiều hơn. Nên uống nước lạnh hoặc nước trái cây. Nước trà quá đậm và các loại rượu có thể làm cổ họng có cảm giác khô hơn.
- Ngậm kẹo ho: Các loại kẹo này thường có thể giúp giữ ẩm ướt trong cổ họng. Nên dùng loại có mùi trái cây, tránh loại the có bạc hà hay mùi cay (mint).
- Đừng uống thuốc aspirin: Nếu bạn vì hét quá lớn mà bị khan tiếng, thuốc này có thể gây phản ứng phụ cho cổ họng và làm bệnh lâu lành hơn. Các thuốc làm dịu đau có chất acetaminophen (như thuốc Tylenol) đỡ hại hơn aspirin.
Nhìn chung, chỉ với 2 việc là nói ít và giữ cho cổ họng đừng bị khô, bạn đã có thể chữa bệnh tắt tiếng của mình trong vài ngày. Nên khám bác sĩ khi những phương pháp trên không làm giảm được bệnh tắt tiếng của bạn.