- 147 - 148 -
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Có nhà họ Thương ở huyện Lữ (tỉnh Sơn Đông), anh giàu mà em nghèo, ở liền vách nhau. Trong niên hiệu Khang Hy (1662-1722) mất mùa lớn, người em sớm tối không lo được hai bữa. Một hôm trời đã trưa mà chưa nổi lửa nấu cơm, bụng đói sôi òng ọc, không biết làm sao. Vợ bảo tới nói với anh, Thương đáp "Vô ích, nếu anh thương ta nghèo thì đã sớm có cách giúp đỡ rồi". Vợ ép mãi, Thương sai con đi, giây lát tay không quay về, Thương nói "Thế nào nào?". Vợ hỏi lại con cho rõ, đứa con nói "Bác ngần ngừ rồi nhìn bác gái, bác gái nói Anh em đã ở riêng thì cơm ai nấy ăn, ai mà lo cho nhau được". Vợ chồng im lặng đem những bát mẻ giường nát cầm bán đổi chút tấm cám sống qua ngày. Trong làng có ba bốn gã vô lại, thấy Thương anh giàu có trèo tường vào cướp, vợ chồng Thương anh giật mình tỉnh dậy đập nồi đập chảo kêu gào nhưng người làng đều ghét không ai tới cứu. Bất đắc dĩ phải gọi em, Thương nghe tiếng chị dâu kêu cứu muốn xông qua ngay, vợ ngăn lại, lớn tiếng nói vọng qua "Anh em đã ở riêng thì họa ai nấy chịu, ai mà lo cho nhau được".
Kế bọn cướp phá cửa bắt vợ chồng Thương anh đốt thịt tra tấn, hai người kêu gào thảm thiết. Thương nói "Tuy anh không có tình nghĩa nhlmg chẳng lẽ ta lại ngồi yên nhìn anh chết mà không cứu sao!", rồi dắt con nhảy tường qua lớn tiếng quát tháo. Cha con Thương vốn khỏe mạnh, người ta đều sợ, bọn cướp lại sợ có người khác cùng tới cứu bèn tháo chạy. Thương nhìn tới anh chị thì hai vế đều bị đốt cháy sém, bèn đỡ lên giường, gọi bọn gia nhân tới trông coi rồi về. Thương anh tuy bị thương nhưng của cải không mất mát tí gì, bèn nói với vợ “Nay mà còn được của cải là nhờ chú nó, phải chia ra giúp đỡ cho chú ấy". Vợ nói "Nếu anh có anh em tốt thì đã không phải chịu khổ như thế”, Thương anh cũng im lặng. Thương trong nhà hết cả cái ăn, nghĩ rằng ắt anh sẽ báo đáp chút ít nhưng lâu quá vẫn không thấy tăm hơi gì. Vợ không chờ được, sai con mang túi qua vay, mang được một đấu gạo về, vợ Thương tức giận muốn đem trả, Thương cản lại.
Qua hai tháng thì nghèo túng không còn cách nào xoay xở nữa, Thương nói "Nay không còn cách nào mưu sinh, chẳng bằng bán nhà cho anh, anh sợ ta đi chỗ khác có khi không nhận giấy tờ mà cấp cho tiền gạo chưa biết chừng. Còn nếu không thế thì được chút ít tiền cũng còn sống được". Vợ cho là đúng, sai con cầm giấy tờ nhà qua nói với Thưong anh, Thương anh nói với vợ "Cho dù chú nó bất nhân thì cũng là anh em của ta, chú ấy đi thì ta còn một mình, chẳng bằng trả lại giấy tờ nhà mà giúp đỡ cho chú ấy”. Vợ nói "Không phải thế, chú ấy nói đi là để dọa ta thôi, mà nếu đi thật thì chẳng lẽ những kẻ không có anh em trên đời đều chết ráo à? Ta cứ đắp tường cho cao cho chắc để tự giữ, chẳng bằng cứ nhận giấy tờ nhà, cho chú ấy muốn đi đâu thì đi, cũng có thể mở rộng thêm nhà cửa". Bàn định xong, bảo Thương làm giấy bán nhà rồi đưa tiền cho đi, từ đó Thương dời qua ở nơi khác.
Có bọn vô lại nghe tin Thương đã đi lại tới cướp nhà Thương anh, tra tấn đủ cách vô cùng thê thảm, có bao nhiêu tiền bạc đều phải dốc cả ra để chuộc mạng. Bọn cướp ra, mở kho thóc gọi những nhà nghèo trong thôn tới xúc, trong khoảnh khắc đã hết sạch. Hôm sau Thương mới nghe tin, chạy về xem thì anh đã hôn mê không nói gì được nữa, lát sau mở mắt nhìn em, lấy tay cào lên chiếu rồi tắt thở. Thương phẫn uất thưa lên quan huyện nhưng bọn cướp đã trốn mất không thể truy tìm, những người cướp thóc thì có tới hàng trăm mà đều là nhà nghèo trong làng, quan cũng không biết làm sao. Thương anh còn để lại một đứa con trai năm tuổi, lúc nhà đã nghèo thường tự tìm qua nhà chú ở, mấy ngày liền không chịu về, đưa về thì khóc ròng. Vợ Thương rất không ưa, Thương nói “Cha mẹ nó bất nghĩa, chứ thằng nhỏ có tội gì?", rồi mua cho vài cái bánh chưng dắt nó về. Vài hôm sau lại lén giấu vợ con mang gạo đem cho chị dâu nuôi cháu, dần dần thành lệ thường. Vài năm sau chị dâu bán nhà cũ của Thương anh được tiền cũng đủ sống nên Thương không lui tới nữa. Sau gặp năm mất mùa, người ta chết đói đầy đường, nhà Thương lại thêm đông người nên không thể giúp đỡ ai được. Năm ấy đứa cháu mười lăm tuổi, yếu ớt không làm ăn gì được, Thương sai xách giỏ theo anh bán bánh gai.
Một hôm Thương nằm mơ thấy anh tới, vẻ mặt thê thảm nói "Ta bị đàn bà mê hoặc làm mất tình anh em, mà em không nghĩ tới oán cũ khiến ta càng thêm xấu hổ. Ngôi nhà cũ đã bán nay vẫn còn gian bên trái, em nên về đó ở, phía sau nhà có đám cỏ gai, bên dưới có hố vàng chôn, đào lên cũng đủ làm nhà giàu nhỏ. Cho con ta theo sống với em, còn con mụ lắm điều kia thì ta rất ghét, đừng ngó ngàng gì tới". Thương tỉnh dậy lấy làm lạ, bèn đem món tiền lớn tới nói với chủ nhà xin thuê ở, đào hố vàng chôn lên quả được năm trăm lượng, từ đó bỏ nghề nghiệp thấp hèn, sai cháu và con mở cửa hiệu buôn bán. Đứa cháu rất thông minh, tính toán sổ sách không bao giờ lầm lẫn, tính lại thật thà phàm thu chi thì một đồng cũng thưa rõ, Thương càng thêm yêu mến. Một hôm cháu vào khóc xin gạo cho mẹ, vợ Thương định không cho, Thương thấy cháu có hiếu bèn cấp gạo cho hàng tháng. Vài năm nhà càng giàu lên, vợ Thương anh bị bệnh chết, Thương cũng già bèn chia gia sản làm đôi, cho cháu một nửa.
Dị Sử thị nói: Nghe nói Thương anh không khinh suất nhận một chút gì của kẻ khác, cũng là người trong sạch giữ mình vậy. Nhưng vợ nói gì nghe nấy, líu ríu không dám cãi lại một câu, nhẫn tâm dứt tình anh em, rốt lại vì keo kiệt mà chết. Than ôi cũng có gì lạ đâu! Thương em thì trước nghèo sau giàu, cũng có phải là người có tài cán gì đâu, chỉ là nhờ không quá nghe lời vợ đó thôi. Than ôi, chỉ một việc làm không như nhau mà nhân phẩm liền khác hẳn.
148. Số Hưởng Lộc
(Lộc Số)
Mỗ giàu sang, thường làm những việc vô đạo. Vợ thường lấy chuyện quả báo để khuyên can nhưng vẫn không nghe. Gặp lúc có người thầy bói có thể biết số hưởng lộc của người, bèn tới gặp. Người thầy bói nhìn kỹ rồi nói “Ông còn được ăn hai mươi thạch gạo, hai mươi thạch miến nữa thì hết lộc trời cho". Y về nói với vợ, tính ra mỗi người một năm chỉ ăn hết hai thạch miến, mình còn được hai mươi năm hưởng lộc trời cho, há vì làm điều không tốt mà dứt được sao? Rồi vẫn bậy bạ như cũ. Được hơn một năm chợt mắc bệnh tiêu khát, ăn rất nhiều mà vẫn đói, một ngày ăn cả chục bữa cơm, chưa đầy một năm thì chết.