- 371 - 375 -
Tác giả: Bồ Tùng Linh
I.
Có người đồ tể bán thịt về, trời đã xế chiều, một con sói theo sát, hít hít giỏ thịt chảy cả nước dãi. Cứ từng bước từng bước lẽo đẽo theo suốt mấy dặm, y sợ rút dao ra thì nó sẽ làm dữ, nhưng đã rảo chân chạy mà nó vẫn đuổi theo. Y không biết làm sao, nhưng nghĩ thầm con sói muốn ăn thịt, chẳng bằng cứ treo giỏ thịt lên cây rồi mai ra lấy. Bèn lấy móc sắt móc giỏ thịt nhón chân máng lên cành cây. Thấy y không còn mang giỏ thịt, sói bèn dừng lại, y vội đi tắt về nhà. Sáng sớm ra lấy thịt, thấy trên cây có một vật lớn lơ lửng giống hệt người chết treo, y cả sợ rón rén tới gần nhìn thì ra là con sói đã chết. Ngẩng lên nhìn kỹ, thấy trong miệng nó còn ngậm thịt mà bị cái móc sắt móc vào hàm trên như cá mắc câu. Lúc ấy da sói đang có giá, y bán được hơn mười đồng vàng, gia cảnh trở nên dư dật. Đúng là chuyện bắt cá trên cây, câu được con sói kể cũng buồn cười.
II.
Một người đồ tể buổi chiều bán thịt về, trong giỏ không còn thịt mà chỉ có mớ xương thừa, trên đường gặp hai con sói cứ theo sát. Y sợ, ném lại một cục xương, một con dừng lại ăn còn con kia cứ bám theo. Lại ném thêm cục xương, con này dừng lại ăn thì con kia đã ăn xong, lại tới sát, cứ thế một hồi, mớ xương trong giỏ đã hết sạch mà hai con sói vẫn đuổi theo. Y sợ quá, lại lo hai con từ hai phía tấn công, thấy trên đồng có sân phơi lúa, trong sân có rơm cỏ chất thành đống, bèn chạy mau tới dựa lưng vào đó, rút dao ra, hai con sói không dám xông vào, cứ đứng gầm ghè nhìn. Giây lát một con sói bỏ đi, một con vẫn ngồi trước mặt y, hồi lâu thì nhắm mắt thiu thiu ngủ như là vô sự. Y vọt mau ra chém đầu nó, bồi thêm mấy nhát giết chết luôn. Đang định đi tiếp, vòng ra phía sau đống rơm cỏ thì con sói kia đang đào một cái hang định tấn công phía sau, đã lọt hết vào hang chỉ còn ló khúc đuôi. Y chém đứt chân nó, giết chết luôn. Lúc ấy mới hiểu rằng con sói phía trước vờ ngủ là để dụ địch, loài sói cũng giảo quyệt thật. Nhưng trong chớp mắt cả hai con đều bị giết, cầm thú gian giảo thì được bao lăm, chỉ làm trò cười mà thôi!
III.
Một người đồ tể đi đường lúc sẩm tối, bị sói đuổi, thấy bên đường có cái chòi của người cày ruộng dùng để nghỉ trưa, bèn chạy vào núp. Con sói thò chân qua vách lá quờ quờ, y vội chụp lấy giữ chặt song nhìn quanh không có vật gì để giết chết nó. Mò được con dao ngắn không đầy một tấc, bèn cắt hết lớp da dưới bàn chân con sói, rồi ra sức thổi theo như lối thổi heo quay. Lát sau thấy con sói không vùng vẫy cử động gì nữa, y mới cởi thắt lưng buộc chân nó vào vách rồi ra nhìn, thì con sói đã phình to như con bò, chân thẳng đuột ra không co lại được, miệng cứ há hốc, bèn vác nó về. Thật nếu không phải là người làm nghề đồ tể thì không sao nghĩ ra cách ấy được.
Ba chuyện trên đều là chuyện của đồ tể thì sự tàn nhẫn của kẻ đồ tể cũng đắc dụng trong việc giết sói vậy.
372. Nhà Sư Bán Thuốc
(Dược Tăng)
Mỗ người huyện Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông) ngẫu nhiên đi chơi tới một ngôi chùa ngoài đồng, gặp một nhà sư vân du đang ngồi ngoài nắng bắt rận, trên đầu thiển trượng treo cái hồ lô như người bán thuốc. Mỗ đùa hỏi “Hòa thượng có bán thuốc dùng vào việc trong phòng không?". Nhà sư đáp “Có loại thuốc làm yếu hóa mạnh, nhỏ hóa to, công hiệu lập tức khỏi chờ qua đêm". Mỗ mừng rỡ nài mua, nhà sư tháo vạt áo lấy ra một viên thuốc to bằng hạt ngô bảo nuốt. Chờ khoảng nấu sôi nồi cơm thì Mỗ thấy vật kín đột nhiên to hẳn lên, mò xem thấy đã to gấp ba lúc trước. Lòng vẫn chưa thỏa, bèn rình lúc nhà sư đi tiểu lén mở vạt chiếc áo lấy hai ba viên nữa nuốt hết. Trong khoảnh khắc thấy trong bụng đau như xé, gân thịt co cả lại, cổ rút lưng khòm, mà vật kín cứ dài to ra mãi không thôi, kinh hoàng nhung không biết làm sao. Nhà sư quay lại trông thấy bộ dạng Mỗ phát hoảng nói "Chắc ông đã uống trộm thuốc của ta rồi?” Vội đưa một viên thuốc cho uống, Mỗ mới thấy vật kín không dài ra thêm nữa. Cởi áo ra xem thì thấy đã to suýt soát bằng hai đùi, như ba cái chân vạc vậy. Bèn rụt cổ khệ nệ lặc lè trở về, cha mẹ đều không nhận ra, từ đó trở thành kẻ vứt đi, lê la ăn xin ngoài đường, rất nhiều người trông thấy.
373. Quan Ngự Y
(Thái Y)
Trong niên hiệu Vạn Lịch thời Minh (1573-1619) có Bình sự họ Tôn mồ côi cha từ nhỏ, mẹ mới mười chín tuổi ở vậy nuôi con. Lúc Tôn đỗ Tiến sĩ thì mẹ đã mất, thường nói với mọi người rằng "Thế nào ta cũng phải xin được cáo mệnh* để làm rạng rỡ cho người dưới suối vàng, mới có thể đền đáp được công lao vất vả của mẫu thân". Chợt Tôn mắc bạo bệnh ngày càng nặng. Tôn vốn chơi thân với quan Ngự y nên sai người qua mời, người đi mời vừa ra khỏi cửa thì bệnh Tôn đã nguy kịch, trợn mắt nói “Sống mà không nêu cao được thanh danh để làm rỡ ràng cha mẹ, còn mặt mũi nào nhìn thấy mẹ già ở suối vàng?”, rồi tắt thở, mắt vẫn mở to. Không bao lâu quan Ngự y tới, nghe tiếng khóc lóc vội vào thăm hỏi, thấy tình trạng Tôn như thế lấy làm lạ. Người nhà kể lại, Ngự y nói "Muốn cha mẹ được phong tặng cũng không phải là khó. Hiện nay Hoàng hậu sắp lâm bồn, chỉ cần sống thêm mười ngày nữa thì có thể được ban cáo mệnh"** . Rồi lập tức lấy ngải đốt vào mười tám huyệt trên cái xác, lửa vừa tàn thì Tôn rên lên, vội đổ thuốc cho uống, Tôn liền sống lại. Ngự y dặn "Phải nhớ kỹ là không được ăn thịt cọp thịt gấu, người nhà cũng đừng quên". Nhưng Tôn lại cho rằng những thức ấy hiếm khi có, nên cũng không để ý lắm. Ba ngày sau thì bình phục, lại vào triều làm việc. Qua sáu bảy ngày nữa, quả nhiên Hoàng hậu sinh được Thái tử, vua triệu các quan vào cho ăn tiệc mừng. Nhà bếp nấu món ăn lạ đưa lên, vua sai ban cho các quan văn võ theo thứ tự trên dưới, món ăn trắng tươi như khối mỡ có chỉ đỏ chạy bên trong, thơm ngon không gì sánh bằng, Tôn ăn mà không biết là thứ gì. Hôm sau hỏi bạn đồng liêu, họ đáp "Đó là tay gấu” Tôn cả kinh thất sắc, bệnh cũ lại phát, về tới nhà thì chết.
* Cáo mệnh: ngày xưa quan lại có công hay giữ chức lớn thường được triều đình phong tặng chức hàm cho cha mẹ, văn bản phong tặng ấy gọi là cáo mệnh.
** Hiện nay... cáo mệnh: cả câu ý nói có thể hoàng hậu sẽ sinh con trai, nhân dịp vui mừng này của hoàng gia có thể triều đình sẽ phong tặng cho cha mẹ các quan.
374. Người Đàn Bà Nhà Quê
(Nông Phụ)
Làng Từ Diêu phía tây huyện có người đàn bà nhà quê khỏe mạnh như đàn ông, thường cứu giúp kẻ hoạn nạn, can ngăn chuyện xích mích trong làng, ở khác huyện với chồng. Chồng là người huyện Cao Uyển (tỉnh Sơn Đông), thỉnh thoảng mới ghé, ngủ một đêm rồi đi. Người đàn bà tự làm lụng kiếm ăn, làm nghề thồ đồ gốm đi bán, nếu có hôm dư dật thì cho đám ăn xin. Một đêm đang ngồi chơi nói chuyện với hàng xóm, chợt đứng dậy nói “Thấy bụng hơi đau, chắc sắp sinh rồi”, rồi chào về. Trời sáng, người đàn bà hàng xóm qua thăm, thấy nàng vác hai cái khạp đụng rượu lớn đang bước vào cửa, theo vào tới phòng trong thì có đứa bé mới sinh nằm trên giường, hoảng sợ hỏi thì nàng vừa sinh xong đã mang vật nặng đi hàng trăm dặm. Người đàn bà vốn thân thiết với người cô ở am bắc, kết nghĩa làm chị em với nhau. Sau nghe người cô làm điều xấu xa, giận dữ vác gậy qua định đánh cho một trận, mọi người xúm vào năn nỉ hết lời mới thôi. Một hôm gặp người cô trên đường, người cô dè bỉu hỏi ta có tội gì? Nàng cũng không đáp, cứ đánh đá như mưa, đến khi người cô không kêu được nữa mới tha cho bỏ đi.
Dị Sử thị nói: Những người mà đời gọi là nữ trượng phu còn tự biết là không phải trượng phu, song người đàn bà này đã quên mình là kẻ khăn yếm vậy. Hào sảng tự vui, có khác gì bậc kiếm tiên thời cổ đâu. Hay chồng nàng cũng là loại người mài gươm chăng?
Phụ: Truyện Nữ Hiệp Khách Ẩn Nương
(Kiếm Hiệp Nữ Ẩn Nương Truyện)
Nhiếp Ẩn nương là con gái Đại tướng Ngụy Bác Nhiếp Phong trong niên hiệu Trinh Nguyên thời Đường (785-804). Năm nàng mười tuổi có người người cô khất thực ở nhà Phong, nhìn thấy Ẩn nương rất thích, hỏi xin Phong. Phong tức giận, người cô nói “Cho dù có cất kín trong hòm sắt ta cũng bắt trộm được". Đến đêm thì Ẩn nương mất tích. Năm năm sau người cô đưa Ẩn nương về gia đình hỏi được dạy gì, nàng đáp "Đầu tiên sư phụ cho con uống một viên thuốc, sai cầm kiếm đuổi chém khỉ vượn cọp beo, đều chặt đứt đầu. Được ba năm thì đâm chim cắt, chim ưng, nhát nào cũng trúng. Được bốn năm thì có đâm người trong chợ giữa ban ngày cũng không ai trông thấy ánh kiếm. Được năm năm thì sư phụ mở cho một cái hốc sau đầu, giấu lưỡi chủy thủ vào đó, lúc nào dùng thì tuốt ra. Nhân đó lại nói với con rằng: “Kiếm thuật của ngươi đã thành tựu rồi, nên trở về nhà, rồi đưa con về. Lại dặn rằng về tới nhà, gặp chàng trẻ tuổi làm nghề mài gươm thì lấy làm chồng". Trong niên hiệu Nguyên Hòa (806- 828), Thống súy Ngụy Bác có hiềm khích với Tiết độ sứ Trần Hứa là Lưu Xương Duệ, sai Ẩn nương tới giết Lưu. Lưu biết trước là Ẩn nương sẽ tới bèn ra đón, Ẩn nương nói “Quan Bộc xạ ở đây tả hữu không có người, ta xin bỏ bên kia theo ông”, đại khái nàng biết Thống súy Ngụy Bác không bằng Lưu vậy. Kế Lưu từ đất Hứa về kinh bái kiến Thiên tử, Ẩn nương không chịu theo, về sau không biết là đi đâu.
375. Quách An
(Quách An)
Tôn Ngũ Lạp có đứa tiểu đồng đêm ngủ một mình, chập chờn thấy có người tới bắt đi. Tới một cung điện, thấy Diêm Vương ở trên nhìn nó nói “Lầm rồi, không phải người này”, bèn sai đưa về. Nó tỉnh dậy sợ quá, dời sang ngủ chỗ khác. Lại có người đầy tớ là Quách An thấy giường trống bèn lên nằm ngủ. Có một người đầy tớ khác là Lý Lộc vốn ghét đứa tiểu đồng bèn chém chết. Cha Quách An lên kêu khóc với quan huyện, lúc ấy Trần Kỳ Thiện làm Tri huyện lại cứ thản nhiên như không, cha Quách kêu gào thảm thiết nói "Nửa đời mới có được một thằng con trai, bây giờ ta biết làm sao để sống?". Trần bèn phán vậy thì nhận Lý làm con để nó nuôi, cha Quách đành ngậm đắng nuốt cay trở về. Chuyện đứa tiểu đồng thấy ma thật không lạ, lối họ Trần xử án mới thật là lạ.
Vương Ngư Dương nói Tri huyện Tân Thành Trần Đoan Am Ngưng tính nhân từ nhu nhược không quyết đoán. Có Vương sinh tên Dự Triết cho người ta thuê nhà, lâu ngày không được trả tiền, bèn kiện lên quan. Trần không xử được, chỉ nói "Kinh Thi có câu Chim thước có tổ, chim cưu vào ở, ngươi cứ làm chim thước là được".
Huyện Tây đất Tế (tỉnh Sơn Đông) có kẻ giết người, vợ người chết kiện lên quan. Huyện lệnh tức giận, lập tức bắt hung phạm tới, đập bàn mắng "Người ta vợ chồng yên vui, ngươi lại làm chị ta góa chồng à? Phải lập tức cưới chị ta, cho vợ ngươi góa chồng", rồi bắt hai người lấy nhau. Lối xử án sáng suốt ấy đều là việc các bậc Tiến sĩ đầu bảng làm, chứ kẻ xuất thân đường khác thì không sao làm được. Trần cũng lè nhè như thế, ai không có tài năng chứ?