Quyển XIII - 234 - 236
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Lúc còn nhỏ có lần ta lên tỉnh chơi đúng vào dịp tiết Lập xuân. Theo lệ cũ thì trước đó một hôm, các nhà buôn bán trên phố đều kết kiệu hoa trỗi đàn sáo đưa đám rước tới tỉnh đường, gọi là "diễn xuân". Ta cùng bạn bè kéo nhau đi xem, hôm ấy người đông nghẹt, trên sảnh đường có bốn ông quan mặc áo đỏ ngồi đối diện nhau theo hướng đông tây. Lúc ấy ta còn là trẻ con, chẳng biết là những quan gì, chỉ nghe tiếng cười nói ồn ào, trống chiêng ầm ĩ. Chợt có một người dắt đứa trẻ con xỏa tóc, vác hòm lên thềm, như muốn thưa bẩm. Đang khi ồn ào ầm ĩ, cũng chẳng nghe là thưa gởi những gì, chỉ thấy trên thềm cười rộ. Kế có người lính hầu bước ra lớn tiếng sai diễn trò, người ấy vâng lệnh bắt đầu, hỏi diễn trò gì. Các quan nói với nhau vài câu, rồi người lính hầu lớn tiếng hỏi giỏi trò gì, người ấy đáp giỏi trò đánh tráo vật sống. Người lính hầu vào bẩm quan một lúc, lại trở ra sai diễn trò hái đào. Người diễn trò vâng dạ, cởi áo phủ lên cái hòm, làm ra bộ oán thán nói "Bậc quan trưởng thật chẳng nghĩ cho, băng chưa tan trời còn lạnh, lấy đâu ra đào? Không hái thì sợ quan giận, làm thế nào được?". Đứa con nói "Cha đã hứa, sao lại chối từ”. Người diễn trò ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói "Ta nghĩ kỹ rồi, đầu mùa xuân tuyết chưa tan, tìm đâu ra đào ở cõi trần. Chỉ vườn của Tây Vương mẫu bốn mùa cây cỏ đều xanh tươi, may ra thì có, phải lên trời ăn trộm thôi”. Đứa con nói "Ô, trời mà lên được à?”, đáp "Có cách đây". Bèn mở hòm lấy ra một cuộn dây dài vài mươi trượng thắt thòng lọng một đầu rồi ném lên không, sợi dây lơ lửng trên không rủ xuống như mắc vào vật gì vậy.
Không bao lâu càng ném càng cao, sợi dây cứ vào dần trong mây ra, khi cuộn dây trong tay đã hết bèn gọi đứa con nói “Con ơi lại đây! Cha già yếu, nặng nề lóng ngóng không leo được, ngươi đi một chuyến!", rồi đưa đầu sợi dây cho đứa con nói "Cứ bám vào mà leo lên". Thằng con cầm dây ra vẻ khó khăn, oán trách “Ông già thật là lẩm cẩm, một sợi dây thế này mà bảo ta bám vào leo lên trời cao muôn trượng, giả như nửa chừng dây đứt, còn gì là xương ta?". Người cha lại thúc ép, nói "Cha đã lỡ miệng hứa rồi, hối cũng không kịp. Con ráng đi một chuyến, đừng ngại khó nhọc, nếu ăn trộm được đào, ắt sẽ được thưởng hàng trăm đồng tiền vàng, cha sẽ cưới cho một con vợ đẹp". Đứa con bèn nắm sợi dây leo lên, tay kéo chân quặp, như con nhện leo tơ, dần dần vào trong mây không thấy đâu nữa. Hồi lâu có một trái đào to bằng cái bát rơi xuống, người diễn trò mừng rỡ nhặt lấy đem dâng lên, các quan trên sảnh đường chuyền tay nhau xem hồi lâu, cũng không biết là giả hay thật. Chợt sợi dây rơi xuống đất, người diễn trò hoảng sợ nói "Chết rồi! Trên trời có người cắt sợi dây của ta, thằng nhỏ biết bám vào đâu?". Giây lát có một vật rơi xuống, nhìn ra là cái đầu của đứa con, người diễn trò ôm lên khóc nói "Đây ắt là nó trộm đào bị người canh bắt được, con ta thế là chết rồi!". Giây lát lại một cái chân rơi xuống không thiếu chút gì. Người diễn trò hết sức bi thương, nhặt tất cả cho vào cái hòm đậy lại, nói "Già này chỉ có một đứa con hàng ngày cùng nhau lên bắc xuống nam, nay vâng nghiêm lệnh, không ngờ chuốc phải tai họa thảm lạ đến như thế, phải mang đi chôn thôi". Rồi lên sảnh đường quỳ xuống nói "Vì chuyện hái đào mà con ta chết rồi? Nếu các quan thương giúp tiền tho tiểu nhân chôn cất nó, sẽ xin kết cỏ ngậm vành để đền ơn". Mọi người ngồi xem kinh sợ, ai cũng cho tiền. Người diễn trò nhận lấy giắt vào lưng, rồi gõ vào cái hòm kêu "Bát Bát ơi, còn chờ gì mà không ra cám ơn?". Chợt một đứa trẻ tóc tai bù xù đầu đội nắp hòm chui ra khom người cúi đầu bái tạ, thì ra là đứa con. Ta lấy làm lạ về thuật ấy nên đến nay vẫn còn nhớ. Về sau nghe nói Bạch Liên giáo có thể làm được thuật ấy, có lẽ ngườỉ diễn trò là dòng dõi của họ chăng?
235. Thuật Mồm
(Khẩu Kỹ)
Một cô gái tới làng, tuổi chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm, khoác một túi thuốc đi bán. Có người hỏi xin chữa bệnh, cô gái không biết kê đơn, bảo đến tối hỏi thần, rồi chiều tối dọn dẹp sạch sẽ một gian phòng nhỏ, vào trong đóng chặt cửa lại. Mọi người xúm xít quanh cửa sổ lắng tai nghe ngóng, chỉ thì thào nóỉ chuyện, không dám ho hắng.
Đến giữa canh một, chợt nghe thấy tiếng rèm lay động, cô gái bên trong nói "Cô Chín tới phải không?” một cô gái đáp tới rồi. Lại hỏi "Lạp Mai theo cô Chín tới đấy à?", như có một tỳ nữ đáp vâng ạ. Ba người ríu rít trò chuyện không ngớt. Giây lát lại có tiếng rèm cửa lay động, cô gái nói “Cô Sáu tới rồi", mọi người cùng nói "Xuân Mai cũng bế tiểu lang theo đấy à", có tiếng một cô gái đáp "Tiểu ca kêu khóc không chịu ngủ, nhất định đòi đi theo nương tử, nặng như cả trăm cân, cõng mệt gần chết". Rồi nghe tiếng cô gái nựng nịu, tiếng cô Chín hỏi thăm, tiếng cô Sáu chuyện trò, tiếng hai người tỳ nữ dỗ dành, tiếng trẻ con cười giỡn, rộ lên một hồi. Kế lại nghe cô gái cười nói "Cậu ấm cũng nghịch ngợm quá, xa xôi như thế mà ôm cả con mèo theo". Rồi tiếng nói ngớt dần, lại có tiếng rèm cửa lay động, tất cả lại ồn ào nói "Cô Tư sao tới chậm thế?”, có tiếng một cô gái nhỏ lí nhí "Đường xa hàng ngàn dặm, đi với cô mãi mới tới được, cô đi lại chậm". Rồi mọi người lại thăm hỏi nhau, tiếng kéo ghế, tiếng gọi lấy thêm ghế, cứ nhộn nhạo cả lên ầm ĩ trong phòng, hồi lâu mới ngớt. Kế nghe tiếng cô gái hỏi thuốc, cô Chín cho là nên có sâm, cô Sáu cho là phải có kỳ, cô Tư bảo là cần có truật, bàn bạc một lúc lại nghe cô Chín gọi đem bút nghiên ra. Không bao lâu có tiếng xé giấy soàn soạt, tiếng đặt bút lách cách, tiếng mài mực rin rít, kế đó là tiếng ném bút kéo bàn vang vang, rồi nghe tiếng lấy thuốc trong bao sột soạt. Lát sau cô gái kéo rèm, gọi người bệnh, lấy thuốc nhận đơn rồi quay trở vào.
Lập tức nghe tiếng ba cô gái chào về, tiếng ba thị tỳ chào về tiếng trẻ con bi bô, tiếng mèo ngoao ngoao lại rộ lên cùng một lúc. Tiếng cô Chín trong mà cao, tiếng cô Sáu chậm mà trầm, tiếng cô Tư dịu mà ấm, cho đến tiếng của ba tỳ nữ đều có âm sắc riêng, nghe có thể phân biệt rõ ràng được. Mọi người tin là thần cho thuốc thật, nhưng uống thử thì không khỏi bệnh. Đó gọi là thuật mồm, dùng nó để bán thuốc mà thôi, nhưng cũng kỳ lạ thật!
Vương Tâm Dật kể lúc ở kinh đô ngẫu nhiên đi ngang chợ nghe tiếng ca hát đánh đàn, người xem đông nghẹt. Tới gần nhìn thì thấy một thiếu niên cao giọng ca hát, chỉ lấy một ngón tay đè vào má, vừa đương vừa hát, tiếng nghe vang vang, không khác gì tiếng đàn, cũng là dòng dõi của người biết thuật mồm.
236. Vương Lan
(Vương Lan)
Vương Lan người huyện Lợi Tân (tỉnh Sơn Đông) bị bạo bệnh chết. Diêm Vương xét lại thì là quỷ tốt bắt lầm, bèn trách phạt bắt đưa hồn Vương về nhập vào xác lại, thì xác đã nát. Quỷ sợ tội, nói với Vương "Người mà chết làm ma thì khổ, ma mà được thành tiên thì sướng, nếu được sướng thì cần gì phải sống lại làm người?". Vương cho là đúng, quỷ nói "Ở đây có một con hồ đã luyện được kim đan, trộm lấy mà nuốt thì hồn không tan, có thể sống mãi, muốn đi đâu làm gì đều được như ý, ông có chịu không?". Vương nghe theo, quỷ bèn dắt đi, tới một phủ đệ lớn, thấy lầu gác nguy nga nhưng vắng vẻ không có một người nào. Có con hồ đứng dưới trăng, ngửa đầu nhìn lên không, thở ra một hơi, trong miệng có vật tròn bay thẳng vào mặt trăng, hít vào một hơi, vật ấy rơi xuống lại há miệng ngậm lấy, rồi lại thở ra, cứ thế làm mãi. Quỷ bèn rón rén tới bên cạnh, chờ lúc hồ thở phun vật ấy ra vội cướp lấy đưa cho Vương nuốt. Hồ giật mình, nổi giận xông tới nhưng thấy họ có hai người, sợ chống không nổi đành căm hờn bỏ đi. Vương chia tay với quỷ, về tới nhà thì vợ con nhìn thấy đều hoảng sợ chạy tan. Vương kể lại mọi chuyện, vợ con dần dần yên tâm, từ đó lại ăn ở trong nhà như lúc trước.
Bạn là Trương sinh nghe chuyện tới thăm, gặp nhau cùng trò chuyện. Vương nói “Nhà ta và anh đều nghèo, nay có thuật có thể làm giàu được, anh cùng đi với ta được không?”. Trương vâng dạ, Vương lại nói "Ta có thể không cần thuốc vẫn chữa được bệnh, không cần bói vẫn đoán được mệnh, nhưng nếu ta ra mặt lỡ gặp người quen thì họ hoảng sợ, nên cứ ngầm theo anh thôi được không?”. Trương lại vâng dạ, rồi đó sắp xếp hành trang ngay hôm ấy lên đường. Tới địa giới tỉnh Sơn Tây, có người nhà giàu nọ có con gái đột nhiên bị hôn mê, thuốc thang cầu đảo hết cách vẫn không khỏi. Trương bèn tìm tới, tự xưng là chữa được. Phú ông chỉ có một người con gái ấy, nên rất thương yêu, hứa rằng nếu chữa được sẽ đền ơn ngàn đồng vàng. Trương xin vào xem, theo phú ông vào phòng, thấy cô gái nhắm mắt nằm yên, giở chăn lên vỗ vào người vẫn không hay biết gì.
Vương ngầm nói với Trương rằng "Hồn cô này lạc mất rồi, phải đi tìm mới được". Trương bèn nói với phú ông rằng bệnh tuy nguy nhưng vẫn có thể cứu được. Phú ông hỏi cần thuốc gì, Trương đáp rằng đều không cần, hồn con gái ông đi lạc rồi, đã sai thần đi tìm. Khoảng sau một giờ Vương chợt trở lại nói với Trương là đã tìm được. Trương bèn mời ông vào lại trong phòng xem, lại gọi cô gái, giây lát cô ta ngồi dậy, mở mắt nhìn. Phú ông cả mừng vỗ về hỏi han, cô gái nói "Con đang chơi trong vườn thì thấy một thiếu niên cầm cung bắn chim, có mấy người dắt ngựa theo hầu. Con đang muốn chạy thì họ cản đường, chàng thiếu niên ấy đưa cung cho con, bảo con bắn. Con xấu hổ từ chối, y bèn kéo con lên ngựa, thúc ngựa chạy rồi cười nói ‘Ta đang muốn vui vẻ với cô, đừng có xấu hổ’. Được vài dặm thì vào trong núi, con vừa la vừa chửi, y nổi giận xô con ngã xuống cạnh đường. Đang muốn về nhưng không biết đường, chợt thấy có một người tới nắm tay con kéo đi như bay, chớp mắt đã về tới nhà, chợt tỉnh dậy đây".
Phú ông cho là thần kỳ, quả tạ ơn Trương một ngàn đồng vàng. Đêm tới Vương bàn với Trương giữ lại hai trăm để ăn đường, còn bao nhiêu mang cả về nhà, gõ cửa đưa cho con, bảo đem ba trăm đồng qua đưa cho vợ Trương, rồi trở lại nhà phú ông. Hôm sau cáo từ, phú ông không thấy Trương cầm tiền bạc gì cả, càng lấy làm lạ, kính cẩn đưa tiễn. Vài hôm sau, Trương gặp người cùng làng là Hạ Tài trên đường. Tài ham uống rượu đánh bài không lo làm ăn nên nghèo mạt, nghe Trương học được phép lạ kiếm được rất nhiều tiền nên đi tìm. Vương khuyên Trương cho y chút ít tiền bảo vệ. Tài không bỏ nết cũ, chơi bời được chục hôm hết sạch tiền, lại đi tìm Trương.
Vương đã biết trước, nói "Tài là kẻ bừa bãi, không nên gần gũi, chỉ nên cho tiền bảo đi đi, nếu có tai họa cũng không nguy hiểm". Vài hôm quả nhiên Tài tới, năn nỉ xin đi theo, Trương nói "Ta đã biết ngươi sẽ tìm tới nữa, nhưng ngươi chỉ lo cờ bạc rượu chè, dẫu đưa ngàn đồng vàng cũng như bỏ vào cái túi không đáy. Nếu ngươi thật tâm bỏ thói xấu, thì ta tặng cho một trăm đồng vàng". Tài hứa hẹn thề thốt, Trương bèn dốc hết tiền bạc ra đưa cho. Tài trở về, trong túi có trăm đồng vàng, đánh bạc càng lớn, uống rượu chơi gái lu bù, coi tiền như rác. Chức dịch trong làng nghi ngờ bắt giải lên quan, khảo tra rất nặng. Tài khai rõ tiền bạc ở đâu mà có, quan bèn sai lính giải đi tìm Trương, được vài ngày bị thương nặng chết dọc đường.
Hồn Tài không quên Trương lại tìm tới nương tựa, nhân đó gặp Vương. Một hôm cùng uống rượu với nhau. Tài say quá la ầm lên, Vương ngăn lại không nghe. Gặp lúc quan Ngự sử tuần sát đi ngang, nghe tiếng la sai tìm bắt được Trương, Trương nói rõ sự thật. Quan Ngự sử tức giận phạt roi, rồi đốt điệp sớ cáo với thần. Đến đêm nằm mộng thấy một người mặc giáp vàng tới nơi "Đã xét Vương Lan vô tội mà chết đã thành quỷ tiên, làm việc chữa bệnh cũng là sự nhân đức, không thể coi là loại yêu tà quỷ mị. Nay vâng mệnh Thượng đế, đã trao cho y chức Thanh đạo sứ. Hạ Tài càn quấy bừa bãi, đã phạt giam vào núi Thiết Vi. Họ Trương không có tội gì, nên tha y ra". Quan Ngự sử tỉnh dậy lấy làm lạ, bèn tha cho Trương. Trương khoác gói về làng, trong túi còn mấy trăm đồng vàng, bèn đưa một nửa tới nhà Vương, con cháu Vương từ đó trở nên giàu có.