nhiều tác giả
Sốt
Tác giả: nhiều tác giả
Sốt là một từ ngữ thông dụng để mô tả tình trạng thân nhiệt lên rất cao (trên 100 độ F hoặc 38 độ C). Thân nhiệt con người có thể tăng lên vì nhiều lý do như tập thể dục, uống rượu, thời tiết quá nóng, bệnh... Sự gia tăng này thường làm cho bạn cảm thấy khó chịu, và nếu số đo đọc được trên nhiệt kế lên trên 40 độ C, bạn có thể đang ở trong tình trạng nguy hiểm.
Thật ra, không phải bất cứ cơn sốt nào cũng nguy hiểm. Theo bác sĩ Stephen tại Đại học Columbia, có những cơn sốt có lợi. Đó có thể là những phản ứng của cơ thể để chống lại vi khuẩn gây hại, có thể là dấu hiệu cơ thể đang phản ứng với mục đích làm một cơn bệnh chóng khỏi, hoặc do bạn dùng một loại thuốc kháng sinh và thuốc này phát sinh hiệu quả...
Nhìn chung, nếu bị sốt nhẹ, hãy đừng vội làm gì cả, mà chỉ cẩn thận theo dõi thân nhiệt của mình. Chỉ bắt đầu làm giảm cơn sốt nếu có những hiện tượng sau đây:
- Có cảm giám tê dại ở cổ song song với cơn sốt.
- Thân nhiệt lên cao hơn 40 độ C.
- Cơn sốt kéo dài hơn 5 ngày.
- Cơn sốt của hài nhi nhỏ hơn 4 tháng.
Dù cơn sốt thuộc loại nguy hiểm hay không, những phương pháp dưới đây đều có thể giúp bạn ứng phó một cách hữu hiệu và kịp lúc.
Uống nhiều nước
Trong cơn sốt, cơ thể thường ra mồ hôi. Đó là phản ứng tự nhiên để làm giảm cơn sốt. Khi mồ hôi đổ ra nhiều, cơ thể cần thêm nước để bù đắp lại số bị mất. Do đó, việc uống nhiều nước là chuyện hết sức cần thiết. Dĩ nhiên, ngoài nước lọc ra, bạn có thể uống nước trái cây, nước trà.. miễn là đừng uống rượu hoặc bia. Men rượu có thể làm thân nhiệt tăng vọt lên.
Đắp nước lạnh lên trán và lau những nơi quá nóng
Biện pháp này nên dùng khi thân nhiệt lên quá cao. Dùng một khăn nhúng nước lạnh đắp lên trán, thay 5-10 phút một lần.
Đồng thời, khi thân nhiệt lên cao, dùng khăn nhúng nước ấm lau những chỗ kín như nách, háng. Nước bốc hơi tại những chỗ này sẽ làm thân nhiệt hạ xuống.
Tắm nước ấm
Nếu bạn cảm thấy khó chịu hay rùng mình vì cảm giác nóng hoặc lạnh của cơn sốt, có thể ngâm mình trong một bồn nước ấm (chỉ ấm thôi, không nóng quá. Nhiệt độ của bồn nước cần thấp hơn thân nhiệt để có thể hấp thụ sức nóng tỏa ra từ cơ thể. Thường thì nhiệt độ của nước bồn nên bằng với nhiệt độ của không khí trong nhà.
Sau khi tắm, nên lau khô và mặc quần áo vừa đủ ấm.
Uống thuốc giảm sốt
Thường thì để tự cơn sốt giảm sẽ tốt hơn. Dù sao, nếu bạn thấy khó chịu, có thể uống các thuốc giảm sốt như aspirin và acetaminophen (hoặc tylenol). Nên uống theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc (liều lượng trung bình là 2 viên mỗi 3 tiếng). Không nên dùng aspirin cho những người bị dị ứng với thuốc này và trẻ em dưới 21 tháng tuổi.
Có nên trùm chăn hoặc mặc quần áo thật ấm không?
Trái với thành kiến cổ xưa tại Việt Nam rằng người bị sốt phải trùm chăn thật kín và mặc quần áo thật ấm, hãy để cơ thể bạn tự nhiên. Cởi bớt y phục ra hoặc mặc thêm vào là tùy theo bạn thấy nóng hay lạnh, sao cho cảm thấy thoải mái là được. Đối với hài nhi chưa biết nói, nên theo dõi cẩn thận xem chúng đang cảm thấy nóng hay lạnh.
Về nhiệt độ trong phòng cũng vậy, nên giữ khoảng 20-25 độ C, không nên quá nóng. Mở cửa sổ vừa phải để không khí tươi mát lùa vào (nếu thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh thì đóng cửa sổ và dùng máy điều hòa không khí). Nhìn chung, cơ thể con người là bộ máy huyền diệu nhất, hãy làm những gì cơ thể cảm thấy thoải mái, bệnh sẽ mau lành hơn.
Về ăn uống
Một số bác sĩ cho rằng chỉ nên uống nước trái cây trong thời gian bị bệnh. Một số khác lại cho rằng nên ăn để bù đắp vào số năng lượng bị hao hụt. Hai phương pháp này đều có lý và đều dựa trên những căn bản y học vững chắc. Điều này cho thấy, việc chọn phương pháp nào là tùy thuộc nơi bạn, và chúng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cơn bệnh (miễn là đừng ăn quá nhiều và ăn những thực phẩm quá khó tiêu). Ảnh hưởng tâm lý cũng rất quan trọng. Có nhiều bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ, nhưng lại nằm trên giường cả tuần lễ chỉ vì những thực phẩm họ ăn (như cháo, súp) mỗi ngày làm họ có cảm tưởng là mình còn bệnh rất nặng.