Làm sao để giảm bớt cơn say?
Tác giả: nhiều tác giả
Là đàn ông, bạn có lẽ đã ít nhất một lần say rượu đến nhừ tử, đến nôn mửa...
Văn chương bình dân Việt Nam tại các bàn nhậu thường có câu: "Một xị mở mang trí tuệ, hai xị giải phá cơn sầu, ba xị có thấm tháp vào đâu..., sáu xị cho chó ăn chè, bảy xị vợ đem về cạo gió". Khi bạn đã uống đến mức cho chó ăn chè hoặc vợ đem về cạo gió thì cái cảm giác vật vã này sẽ không chỉ có ở đêm đó mà thôi, nó còn kéo dài qua đến ngày hôm sau. Bạn thức dậy cảm thấy mình mẩy ê ẩm, mọi khớp xương trong người tưởng chừng như rã rời...
Các phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn giảm được các cảm giác lừ đừ, ê ẩm này; đồng thời cũng góp phần không nhỏ trong việc làm giảm bớt cơn say.
A- Làm giảm bớt cơn say
Đôi lúc trong đời sống, việc uống rượu hầu như không thể tránh được. Bạn có thể phải uống rượu vì lịch sự, vì xã giao, vì muốn một công việc được trót lọt. Một đôi lần tham dự tiệc cưới, tiệc sinh nhật của một người bạn thân, tuy bạn không muốn uống nhiều nhưng lại không muốn làm mọi người mất vui. Thì đây, một số mẹo vặt nhỏ có lẽ tạm đủ cho bạn chung vui một cách không quá dè dặt và vẫn còn đủ tỉnh táo cho đến cuối bữa tiệc.
Hãy uống với tốc độ chậm
Cơ thể bạn có khả năng tiêu hóa chừng 35-40 ml rượu nguyên chất trong mỗi tiếng đồng hồ (lượng rượu này bằng khoảng 1 lon bia = 1 ly rượu chát). Nếu bạn có thể uống chậm hơn mức này, bạn sẽ không bao giờ biết say.
Đừng uống lúc bụng trống rỗng
Ai từng uống rượu cũng biết rằng uống lúc bụng đói sẽ dễ say hơn rất nhiều. Theo bác sĩ Mack M., Phó chủ tịch Cơ quan Y khoa Nghiên cứu về ảnh hưởng của rượu tại Maryland, thực phẩm trong dạ dày có khả năng làm chậm mức hấp thụ rượu của cơ thể; và cơ thể càng hấp thụ rượu chậm bao nhiêu, bạn càng ít say bấy nhiêu. Cảm giác say xuất hiện là do tác dụng của rượu đối với não; rượu thấm vào máu qua đường tiêu hóa, rồi máu dẫn rượu lên não.
Đừng uống những rượu có chất hơi
Các loại rượu có chất hơi như bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có hơi khác... thường làm bạn say nhanh hơn những loại rượu không có hơi. Những bọt hơi trong rượu có tác dụng đẩy nhanh sự dẫn nhập của rượu vào máu và vì thế, bạn dễ say hơn.
Muốn kiểm chứng việc này không có gì khó, hãy uống lượng rượu đủ làm cho bạn say (3 ly rượu mạnh chẳng hạn) pha với soda và xem đồng hồ để biết khi nào cảm giác ngà ngà đến với bạn. Vài ngày sau, cũng với loại rượu này, nhưng bạn uống 3 ly không pha so da trong cùng thời gian. Hãy so sánh và tự tìm ra kết quả.
Đừng bao giờ "cụng" với những người to con hơn bạn
Nếu bạn được trời sinh ra với vóc dáng nhỏ nhắn, đây là một thiệt thòi lớn cho bạn trong bàn tiệc.
Bạn cân nặng 50 kg, nếu uống cùng lượng rượu với một người cân nặng 80 kg thì khi làm xét nghiệm về lượng rượu trong máu, các chỉ số của người kia sẽ chỉ vào khoảng phân nửa của bạn. Vì vậy, nếu bạn nhỏ con, hãy uống chậm và uống ít hơn người to con.
Uống sinh tố B
Các thí nghiệm cho thấy rằng, rượu làm mất đi nhiều sinh tố cần thiết cho cơ thể bạn, đặc biệt là các loại sinh tố B. Đó là một trong những nguyên nhân làm bạn cảm thấy khó chịu khi say rượu. Việc uống sinh tố B6 và B complex sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc chống lại cảm giác say rượu.
Ghi chú: Các loại sinh tố được bán tự do tại các nhà thuốc tây. Dù sao, việc uống quá nhiều bất cứ loại thuốc nào, kể cả các sinh tố, đều không tốt cho cơ thể. Sinh tố B6 là một độc chất nếu uống quá nhiều.
Lợi ích của các khoáng chất và amino acid
Ngoài các sinh tố cần thiết, rượu còn làm mất đi các khoáng chất và các amino acid trong cơ thể nữa. Nếu bạn tiếp tế nhiều những chất này cho cơ thể, cơn say sẽ nhẹ hơn.
Bạn có để ý rằng việc uống rượu mạnh pha với nước muối Perier nhập cảng từ Pháp sẽ tạo nên hương vị "ngọt ngào" và làm cơn say "đằm" hơn so với uống rượu pha soda thường? Đó là do tác dụng của khoáng chất trong nước suối. Nhưng nếu bạn không dùng Perier, mà pha rượu với một loại nước suối khác không có gas như Vivian hay nước lọc chẳng hạn, bạn sẽ thấy cơn say càng "đằm" hơn rất nhiều.
Tác dụng làm bớt cơn say của các amino acid cũng được chứng minh qua các nghiên cứu tại phân khoa chuyên môn về các chứng nghiện của đại học Khoa học Sức khỏe Texas. Các loại amino acid thường có bán tại các nhà thuốc tây dưới dạng viên.
B- Cảm giác nhức đầu, lừ đừ sau khi tỉnh rượu
Nếu cơn say rượu làm bạn có cảm giác khó chịu như choáng vàng, nôn mửa, thì cảm giác lừ đừ mệt mỏi và cơn nhức đầu như búa bổ sau cơn say cũng làm bạn khó quên; thậm chí còn có thể làm bạn mất một ngày làm việc nữa. Để không bị cảm giác này, nhiều người đề nghị uống rượu X.O. (loại rượu có số tuổi ít nhất 50 năm, và dĩ nhiên rất đắt tiền). Những phương pháp dưới đây có thể mang lại cho bạn cảm giác thoải mái hơn.
Uống hai viên alka-seltzer trước khi ngủ
Nếu không có alka-seltzer, bạn có thể thay thế bằng aspirin, tylenol, acetaminophen hay advil, ibuprofen. Các thuốc này có công dụng trị đau nhức, uống trước khi ngủ sẽ có công hiệu tốt cho ngày hôm sau.
Tại sao alka-seltzer tốt hơn? Như trên đã nói, chất lỏng có hơi tiêu hóa nhanh hơn loại không có hơi. Alka-seltzer chẳng qua là một loại aspirin có hơi mà thôi.
Uống sinh tố B, khoáng chất và amino-acid
Sự mất mát của 3 loại trên có thể bù đắp trước hay sau lúc uống rượu. Nếu bạn quên không tiếp tế 3 chất này cho cơ thể trước hay trong khi uống rượu, thì đừng quên uống chúng với thật nhiều nước trước khi đi ngủ. Đừng để phải thức dậy vào buổi sáng với đầu nhức như búa bổ, tâm trí bần thần, miệng thì khô đắng.
Để tránh cảm giác trên, có thể uống chung một lúc 2 viên L-tyrosine loại 500 mg (amino acid), 1 viên B50, và 1 viên B6 loại 100 mg.
Uống nước cam pha với mật vào buổi sáng
Cả hai chất này đều chứa đường fructose, một loại đường có khả năng giúp cơ thể tiêu hóa chất rượu nhanh hơn. Hãy uống một ly lớn vào buổi sáng lúc mới thức dậy, bạn sẽ tỉnh táo và đỡ khát nước.
Một ly cà phê đậm đà
Cảm giác nhức đầu sinh ra do sự trương căng quá độ của mạch máu dưới ảnh hưởng của rượu. Cà phê có tác dụng ngược lại, sẽ làm các mạch máu này hết căng, và chứng nhức đầu cũng hết theo. Nhớ là uống cà phê vừa đủ để trung hòa ảnh hưởng của rượu thôi, đừng để sau đó lại bị nhức đầu và tim đập mạnh do ảnh hưởng của lượng cà phê còn sót lại.
Ghi chú: Cà phê chỉ tác dụng ngược với rượu trên triệu chứng nhức đầu mà thôi, hoàn toàn không có công hiệu "giải rượu" khi say. Có rất nhiều người lầm lẫn về điều này.
Một bữa ăn bồi bổ
Nếu không mệt đến nỗi chê cơm chán cháo, bạn nên ăn một bữa đầy đủ dinh dưỡng để bù đắp lại những thứ bị mất trong cơn say. Bữa ăn nên có nhiều chất đạm (có nhiều trong thịt, cá), carbonhydrat (có nhiều trong cơm gạo, giúp tăng cường các amino acid trong máu); ăn nhiều rau xanh để bồi bổ lượng sinh tố và khoáng chất bị mất. Kiêng đồ ăn có dầu mỡ.
Mẹo vặt:
- Trước khi uống rượu, uống 2 viên 50 mg sinh tố B6, kèm theo 1 viên sinh tố B-100 để làm bớt say hơn phân nửa. (Lưu ý: sinh tố B6 không nên dùng thường xuyên vì có thể gây biến chứng không tốt).
- Việc ăn vài bát cơm với rau luộc trước khi uống rượu có thể giúp bạn "cầm cự" rất lâu. Trong cơm, gạo, cám... có nhiều sinh tố B và carbonhydrat. Trong rau luộc (các loại rau màu xanh đậm như rau muống, rau dền, rau sà lách son) có nhiều khoáng chất, toàn là những chất bị mất nhiều nhất trong lúc uống rượu. Nếu trong lúc ăn cơm bạn lại còn "giải khát" bằng một ly nước cam pha mật nữa... thì có lẽ bạn sẽ là một trong những người còn tỉnh táo cuối cùng trong bàn rượu, đồng thời là người duy nhất thức dậy sáng hôm sau rất tề chỉnh, làm việc bình thường. Lưu ý: không nên vo gạo kỹ trước khi nấu cơm, sẽ làm mất hết các sinh tố trong gạo.